Thứ Tư, 25 tháng 5, 2016

KIÊNG ĂN VÀ CẦU NGUYỆN


Cơ-đốc nhân rất quen thuộc với vấn đề kiêng ăn trong sự nguyện, nhưng tiếc thay, nhiều người hiểu sai ý nghĩa của điều này và xem đây như là một chuyện bình thường. Tôi e rằng  không có nhiều người thật sự biết ý nghĩa của việc kiêng ăn và cầu nguyện. Bây giờ chúng ta hãy đến với Kinh Thánh và xem xét kỹ vấn đề này.
Lần đầu đề cập đến sự cầu nguyện, Kinh Thánh không nói đến  nhu cầu kiêng ăn. Anh em không thấy Nô-ê hay Ap-ra-ham cầu  nguyện kèm với sự kiêng ăn. Trường hợp của Môi-se thì hơi khác. Kinh Thánh không nói tỏ tường rằng ông kiêng ăn và cầu nguyện, nhưng chắc chắn là ông đã làm điều đó khi lên núi  Si-nai để gặp  Đức Chúa Trời. Từ lúc đó trở đi, Kinh Thánh thường nhắc đến vấn đề kiêng ăn trong cầu nguyện. Đặc biệt trong Tân Ước, kiêng ăn  rõ ràng có liên quan nhiều đến cầu nguyện. Người đầu tiên kiêng ăn  trong Tân Ước là Giăng Báp-tít. Ma-thi-ơ 11 :18 chép: «Vì Giăng đã  đến không ăn không uống». Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là Giăng kiêng ăn hoàn toàn, mà là Giăng đã không dự phần vui hưởng thế giới. Một mặt, Giăng không ăn cũng không uống, và mặt  khác, ông vẫn ăn «châu chấu và mật ong rừng» (Math.3 :4). Dù sao đi nữa, ông nên được xếp vào danh sách những người kiêng ăn.

Trong lời ký thuật Tân Ước, người thứ hai kiêng ăn là Chúa Jesus. Khi Chúa xuất hiện lần đầu để phụng sự trước mặt Đức Chúa Trời, Ngài đã kiêng ăn 40 ngày. Về sau, trong sự dạy dỗ, Ngài cũng nói đôi điều về việc kiêng ăn. Chúa nói rằng khi Ngài còn ở vớ các môn đồ, họ không cần kiêng ăn, nhưng khi Ngài lìa khỏi họ, họ sẽ phải kiêng ăn (Mác 2 :18 :20). Ngài cũng nói một số quỷ không thể bị đuổi ra chỉ bởi cầu nguyện (Math. 17 :21). Vì vậy, qua gương của Chúa Jeus, chúng ta thấy Ngài là một người kiêng ăn đích thực. Đồng thời, lời dạy của Ngài cũng cho chúng ta thấy kiêng ăn thật sự là gì. Về sau, trong thời sứ đồ, Kinh Thánh bày tỏ rằng các sứ đồ thường kiêng ăn và cầu nguyện. Công Vụ chương 13 tường thuật rõ về năm tiên tri và giáo sư trong Hội Thánh tại An-ti-ốt đã kiêng ăn và cầu nguyện trong khi phụng sự Chúa. Cụ thể, khi hai người trong họ được sai đến với dân ngoại bang, họ kiêng ăn và cầu nguyện trước khi sai đi. Chúng ta có thể nói lời ký thuật về việc kiêng ăn đã đạt đến đỉnh điểm trong Công Vụ chương 13.
Tôi đã chỉ ra rất ngắn gọn về mối liên hệ giữa kiêng ăn và cầu nguyện. Từ những lời ký thuật này, chúng ta có thể thật sự thấy được mối liên hệ giữa việc kiêng ăn và cầu nguyện, hay ý nghĩa của kiêng ăn trong cầu nguyện là gì.
I. KIÊNG ĂN LÀ BIỂU HIỆN TỰ PHÁT
CỦA NGƯỜI NHẬN MỘT TRÁCH NHIỆM LỚN
Thứ nhất, kiêng ăn là biểu hiện tự phát khi con người nhận lấy một trách nhiệm lớn trước mặt Đức Chúa Trời. Lúc đó, tự phát con người sẽ kiêng ăn. Những kinh nghiệm trong đời sống làm người cũng chứng minh cho điểm này. Thường khi đương đầu với một vấn đề quan trọng trong cuộc sống, chúng ta không thể ăn được. Đúng là một số diều làm chúng ta vui và ăn nhiều, nhưng một số điều khác có thể ép chúng ta đến mức hoàn toàn không thể ăn được. Vì vấn đề chúng ta đương đầu quá lớn, trách nhiệm rất nặng nề, tự nhiên chúng ta ăn không ngon. Tuy nhiên, khi vấn đề đó được quan tâm và trách nhiệm được hoàn thành, chúng ta cảm thấy thanh thản và lại thấy ăn ngon với những thức ăn bình thường. Cũng vậy, khi nhận một việc quan trọng từ Đức Chúa Trời, chúng ta bị đè nặng bên trong đến nỗi phải kiêng ăn mà không có ý định kiêng ăn. Vì Môi-se nhận một trách nhiệm lớn từ Đức Chúa Trời trên núi Si-nai nên ông không thể ăn được trong 40 ngày. Về sau, khi Chúa bước ra để thi hành chức vụ, bởi nhận một trách nhiệm lớn nên Ngài cũng không thể ăn. Điều này không có nghĩa là thực tế Ngài không thể ăn, mà là Ngài không còn lòng dạ nào để ăn. Dường như thể trong Ngài không có chỗ để chứa thức ăn. Trong Công Vụ chương 13, một trách nhiệm lớn được đặt trên các tiên tri và giáo sư tại An-ti-ốt. Do đó, tự phát họ kiêng ăn và cầu nguyện để toàn bản thể họ không bị xao lãng khỏi trọng trách đó. Đó là ý nghĩa đầu tiên về việc kiêng ăn.
II. KIÊNG ĂN LÀ DẤU HIỆU
VỀ TÍNH TUYỆT ĐỐI CỦA CON NGƯỜI
 Thứ hai, kiêng ăn là dấu hiệu cho thấy con người tuyệt đối đứng về phía Đức Chúa Trời. Trong chương về lời cầu nguyện chiến trận, chúng ta nói rằng cầu nguyện là con người tuyên bố trước vũ trụ rằng người ấy đứng về Đức Chúa Trời chống lại Sa-tan. Kiêng ăn là dấu hiệu về tính tuyêt đối của lời cầu nguyện như vậy. Ngày nay để bày tỏ sự tuyệt đối của mình về một vấn đề nào đó, người ta có thể kiêng ăn một thời gian dài. Nếu anh em cầu nguyện cho một vấn đề nào đó mà cũng có thể ăn, điều đó cho thấy anh em không đang tuyệt đối đứng về phía Đức Chúa Trời. Điều đó chứng tỏ thái độ của anh em vẫn không kiên quyết đủ. Vì vậy, thưa anh chị em, khi anh chi em cầu nguyện, đừng kiêng ăn cách khinh suất. Hãy luôn ghi nhớ rằng trong việc kiêng ăn, anh em muốn nói rằng: «Ở đây có một vấn đề lớn và quan trọng, và trong vấn đề này, thái độ của tôi, ý định của tôi là một trăm phầ trăm, tuyệt đối đứng về phía Đức Chúa Trời chống lại kẻ thù của Ngài».
III. KIÊNG ĂN LÀ TỪ BỎ QUYỀN HỢP PHÁP
Thứ ba, ý nghĩa căn bản của việc kiêng ăn là từ bỏ quyền hợp pháp. Trong đời sống con người, không một điều gì hợp pháp hơn việc ăn. Sau khi tạo dựng con người, điều đầu tiên Đức Chúa Trời làm cho con người là chuẩn bị việc ăn. Trong Sáng Thế Ký chương 1, sau khi tạo dựng con người theo hình ảnh Ngài, Đức Chúa Trời liền ấn định cây cỏ và hoa quả làm thức ăn cho con người. Vì vậy, việc ăn của con người là hợp pháp. Bằng cách kiêng ăn, con người tỏ ra rằng để nhận được và mang lấy mọt việc quan trọng, con người từ bỏ quyền chính đáng nhất của mình.
Vì kiêng ăn là từ bỏ quyền hợp pháp của mình nên chúng ta cũng phải học tập từ bỏ những quyền lợi chính đáng trong nhiều vấn đề khác. Nếu không sẵn sàng gạt bỏ những sự vui hưởng của đời sống khi chúng ta kiêng ăn thì sự kiêng ăn đó là vô nghĩa. Đời sống Chúa trên đất, Ngài đã từ bỏ nhiều quyền lợi hợp pháp. Trọn đời sống Chúa Jesus dựa trên nguyên tắc kiêng ăn. Ngài từ bỏ những quyền hợp pháp và từ bỏ nhửng sự vui hưởng hợp lý dù không kiêng ăn mỗi ngày, nhưng hằng ngày Ngài sống theo nguyên tắc kiêng ăn.
IV. KIÊNG ĂN CHO THẤY
CON NGƯỜI KHÔNG QUAN TÂM ĐẾN CHÍNH MÌNH
Thứ tư, kiêng ăn cũng cho thấy con người không quan tâm đến chính mình, thậm chí mạng sống mình. Ăn là điều trọng yếu nhất để con người hiện hữu. Không ăn, con người sẽ chết đói. Vì vậy, kiêng ăn là dùng mạng sống như vật làm tin. Trong việc kiêng ăn, anh em muốn nói rằng: «Tôi muốn sự việc này phải hoàn thành dù phải trả giá bằng mạng sống tôi. Tôi đang chiến đấu cho điều này bằng mạng sống tôi». Đôi khi những người làm việc trong một tổ chức tranh cãi về điều gì đó và dùng việc họ ở hay đi như vật làm tin. Về bản chất, họ nói: «Nếu anh đồng ý với tôi, tôi sẽ ở lại; nếu không, tôi sẽ đi». Xin nhớ rằng kiêng ăn là chiến đấu cho điều gì đó bằng mạng sống của anh em. Thật ra, anh em đang duy trì thái độ thà chết hơn là bỏ qua việc này. Anh em thà chết để việc đó được thực hiện.Vì vậy, nếu cầu nguyện cho một gánh nặng nào đó mà trong lòng chúng ta còn nghĩ đến tương lai, phần định hay cuộc sống mình, chúng ta có thể cầu nguyện mà không cần kiêng ăn. Nếu thật sự muốn kiêng ăn và cầu nguyện cho một vấn đề nào đó, anh em cần duy trì thái độ gạt bỏ mạng sống mình. Điều này phù hợp với những gì Phao-lô nói: «Nhưng tôi chẳng kể mạng sống tôi ra gì,chẳng coi nó là quí cho tôi» (Công. 20:24). Khi Phao-lô trên đường đến Giê-ru-sa-lem lần cuối, tất cả tín đồ trên suốt chặng đường đó đã cảnh báo ông rằng: «Khi đến đó, chắc chắn anh sẽ bị trói bằng xiềng và gặp hoạn nạn». Họ nài xin ông đến mức Phao-lô không thể chịu nổi phải đáp rằng: «Anh em làm chi vậy, khóc lóc làm nát lòntôi ư? Vì tôi chẳng những sẵn sàng chịu trói mà thôi, lại cũng sẵn sàng chịu chết vì danh Chúa Jesus nữa» (Công. 21:13). Đó là nguyên tắc kiêng ăn. Trong sự kiêng ăn, anh em không chỉ từ bỏ những quyền lợi của mình mà cũng từ bỏ mạng sống mình. Vì vậy, đôi khi chúng ta cảm thấy sự kiêng ăn là vô nghĩa, đó là vì chúng ta chỉ biểu lộ dấu hiệu bên ngoài, trong khi bên trong chúng ta vẫn y nguyên. Kiêng ăn nghĩa là một vấn đề nào đó đang ép anh em đến mức phải chiến đấu bằng mạng sống mình và anh em thà chết hơn là để cho vấn đề đó trôi qua cách khinh suất. Anh em sẽ chứng minh vấn đề này với Đức Chúa Trời thậm chí cho đến chết. Khi có cảm xúc mạnh như vậy, sự kiêng ăn của anh em đầy ý nghĩa.      
V. KIÊNG ĂN LÀ ĐỂ HOÀN THÀNH Ý CHỈ CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
VÀ ĐÁNH BẠI SA-TAN
Thứ năm, kiêng ăn là để ý chỉ của Đức Chúa Trời được hoàn tất và satan bị đánh bại. Những trường hợp kiêng ăn và cầu nguyện được chép trong kinh thánh, hoặc để hoàn thành ý chỉ Đức Chúa Trời , hoặc để đánh đuổi Ma Quỉ. Thậm chí khó mà tìm thấy một trường hợp nào vì lợi ích riêng của con người. Vì vậy, chúng ta có kết luận rằng kiêng ăn thật, một mặt là để hoàn thành ý chỉ của Đức Chúa Trời và, mặt khác là để tống khứ Sa-tan. Có lẽ anh em sẽ hỏi: «khi kiêng ăn và cầu nguyện để được chữa lành, chúng ta có thể nói điều đó cũng là để ý chỉ Đức Chúa Trời được hoàn thành và Sa-tan bị xua đuổi không?». Vấn đề là như vầy: nếu khái niệm và quan điểm của anh em chỉ để được Đức Chúa Trời chữa lành thì sự kiêng ăn của anh em là vô ích. Anh em cần được thương xót, được sói sáng và được dẫn dắt đến mức dù bệnh tật của anh em có trầm trọng đến nỗi không hi vọng được bình phục, anh em vẫn nói với Đức Chúa Trời rằng: «Đức Chúa Trời ơi, nếu Ngài để con còn sống trên đất này, thì từ nay trở đi, trọn đời con sẽ tuyệt đối cho Ngài; nếu không, xin Ngài cho con chết nhanh chóng. Con không muốn sống vì chính mình trên trái đất này. Đức Chúa Trời ơi, con xin Ngài làm một điều hôm nay để con được chữa lành và để từ nay trở đi con có thể sống hoàn toàn cho Ngài». Nếu có tình trạng như thế, tấm tấm lòng như thế, và ý tưởng như thế thì anh em đang kiêng ăn. Tôi tin rằng mọi bệnh tật ngay lúc đó sẽ được chữa lành.
Cho tôi nói thêm vài lời ở đây về sự chữa lành. Đừng bao giờ tin rằng sự chữa lành thần thượng hoàn toàn là vô điều kiện và vô hạn.Về quyền năng của Đức Chúa Trời, quả thật là vô hạn, nhưng đối với những người nhận được sự chữa lành thần thượng, vẫn có một giới hạn. Thưa anh chị em, tôi muốn nói với anh chị em rằng những người nhận được sự chữa lành thần thượng trước đây, cuối cùng cũng chết. Ngay cả La-xa-rơ, sau khi được sống lại từ kẻ chết, cuối cùng củng chết. Chúng ta phải chờ đợi cho đến ngày phục sinh hầu đến để nhận được sự chữa lành thần thượng vô hạn. Ngày nay không có bệnh tật nào được chữa lành tuyệt đối và trọn vẹn cả. Trong hai ngàn năm qua, hàng chục ngàn người trong Hội Thánh đã nhận được sự chữa lành thần thượng, nhưng ngày nay họ ở đâu? Họ thảy đều ở trong mộ; họ ở trong sự chết, đang mong đợi sự chữa lành chung cuộc. Vì vậy, ông J. N. Darby có viết: “Mong đợi Ngài đem chúng ta vượt trên quyền lực sự chết” (Thánh Ca 47). Dù anh em và tôi chưa bị chôn trong mộ, nhưng chúng ta đang ở trong sự chết. Mọi bệnh tật là nhân tố của sự chết. Thật ra trước khi được sống lại, mọi người được chữa lành đều nhận sự chữa lành nhưng là sự chữa lành tạm thời. Ngày nay vào những lúc cần thiết, Đức Chúa Trời ban cho chúng ta sự chữa lành giới hạn. Ngài để chúng ta sống thêm vài năm trên đất này, nhưng điều đó không vì sức khỏe hay sự trường thọ của chúng ta mà vì ý chỉ Ngài.
Vì vậy, thưa anh em, điều này không có nghĩa là khi anh em bệnh, rồi anh em kiêng ăn và cầu nguyện thì tất yếu Đức Chúa Trời sẽ chữa lành anh em. Kiêng ăn có nghĩa là anh em ở đây hoàn toàn để ý chỉ của Đức Chúa Trời được thực hiện và kẻ thù của Đức Chúa Trời bị đánh đuổi. Anh em có được chữa lành hay không là một chuyện khác. Nhận thức rằng trước đây anh em hoàn toàn sống vì chính mình, anh em ăn năn với Đức Chúa Trời và xin Ngài, nếu đẹp lòng Ngài, cho anh em sống một thời gian nữa trên đất này. Anh em nói với Ngài rằng anh em muốn ý chỉ Ngài được hoàn thành trọn vẹn trong anh em và anh em không nhường chỗ cho Sa-tan bất cứ điều gì trong anh em. Tuy nhiên, tôi nhắc lại rằng sự chữa lành này là tạm thời. Ấy là để ý chỉ Ngài có thể được hoàn thành trong anh em. Bằng không, dù anh em kiêng ăn và cầu nguyện thể nào cũng vô ích. Đừng nghĩ rằng hễ kiêng ăn và cầu nguyện thì  lời cầu nguyện của anh em được Đức Chúa Trời đáp lời. Nguyên tắc căn bản về kiêng ăn trong cầu nguyện là cho thấy rằng anh em hoàn toàn muốn ý chỉ của Đức Chúa Trời được hoàn thành và Sa-tan bị đuổi đi. Anh em không thể tìm thấy một minh họa nào trong Kinh Thánh cho thấy khi con người kiêng ăn và cầu nguyện vì mối quan tâm riêng mình thì Đức Chúa Trời đáp lời. Đừng tưởng tượng rằng nếu việc làm ăn của anh em thua lỗ, rồi cả gia đình anh em kiêng ăn cầu nguyện thì ngày mai việc làm đó lại sẽ thịnh vượng. Hoàn toàn không phải như vậy. Đó là mê tín. Trong Kinh Thánh, kiêng ăn trong cầu nguyện luôn luôn là như vầy: con người trên đất hoặc là chạm đến khát vọng của Đức Chúa Trời và xin Đức Chúa Trời hoàn thành điều đó, hoặc đang đương đầu với kẻ thù của Đức Chúa Trời và muốn đuổi hắn ra.
VI. KHÔNG NÊN KIÊNG ĂN CÁCH KHINH SUẤT
Thưa anh chị em, vì ý nghĩa của kiêng ăn rất hệ trọng, tôi khuyên anh chị em đừng kiêng ăn cách khinh suất. Trong các Sách Phúc Âm, chúng ta không thấy Chúa Jesus thường xuyên kiêng ăn. Đừng bao giờ xem kiêng ăn là chuyện vặt. Chỉ những người Pha-ri-si giả hình mới nói rằng họ kiêng ăn một tuần hai lần. Họ xem việc kiêng ăn rất tầm thường. Trong Cựu Ước, tiên tri Ê-sai nghiêm khắc quở trách sự kiêng ăn như vậy. Đức Chúa Trời không chấp nhận sự kiêng ăn như vậy trong sự cầu nguyện. Đừng xem kiêng ăn là một hình thức tôn giáo, cũng đừng xem đó là một đòi hỏi mê tín. Kiêng ăn trong cầu nguyện mà Đức Chúa Trời chấp nhận xảy ra khi một người nhận lấy sứ mạng rất lớn từ Đức Chúa Trời. Vì thương yêu Đức Chúa Trời và quan tâm rất nhiều đến mục đích của Ngài, người ấy sẵn sàng từ bỏ quyền vui hưởng chính đáng của mình. Người ấy cũng sẵn sàng chiến đấu vì sứ mạng đó cho đến chết. Trong trường hợp đó, người như thế tự phát sẽ kiêng ăn.
VII. KIÊNG ĂN LÀ CẦN THIẾT
Một mặt, một Cơ-đốc nhân không nên kiêng ăn cách khinh suất, nhưng mặt khác, người ấy cần kiêng ăn. Nếu một Cơ-đốc nhân chưa bao giờ kiêng ăn, chắc chắn người ấy có đôi điều sai trật. Hoặc là Đức Chúa Trời chưa bao giờ giao điều gì cho người ấy, hoặc là người ấy từ chối sứ mạng của Đức Chúa Trời. Nếu chưa bao giờ cảm nhận có một trách nhiệm lớn từ Đức Chúa Trời giao cho anh em, điều đó hoàn toàn có nghĩa anh em chưa bao giờ bày tỏ với Đức Chúa Trời thái độ kiên quyết rằng anh em muốn ý chỉ Ngài và muốn đứng về phía Ngài. Anh em xem những điều của Đức Chúa Trời là không quan trọng. Phúc Âm có được rao giảng hay không, và tội nhân có được cứu hay không, đối với anh em không thành vấn đề. Xét cho cùng, anh em đã cầu nguyện cho những điều này rồi. Vì vậy, sau khi đã cầu nguyện, anh em vẫn có thể ăn và uống cách vui vẻ. Thưa anh chị em, nếu thái độ của anh chị em như vậy, anh chị em thật là một Cơ-đốc nhân đáng thương! Anh em không quan tâm gì đến Hội Thánh trong tình trạng tan hoang. Anh em không bao giờ bỏ một bữa ăn. Vì không có thái độ sống-chết đối với những điều của Đức Chúa Trời, điều này chứng tỏ đời sống Cơ-đốc của anh em rất thiếu hụt. Nếu quan tâm một chút đến tấm lòng của Đức Chúa Trời thì gánh nặng cho Phúc Âm sẽ đè trên anh em, và anh em sẽ chiến đấu trong sự sống và sự chết. Anh em sẽ cầu nguyện: “Đức Chúa Trời ơi, Phúc Âm phải đầy quyền năng. Ngài phải cứu một số người, bằng không, con không thể ăn hay uống”. Kiêng ăn và cầu nguyện có nghĩa như vậy. Có thể anh em cũng quan tâm đến Nhà Đức Chúa Trời đến nỗi nói với Đức Chúa Trời rằng: “Đức Chúa Trời ơi, con chết thì được rồi, nhưng để Hội Thánh ở trong tình trạng tan hoang như vậy là không ổn. Nếu Ngài không giải quyết nan đề tan hoang của Hội Thánh, con thà chết còn hơn”. Thưa anh chị em, tôi có thể nói rằng lúc này chắc chắn anh chị em sẽ kiêng ăn. Điều đáng sợ là con cái Đức Chúa Trời chưa bao giờ có kinh nghiệm như vậy, vì điều này chúng tỏ họ không quan tâm đến mục đích của Đức Chúa Trời hay cảm nhận kẻ thù của Đức Chúa Trời là hung tợn thể nào. Như vậy, kiêng ăn nghĩa là gì? Kiêng ăn nghĩa là anh em quan tâm rất nhiều đến mục đích của Đức Chúa Trời, và cảm nhận sâu sắc sự hung tợn của kẻ thù của Đức Chúa Trời. Cảm nhận như vậy sẽ đè nén và thúc ép anh em đến mức anh em hoàn toàn không thể ăn, uống và vui vẻ như người khác, nhưng anh em phải kiêng ăn.
VIII. THỬ NGHIỆM VỀ VIỆC KIÊNG ĂN
Bây giờ chúng ta đến với sự thử nghiệm về việc kiêng ăn. Làm thế nào biết anh em cần phải kiêng ăn? Điều này được quyết định bởi anh em có cảm thấy đói hay không khi anh em không ăn. Nếu khi không ăn, anh em cảm thấy đói và thèm thức ăn, điều này chứng tỏ anh em không kiêng ăn được. Nếu không cảm thấy đói khi không ăn hay không cảm thấy khát khi không uống, thì anh em nên kiêng ăn. Đôi khi các anh chị em nói: “Tất cả chúng ta hãy kiêng ăn!”. Nhưng sau khi đã kiêng ăn vào sáng đó, đến 11 giờ có người nói: “Ôi, tôi thực sự đói lắm”. Để tôi nói với anh em, sự kiêng ăn của anh em đói ăn sáng đó là sai trật, và không nên làm như vậy nữa. Tất cả những người thật sự kiêng ăn sẽ không cảm thấy đói. Giả sử ngày nọ một chị em là góa phụ mất đứa con một của mình. Chắc chắn chị có thể đi mà không ăn trong ba ngày mà không cảm thấy đói. Những người khác lo cho chị em này, bèn nói: “Chị ơi, chị đã không ăn ba ngày rồi. Làm thế nào có thể như vậy?”. Chị sẽ đáp: “Tôi không đói chút nào. Tôi hoàn toàn không thể ăn được”.
Vì vậy, trong khi kiêng ăn, nếu anh chị em cảm thấy đói, tốt hơn là nhanh chóng đi lấy cái gì đó để ăn còn hơn là giả hình và phạm tội nghịch lại Đức Chúa Trời. Anh em nên kiêng ăn vì anh em bị một vấn đề và gánh nặng nào đó chiếm lấy hoàn toàn đến nỗi lúc ấy anh em không muốn ăn và cảm thấy trong anh em không có chỗ cho thức ăn. Như vậy, anh em có nên kiêng ăn hay không là tùy thuộc vào việc anh em có cảm thấy đói hay không. Nếu cảm thấy đói thì đừng kiêng ăn; nếu không đói thì hãy kiêng ăn.
IX. VÀI ĐIỀU CẦN CHÚ Ý
Cuối cùng, chúng ta hãy xem xét vài điều cần chú ý trong vấn đề kiêng ăn và cầu nguyện. Trước hết, nếu thật sự có một gánh nặng thúc ép anh em đến mức không thể không kiêng ăn thì hãy nhớ điều này: đừng bao giờ kiêng ăn mà không cầu nguyện. Anh em phải kiêng ăn và cầu nguyện. Hãy cố hết sức chuyển giờ kiêng ăn, thái độ kiêng ăn và gánh nặng của anh em trong sự kiêng ăn thành sự cầu nguyện. Tất cả những người có kinh nghiệm đều biết rằng loại kiêng ăn này trong sự cầu nguyện hoàn toàn ở ngoài bất cứ loại hình thức nào. Kiêng ăn không đòi phải suy nghĩ hay ghi nhớ mà hoàn toàn xuất phát từ bên trong. Kiêng ăn mà không cầu nguyện là một thiệt hại lớn. Thân thể anh em sẽ bị hư hại, tâm trí bị thiệt hại, và thậm chí linh cũng bị tồn hại. Hơn nữa, không cầu nguyện, gánh nặng của anh em khó mà thực hiện được. Vì vậy, hễ khi nào có gánh nặng thúc ép anh em đến mức không thể không kiêng ăn thì anh em phải cố hết sức để cầu nguyện. Lời cầu nguyện sẽ trở nên thức ăn cho linh anh em. Lời cầu nguyện cấp ban một lượng đáng kể sự yên ủi tinh thần và sẽ cung ứng sức mạnh cho thân thể anh em. Kiêng ăn mà không cầu nguyện sẽ hủy phá anh em, nhưng kiêng ăn kèm với cầu nguyện sẽ cung ứng cho anh em.
Kế đến, khi anh em kiêng ăn trong cầu nguyện, hãy luôn cẩn thận vì có quá nhiều điều là gánh nặng. Đừng cầu nguyện cho những điều mà không phải là gánh nặng. Anh em chỉ cần làm tốt là cầu nguyện cụ thể cho một vấn đề nào đó. Tại sao anh em nặng trĩu như thế? Tại sao anh em không ăn? Tại sao anh em không đói? Anh em nên cầu nguyện cụ thể cho một vấn đề đó. Đó có thể là Phúc Âm; có thể là Hội Thánh, hãy có thể là cứu hồn của một ai đó. Lỗi lầm của chúng ta là trong khi kiêng ăn, chúng ta vẫn để cho tâm trí mình hướng về nhiều điều khác. Nếu đến với Chúa cùng với rất nhiều điều phải cầu nguyện thì anh em không nên kiêng ăn, vì anh em không đạt đến điểm tại đó anh em không thể ăn cũng không thể uống mà chỉ có thể cầu nguyện trước Đức Chúa Trời.
Việc kiêng ăn thật trong sự cầu nguyện là như vậy: vì một người thương yêu Đức Chúa Trời, sống trước mặt Đức Chúa Trời, và chạm đến tấm lòng Đức Chúa Trời nên Linh của Đức Chúa Trời chất nặng trên người ấy một điều mà Đức Chúa Trời muốn thực hiện. Người ấy bị đè nặng đến mức không thể ăn, cũng không thể uống. Khi đó, tự phát người ấy sẽ kiêng ăn và đến trước Đức Chúa Trời cầu nguyện. Vì vậy, lời cầu nguyện như vậy sẽ hoàn thành mục đích của Đức Chúa Trời, đuổi Ma Quỉ ra, và đem uy quyền Đức Chúa Trời đến.
Sau cùng, cần chú ý rằng khi anh em thật sự có gánh nặng phải kiêng ăn thì đừng làm quá sức. Hãy học tập quân bình trước mặt Đức Chúa Trời. Đừng bao giờ nghĩ như vầy: “Chúa Jesus há không kiêng ăn 40 ngày sao? Còn Môi-se không dành 40 ngày trên núi sao? Nếu tôi kiêng ăn 8 hay 10 ngày thì cũng không thành vấn đề”. Cách đây 20 năm, tôi gặp một chị em kiêng ăn quá nhiều. Hậu quả là cơ thể chị trở nên cực kỳ suy yếu, còn tâm trí trở nên rất mệt mỏi. Vì vậy, Sa-tan đã nắm lấy cơ hội tấn công chị. Không ai có thể giúp chị được. Cuối cùng, chị kiêng ăn cho đến chết. Như vậy, một mặt chúng ta không nên kiêng ăn cách khinh suất, nhưng mặt khác không nên làm quá sức. Đúng ra, chúng ta nên dừng ở một điểm nào đó, nhờ đó mà được quân bình.

Cuối cùng, tôi hi vọng giữa vòng chúng ta, trong mọi nơi mọi lúc đều có những người cầu nguyện với sự kiêng ăn. Trong sự phụng sự Chúa, chúng ta luôn đến chỗ tại đó có một số điều không thể vượt qua, thì lúc đó chúng ta phải kiêng ăn và cầu nguyện để xử lý chúng.