Thứ Tư, 11 tháng 7, 2012

IRA SANKEY MỘT CUỘC ĐỜI HOẠT ĐỘNG


Chúng ta biết gì về Sankey? Tại sao Đức Chúa Trời đã đại dụng ông trong công tác truyền giáo của Moody mà những kết quả vĩ đại chúng ta còn nghe nhắc đến.

Sankey sinh năm 1840 và lớn lên tại Edinburg, tiểu bang Pensylvania, Hoa-kỳ. Ông được nuôi dưỡng trong âm điệu những bài thánh ca mà mẹ ông vẫn hát và được học biết Kinh Thánh ngya khi còn thơ ấu. Mỗi buổi chiều, nhất là những buổi chiều đông lạnh, 9 anh em ông quây quần bên lò sưởi và hát những bài thánh ca là thứ vốn liếng không hề khô cạn. Ông thực sự dâng hiến đời mình chỉ để ca hát cho Đức Chúa Trời mà thôi.


Chú bé Sankey còn được nghe những câu chuyện về Chúa Giê-xu qua một người láng giềng tốt bụng là ông Frazer. Chính ông đã đưa Sankey đến trường Chúa nhật và chính những lời cầu nguyện của ông đã đem cậu thiếu niên Sankey quay về với Chúa.

Trong nhà tên thường gọi Sankey là David. Năm lên 8, Sankey đã có thể tự xướng âm để hát những bài thánh ca chú thích. Hoàn cảnh gia đình Sankey là điểm thuận lợi lớn để Sankey học nhạc và phát triển năng khiếu.


Năm 15 tuổi, Sankey tin Chúa trong một chiến dịch truyền giảng và bước vào những hoạt động năng nổ của mình trong Hội thánh. Về sau, Sankey gia nhập Hội thánh Giám lý và là người phụ trách trường Chúa nhật. Ông trung tín và tận tuỵ trong công việc. Ông cũng giữ chức chủ tịch YMCA ở địa phương, hướng dẫn ca đoàn của Hội thánh mà chính Sankey là nam đơn ca thường xuyên. Ông làm việc gì cũng cẩn thận, siêng năng học tập cho chính mình để có thể giúp đỡ người khác nữa.

Năm 20 tuổi, Sankey gia nhập quân đội Liên bang và tiếp tục hầu việc Chúa giữa binh sĩ. Cũng trong thời gian này, ông được bầu làm giám thị Trường Chúa Nhật và bắt đầu áp dụng phương pháp để hát solo kêu gọi trong các cuộc truyền giảng. Cách thức đó tỏ ra hữu hiệu và trở nên công cụ mạnh mẽ trong tay Chúa.

Năm 1863 ông kết hôn với một nữ ca viên trong ban hát của ông. Chúa ban cho họ một cuộc sống gia đình hạnh phúc với 3 con trai kháu khỉnh, ngoan ngoãn. Những điều đó giúp ông rất nhiều trong sự hầu việc Chúa. Sau khi thi hành nghĩa vụ quân sự trong thì nội chiến, Sankey trở về New Castle giữ chân phụ tá cho cha ông làm nghề thu thuế lợi tức. Sống an nhàn trong việc làm ăn sinh sống cũng như trong sự hầu việc Chúa, Sankey không hề biết những ơn phước vô hạn đang chờ đợi người ca công của Thượng Đế.

Năm 1870, nhân dịp dự Hội nghị của Hiệp Hội Thanh niên Cơ-đốc, nhà truyền giáo Moody đã đến nói chuyện trong buổi nhóm cầu nguyện. Trong buổi nhóm, Sankey đã hát bài “Suốt huyết tuôn”, giọng hát và cách trình bày của ông đã chinh phục Moody. Bắt đầu từ đó, cánh cổng đã mở ra và qua đó, Sankey đã bước vào cánh đồng rộng lớn của chương trình hầu việc Chúa. Moody vô cùng cảm kích và không ngần ngại mời Sankey đến Chicago để cộng tác trong chiến dịch truyền giảng. Bằng những lời mạnh mẽ đầy tính thuyết phục, Moody nói: “Tôi đã tìm kiếm anh suốt 8 năm rồi”. Và sau khi hỏi Sankey về cuộc sống, ông đã buông ra một câu mệnh lệnh đột ngột: “Anh hãy bỏ những thứ ấy đi”. Những thứ được xem là bảo đảm chắc chắn cho cuộc sống bỗng trở thành những thứ cần phải từ bỏ. Sankey đã cầu nguyện thật nhiều, long trọng tin rằng đó là ý chỉ của Chúa nhưng vẫn còn một chút phân vân. Ông đã từ bỏ tất cả để nhận lời cộng tác với Moody. Ông kể lại 5 năm sau đó: Tôi bỗng nhớ 5 năm trước, vừa đến nhà ga xa xôi đó vào một buổi sáng sớm, tôi không quen biết ai cả vì đó là lần đầu tiên tôi đặt chân đến thành phố này... Lúc ấy tôi đã bối rối biết bao, không biết thật sự Chúa kêu gọi mình hay là tự ý mình... Trong khi suy nghĩ vậy, tôi dâng lời cầu nguyện xin Chúa ban ơn cho công việc mà tôi sắp dấn thân”. Và Chúa đã hành động. Ngay sau khi Sankey khẩn cầu, vào cái ngày đầu tiên đó tại Chicago, Chúa đã ban ơn cho ông và ông không bao giờ quên. Lần đầu thử nghiệm, Chúa ban cho một kết quả rực rỡ mà ông không hề nghĩ đến. Tại một góc đường, Sankey đứng trên một bục nhỏ mà hát. Chỉ trong chốc lát, một đám đông đã vây quanh ông và vì người đến mỗi lúc một đông nên phải dời đến nhà hát opera gần đấy để nhóm và chỉ vài phút sau, cả nhà hát đã chật ních người để rồi sau đó. Moody bắt đầu truyền giảng.

Công việc thật tốt đẹp tại Chicago. Ngoài các chương trình truyền giảng buổi tối, Sankey và Moody đi thăm những người bệnh, tổ chức các buổi kiêng ăn cầu nguyện. Riêng Sankey còn tổ chức các giờ học âm nhạc qua đó ông trình bày sự cứu rỗi của Chúa Giê-xu cho các thân hữu. Những bài hát và lời hướng dẫn của Sankey đã đưa dắt nhiều học viên đến với Chúa. Một câu chuyện xảy ra trong thời gian này khêu cháy thêm trong ông ước muốn chinh phục linh hồn tội nhân về cho Chúa và điều ấy vẫn nung nấu suốt đời ông: Một phụ nữ gọi điện thoại cho ông, báo tin có một cô gái hấp hối yêu cầu được gặp ông. Bên giường người bệnh sắp được yên nghỉ đó, ông đã nghe cô bé nói: “Thầy có nhớ trong một buổi chiều thứ năm thầy đã dạy em hát 'Tôi thật vui mừng vì Giê-xu yêu tôi, Giê-xu yêu tôi...' Và thầy nói với cả lớp là chúng ta chỉ cần giao tấm lòng của chúng ta cho Ngài, Ngài đang chờ đợi để được yêu chúng ta. Em đã giao cho Ngài tấm lòng của em rồi thầy ạ...”. Cô bé là thân hữu đầu tiên mà Sankey đã đưa về với chúa và kể từ đó có rất nhiều, rất nhiều thân hữu khác mà ông không thể kể hết được.

Không phải mọi sự lúc nào cũng xảy ra dễ dàng như thế, đôi lúc cũng có khó khăn, ngăn trở, chỉ trích nhưng ông và Moody vẫn vững tâm và tiếp tục bước tới.

Năm 1873, hai ông xuống tàu đi Anh quốc chỉ với một lời mời mập mờ. Nhưng suốt nhiều năm sau đó, sự yên tĩnh của Hội thánh Anh quốc đã bị xáo động, những cuộc phục hưng lớn xảy ra làm thay đổi bộ mặt Hội thánh Tin Lành Anh quốc. Số người nhóm trong buổi truyền giảng của hai ông có khi lên tới 25.000 đến 30.000 người cho đến nay đó quả thật là số kỷ lục. Biết bao nhiêu người làm chứng lại rằng họ đã tin Chúa và được vững vàng qua những buổi truyền giảng của Sankey và Moody. Sau mỗi buổi nhóm, Sankey tìm gặp từng người và không mệt mỏi ông luôn lắng nghe rồi tìm những lời dịu dàng nhất để nâng đỡ và đưa dắt nhiều người đến với Chúa. Trong số đó có người mà sau này Sankey kể lại rằng: “Người ta cho biết anh ta là người gian ác nhất thành phố, đã từng gây cho cảnh sát nhiều khó khăn nhất... nhưng bây giờ anh ta trở thành người khiêm nhu nhất của Đấng Christ”.

Trong những năm cuối đời ông, sức khoẻ và giọng hát suy yếu, ông từ giã công việc và trở về gia đình nay là nguồn an ủi lớn cho ông, khi mà thật đột ngột, có một ngày trong đời ông không còn thấy ánh sáng đầu tiên của mặt trời khi thức giấc.

Sankey người đã đem ánh sáng và hạnh phúc đến cho hàng ngàn người nay đã sống quãng đời còn lại của mình trong bóng tối.

Sankey là ca sĩ solo chính, là ca trưởng và để thoả mãn nhu cầu to lớn về bài hát cho các buổi truyền giảng của Moody, ông còn là một nhạc sĩ. Các ca khúc của ông ngày nay vẫn còn được ưa thích trong các buổi thờ phượng của Hội thánh như bài “Nương mình trong cánh Chúa” (TC.49). “Nơi ẩn núp lúc phong ba” (TC.282) “Vì anh tôi cứ kêu nài” (TC.329) “Kìa 99 con... (TC.87)... Còn rất nhiều bài hát khác hoặc dành cho toàn ban, hoặc tốp ca, hoặc đơn ca mà chúng ta không kể hết được.

Khi nghe những bài giảng của Moody, tâm linh chúng ta bị đánh thức dậy, nhưng ngay sau đó những bài hát của Sankey yên ủi, vỗ về và dẫn dắt chúng ta đến sự đầu phục Chúa hoàn toàn... Trong số hàng triệu người đến dự những buổi nhóm của Sankey đã có rất nhiều người trở lại tin Chúa; nhiều bao nhiêu thì không ai có thể nói được nhưng có một điều chắc chắn mà chúng ta biết là hai người cùng làm việc với nhau cùng một mục tiêu duy nhất; tuy hai cách thức khác nhau, Moody giảng dạy và Sankey hát lời kêu gọi, kết quả thật to lớn mà chúng ta không thể tách rời ra được. Một mục sư người Mỹ tên F.Pentecost đã dự vài buổi nhóm và mô tả lại như sau: “Thật không làm sao tin được. Biết bao nhiêu sự tỉnh thức và khuấy động mà cả xứ sở Tô-cách-lan và Ái-nhĩ-lan đã nhận từ hai ông, kết quả thật to lớn”. Đề cập đến sức mạnh qua thánh ca của Sankey, mục sư F.Pentecost nói: “Quả thật bất cứ ai thăm viếng xứ Tô-cách-lan sau nhiều năm tới nữa đều biết rằng Sankey từng hiện diện ở đó. Vì ông hát hàng trăm bài hát đi vào lòng người và làm thay đổi đời sống tâm linh của hơn 20.000 người tin Chúa”.

Trên khắp xứ sở, từ cao nguyên đến đồngbằng, những bài thánh ca của Sankey cứ vang vọng mãi.

Trải qua mấy mươi năm - (nay đã hơn 100 năm) - những bài thánh ca ấy đã bay vượt khỏi lãnh thổ hai nước Anh và Mỹ để đến với mọi dân tộc trên khắp các lục địa. Những bài thánh ca ấy cũng đến với chúng ta bằng tất cả những hàm xúc sâu xa nhất của Sankey, người đã từng trải đức tin. Thường thì Sankey sáng tác cả lời và nhạc nhưng cũng có nhiều bài hát ông phổ thơ của các thi sĩ khác, phần lớn là thơ của Fanny Crosby, một nữ thi sĩ mà cuộc đời và những lời thơ của bà vẫn khiến lòng ta xúc động. Cũng đôi khi Sankey sáng tác và nhờ bà đặt lời.
Khi sáng tác ông hoàn toàn đặt tâm trí mình để Chúa dẫn dắt mọi ý tưởng và ban cho ông những giai điệu thiên thượng mà ông không bao giờ nghĩ rằng chính tài năng của mình làm ra được. Như giai thoại về bài “Kìa 99 con...” vẫn còn được nhắc nhở như là bằng chứng ân tứ Đức Chúa Trời dành cho ông, người đầy tớ trung thành và tận tuỵ của Ngài.


Sau 4 tháng hội họp tích cực, Sankey và Moody từ Glasgow đến Edingburg để tham gia một chiến dịch 3 ngày theo lời mời khẩn cấp của Hội đồng Mục sư. Trước khi lên xe lửa, Sankey mua một tờ báo để biết tin tức quê nhà nhưng ông chẳng tìm thấy gì ngoài bài giảng của ông Henry Ward Beech. Ông cũng không ngờ đồng tiền đã được sử dụng đúng nghĩa nhất: lúc ông định xếp tờ báo lại thì ông khám phá một bài thơ nằm lẻ loi nơi góc cột cuối mục tin tức và quảng cáo. Ông đọc bài thơ và thấy thích quá bèn đọc cho Moody nghe nhưng Moody đang bận đọc thư, chẳng chú ý gì đến. Dầu vậy Sankey vẫn cắt lấy bài thơ và cẩn thận để vào tập chép nhạc của mình.

Hai ngày sau đó, với đề tài “Đấng Chăn Chiên Hiền lành” Moody đã giảng khiến một số đông thính giả cảm động. Khi ngồi xuống, Moody quay qua hỏi vị ca trưởng Sankey: “Anh có bài đơn ca nào thích hợp với đề tài để kết thúc buổi nhóm không?” Sankey thú nhận là chẳng có bài nào cả. Chính lúc ấy một tiếng nói bên trong phán với ông: “Sankey hãy tôn vinh bằng bài thơ ngươi tìm thấy trên xe lửa đó”. Ông trả lời: “Không thể được, bài thơ chưa phổ nhạc mà”. Tiếng ấy lại phán: “Ngươi lo phần đầu, để phần còn lại cho ta”. Sau đó, với vẻ điềm tĩnh như thể ông đã hát bài ấy cả ngàn lần rồi, Sankey đặt mẫu giấy báo lên đàn phong cầm, hướng lòng về Chúa cầu nguyện trong khoảnh khắc rồi đặt tay lên phím đàn đánh hợp âm La giáng trưởng và bắt đầu hát.

Kìa 99 con nằm bình yên trong 4 vách tường ràn chiên. Một con bơ vơ nơi vách núi xa, xa cách cửa vàng nhà Cha...

Cả Hội chúng lắng nghe trong tinh thần háo hức khát khao trong khi Sankey tiếp tục hát hết 5 phiên khúc của bài ca tuyệt vời này khi những lời cuối cùng vẫn còn âm vang trong lúc tiếng đàn vừa dứt, Moody đi qua cây đàn phong cầm và hỏi, trong hàng nước mắt: “Ở đâu mà anh có bài hát này vậy?” Sankey đáp: “Đó chính là bài thơ mà tôi đọc cho ông nghe trên xe lửa..”

Bài hát: Kìa 99 con... là bài thánh ca hay nhất mà Sankey đã sáng tác dưới sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời. Ngày nay bài hát này còn nổi tiếng hơn lần đầu tiên được hát lên hơn một thế kỷ trước đây. Biết bao lần sau khi bài hát chấm dứt, người ta nghe được những tiếng thở dài trong sự yên lặng. Bài hát đã đụng đến tấm lòng của hàng ngàn thính giả.

Nhiều năm sau Sankey còn nhắc lại: “Giai điệu của bài hát được ban cho từng nốt một, cho đến nay vẫn không thay đổi”. Một trong những bài thánh ca bất hủ đã được khai sinh như thế đấy. Dầu hát ở đâu bài hát ấy vẫn được yêu thích; trực tiếp hay gián tiếp, nhiều người đã tin nhận Chúa qua bài hát ấy. Bài hát ấy đã gắn liền và làm cho Sankey và Moody nổi tiếng ở nhiều nước trong vòng 30 năm chức vụ của họ.

Có nhiều câu chuyện quanh bài “Kìa 99 con...” Nhiều lắm.

Trong một buổi thờ phượng, năm 1875, hội chúng đông đảo quá, Moody phải giảng phía ngoài nhà thờ Northfield, Sankey hát bài ca ấy. Có một ông tên Caldwell ở bờ bên kia sông Connecticut nghe, chịu cảm động và ít lâu sau ông tiếp nhận Chúa. Vài năm sau, trong lễ đặt viên đá đầu tiên xây nhà thờ mới, Sankey cũng lại hát bài ấy. Bấy giờ ông Caldwell ở gần nhà thờ và đang hấp hối. Ông bảo vợ mở cửa sổ về hướng Nam vì ông nghe có tiếng hát vọng vang đâu đó. Và cả 2 ông bà đều lắng nghe bài hát đã từng đưa ông đến với Đấng Christ. Chẳng bao lại sau ông qua đời.

Suốt cả đời Sankey chuyên tâm làm việc, ca hát không mệt mỏi, nhưng chắc chắn sự đóng góp to lớn của ông trong công việc nhà Chúa chính là những bản thánh ca của ông vẫn còn giá trị đến ngày nay. Ông sáng tác rất nhiều thánh xa, xuất bản thành 10 quyển. Ngoài ra ông cũng còn viết nhiều loại sách khác để làm chứng hoặc bồi linh.

Ngay trong thời của ông, các bài hát của ông cũng rất phổ biến trong đông đảo quần chúng, nhu cầu về các bài thánh ca, nhất là những bản solo của Sankey rất lớn. Ban đầu ông cho mượn các bản chép tay của mình nhưng làm điều đó không thấm vào đâu, quyển tập ấy không thể chuyền tay hết được và đôi khi nó cũng không trở về tay sở hữu chủ đúng lúc. Sau đó ông cho in những bản mẫu nhưng vừa in xong đã hết nhẫn ngay.

Khi ông B.C.Morgan, chủ nhiệm báo Cơ-đốc nhân đến dự nhóm để thu thập tài liệu, đề nghị soạn một tập thánh ca; thế là tập ca khúc và những bài thánh ca solo của Sankey được hình thành. Lần đầu in 5000 bản, giá 6 xu 1 tập, chỉ trong 24 giờ đã bán hết. Sau nhiều lần tái bản, tuyển tập được quảng cáo và đặt bán không chỉ trong tiệm sách mà ở cả các hàng bách hoá nữa. Trong tập “Sổ Vàng”, MS.Frank Luther ghi: “Có lẽ tập thánh ca bán chạy nhất hiện nay là tập thánh ca của Sankey mà nhà xuất bản đã xác nhận con số 50 triệu phát hành trên khắp thế giới”.

Để tránh những sự chỉ trích có thể xảy ra - mà sau đó thật đã xảy ra - Moody và Sankey đã giao hoàn toàn bản quyền các tập bản thánh ca cho một thương gia, cũng là mạnh thường quân của họ, là ông William E.Dodge ở New York chịu trách nhiệm. Tiền thu được lần đầu được sử dụng để xây cất nhà thờ Chicago Avenue (nay là Moody Memorial). Sau đó nhiều khoản chi cũng được dành cho các tổ chức khác đặc biệt là các trường Northfield và Núi Hermon do Moody sáng lập. Khi hướng dẫn khách tham quan trường, Moody hay chỉ vào toà nhà mà nói rằng:..."Sankey đã hát cho toà nhà này mọc lên...”.

Lúc Moody qua đời năm 1899 số tiền do các tập thánh ca đem lại ước lượng khoảng 7.250.000 đô la.

Trong những năm cuối đời. Sankey thật sự sống trong bóng tối, chỉ còn ôn lại những kỷ niệm trong đời mình. Cuộc đời hoạt động của ông bùng cháy mãnh liệt như ánh sáng xưa kia này đã dần lụi tàn, qua lớp tro than, người ta tưởng nó đã tắt ngấm. Nhưng Ellsworth Day trong quyển “Bụi cây cháy sáng” có nhắc đến ánh sáng đã chiếu lên đời sống ông vào một buổi chiều năm 1907 khi F.B.Meyer đến thăm ông, “Ông nói về những ngày tốt đẹp đã qua khi MS D.L.Moody còn ở với họ” và lúc Meyer ra về, ông dẫn Sankey đến bên chiếc đàn Organ nhỏ và nhẹ nhàng nói: “Hãy hát đi anh”. Những ngón tay nhăn nhíu đặt trên những phím đàn vàng vọt, giọng hát ấm dần và như trở lại nét đẹp ngày xưa. Và Meyer đã khóc nức nở khi nghe những lời thành tín trong lời ca: “Sẽ không còn bóng tối khi Giê-xu đến”. Ánh sáng như tràn ngập căn phòng.
Sankey và Moody là 2 cái tên không thể tách rời được. Nhưng vì lý do sức khoẻ, Sankey đã sớm từ giã Moody. Dù vậy tâm hồn ông vẫn đầy nhiệt tình và sốt sắng, trái tim ông vẫn ngân nga những giai điệu chưa hát thành lời... Bài hát cuối cùng ông dành riêng cho Moody trong ngày người bạn chí thiết ấy qua đời là một bài hát thật cảm động mà cũng tràn đầy hy vọng, an ủi. Ông đã hát bài thánh ca “Ra khỏi nơi tăm tối” để tiễn đưa Moody về với Chúa.

Sankey ước mơ một mặt trời chẳng hề tàn lặn ở thiên đàng. Và sẽ vui mừng biết bao khi lời hát của một trong những bài ca ưa thích nhất của ông: “Sẽ không còn bóng tối” được ứng nghiệm trong vinh hiển.

Sankey qua đời năm 1908.
Đức Chúa Giê-xu phán rằng Ngài là Đấng Chăn chiên nhân lành đã vì chiên mà xả thân mình...

Nhiều năm về trước, một thanh niên trụy lạc bỏ nhà mình ở Anh qua làm ăn ở Gia-nã-đại, nhưng ở đó anh ta cũng vùi mình uống rượu và cờ bạc chứ cũng chẳng làm ăn gì. Cuộc sống cứ kéo dài như thế một thời gian. Một buổi tối mùa đông, anh lại say rượu tính về nhà nhưng trượt chân ngã ngoài đường. Lần này anh không đứng dậy được nữa: anh qua đời vào ngày hôm say. Hung tin ấy đồn về gia đình bên Anh nhưng chẳng gây một kích động nào cả dường như ai cũng muốn anh ta qua đời vậy.

Anh Andrew này có một người em ruột là Elizabeth Clephane (1830-1869) một thiếu nữ hết lòng yêu mến Chúa, yêu người và nhất là yêu người anh hoang đàng này, cô đã cầu nguyện cho anh cô từ lâu. Vì thế được tin ấy cô vô cùng đau đớn, cô vào buồng riêng đóng cửa lại cầu nguyện cùng Chúa: Đúng rồi, Ngài có 99 con chiên chẳng lẽ ân điển Ngài không đủ chia xẻ cho con chiên lạc đường kia sao? Chẳng lẽ Ngài đã thoả mãn vì có 99 con trong chuồng chiên rồi sao?...”

Sau một hồi lâu, cô dường như nhận được sự trả lời và nét mặt trở nên hứn hở, em đứng dậy và viết ra những cảm ý của mình. Đó là bài thơ về 99 con chiên và con chiên lạc bầy.

Vì tính hổ thẹn tự nhiên của con gái, cô cất tờ giấy đó trong tủ áo của mình. Cho đến ngày cô qua đời người ta mới tìm ra tờ giấy ấy, ai nấy đọc đều cảm động nên gởi đi đăng báo...