Thứ Bảy, 29 tháng 3, 2014

Đấng Christ là của lễ hòa bình cho chúng ta

ngayba0

                         Phần 9a của loạt bài "Công trình phục hồi của Đức Chúa Trời".

(Lê-vi Ký 3)
Chúng ta vẫn còn dừng lại ở các loài thú rừng trong ngày thứ sáu vì chúng ta muốn đi sâu hơn nữa vào trong sự giàu có của Đấng Christ qua các của tế lễ. Tối nay, chúng ta cần thấy rằng Chúa đã trở thành của lễ hòa bình của chúng ta. Một mặt, các của tế lễ được dùng để lấp đầy những thiếu sót của chúng ta. Mặt khác, chúng làm thỏa lòng Đức Chúa Trời. Thật ra hai mặt này đi chung với nhau vì Đức Chúa Trời đã tạo nên con người cho ý định của Ngài, để làm Ngài được thỏa lòng. Vì con người đã sa ngã nên Đức Chúa Trời đã sai Con của Ngài đến để lấp đầy mọi thiếu sót. Chính vì vậy, Đấng Christ là hiện thực của mọi của lễ thuộc linh. Tất cả của lễ trong sách Lê-vi Ký đều đã được làm ứng nghiệm trong Đấng Christ. Ngài đã thực hiện tất cả, và qua đó đã làm thỏa lòng Cha, cũng như đã lấp đầy mọi thiếu sót của chúng ta. Ngợi khen Chúa!


Như chúng ta đã thấy, một trong những thiếu sót lớn nhất là chúng ta không tuyệt đối cho Đức Chúa Trời. Lẽ ra chúng ta phải tuyệt đối cho Đức Chúa Trời và cho ý định của Ngài, vì Ngài đã tạo ra chúng ta, đã cứu chúng ta, và vì Ngài đã ban sự sống của Ngài cho chúng ta. Chúng ta mắc nợ Đức Chúa Trời. Tiếc rằng con người chỉ sống cho bản thân mình thôi. Jesus Christ là người duy nhất sống hoàn toàn vì Đức Chúa Trời, luôn tìm kiếm và làm theo ý của Cha. Ngợi khen Chúa! Qua của lễ thức ăn, chúng ta cũng thấy thêm thiếu sót của mình là có chất men. Nhân tính của chúng ta bị sa ngã, bị hư hỏng nên Đức Chúa Trời không thể thưởng thức được. Cho nên, Đấng Christ là của lễ thức ăn và là bánh không men để chúng ta ăn, qua đó chúng ta có được bản tính của Ngài.

A. Đấng Christ là sự hòa bình của chúng ta

(Ê-phê-sô 2:12-19)

1. Hòa bình với Đức Chúa Trời (Rô-ma 5:1; Cô-lô-se 1:19-20)

Thế tại sao chúng ta cần của lễ hòa bình? Có một vấn đề lớn ở trong vũ trụ này là ma quỷ, là kẻ gây ra sự xung đột. Vì con người sa ngã, nên giữa con người và Đức Chúa Trời có sự xung đột. Ê-phê-sô 2:12 “thuở ấy, anh em bị tách rời khỏi Đấng Christ, ở ngoài quyền công dân của Y-sơ-ra-ên, xa lạ với các giao ước của lời hứa, không có niềm hy vọng và không có Đức Chúa Trời ở thế gian”. Đó là tình trạng của một người chưa được cứu rỗi. Dân ngoại trong thời Cựu Ước đã bị tách rời hoàn toàn khỏi Đức Chúa Trời và có sự xung đột với Ngài. Khi chưa được cứu rỗi, chúng ta không những bị xa cách Đức Chúa Trời, mà chúng ta còn là kẻ thù của Đức Chúa Trời. Vì trong tất cả những gì mình làm, chúng ta đều nổi loạn chống lại Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời là công chính, nên chúng ta ở dưới sự phán xét của Ngài. Tình trạng này thực sự không có gì tốt đẹp cả. “Xa lạ với các giao ước của lời hứa” có nghĩa là không có lời hứa nào là dành cho anh em, trước khi anh em ở trong Đấng Christ. Nhưng khi anh em ở trong Đấng Christ, mọi lời hứa đều là dành cho anh em. Ngợi khen Chúa! Do đó, Phao-lô nói trong câu 11 “vậy, hãy nhớ lại”. Chúng ta cần thấy được rằng mình từ đâu tới. Anh em cũng cần thấy rằng trở lại được với Đức Chúa Trời nhờ Đấng Christ là một thắng lợi lớn. Mặc dù đã được cứu rồi, chúng ta thường thấy bản chất của mình và những việc mình làm vẫn còn bị ảnh hưởng bởi sự sa ngã, nên không thể hòa bình với Đức Chúa Trời được. Tuy anh em được hòa giải với Đức Chúa Trời bởi Đấng Christ, không bị hư mất đời đời, nhưng Đức Chúa Trời không thể nào làm hòa với chất men trong anh em. Chúng ta phải phân biệt rõ điều này. Cho nên, chúng ta cần một của lễ hòa bình để chúng ta có thể kinh nghiệm được hòa bình với Đức Chúa Trời. Vì lý do này nên tôi dùng từ “của lễ hòa bình” thay vì dùng từ “của lễ thù ân” hay “của lễ bình an” như các bản dịch khác.

Ê-phê-sô 2:13-14 “Nhưng trong Christ Jesus, anh em là kẻ trước kia vốn xa cách, mà nay trong huyết của Đấng Christ đã được đến gần. Vì Ngài là sự hòa bình của chúng ta...”. Jesus Christ là sự hòa thuận giữa chúng ta với Đức Chúa Trời. Thật tuyệt vời! Hòa bình là một điều rất quý. Chúng ta thường nhận ra được sự hòa bình là quý như thế nào khi không còn hòa bình nữa. Như thế chúng ta phải biết quý sự hòa bình với Đức Chúa Trời. Bởi Đấng Christ mà anh em có hòa bình với Đấng Tối Cao. Cảm tạ Chúa!

2. Hòa bình với loài người (Ê-phê-sô 2:14-16; Ga-la-ti 3:28)

Câu 14 nói rằng “Vì Ngài là sự hòa bình của chúng ta; Ngài đã làm cho cả hai trở nên một, phá đổ bức tường ngăn cách ở giữa, chính là sự thù nghịch”. Ở đây, Chúa nói đến người Do Thái và người Hy Lạp. Nghĩa là Đấng Christ cũng là sự hòa bình của chúng ta với nhau. Trong Cựu Ước, người Do Thái và người Hy Lạp đã thực sự bị tách biệt với nhau, có một cái hố rất lớn ở giữa người Do Thái và dân ngoại. Nhưng Đấng Christ đã làm cho cả hai trở thành một và đã phá đổ bức tường ngăn cách. Có nghĩa Đấng Christ, sự hòa bình của chúng ta với Đức Chúa Trời, cũng là sự hòa bình giữa chúng ta với nhau. Chúng ta không thể nói mình có hòa bình với Đức Chúa Trời nhưng lại có vấn đến với một anh em nào đó. Như thế không thể được. Sự hòa bình với Đức Chúa Trời cũng là sự hòa bình giữa các anh em với nhau. Hòa bình mà mà Đấng Christ đã tạo ra thật tuyệt! “Và nhờ thập tự giá mà Ngài đã hòa giải cả hai với Đức Chúa Trời trong một thân thể, vì bởi thập tự giá Ngài đã tiêu diệt sự thù nghịch rồi” (câu 16). Cho nên, anh em không thể nào tách rời hòa bình với Đức Chúa Trời ra khỏi hòa bình với con người.

B. Kinh nghiệm của lễ hòa bình

(2.Phi-e-rơ 1:2; 2.Tê-sa-lô-ni-ca 3:16; 2.Phi-e-rơ 3:14; Cô-lô-se 3:11-15)
Chỉ nói “cách đây 2000 năm, Chúa đã tạo ra hòa bình. Tôi không có vấn đề gì với Đức Chúa Trời” thì không đủ, mà chúng ta phải kinh nghiệm được sự hòa bình này. Trong sách Lê-vi Ký, người dâng con sinh tế để làm của lễ hòa bình phải ấn tay lên đầu con sinh tế. Nghĩa là chúng ta phải nhờ vào Chúa để kinh nghiệm được của lễ này trong cuộc sống mỗi ngày, hãy nói với Chúa rằng “Chúa ơi, Chúa là bình an của con”. Chúng ta thực sự có nhu cầu cho hòa bình. Trong chúng ta còn có nhiều điểm mà Đức Chúa Trời không thể nào chấp nhận được, ví dụ như Ngài không thể chấp nhận chất men. Vì men vẫn còn trong xác thịt, nên để có thể đến với Đức Chúa Trời, anh em cần của lễ hòa bình. Nếu anh em bị sa ngã và kẻ thù kiện cáo anh em, anh em cũng cần của lễ hòa bình. Sau khi vừa phạm tội xong, anh em không thể nói với Chúa một cách đơn giản rằng “Ngợi khen Chúa, con có hòa bình với Ngài”. Anh em phải ăn năn, phải đến với Chúa và kinh nghiệm Chúa là sự hòa bình một cách mới mẻ. Với các anh em với nhau cũng vậy. Thỉnh thoảng tôi có suy nghĩ xấu về một anh em, và nó làm tôi bị mất bình an. Chúng ta đừng nghĩ nó chỉ là một chuyện nhỏ, vì Chúa không đẹp lòng khi lòng chúng ta có khoảng cách với anh em khác. Vì thế, tôi thường nói với Chúa “Chúa ơi, Chúa là hòa bình của con với anh em đó”. Như thế, chúng ta có thể kinh nghiệm được Chúa là sự hòa bình của chúng ta.

Lê-vi Ký 7 nói đến cách chúng ta dâng của lễ hòa bình cho Cha. Sau khi đã học để biết quý hòa bình, chúng ta có thể dâng một của lễ hòa bình cho Cha. Lê-vi Ký 7:11 “Đây là luật lệ về của lễ hòa bình mà người ta phải dâng cho CHÚA”. Ở đây nhấn mạnh qua cụm từ “người ta phải dâng cho CHÚA”. Các của lễ không chỉ vì nhu cầu chúng ta hay để cho mình thưởng thức mà chúng ta phải dâng trở lại cho Cha. Sau khi chúng ta đã kinh nghiệm được Đấng Christ là của lễ mà Cha đã ban, chúng ta hãy dâng trở lại cho Cha một điều gì . Chúng ta có thể nói với Cha rằng “Của lễ hòa bình có tác dụng. Trong hoàn cảnh này, con đã kinh nghiệm được Đấng Christ là sự bình an của con”. Cha sẽ rất vui khi thấy người ta kinh nghiệm Đấng Christ, rồi dâng Đấng Christ trở lại cho Cha. Tôi thường hạnh phúc khi kinh nghiệm được Chúa. Tiếc rằng tôi chỉ dừng lại ở đó thôi, nhưng tôi không có ý thức để dâng lại trở lại cho Cha để Cha cũng có thể thưởng thức.

C. Dâng cho Cha một của lễ hòa bình để cảm tạ

(Lê-vi Ký 7:11-15)
Trong chương 7 có hai loại của lễ hòa bình mà người ta có thể dâng cho Cha: dâng để cảm tạ (câu 12) và dâng do tự nguyện hay để thề hứa điều gì đó với Chúa (câu 16). Hai loại này khác nhau ở thời gian hiệu lực. “Thịt của tế lễ hòa bình để cảm tạ thì phải ăn hết trong ngày đã dâng lên, không được để sót gì lại đến sáng hôm sau” (câu 15), nghĩa là lễ cảm tạ chỉ kéo dài đúng một ngày. Còn của lễ để hứa nguyện thì “phải ăn con sinh tế đó trong ngày đã dâng lên; phần còn lại thì phải ăn vào ngày hôm sau. Nhưng thịt của con sinh tế còn dư lại đến ngày thứ ba thì phải dùng lửa để thiêu. Nếu ai ăn thịt tế lễ hòa bình trong ngày thứ ba, thì người nào dâng của lễ đó sẽ chẳng được nhậm...” (câu 16-18). Chúng ta thấy Đức Chúa Trời luôn muốn có một của lễ tươi mới. Cảm tạ Chúa là điều tốt, cảm tạ Chúa thường xuyên thì càng tốt hơn nữa. Tôi thường tự hỏi mình rằng tôi cảm ơn Chúa nhiều như thế nào, sau khi Ngài làm nhiều điều tốt lành cho tôi. Anh em có thường cảm ơn Chúa vì anh em tham gia được hội nghị này không? Chúa đáng được nhận lời cảm ơn hơn bất kỳ người nào khác. Chúng ta hãy luôn dâng cho Chúa của lễ cảm tạ. Hê-bơ-rơ 13:15 nói rằng “Vậy chúng ta hãy nhờ Ngài mà hằng dâng của lễ bằng sự ngợi khen lên Ðức Chúa Trời”. Vì thế nên của lễ cảm tạ chỉ có hiệu lực trong một ngày.

D. Dâng cho Cha của lễ hòa bình do lòng tự nguyện hay để thề hứa

(Lê-vi Ký 7:16-18)
Của lễ do lòng tự nguyện hay để thề hứa có ý nghĩa nhiều hơn là nói cảm ơn Chúa rồi bỏ đi. Anh em dâng của lễ này bằng cách nói với Ngài rằng: “Bây giờ con muốn thề hứa với Ngài. Con dâng cho Chúa một của lễ do lòng tự nguyện”. Anh em dâng của lễ này vì anh em đã kinh nghiệm được Đấng Christ là sự hòa bình của anh em và lòng anh em biết trân trọng tất cả những gì mà Cha đã ban trong Đấng Christ. Cho nên, của lễ này có hiệu lực lâu hơn. Nó không chỉ có hiệu lực trong ngày hiến dâng mà nó kéo dài qua đêm đến ngày hôm sau. Thật là tốt khi chúng ta quyết định dâng mình cho Chúa và thề với Ngài rằng chúng ta sẽ luôn trung thành với Chúa, kể cả trong những tình huống giống như đêm tối. Nếu chúng ta vững vàng như vậy, thì sự hiến dâng của chúng ta sẽ kéo dài qua đêm. Nếu chỉ cảm ơn Chúa rồi bỏ đi, thì trong những lúc đêm tối chúng ta có thể sẽ bị ngủ quên hay sa ngã. Nhưng nếu anh em đã dâng mình cho Chúa, sự hiến dâng của anh em vẫn còn. Tuy nhiên, sự dâng mình này cũng phải luôn tươi mới. Vì nếu để đến ngày thứ ba thì Chúa cũng không chấp nhận. Vì thế, tôi khích lệ tất cả anh em hãy làm mới mẻ sự dâng hiến của mình cho Chúa. Ngay tối nay, hãy đến với Chúa để dâng cho Ngài một của lễ hứa nguyện “Chúa ơi, con muốn dâng mình cho Chúa một cách mới mẻ. Vì con thấy Chúa đã làm thật nhiều cho con, cũng như con đã vui hưởng Chúa rất nhiều, nên con muốn dâng mình cho Chúa”. Ha-lê-lu-gia!

E. Phần của thầy tế lễ trong của lễ hòa bình

(Lê-vi Ký 7:28-35)


Các lễ vật của hai loại tế lễ này thì giống nhau. “Nếu ai dâng của lễ đó để cảm tạ, thì phải dâng chung với của lễ cảm tạ những bánh ngọt không men, có trộn dầu, bánh tráng không men, có pha dầu, bánh ngọt làm bằng bột mì mịn trộn kỹ với dầu; lại phải thêm bánh có pha men mà dâng với của lễ hòa bình để cảm tạ” (câu 12-13). Tại sao ở đây lại ghi rằng “bánh có pha men”? Chúng ta đừng nghĩ rằng men mang nghĩa tích cực. Không có chỗ nào trong Kinh Thánh nói men là tốt cả. Thế tại sao của lễ hòa bình lại có bánh pha men? Đọc tiếp câu 14 chúng ta sẽ thấy của lễ này được dâng cho Chúa bằng cách giơ nó lên để dâng chứ không dâng bằng lửa. Nghĩa là của lễ này không được thiêu trên bàn thờ để dâng cho Chúa, mà nó thuộc về thầy tế lễ. Đối với chúng ta thì điều này có nghĩa rất khích lệ, vì chúng ta vẫn có thể dâng cho Chúa của lễ hòa bình kể cả khi chất men vẫn tồn tại. Anh em không cần phải trở nên hoàn hảo để dâng của lễ cho Chúa. Vì trong chúng ta vẫn còn chất men, nên chúng ta cần của lễ hòa bình để dâng cho Cha. Chúng ta dâng của lễ này với bánh không men là của lễ thức ăn để men cũ được loại ra. Chúng ta không thể biện hộ rằng vì nan đề này nên không thể dâng của lễ được. Chúng ta cũng không thể nói rằng vì anh em này mà tôi không có bình an. Chúa không chấp nhận những lý do như vậy. Chính Chúa đã trở thành của lễ hòa bình để làm tất cả chúng ta trở nên một. Ga-la-ti 3 nói ở trong Đấng Christ thì tất cả chúng ta là một. Chúa đã làm ứng nghiệm điều này và nó phải trở thành hiện thực ở trong Hội Thánh. Hãy mạnh dạn dâng cho Cha của lễ hòa bình! Chúng ta hãy kinh nghiệm của lễ này trước rồi dâng nó lên cho Cha. Amen!

Nguyễn Trường An Sưu Tầm Và Lược Dịch