(Phần 8 của loat bai "Công trình phục hồi của Đức Chúa Trời".
Xin Chúa ban cho chúng con linh của sự khôn ngoan và khải thị, và xin mở mắt của lòng chúng con. Xin dẫn chúng con vào hiện thực của các của tế lễ. Chúng con muốn thấy Chúa nhiều hơn nữa.
A. Bột mịn là nhân tính trọn vẹn của Đấng Christ
(Giăng 6:31-35, 48-51, 53-58; 12:24; Ma-thi-ơ 26:26)
Sáng Thế Ký 1:11-12 “Đức Chúa Trời lại phán rằng: Đất phải sanh cây cỏ, thảo mộc
kết hột giống, cây trái kết quả, tùy theo loại mà có hột giống trong mình trên đất; thì có
như vậy. Đất sanh cây cỏ, thảo mộc kết hột tùy theo loại, cây kết quả có hột trong
mình, tùy theo loại. Đức Chúa Trời thấy điều đó là tốt lành”.
Lê-vy Ký 2:1-3 “Khi ai dâng cho CHÚA một của lễ thức ăn (của lễ chay), thì lễ vật người phải bằng bột mịn. Người phảichế dầu và để nhũ hương lên trên. Người sẽ đem đến cho các con trai A-rôn, là các thầy tế lễ. Thầy tế lễ sẽ lấy một nắm bột mịn có dầu và tất cả nhũ hương, đem xông làm kỷ niệm trên bàn thờ; ấy là một của lễ dùng lửa dâng lên, có mùi thơm cho CHÚA. Phần còn lại sẽ thuộc về A-rôn và các con trai người; ấy là một vật chí thánh trong các của lễ dùng lửa dâng cho CHÚA”.
Giăng 6:48-51 “Ta là bánh của sự sống. Tổ phụ các ngươi đã ăn ma-na trong đồng vắng, rồi cũng chết. Đây là bánh từ trời xuống, hầu cho ai ăn chẳng hề chết. Ta là bánh từ trên trời xuống; nếu ai ăn bánh ấy, thì sẽ sống vô cùng; và bánh mà Ta sẽ ban cho vì sự sống của thế gian tức là thịt Ta”.
Thật là tốt khi chúng ta có thể thông công về các của tế lễ vì điều này hoàn toàn phù hợp với chủ đề hội nghị “Công trình phục hồi của Đức Chúa Trời”. Chúng ta phải thấy rằng Đấng Christ là của lễ thiêu của chúng ta, vì Ngài là người duy nhất hoàn toàn tuyệt đối cho Cha. Không có phần nào trong xác thịt chúng ta tuyệt đối cho Đức Chúa Trời cả. Ngợi khen Chúa vì bây giờ Ngài bao phủ chúng ta. Sau khi tất cả các phần của chúng ta đã bị thiêu cháy thành tro thì những gì Đức Chúa Trời nhìn thấy chính là Đấng Christ. Một mặt, chúng ta đã bị thiêu trụi và được che phủ bởi Đấng Christ; mặt khác, chúng ta cần có đủ năng lượng và sức lực để hoàn toàn tuyệt đối vì Đức Chúa Trời. Nghĩa chúng ta cần thức ăn. Xác thịt của chúng ta có rất nhiều vấn đề. Ngay cả sự công chính tốt nhất của chúng ta cũng như chiếc áo bẩn. Thậm chí khi chúng ta cố gắng hết sức để làm điều tốt thì Đức Chúa Trời cũng không chấp nhận. Chúng ta luôn thiếu sức mạnh để đắc thắng. Một số anh em cảm thấy mệt mỏi khi đến dự buổi nhóm cầu nguyện vào tối thứ ba. Chúng ta cũng không có sức để đọc Lời Chúa. Hay khi giảng Phúc Âm thì chúng ta luôn cảm thấy thiếu sức lực. Tại sao lại như thế? Bởi vì nhân tính của chúng ta đã bị sa ngã nặng. Cho nên, thấy được Đấng Christ là của lễ thức ăn của chúng ta là điều rất quan trọng. Vì qua của lễ thức ăn, Chúa muốn phục hồi lại nhân tính của chúng ta và Chúa cũng muốn thêm sức để chúng ta có thể hoàn tất chương trình của Đức Chúa Trời.
Của lễ thức ăn là bánh không men và cũng là thức ăn cho chúng ta. Trong Giăng 6, chúng ta thấy Chúa là bánh của sự sống. Chúa nói rất rõ là chúng ta phải ăn, Ngài nói ít nhất tám lần rằng chúng ta phải ăn Ngài như là bánh của sự sống. Nhưng những người nghe đã không hiểu. Trong câu 61, vì điều này thật khó hiểu đối với các môn đồ, nên Chúa phải nói rằng “Điều đó làm cho các ngươi vấp phạm sao?” Ngay cả ngày nay, khi chúng ta nói Jesus Christ là bánh của sự sống để con người ăn, nhiều người vẫn cho rằng điều chúng ta nói là kỳ cục. Nhưng Lời Chúa thật rõ ràng và đơn giản: Chúa đã nói Ngài là bánh của sự sống nên chúng ta phải ăn Ngài để nhận được sự sống.
Vì vậy, của lễ thức ăn trong Lê-vy Ký 2 rất quan trọng đối với chúng ta. Chúng ta cần thấy được thành phần của bánh sự sống này. “Khi nào ai dâng cho CHÚA một của lễ thức ăn thì lễ vật người phải bằng bột mịn“ (câu 1). Chúng ta biết rằng nhân tính của mình không tốt, không mịn như bột. Nhân tính chúng ta có rất nhiều viên đá nhỏ ở bên trong, làm nó rất “thô”, người ta không thể ăn nó được. Anh em có bao giờ ăn cát mịn chưa? Nó sẽ làm răng bị đau. Nhưng Chúa là bột mịn. Bột mịn là các hạt lúa mì đã được xay. Thành phần của của lễ thức ăn được làm từ các hạt giống của cỏ và thảo mộc ở trong Sáng Thế Ký 1. Trong công trình phục hồi, Đức Chúa Trời đã biết các hạt giống rất cần thiết để làm của lễ thức ăn. Ngay sau khi lúa mì được thu hoạch thì chúng vẫn chưa thể được dùng ngay được. Để anh em có bánh mì, các hạt lúa mì phải trải qua một quá trình chế biến. Chúng phải được xay thành bột mịn. Bột mịn tượng trưng cho nhân tính hoàn hảo của Chúa chúng ta. Hãy nghĩ đến những gì Chúa đã chịu đựng khi sống trên đất! Chắc hẳn Ngài đã bị “xay nát” và chịu nhiều đau khổ. Ngài là người duy nhất có nhân tính hoàn hảo. Chúng ta cần nhân tính của Chúa. Do đó, Ngài có thể là thức ăn cho tất cả chúng ta.
1. Kết hợp với dầu và nhũ hương
Rồi dầu được chế lên bột. Dầu chính là Thánh Linh. Của lễ thức ăn không chỉ có nhân tính của Chúa mà còn có dầu để trộn bộn. Nếu những hạt lúa mì không được xay thành bột mịn, thì chúng không tiếp nhận dầu và không thể trộn lẫn với dầu. Khi chúng ta dùng Chúa làm của lễ thức ăn, chúng ta phải kinh nghiệm được tất cả những điều này. Nhân tính của chúng ta phải trở nên “mịn”, để được trộn lẫn với Thánh Linh.
Kế đến nhũ hương phải được đặt lên trên. Gia vị này tượng trưng cho sự phục sinh. Tại sao cần đến nhũ hương? Nhân tính chúng ta vẫn còn đầy dẫy sự chết, nên chúng ta cần sự phục sinh.
2. Được làm mặn bởi muối (Ma-thi-ơ 5:13)
Câu 13 nói đến việc cho thêm muối vào của lễ thức ăn. Chúng ta cần muối để làm hai điều: đầu tiên là dùng như gia vị vì muối làm nổi bật mùi vị của thức ăn. Nhờ muối, Đức Chúa Trời được biểu lộ qua nhân tính của Jesus Christ, nghĩa là người ta có thể nếm được “mùi vị” của Đức Chúa Trời qua cuộc sống của Chúa Jesus khi ở trên đất. Ngoài ra, muối còn có một tác dụng khác là dùng để bảo quản. Đấng Christ là người duy nhất thoát khỏi mọi sự hủy hoại: Ngài là người không thể bị phá hủy. Chúng ta có thể thưởng thức tất cả những nguyên liệu này khi ăn bánh của sự sống.
3. Không được bỏ men và mật ong vào (Lê-vy Ký 2:11; Ma-thi-ơ 16:6,12; Lu-ca 12:1b; Mác 8:15; 1.Cô-rinh-tô 5:6-8; Ga-la-ti 5:9)
Đoạn Kinh Thánh này cũng ghi rất rõ những gì không được bỏ vào bánh. Không được cho men và mật ong vào bánh này (Lê-vy Ký 2:11). Trong phần dàn ý, anh em có thể đọc những câu Kinh Thánh nói đến chất men. Chất men trong Ma-thi-ơ 16:6,12 là giáo lý của người Pha-ri-si và Sa-đu-sê, là những sự dạy dỗ của tôn giáo bị truyền vào dân Đức Chúa Trời. Tất cả những điều đó là chất men mà con người đã thêm thắt vào Lời Chúa.
Những anh em mới đến Hội Thánh tại Fountain Valley, đã kể về những chất men trong tôn giáo mà họ đã từng biết, như làm phép báp-tem cho trẻ em trong giáo hội Công Giáo. Nhà thờ còn dạy rằng trong ví dụ về mười trinh nữ thì năm người khôn ngoan là các tín đồ, còn năm người dại là những người vô tín. Các anh em mới đó rất sửng sốt vì những điều này không phù hợp với Lời Chúa. Chất men “sau khi chết thì được lên trời” đã được dạy dỗ ở khắp nơi. Anh em khác thì kể về chuyện mừng lễ Giáng Sinh và lễ Phục Sinh. Nhưng khi anh em này đọc những câu Kinh Thánh về sự thờ phượng liên quan đến cây cối thì bị “sốc nặng” và nói rằng “Làm thế nào mà tôi đã có thể tin được những điều này sau khi trở thành tín đồ?” Những sự dạy dỗ của tôn giáo là chất men đã bị trộn lẫn vào Hội Thánh.
Tuy nhiên, chúng ta cũng đừng nghĩ rằng nó chỉ liên quan đến người ở ngoài Hội Thánh, mà những chất men này cũng có thể len lỏi vào Hội Thánh. Nếu chúng ta không biết dùng tâm linh và không biết phân biệt giữa tâm hồn và tâm linh, những chất men ở ngoài này sẽ đi vào trong Hội Thánh. Chúng ta phải ý thức rằng chúng len lỏi vào một cách tinh vi vì người ta cảm thấy chúng cũng có lý. Nếu chỉ biết các phương pháp hay sự dạy dỗ mà không có hiện thực thì chất men sẽ lẻn vào, nên chúng ta phải coi chừng. Lúc đó, anh em sẽ hình thành các quan niệm trong đầu rằng mình phải làm điều này, điều nọ hay làm theo một phương pháp nào đó. Nếu không cẩn thận thì cuối cùng chúng ta xa cách với những gì mà Lời Chúa muốn bày tỏ. Anh em thân mến, chúng ta phải hết sức cẩn thận về những sự dạy dỗ của người Pha-ri-si và người Sa-đu-sê.
Lu-ca 12 có liên quan đến chất men của người Pha-ri-si, là sự giả hình. Mọi hình thức giả dối trong Hội Thánh đều là chất men. Những anh em mới đến Hội Thánh nói rằng có rất nhiều sự giả dối ở trong giáo hội Công Giáo. Người ta nghe giảng trong nhà thờ, nhưng không thấy ai sống theo đó cả. Ba mẹ vợ của một anh em đi cầu nguyện ở nhà thờ mỗi ngày lúc 6 giờ sáng, sáu ngày trong tuần. Khi tôi hỏi điều đó có giúp gì cho họ không, anh em kia trả lời là không có ích gì cả vì họ sống như người ngoại. Bây giờ anh em có thể hỏi tôi rằng chất men này có liên quan gì đến chúng ta. Nguy cơ có thể là chúng ta nói một đàng, nhưng lại làm một nẻo. Tôi đã thấy một số anh em phục vụ trong nhóm thanh niên sống hoàn toàn khác với điều họ chia sẻ trong buổi nhóm. Điều đó đã làm hại đến Hội Thánh. Nếu anh em ráng sức phục vụ chỉ vì muốn lấy lòng người khác, anh em không những tự giết mình mà còn giết các anh em khác nữa. Đó cũng là sự giả hình vì anh em làm theo nguyện vọng riêng. Bên ngoài anh em phục vụ, nhưng bên trong lại cảm thấy sự chết chóc. Lạy Chúa, xin hãy cứu chúng con khỏi chất men này!
Mác 8:15 nói đến chất men của người Pha-ri-si và chất men của vua Hê-rốt. Chất men của vua Hê-rốt chính là chất men của chính trị. Bây giờ, chúng ta nói đến chính trị ở trong cuộc sống Hội Thánh. Ở nước Mỹ thì chính trị có ảnh hưởng rất nhiều đến tôn giáo. Ví dụ như chính sách về đồng tính luyến ái có ảnh hưởng rất nhiều đến các nhóm Cơ Đốc và cũng gây ra nhiều tranh cãi, nhiều nhóm cũng đã chấp nhận. Chất men của chính trị không có chỗ đứng trong Hội Thánh của Chúa. Nhưng chất men này cũng có thể len lỏi vào Hội Thánh. Ví dụ, nếu tôi muốn được một anh em nào đó công nhận thì tôi làm mọi điều để lấy lòng anh ta. Đó có phải là cách chúng ta phục vụ trong Hội Thánh không? Chỉ nhằm mục đích để anh em nào đó công nhận mình? Hay khi có mâu thuẫn với một người nào đó trong Hội Thánh, anh em lôi kéo những người khác về phía mình. Rồi người kia cũng tìm cách lôi kéo các thánh đồ khác đứng về phía mình. Cuối cùng chúng ta tạo ra các bè phái trong Hội Thánh. Trong Hội Thánh, chúng ta làm như vậy sao? Đó chính là chất men của chính trị.
Chất men hiểm độc và gian ác được nói đến trong 1.Cô-rinh-tô 5:8. Trong Hội Thánh, không được có tội lỗi, điều này thật rõ ràng. Các anh em thân mến! Tôi hy vọng anh em thấy rõ chất men là gì và hiểu tại sao không được có chất men trong Hội Thánh của Chúa.
1.Cô-rinh-tô 5:6 nói rằng một chút men làm dậy cả đống bột. Tôi nói cho anh em biết rằng chỉ cần có chút xíu men ở trong đó thôi thì không thể lấy nó ra được. Những ai thích làm bánh biết là chỉ cần bỏ chút xíu men vào trong bột thì bột sẽ nở ra. Có loại bánh mì, khi bỏ men vào thì bột nở ra. Người ta cắt phân nửa bánh để bỏ vào lò nướng. Phần bánh còn lại vẫn tiếp tục nở, nên hôm sau người ta có thể cắt làm đôi và bỏ một phần vào lò nướng. Phần còn lại vẫn tiếp tục nở, nên ngày sau đó phải bỏ phân nửa vào lò nướng. Nếu người ta không làm vậy thì bánh mì này sẽ không ngừng nở ra. Có lần tôi để bột trong tô mà quên nướng, nó đã nở tràn ra ngoài cái tô. Việc chất men lan rộng ra là một mối nguy hiểm. Nó sẽ là một thảm họa lớn nếu chất men bị truyền vào trong Hội Thánh, vì nó sẽ gây ra nhiều nan đề. Chính vì vậy “Hãy làm sạch men cũ đi, để cho anh em trở nên đống bột mới, như anh em là bánh không men vậy” (1.Cô-rinh-tô 5:7). Vì vậy, không được phép có men trong của lễ thức ăn.
Ngoài ra, mật ong cũng không được phép cho vào của lễ thức ăn. Mật ong là sự ngọt ngào của loài người. Qua một số bài báo, chúng ta biết được tại sao các đại giáo đoàn (megachurch) ở Mỹ phát triển rất nhanh. Sự việc bắt đầu do một người đưa ra đề nghị “chúng ta hãy tìm hiểu xem tại sao người ta không đến nhà thờ”. Sau đó, người ta tiến hành thăm dò thị trường bằng cách hỏi nhiều người lý do tại sao họ không muốn đến nhà thờ. Một số người trả lời: Phúc Âm được giảng là quá tiêu cực, tại sao lại giảng rằng nếu không tiếp nhận Đấng Christ thì sẽ bị ở trong hồ lửa đời đời, ai muốn nghe như thế? Rồi họ đổi bài giảng trong nhà thờ thành “Đức Chúa Trời là tình yêu”, nên nhiều người đến nhà thờ hơn. Những người khác lại cho rằng nhạc trong nhà thờ là quá chậm và cũ kỹ. Cho nên nhà thờ mới thay thế nhạc cũ thành các loại nhạc hiện đại. Có ý kiến khác cho rằng “chỉ thấy người đứng giảng không thì chán quá. Các anh không biết thời đại này là thời đại truyền thông đa phương tiện sao? Cần phải dùng phần mềm thuyết trình powerpoint với nhiều chuyển động sinh động để minh họa bài giảng. Bài giảng phải được lồng nhạc nền thích hợp. Khi giảng điều gì buồn thì cần có nhạc buồn, đến khúc vui thì phải có nhạc sống động”. Và họ cũng làm theo. Chúa Jesus ơi! Thăm dò thị trường như thế không phải là mật ong sao? Ngoài ra, tôi muốn kể một điều khác để minh họa. Một anh em trong Hội Thánh đến nhóm tại một nhà thờ tại Fountain Valley, thấy trên bục giảng có để hình con rồng. Anh em này hỏi mục sư của nhà thờ đó rằng tại sao lại để hình con rồng. Ông này trả lời đó là cách để thu hút những người trẻ tuổi gốc châu Á. Tất cả những thứ này đều là mật ong.
Thế tại sao mật ong cũng có liên quan đến chúng ta là những người ở trong Hội Thánh? Tôi xin kể cho anh em một kinh nghiệm trong Hội Thánh tại Fountain Valley cách đây vài năm. Một số người phục vụ trong nhóm thanh niên nói với chúng tôi rằng, Hội Thánh nên làm cho những người trẻ tuổi có nhiều vui vẻ hơn. Chúng tôi mới hỏi họ: vui vẻ hơn là như thế nào? Họ nói Hội Thánh phải tổ chức nhiều sự kiện vui vẻ để các người trẻ chơi với nhau. Nghe cũng có lý phải không? Họ cần được vui vẻ hơn bên cạnh việc cầu nguyện, đọc Kinh Thánh và hát trong buổi nhóm. Nhưng chúng tôi đã bị sốc nặng. Anh em thử nghĩ xem một tuần có bao nhiêu tiếng đồng hồ? Có 168 tiếng. Thế chúng ta đã dành bao nhiêu thời gian cho các buổi nhóm trong Hội Thánh? Nếu tính một cách rộng rãi thì khoảng 10 tiếng. Xem như là các thanh niên đi nhóm 10 tiếng trong tuần, 10 tiếng là chưa đến 1/10 thời gian tuần. Nghe có vẻ hợp lý. Nhưng chúng ta làm gì ở trong nhà của Chúa, chúng ta có nhiệm vụ làm cho các thanh niên vui vẻ sao? Hay nhiệm vụ của chúng ta là mang những người trẻ tuổi đến với Chúa? Nếu làm thăm dò thị trường như các đại giáo đoàn ở Mỹ thì người trẻ có nhiều vui vẻ hơn. Nghe có lý đó! Nhưng nó là mật ong và sự kết dính của mật ong sẽ đi vào Hội Thánh.
Khi đến với nhau trong buổi nhóm, anh em phải ý thức rằng đó không phải là chỗ cho sự ngọt ngào của con người, như chúng ta là bạn thân, luôn gắn bó với nhau, luôn ngồi kế nhau trong buổi nhóm và đi nhóm chung với nhau, và sau buổi nhóm vẫn gắn bó với nhau. Tôi làm như vậy vì tôi thích người anh em đó, và anh em đó cũng thích tôi nên chúng tôi gắn bó với nhau và chúng tôi bị “kết dính” với nhau. Khi một người mới vào Hội Thánh, cùng tuổi chúng ta, nhưng chỉ ngồi một mình, còn chúng ta lại kết dính với nhau. Vậy ai sẽ nói chuyện với người mới này? Đó là mật ong! Việc tạo thành những nhóm nhỏ như vậy trong cuộc sống Hội Thánh có thể là mật ong. Tôi không nói là chúng ta không được phép dành thời gian cho nhau. Vấn đề là đó có phải là mật ong không? Câu hỏi là điều gì kết dính chúng ta: mật ong hay Thánh Linh? Anh em thân yêu, xin Chúa chỉ cho chúng ta biết men và mật ong trong Hội Thánh là gì. Không được phép có men và mật ong trong của lễ thức ăn. Điều này thật rõ ràng!
4. Của lễ thức ăn là vật chí thánh (Lê-vy Ký 2:3, 10)
Anh em phải ý thức rằng của lễ thức ăn là vật chí thánh trong các của tế lễ. Vì đó là của lễ chí thánh nên “ai đụng đến những của lễ đó sẽ nên thánh” (Lê-vy Ký 6:17-18). Chúng ta càng chạm đến của lễ thức ăn càng nhiều, của lễ này sẽ làm cho chúng ta được nên thánh. Đó là điều mà chúng ta rất cần trong Hội Thánh. Càng ăn của lễ thức ăn càng nhiều, chất men và mật ong sẽ càng được loại bỏ ra khỏi chúng ta, vì đây là của lễ chí thánh.
5. Được chế biến bằng sự chịu khổ của Đấng Christ (Lê-vy Ký 2:4-7; 1.Phi-e-rơ 2:21-23; 4:1; 2.Cô-rinh-tô 4:17)
Bây giờ tôi muốn chia sẻ thêm về việc chế biến của lễ này. Nếu đọc Lê-vy Ký 2, anh em sẽ thấy của lễ này được chiên trong một cái chảo. Người ta bỏ bột mịn vào chảo, cho thêm dầu và đặt nhũ hương lên trên và cho thêm muối. Rồi người ta làm gì với cái chảo và cái bánh nhỏ ở trong đó? Lửa được dùng để chiên. Như vậy để làm của lễ thức ăn thì cần phải có nhiệt độ, có lửa. Nếu đọc những câu Kinh Thánh trong phần dàn ý, anh em sẽ thấy Chúa đã chịu đựng vì chúng ta nhiều như thế nào. Ví dụ, 1.Phi-e-rơ 4:1 nói rằng “Vậy, vì Đấng Christ đã chịu khổ trong xác thịt, nên anh em cũng phải lấy tư tưởng đó làm vũ khí để trang bị cho mình, vì người nào đã chịu khổ trong xác thịt, thì đã đoạn tuyệt với tội lỗi”. Vì chúng ta, mà Chúa đã chịu khổ rất nhiều. Ngoài ra còn một cách khác để làm của lễ thức ăn là nướng trong một cái chảo có đậy nắp rồi cho vào lò nướng. Anh em thử tượng tượng xem: Đức Chúa Trời đã như ở trong một cái chảo bị đậy lại, vì Ngài đã ở trong hình hài một con người, bị hạn chế rất nhiều. Sau đó, Ngài phải chịu đựng sức nóng dữ dội. Qua đó, chúng ta có thể thấy rằng, Chúa là của lễ thiêu của chúng ta là điều tuyệt vời như thế nào. Ngài là người duy nhất có thể hiểu tất cả yếu đuối của chúng ta. Ngài biết tất cả những gì mà chúng ta phải chịu đựng trong cuộc sống.
B. Để chúng ta ăn
(Giăng 6:31-35, 48, 51-58; Lê-vy Ký 2:2-3, 10; Ga-la-ti 5:22-24; Phi-líp 2:14; 1.Phi-e-rơ 3:3-4; Thi Thiên 107:20)
Sau khi đã thấy một cái bánh như vậy, anh em có muốn ăn nó không? Anh em không muốn ăn Đấng Christ là bánh sự sống từ trời sao? Thế tại sao chúng ta lại không ăn? Nhiều người trẻ đã biết về bánh hamburger của Mỹ, đã thấy hình cũng như đã đọc nhiều về bánh này, nên rất thèm ăn nó. Khi họ qua Mỹ chơi, việc đầu tiên họ làm sau khi xuống máy bay là vào một nhà hàng để ăn bánh hamburger, vì họ tin rằng ở đó có bánh ngon. Thế tại sao ngày nay có rất nhiều người tin Jesus Christ nhưng lại không chịu ăn Ngài? Chúng ta tin có bánh hamburger nên tất cả chúng ta đều ăn nó. Bây giờ, tuy chúng ta tin Đấng Christ là của lễ thức ăn tuyệt vời, nhưng chúng ta không sẵn lòng để ăn Ngài. Tại sao lại như vậy?
Nhiều người thích đọc những quyển sách về đức tin: như sách hôn nhân, sách dạy con cái yêu Đức Chúa Trời,... Mỗi khía cạnh của đời sống đều có một quyển sách Cơ Đốc. Tại sao chúng ta lại đến với những quyển sách như vậy? Sau khi đọc chúng, anh em biết điều gì sẽ xảy ra cho anh em không? Anh em sẽ có thêm nhiều hiểu biết. Nhưng Kinh Thánh nói rằng “sự hiểu biết sinh ra kiêu căng”(1.Cô-rinh-tô 8:1). Tuy nhiên, điều này không phải là điều tồi tệ nhất; nếu anh em ăn những thức ăn đó, chúng sẽ đem lại sự chết cho anh em, không chỉ riêng cho anh em mà còn cho những người xung quanh anh em nữa. Ví dụ anh em tuy chưa lập gia đình, nhưng đọc sách “cuộc hôn nhân hoàn hảo”. Sau khi đọc xong, anh em quan sát tất cả những đôi vợ chồng trong buổi nhóm, rồi kết luận rằng không có đôi vợ chồng nào là hoàn hảo cả. Anh em chẳng những phán xét họ, mà còn không muốn thông công với họ về hôn nhân nữa, vì quyển sách kia đã dạy tất cả về hôn nhân rồi. Anh em đừng cười về điều này, nó đã từng xảy ra rồi. Một trường hợp khác, anh em đọc tất cả các sách Cơ Đốc về dạy dỗ trẻ em, rồi anh em phục vụ trong buổi nhóm thiếu nhi. Ở đó, anh em so sánh cách những anh em khác phục vụ với những điều mà anh em đã học từ sách vở. Nếu họ làm không giống trong sách, thì anh em nói “anh làm sai rồi”. Một người chưa có con, cũng chưa lập gia đình, đã nói như vậy với những anh em có con và dùng tình yêu dạy dỗ con cái trong Hội Thánh. Đó là sự nguy hiểm của hiểu biết. Hiểu biết không chỉ giết anh em mà còn giết luôn những người khác. Hiểu biết không bao giờ là thức ăn cho người khác.
Tôi không nói rằng anh em không được đọc sách nữa, mà anh em phải nhận thức rằng ai là cái nguồn. Thỉnh thoảng vì không hiểu Kinh Thánh, nên anh em đọc thêm sách. Ví dụ, nếu muốn hiểu hơn về các của tế lễ thì anh em có thể đọc sách về đề tài đó. Nhưng nếu anh em bị phụ thuộc vào nó và nó thay thế Chúa, thì sẽ rất nguy hiểm. Người ta hỏi tôi rằng tại sao ở Mỹ có rất nhiều Hội Thánh đi theo LSM? Vì họ hoàn toàn bị lệ thuộc vào sách vở của LSM. Điều tôi muốn nói là anh em hãy cẩn thận khi đọc sách vở. Dù anh em đọc gì, anh em cũng phải đến với Chúa. Điều quan trọng nhất sau khi đọc cái gì đó là anh em phải đến với Chúa, nói với Ngài rằng “Chúa ơi, xin cho con thấy những điều con đã đọc. Làm thế nào để con kinh nghiệm được những điều đó?” Tôi nhắc lại một lần nữa: Nếu chúng ta thấy Đấng Christ là của lễ thức ăn tuyệt vời, tại sao chúng ta không chịu ăn Ngài?
Trong Giăng 6, Chúa chỉ rõ cách chúng ta ăn Ngài là như thế nào. Từ câu 31 đến 48, Chúa nói tổng quát rằng hãy ăn thịt và uống huyết Ngài. Nhưng trong câu 63, Chúa chỉ rõ cách chúng ta ăn Ngài: “Đó là Thánh Linh làm cho sống, xác thịt chẳng có ích chi. Những Lời Ta phán cùng các ngươi đều là Linh và sự sống”. Như vậy nếu muốn ăn Chúa, chúng ta hãy dùng tâm linh để đến với Lời Chúa. Qua đó, chúng ta sẽ tiếp nhận được thức ăn. 1.Phi-e-rơ 2:2 nói rằng “Như những trẻ sơ sinh, hãy khao khát sữa tinh khiết của Lời Chúa, để nhờ đó anh em được trưởng thành trong sự cứu rỗi”. Một người chị em mới được làm báp-tem cách đây vài tuần. Trước khi chịu phép báp-tem, chị hỏi: “Sao khi chịu báp-tem thì tôi phải làm gì?” Câu trả lời là hãy ăn Lời của Đức Chúa Trời. Chị nói tiếp “Nhưng tôi không có hiểu tất cả đâu”. Chúng tôi nói chị đọc câu Kinh Thánh trên rồi hỏi chị “Một trẻ sơ sinh có hiểu sữa mà nó uống không?” Chị đáp “Dĩ nhiên là trẻ sơ sinh không hiểu được những gì bé uống. Như vậy, tôi là một trẻ sơ sinh trong Đấng Christ, tôi muốn uống sữa này”. Tất cả những điều lôi cuốn người chị em mới này là ăn Chúa. Sau đó, chị em này chia sẻ “nếu anh em ăn Lời Chúa, thì sẽ có sự thay đổi thực sự trong cuộc sống của anh em”. Chị làm chứng tất cả mọi người rằng Lời Chúa có công dụng tuyệt vời trong cuộc sống của các thánh đồ. Nếu chúng ta muốn nói về nhân tính của Chúa, hay để nhân tính chúng ta được phục hồi, thì ăn Chúa là cách duy nhất. Tất cả chúng ta đều biết Giê-rê-mi 15:16 “Tôi vừa nghe những lời Ngài, thì đã ăn lấy rồi”. Ê-phê-sô 5 nói đến bể nước trong Lời Chúa mà Chúa dùng để rửa sạch Hội Thánh, làm Hội Thánh được thánh khiết và vinh hiển. Anh em có muốn được tẩy sạch không? Anh em có muốn được nên thánh không? Anh em có muốn mọi tì vết của mình được biến mất không? Nếu muốn thì hãy đến với Lời Chúa ở trong tâm linh anh em. Lời Chúa sẽ rửa sạch và thay đổi anh em.
Ăn không chỉ là canh thức buổi sáng. Có lẽ anh em có một buổi canh thức tốt, sau đó anh em đóng Kinh Thánh lại để đi làm hay đi học. Ở đó, anh em chỉ tập trung vào công việc, chuyện học, hay anh em vẫn tiếp tục ăn Chúa? Người anh em hôm qua nhắc đến con bò, là con vật nhai lại. Dạ dày con bò có nhiều ngăn. Thức ăn trong ngăn thứ nhất được chuyển lên miệng lại để con bò nhai lại, rồi nó nuốt xuống ngăn thứ hai. Trong ngày thì chúng ta “nhai lại” Lời Chúa như thế nào? Việc ăn Chúa không được phép bị hạn chế vào lúc canh thức buổi sáng, mà trong cả ngày những thức ăn này phải trở lại với anh em. Chúng ta càng ăn Lời Chúa theo cách này càng nhiều, thì Lời càng có nhiều tác dụng đến cuộc sống của chúng ta.
Bao nhiêu người trong chúng ta đã cùng học hay cùng làm việc với Chúa? Tôi không nói đến các tình huống khi anh em gặp khó khăn hay có vấn đề với đồng nghiệp, mà tôi chỉ nói đến những ngày bình thường khi anh em đi học, đi làm. Tôi muốn hỏi anh em là chúng ta đã cùng học hay cùng làm việc với Chúa trong tâm linh mình chưa? Khi nói chuyện với những người trong gia đình, anh em có nói cùng với Chúa không? Và họ có thể nhận ra rằng anh em đang ở trong Chúa hay không? Chúng ta có cùng đi với Chúa khi ở trong gia đình không? Bây giờ chúng ta nhận ra rằng để cùng đi với Chúa thì chúng ta cần thức ăn.
Sau khi tôi chia sẻ những điều như vậy thì có lẽ anh em cảm thấy khó áp dụng. Vấn đề ở đây là nhân tính của chúng ta không có sức để làm như vậy. Cho nên chúng ta phải ăn Lời Chúa. Anh em thân mến, đừng chỉ dừng lại ở việc canh thức buổi sáng, mà phải ăn cả ngày. Chính vì vậy Phao-lô mới nói rằng hãy để Lời của Đấng Christ được đầy dẫy trong anh em. Nếu chúng ta ăn Chúa cả ngày như vậy, thì chúng ta sẽ có được bông trái của linh như Ga-la-ti 5. Để rồi người khác có thể thấy được được nhân tính tốt của Chúa được thể hiện qua anh em. Điều này không chỉ cho anh em mà cho chứng cớ của Hội Thánh. Như thế, chúng ta mới thật sự là mặt trăng tỏa sáng trong thế giới này. Lúc đó, không ai có thể phủ nhận được một chứng cớ như vậy, và sẽ có nhiều người hơn nữa đến Hội Thánh. Cuối cùng, Chúa sẽ mau trở lại hơn. Xin Chúa cho tất cả chúng ta kinh nghiệm Ngài như là của lễ thức ăn của chúng ta.
Sưu Tầm