Thứ Tư, 11 tháng 7, 2012

FANNY CROSBY


fanny_crosby

..“Ngàn đời lòng ta ca ngợi Giê-xu đầy nhân ái, Chúa cứu và giúp ta đổi mới sống vui từ nay. Và ngàn muôn muôn năm lòng ta chan hoà vui sướng, khi thấy Giê-xu và cùng Ngài sống ở thiên đàng...”


Các bạn có tưởng tượng được là những lời thánh ca tràn đầy niền hân hoan đó là của một người mù không? Đó là của FANNY CROSBY, một giáo sư, một thi sĩ đã sáng tác hơn 8000 bài thơ phổ nhạc.

F.Crosby sinh tại ngoại ô thành phố Nữu ước ngày 4.3.1820 trong một gia đình tín đồ yêu mến Chúa. Bé Fanny bị bịnh mắt từ lúc mới được 6 tuần lễ và đã bị mù hẳn vì có người chỉ cho mẹ em rắc một thứ phấn bột để chữa nhưng kết quả thật thê thảm.




Thiếu ánh sáng đã là bất hạnh và cùng cực rồi, mà cha Fanny lại qua đời khi em chưa đầy 12 tháng để Fanny lại cho mẹ và bà nội nuôi. Hai bà cháu thường đi dạo trong một khu vườn gần nhà, bà dạy cháu nhận biết tiếng chim và mùi thơm của các loài hoa. Mỗi khi đi ngủ bà kể chuyện tích Kinh Thánh cho Fanny nghe. Fanny rất yêu thiên nhiên, yêu vẻ đẹp của đất trời, yêu ánh nắng ấm rực rỡ cùng mùi thơm của muôn hoa và tiếng chim hót rộn ràng. Tuy mù nhưng em vẫn phát triển bình thường như các trẻ khác; em rất thông minh và còn có phần ngỗ nghịch nữa.

Lúc Fanny lên năm, mẹ em đưa em lên Nữu ước để chữa chạy; thời ấy phương tiện di chuyển rất khó khăn và còn thô sơ lắm. Hai mẹ con đi xe thổ mộ qua các chặng đường gồ ghề, khúc khuỷu. Cuối cuộc hành trình mệt nhọc mới gặp được một bác sĩ chuyên khoa mắt nhưng bác sĩ xác nhận là em chỉ phân biệt được một màn sáng mờ mờ và một bóng tối chứ không thể nhìn rõ hơn được nữa. Người mẹ đau khổ lắm nhưng bé Fanny vẫn vô tư, vui mừng vì được đi chơi xa; sau khi bà mẽ lấy lại bình tĩnh, bà nói với Fanny: “Con Fanny yêu dấu của mẹ, hai đại thi hào của thế giới đều mù cả. Mẹ cảm tạ Chúa đã giới hạn ánh sáng thiên nhiên của con để ánh sáng tâm linh được đầy dẫy”.


Bù lại khuyết tật của mắt, Chúa cho Fanny có trí nhớ phi thường. Em có thể đọc các đoạn Kinh Thánh thật dài và nhớ rất lâu. Khả năng thiên phú về văn chương của Fanny phát triển rất sớm.

Năm mới lên 8, em sáng tác bài thơ sau:
Linh hồn em vui sướng
Dù chung quanh em là bóng tối
Em quả quyết rằng trong thế giới này
Em là người thoả vui
Em sẽ không khóc, không buông tiếng thở dài
Dù mắt em không ánh sáng
Vì biết bao ân huệ dành cho em
Ai được hưởng đâu nào?

Ân huệ của Fanny chính là sớm nhận biết Chúa Giê-xu là Cứu Chúa của mình. Về sau Fanny viết: “Chính mẹ và bà nội đã dạy Kinh Thánh cho tôi nhiều nhất. Tất cả những cảm hứng về văn chương, nghệ thuật của tôi đều bắt nguồn từ Kinh Thánh”.
Lúc chưa đi học, Fanny đã thuộc lòng nhiều đoạn trong 5 sách của Môi-se, Ru-tơ, Thi-thiên, Nhã-ca, Châm-ngôn và nhiều đoạn trong Tân ước. Nhưng bà nội thì càng ngày càng già yếu, mẹ thì bận việc gia đình, Fanny lại ao ước biết đọc biết viết để tự mình học hỏi Lời Chúa.

Năm 11 tuổi, có lần em đến thăm bà nội, sau buổi cầu nguyện chung của gia đình, về phòng riêng, em chợt thấy ánh trăng vằng vặc chiếu qua cửa sổ em quì xuống ngay chỗ khoảng sáng đó. Ánh trăng bao quanh đầu tóc và thân thể em, em cầu nguyện thiết tha: “Chúa ơi xin cho con đi học như biết bao bạn khác”. Dù chưa được đi học ngay, nhưng Fanny quả quyết rằng lời cầu nguyện của em đã được Chúa nhậm lời trong đêm đó.
Bốn năm sau (tức năm 15 tuổi) Fanny được nhận vào trường mù của thành phố Nữu ước. Vào trường nội trú, phải xa nhà xa mẹ, lúc đầu Fanny buồn lắm nhưng lòng hiếu học mạnh hơn nỗi nhớ nhà, Fanny quyết định hy sinh tình cảm riêng để thu nhận kiến thức. Fanny là học sinh xuất sắc nhất trường về các môn văn chương, sử ký, triết học và khoa học. Âm nhạc cũng là môn Fanny ưa thích, cô chơi cả dương cầm và phong cầm. Cô học hỏi thật nhiều qua các tác phẩm thi văn của các thi sĩ và văn sĩ nổi tiếng nhất. Cô nói: “Tôi muốn dùng âm nhạc và thơ văn để diễn tả tiếng suối chảy róc rách, hương thơm thoang thoảng của các loài hoa và tiếng chim hót rộn ràng trong rừng”. Văn tài của Fanny bắt đầu được nhiều người chú ý.

Năm 17 tuổi cô sáng tác nhạc và bài hát được trình bày trong buổi lễ đặt viên đá đầu tiên để cất ngôi trường mới, lúc ấy Fanny mới vào trường được 2 năm rưỡi. Sợ tuổi trẻ dễ háo danh và kiêu ngạo nên thầy của Fanny cấm cô làm thơ và bắt buộc cô học những kiến thức tổng quát rất hữu ích cho đời sống cô sau này. Rất may là có một giáo sư về khoa não trường học được mời đến để khám nghiệm cho các học sinh. Ông khám nghiệm Fanny và làm mọi người ngạc nhiên. Ông nói: “Cô bé này là một tác phẩm văn chương lỗi lạc nhất, sau này quí vị sẽ biết tiếng cô ấy cho mà xem”. Thế là Fanny được giao cho một giáo sư văn chương chăm sóc. Fanny tha hồ học văn chương, làm thơ viết văn và soạn nhạc. Các sáng tác của cô lần lượt được nhà trường giới thiệu và trình bày mỗi khi có khách viếng trường. Cô cũng được đi thăm nhiều Hội thánh để giới thiệu về nhà trường và sinh hoạt của các học sinh mù.


Năm 24 tuổi Fanny xuất bản tập thơ đầu tay tựa là: “Em gái mù và những vần thơ”, bài thơ đầu tiên là tự thuật tiểu sử của cô.
Năm 27 tuổi cô đường mời làm giáo sư tại trường mù và cô cộng tác tại đó suốt 11 năm.
Tuy đã học biết về Chúa từ bé nhưng mãi 30 tuổi, trong một buổi nhóm, sau khi nghe một bài thánh ca, Fanny mới thật sự cảm động dâng mình hầu việc Chúa. Từ đó trở đi, tất cả tài năng cô được hiến dâng cho Chúa Giê-xu.
Năm 38 tuổi, Fanny kết hôn với Alexander Van Alstyne một nhạc sĩ mù và cũng là giáo sư trong trường. Hai vợ chồng dọn về ở thành phố Nữ ước. Nhạc sĩ Alexander chơi phong cầm cho hai Hội thánh ở đó. Hai vợ chồng Fanny cộng tác với nhau rất tương đắc: bà viết lời còn ông soạn nhạc. Tên tuổi Fanny nổi tiếng từ đó.

Năm 43 tuổi, bạn của Fanny yêu cầu bà sáng tác một thánh ca, bà đã soạn một bài ý thơ như sau:

Chúng ta về, chúng ta về
Về nhà toạ lạc bên kia khung trời
Cánh đồng khoác áo tuyệt vời
Ánh dương chiếu diệu đời đời không phai.

Lời thơ của Fanny mộc mạc nhưng chứa chan tình cảm đã khiến người nghe xúc động đến rơi lệ. Fanny tiếp tục sáng tác thánh ca, và 5 năm sau tập thánh ca của Fanny được xuất bản gồm 60 bài. Người bạn nhạc sĩ đã khuyến khích Fanny sáng tác thánh ca đầu tiên đã trở thành bạn thân của vợ chồng Fanny. Họ tiếp tục cộng tác với nhau; khi nhạc sĩ này đã qua đời thì người ta đã hát lại bài thánh ca đầu tiên mà Fanny đã soạn theo đề nghị của ông. Sau này Fanny quen thêm nhiều nhạc sĩ nổi tiếng khác nữa trong số đó có giáo sư Doans là một con cái Chúa. Một hôm ông ghé thăm bà, đàn cho bà nghe một sáng tác mới của ông và nhờ bà viết lời ngay cho kịp ra ga. Fanny yên lặng, bình tĩnh ngồi nghe ông dạo nhạc rồi thốt lên: “Ồ, đúng là lòng bình an trong cánh Giê-xu”. Nửa giờ sau, Fanny đọc lên những lời thơ ngọt ngào, tuyệt diệu. Bài hát ấy đã đem niềm an ủi cho biết bao tâm hồn nặng trĩu âu sầu. Một trong giai thoại được biết như sau: Một em bé ở nước Anh đang đau nặng, cha mẹ em đã kể cho em nghe về những bài thánh ca của Fanny. Một đêm kia em nói: “Con muốn hát bài 'Bình ăn trong cánh Giê-xu'(Rất an ninh tại trong cánh Christ, số 344). Khi đến câu... “Kia Thiên sứ hoan ca thi thánh”..., em gấp sách lại, mặt sáng rỡ, em la lên: - Mẹ ơi! có thiên sứ đến kìa!” Rồi em qua đời mang nét mặt bình an và vui mừng khôn tả.

Thi thiên 4:8 chép: “Hỡi Đức Giê-hô-va, tôi sẽ nằm và ngủ bình an, vì chỉ một mình Ngài làm cho tôi được ngủ yên ổn”.

Sự bình an của Giê-xu êm ái như một dòng sông lặng lờ trôi nhưng lại vững chãi như một bức tường thành kiên cố. Những ai đang mệt mỏi, nặng trĩu cô đơn ưu sầu, hãy mau tìm đến nương trong cánh bóng Giê-xu. Bóng yêu thương của Chúa sẽ bao phủ, sẽ xua tan hết ưu sầu và gieo rắc vào lòng ta những khúc hoan ca.

Vợ chồng Fanny chỉ sinh được một bé trai; nhưng Đức Chúa Trời theo ý chỉ Ngài đã đem con ông bà về với Ngài. Đối với một người mẹ thì thử thách này nặng nề, đau đớn biết bao. Nhưng Fanny càng đến gần Chúa hơn và không chút nghi ngờ tình yêu của Ngài. Dù mất đứa con duy nhất yêu dấu nhưng bà không hề tuyệt vọng. Bà đặt tình yêu vào các đứa trẻ quanh vùng bà cư ngụ. Bà dành thì giờ tụ tập chúng, dạy chúng và kể chuyện Kinh Thánh cho chúng. Bà cũng dùng những trang sách có màu để minh hoạ bài học. Màu đen tượng trưng cho tội lỗi màu đỏ biểu tượng dòng huyết Chúa Giê-xu; màu trắng chỉ về sự công nghĩa của Đức Chúa Trời; màu vàng là sự vinh hiển chói loà của Chúa lan tràn đến tất cả các em nào thuộc về Ngài. Người ta kể một giai thoại khác về một sáng tác của Fanny như sau: một lần kia giáo sư Doane yêu cầu bà viết một thánh ca với chủ đề: “Hãy cứu vớt những người đắm chìm nơi tội lỗi”. Fanny chú tâm soạn cho xong bài ấy. Sau đó có một buổi truyền giảng cho một số công nhân, tự dưng bà có một mối băn khoăn trong lòng. Bà hình dung trong nhóm thính giả ấy có một thiếu niên cần được cứu bằng mọi cách. Bà gọi chung cả phòng nhóm rằng nếu có một thiếu niên nào đã bỏ nhà ra đi, đã bỏ ngoài tai những lời giáo huấn của mẹ hiền thì xin ở lại gặp bà sau giờ nhóm. Thật kỳ lạ! Sau giờ nhóm có một thiếu niên ở lại gặp bà. Cậu hỏi: “Có phải bà ám chỉ cháu không? Mẹ cháu mất rồi cháu đã hứa với mẹ là sẽ gặp lại mẹ ở thiên đàng nhưng cháu biết lối sống hiện nay của cháu thì không thể nào cháu gặp lại mẹ cháu được”. Fanny giảng giải cho cậu bé. Thế là ánh sáng, tình yêu và sự tha thứ của Chúa tràn vào tâm hồn cậu. Cậu tin chắc tội mình đã được tha và sẽ gặp lại mẹ ở thiên đàng...

Thế nhưng câu chuyện chưa chấm dứt ở đấy... 39 năm sau, cũng trong một buổi nhóm, Fanny kể lại câu chuyện em thiếu niên được cứu, tức thì, giữa đám đông có một người đàn ông bước ra: “Chính tôi là cậu bé ấy đây”. Với giọng nói đầy xúc động, người ấy cầm tay bà nói tiếp: “Tôi đã đi lang thang xa khỏi Chúa. Lúc ấy tôi nghĩ rằng Chúa chỉ là Chúa của mẹ tôi thôi, Ngài chẳng để ý gì tôi đâu, nhưng trong buổi nhóm hôm đó sau khi gặp bà, tôi đã gặp được Chúa. Tôi đã tìm thấy sự bình an và từ đó đến nay tôi vẫn sống cuộc đời Cơ-đốc nhân cao đẹp. Nếu chúng ta không gặp lại nhau hôm nay thì tôi vẫn tin chắc rằng tôi với bà sẽ gặp lại nhau ở thiên đàng”.


Fanny vui mừng lắm vì bà thấy rõ rằng chẳng những Đức Chúa Trời thương xót cứu vớt tội nhân mà còn gìn giữ họ nữa. Tất cả những người nhận được ơn yêu thương và nguồn an ủi từ nơi Chúa đều không thể nín lặng. Chúa đã thúc giục lòng Fanny làm cho bà sốt sắng rao truyền danh Chúa. Dù bà thiếu ánh sáng thiên nhiên nhưng ánh sáng tâm linh luôn đầy dẫy. Đúng như lời mẹ bà đã nói khi bà còn nhỏ. Bà là một người mù về thuộc thể nhưng thật sáng về tâm linh. Bà sốt sắng muốn phổ biến ánh sáng thiên thượng đó cho mọi người chưa biết Chúa. Người phụ nữ khuyết tật này đã ý thức việc phục vụ Chúa bằng cách 'rao sự chết của Chúa cho tới lúc Ngài đến', vì vậy bà luôn mang trong lòng trọng trách “lo vực người đang luân vong, sẵn vớt kẻ giữa dòng, truyền danh Giê-xu ban cứu ân cho tội nhân” (TC 323). Một lần khác, bà đi thăm một lao xá và giảng cho tù nhân. Một người tù đã kêu lên: “Chúa ơi đừng đi qua khỏi con”. Bài giảng của Fanny khiến người này cảm xúc nhưng chính cử chỉ và tâm tình của tù nhân ấy cũng cảm động bà. Bà trở về sáng tác bài: “Chúa ôi xin dừng chân lại gần con”. (TC.256). Bài thánh ca này được truyền tụng khắp nước Anh. Có một thương gia giàu có nhưng nghiện rượu rất nặng. Anh dần dần thay đổi tính tình, mất sức khoẻ, tài năng và bạn hữu. Nhưng một hôm có một tín hữu hướng dẫn anh đến dự một buổi nhóm. Khi nghe hội chúng hát bài thánh ca ấy, tự dưng anh ao ước trong lòng: “Ước gì Chúa cũng đừng đi qua khỏi con”. Đêm sau anh trở lại dự nhóm, hội chúng lại hát bài ấy, bài hát ấy trở thành lời cầu nguyện của anh. Từ đó anh đầu phục Chúa, hiến dâng đời mình cho Ngài. Bốn mươi năm sau anh gặp Fanny tác giả bài thánh ca và kể rằng lúc nào anh cũng giữ trong túi một bản sao bài thánh ca ấy.
Chúa Giê-xu là Chúa của thiên đàng vinh hiển. Ngài đến thế gian không chỉ cứu những người giàu có, quyền thế nhưng Ngài đến với cả những người cô đơn nghèo nàn, khốn khổ, những cuộc đời đau thương, u buồn nhất. Chúa Giê-xu chính là nguồn an ủi, nguồn hy vọng cho mọi người tìm cầu Ngài.

Fanny không để cho sự mù lòa chi phối và giới hạn những sinh hoạt của bà, ân tứ làm thơ, soạn nhạc phối hợp với những khả năng thực tiễn khác, đã biến Fanny thành người hữu dụng cho Chúa, tâm hồn bà tràn đầy tình yêu giống như Chúa nên bà sẵn sàng tham gia mọi công tác truyền giáo. Ngay khi đã cao tuổi rồi, bà vẫn giảng dạy thuyết trình nhiều nơi và cũng bỏ nhiều công sức viết văn, sáng tác thơ và soạn nhạc. Bà cộng tác nhiều với hội truyền giáo ở Nữu ước. Một trong cơ sở truyền giáo ấy do ông Hary Mc. Caley sáng lập. Ông này trước khi tin Chúa từng là bợm nhậu, kẻ cắp, sống ngoài vòng pháp luật thế nhưng ánh sáng của tình yêu Thiên Chúa thay đổi ông hoàn toàn. Ông được Chúa dùng để cứu bao nhiêu người khác trở lại con đường công chính. Một người khác là ông Henri Hadley cũng từng là người chống đối đạo Chúa gắt gao. Ông là chủ bút một nhật báo có lần yêu cầu Fanny làm một bài thơ đăng trên báo của ông. Ít lâu sau, chính người chủ bút này tới thăm Fanny và cho bà biết ông đã gặp Chúa. Rồi suốt 17 năm sau đó, ông tận tuỵ theo Chúa, phục vụ Ngài và sáng lập 60 cơ sở truyền giáo Fanny cũng cộng tác hầu việc Chúa ở những nơi đó. Nhưng một thử thách khác lại đến với Fanny: năm bà 82 tuổi, chồng bà qua đời. Thế là chồng và con bà đã hội ngộ trong nước Chúa. Fanny còn lại một mình trơ trọi, bà lại càng đến gần Chúa hơn, tiếp tục cuộc sống bình an và là nguồn phước cho mọi người. Dầu cao tuổi, sức yếu nhưng linh lực trong bà cứ ngày càng mạnh hơn như Lời Chúa: “Vậy chúng ta chẳng ngã lòng dầu bề ngoài hư nát, nhưng bề trong cứ càng ngày đổi mới càng hơn” (IICô 4:16).
Gần cuối đời, Fanny trở về quê cũ, nơi bà đã sống những tháng ngày thơ ấu êm ấm bên cạnh mẹ và bà nội. Bà xuất bản cuốn “Hồi ký 60 năm” thêm một kỷ niệm đáng nhớ là có lần các bạn hữu và người thân của bà tụ tập lại để nghe Fanny kể 90 năm ơn phước mà Chúa ban cho bà. Bà nói: “Hy vọng chính là trọng tâm trong các sáng tác của tôi. Hy vọng là đoá hoa không bao giờ tàn của tôi. Hy vọng làm tươi mới, làm phong phú mọi khoảnh khắc của cuộc đời. Hy vọng làm cho bình minh tươi sáng hơn, ban trưa rực rỡ hơn và hoàng hôn sáng sủa hơn. Tôi muốn chỉ cánh cửa hy vong ấy cho những tâm hồn đang thất vọng chán chường và tôi sẽ tiếp tục giữ trọng trách ấy cho đến khi tôi vào nước thiên đàng. Mỗi ngày tôi đều nguyện xin Chúa giúp mình không ích kỷ. Tôi đã học bài học tin cậy và vâng lời. Biết bao nhiêu năm qua niềm tin đơn sơ nơi Đức Chúa Trời không hề làm tôi thất vọng. Bàn tay Cha đã ban thật nhiều ơn phước cho tôi. Có 3 điều tôi luôn luôn cảnh giác, đó là sở thích của tôi, tính khí và miệng lưỡi của tôi. Tôi thường cầu nguyện xin Chúa gìn giữ môi lưỡi con... Ở tuổi 90, tôi quí trọng và yêu mến Lời Chúa hơn cả lúc tôi 19,20. Lời Chúa là chiếc neo hy vọng, là ngọn đèn soi sáng con đường tôi đi về Nhà Cha tôi trên trời. Nhìn lại sau lưng, tôi thấy một chặng đường tranh đấu gay go nhưng nhìn trước mặt tôi thấy ánh sáng thiên thượng bừng lên rực rỡ muôn vàn”.
Fanny là người yêu mến Chúa và thờ phượng Chýa suốt cuộc đời nhưng bà vẫn không được miễn trừ thử thách. Bà gặp nhiều hoàn cảnh đau buồn trong cuộc sống nhưng vẫn không thất vọng mà còn yên ủi được nhiều người khác. Tại sao bà có được tâm tình đó? Vì bà có niềm tin vững vàng vào Cứu Chúa Giê-xu, Cứu Chúa siêu phàm, Cứu Chúa lạ lùng, Cứu Chúa chết trên cây thập tự để bày tỏ tình yêu của Ngài. Cứu Chúa đã hứa: Ta lấy tình yêu đời đời mà yêu ngươi (Giê 39:3) nên chỉ có Ngài mới che chở được Fanny trong bóng cánh bình an (TC 267: Chỉ có Giê-xu siêu phàm).


Đêm 11.2.115 Fanny đang viết thư cho một người bạn có con gái qua đời thì đến lượt bà được Chúa cất đi. Bà đã được trực tiếpnhận lấy ánh sáng thiên thượng và chính bà được bình an trong cánh tay Chúa Giê-xu. Fanny qua đời, hưởng thọ 95 tuổi.
Suốt đời tận tuỵ hầu việc Chúa, Fanny đã sáng tác hơn 8000 bài thánh ca, nhiều bài ghi tên tác giả là Fanny Crosby, một số ghi bút hiệu khác, không phải tất cả đều là tuyệt tác. Một nhà bình luận đã phê bình rằng những sáng tác của Fanny mang nét đơn sơ mộc mạc nhưng chững chạc và sống động, vì thế rất nhiều bài được phổ biến sâu rộng và lâu dài đến ngày nay.

Trong tập tự thuật của Fanny, bà viết: “Một số sáng tác của tôi đã được chính Thánh Linh hướng dẫn; một số khác là kết quả của nhiều ngày, giờ suy gẫm Lời Chúa sâu xa. Nhiều bài đã được sáng tác trong những đêm dài thức canh cầu nguyện khi những xáo trộn náo nhiệt bên ngoài không còn cắt ngang dòng tư tưởng, một số khác nữa là cảm xúc trước những biến cố xảy ra trong cuộc đời mà tôi thấy phải nói lên bằng thơ và nhạc.
Một người tật nguyền suốt 95 năm như Fanny mà Chúa còn đại dụng, còn những người thân thể nguyên vẹn như chúng ta thì sao? Chúng ta có gì dâng tặng Ngài? Cứu Chúa giê-xu là Đấng Fany thờ phượng và hiến dâng trọn đời có là Đấng đã chỉ cho chúng ta cánh cửa hy vọng, Fanny đã phác hoạ chân dung Chúa Giê-xu là Đấng ban ân phước và tình yêu, Ngài có đáng cho chúng ta ca ngợi chăng? Câu hỏi này danh cho....


LƯỢC THUẬT: Những thời điểm cuộc đời Fanny Crosby
- Mới sinh được 6 tuần bị mù.
- Chưa đầy 1 tuổi: mồ côi cha.
- 8 tuổi: làm thơ.
-11 tuổi: có thơ đăng báo.
- 15 tuổi: Vào trường mù.
- 17 tuổi: Sáng tác nhạc.
- 27 tuổi: Được mời làm giáo sư trường mù.
- 30 tuổi: Dâng mình hầu việc Chúa.
- 38 tuổi: Lập gia đình, sinh một con trai, con qua đời.
- 43 tuổi: Sáng tác thánh ca và từ đó trở đi tham gia công tác truyền giáo, truyền giảng, nâng đỡ, thăm viếng nhiều Hội thánh. Vẫn viết văn làm thơ soạn nhạc, tận tuỵ hầu việc Chúa.
- 95 tuổi: Trước lúc qua đời còn viết thơ an ủi người khác.

 TNPA