Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2012

Để Đúng Phải Suy Nghỉ Đúng



Những gì chúng ta suy nghĩ khi chúng ta được tự do suy nghĩ theo ý muốn chính là cái mà chúng ta là như vậy hay sẽ sớm trở thành như vậy.

Kinh Thánh đã nói nhiều về những tư tưởng của chúng ta; thuyết Phúc Âm ngày nay không có gì thực tế hơn để nói về chúng. Lý do Kinh Thánh nói nhiều là vì những tư tưởng của chúng ta là cực kỳ quan trọng đối với chính mình; lý do thuyết Phúc Âm nói quá ít là vì chúng ta phản ứng quá mạnh trước sự sùng bái “tư tưởng”, chẳng hạn (trào lưu) Tư Tưởng Mới (New Thought), Hiệp Nhất (Unity), Khoa Học Cơ Đốc (Christian Science) và những cái tương tự như vậy. Những sự sùng bái này khiến tư tưởng chúng ta trở nên rất gần gũi với mọi sự vật và chúng ta đối đầu bằng cách xem chúng như không có gì cả. Cả hai vị trí đều sai trật.



Những tư tưởng tự nguyện của chúng ta không chỉ thể hiện chúng ta là gì, mà chúng còn tiên đoán chúng ta sẽ trở thành cái gì. Ngoại trừ những hành vi cơ bản phát xuất từ bản năng tự nhiên, tất cả các hành vi có ý thức đều đến trước và hình thành từ trong tư tưởng chúng ta. Ý chí có thể trở thành đầy tớ cho tư tưởng, và ở một mức độ rộng lớn hơn, ngay cả những tình cảm của chúng ta cũng đi theo điều chúng ta suy nghĩ. “Càng nghĩ về nó nhiều bao nhiêu thì tôi càng điên tiết hơn” là câu nói mà một con người bình thường hay phát ra, và việc làm đó không chỉ thể hiện chính xác các quá trình tư duy của cá nhân anh ta, nhưng cũng cống nạp một cách vô ý thức cho sức mạnh của tư tưởng. Tư tưởng khuấy động cảm xúc và cảm xúc làm phát sinh hành động. Đó là cách chúng ta đã được tạo dựng và chúng ta cũng chấp nhận nó.

Các sách văn thơ và tiên tri chứa đựng vô số lời đề cập đến sức mạnh của việc tư tưởng đúng đã đưa đến cảm xúc tôn giáo và thúc đẩy hành vi đúng đắn. “Tôi tư tưởng về đường lối tôi, bèn trở bước tôi về chứng cớ Chúa.” “Lòng tôi nóng nảy trong mình tôi, đương khi tôi suy gẫm, lửa cháy lên, bấy giờ lưỡi tôi nói.” Hết lần này lại lần khác, các tác giả trong Cựu Ước thúc đẩy chúng ta yên lặng và suy nghĩ về những điều cao cả, thánh khiết như là một bước mở đầu cho sự biến đổi đời sống trở nên tốt hơn hay một việc làm tốt hoặc một hành động can đảm.

Cựu Ước không hề cô đơn trong sự đề cao sức mạnh của tư tưởng con người, cái mà Đức Chúa Trời đã ban tặng. Đấng Christ dạy rằng con người làm ô uế chính mình bởi tư tưởng tội lỗi và thậm chí còn đi xa hơn đến chỗ đặt tư tưởng ngang bằng một hành động: “Hễ ai ngó đờn bà mà động tình tham muốn thì trong lòng đã phạm tội tà dâm cùng người rồi.” Phao-lô kể ra một loạt các đức tính sáng chói và truyền bảo: “Anh em phải nghĩ đến.”
Những trích dẫn này là bốn trong số hàng trăm chỗ khác Kinh Thánh viết về tư tưởng con người. Suy nghĩ về Đức Chúa Trời và những điều thánh khiết tạo nên một môi trường đạo đức thuận lợi cho sự tăng trưởng của đức tin, tình yêu thương, sự khiêm nhường và lòng kính sợ Chúa. Chúng ta không thể dùng tư tưởng để tái sanh tấm lòng, cất tội lỗi đi hay thay đổi tính nết của mình. Chúng ta cũng không thể dùng tư tưởng mà làm chúng ta cao thêm một chút, hay khiến cái xấu thành cái tốt, hóa đen ra trắng. Chủ trương như thế là xuyên tạc lẽ thật Thánh Kinh và dùng nó cho những việc làm sai trái của cá nhân chúng ta. Nhưng bởi tư tưởng do Thánh Linh cảm thúc, tâm trí chúng ta sẽ được thuần khiết và trở thành nơi thiêng liêng Đức Chúa Trời hài lòng khi ngự vào.

Trong một đoạn ở bên trên tôi có đề cập đến “tư tưởng tự nguyện” của chúng ta và tôi đã thận trọng khi dùng từ đó. Trong hành trình chúng ta băng qua thế giới tội lỗi và đầy căm thù này, nhiều tư tưởng sẽ xuất hiện trong đầu chúng ta mà chúng ta không thích và cũng là những tư tưởng chúng ta không có lấy một chút đồng tình nào về phương diện đạo đức. Sự cần thiết phải kiếm sống có thể ràng buộc chúng ta nhiều ngày liền vào sự tiếp nhận những tư tưởng mà không có tra xét. Nhận thức thông thường về các việc làm của những người chung quanh sẽ gieo các tư tưởng mâu thuẫn vào linh hồn Cơ Đốc nhân chúng ta. Những cái này ảnh hưởng chúng ta chút ít. Đối với những tư tưởng này, chúng ta không phải chịu trách nhiệm và chúng có thể lướt qua tâm trí chúng ta như con chim bay trong không khí, không để lại một dấu vết gì. Chúng không để lại ảnh hưởng lâu dài trên chúng ta vì chúng không phải là của chúng ta. Chúng là những kẻ xâm nhập không được hoan nghênh, những cái chúng ta không dành một chút tình cảm nào, và có thể thoát khỏi một cách nhanh chóng.

Bất kỳ ai muốn kiểm tra tình trạng thuộc linh thật của mình có thể kiểm tra bằng cách lưu ý xem những tư tưởng tự nguyện của mình trong những giờ qua hay những ngày qua là gì. Anh ta nghĩ gì khi được tự do để suy nghĩ về những điều làm mình vui lòng? Lòng anh hướng về điều gì khi nó được tự do để xoay về hướng mà nó muốn? Khi con chim tư tưởng được thả ra, nó bay lượn rồi đậu lên những cái xác trôi nổi như con quạ hay giống như con bồ câu lượn vòng rồi trở về chiếc thuyền của Đức Chúa Trời? Việc kiểm tra đó rất dễ, và nếu chúng ta thành thật với chính mình, chúng ta có thể khám phá ra không chỉ việc chúng ta là gì mà cả việc chúng ta sẽ trở nên cái gì. Chúng ta sẽ sớm trở thành cái mà những tư tưởng tự nguyện của chúng ta hướng đến.

Khi tư tưởng khuấy động cảm xúc của chúng ta, và vì nó thế ảnh hưởng mạnh mẽ đến ý chí, thì việc ý chí có thể là và nên là ông chủ của những tư tưởng là một điều cần lưu ý đến. Mỗi một con người có thể quyết định điều mà anh ta sẽ suy nghĩ đến. Dĩ nhiên một con người lo lắng hay đang bị cám dỗ sẽ thấy khó điều khiển tư tưởng và ngay cả khi tập trung vào một đề tài xứng đáng, những tư tưởng hoang dại và thoáng qua vẫn có thể xuất hiện trong tâm trí anh như một tia chớp nóng bỏng giữa đêm hè. Những cái này có khuynh hướng quấy nhiễu hơn là gây hại và trong cuộc chạy đường dài thì nó cũng không khác gì mấy.

Cách tốt nhất để điều khiển tư tưởng chúng ta là dâng tâm trí mình lên cho Đức Chúa Trời và hoàn toàn đầu phục Ngài. Đức Thánh Linh sẽ nhận lấy nó và điều khiển ngay lập tức, rồi sẽ rất dễ dàng khi suy nghĩ đến những điều thuộc linh, đặc biệt là nếu chúng ta huấn luyện tư tưởng mình bằng những khoảng thời gian dài trong sự cầu nguyện hàng ngày. Bài tập trong nghệ thuật cầu nguyện bằng tâm trí (tức là thưa chuyện với Đức Chúa Trời trong khi chúng ta làm việc hay đi lại) sẽ giúp chúng ta hình thành thói quen tư tưởng những điều thánh khiết.
A.W.Tozer