Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2016

SÁCH MÁC BÀI 34


SỰ CHUẨN BỊ CỦA CỨU CHÚA – NÔ LỆ CHO SỰ PHỤC VỤ MANG TÍNH CỨU CHUỘC CỦA NGÀI
(1)
Kinh Thánh: Mác 11:1-26
KẾT LUẬN VỀ SỰ PHỤC VỤ PHÚC ÂM
CỦA CỨU CHÚA – NÔ LỆ
Ở cuối chương 10, chúng ta có kết luận về chức vụ phúc âm của Cứu Chúa – Nô Lệ. Mác 4:35-10:52 là một phần dài đề cập đến sự chuyển động trong phục vụ phúc âm của Cứu Chúa–Nô Lệ. Phần này đề cập đến 29 vấn đề: làm cho gió yên biển lặng (4:35-41); đuổi một đội quân quỉ (5:1-20); chữ lành người đàn bà băng huyết và làm cho bé gái đã chết sống lại (5:21-43); bị người Na – xa – rét khinh dể (6:1-6); sai mười hai môn đồ đi rao giảng (6:7-13); sự tuận đạo của người dọn đường cho phúc âm (6:14-29); cho năm ngàn người ăn (6:30-44); đi bộ trên biển (6:45-52); chữa lành khắp mọi nơi (6:53-56); dạy về những điều làm cho ô uế từ bên trong (7:1-23); đuổi quỉ ra khỏi con gái của người đàn bà Sy –rô–phê–ni–xi (7:24-30); chữa lành người căm điếc (7:31-37); cho bốn ngàn người ăn (8:1-9); không ban một dấu hiệu nào cho người Pha – ri – si (8:10-13); cảnh báo về men của người Pha – ri – si và của Hê – rốt (8:14-21); chữa lành người mù ở Bết – sai – đa (8:22-26); được nhận biết là Đấng Christ và việc mặc khải về sự chết và phục sinh của Ngài lần thứ nhất (8:27-9:1); được biến hình trên núi ( 9:2-13); đuổi một linh câm ra khỏi con trai của một người đàn ông (9:14-29); tiết lộ về sự chết và phục sinh của Ngài lần thứ nhì (9:30-32); dạy về tính khiêm nhường (9:33-37); dạy về sự bao dung để hiệp nhất (9:38-50); đến Giu – đê (10:1); dạy chống lại việc ly dị (10:2-12); chúc phước cho con trẻ (10:13-16); dạy về người giàu và vương quốc Đức Chúa Trời (10:17-31); lên Giê – ru – sa – lem và tiết lộ về sự chết và phục sinh của Ngài lần thứ ba (10:32-34); dạy về con đường dẫn đến ngai của vương quốc Đức Chúa Trời (10:35-45); đến Giê– ri– cô và chữa lành người mù tên Ba – ti – mê (10:46-52). Qua 29 vấn đề này, Chúa Jesus đã chuẩn bị các môn đồ để họ được đem vào sự chết và phục sinh của Ngài.

ĐƯỢC ĐEM VÀO TRONG SỰ CHẾT
VÀ PHỤC SINH CỦA CHÚA
Tại sao một số môn đồ của Chúa cần được đem vào trong sự chết và phục sinh của Ngài? Lời giải đáp cho câu hỏi này là nếu không như vậy thì các môn đồ không thể dự phần vào việc vui hưởng Chúa. Hơn nữa, nếu không vui hưởng Chúa bằng cách được đem vào sự chết và phục sinh của Ngài thì họ không thể nào bước vào vương quốc Đức Chúa Trời hay có bất cứ điều gì liên hệ đến vương quốc.
Chúng ta bước vào vương quốc qua việc vui hưởng Chúa, qua việc vui hưởng Đấng Christ bao – hàm – tất – cả là sự thay thế toàn diện. Để  vui hưởng Ngài như vậy, chúng ta cần phải trải qua sự chết và phục sinh của Ngài. Vì vậy, Chúa đã hành động trên các môn đồ để làm cho họ sẵn sàng được đem vào tiến trình chết và phục sinh của Ngài.
Chúng ta đã thấy Chúa hướng về Giê – ru – sa – lem để chết ở đó. Nhưng chúng ta cũng cần nhận biết rằng Chúa đã không lên Giê – ru – sa – lem một mình.Trái lại, Ngài đã dẫn theo một số môn đồ trung tín. Những môn đồ này đã không sáng tỏ về những gì đang xảy ra. Có lẽ họ chỉ thấy rằng Chúa thật đáng yêu và họ muốn đi đến bất cứ nơi nào Ngài đi. Thật ra, mục đích của Chúa là đem tất cả họ vào trong sự chết và phục sinh của Ngài. Một khi những người theo Chúa được đem vào sự chết và phục sinh của Ngài, họ mới có thể thật sự tham dự vào việc vui hưởng Ngài cách thực tiễn. Chính qua sự chết và phục sinh mà Chúa đã trở nên phần hưởng và sự thay thế của chúng ta.
MỘT KHẢI TƯỢNG TUYỆT DIỆU
Trong Phúc Âm Mác, chúng ta thấy Phi – e – rơ, Giăng và Gia – cơ và những người trung tín khác đi theo Chúa. Theo quan điểm của họ, họ đang đi theo Chúa. Nhưng theo quan điểm của Chúa, Ngài đang chuẩn bị để họ được đem vào sự chết và phục sinh của Ngài. Vào thời điểm đến Giê – ri – cô, họ đã hoàn toàn được chuẩn bị cho điều này.
Bằng cách bước vào sự chết và phục sinh của Chúa, các môn đồ đã có thể vui hưởng Chúa và kinh nghiệm Ngài là sự thay thế của họ. Kết quả là vào ngày lễ Ngũ Tuần, có 120 người được Chúa thay thế và họ là những người vui hưởng Ngài. Họ đều được đem vào sự chết và phục sinh của Chúa. Qua sự chết và phục sinh của Ngài, họ được dự phần trong Ngài là một thân vị sống, bao – hàm – tất – cả, làm sự thay thế của họ.
Qua sự chết và phục sinh của Chúa Jesus, các môn đồ cũng có một lối vào vương quốc Đức Chúa Trời cách phong phú. Vì vậy, vào ngày Ngũ Tuần, chúng ta thấy bức tranh về vương quốc Đức Chúa Trời. Với Phi – e – rơ và 120 môn đồ vào ngày Ngũ Tuần, chúng ta có sự biểu lộ của vương quốc Đức Chúa Trời. Sự biểu lộ này bao gồm việc vui hưởng trọn vẹn Đấng Christ là sự thay thế toàn diện, bao – hàm – tất – cả qua sự chết và phục sinh của Ngài. Làm thế nào 120 môn đồ có thể ở trong vương quốc của Đức Chúa Trời vào ngày Ngũ Tuần? Điều này chỉ có được bởi vào sự chết và phục sinh của Đấng Christ.
Theo Công vụ chương một, 120 môn đồ này là người Ga – li – lê. Mặc dầu họ là người Ga – li – lê nhưng Chúa Jesus đã đem họ qua nhiều điều để đến Giê – ru – sa – lem, nơi họ bước vào sự chết và phục sinh của Ngài. Khi Chúa bị đóng đinh, những người Ga – li – lê này đã ở đó và chứng kiến sự chết của Ngài. Thật ra, họ đã trải qua sự đóng đinh cùng với Ngài. Cuối cùng, họ được đem vào trong sự phục sinh của Chúa và chứng kiến Ngài thăng thiên. Rồi vào ngày Ngũ Tuần, Chúa và Linh được đổ trên họ. Tất cả những gì họ đã thấy và trải qua trở thành một thực tại đối với họ. Họ đã thấy Chúa chết, họ đã bước vào sự phục sinh của Ngài và họ đã chứng kiến Ngài thăng thiên. Nhưng khi Chúa và Linh đổ ra trên họ thì tất cả những vấn đề này đã trở nên thực tại đối với họ. Điều này có nghĩa là họ đã ở trong sự chết, phục sinh và thăng thiên của Chúa. Họ đang dự phần vào việc vui hưởng trọn vẹn Đấng Christ bao – hàm – tất – cả là sự thay thế toàn diện.
Tất cả chúng ta cần có một khải tượng như vậy khi đọc Phúc Âm Mác. Nếu không có khải tượng này, chúng ta không thể bước vào sự sâu nhiệm của sách này.
 Bề ngoài dường như Mác là một sách gồm các câu chuyện Thật ra, đây không phải là một sách gồm các câu chuyện mà là một sách chứa đựng một khải tượng tuyệt vời. Khi đọc các chương của Phúc Âm này, dường như chúng ta đang xem truyền hình thiên thượng, hết cảnh này đến cảnh kia được “truyền” vào linh chúng ta. Ngợi khen Chúa vì một khải tượng như vậy.
Chúng ta cảm ơn Chúa vì đã cho chúng ta biết những môn đồ thân thiết của Ngài đã được làm cho có đủ điều kiện, được hoàn hảo, được trang bị và được làm cho sẵn sàng để bước vào sự chết và phục sinh của Ngài là như thế nào. Một phân đoạn dài từ 4:35 đến 10:52 đã trình bày một bức tranh rõ ràng về việc những người Ga – li – lê trước kia rất thiên nhiên mà nay đã có thể được chuẩn bị để bước vào sự chết và phục sinh của Đấng Christ là như thế nào. Ở cuối chương 10, họ đã hoàn toàn được chuẩn bị sẵn sàng đã đến Giê – ru – sa – lem, tức là bước vào sự chết và phục sinh của Đấng Christ.
PHÉP LẠ VĨ ĐẠI NHẤT TRONG VŨ TRỤ
Ngoài chính Đấng Christ thì sự chết và phục sinh của Ngài là hai vấn đề vĩ đại nhất trong vũ trụ. Chỉ có chính thân vị của Đấng Christ mới lớn hơn hai điều này. Ngoài chính Đấng Christ thì không có điều gì vĩ đại bằng sự chết và phục sinh của Ngài.
Chúng ta đã thấy rằng thật ra khi hướng về Giê – ru – sa – lem thì Chúa Jesus đang hướng đến sự chết của Ngài. Rồi qua sự chết, Ngài bước vào sự phục sinh. Chúa Jesus đã mạnh dạn đi từ Ca – bê – na – um đến Giê – ru – sa – lem để bước vào sự chết. Đức Chúa Trời và toàn cõi thọ tạo đang chờ đợi điều này. Jesus biết rằng Ngài đang đi đến Giê – ru – sa – lem để thực hiện một cái chết vĩ đại, bao – hàm – tất – cả. Vì đã biết thời điểm được chỉ định, tức ngày Ngài phải chịu chết, nên Chúa mạnh dạn đi đến Giê – ru – sa – lem.
Chúng ta có thể nói rằng phép lạ vĩ đại trong vũ trụ là Chúa bước vào và hoàn tất sự chết bao – hàm – tất – cả của Ngài. Theo Hê – bơ – rơ chương 12, Chúa vui với những gì đặt trước mặt Ngài (c. 2). Ngài biết rằng có một niềm vui đặt trước mặt Ngài. Vì vậy, Ngài đi lên Giê – ru – sa – lem để có thể hoàn thành mục đích của Đức Chúa Trời qua sự chết của Ngài. Thật là một bước đi vĩ đại trong cuộc gia tể của Đức Chúa Trời.
Việc Chúa đem tất cả chúng ta vào trong sự chết với Ngài khi Ngài phải chịu một cái chết bao – hàm – tất – cả là một vấn đề hết sức có ý nghĩa. Nếu thấy điều này, chúng ta sẽ không xem Phúc Âm Mác chỉ là một cuốn sách gồm các câu chuyện. Thay vì thế, chúng ta sẽ thấy sách này hàm chứa một khải thị lớn.
CHUẨN BỊ CHO CÔNG TÁC CỨU CHUỘC CỦA CHÚA
Đến cuối chương 10, chức vụ phúc âm của Cứu Chúa – Nô Lệ đã được hoàn tất. Chúng ta đã thấy chức vụ của Cứu Chúa – Nô Lệ bao gồm 5 vấn đề là các nội dung của sự phục vụ phúc âm: rao giảng phúc âm, dạy lẽ thật, đuổi quỉ, chữa lành người bịnh và tẩy sạch người phung. Tất cả những vấn đề này đều được hoàn tất ở cuối chương 10. Vì vậy, các chương từ chương 11 đến chương 16 khác với các chương trước đó của Phúc Âm Mác về bản chất. Trong 6 chương cuối cùng của Phúc Âm này, chúng ta không còn những điều như đuổi quỉ hay chữa lành người đau yếu. Thay vào đó, trong 11:1-14:42, chúng ta thấy Cứu Chúa – Nô Lệ đã chuẩn bị để phục vụ cho sự cứu chuộc của Ngài. Trước khi Chúa có thể thực hiện công tác cứu chuộc của Ngài, cần có một sự chuẩn bị nào đó.
Không bao nhiêu người đọc Phúc Âm Mác ý thức rằng chương 11 liên quan  đến việc Chúa chuẩn bị cho việc phục vụ sự cứu chuộc của Ngài. Trong chương này, Chúa đã chuẩn bị hoàn cảnh, Ngài đã chuẩn bị những người sẽ đóng đinh Ngài và Ngài cũng chuẩn bị các môn đồ. Chúa đi lên Giê – ru – sa – lem vì mục đích hoàn thành sự chết cứu chuộc của Ngài. Nhưng sự chết này đòi hỏi một sự chuẩn bị lớn. Vì vậy, Chúa đến Giê – ru – sa – lem trước để thực hiện điều này, như được ghi lại trong 11:1 đến 14:42. Tất cả những gì được ghi lại trong các chương này đều không phải là ngẫu nhiên. Trái lại, tất cả các vấn đề được ghi lại ở đây đều liên hệ đến sự chuẩn bị của Cứu Chúa – Nô Lệ để hoàn tất việc phục vụ cho sự cứu chuộc của Ngài.
VÀO GIÊ-RU-SA-LEM VÀ Ở TRỌ TẠI BÊ-THA-NI
Phương diện đầu tiên của việc Cứu Chúa – Nô Lệ chuẩn bị phục vụ cho sự cứu chuộc của Ngài là vào Giê – ru – sa – lem và ở trọ tại Bê – tha – ni. Mác 11:1 và 2 chép: “Khi gần tới Giê – ru – sa – lem, vừa đến Bết – pha – ghê và Ba – tha – ni bên núi Ô – liu, Jesus sai hai môn đồ, mà bảo rằng: Hãy đi đến làng đối diện các ngươi, khi vào đó, tức thì sẽ thấy một con lừa con đương cột chưa hề có ai cưỡi; hãy mở ra, dắt về đây”. Ở đây, chúng ta thấy sự toàn tri của Cứu Chúa – Nô Lệ, là điều nói lên thần tính của Ngài.
Các câu 7 và 8 chép: “Đoạn, họ dắt con lừa về cho Jesus, trải áo mình trên nó, rồi Ngài cưỡi lên. Nhiều người trải áo mình trên đường, kẻ khác rải nhánh cây chặt trong đồng”. “Áo” tượng trưng cho mỹ đức nhân tính thuộc về cách cư xử của con người. Các môn đồ tôn trọng Cứu Chúa – Nô Lệ bằng cách trải áo của họ trên con lừa để Ngài cưỡi lên, và đám đông tôn trọng Ngài bằng cách trải áo trên đường để Ngài đi qua.
ở đây (c. 8) là lá của cây chà là (Gi. 12:13). Nhánh cây chà là tượng trưng cho sự sống đắc thắng (Khải. 7:9) và sự thỏa mãn trong việc vui hưởng kết quả phong phú của sự sống này, như được hình bóng bởi lễ Lều Tạm (Lê. 23:40; Nê. 8:15). Đám đông dùng cả y phục lẫn nhánh cây chà là để đón rước Cứu Chúa – Nô Lệ.
Cứu Chúa – Nô Lệ đã xuất hiện cách vinh hiển và nhận được sự tiếp đón nồng hậu. Điều này diễn ra theo sự khôn ngoan của Chúa. Để chuẩn bị phục vụ cho sự cứu chuộc thì điều đầu tiên Ngài sắp đặt là sự tiếp đón này. Bởi được tiếp đón như vậy, Ngài nhận được sự tán đồng của quần chúng. Dường như Ngài đã nhận được sự ủng hộ của họ. Người ta quí mến Ngài và nhận biết Ngài là Đấng Mê – si.
Mác 11:9 và 10 chép: “ Người đi trước kẻ theo sau đều tung hô rằng: Hô – sa – na! Chúc tụng Đấng nhơn danh Chúa mà đến! Chúc tụng nước hầu đến, là nước của Đa – vít, tổ phụ ta! Hô – sa – na nơi chí cao!”. Những lời dân chúng reo lên được trích từ Thi Thiên 118:26, là lời tiên tri về sự đến của Đấng Mê – si. Một lời tuyên bố như vậy sẽ được lặp lại khi Chúa trở lại lần thứ hai. Vào lúc ấy, Thi Thiên 118 sẽ được ứng nghiệm hoàn toàn. Vào lúc đến lần thứ hai, Ngài sẽ cưỡi trên một đám mây chứ không phải cưỡi lừa, và Ngài sẽ ngự xuống từ các từng trời chứ không phải từ Giê – ri – cô. Khi ấy, những người Do Thái đã tin Chúa sẽ reo lên “Hô – sa – na. Chúc tụng Đấng nhơn danh Chúa mà đến!”.Những gì chúng ta thấy trong Mác 11:9 và 10 là tiền vị hay hình ảnh báo trước về sự nghênh tiếp mà Chúa sẽ nhận trong ngày ấy. Nhưng trong bất cứ trường hợp nào nguyên tắc vẫn là những người được chọn của Đức Chúa Trời nhận biết và công nhận Đấng Mê – si của họ.

Chúa biết rằng ở Giê – ru – sa – lem, Ngài sẽ đương đầu với nhiều kẻ chống đối. Nhưng trước khi đương đầu với họ, trước hết Ngài nhận được sự tán đồng của dân chúng. Đây là bước đầu tiên Ngài chuẩn bị để phục vụ sự cứu chuộc của Ngài.