Thứ Năm, 8 tháng 11, 2018

Charles Wesley



Trong lịch sử của Hội Thánh Tin Lành khắp thế giới, có rất nhiều người viết thánh ca nổi tiếng; tuy nhiên ít có người nào để lại những ảnh hưởng sâu rộng trong và ngoài Hội Thánh như Mục sư Charles Wesley.

Các sử gia Hội Thánh đã ghi nhận rằng Mục sư Charles Wesley là người đã có công lớn nhất trong việc dùng thánh ca để gây dựng và phát triển Hội Thánh. Sau 50 năm hầu việc Chúa, Charles Wesley đã viết hơn 6500 bài thánh ca. Những bài thánh ca của ông đã góp phần phát triển phong trào phục hưng Hội Thánh tại Anh Quốc và Hoa Kỳ trong thế kỷ 18. Hơn hai thế kỷ qua, những bài thánh ca đó vẫn còn được yêu quý và được dùng để hát ngợi khen Chúa khắp năm châu.

--Gia Thế
Charles Wesley sinh vào ngày 18 tháng 2 năm 1707 tại Epworth, Lincolnshire, Anh Quốc. Ông là con áp út trong một gia đình có mười chín anh em. Theo nhật ký của bà Susanna Wesley, mẹ của Charles Wesley, Charles sanh sớm mấy tuần. Theo phong tục thời đó, bà Susanna ủ con trong chăn len cho đến đúng ngày Charles chào đời mới mở ra. Charles không mở mắt và cũng không khóc cho tới ngày được mở ra khỏi chăn len. Ông được dâng cho Chúa vào ngày 29/12/1707.


Charles được sinh ra trong một gia đình tin kính Chúa. Dòng họ ông nghèo nhưng có học. Ông cố và ông nội của Charles Wesley đều tốt nghiệp Đại Học Oxford. Cha ông có bằng Cao Học. Cả ông cố, ông nội và cha ông đều làm mục sư cho Giáo hội Anh Quốc.

Cha của Charles Wesley là Mục sư Samuel Wesley và mẹ ông là bà Susanna Wesley. Cha mẹ ông lập gia đình vào năm 1688 tại London. Năm 1691 Mục sư Samuel Wesley nhận lời làm Mục sư Tuyên Úy cho Hầu Tước Normanby tại South Ormsby. Đến năm 1697 ông bà nhận lời về hầu việc Chúa với Hội Thánh St. Andrew’s Parish Church tại Epworth, Lincohnshire. Ông bà tiếp tục hầu việc Chúa tại đó suốt 38 năm cho đến khi Mục sư Samuel Wesley qua đời vào năm 1735.

Điều chẳng may cho Mục sư Samuel Wesley là dầu chấp nhận hầu việc Chúa với một Hội Thánh nghèo tại miền thôn dã của nước Anh, nhưng tín đồ tại đó lại không thương gia đình người hầu việc Chúa. Do con đông và Hội Thánh không có phụ cấp đủ, ông bà phải làm ruộng thêm để sinh sống.

Trong bối cảnh lịch sử đầu thế kỷ thứ 18, người dân Anh bị giới cầm quyền phong kiến bóc lột nặng nề. Xung đột giữa nông dân và giới quý tộc rất căng thẳng. Khi đó, Giáo hội Anh do chính quyền phong kiến kiểm soát nên những người hầu việc Chúa cũng bị nông dân ghét, vì bị xem như thuộc thành phần của giai cấp thống trị. Do đó, dân chúng trong vùng Epworth không mấy người thích Mục sư Samuel Wesley. Dầu vậy ông bà vẫn kiên nhẫn hầu việc Chúa để xây dựng Hội Thánh.

Nhiều lần mùa màng của cả gia đình bị đốt sạch và cuối cùng, ngày 9/2/1709, lúc ấy Charles Wesley chỉ vừa được 14 tháng, nhà của cha mẹ ông bị đốt cháy. Trong lần hỏa hoạn đó, John Wesley, anh của Charles Wesley, khi ấy chỉ là một cậu bé 6 tuổi đã đã nhảy khỏi cửa sổ và được cứu thoát. Cảm ơn Chúa, lần đó nhà cửa cháy sạch nhưng con cái trong gia đình Mục sư Samuel Wesley không ai bị thiệt mạng. Mất hết nhà cửa nên bị phá sản và nợ nần, Mục sư Samuel Wesley vẫn kiên trì hầu việc Chúa tai Epworth. Về sau tinh thần hy sinh nhẫn nhục hầu việc Chúa đó đã bắt phục được Hội Thánh St. Andrew.

Trong bối cảnh nghèo khổ của gia đình, Chúa đã dùng môi trường này để huấn luyện hai cậu con trai của Mục sư Samuel Wesley là John Wesley và Charles Wesley trở nên người hầu việc Chúa.

Làm con trong một gia đình mục sư đông con, hai cậu bé đã hiểu được nỗi nghèo khó của gia đình người hầu việc Chúa tại một Hội Thánh nhỏ là như thế nào. Sau cơn hỏa hoạn, họ càng hiểu rõ được nỗi nghèo khổ tận cùng là ra sao. Về sau Đức Chúa Trời đã dùng hai anh em John và Charles Wesley hầu việc Chúa cho người nghèo. Họ đã phục hưng Hội Thánh Anh Quốc. Ảnh hưởng của phong trào phục hưng do họ khởi xướng lan rộng khắp mọi tầng lớp dân chúng trong xã hội Anh.

Do hiểu được người nghèo và biết Chúa không thiên vị ai, bằng những lời giảng đầy quyền năng của Đức Thánh Linh, John Wesley và Charles Wesley đã khiến những người cầm quyền tại Anh và những nhà lãnh đạo Anh Quốc Giáo thay đổi thái độ của họ đối với người nghèo. Những căng thẳng về đấu tranh giai cấp được giảm bớt. Các sử gia về sau đã nói rằng chính hai anh em John Wesley và Charles Wesley, qua cuộc phục hưng Hội Thánh tại nước Anh, đã vô tình góp phần cứu nước Anh khỏi một cuộc cách mạng đẫm máu.

Giữa thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 19, Anh Quốc giữ vai trò cường quốc số một trên thế giới. Người Anh tự hào với khẩu hiệu: “Mặt trời không bao giờ lặn trên đế quốc Anh.” Theo các sử gia, giai cấp phong kiến Anh là một chế độ phong kiến tàn nhẫn. Họ không những chỉ bóc lột dân thuộc địa mà còn bóc lột ngay cả dân Anh. Tuy nhiên, cơn phục hưng của Hội Thánh Anh Quốc vào giữa thế kỷ 18 đã để lại những ảnh hưởng tốt đẹp lâu dài trên nước Anh. Cơn phục hưng đã góp phần thay đổi bộ mặt xã hội Anh; cho nên về sau dầu chính Friedrick Engels (1820-1895), người cùng với Karl Marx sáng lập chủ nghĩa cộng sản, đã đến gây dựng phong trào đấu tranh giai cấp tại Anh nhưng những người cộng sản đã không thực hiện được cuộc cách mạng vô sản. Nhờ cuộc phục hưng từ trong Hội Thánh lan ra xã hội bên ngoài, tình yêu thương được nâng cao, những bất công được xóa dần, nước Anh đã thoát khỏi cuộc cách mạng đẫm máu mà về sau đã xảy ra tại Pháp – cuộc cách mạng phá ngục Bastille (1789) và tại Nga – cuộc Cách Mạng Tháng Mười (1917).

--Học Vấn
Dầu sống trong cảnh nghèo nhưng cả hai anh em John và Charles Wesley, theo truyền thống gia đình, học rất giỏi. Cả hai lần lượt được học bổng vào học tại Viện Đại Học Oxford, là trường đại học nổi tiếng tại Anh Quốc, thường dành cho những con cái gia đình quyền quý giàu có thời đó theo học.

Charles Wesley được nhận vào Christ Church College của viện Đại Học Oxford vào ngày 13/6/1726. Khi Charles vào học tại Oxford, anh của ông là John Wesley đã tốt nghiệp, đi dạy tại Lincoln College. Khi ấy, George II vừa lên ngôi hoàng đế nước Anh được vài năm. Xã hội Anh khi ấy là một xã hội kim tiền. Người thời đó thường nói với nhau “Có tiền mua gì cũng được.” Trong khi giới thượng lưu quý tộc ăn chơi xa xỉ thì nông dân và một số thị dân sống trong cảnh nghèo nàn.

Vào trường thấy tình trạng đạo đức suy đồi của sinh viên, Charles Wesley quyết định thành lập một nhóm học Kinh Thánh để cùng những sinh viên yêu mến Chúa gây dựng đời sống tâm linh (1729). Một số bè bạn của Charles Wesley đã hưởng ứng. Ngoài Charles Wesley, những sinh viên trong nhóm học Kinh Thánh là George Whitefield, James Hervey, John Clayton, Benjamin Ingham, John Gambold, Thomas Broughton, Richard Hutchins và hai sinh viên khác. Những người này về sau đã trở thành những người hầu việc Chúa đầy ơn, trong đó có George Whitefield đã trở thành một sứ giả phục hưng tại Hoa Kỳ và Anh Quốc.

Một thời gian sau, John Wesley được gọi về trường Oxford để dạy môn Hy Lạp, Triết Học và Lý Luận. John Wesley rất ngạc nhiên khi thấy em mình bây giờ “thiêng liêng” quá! Charles Wesley nhắc John Wesley phải chú trọng đến việc tìm kiếm sự cứu rỗi linh hồn. John Wesley rất thích nhóm học Kinh Thánh của Charles Wesley và John Wesley đã tham gia. Do lớn tuổi hơn những người trong nhóm, và hiện giữ chức phụ giáo trong trường, nên John Wesley đã nhanh chóng trở thành người lãnh đạo của nhóm. Ban đầu nhóm học Kinh Thánh họp nhau mỗi tuần một lần vào tối Chúa Nhật. Về sau, Charles Wesley yêu cầu họ họp lại mỗi đêm.

Khi trở thành lãnh đạo, John Wesley tổ chức nhóm học Kinh Thánh chặc chẽ và kỹ luật hơn. Tuy nhiên Charles Wesley chú trọng hơn về phần tâm linh. Kỹ luật trong nhóm yêu cầu mỗi thành viên phải khát khao tìm kiếm sự cứu rỗi của Chúa, phải chấp nhận hy sinh, phải kiêng ăn một tuần hai lần, phải học Kinh Thánh và dành thì giờ đến với Chúa hằng ngày. Mỗi thành viên trong nhóm phải chịu trách nhiệm về sự tăng trưởng đức tin của người khác. Hằng ngày mỗi người phải có thời khóa biểu rõ ràng: giờ nào đến lớp, giờ nào học bài, giờ nào học Kinh Thánh, giờ nào làm công việc từ thiện, giờ nào họp hành,… hằng tuần, các sinh viên trong nhóm học Kinh Thánh thường đi thăm trại tù tại Oxford nơi giam giữ đầy những tù nhân mà đa số bị tù chỉ vì không trả nợ nổi cho địa chủ. Những sinh viên trong nhóm học Kinh Thánh tìm cách gây quỹ trả nợ cho những tù nhân để họ được thả tự do. Số tiền còn dư họ dành giúp cho các tổ chức từ thiện.

Các sinh viên trong trường chế diễu nhóm học Kinh Thánh do Charles Wesley sáng lập và gọi họ bằng nhiều tên khác nhau như Bible Moths (Những con mọt Kinh Thánh), The Holy Club (Câu lạc bộ thánh), The Godly Club (Câu lạc bộ thiêng liêng), và Methodist (Phương Pháp Nhân – Những Người Làm Việc Có Quy Tắc). Tên gọi sau cùng là Methodist mà các sinh viên Oxford chọc ghẹo nhóm học Kinh Thánh do Charles Wesley gây dựng về sau đã trở thành tên gọi chính thức của Hội Thánh Tin Lành Giám Lý.

--Truyền Giáo
Mặc dầu sốt sắng học hỏi Lời Chúa và có tâm tình hầu việc Chúa, nhưng khi ấy cả hai anh em Wesley chưa hiểu rõ được kinh nghiệm cứu rỗi hoàn toàn bởi ân điển của Chúa. Cả hai nghĩ rằng họ phải làm một công đức gì đó để xứng đáng được Chúa cứu rỗi linh hồn và do đó họ nghĩ tới việc trở thành những nhà truyền giáo.

Charles Wesley tốt nghiệp Cao Học Thần Học tại Đại Học Oxford vào ngày 12/3/1733. Sau đó, ngày 28/9/1735 Charles Wesley được Hội Thánh Anh Quốc phong chức Mục sư. Khi nghe Thống đốc James Edward Oglethorpe muốn cải cách chế độ nhà tù tại Anh bằng cách đề nghị lập một khu định cư mới tại Georgia, thuộc địa Mỹ Châu, để cho những người tù vì mắc nợ có thể sang Mỹ lập nghiệp, John và Charles Wesley đã đi theo. John Wesley nhận lời làm truyền giáo cho Society for the Propagation of the Gospel và được hội này gởi đi; còn Charles Wesley nhận lời làm thư ký của Thống đốc Oglethorpe và sẽ trở thành Tuyên Úy tại thuộc địa mới. Hai anh em Wesley nghĩ rằng qua phương tiện đó, họ có thể vượt Đại Tây Dương đến thuộc địa truyền giảng cho những người di dân và làm chứng cho những thổ dân Da Đỏ tại Châu Mỹ. Họ mong ước những lý tưởng mà họ đã thực hiện được trong nhóm học Kinh Thánh tại Oxford được nhân rộng ra tại Mỹ Châu.

Ngày 21/10/1735, 112 hành khách xuống tàu Simmonds lên đường sang Mỹ Châu. Trên chuyến vượt đại dương đầy bão tố, John và Charles Wesley có dịp tiếp xúc với một nhóm tín hữu người Đức thuộc giáo phái Moravian. Trên tàu, nhóm tín hữu Moravian là nhóm hành khách dễ chịu nhất. Họ không ồn ào, nhưng thường cầu nguyện, học Kinh Thánh và đặc biệt khi giữa cuồng phong bão tố của đại dương, mọi người lo cuống cuồng thì họ vẫn bình an ca hát.

Khi tiếp xúc với nhóm tín hữu này, John và Charles Wesley ngạc nhiên nghe họ chia xẻ rằng họ không sợ chết. Họ biết rằng khi họ tin Chúa thì Chúa đã cứu họ; họ không cần phải làm một công đức gì để nhận được sự cứu rỗi của Chúa. Hai cựu sinh viên Đại Học Oxford ngạc nhiên; mặc dầu họ là con mục sư, đã học trường thần học, và đã tập sự hầu việc Chúa nhưng kinh nghiệm được cứu hoàn toàn bởi đức tin khi ấy là điều mới mẻ đối với họ.

Sau bốn tháng lênh đênh trên biển, gần gũi với những tín hữu Moravian: đức tin, cuộc sống và sự bình an trong tâm hồn của những tín hữu đơn sơ này là bài giảng sống cho hai chàng sinh viên trẻ tuổi. Chúa đã dùng điều đó để giúp cho John và Charles Wesley nhìn lại chính mình. Họ ngạc nhiên tự hỏi rằng vì sao họ không có được sự bình an phước hạnh như những tín hữu đơn sơ này. Những bài thánh ca do nhóm tín hữu Moravian hát cũng đã để lại những ấn tượng sâu đậm trong lòng John và Charles Wesley. Về sau, trong số 6500 bài thánh ca do Charles Wesley và hơn 100 bài do John Wesley viết có khoảng 63 bài mang âm điệu thánh ca của những tín hữu Moravian.

Tàu Simmonds đến cảng Savannah River tại Atlanta, Mỹ Châu vào ngày 5/2/1736. Tại đây, Charles Wesley làm thư ký cho Oglethorpe và tìm cách gây dựng Hội Thánh giữa những người di dân, còn John Wesley thì làm nhà truyền giáo cho thổ dân Da Đỏ.

Sau bốn tháng cố gắng vừa làm vừa hầu việc Chúa, Charles Wesley thất vọng vì di dân tại Georgia không chấp nhận nếp sống tôn giáo kỷ luật của các sinh viên Oxford. Khi đi truyền giáo cho người Da Đỏ, hai anh em lại kinh nghiệm thêm những thất bại khác. Lâm bệnh, Charles Wesley quyết định thôi làm thư ký cho Oglethorpe và quay lại Anh Quốc. Riêng John Wesley vẫn ở lại Mỹ Châu. Trước khi lên tàu về nước, Thống đốc Oglethorpe đã khuyên Charles Wesley làm gì thì làm nhưng nên lập gia đình, Charles Wesley đã nghe theo lời khuyên đó.

Ngày 26/7/1739, Charles Wesley lên tàu về nước. Về lại Anh, Charles Wesley tiếp tục hầu việc Chúa. Ông lại tiếp xúc với những tín hữu Moravian tại Anh và thật sự được Chúa tái sinh vào tháng 5/1738. Năm 1739, Charles Wesley bắt đầu cỡi ngựa đi từ làng này đến làng khác giảng Tin Lành. Sau hơn mười năm hầu việc Chúa độc thân, Charles Wesley lập gia đình với Sarah Gwynne Sally vào ngày 8/4/1749. Cả hai sống hạnh phúc và có 8 người con.

Charles Wesley viết 17 bản Thánh ca nói về cuộc hôn nhân của mình. Tuy nhiên hôn nhân và gia đình đã ràng buộc Charles Wesley khiến ông không đi truyền giảng được nhiều nơi như John Wesley. Năm 1759, Charles Wesley về hầu việc Chúa tại Bristol chấm dứt 20 năm đi giảng lưu hành. Năm 1771 ông dọn về London và hầu việc Chúa tại đó cho đến ngày qua đời. Trong số những người con của Charles Wesley, hai cậu con trai cũng mang tên Charles và Samuel về sau đã trở thành những nhạc sĩ nổi tiếng tại nước Anh.

--Đến Với Âm Nhạc
Ngay từ thời còn nhỏ sống trong gia đình, Charles Wesley đã có dịp tiếp xúc rất nhiều với âm nhạc, đặc biệt là nhạc thờ phượng Chúa. Như các con mục sư thời đó, Charles Wesley học đàn trong nhà thờ. Mục sư Samuel Wesley, cha của Charles Wesley rất chú trọng đến việc Hội Thánh hát ngợi khen Chúa. Ông đã dành nhiều thì để tập cho Hội Thánh của ông biết hát. Dĩ nhiên các con ông cũng có mặt trong ban đồng ca của nhà thờ. Nhận xét về hai cậu con trai John và Charles, Mục sư Samuel Wesley đã nói: “Hai đứa nó hát rất khá.”

Từ người cha, John và Charles Wesley đã chịu ảnh hưởng rất nhiều trong vấn đề coi trọng vai trò âm nhạc trong sự thờ phượng Chúa. Về sau, khi đến lượt họ bước vào chức vụ hầu việc Chúa, hai anh em đã tận dụng âm nhạc không chỉ trong việc thờ phượng Chúa và cả trong việc gây dựng đời sống tâm linh tín hữu cũng như trong việc truyền giảng.

Tuy nhiên, John và Charles Wesley chịu ảnh hưởng nhiều từ mẹ là bà Susanna. Dầu làm vợ Mục sư, với một bầy con quá đông, sanh sản nhiều lần và phải làm thêm để nuôi sống gia đình, mỗi tuần bà đều dành cho mỗi người con một tiếng đồng hồ. Trong giờ dành cho người con nào, bà trò chuyện riêng với người con đó, hỏi han, chăm sóc, rồi cầu nguyện cho từng đứa con. Bà Susanna dạy các con sống trong đường lối kính sợ Chúa. Như đa số các gia đình vào thế kỷ 18, dầu ở nông thôn, bà Susanna rất coi trọng việc giáo dục; bà nói rằng: “Nếu chưa dạy cho đứa bé gái biết đọc biết viết thì đừng bao giờ giao cho nó làm một việc gì.”

Trong gia đình, Charles Wesley có sức khỏe yếu hơn những anh chị em mình nhưng Charles Wesley lại là người có tài làm thơ hay hơn cả. Khả năng thi phú của Charles Wesley nhận được từ mẹ ông về sau đã được Chúa dùng trong việc viết lời thánh ca.

Lớn lên, Charles Wesley theo học trung học tại ngôi trường do anh ông là Samuel Wesley Jr. làm hiệu trưởng. Sau khi tốt nghiệp Trung Học, Charles Wesley tiếp tục vào đại học. Vào học tại Oxford, Charles Wesley có cơ hội học thêm âm nhạc. Charles Wesley có dịp nghiên cứu lịch sử âm nhạc Hội Thánh và biết rằng thánh ca đã đóng một vai trò rất quan trọng trong việc Cải Chánh Giáo Hội. Những bài thánh ca do Martin Luther viết đã góp phần dẫn đưa rất nhiều người về với chân lý của Chúa.

Lịch sử Hội Thánh ghi lại Giáo hội Công giáo hồi đó lo ngại về những bài thánh ca của Martin Luther hơn là lời giảng của Martin Luther. Khi đó Martin Luther bị lùng bắt khắp nơi nên ông ít được dịp đi giảng nhiều nơi, nhưng những bài thánh ca của ông thì lan tràn khắp nơi. Những bài thánh ca của Martin Luther bày tỏ tình yêu và sự chở che của Chúa cùng đức tin của ông nơi Chúa. Những bài thánh ca của Giáo hội Cải Cách đã giúp bày tỏ chân lý cứu rỗi thật trong đức tin nơi Chúa Giê-xu.

Vào thời đó, thánh ca và Kinh Thánh xử dụng trong Giáo hội Công giáo đều bằng tiếng La Tinh. Những tín hữu Công giáo khi đến nhà thờ chỉ được nghe đọc Kinh Thánh và nghe hát thánh ca nhưng không hiểu nhiều. Khi học về cuộc Cải Chánh của Calvin tại Thụy Sĩ, Charles Wesley lại có dịp đọc được những ký thuật mà một du khách đến thăm Geneve vào năm 1557 đã ghi lại về ảnh hưởng của những bài thánh ca của Giáo Hội Cải Chánh (Tin Lành) trên thành phố này:

“Quang cảnh thích thú nhất của thành phố vào những ngày trong tuần là khi giờ giảng luận sắp đến. Ngay khi tiếng chuông đầu tiên của nhà thờ reo lên thì tất cả mọi cửa hàng đều đóng lại, mọi cuộc thương thảo liền chấm dứt, mọi việc mua bán liền ngưng lại; và người người, từ mọi phía, đổ về phòng nhóm trong thành phố. Tại đó, mỗi người rút trong túi ra một cuốn sách nhỏ ghi những Thi Thiên có nốt nhạc, họ hát lên với cả tấm lòng bằng ngôn ngữ riêng của nước họ. Cả hội chúng hát say sưa trước và sau giờ nghe giảng.”

Qua những kinh nghiệm từ thời thơ ấu và những điều học từ đó, Charles Wesley đã nhận thức được tầm quan trọng của thánh ca. Ông đã cống hiến cả cuộc đời để viết nhưng bài hát ngợi khen Chúa. Ngay trong năm đầu tiên tại Oxford, Charles đã viết một số thánh ca, tuy nhiên những bài hát đó không được nổi tiếng.

Sự nghiệp viết thánh ca của Charles Wesley chỉ thật sự khởi sắc sau khi ông được Chúa biến cải vào tháng 5/1738. Bài thánh ca đầu tiên nổi tiếng của Charles Wesley là bài “Where Shall My Wondering Soul Begin?” Kể từ ngày đó cho đến khi Charles Wesley qua đời, dường như không ngày nào là ông không viết thánh ca. Dầu trong chức vụ mục sư phải đi giảng nhiều nơi, Charles Wesley vẫn viết được thánh ca. Nhiều bài hát ra đời khi ông rong đuổi trên lưng ngựa. Các sử gia đã tính rằng trong suốt 40 năm liền, cứ trung bình hai ngày Charles Wesley viết xong một bản thánh ca.

Sau khi thánh ca được viết ra, những năm đầu tiên, mỗi năm hai anh em Wesley lại cho xuất bản một tuyển tập mới. Ban đầu họ còn sưu tập những bản thánh ca lại cho đầy đủ, nhưng sáng tác của Charles Wesley dường như bất tận nên về sau không ai thu thập lại hết.

--Viết Thánh ca
Charles Wesley sáng tác rất nhiều thánh ca. Trong suốt cuộc đời của ông, Charles Wesley đã viết hơn 6500 bài thánh ca. Theo Dr. Robert G. McCuthchan, một nhà nghiên cứu âm nhạc của Hội Thánh Giám Lý, Charles Wesley đã viết hơn 7000 thánh ca nhưng khoảng 2000 bài đã không được xuất bản. Vào năm 1780, Charles Wesley đã đồng ý cho Hội Thánh Tin Lành Giám Lý phát hành tuyển tập A Collection of Hymns for the Use of the People Called Methodists. Tuyển tập này in lại hầu hết những bài thánh ca của Charles Wesley đã viết từ ngày còn trẻ cho đến khi đó. Năm 1905, Hội Thánh Giám Lý Hoa Kỳ in cuốn thánh ca mới, trong đó có 121 bài của Charles Wesley.

Mặc dầu Charles Wesley không phải là người viết thánh ca nhiều nhất trong lịch sử Hội Thánh Tin Lành, nhưng ông được xem như là người có công lớn nhất trong việc dùng thánh ca góp phần trong việc phấn hưng và phát triển Hội Thánh. Điều đáng lưu ý là lúc hát Thánh Thi khi thờ phượng Chúa; thông thường hội chúng hát những Thi Thiên hoặc những bài thơ do các con cái Chúa viết ra để ngợi khen Chúa. Lời thơ không có nhạc nên mỗi Hội Thánh có thể ngâm nga và hát lên tùy theo sự hướng dẫn của người hướng dẫn hát. Đa số tác phẩm của Charles Wesley là những thánh ca vào loại này. Bằng những lời đơn giản, ngắn gọn và súc tích, Charles diễn đạt được những chân lý tuyệt vời trong Thánh Kinh mà có khi phải dùng nhiều pho sách để giải thích.

Những thánh ca của Charles Wesley trong nguyên bản tiếng Anh là những vần thơ tuyệt vời. Với khả năng thi ca của Charles Wesley, những bài thánh ca do ông viết được đánh giá là tràn đầy giai điệu, niềm vui và cảm xúc. Charles đã phá bỏ những luật lệ về nhịp điệu cổ điển, ông biến dòng nhạc trở nên tràn đầy tình cảm hòa với những niềm vui háo hức, tưng bừng. Suốt hơn hai trăm năm qua, những bài thánh ca do Charles Wesley viết tiếp tục được phổ biến tại nơi nào có Hội Thánh Tin Lành thành lập. Những bài thánh ca đó mang niềm vui, sự an ủi và khích lệ đến hàng trăm triệu con cái Chúa khắp năm châu.

Những bài thánh ca của Charles Wesley không phải được nổi tiếng chỉ vì giàu ý thơ, nhưng vì quan điểm thần học rõ ràng. Frederick M. Bird, một học giả và là nhà khảo cứu về thánh ca uy tín nhất tại Hoa Kỳ vào thế kỷ 19 đã viết: “Điều quan trọng nhất trong những bản thánh ca của Charles Wesley không phải là chất thơ nhưng là Chúa và dân sự Ngài ở trong đó.” W. T. Stead một học giả khác đã tóm tắt nội dung những bản thánh ca của Charles Wesley: “Những bài thánh ca của Charles Wesley bày tỏ sự vinh quang của Chúa, tấm lòng ngợi khen và tình yêu đối với Ngài.” Những bài hát của Charles Wesley giúp con người hiểu rõ Đức Chúa Trời là ai; Ngài đã làm gì qua Đức Chúa Giê-xu, và Ngài đang làm gì qua con cái Ngài ngày hôm nay.

Với kinh nghiệm phong phú của một người trọn đời sống trong nhà Chúa, những bài hát của Charles Wesley cũng diễn tả nhiều tâm trạng khác nhau trong đời sống Cơ Đốc nhân. Charles viết rất nhiều đề tài, từ những bản thánh ca bày tỏ nỗi lòng của một bác sĩ, tâm trạng của một bà mẹ sinh con, bài hát cho em bé đang mọc răng, bài hát về những cuộc hành trình, về một lần thăm viếng, về tình bạn, về những lúc khó khăn, về một cơn động đất, về mái ấm gia đình, …, bài hát nào cũng diễn tả mối liên hệ giữa con người với Chúa. Sử gia Abel Stevens cho biết, ngoài những bản thánh ca dành cho sự thờ phượng sáng Chúa Nhật mà công chúng biết, Charles Wesley viết rất nhiều thánh ca cho những sinh hoạt khác nhau trong Hội Thánh và quốc gia. Charles viết rất nhiều thánh ca cho lễ Tiệc Thánh, lễ Giáng Sinh, lễ Phục Sinh, lễ Ngũ Tuần, về Ba Ngôi Đức Chúa Trời, về ngày tạ ơn, về chức vụ hầu việc Chúa, về gia đình, về trẻ em, về lễ an táng,… Chỉ riêng về lễ an táng, ông đã viết vài trăm bài. Những người cùng thời với Charles Wesley ghi lại rằng trong lúc Charles Wesley còn sống, không có một người hầu việc Chúa nào qua đời mà Charles Wesley không viết một hay hai bài thánh ca để tưởng nhớ.

Tuy nhiên, mục đích của những bài hát được Charles Wesley viết ra không nhằm khơi dậy những cảm xúc trong lòng người hát, nhưng khiến người hát suy nghĩ đến những chân lý muôn đời trong Thánh Kinh và nhận thức được chân lý của Chúa qua một cách nhìn mới mẻ. Trong số lượng tác phẩm đồ sộ của Charles Wesley, con cái Chúa thường tìm thấy những bài thánh ca gần gũi với tâm trạng của chính mình. Khi người ấy sống trong thất vọng, cô đơn, Chúa vẫn ở cùng; khi nghịch cảnh vây quanh, Chúa đã chở che; trong những bế tắc của cuộc đời, người ấy được Chúa giải cứu. Những bài hát của Charles Wesley đã giúp tín hữu hiểu Chúa là ai và giúp họ vững mạnh hơn trong đức tin nơi Chúa. Các sử gia Hội Thánh nhìn nhận rằng: “Âm nhạc thờ phượng đã đóng một vai trò rất quan trọng trong cuộc phục hưng Hội Thánh Anh Quốc vào thế kỷ 18.”

Những bài thánh ca của Charles Wesley không những chỉ giúp cho tín hữu lớn lên trong Chúa nhưng cũng góp phần dẫn đưa nhiều người đến với Chúa. John Wesley đã ghi lại trong nhật ký vào ngày 14/7/1759 rằng: “Sau khi bài giảng vừa kết thúc, một người từ Grandchester đã mang đến một tin vui, đó là trong tuần rồi, 17 người đã tiếp nhận Chúa chỉ nhờ nghe thánh ca mà thôi.” Hai bài hát của Charles Wesley được Hội Thánh hát nhiều nhất vào thời đó là “Glory to God, and Praise, and Love” và “O for a Thousand Tongues to Sing” (1739).

Một đặc điểm khác trong những bài thánh ca của Charles Wesley là bài hát của ông thường đặt nền tảng trên Lời Chúa. Trong tuyển tập Short Hymns on Select Passages of Scripture, Charles Wesley đã viết 2030 bản thánh ca, tất cả bài hát đó đều lấy ý từ trong Thánh Kinh. Khác với John Wesley, sau khi ra trường xong, John Wesley đọc sách rất nhiều và viết cũng nhiều; riêng Charles Wesley ông đọc sách rất ít. Charles Wesley ghi lại trong nhật ký rằng sau khi tốt nghiệp xong gần như cuốn sách duy nhất mà ông thường xuyên đọc là Thánh Kinh.

Có lần, Charles Wesley được nghe một mục sư giảng về một phân đoạn trong sách Lê-vi Ký. Về nhà ông đọc lại sách Lê-vi Ký, chẳng bao lâu sau, Charles viết 17 bài thánh ca tất cả đều lấy nội dung từ sách Lê-vi Ký. Robert McCutchan một nhà nghiên cứu về thánh ca đã phát biểu rằng: “Nhiều bài hát của Charles Wesley ngày nay ít được hát bởi vì Hội Chúng ít đọc Kinh Thánh và do đó cảm thấy xa lạ với những phân đoạn Kinh Thánh mà Charles Wesley đã diễn tả lại trong thánh ca của ông.”

Nhìn lại những tác phẩm của Charles Wesley, các nhà nghiên cứu và phê bình đã nhận định rằng: Lịch sử Hội Thánh Tin Lành Anh Quốc có hai người viết thánh ca nổi tiếng thế giới là Isaac Watts và Charles Wesley, “Thánh ca của Watts làm cho người hát lo âu, nhưng những bản thánh ca của Charles Wesley làm cho người hát được khích lệ.” Mặc dầu nổi danh rất lâu trước Charles Wesley và được xem như là người viết thánh ca lỗi lạc nhất vào thời đó, Isaac Watts lúc về già, nhận xét về những bài thánh ca của Charles Wesley, ông đã viết: “Tôi đã sẵn sàng đánh đổi tất cả những gì tôi đã viết được chỉ để được làm tác giả của những bài thánh ca trong tuyển tập ‘Wrestling Jacob’ của Charles Wesley.”

---Những Bài Thánh Ca Nổi Tiếng
Trong số hơn 6500 bài thánh ca của Charles Wesley, bài thánh ca được nhiều người ưa thích nhất có lẽ là bài “Jesus, Lover of My Soul.” Bài hát được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1740 trong tuyển tập Hymns and Sacred Poems, tuy nhiên ít được phổ biến. Bản thánh ca chỉ nổi tiếng sau khi Charles Wesley qua đời. Bài hát này đã được dịch ra hầu hết các ngôn ngữ chính và có trong hầu hết các cuốn thánh ca của Hội Thánh Tin Lành trên thế giới. Trong tiếng Việt bài hát có tựa đề là “ Giê-xu Đấng Hằng Yêu Tôi.”

Điều đáng ngạc Jesus Đấng Hằng Yêu Thương Tôinhiên là bài thánh ca trên được yêu thích cả trong những người tin Chúa lẫn những người chưa tin Chúa. Bài hát phổ thông đến nỗi tại Nhật, nhiều người không biết đó là một thánh ca. Khi bài hát này được dịch sang tiếng Nhật, những tín đồ Phật Giáo đã đặt tên Đức Phật vào nơi mà Charles Wesley đã viết về Đức Chúa Giê-xu.

Có rất nhiều giai thoại liên quan đến bài hát này. Một trong những mẫu chuyện đó liên quan đến nhận xét của John Wesley về bài thánh ca. Trong sự hầu việc Chúa, hai anh em John và Charles Wesley thường cộng tác mật thiết với nhau. Mỗi khi viết xong một bài hát mới, Charles thường trao cho John xem qua. Thông thường John Wesley rất thích những bài hát của Charles Wesley, thỉnh thoảng cũng có sửa đôi chút. Tuy nhiên, khi Charles đưa bài hát “Jesus, Lover of My Soul” cho John Wesley xem thì John Wesley chê dở và nói rằng bài hát giàu tình cảm quá.

“Jesus, Lover of My Soul” là một bài hát tiêu biểu của Charles Wesley. Lời bài hát đơn giản nhưng thật súc tích. Bài hát chỉ có 188 chữ, nhưng Charles Wesley đã dùng đến 156 chữ để diễn tả về tình yêu và lòng nhân ái của Chúa. Lời hát trong tiếng Anh, ông diễn tả Chúa là Đấng Yêu Thương, Đấng Chữa Lành, là Nơi An Nghĩ, là Nguồn Nước Sống, là Bóng Chở Che, là Người Dẫn Lối, … Điều ngạc nhiên, bài hát duy nhất của Charles Wesley bị John Wesley chê về sau đã trở thành bài thánh ca nổi tiếng nhất của Charles Wesley.

Nhận định về bài “Jesus, Lover of My Soul,” Tiến sĩ Bodine, một nhà khảo cứu về thánh ca đã ghi nhận rằng “Đó là bản thánh ca xúc động nhất được sáng tác trong Anh Ngữ.” Mục sư Henry Ward Beecher, một nhà truyền giảng Hoa Kỳ vào thế kỷ 19 đã viết: “Tôi mong viết được một thánh ca như bài thánh ca đó của Charles Wesley hơn là mong nhận được lời khen của hết thảy các vì vua trên trái đất. Bài thánh ca đó mang lại vinh quang và quyền năng hơn lời khen tặng của các vua rất nhiều. Tôi mong được làm tác giả của bản thánh ca đó hơn là được sở hữu tài sản của người giàu nhất tại New York. Giàu có rồi sẽ chết, không mấy ai nhớ tới nữa nhưng người ta sẽ hát bản thánh ca này cho đến ngày tận thế. Và tôi cũng sẽ không ngạc nhiên khi nghe thấy lời của bài thánh ca này sẽ được ngợi khen trên môi các thánh đồ trước sự hiện diện của Chúa trên thiên đàng.”

Một giai thoại khác về bài thánh ca liên quan đến con tàu Titanic. Khi con tàu tối tân nhất thế giới vào thời đó sắp chìm trên Đại Tây Dương, hành khách lâm vào cảnh hỗn loạn vì tàu không chuẩn bị đủ xuồng cấp cứu. Vị thuyền trưởng tàu Titanic đã ra lệnh cho các nhạc công trên tàu hòa tấu bài thánh ca này. Một số hành khách đã nhường xuồng cấp cứu cho trẻ em và phụ nữ, biết chắc rằng họ sẽ không được cứu vì không còn xuồng cấp cứu nữa, những người ở lại đứng trên boong tàu se sẽ hát: “Giữa sóng gió ầm bên chân tôi; trong khi bão tố đang vang dội. Xin che tôi, xin giấu kín luôn. Cho qua cơn mưa ác, gió ôn. Thẳng đến bến bình yên thiên môn. Mong ơn Chúa tiếp rước linh hồn.”

Khi bài thánh ca đã nổi tiếng, nhiều người cố gắng tìm hiểu hoàn cảnh nào khiến Charles Wesley đã viết ra bài thánh ca này. Có người cho rằng Charles Wesley viết bài hát trên chuyến tàu từ Hoa Kỳ trở lại Anh Quốc vào năm 1736. Sau những thất vọng trong những ngày hầu việc Chúa tại Mỹ, trên đường về, khi con tàu sắp đến Anh thì gặp một trận bão kinh hoàng. Mọi người tưởng rằng đều mất mạng. Ngày 3/12/1736 con tàu thấy đất liền. Charles đã viết trong nhật ký: “Tôi quỳ gối xuống tạ ơn Bàn Tay Quyền Năng đã hướng dẫn tôi thoát khỏi những rối reng tưởng chừng như không lối thoát.”

Tuy nhiên, có người cho rằng bản thánh ca này được viết không phải sau một trận bão biển mà là sau khi Charles Wesley được cứu khỏi một trận bão lòng. Nhà truyền đạo trẻ tuổi sau nhiều năm hầu việc Chúa vẫn còn trăn trở, trả giá với Chúa, ông không tìm thấy bình an. Khi trở về London; vào năm 1738, Charles Wesley lại có dịp tiếp xúc với những tín hữu Moravian tại Aldersgate, London. Ngày 20/5/1738, Charles đến dự lễ Ngũ Tuần với nhóm tín hữu Moravian. Ông được Chúa Thánh Linh thăm viếng. Charles viết lại trong nhật ký rằng: “Nửa đêm hôm đó, tôi dâng đời sống mình cho Chúa. Tôi biết rằng mình đã được cứu nên tôi không còn lo âu. Tôi tiếp tục kinh nghiệm được quyền năng của Chúa trên tôi: Ngài khiến tôi thắng những cám dỗ, Ngài giúp tôi đến xưng tội với Chúa trong niềm vui không còn cảm thấy sợ sệt. Khi ấy, tôi ngạc nhiên nhớ lại rằng Chúa đã yêu thương tôi và ban cho tôi quá nhiều; vượt quá những điều mà tôi cầu xin hoặc suy tưởng.” Ngày 21/5/1738, tại Aldersgate, là ngày sinh nhật mới của Charles Wesley.

Charles Wesley cũng làm chứng cho John Wesley về kinh nghiệm mới mẻ của mình. Ngày 24/5/1738, John Wesley cũng kinh nghiệm được sự biến cải của Chúa tại Aldersgate. Từ đó, chức vụ của hai anh em bước sang một hướng mới, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng có lẽ đó chính là dịp Charles viết bản thánh ca bất hủ nói trên.

Sau khi bài hát nổi tiếng, nhiều người đã cố gắng phổ nhạc thánh ca này. Nhiều nơi đã dùng những bản nhạc cổ điển, lẫn những quốc ca hay nhất để làm nhạc nền cho bài thánh ca. Tuy nhiên giai điệu phổ thông nhất mà chúng ta thường hát ngày nay là bản “Martyn” do Simeon Marsh sinh năm 1798 tại Sherborne, New York. Ông là một tín đồ Hội Thánh Trưởng Lão. Simeon Marsh là một nghệ sĩ phong cầm, nhạc trưởng dàn đồng ca nhà thờ và cũng là một thầy giáo dạy hát. Vào mùa thu năm 1834, Simeon viết một bản nhạc và đặt tên là “Martyn.” Ông định dùng bài nhạc đó làm nhạc cho bài thánh ca “Mary at Her Savior’s Tomb” của John Newton. Do lời bài hát đó nên bản nhạc của Simeon còn được biết đến dưới tên “Resurrection Tune.” Ba mươi năm sau, Thomas Hastings, một nhạc sĩ tài danh chuyên về nhạc thánh ca. Thomas Hastings cho in lời hát chung với bản nhạc “Jesus Lover of My Soul.” Bài hát phổ biến rộng rãi nhanh chóng và đó là bài hát mà chúng ta vẫn hát cho đến ngày hôm nay.

Để hiểu vì sao một bài nhạc có thể phù hợp với nhiều lời ca khác nhau, chúng ta cần tìm hiểu một ít về thi ca Anh Ngữ. Vào những thế kỷ trước, việc phổ nhạc những bài thơ ca ngợi Chúa rất phổ biến trong các Hội Thánh tại Hoa Kỳ và Âu Châu. Thi ca Anh cổ điển cũng có vần điệu và niêm luật như thi ca tại nhiều nước khác. Nhiều bài thánh thi của Charles Wesley viết theo dạng AABA – trong đó hai khổ thơ đầu giống nhau, khổ thơ thứ ba thay đổi và khổ thơ chót trở về lại dạng ban đầu. Khi một nhạc sĩ phổ nhạc một bài thơ theo thể AABA, họ chỉ cần viết hai dòng nhạc. Một dòng nhạc cho câu thơ 1, 2 và 4; và một dòng nhạc cho câu số 3. Do đó, khác trong tiếng Việt, nếu hai bài thơ Anh Ngữ cùng một thể loại và số âm tiết bằng nhau thì hai bài thơ có thể dùng một bản nhạc. Nếu bài thơ nào có ít âm tiết hơn thì lời nhạc phải hát với nhiều nốt luyến láy. “Martyn” đã được dùng cho cả “Jesus, Lover of My Soul” và “Mary at Her Savior’s Tomb” trong hoàn cảnh ấy.

Một bài hát khác của Charles Wesley được rất nhiều người thích hát đó là bài “O For A Thousand Tongues to Sing.” Bài hát trong tiếng Việt có tựa đề “Muôn Dân Ca Ngợi Chúa.” Bài hát với nhịp điệu tươi sáng, nhẹ nhàng diễn tả niềm vui của một cuộc đời được cứu rỗi. Charles Wesley viết bài này vào ngày 2/5/1739 để chuẩn bị mừng kỷ niệm một năm ngày ông được tái sanh. Bài hát nguyên thủy có tên là “For an Anniversary Day of One’s Conversion.” Bài hát gồm 19 phiên khúc diễn tả kinh nghiệm ngọt ngào mà Chúa đã thay đổi Charles Wesley. Rất tiếc ngày nay trong nhiều cuốn thánh ca lời của bài thánh ca này chỉ còn được in có 4 hoặc 6 câu.

Một thời gian sau, bài hát được đổi tên là “O For A Thousand Tongues to Sing” lấy ý từ câu nói của Peter Bohler, người lãnh đạo nhóm tín hữu Moravian, người đã giúp Charles Wesley được Chúa biến cải. Peter Bohler đã nói rằng: “Nếu tôi có một ngàn giọng nói, tôi cũng sẽ dùng đã ca ngợi Chúa.” Bài hát “O For A Thousand Tongues to Sing” được in vào năm 1749. Phần nhạc của bài hát về sau do Carl G. Glaser (1784-1829) viết và do Lowell Manson (1792-1872) soạn hòa âm.

--Lời Việt
Một số thánh ca của Charles Wesley đã được dịch ra tiếng Việt. Dưới đây là một số bài tiêu biểu:

“And Can It Be That Should I Gain?” (Điều Này Thật Sao);
“Rejoy! The Lord Is King” (Cùng Dâng Lời Ca),
“Hark, The Herald Angels Sing” (Thiên Thần Hòa Ca),( Kìa Thiên Binh Cùng Nhau Trổi Hát),
“Christ The Lord Is Risen Today” (Ngày Nay Chúa Phục Sinh),
“O For A Heart To Praise My God” (Tôn Vinh Chúa Linh Năng),
“Lo, He Comes” (Ha-lê-lu-gia! Chúa Tái Lâm),
“Arise, My Soul, Arise” (Tâm Linh Ơi Vùng Lên Này);
“Love Divine, All Love Excelling” (Tình Yêu Thánh Siêu Việt), ( Nguyện Tình Yêu Thượng Giới Giáng Lâm),
“And Must I Be To Judgement Brought” ( Tôi Há Phải Đưa Đến Nơi Thiên Tòa Chăng),
“A Charge To Keep I Have” (Đây Phận Sự Tôi Đảm Đương),
“Come Thou Almighty King” ( Hỡi Thánh Vương Kíp Ngự Lai), …
Về Với Chúa
Sau hơn 50 năm hầu việc Chúa, Charles Wesley qua đời vào ngày 29/3/1788 hưởng thọ 80 tuổi. Dầu trên giường bệnh sắp về với Chúa, một ngày trước khi qua đời, Charles Wesley viết một bản thánh ca ca ngợi Chúa và đề tặng người vợ yêu dấu của ông. Sau nhiều năm tận tụy và thành công trong chức vụ hầu việc Chúa, Charles Wesley vẫn khiêm cung cảm nhận sự yếu đuối của con người và ông mong được nhận nơi Chúa một nụ cười khi ông về với Chúa. Bài hát cuối cùng của Charles Wesley trong tiếng Anh như sau:

“In age and feebleness extreme,
Who shall a sinful worm redeem?
Jesus, my only hope Thou art,
Strength of my failing flesh and heart.
O could I catch a smile from Thee,
And drop into eternity!”
Ngày 5/4/1788 dựa theo yêu cầu của Charles Wesley lúc còn sống, những người thân yêu chôn cất ông trong sân nhà thờ Marylebone.

Mặc dầu Charles Wesley được xem là một trong những người sáng lập Hội Thánh Giám Lý nhưng ông không chủ trương tách nhóm tín hữu Giám Lý khỏi Hội Thánh Anh Quốc. Charles Wesley ghi rằng: “Tôi đã sống và sẽ chết trong mối thông công với Hội Thánh Anh Quốc. Khi tôi chết, hãy chôn tôi trong sân nhà thờ của tôi.”

Ngày nay, nếu bạn đọc có dịp đến London và viếng thăm nhà thờ Marylebone, đến sau sân nhà thờ sẽ gặp một mộ bia với dòng chữ: “Đây là nơi yên nghỉ của Mục sư Charles Wesley, M.A., lìa đời vào ngày 29/3/1788. Hưởng thọ 80 tuổi.”

Về với Chúa, Charles Wesley để lại cho Hội Thánh một di sản thánh ca mà hơn 200 năm qua ít có mấy người sánh kịp.

--Tài Liệu
Châu Thanh, Charles Wesley – Ngàn Khúc Ngợi Ca, Nguyệt San Linh Lực, San Diego, California (8/1997)