Thứ Bảy, 5 tháng 4, 2014

Đấng Christ là của lễ chuộc tội lỗi và của lễ chuộc sự vấp phạm


ngayba0

(Phần 9b của loạt bài: "Công trình phục hồi của Đức Chúa Trời".

Chúng ta nên áp dụng những điều mà chúng ta nghe hay đọc vào thực tế. Những của tế lễ rất thực tiễn nên việc áp dụng nó thật ra không khó lắm, chỉ cần vượt qua chính mình chút xíu. Sau đó, Đức Chúa Trời và chúng ta đều sẽ rất vui mừng. Xin Chúa mang tất cả chúng ta vào thực tại của những của tế lễ này.

Hai của lễ cuối cùng là của lễ của lễ chuộc tội lỗi và chuộc sự vấp phạm. Có thể chúng ta không hiểu tại sao mình lại cần hai của lễ cho tội lỗi, một của lễ chắc cũng đủ rồi. Qua sự khôn ngoan của Ngài, Đức Chúa Trời đã quy định hai của lễ cho tội lỗi và sự vấp phạm. Chỉ hai của lễ cuối này là hai của lễ bắt buộc, ba của lễ trước là các của lễ tự nguyện. Do đó, chúng ta có thể thấy tội lỗi là vấn đề nghiêm trọng như thế nào. Kinh Thánh dùng hai khái niệm khác nhau “tội lỗi” (từ này luôn ở thể số ít) và “tội” (số nhiều của tội lỗi). “Tội lỗi” là bản chất của các tội đã phạm, còn “tội” là những vấp phạm mà một người đã làm. Sự khác biệt này rất rõ ở trong Kinh Thánh. Vì có sự khác nhau giữa tội và tội lỗi nên Đức Chúa Trời đã quy định hai của lễ. Của lễ chuộc tội lỗi được dùng để xử lý tội lỗi là gốc rễ của nan đề, nghĩa là xử lý bản chất tội lỗi của chúng ta. Còn của lễ chuộc sự vấp phạm thì dành cho những tội đã phạm. Sách Lê-vi Ký chương 4 và 5 nói về hai của lễ này. Chương 1 nói về của lễ thiêu, chương 2 nói đến của lễ thức ăn, chương 3 nói đến của lễ hòa bình. Chương 4 nói về của lễ chuộc tội lỗi.

A. Của lễ chuộc tội lỗi

(Lê-vi Ký 4; Giăng 1:29; 2.Cô-rinh-tô 5:21; 1.Phi-e-rơ 2:22; Rô-ma 8:3; Mác 16:16; Rô-ma 6:3-10; Ga-la-ti 2:20; Ga-la-ti 3:27; Cô-lô-se 3:4; 1.Cô-rinh-tô 6:17; Rô-ma 8:4)

CHÚA lại phán cùng Môi-se rằng: Hãy nói cùng dân Y-sơ-ra-ên rằng: Khi ai vô ý mà phạm một trong các điều răn của CHÚA, và làm điều chẳng nên làm” (câu 1 và 2). “Vô ý mà phạm” có nghĩa là anh em đã phạm tội, mặc dù anh em không muốn. Chúng ta biết điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời, nhưng bỗng nhiên chúng ta làm điều gì đó phạm tội với Ngài, dù chúng ta không muốn. Chúng ta không cố ý phạm tội đó, nhưng chúng ta lại phạm tội vì bản chất của tội đang ở trong chúng ta. Sau khi con người sa ngã, bản chất của ma quỷ đã bị tiêm nhiễm vào trong xác thịt của con người. Nghĩa là chúng ta đã nhận được bản chất của Sa-tan, và tội lỗi đang ở trong xác thịt chúng ta. Vì tội lỗi đang ở bên trong nên chúng ta không thể làm được gì khác ngoài việc phạm tội. Tuy anh em không muốn phạm tội, nhưng tội lỗi ở trong xác thịt luôn cám dỗ anh em phạm tội.

Chúng ta có thể thấy rõ điều này qua kinh nghiệm của Phao-lô trong Rô-ma 7. Rô-ma 7:8 “Ấy là tội lỗi đã nhân dịp, bởi điều răn mà sanh ra mọi thứ ham muốn trong tôi”. Đó là lý do mà thỉnh thoảng anh em không biết những ham muốn đến từ đâu. Tội lỗi (nguyên nhân gây ra tội) ở trong chúng ta đã tác động làm khơi dậy mọi thứ ham muốn. “Vì tội lỗi đã thừa dịp dùng điều răn để lừa gạt tôi, và dùng nó để giết tôi” (câu 11). Tội lỗi ở bên trong lừa dối anh em, làm cho anh em thấy cái gì đó rất đẹp, làm anh em nghĩ mình phải có hay phải làm cho bằng được, và rồi anh em phạm tội. ”Vì tôi không hiểu điều mình làm: tôi không làm điều mình muốn, còn điều tôi ghét thì tôi lại làm” (câu 15). Anh em ghét phạm tội, anh em không muốn phạm tội, nhưng anh em lại làm. Tại sao lại như thế? “Bấy giờ chẳng phải tôi làm điều đó nữa, nhưng ấy là tội lỗi ở trong tôi” (câu 17). Nghĩa là tội lỗi ở trong chúng ta đã làm những việc phạm tội đó. “Vì tôi biết không có gì tốt lành ở trong tôi, nghĩa là trong xác thịt tôi, vì tôi có ý muốn làm điều lành, nhưng tôi không có khả năng để làm” (câu 18). Đúng vậy, không có gì tốt lành ở trong xác thịt chúng ta cả. Anh em có thể làm nó đẹp ở bên ngoài như ăn diện đẹp, tập thể hình,.. rồi anh em thấy mình có xác thịt đẹp. Nhưng anh em phải ý thức rằng dù anh em có làm gì đi nữa thì không có gì tốt đẹp ở trong xác thịt cả. Tuy anh em không muốn phạm tội, nhưng anh em không thể làm khác được. “Nếu tôi làm điều mình không muốn, thì không phải là tôi mà tội lỗi trong tôi làm điều đó” (câu 20). Phao-lô đã lặp lại cụm từ “tội lỗi trong tôi ” nhiều lần. Trong đoạn này, Phao-lô đã xem tội lỗi như một người.

Vấn đề của chúng ta không chỉ là những hành động phạm tội, mà trong xác thịt chúng ta có tội lỗi, nó rất tích cực trong việc lôi kéo chúng ta phạm tội. Chúng ta đã biết con người được cấu tạo bởi ba phần: thân thể, tâm hồn và tâm linh. Khi con người phạm tội thì tội lỗi bị tiêm nhiễm vào trong thân thể. Hậu quả là thân thể mà Đức Chúa Trời đã tạo ra thật tốt đẹp, đã trở thành một thân thể của tội lỗi. Không những thế mà thân thể này còn trở thành thân thể của sự chết (câu 24). Anh em có ý thức rằng mình có một thân thể như thế không? Một thân thể của tội lỗi và sự chết. Đó là hậu quả của sự sa ngã của con người. Không có gì lạ khi Phao-lô nói “Khốn nạn cho tôi” trong câu 24. Câu 25 nói tiếp “Cảm tạ Đức Chúa Trời, nhờ Chúa Jesus Christ, là Chúa chúng ta! Như vậy, thì chính mình tôi lấy tâm trí phục luật pháp của Đức Chúa Trời, nhưng lấy xác thịt phục luật pháp của tội lỗi”. Nghĩa là cuối cùng thân thể chúng ta đã trở thành nô lệ của tội lỗi thay vì chúng ta phải phục vụ Đức Chúa Trời.

Đoạn 8 tiếp theo: “Cho nên hiện nay chẳng còn có sự đoán phạt nào cho những kẻ ở trong Christ Jesus . Vì luật pháp của Thánh Linh sự sống trong Christ Jesus đã giải thoát tôi khỏi luật của tội lỗi và sự chết” (câu 1-2). Hai câu này là nên tảng của của lễ chuộc tội lỗi. Câu 3 giải thích lý do “Vì điều gì luật pháp không thể làm được, vì xác thịt làm cho nó ra yếu đuối, thì Đức Chúa Trời đã làm rồi”. Ngợi khen Chúa! Đức Chúa Trời đã làm gì để giải quyết nan đề này? “...Ngài đã vì cớ tội lỗi sai chính Con mình lấy xác thịt giống như xác thịt tội lỗi chúng ta, và đã đoán phạt tội lỗi trong xác thịt, để sự công chính mà luật pháp đòi hỏi được thực hiện đầy đủ trong chúng ta, là những người không sống theo xác thịt, nhưng sống theo tâm linh” (câu 3 - 4). Của lễ chuộc tội lỗi chính là Chúa đã đóng đinh xác thịt tội lỗi, cũng là con người cũ hay “cái tôi” của chúng ta, lên thập tự giá. Khi Chúa chịu chết trên thập giá, Chúa không chỉ chết cho các hành vi phạm tội của chúng ta, mà Chúa chính là của lễ chuộc tội lỗi của chúng ta. Ngài không chỉ xử lý hành vi phạm tội mà đã đóng đinh luôn cả con người cũ lên thập giá. Đây chính là một tin mừng tuyệt vời! Khi nhìn thấy của lễ chuộc tội lỗi, anh em hãy nhớ rằng Ngài đã mang luôn con người cũ của anh em lên thập giá. Chúa đã không cải tiến mà đã loại bỏ con người cũ. Ngài cũng không lấy sự chết hay tội lỗi ra khỏi con người cũ. Ngài đã không làm như vậy mà đã đóng đinh nó trên thập giá. Đây là sự giải thoát cho chúng ta.

Ga-la-ti 2:19-20 “Vả, bởi luật pháp, tôi đã chết cho luật pháp, để sống cho Đức Chúa Trời. Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ, mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi; nay tôi còn sống trong xác thịt, ấy là tôi sống trong đức tin của Con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi, và đã phó chính mình Ngài vì tôi”. Câu này thật tuyệt! Rô-ma 6:6 nói đến một điều mà chúng ta cần phải biết “vì biết rõ rằng người cũ của chúng ta đã bị đóng đinh trên thập tự giá với Ngài, để cho thân thể của tội lỗi bị tiêu diệt đi, và chúng ta không làm nô lệ cho tội lỗi nữa”. Câu này cho chúng ta thấy con người cũ (hay cái tôi) của chúng ta đã cùng bị đóng đinh với Đấng Christ. Ngài đã tiêu diệt và loại bỏ hoàn toàn con người cũ để chúng ta không sống nữa, mà Đấng Christ sống trong chúng ta. Trong Rô-ma 7, Phao-lô nói tội lỗi sống trong ông, tác động làm ông phạm tội, còn trong Ga-la-ti 2, ông nói “Đấng Christ sống trong tôi”. Như vậy không tốt sao? Anh em thích Đấng Christ sống trong anh em hay thích tội lỗi sống trong anh em?

Chúa không chỉ loại bỏ con người cũ, mà Ngài còn đi vào trong tâm linh chúng ta. Mặc dù tội lỗi và sự chết đã chui vào thân thể, nhưng Đấng Christ đang sống trong tâm linh của chúng ta. Bây giờ anh em có thể trải nghiệm được của lễ chuộc tội lỗi, khi anh em sống bằng tâm linh. Nếu sống bằng tâm linh, anh em sẽ không làm theo những ham muốn của xác thịt. Đây là một kinh nghiệm tuyệt vời! Ga-la-ti 5:16 cho biết điều này “Vậy, tôi nói rằng, hãy bước đi bởi tâm linh, thì anh em chắc chắn sẽ không thực hiện ham muốn của xác thịt”. Trước đó trong Rô-ma 7, chúng ta thấy Phao-lô không có cách nào khác, ông phải nhìn nhận: “Tôi không muốn làm, nhưng tôi lại làm, lại phạm tội liên tục. Tôi không thể thay đổi được”. Bây giờ, ông đã nhận ra rằng trong tâm linh mình, ông kinh nghiệm được con người cũ đã bị đóng đinh và cái tôi của ông đã bị kết liễu ra sao. Như thế, ngay lúc chúng ta hướng về tâm linh của mình bằng cách nói với Chúa: “Chúa ơi, con hướng đến tâm linh của con”, thì lúc đó thân thể của tội lỗi không có quyền ảnh hưởng đến chúng ta. Anh em sẽ chắc chắn sẽ không làm theo ham muốn của xác thịt vì trong tâm linh, anh em kinh nghiệm được cái tôi của mình đã bị đóng đinh. Như thế không tuyệt sao? Chúa đã loại bỏ con người cũ và đã mang thực tại của Đấng Christ vào trong tâm linh chúng ta. Bây giờ chúng ta có thể nói rằng: “Chúa ơi, con ngợi khen Ngài. Chúa đang sống trong tâm linh con. Trong tâm linh, con được giải thoát khỏi ảnh hưởng của tội lỗi”. Ga-la-ti 5:24-25 cũng nói “Vả, hễ ai thuộc về Christ Jesus thì đã đóng đinh xác thịt với các dục vọng và ham muốn của nó trên thập tự giá rồi. Nếu chúng ta sống bởi tâm linh thì cũng hãy bước đi bởi tâm linh”. Đó chính là kinh nghiệm về của lễ chuộc tội lỗi: Đấng Christ là của lễ chuộc tội lỗi của chúng ta, con người cũ đã bị đóng đinh trên thập tự giá. Đây là một lẽ thật tuyệt vời.

Nhưng theo kinh nghiệm của chúng ta, xoay lòng về tâm linh của mình thì không đơn giản, nhất là khi chúng ta bị cám dỗ bởi tội lỗi. Hê-bơ-rơ 1:9 nói đến Chúa: “Người từng yêu sự công chính, ghét điều gian ác”. Đừng xem nhẹ tội lỗi mà hãy ghét nó. Đừng nghĩ tội lỗi không cũng không tệ lắm. Không phải vậy đâu, tội lỗi rất nguy hiểm. Nếu chúng ta nhường chỗ cho tội lỗi thì nó sẽ nuốt chửng chúng ta. Khi anh em bắt đầu chơi với tội lỗi chút xíu, nó sẽ đến gần anh em hơn, thì anh em đã bị thua trận rồi. Vì vậy, chúng ta phải học cách ghét tội lỗi. Nếu chúng ta để ý có gì đó ô uế đang trào lên trong lòng mình, thì ngay lập tức chúng ta phải nói với Chúa “Chúa ơi, con ghét nó. Con không muốn, con phán xét nó. Con không đồng ý với điều đó đâu”. Lúc nói như vậy, anh em sẽ kinh nghiệm được Đấng Christ là của lễ chuộc tội lỗi của mình.

Hơn nữa, chúng ta không chỉ ghét tội lỗi mà chúng ta phải chống trả lại nó. “Vậy, hãy nghĩ đến Đấng đã chịu đựng sự đối nghịch của kẻ tội lỗi như thế, để cho anh em không bị mỏi mệt và ngã lòng” (Hê-bơ-rơ 12:3). Chúng ta hãy nghĩ đến Đấng Christ là của lễ chuộc tội lỗi của chúng ta. “Trong cuộc chiến đấu chống lại tội lỗi, anh em chưa chống trả đến mức bị đổ máu đâu” (câu 4). Anh em đã từng đọc câu này chưa? Phao-lô nói rất rõ rằng chúng ta phải chống trả lại tội lỗi. Khi tội lỗi đến thì anh em đừng chờ xem điều gì sẽ xảy ra, mà sẽ có một cuộc chiến và anh em phải chống trả. Chống trả lại tội lỗi cũng thuộc về của lễ chuộc tội lỗi. Trong Sáng Thế Ký 4:6-7, Chúa nói với Ca-in “Cớ sao ngươi giận dữ, và cớ sao nét mặt ngươi gằm xuống? Nếu ngươi làm lành, há chẳng ngước mặt lên sao? Nếu ngươi không làm lành, thì tội lỗi rình rập trước cửa...”. Đây cũng là kinh nghiệm của chúng ta. Khi tội lỗi rình rập trước cửa nhà anh em thì anh em làm gì? Chúa đã ban cho Ca-in một lời khuyên rất tốt “...nó đang thèm ngươi lắm; nhưng ngươi phải chế ngự nó”. Nhờ của lễ chuộc tội lỗi đã được làm ứng nghiệm bởi Đấng Christ, chúng ta có một con đường để chế ngự tội lỗi. Khi thấy tội lỗi đang rình rập ở đâu đó, anh em hãy dùng lấy của lễ chuộc tội lỗi bằng cách thưa với Chúa “Chúa ơi, con dùng Ngài làm của lễ chuộc tội lỗi của con. Con muốn chống trả lại tội này. Con muốn chế ngự nó”. Phao-lô cũng đã xác nhận điều này một lần nữa trong Rô-ma 6:12 “Đừng để tội lỗi cai trị trong thân thể hay chết của anh em, khiến anh em vâng theo dục vọng của nó”. Của lễ chuộc tội lỗi này được dùng để xử lý bản chất tội lỗi ở trong xác thịt của chúng ta.

B. Của lễ chuộc sự vấp phạm

(Lê-vi Ký 5:14-26; Lê-vi Ký 6:1-7; Rô-ma 4:25; Ê-phê-sô 1:7; 1.Cô-rinh-tô 15:3; Hê-bơ-rơ 9:28; 1.Phi-e-rơ 2:24; 1.Giăng 1:7-9, 2:2; Ê-sai 53:1-8 )
Bây giờ tôi nói đến của lễ chuộc sự vấp phạm. Chúa biết chúng ta không hoàn hảo, vì trong lúc chúng ta còng sống trong xác thịt, thì chúng ta có nguy cơ phạm tội. Đức Chúa Trời biết điều này nên Ngài đã ban cho chúng ta của lễ chuộc sự vấp phạm. Của lễ này xử lý những việc làm phạm tội của chúng ta.

Lê-vi Ký 5 nói đến của lễ này: “Khi có người nào phạm tội vì sau khi tuyên thệ sẽ làm chứng sự thật, tức nói ra những gì người ấy đã thấy và biết, nhưng lại không nói, người ấy phải chuốc lấy hậu quả của tội lỗi mình. Hoặc khi có người nào đụng đến vật ô uế...” (câu 1, 2). Nếu một người phạm tội như trên thì phải làm sao? “Vậy người nào mắc tội về một trong các điều trên thì phải xưng nhận tội mình đã phạm” (câu 5). Như vậy đầu tiên người đó phải xưng nhận tội của mình. Và sau đó “rồi vì tội mình đã phạm, người ấy sẽ đem một của lễ chuộc sự vấp phạm đến dâng lên CHÚA, một con chiên cái hay một con dê cái trong bầy. Thầy tế lễ sẽ làm lễ chuộc lổi cho người ấy, để người ấy sẽ được tha tội” (câu 6). Điều này mang chúng ta đến 1.Giăng. Trong thư này, sứ đồ Giăng chỉ cho chúng ta cách xử lý những tội đã phạm và chỉ cách kinh nghiệm của lễ chuộc sự vấp phạm. “Nhưng, nếu chúng ta bước đi trong ánh sáng cũng như chính Ngài ở trong ánh sáng, thì chúng ta tương giao với nhau; và huyết của Jesus, Con Ngài, làm sạch mọi tội của chúng ta” (1.Giăng 1:7). Ngợi khen Chúa! Đây chính là một tin mừng! “Nếu chúng ta nói mình không có tội gì cả, ấy là chính chúng ta lừa dối mình, và lẽ thật không ở trong chúng ta. Còn nếu chúng ta xưng nhận tội mình, thì Ngài là thành tín vàcông bình để tha các tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều bất chính” (câu 8, 9). Ở đây, Giăng cũng nhắc đến việc “xưng nhận các tội” như ở của lễ chuộc sự vấp phạm. Nghĩa là Đức Chúa Trời luôn tha thứ cho các việc làm phạm tội của chúng ta mỗi khi chúng ta thừa nhận chúng nó. Xưng nhận các tội là điều rất cần thiết. Anh em không được nói rằng “Tôi đã phạm tội rồi. Tôi phải làm gì đây? Tôi sẽ ẩn trốn cho đến khi cảm xúc của tôi tốt hơn vì bây giờ tôi cảm thấy mình rất tồi tệ”. Chúng ta không cần phải làm như thế. Của lễ chuộc sự vấp phạm mà Chúa đã ban cho chúng ta, cho phép chúng ta đến với Cha và đến với Chúa Jesus ngay lập tức. Anh em hãy nói với Cha rằng “Cha ơi, con dâng cho Cha của lễ chuộc sự vấp phạm. Con đã phạm tội rồi. Cha ơi, cho con xin lỗi, con đã xúc phạm anh em đó, con đã có suy nghĩ xấu,... Con thú nhận với Cha rằng con đã có suy nghĩ thuộc về xác thịt. Con xin lỗi. Chúa Jesus ơi, xin rửa sạch con”. Anh em không được che giấu các tội, mà anh em phải thú nhận với Chúa, vì Ngài muốn nghe từ anh em. Để của lễ chuộc sự vấp phạm có tác dụng thì anh phải thú nhận các tội và xin Chúa tha thứ. Nếu chúng ta làm như vậy thì Ngài là thành tín và công bình sẽ tha thứ các tội của chúng ta và làm cho chúng ta sạch mọi điều bất chính. Chúa không chỉ tha thứ mà Ngài còn tẩy sạch nữa. Ngài tha thứ anh em và tẩy rửa anh em, làm cho anh em trắng như tuyết. Anh em có muốn được trắng như tuyết không? Nếu chúng ta nói mình chẳng từng phạm tội, thì chúng ta cho Ngài là kẻ nói dối, lời Ngài không ở trong chúng ta” (câu 10).

Bây giờ chúng ta chuyển sang chương 2 của sách này. “Hỡi các con bé nhỏ của ta, ta viết cho các con những điều nầy, để cho các con không phạm tội” (câu 1). Ở đây chúng ta thấy, sứ đồ Giăng khuyên chúng ta một lần nữa là đừng xem nhẹ tội lỗi. Đừng có nghĩ rằng: “tôi đã có của lễ chuộc sự vấp phạm rồi. Tôi phải xưng nhận mọi điều tôi làm, rồi mọi tội sẽ được lấy đi. Sau đó, tôi có thể tiếp tục phạm tội, rồi Chúa rửa sạch, và tôi lại tiếp tục phạm tội, rồi được làm sạch khỏi tội,...”. Như vậy Chúa sẽ đẹp lòng sao? Nếu chúng ta đối phó với tội lỗi như vậy, nó sẽ hủy diệt chúng ta. Hãy hết sức nghiêm túc với tội lỗi. Chúng ta phải thận trọng như sứ đồ đã nói: ông viết để chúng ta không phạm tội.

Nhưng nếu lỡ phạm tội, dù chúng ta không muốn và cũng không xem nhẹ, chúng ta có một Đấng biện hộ ở nơi Cha. Ngợi khen Chúa! Một mặt chúng ta xưng nhận tội, mặt khác chúng ta có Đấng biện hộ ở nơi Cha là Jesus Christ, là Đấng công chính. Của lễ chuộc sự vấp phạm không chỉ là một của tế lễ mà cũng đồng thời là luật sư của chúng ta nữa, là Đấng biện hộ cho chúng ta. Ngài đứng trước Cha và bàu chữa cho chúng ta. Như vậy không tuyệt sao? Sau khi phạm tội, anh em đến với Chúa và thú nhận với Ngài, rồi Chúa Jesus sẽ đến với Cha và thưa rằng “Cha ơi, Cha phải tha thứ cho người này. Đây là huyết của lễ chuộc sự vấp phạm. Con chính là của tế lễ. Con đã trả giá và huyết con đã được đổ ra. Cha ơi, xin hãy tha thứ”. Có một người biện hộ cho chúng ta như vậy thì không tốt sao?

Điều tuyệt vời là Đấng biện hộ không chỉ đứng trước Cha ở trên trời mà Ngài cũng đang ở trong tâm linh anh em. Trong Giăng 14:26, Chúa nói “Nhưng Đấng Yên ủi, tức là Thánh Linh mà Cha sẽ nhân danh Ta sai xuống”. Từ “người yên ủi” trong tiếng Hy Lạp cũng là một từ với từ “người biện hộ” như trong 1.Giăng 2. Cho nên ở đây chúng ta cũng có thể nói rằng Đấng biện hộ là Thánh Linh. Một mặt Ngài là của tế lễ, mặt khác Ngài là Đấng biện hộ đứng trước Cha ở trên trời, và Ngài cũng là Thánh Linh đang ở trong tâm linh anh em. Ha-lê-lu-gia! Của lễ này thật tuyệt! Chúng ta phải biết thưởng thức nó.

Lê-vi Ký 5:7 nói rằng “Nếu người ấy không thể đem một con chiên hay dê, thì vì tội mình đã phạm, người ấy sẽ đem đến cho CHÚA một cặp chim gáy, hoặc một đôi bồ câu con”. Ở đây có hai con chim bồ câu cho của lễ chuộc sự vấp phạm, trong đó một con được dùng làm của lễ chuộc tội lỗi, và con còn lại được dùng làm của lễ thiêu. Ngợi khen Chúa! Đó chính là kinh nghiệm của chúng ta. Sau khi phạm tội, anh em bị dơ bẩn, anh em thưa với Chúa: “Chúa Jesus, xin tha thứ con. Xin tẩy sạch con. Con thú nhận tội của con”. Chúa là thành tín và công bình sẽ tha thứ mọi tội của anh em. Sau đó, anh em bỏ đi và lại lại phạm tội tiếp. Rồi anh em quay trở lại với Chúa để xin Ngài rửa sạch. Và cứ tiếp tục như thế đó. Mỗi lần anh em làm như vậy, thì mối quan hệ giữa anh em với Chúa ngày càng có nhiều khoảng cách. Tại sao? Tại vì tội lỗi không chỉ làm anh em bị dơ bẩn mà nó còn chia cắt anh em ra khỏi mối tương giao với Đức Chúa Trời. Đây là một vấn đề lớn. Có một cái gì đó ở giữa anh em và Đức Chúa Trời, làm cho mối quan hệ giữa anh em với Đức Chúa Trời không còn trong sạch nữa mà có khoảng cách ở giữa. Anh em có kinh nghiệm như vậy chưa? Anh em muốn đến với Chúa, nhưng cảm thấy xa cách. Sau nhiều lần phạm tội và được rửa sạch như vậy, khoảng cách giữa anh em và Chúa càng xa hơn. Cuối cùng tấm lòng anh em sẽ hoàn toàn nguội lạnh nên anh em không còn có mối quan hệ với Chúa nữa. Như vậy không tốt!

Cho nên Chúa mới nói là mang một cặp chim gáy, một con để xử lý nan đề tội lỗi, và con còn là của lễ thiêu để anh em có thể tiếp tục tương giao với Đức Chúa Trời trong sự hiệp một. Bởi tội lỗi, anh em không còn làm Đức Chúa Trời đẹp lòng nữa nên anh em cần một của lễ thiêu để làm đẹp lòng Ngài trở lại. Vì vậy, chúng ta hãy thực hành điều này. Mỗi khi phạm tội thì anh em đừng chỉ xưng nhận tội rồi bỏ đi mà hãy nói với Chúa “Chúa ơi, con cũng dâng của lễ thiêu. Con không chỉ muốn được giải thoát khỏi vết bẩn này, mà con không muốn mối quan hệ giữa con với Ngài có khoảng cách. Con muốn đến gần Chúa như có thể. Con không chấp nhận bất kỳ khoảng cách nào. Con không muốn có một trái tim lạnh lùng với Ngài”. Đó là con chim thứ hai. Chúng ta hãy áp dụng nó trong kinh nghiệm của mình. Đừng chỉ đến với Chúa để được Ngài rửa sạch mà hãy nói với Ngài “Chúa ơi, con xin dâng chính mình cho Ngài một cách mới mẻ. Con lấy Đấng Christ làm của lễ thiêu của con”. Vì có hai con chim nên anh em phải dâng cả hai con để mối quan hệ giữa chúng ta với Cha không bị ảnh hưởng và không có gì ở giữa anh em và Cha cả. Nếu chúng ta chú ý điều này, Chúa sẽ mang chúng ta vào mối quan hệ gần gũi với Ngài và có thể tác động đến chúng ta.

Xin Chúa mang chúng ta vào hiện thực của của lễ chuộc tội lỗi và của lễ chuộc sự vấp phạm. Ngợi khen Chúa!