-
Toàn bộ lịch sử quốc gia Israel
trong Cựu ước từ vua Sau-lơ, vua đầu tiên cho đến Sê-đê kia, vua cuối cùng, chỉ
có 41 vị vua tất cả. Theo ánh sáng Kinh thánh, nhà Israel tiêu biểu Hội thánh
Tân ước, và các nhà vua của họ tượng trưng các người chăn bầy, các mục tử trong
hội thánh Chúa hôm nay.
Mấy ngày qua khi đọc sách Các Vua
thứ nhất, tôi được ấn tượng về hai vị vua sống trong bước ngoặt lịch sử của
Israel là vua Rô-bô-am và vua Giê-rê-bô am.
1. Vua Rô-bô-am:
Rô-bô-am là ai và tính cách ông
như thế nào? 1 Các Vua 14:21 nói khi Rô-bô-am lên ngôi, ông đã 41 tuổi. Mẹ ông
là Na-a-ma, một phụ nữ ngoại đạo, người Am-môn. 2 Sử ký 9:30 nói Sa-lô-môn trị
vì 40 năm, vậy thì Rô-bô-am đã ra đời một năm trước khi Sa-lô-môn lên ngôi. Con
gái Pha-ra-ôn Ai-cập là vợ chính thức của Sa-lô-môn, nhưng có thể Na-a-ma là
tình nhân của ông, khi vua David còn sống.
Sau khi lên ngôi, Sa-lô-môn có gặp
Chúa và ông thưa với Chúa, “Giê-hô-va Đức Chúa Trời tôi ôi! Bây giờ Chúa đã khiến
kẻ tôi tớ Chúa trị vì kế Đa-vít, là cha tôi; nhưng tôi chỉ là một đứa trẻ nhỏ
chẳng biết phải ra vào làm sao” (1 Vua 3:7). Thực ra từ ngữ “đứa trẻ” ở đây dịch
sai trật. Nguyên văn Hê-bơ-rơ là naar, adolescence, có nghĩa là thiếu niên, vị
thành niên. Còn tuổi thiếu niên, mà Sa-lô-môn tảo hôn chi quá sớm để sinh ra một
đứa con không mấy già đặn là Rô-bô-am, khi đã 41 tuổi mà còn sự nhận thức như
con trẻ?
Sau khi Rô-bô-am vừa lên ngôi,
Giê-rô-bô-am và dân chúng đến xin vua giảm nhẹ ách cưỡng bách lao động cho họ,
vua đã bỏ qua lời góp ý của các trưởng lão mà nghe theo ý kiến của bè bạn trang
lứa của mình, và lời đáp vô lễ của vua đã làm cho đất nước Israel phải chia
đôi.
Vua cha là Sa-lô-môn, là tâm lý
gia, là nhà giáo dục kỳ tài. Ông từng nói, “Lời đáp êm nhẹ làm nguôi cơn giận;
Còn lời xẳng xớm trêu thạnh nộ thêm.- Kẻ nhạo báng châm lửa cho thành thiêu
cháy; Nhưng người khôn ngoan làm nguôi cơn giận”. (Châm ngôn 15:1; 29:8). Thế tại
sao Rô-bô-am hành động như vậy? Phải chăng Sa-lô-môn có thể dạy dỗ người khác
mà không thể dạy con mình? Vì con cái thấy rõ mặt sau cuộc đời của cha mình,
nên lời dạy dỗ khôn ngoan mấy cũng mất tác dụng? Hay Rô-bô-am bị quá tải, quá
thừa mứa đối với lời vàng, lời bạc, lời như đót nhọn của vua cha? Đó là bài học
nghiêm trọng cho mỗi chúng ta là giảng sư, là giáo sư Lời Chúa—Lời Chúa chúng
ta rao ra, có thể không có kết quả trong gia đình mình!
Rô-bô-am cai trị Giu- đa 17 năm,
Còn Giê-rô-bô-am trị vì Israel 22 năm. 1 Vua 15:6 chép, “Rô-bô-am và
Giê-rô-bô-am đánh giặc nhau trọn đời mình”. Tại sao Rô-bô-am chuyên tâm đánh giặc
cùng Bắc quốc? Vì ông muốn thu hồi 10 chi phái phía bắc? Vì ông muốn bảo tồn nước
Giu đa? Tôi không đọc thấy một lời nói tin kính, thuộc linh nào cùa Rô-bô-am
nói rằng ông vì Chúa, vì vương quốc của Ngài. Còn A-bi-gia (A-bi-giam), con
Rô-bô-am, đứng trên núi cao, công bố những thực tại thuộc linh mà ông tin và nắm
giữ. A-bi-gia nói cùng Giê-rô-bô-am và dân chúng, “Hỡi Giê-rô-bô-am và cả
Y-sơ-ra-ên, khá nghe! Bởi sự giao ước bằng muối, Giê-hô-va Đức Chúa Trời của
Y-sơ-ra-ên đã ban nước Y-sơ-ra-ên cho Đa-vít và cho các con trai người đến đời
đời, các ngươi há chẳng biết sao? Dẫu vậy,
Giê-rô-bô-am, con trai Nê-bát, tôi tớ của Sa-lô-môn, là con trai của Đa-vít,
bèn chỗi dậy phản nghịch cùng Chúa mình;
những kẻ du đãng, đồ phàm hèn, đều hiệp lại theo người; chúng nó tự làm
mình ra mạnh, nghịch với Rô-bô-am, con trai của Sa-lô-môn;.. Vậy bây giờ, các ngươi tưởng rằng các ngươi sẽ
chống cự nổi nước của Đức Giê-hô-va đã ban cho các con trai của Đa-vít,…” (2 Sử
13: 4-8a). A-bi-gia biết nói rằng nước Giu đa là vương quốc của Chúa, còn
Rô-bô-am thì không có khả năng nói như vậy. Tất cả điều nầy bày tỏ Rô-bô-am là
một tín đồ xác thịt, chỉ chí hướng về đất, được trưởng dưỡng bởi một bà mẹ người
Am-môn ngoại giáo.
Tác giả sách I Sử ký nói ra sự thật
con người bề trong của Rô-bô-am như sau, “Xảy khi nước của Rô-bô-am vừa được lập
vững bền, và người được cường thạnh, thì người và cả Y-sơ-ra-ên liền bỏ luật
pháp của Đức Giê-hô-va-- Các công việc của Rô-bô-am từ đầu đến cuối, đều đã
chép trong sách truyện của Sê-ma-gia, đấng tiên tri, trong sách Y-đô, đấng tiên
kiến, luận về gia phổ. Rô-bô-am và Giê-rô-bô-am hằng đánh giặc với nhau luôn
luôn” (I Sử 12:1, 15). Một bậc chăn dân của Đức Chúa Trời, sau khi đã lợi dụng
quyền năng Ngài làm cho vương quốc mình cường thạnh thì liền từ bỏ Ngài và Kinh
thánh. Điều dị thường là hai nhà tiên tri Sê-ma-gia và Y-đô chỉ ghi chép lại
công việc, mà không chép một câu nói nào của vua cả. Phải chăng Rô-bô-am không
có thực tại thuộc linh nào để nói ra? Không có một lời giá trị nào để tôn vinh
Chúa? Người chăn dân ích kỷ, bạc nhược thuộc linh chỉ dốc sức làm việc, làm việc
xây dựng vương quốc của mình, quá bận rộn việc thế tục, xao lãng giờ dưỡng
linh!
Mười hai sứ dồ đầu tiên nói,
“Chúng tôi bỏ qua Lời Đức Chúa Trời mà lo về bàn ăn, thật chẳng xứng hợp. Vậy,
anh em hãy chọn trong vòng mình bảy người có chứng tốt, đầy Thánh Linh và sự
khôn ngoan, để chúng tôi lập họ lên lo việc nầy. Còn chúng tôi thì cứ chuyên lo
cầu nguyện và chức vụ cung ứng Lời ( the ministry of the Word)” (Công vụ 6:
2-4). Được Chúa chấp thuận, được dân chúng xức dầu làm vua, làm bậc chăn dân,
làm người chăn bầy mà không có lời Đức Chúa Trời cho sự gây dựng thuộc linh của
dân Chúa như vậy, thật là một điều quái gở!
2. Giê-rô-bô-am:
1 Các Vua 11:26 giới thiệu,
“Giê-rô-bô-am, con trai của Nê-bát, người Ép-ra-im, ở đất Xê-rê-đa, là tôi-tớ của
Sa-lô-môn, cũng dấy nghịch với người”
Theo truyền thống tổ phụ, bộ tộc
Ép-ra-im có máu ưa tranh trưởng. Đọc Các quan xét đoạn 8 và 12, chúng ta thấy
vì lòng đố kỵ, dân Ép-ra-im nói khái
cách cay độc với Ghê-đê-ôn, sau khi Ghê-đê-ôn chiến thắng quân Ma-đi-an. Cũng
vì ganh tị sự nổi danh của Giép-thê chiến thắng quân Am-môn, quân Ép-ra-im khai
chiến với nhà Giép-thê, và bị thảm bại.
Về một phương diện, vì Sa-lô-môn
sa bại thờ hình tượng, Đức Chúa Trời dấy Giê-rô-bô-am lên, và xé 10 chi phái
phía bắc giao cho Giê-rô-bô-am, tức là giao cho nhà Ép-ra-im—những con người
mong mỏi vương quyền từ nhiều đời rồi. Còn theo phương diện loài người,
Giê-rô-bô-am và chi phái Ép-ra-im đã cướp hai phần ba nước của dòng David.
Giê-rô-bô-am cai trị Bắc quốc 22 năm, trải 3 đời vua phương nam là: Rô-bô-am 17
năm, A-bi-gia 3 năm và 2 năm đầu của triều đại A-sa. Đọc lịch sử Giê-rô-bô-am,
chúng ta thấy tính cách ích kỷ, tham quyền cố vị của ông hiển hiện rõ ràng.
Ngày đầu tiên khi gặp tiên tri
A-hi-gia trao cho ông 10 mảnh xé của chiếc áo mới, tượng trưng 10 chi phái, Đức
Chúa Trời như phong cho ông làm vua trên Bắc quốc. Sau đó ít lâu khi gặp nan đề
là dân Bắc quốc phải xuống Jerusalem ở phương nam ba lần một năm để thờ phượng
Chúa, ông sợ mất nước. Ông sợ dân hành hương sẽ trở về cùng vua Rô-bô-am và giết
ông đi. Thế tại sao ông không đến cùng vị tiên tri để cầu vấn sự chỉ đạo của
Chúa về nan đề nầy, mà lại âm mưu lập hai trung tâm thờ bò con bằng vàng tại
Bê-tên và Đan, với dã tâm ngăn trở và đánh lạc hướng dân Chúa đến cùng Ngài hầu
bảo toàn vương quốc của mình. Ông loại bỏ quyền lợi của Chúa vì tư lợi ích kỷ của
mình. Người chăn chiên sống như vậy sao?
Việc làm của ông đã trở thành “đường
lối” mà Kinh thánh nhiều lần chép là “đường của Giê-rô-bô-am”. Thí dụ 1 Vua
15:33-34 và 16:19 chép, “Ba-ê-sa, con trai A-hi-gia, lên làm vua cả Y-sơ-ra-ên;
người ở tại Thiệt-sa, và cai-trị hai mươi bốn năm. Người làm điều ác trước mặt
Đức Giê-hô-va, đi theo đường của Giê-rô-bô-am, và tội-lỗi mà Giê-rô-bô-am đã phạm
làm cho Y-sơ-ra-ên cũng phạm tội.—Vua “Xim-ri …làm điều ác trước mặt Đức
Giê-hô-va, bắt chước theo đường của Giê-rô-bô-am, và phạm tội Giê-rô-bô-am đã
phạm, tức tội đã gây cho Y-sơ-ra-ên can phạm”.
Tất cả các vua Bắc quốc đều bước
theo con đường của Giê-rô-bô-am trong suốt gần 300 năm, cho đến khi 10 chi phái
đều bị lưu đày sang Babylon và mất nước. Tập tục, truyền thống gian ác, sai lạc
của người chăn bầy đi đầu đã trở nên phương hướng, dấu chân bầy cho đoàn hậu tấn
suốt ba thế kỷ. Nguy hiểm thay! Tác giả qui cho Giê-rô-bô-am tội trọng làm mất
nước phương bắc. Ông kết luận, “Y-sơ-ra-ên đã phân rẽ nhà Đa-vít, tôn
Giê-rô-bô-am, con trai Nê-bát, làm vua; người dẫn dụ Y-sơ-ra-ên bội nghịch Đức
Giê-hô-va, và khiến cho họ phạm tội lớn. Dân Y-sơ-ra-ên đều đi trong hết thảy tội
lỗi của Giê-rô-bô-am đã phạm, chẳng từ bỏ chút nào, cho đến ngày Đức Giê-hô-va
đày đuổi họ khỏi trước mặt Ngài, y như Ngài đã phán bởi miệng của các tiên tri,
tôi tớ Ngài. Vậy, Y-sơ-ra-ên bị cất khỏi xứ mình, lưu đày qua A-si-ri cho đến
ngày nay” (1 Vua 17: 21-23).
Trước khi xáp chiến đánh nhau với
Giê-rô-bô-am, vua A-bi-gia, con Rô-bô-am đã cung phụng lời Đức Chúa Trời cách mạnh
mẽ, nhưng Giê-rô-bô-am giả câm, làm điếc, lòng ích kỷ không lay động chút nào.
Mãi cho đến khi con trai ông, có lẽ là thái tử sắp nối ngôi lâm trọng bệnh. Trước hoàn cảnh đó, ông mới
sai hoàng hậu, là vợ mình, giả dạng để đi cầu vấn nhà tiên tri già. Tại sao
Giê-rô-bô-am không thân hành đến cùng tiên tri. Ô, con người chăn bầy đầy tham
vọng, ích kỷ đó, suốt gần 22 năm cầm quyền chẳng bao giờ suy nghĩ đến vị tiên
tri, tạm gọi là thầy mình bao giờ. Rồi trước lời cảnh cáo có sức nặng của Chúa
do tiên tri nói ra, như những câu, “Ngươi đã làm điều ác hơn các kẻ tiền-bối
ngươi, đi lập cho mình những thần khác và hình-tượng đúc đặng chọc giận Ta, và
đã chối-bỏ Ta. Bởi cớ đó, Ta sẽ giáng
tai-họa trên nhà Giê-rô-bô-am, các nam-đinh của nó, bất-luận kẻ nô-lệ hay là
người tự-do, Ta sẽ diệt hết khỏi trong Y-sơ-ra-ên, và quét sạch nhà nó, như người
Ta quét phân, cho đến chẳng còn sót chi hết. Phàm người của nhà Giê-rô-bô-am chết
tại trong thành, đều sẽ bị chó ăn nuốt, còn người nào chết ngoài đồng, thì sẽ bị
chim trời cắn-rỉa ăn đi; vì Đức Giê-hô-va đã phán vậy” (1 Vua 14:9-11).—Ông
cũng bỏ ngoài tai, chẳng quan tâm đến để ăn năn sửa đổi. Châm ngôn 29:11 ứng
nghiệm đối với Giê-rô-bô-am, “Người nào bị quở trách thường, lại cứng cổ mình,
Sẽ bị bại hoại thình lình, không phương cứu chữa”.
Kết Luận:
Về chức vụ chăn dân của hai vua
Rô-bô-am và Giê-rô-bô-am, 2 Sử ký 12:1 và 2 Các vua 17:21 minh họa, “Xảy khi nước
của Rô-bô-am vừa được lập vững bền, và người được cường thạnh, thì người và cả
Y-sơ-ra-ên liền bỏ luật pháp của Đức Giê-hô-va-- Y-sơ-ra-ên đã phân rẽ nhà
Đa-vít, tôn Giê-rô-bô-am, con trai Nê-bát, làm vua; người dẫn dụ Y-sơ-ra-ên bội
nghịch Đức Giê-hô-va, và khiến cho họ phạm tội lớn”.
Anh em có chăn dắt dân Chúa vào
con đường bội đạo, phạm tội cùng Chúa như hai vua nầy không?. Vì tư lợi, vì ích
kỷ, hai nhà vua đã dẫn đưa con dân Chúa vào chốn diệt vong. Xin Chúa giải cứu
chúng ta, hầu chúng ta có thể sống cuộc đời người chăn bầy của Đức Chúa Trời
như vua David mà nhạc trưởng A-sáp đã hát, “Chúa cũng chọn Đa-vít là tôi tớ
Ngài, Bắt người từ các chuồng chiên: Ngài đem người khỏi bên các chiên cho bú,
Đặng người chăn giữ Gia-cốp, là dân của Ngài, Và Y-sơ-ra-ên, là cơ nghiệp Ngài.
Như vậy, người chăn giữ họ theo sự thanh liêm lòng người, Và lấy sự khôn khéo
tay mình mà dẫn dắt họ” Thi thiên 78:70-72). A men.
Minh Khải.