Về cơ bản mà nói, tổ chức
là sự sắp đặt nhiều phần của một tổng thể vào trong một mối quan hệ với nhau để
có thể đạt được mục đích tối hậu. Điều này có thể đạt được, bởi sự nhất trí hay
sự cưỡng bách, tùy thuộc vào các hoàn cảnh. Một mức độ tổ chức nào đó là cần
thiết ở khắp nơi xuyên suốt cõi vũ trụ được tạo dựng và trong mọi xã hội loài
người. Không có nó sẽ không có khoa học, không có chính phủ, không có các đơn vị
gia đình, không có nghệ thuật, âm nhạc, văn chương, cũng như không có bất kỳ hoạt
động sáng tạo nào.
Cuộc sống đòi hỏi sự tổ chức.
Không có điều gì giống như sự sống ngoại trừ những môi trường mà trong đó có thể
hiện ra được chính mình. Nó không thể tồn tại như là một chi thể độc lập khỏi một
thân thể có tổ chức. Sự sống chỉ được tìm thấy nơi nào có thân thể, trong một
hình hài nào đó mà nó có thể trú ngụ. Và nơi nào có thân thể và các hình thể,
nơi đó có sự tổ chức. Chẳng hạn như một con người là tổng thể các bộ phận được
tổ chức và liên kết lại, và qua những bộ phận này, huyền nhiệm của sự sống hội
đủ điều kiện để hiện hữu. Khi các bộ phận, vì bất cứ lý do gì đó, trở nên hỗn độn,
không còn tổ chức nữa, sự sống lìa khỏi và con người sẽ chết đi.
Xã hội đòi hỏi sự tổ chức.
Nếu con người phải sống với nhau trên thế giới này, thì họ phải được tổ chức
trong một hình thức nào đó. Điều này đã được ghi nhận qua mọi thời đại cũng như
mọi nơi chốn và được nhận thấy trên mọi cấp bậc của xã hội loài người từ những
bộ lạc sống trong rừng rậm cho đến những thể chết trên toàn cầu. Một cách lý tưởng
mà nói, mục đích của chính phủ là để đạt được trật tự với sự ràng buộc tối thiểu
trong khi đảm bảo sự tự do tối đa cho từng cá nhân.
Việc có một số giới hạn sự
tự do của cá nhân là tốt và cần thiết đã được thừa nhận bởi tất cả những con
người thông minh; việc có quá nhiều hạn chế là xấu cũng được mọi người thừa nhận.
Sự bất đồng nổi lên khi chúng ta cố gắng định nghĩa những từ ngữ tương đối như
“một số”, “quá nhiều”, hay "quá ít". Thế thì quá nhiều là nhiều bao
nhiêu? Và một số là ít bao nhiêu? Nếu điều này có thể giải quyết được, hòa bình
sẽ bất ngờ viếng thăm quốc hội và nghị viện, đảng Dân chủ và những người tự do
sẽ nằm xuống với đảng Cộng hòa và những người bảo thủ, rồi một đứa bé cũng có
thể lãnh đạo toàn quốc.
Sự khác biệt giữa tình trạng
nô lệ và sự tự do chỉ có một chút xíu mà thôi. Ngay cả những nước chuyên chế
còn có một chút tự do, và các công dân của những nước tự do phải cam chịu một số
hạn chế nào đó. Chính sự cân nhắc giữa hai điều này quyết định một nước nào đó
là nô lệ hay tự do. Không một công dân sáng suốt nào tin rằng mình tuyệt đối tự
do. Người đó biết rằng sự tự do của mình phải bị cắt giảm như thế nào đó vì lợi
ích của tất cả mọi người. Điều tốt nhất có thể hy vọng được là sự giới hạn đó sẽ
được giữ ở mức tối thiểu. Sự giới hạn tối thiểu này loài người gọi là “Tự Do”,
và thật quý giá làm sao khi con người sẵn sàng mạo hiểm sự sống mình vì nó. Thế
giới phương Tây đã có hai cuộc chiến lớn trong vòng 25 năm để gìn giữ cán cân của
sự tự do và thoát khỏi những ràng buộc mà chủ nghĩa đế quốc xã và chủ nghĩa
quân phiệt toan áp đặt lên nó.
Có Chúa làm trung tâm và hướng
về Hội Thánh trong tư tưởng của mình, tôi đã và đang trải qua nhiều năm lo lắng
vì khuynh hướng tổ chức cộng đồng Cơ Đốc cách thái quá, và vì lý do này tôi đã
khiến nó quay sang chống lại tôi. Người ta cho rằng tôi không tin nơi sự tổ chức.
Sự thật hoàn toàn khác.
Người nào muốn chống lại mọi
sự tổ chức trong Hội Thánh thì cần phải là người ngu dốt về những thực tế của sự
sống. Nghệ thuật là cái đẹp được tổ chức; Âm nhạc là âm thanh được tổ chức; Triết
học là tư tưởng có tổ chức; Khoa học là tri thức được tổ chức; Chính phủ cũng
chỉ là một xã hội được tổ chức. Và Hội Thánh thật của Đấng Christ là gì nếu
không phải là một huyền nhiệm được tổ chức?
Trái tim đang đập của Hội
Thánh là sự sống - trong một câu nói của Henry Scougal, “Sự sống của Đức Chúa
Trời trong linh hồn của con người.” Sự sống này, cùng với sự hiện diện thật của
Đấng Christ trong Hội Thánh, cấu thành Hội Thánh như một điều rất thiêng liêng,
một huyền nhiệm, một phép lạ. Nhưng nếu không có thực thể, hình hài và trật tự,
sự sống thiêng liêng này sẽ không có nơi trú ngụ, và nó không có cách gì để thể
hiện chính mình cho cộng đồng.
Vì lý do đó, Thánh Kinh Tân
Ước nói nhiều đến sự tổ chức. Các thư tín có tính chất mục vụ của Phao-lô và những
lá thư ông viết cho tín hữu Cô-rinh-tô cho thấy vị sứ đồ vĩ đại là một nhà tổ
chức. Ông nhắc nhở Tít rằng ông đã để Tít ở Cơ-rết để thiết lập trật tự cho mọi
việc đang xáo trộn và sắp xếp các trưởng lão trong mỗi thành phố. Điều này rõ
ràng chỉ có nghĩa là Tít đã được vị sứ đồ của chúng ta ủy nhiệm để sắp đặt trật
tự trên những nhóm tín hữu khác nhau sống trên đảo, và chỉ có thể qua tổ chức mới
có được trật tự.
Cơ Đốc nhân có khuynh hướng
đi lang thang theo một số hướng vì họ không hiểu mục đích của sự tổ chức hay những
mối nguy hiểm theo sau nó nếu như nó tuột khỏi tầm tay. Một số không có sự tổ
chức gì cả, và tất nhiên, hậu quả là sự lẫn độn và vô trật tự; những điều này
hoàn toàn không thể giúp loài người đem vinh hiển đến cho Chúa. Những người
khác thì thay thế sự tổ chức cho sự sống, và trong khi cái tên còn sống thì họ
đã chết rồi. Còn những người khác trở nên say sưa với các luật lệ và quy tắc đến
độ họ tăng chúng lên mà không có một lý do nào cả, rồi chẳng bao lâu sau tính tự
phát sẽ bùng lên trong Hội Thánh, và sự sống bị tống khứ ra khỏi đó.
Chính sai lầm này là điều
mà tôi lo lắng nhất. Nhiều nhóm Hội Thánh đã tàn lụi do sự tổ chức nhiều quá mức,
cũng như những hội khác do sự tổ chức quá ít ỏi. Những nhà lãnh đạo Hội Thánh
thông minh sẽ phòng ngừa cả hai thái cực đó. Một người có thể chết do hậu quả của
việc áp huyết quá thấp, cũng như khi áp huyết quá cao. Vấn đề quan trọng trong
tổ chức Hội Thánh là khám phá được sự quân bình của Thánh Kinh giữa hai thái cực
đó (quá chú trọng tổ chức và vô tổ chức) và tránh xa chúng. Thật là đau lòng
khi thấy một nhóm Cơ Đốc nhân phước hạnh, hình thành rất giản dị và được cột chặt
bởi dây đai của tình yêu thiên thượng, từ từ mất dần đặc tính giản dị của họ, bắt
đầu cố gắng bình thường hóa từng sự thúc đẩy ngọt ngào của Thánh Linh và chết dần
từ bên trong. Nhưng đó lại là cái hướng mà hầu như tất cả các hệ phái Cơ Đốc đã
đi trong suốt lịch sử, và bất chấp những lời cảnh tỉnh bởi Đức Thánh Linh cũng
như lẽ thật Kinh Thánh, đây vẫn là cái hướng mà hầu hết các nhóm Hội Thánh ngày
nay đang đi.
Theo thông thường thì khi Hội
thánh gặp phải mối nguy hiểm nào đó đang xảy ra trong tình trạng tổ chức bị xáo
trộn và muốn kềm chế nó thì điều đầu tiên là làm ngược lại sự tổ chức hiện đang
có, và chạy ùa vào sự phức tạp để thay đổi giống như bầy vịt chạy ào xuống ao.
Điều nầy xuất phát từ một ước muốn, tự nhiên nhưng xác thịt, của một nhóm thiểu
số những người được ơn. Họ mong muốn đưa số đông còn lại của những người ít được
ơn hơn trong Hội Thánh vào một chỗ, để rồi đẩy những người thiếu ơn nầy đến nơi
nào đó để những người này sẽ không chặn đứng đường tiến của những khát vọng cao
xa mà họ có.
Một nguyên nhân khác cho sự
tổ chức thái quá và nặng nề của chúng ta là sự sợ hãi. Các Hội Thánh và các cộng
đồng được những người biệt riêng ra để thiết lập với lòng can đảm, đức tin và một
trí tưởng tượng được thánh hóa có vẻ đã không thể tự phát triển với cùng một mức
độ thuộc linh trước đó chỉ một hay hai thế hệ. Những tổ phụ thuộc linh đã không
thể sản sinh trong hậu duệ mình lòng can đảm và đức tin ngang bằng với của họ.
Những tổ phụ đó có Đức Chúa Trời và có rất ít những điều khác, nhưng hậu duệ của
họ đã đánh mất khải tượng mình và đang tìm kiếm những phương pháp cũng như những
cơ cấu tổ chức vì quyền lực mà lòng họ bảo rằng họ đang thiếu. Rồi thì những
quy luật và quyền ưu tiên đông cứng lại thành một cái vỏ bọc, nơi mà họ có thể
trốn chạy khỏi vấn đề. Lúc nào việc rúc đầu chạy trốn cũng dễ hơn và an toàn
hơn việc đứng ra tranh đấu trên chiến trường.
Trong toàn bộ đời sống sa
ngã của chúng ta có một hấp lực mạnh mẽ hướng về sự phức tạp và đẩy xa những điều
giản dị, thực tế. Dường như có một điều gì đó thật đáng buồn và không thể chối
cãi được đang ở đằng sau sự ham muốn bệnh hoạn của chúng ta hướng về sự tự sát
thuộc linh. Chỉ bởi cái nhìn tiên tri sáng suốt, sự thức canh và cầu nguyện
cùng với công việc chăm chỉ mới có thể giúp chúng ta đảo ngược xu hướng đó và
khôi phục lại vinh quang đã mất. Trong một nghĩa trang cổ gần Plymouth Rock,
nơi những tín đồ Thánh Giáo Anh yên nghỉ, có một hòn đá được khắc mấy chữ trang
trọng như sau (tôi nhớ sao thì ghi lại vậy): “Những gì cha ông chúng ta đã trả
giá rất đắt để giữ gìn, thì chúng ta không được nông nổi vứt bỏ đi.” Vào giai
đoạn cuối thế kỷ này, những người Tin Lành chúng ta cần phải thông minh mà áp dụng
những lời này cho tình trạng tôn giáo của mình. Chúng ta vẫn là những người
theo đạo Tin Lành. Chúng ta phải chống lại sự lìa bỏ tự do tôn giáo của chúng
ta. Sự tự do giản dị của Cơ Đốc giáo đầu tiên là điều chúng ta đã đánh mất. Từng
cái một, chúng ta đang bỏ rơi những quyền đã được chính Chúa mua bởi huyết của
giao ước đời đời cho chúng ta, đó là quyền được sống thật, quyền được vâng theo
Thánh Linh, quyền được suy nghĩ những tư tưởng riêng tư của chúng ta, quyền được
làm những gì chúng ta muốn với cuộc đời mình, quyền quyết định dưới ý muốn của
Đức Chúa Trời việc chúng ta sẽ phải làm gì với tiền của mình.
Và xin nhớ rằng, những mối
hiểm họa trong hiện tại của chúng ta không đến từ bên ngoài, bèn là từ bên
trong chúng ta.