Kinh Tân ước
có chép bốn phúc âm của Chúa Jesus là Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca. và Giăng. Ba phúc
âm đầu tiên được xếp chung một loại, gọi là phúc âm đồng quan hay Tin lành cộng
quan. So với ba phúc âm đồng quan, phúc âm Giăng xuất hiện trễ hơn chừng ba
thập niên, và được xếp vào loại riêng. Ba phúc âm đồng quan bàn luận về phương
diện làm người của Chúa Jêsus, Ngài là Vua, Tiên Tri (Tôi Tớ), Thầy Tế lễ (Con
người), còn phúc âm Giăng trình bày Ngài là Con Đức Chúa Trời. Đây là phúc âm sự
sống đời đời, phúc âm về cõi thuộc thiên vĩnh hằng. Ba phúc âm đầu tiên nhấn
mạnh công tác chức vụ của Ngài tại xứ Ga-li-lê, còn phúc âm Giăng đặt trọng tâm
vào công tác chức vụ của Chúa tại xứ Giu-đê
và đặc biệt là Jerusalem, trung tâm tôn giáo của người Do thái—Do Thái giáo.
Khi mô tả về
các phép lạ của Chúa Jesus, ba phúc âm cộng quan dùng các từ ngữ như “việc
quyền năng” (dunamis- Mathio 11:21) hay dấu lạ (semeion- Lu-ca 23:8), đặc biệt
Giăng chỉ nhất quán dùng một chữ “dấu hiệu” (semeion- Giăng 20:30). Danh từ
“semeion” được dịch là “phép lạ”, “dấu lạ”, nhưng nghĩa đen của nó là “sign”
(dấu hiệu). Làm dấu hiệu là làm dấu, là làm “xi-nhan”, vì tiếng Pháp là signal,
để diễn tả một ý tưởng gì đó.
Giăng 20:30-31
chép, “Vả, có nhiều dấu hiệu (semeion) khác Jêsus đã làm trước mặt các môn đồ,
mà không chép trong sách nầy; nhưng các điều nầy đã chép hầu các ngươi tin rằng
Jêsus là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời, và nhơn sự tin thì được sự sống trong
danh Ngài”. Trong ba năm rưỡi chức vụ, Chúa Jesus đã làm rất nhiều phép lạ,
nhiều dấu hiệu (semeion), nhưng sứ đồ Giăng chỉ lựa ra 8 dấu hiệu để xây dựng
sách phúc âm của ông, nhằm trình bày Chúa Jesus là sự sống đời đời giữa tôn
giáo chết của người Do thái, dân của Đức Chúa Trời. Tám dấu hiệu đó như là tám
bằng chứng, tám chứng cớ về một Cứu Chúa hằng sống, sinh động, tươi mới giữa
bầu không khí chết cứng, đói rét, tối tăm của tôn giáo dân Ngài tại Jerusalem
và xứ Giu-đê, nặng mùi tôn giáo đúng lễ nghi và luật pháp văn tự, nhưng thiếu
sự sống.
Trong bài nầy
tôi sẽ trình bày tám dấu hiệu của Chúa Jesus như sau:
1.Hoá Nước
Thành Rượu Nho- 2:1-11
“Ấy là tại
Ca-na thuộc Ga-li-lê mà Jêsus bắt đầu làm những dấu lạ của Ngài,--Na-tha-na-ên
quê ở Ca-na thuộc Ga-li-lê” (Giăng 2:11 ; 21:1). Na-tha-na-ên là một trong các môn
đồ đầu tiên của Chúa. Đó là Anh-rê, Giăng, Phi-e-rơ, Phi-líp. Có lẽ Na-tha-na-ên
mời Chúa và các bạn mình tham dự tiệc cưới trong gia tộc của ông tại Ca-na.
Ở ngoài cửa
nhà ăn tiệc có bố trí sáu cái ché đá “để dùng theo lề thói tẩy sạch của dân
Do-thái” chứng tỏ dân Chúa thời đó đang bị ràng buộc vào lề thói, truyền khẩu
hư không của Do thái giáo. Con số sáu nói lên tình trạng phàm nhân, bất toàn
của dân Ngài. Nên đừng ngạc nhiên, tiệc cưới thiếu rượu nho để đãi cho khách.
Sứ đồ Giăng
cho chúng ta thấy dân Chúa, vì ở trong tôn giáo, nên thiếu sự tuôn đổ của Linh
Chúa, thiếu hụt sự sống của Đức Chúa Trời. Trong dấu hiệu thứ nhất nầy, Chúa
Jêsus bày tỏ chính Ngài là Đấng có khả năng ban rượu nho thần thường đến dư
tràn. Thế thường thì lúc nào sự cung cấp, sự sản xuất hàng hoá đều đi từ tốt
đến xấu và tệ. Còn với Đấng hằng sống thì việc ban rượu nho hảo hạng đến sau, vì
Chúa muốn chúng ta “đi tới sức mạnh càng thêm” (Thi 84:7), “ân điển gia trên ân
điển”(Giăng 1:16), “từ vinh quang đến vinh quang” cao hơn (2 Cor. 3:18). Chúa
làm “xi-nhan” như vậy. Xin Chúa ngăn chúng ta có lối sống suy thoái như Phao-lô
tiên đoán về tín đồ sa bại, “nhưng những người ác, kẻ giả mạo thì sẽ càng ngày
càng tệ hơn, lừa dối người ta, cũng bị người ta lừa dối lại” (2 Tim. 3:13).
2.Chữa Bệnh
Con Quan Đại Thần- 4:46-53
“Vậy, Ngài lại
đến Ca-na thuộc Ga-li-lê, là nơi Ngài đã hoá nước thành rượu. Có một quan đại
thần kia có con trai đang đau yếu tại Ca-bê-na-um. Quan đó nghe Jêsus đã từ Giu-đê đến
Ga-li-lê, bèn tới cầu xin Ngài xuống để chữa lành con mình, vì nó gần chết, Jêsus bèn
phán cùng quan ấy rằng: “Nếu các ngươi không thấy dấu kỳ phép lạ, thì các ngươi
hẳn chẳng tin.” Quan
đại thần nói rằng: “Thưa Chúa, xin xuống trước khi con trẻ tôi chưa chết.” Jêsus phán
rằng: “Hãy đi, con của ngươi sống.” Quan đó tin lời Jêsus đã phán, bèn đi. Khi quan
đi về, các đầy tớ quan đến đón mà nói rằng con trai quan
sống. Quan bèn hỏi họ nó bớt nhằm giờ nào. Họ đáp rằng: “Hôm qua
vào giờ thứ bảy cơn sốt rét đã dứt.” Người cha nhận biết rằng ấy là chính giờ
đó Jêsus đã phán cùng mình rằng: “Con của ngươi sống,” thì người với cả nhà đều
tin. Ấy là dấu hiệu thứ hai mà Jêsus đã làm khi Ngài từ Giu-đê đến Ga-li-lê”.
Như Lu ca 8:3 có chép, “Gian-nơ vợ Chu-xa,
là gia tể của Hê-rốt”, thì có thể vị quan nầy có tên là Chu-xa. Sau khi cả gia
đình ông tin Chúa, bà Gian-nơ, vợ ông đã sử dụng của cải nhà mình phụng sự Chúa
suốt ban năm dài.
“Ấy là dấu
hiệu thứ hai mà Jêsus đã làm khi Ngài từ Giu-đê đến Ga-li-lê”. Các việc quyền
năng mà Chúa Jêsus đã làm, khi chép lại, thì Giăng bảo đó là “dấu hiệu”. Bệnh
nhân là cậu bé bị sốt rét. Tại sao Giăng chọn trường hợp bệnh sốt rét nầy, như
có vẻ không có gì quan trọng? Bệnh sốt rét đưa ra dấu hiệu gì? Người bị sốt rét
khi thì lên cơn sốt cao, khi thì lại rét, run cầm cập. Tôi nghĩ Sứ đồ Giăng
muốn bày tỏ rằng tình trạng thuộc linh không ổn định của dân Chúa trong tôn
giáo.
Anh em có đời sống thuộc linh như vậy không?
Khi thì quá nóng cháy, đọc Kinh Thánh ngày đêm, khi thì bỏ nhóm, không hề đọc
Kinh thánh cả tháng. Con trẻ chưa trưởng thành thuộc linh, không tự chế, không
ổn định nên dễ “bị dồi dập, trôi qua trôi lại theo các thứ gió giáo lạ bởi trá
thuật và quỉ kế của loài người, y theo mưu chước lầm lạc của họ” (Êph. 4:14).
Tôi thấy sự điềm đạm, trưởng thành, ổn định
thuộc linh của cụ Gia-cốp khi được tin con trai yêu dấu của cụ là Giô-sép còn
sống. Dù cụ đã bị các con lừa gạt gần 20 năm về sự chết giả tạo của Giô-sép.
Thế mà nay cụ không quá xúc động, hoặc nổi giận đánh đập các con đã lừa dối cụ.
Tôi ngạc nhiên thấy cụ rất điềm tỉnh, ổn định trong tầm vóc trưởng thành thuộc
linh của mình, và không có phản ứng gì thái quá vào lúc ấy.
3. Chữa trị
Người Bại Liệt Tại Ao Bết-tết-đa, Giê-ru-sa-lem- 5:1-47
Trước hết
chúng ta xem 5:1-8 và 24, “Sau việc đó, đến một kỳ lễ của dân Do-thái, Jêsus
lên Giê-ru-sa-lem. Vả, tại Giê-ru-sa-lem bên cửa Chiên có một cái ao, tiếng
Hê-bơ-rơ gọi là Bết-tết-đa, có năm cửa bao lơn. Những
kẻ đau yếu, mù, què, bại nằm tại đó rất đông, (chờ khi nước động; vì một thiên
sứ thỉnh thoảng giáng xuống trong ao, làm cho nước động. Lúc nước đã động rồi,
hễ ai xuống ao trước hết, bất kỳ mắc bịnh hoạn gì, cũng được lành cả.) Nơi đó có
một người bị bịnh đã ba mươi tám năm. Jêsus thấy người nằm, biết rằng đau đã
lâu rồi, thì hỏi người rằng: “Ngươi muốn được lành chăng?” Người bịnh đáp rằng: “Thưa ông, tôi
chẳng có người để đem tôi xuống ao trong khi nước động; lúc tôi đi đến thì kẻ
khác đã xuống trước tôi rồi.” Jêsus phán rằng: “Hãy đứng dậy, xách
đệm ngươi mà đi.” Tức
thì người ấy được lành, xách đệm mình mà đi.--Quả thật, quả thật, ta nói cùng
các ngươi, ai nghe lời Ta mà tin Đấng đã sai ta, thì có sự sống đời đời, không
đến sự định tội, song đã vượt khỏi sự chết mà vào sự sống rồi”.
Nhiều học giả
Kinh thánh tin rằng ngày lễ hội chép ở Giăng 5 là lễ Phu-rim, như Ê-xơ-tê 9:19-23 chép, “Nhưng dân Giu-đa ở tại Su-sơ
nhóm hiệp trong ngày mười ba và mười bốn của tháng ấy; còn ngày mười lăm tháng
ấy, chúng an nghỉ và lập thành một ngày tiệc yến vui vẻ. Bởi cớ ấy, những người Giu-đa ở nơi
các hương thôn, lấy ngày mười bốn tháng A-đa làm một ngày vui mừng, tiệc yến,
một ngày lễ để gởi cho lẫn nhau những lễ vật. Mạc-đô-chê ghi chép các điều nầy, và
gởi thơ cho hết thảy dân Giu-đa ở trong các tỉnh của vua A-suê-ru, hoặc gần hay
xa, để
khiến cho họ hằng năm giữ ngày mười bốn và mười lăm của tháng A-đa, vì trong
ngày và tháng ấy dân Giu-đa đã thoát khỏi kẻ thù nghịch mình và được bình an,
sự đau đớn đổi ra mừng rỡ, và ngày buồn thảm hóa ra ngày lễ; lại bảo họ lập
thành ngày tiệc yến và vui mừng, gởi cho lẫn nhau những lễ vật, và bố thí cho
người nghèo khổ”. Vì Giăng 5:24 phảng phất ý tưởng dân Chúa thoát khỏi sự định
tội chết.
Dấu hiệu nầy
bày tỏ thái độ Chúa chống lại việc con dân Ngài mê tín, tin vào hiện tượng thần
bí. Có lắm khi Ma quỉ lợi dụng các việc như thế. Từ xưa đến nay con dân Chúa bị
chi phối bởi những địa điểm có sự hiển linh thần bí như vậy rất nhiều.
Chúa làm nổi
bật thời gian 38 năm mà người què nằm giữa lòng tôn giáo chết. Ngài ngụ ý dân
Israel đã lưu lạc trong sa mạc 38 năm, và bây giờ Ngài muốn truyền sự sống thần
thượng cho người bại nầy, để anh bước ra khỏi khối người “đau yếu, mù què, bại”
của tôn giáo chết. Họ đã lang thang trong sa mạc tôn giáo 38 năm rồi, nay cần ra
khỏi nơi đó khi Ngài đến. Đó là dấu hiệu của Ngài trong ngày lễ hội Phu-rim.
4. Chúa Hoá
Bánh Nuôi Đoàn Dân Đông- 6:1-15
Hoá bánh ra
nhiều là việc quyền năng, được Mathio 14, Mác 6 và Lu ca 9 ghi chép rất kỹ
lưỡng. Đó là việc hoá bánh lần thứ nhất của Chúa. Nhưng Giăng ghi lại câu
chuyện nầy để làm dấu hiệu, và qua đó bày tỏ tâm trí của Chúa Jêsus. Sau khi
hoá bánh, Chúa giảng dạy một bài dài về bánh hằng sống, về bánh thuộc thiên, là
chính Ngài từ trời mà đến.
Về dân Do
thái, sau khi được ăn bánh, nhiều người chạy theo Ngài với mục đích để có được
bánh ăn và khỏi lao động. Chúa nói với họ đừng làm việc vì đồ ăn hay hư mất, mà
phải vì đồ ăn còn lại đến đời đời. Chớ có ai theo Chúa vì lợi vật chất!
Tại sao Chúa dùng bánh và cá để nuôi đoàn
dân đông. Cá nói lên sự sống động vật, bánh bày tỏ thế giới thảo mộc- là sự
sống cứu chuộc và sự sống đời đời của Chúa Jêsus. Không thể bỏ qua sự cứu rỗi
của Chúa, cũng như không thể quá thoả mãn với sự cứu độ chắc chắn mà quên vui
hưởng sự sống đời đời là quà tặng của Đức Chúa Trời ban cho người được cứu (Rô.
6:23).
Đất hứa Canaan
đượm sữa và mật bao hàm sản vật gì? Sữa là sự kết hợp của sự sống động vật (con
bò) với sự sống thảo mộc (rau cỏ). Mật ong là sự hoà lẫn giữa sự sống con ong
(động vật) với sự sống của trăm loài hoa (thảo mộc). Vui hưởng cả sự cứu rỗi
của Đức Chúa Trời và sự sống đời đời của Ngài trong lời giảng dạy, trong nếp
sống đức tin là chúng ta đang vui huởng sữa và mật ong đất hứa của Chúa đấy.
Cho nên Chúa đãi dân Do thái trong đồng vắng vào lúc ấy bằng thực đơn bánh và
cá—sự kết hợp của hai sự sống. Chúa làm “xi nhan” cho chúng ta rồi. Đó là trái
cây sự sống (thảo mộc) và sự sống động vật (cá, hay huyết và thịt chiên con).
Có sự vui hưởng hai yếu tố đó cách cân bằng trong đời sống của anh em không?
Tôi nhận thấy
ngày nay dân Chúa dễ dàng sở hữu một quyển Kinh thánh cho mình, họ cũng không
thiếu sách vở, và có đầy tràn lời giảng Kinh thánh trong sách vở, băng đĩa,
nhưng thật sự dân Chúa còn thiếu sấm ngôn của Đức Chúa Trời, thiếu thốn và vẫn
còn đói Lời hằng sống cập nhật, lời có sự xức dầu tươi mới của Linh Chúa (A-mốt
8: 11-12).
5.Chúa Đi
Trên Mặt Biển- 6:16-21
Việc Chúa
Jêsus đi bộ trên mặt biển vào canh tư để đến với thuyền con của các môn đồ đã
được ba sách Tin lành Ma-thi-ơ (chương 14), Tin Lành Mác (chương 6) và Tin lành
Giăng ghi lại ở đây.
Tại sao sứ đồ
Giăng chọn việc quyền năng nầy của Chúa Jêsus để làm dấu hiệu? Thuyền con tượng trưng Hội thánh. Thuyền đi
trên biển động là Hội Thánh đang trãi qua dòng đời náo động. Do Satan xúi giục,
thế giới tấn công Hội Thánh. Ma-thi-ơ nói là vào canh tư, khoảng 2 giờ đến 4
giờ sáng, Chúa Jesus đi bộ trên biển đến với môn đồ. Mác 6:48 chép, “Ngài thấy
môn đồ chèo khó nhọc lắm, vì gió ngược. Ước chừng canh tư Ngài đi trên biển mà
đến cùng họ, và muốn đi vượt qua họ”. Tại sao Chúa có vẻ không muốn lên thuyền
mà muốn đi theo hướng đi của Ngài? Có lẽ Ngài thấy các môn đồ tự tung tự tác,
tư biên tự diễn công việc quản lý Hội thánh, nên Chúa không muốn xen vào. Nhưng
khi Ngài đến gần, họ tưởng Ngài là con ma và la lên cách hoảng sợ.
Giăng muốn cho
chúng ta thấy Chúa làm dấu hiệu là dân Chúa trong Hội Thánh không nhận biết
Ngài, họ không quen biết Ngài. Tiến sĩ A.W. Tozer của Hội Phước Âm Liên Hiệp
(C.M.A.) có nói, “Giả như ngày nay Chúa bước vào các cuộc hội nghị Kinh Táhnh
của chúng ta. Chúng ta sẽ hỏi “Ông là Ai vậy”. Ngày nay Hội Thánh rất quen biết
và thông thạo văn tự Kinh thánh, nhưng lại ít quen biết Chúa là Tác Giả của
Kinh Thánh. Ngài có phán với anh em mỗi ngày không? Hay là vì bản ngã anh em
quá mạnh, anh em chỉ luôn luôn sống trong tư tuởng của mình và không hề nghe
tiếng của Chúa phán một lời nào với anh em trong lòng mình mỗi ngày?
Điều lạ lùng
là làm sao sứ đồ Giăng lại viết “Vậy, họ bằng lòng rước
Ngài vào thuyền, tức thì thuyền đến bờ là nơi định đi”. Đương nhiên là họ cần
mời Chúa lên thuyền, chứ làm sao Giăng lại chép “ bằng lòng rước Ngài vào
thuyền”? Bằng lòng là tình nguyện, là sẵn sàng, và cũng có thể không đồng ý.
Chúa không bao giờ cưỡng bách bước vào can thiệp nếp sống gia đình hay nếp sống
Hội Thánh của anh em, nếu anh em không mời Ngài. Ngài chờ đợi anh em dâng cho
Ngài quyền lãnh chúa, quyền chủ trị mà anh em đang nắm trên cơ nghiệp của Ngài.
Chúng ta đọc
lại “Vậy, họ bằng lòng rước Ngài vào thuyền, tức thì thuyền đến bờ là nơi định
đi”. Thuyền sẽ cặp bờ ngay vào ngày Chúa tái lâm. Như vậy là quá trễ. Tôi tin
rằng ngày nào toàn thể Hội Thánh chung nhìn nhận quyền lãnh đạo của Chúa, Ngài
mới tái lâm. Ngày đó là những năm tháng cuối cùng khi các vị bá chủ giữa vòng
dân Chúa bị phế thải đi, thì chiếc thuyền Hội thánh sẽ cặp bờ bên kia là vương
quốc thiên hi niên tức thì.
Đó là dấu hiệu
mà Chúa đã “xi nhan” cho chúng ta trong việc Ngài đi trên mặt biển.
6. Chúa
Chữa Lành Người Mù Từ Thuở Sanh Ra- 9:1-41
Khi làm một
dấu hiệu nào, Chúa Jêsus đều có ngụ ý, có đặt ý tưởng của Ngài trong dấu hiệu đó.
Tôi nghi ngờ dân Do thái giáo có thể hiểu ra và thậm chí chúng ta hôm nay, cũng
có thể còn có người không hiểu nổi tư tưởng của Chúa trong 8 dấu hiệu nầy.
Qua việc chữa
lành người mù từ thuở sinh ra, Chúa muốn nói cùng dân tôn giáo rằng nhà hội của
họ là nơi đã nhốt tù dân của Đức Chúa Trời, những người bị nhốt trong đó đều mù
loà thuộc linh.
Giăng chép,
“Ngài phán như vậy rồi, thì nhổ nước miếng xuống đất, lấy hoà thành bùn, đem
thoa mắt người mù”. Người mù cũng nói “Người gọi là Jêsus kia đã hoà bùn, thoa
mắt tôi”. Động từ “thoa” ở đây là epichrio, có nghĩa “xức dầu lên trên” theo
tiếng Hi lạp. Christos là Đấng chịu xức dầu, là Đấng Christ. Đấng Messiah. Từ
Danh xưng Christos phát sinh ra các động từ như egchrio (xức dầu vào) ở Khải
thỉ 3:16, hoặc chrio (xức dầu) ở Luca 4:18, 2 Corinhto 1: 21; Hêb.1: 9, và
epichrio ở đây, đều rất có ý nghĩa. Việc thoa bùn lên mắt người mù là dấu hiệu
của sự xức dầu Thánh Linh trên người mù bẩm sinh, để người đó có thể thấy được.
Sứ đồ Giăng cố ý đem động từ xức dầu vào chỗ nầy.
Người nào được
Chúa ban cho dầu Linh thì sẽ thấy được, người đó sẽ bị tôn giáo trục xuất, và
chính người có đôi mắt mở ra như vậy cũng không thể ở lại trong tôn giáo khô
hạn được. Vào thời đó, dân chúng rất sợ bị đuổi ra khỏi nhà hội, vì việc đó ảnh
hưởng nặng nề đến sinh kế của họ trong xã hội.
Ý nghĩa thứ
hai trong dấu hiệu chữa lành người mù nầy là Chúa có ngụ ý phế bỏ ngày sa bát.
Thế mà vào thế kỷ 21 nầy cũng còn một số người ủng hộ và tuân giữ ngày sa-bát,
chứng tỏ họ không hiểu ngụ ý của Chúa Jêsus trong dấu hiệu thứ sáu nầy. Chỉ người
mù loà thuộc linh mới còn giữ ngày sa bát đến hôm nay.
7. Chúa
Khiến La-xa-rơ Sống Lại- 11:1-12:10
Làng Bê-tha-ni
nằm về phía đông ngọn núi Ô-liu, còn phía tây của núi nầy là vườn Ghết-sê-ma-nê,
và thành phố Jerusalem
cách núi Ô-liu một dặm đường về phía tây. Thông thường chúng ta tưởng Ma-thê vì
bận rộn việc nội trợ, nên bà không biết nhiều về lời Chúa. Trong sự đối đáp của
bà với Chúa Jesus ở đây bày tỏ bà cũng am hiểu giáo lý Chúa khá nhiều.
Trong tám dấu
hiệu, thì bảy dấu hiệu dành cho dân tôn giáo Do thái, dấu hiệu thứ tám dành cho
các sứ đồ. Dấu hiệu thứ bảy là dấu hiệu tuyệt đỉnh bày tỏ tư tưởng của Chúa có
ngụ ý cho dân Ngài trong tôn giáo chết. Dân tôn giáo thiếu rượu thần thượng,
lên xuống bất thường trong tình trạng thuộc linh. Họ bại liệt không thể buớc
đi, họ đói Lời hằng sống của Đức Chúa Trời, chớ không đói văn tự hay thiếu Kinh
thánh. Họ không biết Chúa trong cuộc
sống hằng ngày. Họ mù loà thuộc linh nên chỉ khư khư ôm lấy lễ nghi bề ngoài như
ngày sa bát. Và dấu hiệu thứ bảy nầy bày tỏ họ đang chết cách thuộc linh.
Phao-lô nói về
tín đồ phụ nữ xác thịt “thì dẫu sống cũng như chết” (1 Tim. 5:6). Còn Chúa thì chẩn
bệnh Hội Thánh ngày nay, “Đấng có bảy Linh của Đức Chúa Trời và bảy ngôi sao, phán
rằng: Ta biết công việc ngươi, ngươi có tiếng là sống, nhưng mà là chết” (Khải
3:1).
Khoa học định
nghĩa động từ “chết” như sau: “chết là cắt đứt thông công với nguồn sống”. Bông
hoa được cắt và cắm vào lọ, nó đã chết rồi, dù nó có thể kéo dài cuộc sống năm
bảy ngày nữa. Chết là bại liệt, không còn sức năng động. Đáng buồn là người tín
đồ có thể “chết” đối với Chúa mà lại rất sinh động với thế giới, với tội lỗi.
Không có sức để thức đêm cầu nguyện, không có sự thu hút đọc Kinh thánh, hay
truyền giảng, nhưng lại rất sinh động, rất năng nỗ đi đây, đi đó nói xấu, đâm
lén đồng lao của mình. Lạnh cóng với Đức Chúa Trời nhưng nóng sôi với xác thịt
tội lỗi. Đó là tình trạng thật của những người chết trong Hội thánh ngày nay.
8. Chúa Dọn
Bữa Ăn Sáng Cho 7 Môn Đồ- 21:1-25
Tôi nghĩ ai
cũng biết giá trị của bữa ăn sáng. Người Việt Nam thường nói ăn sáng là ăn “điểm
tâm”. Tôi nghĩ chữ “điểm tâm” có nghĩa là ăn qua loa, ăn đại khái. Quan niệm và
lối sống như vậy sai lầm rồi. Người Tây phương chủ trương bữa ăn sáng là bữa ăn
chính trước khi bước vào công việc của một ngày mới.
Trong dấu hiệu
thứ tám, Chúa ngụ ý cho các sứ đồ hiểu rằng họ phải có ba bước thi hành vào mỗi
buổi sáng ngày mới:
a/ Ăn sáng
thuộc linh theo cách có chất lượng.
b/ Nhận được
mặc khải về thân vị của Chúa cách tươi mới và thưa với Chúa rằng “con vẫn còn yêu
Ngài”.
c/ Tiến hành
chăn dắt, nuôi nấng chiên con và chiên lớn của Chúa.
Bữa ăn sáng mà
Chúa dọn bàn cho họ cũng có hai yếu tố cơ bản, nhưng không thể thiếu được là
trái cây sự sống (bánh) và sự cứu rỗi từ đời sống động vật (cá).
Tôi mong anh
em thực hiện giờ dưỡng linh cách đầy đủ cho cá nhân mình vào mỗi sáng sớm để
anh em được tăng cường năng lực thuộc linh và đứng dậy đến với bầy của Đức Chúa
Trời.
Kết Luận:
Qua 8 dấu hiệu
của Chúa Jêsus mà sứ đồ Giăng có ý định ghi lại, xin Chúa cho chúng ta nhận ra
môi trường chết của tôn giáo Cơ Đốc của mình ngày nay. Nguyện Chúa cho anh em
chúng ta tiếp xúc Ngài để tiếp nhận được sự sống tươi mới của Ngài, hầu chúng ta
có thể yêu Ngài nồng thắm và chăn nuôi bầy Ngài cách hữu hiệu mỗi ngày.
Tôi có cảm tác
bài thơ sau đây để tạm làm lời kết luận cho bài tiểu luận nầy:
Chức vụ Chúa Jesus
trong phúc âm Giăng
Chức vụ Jesus trong phúc âm Giăng,
Cung ứng sự sống cho người thay thảy,
Ứng vào chín trường hợp tiêu biểu ấy,
Không phải đúng sai để ta hiểu thông,
Mà ban sự sống cho người nguy ngập,
Linh là thực tại chức vụ cung cấp
Đều là dấu hiệu của Chúa vinh quang.
Người luân lí Ni-cô-đem làm quan,
Nhận khải thị bản thân là loài rắn ;
Cần sanh lại từ trên cho chắc chắn,
Bởi gió Linh thổi đến từ trên trời.
Phụ nữ vô luân được Ngài khuyên mời,
Uống nước vĩnh sinh là Linh hằng sống,
Để thờ phượng Cha trong linh sinh động,
Không theo tôn giáo chết khát khô khan.
Chu xa,
quan gia tể chốn công đàng,
Van khẩn Chúa cứu con ông hấp hối,
Chúa bảo ông tin lời Ngài tuyệt đối,
Con ông được phục hồi, cả nhà tin.
Người bại ba tám năm chẳng an bình,
Khi lắm kẻ lấn ông giành ao nước,
Chúa vấn an, ban sự sống thắng vượt,
Người bại chổi dậy vác giường về nhà.
Dân Do thái không hiểu quà tặng Cha,
Họ tìm Chúa chỉ vì muốn ăn bánh,
Chúa là Linh có sẵn trong lời thánh,
Bởi nhân linh ta ăn thịt Ngài hoài.
Chúa là nước sống cho ta uống nay,
Kẻ khát khao đến cùng Ngài tiếp nhận,
Nhiều sông sống trong ta tràn vô tận,
Tưới mọi nơi khô hạn trong dân Ngài.
Dân làm nô lệ tội lỗi xưa nay,
Cần am hiểu lẽ thật, được giải phóng,
Chúa Con là Đấng Giải Phóng sinh động,
Con cái Ngài được thong thả trong Nhà.
Kìa người mù từ thuở mới sinh ra,
Chúa hoà bùn xức mắt thật kỳ diệu,
Mắt người được sáng, nhiều người khó hiểu:
“Jesus, Ánh sáng sự sống trần gian”.
Em La-xa-rơ nhìn thấy vinh quang,
Khi tiếp nhận Chúa là sự sống lại,
Sự chết bị sự sống Ngài đánh bại,
Cứu dân tôn giáo ra khỏi chuồng chiên.
Chúa đã hiện đến từ cõi thượng thiên,
Ban cho ta sự sống thật sung mãn,
Trong Ngài có sự sống thật vô tận,
Ban phát vào dân thánh cách nhiệm mầu./.
Minh Khải 30-3-2014