Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2012

Cơ Đốc Nhân Lạ Thường


   

Tôi tin rằng nỗ lực hiện tại của rất nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo để hòa hợp Cơ Ðốc giáo với khoa học, triết học và những thứ tự nhiên, hợp lý khác là hậu quả của sự thất bại trong việc thấu hiểu Cơ Ðốc giáo và cũng là, rút ra từ những gì tôi đã nghe và đọc được, một thất bại trong việc hiểu khoa học cũng như triết học.


Tâm điểm của hệ thống Cơ Ðốc là thập giá của Ðấng Christ với cái nghịch biện thiêng liêng của nó. Sức mạnh của Cơ Ðốc giáo xuất hiện trong cái ác cảm của mình hướng về những đường lối của con người sa ngã, và không bao giờ là sự đồng tình với những đường lối đó. Lẽ thật về thập tự giá được bày tỏ trong chính những điều nó phủ nhận. Lời chứng của Hội Thánh có hiệu quả nhất khi Hội Thánh tuyên bố hơn là giải thích, vì Phúc Âm được đáp ứng không phải bằng lý lẽ bèn là đức tin. Những cái gì có thể được chứng minh thì không cần đến đức tin để tiếp nhận. Ðức tin dựa vào thuộc tính của Ðức Chúa Trời, chứ không phải những chứng minh của phòng thí nghiệm hay logic.

Thập tự giá đứng trong vị trí đối lập đầy sức sống với con người tự nhiên. Triết lý của thập tự giá trái ngược với những cách thức suy nghĩ của tâm trí chưa được tái sanh, vì thế Phao-lô có thể nói một cách thẳng thắn rằng sự rao giảng về thập giá là dành cho những người ngu dại, đáng diệt vong. Cố gắng tìm kiếm một mảnh đất chung giữa sứ điệp của thập tự giá và lý lẽ của con người sa ngã là cố gắng làm một điều bất khả thi, và nếu cứ tiếp tục cố gắng làm việc đó sẽ tạo nên một hậu quả tai hại vô cùng, một thập giá vô nghĩa và một Cơ Ðốc giáo không có chút quyền năng.

Nhưng chúng ta hãy đưa toàn bộ vấn đề từ đỉnh cao của lý thuyết xuống thấp, và chỉ đơn giản quan sát Cơ Ðốc nhân thật khi anh ta áp dụng vào thực tiễn những điều dạy dỗ của Ðấng Christ và các sứ đồ Ngài. Hãy lưu ý những sự tương phản sau đây:

Cơ Ðốc nhân tin rằng trong Ðấng Christ, anh ta đã chết, nhưng anh còn sống nhiều hơn trước đây và anh hoàn toàn mong muốn được sống mãi mãi. Anh bước đi trên trần gian này trong khi đã được đặt để ở thiên đàng và dầu rằng được sinh ra trên trần gian, nhưng sau khi cải đạo, anh khám phá ra rằng nhà của anh không phải là ở đây. Giống như con chim cú, trong không khí là cả một sự uyển chuyển và đẹp đẽ, nhưng ở trên đất thì lại vụng về và xấu xí, Cơ Ðốc nhân xuất hiện với điều đẹp đẽ nhất của mình trong những nơi thuộc về thiên thượng nhưng không thích hợp lắm với những đường lối của chính cái xã hội mà anh ta được sinh ra.

Cơ Ðốc nhân sớm học biết rằng nếu anh phải chiến thắng như là con của thiên đàng giữa vòng những con người trên đất, thì anh không được phép đi theo những đường lối thông thường của loài người, mà phải đi theo hướng ngược lại. Ðể mình có thể được an toàn, anh đặt mình vào cảnh hiểm nghèo; anh mất mạng sống mình để cứu nó và sẽ gặp nguy cơ đánh mất nó nếu anh cố gắng gìn giữ nó. Anh đi xuống thấp để được lên cao. Nếu anh ta từ chối đi xuống, thì anh đã ở dưới sẵn rồi, nhưng khi anh ta bắt đầu đi xuống, anh ta đang ở trên con đường đi lên của mình.

Anh mạnh mẽ nhất khi mình yếu đuối nhất và yếu đuối nhất khi mình mạnh mẽ. Dầu nghèo khổ, nhưng anh có sức mạnh để khiến người khác trở nên giàu có, nhưng khi anh trở nên giàu có rồi, khả năng làm cho người khác được trở nên giàu có của anh biến mất. Anh có nhiều nhất sau khi anh đã ban cho nhiều nhất và có ít nhất khi mà anh sở hữu nhiều nhất.

Anh có thể và thường ở chỗ cao nhất khi anh cảm thấy mình thấp hèn nhất và hầu như không có tội khi anh ý thức về tội lỗi nhiều nhất. Anh khôn ngoan nhất khi anh biết rằng mình không biết và biết ít nhất khi anh đã thu nạp được một lượng kiến thức vĩ đại nhất. Ðôi lúc anh làm tốt nhất bằng cách không làm gì cả và đi xa nhất khi vẫn còn đứng yên. Trong cơn phiền muộn, anh đạt được sự vui mừng và giữ lòng anh hớn hở ngay cả trong sự buồn đau.

Ðặc tính nghịch lý của Cơ Ðốc nhân được thể hiện cách liên tục. Chẳng hạn như anh tin rằng bây giờ anh đã được cứu, tuy nhiên anh vẫn mong muốn sau này sẽ được cứu và lòng anh hướng về sự cứu rỗi phước hạnh tương lai. Anh kính sợ Ðức Chúa Trời nhưng không kinh hãi Ngài. Trong sự hiện diện của Ðức Chúa Trời anh cảm thấy được đầy dẫy và được cởi mở, dầu rằng không còn chỗ nào khác thích hợp cho anh hơn là ở trong sự hiện diện bao phủ đó. Anh biết rằng mình đã được thanh tẩy khỏi tội lỗi, nhưng anh đau đớn ý thức rằng xác thịt mình chẳng đưa đến điều gì tốt lành.

Anh vô cùng yêu mến Ðấng mà anh chưa từng nhìn thấy, và dầu rằng anh nghèo khó, hèn mọn, anh nói chuyện cách thân mật với Ðấng là Vua trên muôn vua, Chúa trên muôn chúa, và không hề cảm thấy phi lý khi làm như vậy. Anh cảm biết rằng anh không có chút quyền hành gì trên chính mình cả, và anh tin không một chút nghi ngờ rằng anh là con ngươi của mắt Ðức Chúa Trời và chính vì anh mà Con Ðời Ðời đã trở nên xác thịt để chết trên thập giá của sự sỉ nhục.

Cơ Ðốc nhân là một công dân của thiên đàng và đối với quyền công dân thánh đó, anh nhận biết bổn phận trước; dù rằng anh có thể yêu đất nước trần gian của mình với sự mãnh liệt vốn đã khiến John Knox (4) thốt lên khi cầu nguyện, "Lạy Chúa, xin cho con đất nước Scotland, hoặc con sẽ chết."

Từ rất lâu anh đã vui vẻ mong đợi để bước vào thế giới rực rỡ bên trên, nhưng anh không vội vã rời bỏ thế giới này và hoàn toàn sẵn sàng chờ đợi sự triệu tập của Cha Thiên Thượng của mình. Và anh không thể hiểu tại sao những người không tin hay chỉ trích lại kết tội anh về điều này; tất cả dường như rất là tự nhiên và đúng đắn trong những hoàn cảnh mà anh không thấy có gì mâu thuẫn bên trong.

Hơn nữa, Cơ-Ðốc-nhân-mang-thập-tự-giá vừa là một người yếm thế thật sự, lại vừa là một người lạc quan vốn chẳng giống ai và cũng chẳng thể tìm được nơi đâu trên cõi đời này cả.

Khi anh nhìn lên thánh giá, anh là một người bi quan, vì anh biết rằng cùng một sự đoán phạt vốn đã đổ lên Chúa của sự vinh hiển sẽ xử phạt toàn cõi thiên nhiên và thế giới con người. Anh từ chối mọi hy vọng của con người ngoài Ðấng Christ vì anh biết rằng nỗ lực đáng khâm phục nhất của con người chỉ là bụi đất xây dựng trên bụi đất.

Nhưng anh rất bình tĩnh, yên lặng mà lạc quan. Nếu thập giá luận tội thế giới, thì sự sống lại của Ðấng Christ bảo đảm chiến thắng cuối cùng của điều tốt bao trùm toàn cõi vũ trụ này. Qua Ðấng Christ, tất cả đều sẽ trở nên tốt lành vào thời điểm cuối cùng và Cơ Ðốc nhân chờ đợi thời điểm đó. Cơ Ðốc nhân lạ thường!

 Cội Rễ Người Công Bình


Một khác biệt đáng lưu ý giữa đức tin của tổ tiên chúng ta, được các tổ tiên nhận thức, và cùng một đức tin đó được hiểu và sống theo bởi con cháu họ, thì đức tin của các tổ tiên gắn liền với cội rễ của niềm tin, trong khi đó hậu duệ của họ ngày nay dường như chỉ nghĩ đến bông trái.

Ðiều này xuất hiện trong thái độ chúng ta hướng về một số Cơ Ðốc nhân vĩ đại đã quá cố, tên của họ được tôn vinh trong các Hội Thánh, như Augustine, Bernard trong thời kỳ đầu, hoặc Luther và Wesley trong thời kỳ gần đây hơn. Ngày nay chúng ta viết tiểu sử của những người này và kỷ niệm thành quả của họ, nhưng có khuynh hướng quên lãng cội nguồn mà từ đó những bông trái của họ kết thành. "Rễ của người công bình sanh bông trái," người khôn ngoan đã nói như thế trong Châm ngôn 12:12. Tổ tiên của chúng ta nhìn vào cội rễ của một cái cây và sẵn sàng kiên nhẫn chờ đợi bông trái xuất hiện. Chúng ta đòi hỏi bông trái ngay lập tức dầu rằng bộ rễ đang yếu mỏn và có bứu hay đã bị bong cả lên. Những Cơ Ðốc nhân không kiên nhẫn ngày nay giải thích cách nào đó để làm giảm đi giá trị của những niềm tin đơn sơ mà các vị thánh ngày xưa đã có và cười cợt trước sự nghiêm túc của họ khi họ đến gần Ðức Chúa Trời và những điều thánh khiết. Các Cơ Ðốc nhân đó là những nạn nhân của quan niệm tôn giáo thiển cận của chính mình, nhưng những linh hồn vĩ đại và vững mạnh là những người đã có thể đạt được một kinh nghiệm thuộc linh thỏa lòng và làm nhiều điều tốt trong thế giới bất chấp những cản trở đối với họ. Thế thì chúng ta bắt chước bông trái mà không tiếp nhận thần học của các tổ tiên hay tự gây phiền phức cho chính mình quá mức bởi việc chấp nhận thái độ có-tất-cả-hoặc-không-có-gì-cả hướng về tôn giáo của họ.

Vì thế chúng ta nói (thường là nghĩ nhiều hơn), từng giai điệu của sự khôn ngoan, từng kinh nghiệm tôn giáo, từng định luật của tự nhiên cho chúng ta biết chúng ta đã sai như thế nào. Cành cây bị gãy ra khỏi thân cây trong một trận bão có thể nở hoa trong chốc lát và để lại trong lòng người đi đường thiếu suy nghĩ ý tưởng rằng nó là một nhánh cây khỏe mạnh và sai quả, nhưng những nụ hoa mềm mại của nó sẽ sớm bị tàn lụi và chính bản thân nhánh cây rồi cũng sẽ khô héo và chết đi. Tách khỏi bộ rễ thì sự sống không còn lâu dài nữa (nếu không muốn nói là không còn).

Phần lớn điều được chấp nhận là Cơ Ðốc giáo ngày nay chỉ là sự nỗ lực ngắn ngủi, lóe lên trong phút chốc của cái nhánh cây đã bị cắt lìa (khỏi bộ rễ) để cho ra bông trái trong mùa của nó. Nhưng những định luật sâu thẳm của sự sống chống lại điều này. Mối bận tâm tới thể diện bên ngoài và một sự xao lãng tương đương của cội rễ sự sống thuộc linh thật không nhìn thấy được là những dấu hiệu tiên tri mà không ai chú ý đến. "Những kết quả" tức thì là tất cả vấn đề đó, những bằng chứng chóng vội của sự thành công hiện tại, không có lấy một suy nghĩ đến tuần sau hay năm sau. Chủ nghĩa thực dụng tôn giáo đang mọc lên lung tung giữa vòng niềm tin chính thống. Lẽ thật là một cái gì đó hành động. Nếu nó có kết quả, nó là tốt. Chỉ có một điều để đánh giá nhà lãnh đạo tôn giáo: Sự thành công. Mọi việc đều được tha thứ cho ông ta, ngoại trừ sự thất bại.

Một cái cây có thể vượt qua hầu hết mọi cơn bão nếu rễ của nó vững chắc, nhưng khi cây vả mà Chúa chúng ta đã quở "khô cho tới rễ", nó lập tức "khô đi rồi". Một Hội Thánh có cội rễ vững chắc không thể nào bị tiêu diệt, nhưng không có gì có thể cứu vãn một Hội Thánh mà cội rễ đã bị khô đi. Không có sự kích thích, không có chiến dịch quảng cáo nào, không có những của dâng bằng tiền và không có một dinh thự đẹp đẽ nào có thể mang lại sự sống cho một cái cây (hay Hội Thánh) không còn rễ.

Không bận tâm đến các phép ẩn dụ, sứ đồ Phao-lô đã thúc đẩy chúng ta nhìn lại cội nguồn của mình. "Ðâm rễ vững nền trong sự yêu thương," ông nói trong cái rõ ràng là một hình ảnh tượng trưng; và một lần nữa ông thúc giục những độc giả của mình "hãy châm rễ và lập nền trong Ngài," điều này mô tả Cơ Ðốc nhân như là cái cây có bộ rễ tốt và như một thánh đường được xây trên một nền đá vững chãi.

Cả Kinh Thánh và mọi thánh nhân vĩ đại trong quá khứ cùng nói với chúng ta một điều: "Ðừng mặc nhiên công nhận điều gì. Hãy trở lại với cội nguồn. Hãy mở lòng mình ra, và tìm kiếm Lời Chúa. Hãy mang thập giá mình mà bước theo Chúa, đừng chú ý đến những mốt tôn giáo thoáng qua. Những thứ hổ lốn luôn luôn sai trật. Trong mỗi thế hệ, số người công bình ít ỏi lắm. Hãy chắc rằng mình đang ở trong số đó."

"Loài người chẳng phải vì hung ác mà được lập vững bền; song rễ người công bình chẳng bị lay động" (Châm ngôn 12:3).
 A.W.Tozer