“Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi
Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời”
(Giăng 1:1)
Một người thông minh, chất
phát, chưa được học về những lẽ thật Cơ Đốc, khi đọc đến những lời này có lẽ sẽ
kết luận: Giăng có ý muốn dạy rằng đây là bản chất của Đức Chúa Trời để nói
chuyện, trao đổi ý tưởng của Ngài với người khác. Và anh ta đúng. Lời nói là
công cụ trung gian để diễn tả suy nghĩ, và áp dụng khái niệm này cho Con đời
đời khiến chúng ta tin rằng sự tự bày tỏ vốn cố hữu nơi Đức Chúa Trời, rằng Đức
Chúa Trời luôn luôn tìm kiếm để bày tỏ chính Ngài cho tạo vật của mình. Cả Kinh
Thánh cho chúng ta biết điều này. Đức Chúa Trời đang phán. Chẳng những Đức Chúa
Trời đã phán, đã nói, nhưng Ngài cũng hiện đang phán, đang nói (với những ai
biết nghe Ngài). Ngài, bởi bản chất của mình, liên tục tìm kiếm và bày tỏ về
chính mình cách hết sức thuần thục. Ngài dẫy đầy thế giới này với tiếng phán
của mình.
Một trong những thực hữu mà
chúng ta phải gặp đó là giọng nói của Đức Chúa Trời trong thế giới của Ngài.
Một thuyết về nguồn gốc vũ trụ ngắn nhất và thỏa đáng nhất là: “Ngài phán, thì
việc liền có.” Lý do tại sao của những định luật tự nhiên chính là tiếng phán của
Đức Chúa Trời ngay bên trong tạo vật của Ngài. Và Lời này của Đức Chúa Trời,
vốn đã khiến cho mọi thế giới được dựng nên, không thể coi là Kinh Thánh được,
vì Lời đó là Lời Sống, nó không được viết, hay in ra gì cả, nhưng sự thể hiện ý
muốn của Đức Chúa Trời nằm bên trong cơ cấu tạo thành của tất cả mọi sự. Lời
này của Đức Chúa Trời là hơi thở dẫy đầy thế giới chúng ta với một sức sống
tiềm ẩn. Tiếng phán của Chúa là uy quyền mạnh nhất trong tự nhiên, quả thật là
uy quyền duy nhất trong tự nhiên, vì mọi thứ chứa đựng năng lượng còn tồn tại
đều do Lời đầy uy quyền ấy đang phán ra.
Kinh Thánh là Lời của Đức
Chúa Trời được viết ra, và vì cớ nó được viết ra, nó bị giới hạn trong phạm vi
cần thiết của giấy, mực và da (để viết lên). Tuy nhiên, Lời Đức Chúa Trời là
Lời Sống và tự do như sự tự do của Đức Chúa Trời quyền uy. “Những lời ta phán
cùng các ngươi đều là thần linh và sự sống” (Giăng 6:63). Sự sống nằm trong
những Lời đang phán ra. Lời Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh có được sức mạnh là
vì nó phù hợp với Lời Đức Chúa Trời trong cõi vũ trụ. Chính Tiếng Phán hiện tại
làm cho Lời được viết ra có tất cả mọi sức mạnh. Nếu ngược lại, thì nó chỉ nằm
đó ngủ mê bên trong bìa da của một cuốn sách.
Chúng ta có một cái nhìn
thấp kém và thô sơ về mọi sự khi chúng ta nghĩ rằng Đức Chúa Trời, trong lúc
sáng tạo, đã có một mối tương quan vật lý với mọi thứ: định hình, lắp ghép, xây
dựng... giống như một thợ mộc vậy. Kinh Thánh lại dạy khác hơn: “Các từng trời
được làm nên bởi lời Đức Giê-hô-va, cả cơ binh trời bởi hơi thở của miệng Ngài
mà có... Vì Ngài phán, thì việc liền có; Ngài biểu, thì vật bèn đứng vững bền”
(Thi thiên 33:6, 9). “Bởi đức tin chúng ta biết rằng thế gian đã làm nên bởi
Lời của Đức Chúa Trời, đến nỗi những vật bày ra đó chẳng phải từ vật thấy được
mà đến” (Hê-bơ-rơ 11:3). Một lần nữa, chúng ta phải nhớ rằng việc đề cập đến
Lời Đức Chúa Trời ở đây không phải là những Lời đã được viết ra (Kinh Thánh),
mà là những Lời từ Tiếng Phán Ngài đang phán. Lời phán Ngài phủ bao thế giới có
nghĩa là Tiếng Phán đó đã có trước Kinh Thánh vô số thế kỷ; Tiếng Phán ấy không
yên lặng từ buổi bình minh của sự sáng tạo, nhưng nó vẫn còn vang dội đến những
nơi xa thẳm nhất của toàn cõi vũ trụ này.
Lời Đức Chúa Trời rất nhanh
chóng và đầy uy quyền. Ban đầu, Ngài phán vào khoảng không (không có gì hết),
và nó trở thành một cái gì đó. Sự hỗn mang khi nghe tiếng phán liền trở nên có
trật tự; bóng tối nghe tiếng phán và trở nên ánh sáng. “Đức Chúa Trời lại
phán... thì có như vậy” (Sáng-thế ký 1:9). Hai mệnh đề song sinh này, giống như
nguyên nhân và kết quả, xuất hiện khắp cả câu chuyện Sáng Thế. Chữ phán giải
thích cho chữ có như vậy. Và chữ có như vậy là chữ phán đặt trong hiện tại tiếp
diễn.
Đức Chúa Trời đang ở đây và
Ngài đang phán - những lẽ thật này là nền tảng của mọi lẽ thật Kinh Thánh khác;
không có chúng thì không thể có sự bày tỏ nào cả. Đức Chúa Trời đã không viết
một cuốn sách và sai một sứ giả gởi nó đến để được đọc ở một nơi nào đó bởi
những tâm trí không được giúp đỡ. Ngài phán ra một cuốn sách và sống trong những
Lời Ngài đã phán, liên tục phán ra và khiến cho sức mạnh của những Lời đó kéo
dài hết năm rồi lại năm. Đức Chúa Trời thở vào bụi đất và nó trở nên một người
đàn ông; Ngài thở lên con người và họ trở thành bụi đất. “Hỡi con cái loài
người, hãy trở lại” (Thi thiên 90:3) là những Lời Đức Chúa Trời phán khi sự sa
ngã xảy ra, mà bởi cớ nó Ngài đã kết án con người phải chết, và Ngài không cần
nói thêm một từ nào nữa. Cuộc chạy đua của loài người trên khắp mặt đất này từ
khi ra đời đến khi chết đi là một bằng chứng cho thấy một Lời đầu tiên của Ngài
là đủ cả.
Chúng ta đã không quan tâm
đủ đến sự bày tỏ đó trong sách Giăng, “Sự sáng này là sự sáng thật, khi đến thế
gian soi sáng mọi người” (1:9). Dời dấu câu đi, chân lý vẫn còn ở đó: Lời Đức
Chúa Trời tác động đến những tấm lòng của con người giống như ánh sáng soi
trong tâm hồn. Trong tâm hồn của con người, ánh sáng lan tỏa, Lời thì vang dội
và không một ai có thể trốn thoát được. Điều đó là cần thiết nếu Đức Chúa Trời
là sống động và ở trong thế giới của Ngài. Và Giăng nói nó là như vậy. Ngay cả
những người chưa bao giờ nghe về Kinh Thánh vẫn có thể được chạm đến bởi ánh
sáng ấy, và nó vĩnh viễn cất khỏi lòng họ những lời bào chữa. “Họ tỏ ra rằng
việc mà luật pháp dạy biểu đã ghi trong lòng họ: Chính lương tâm mình làm chứng
cho luật pháp, còn ý tưởng mình khi thì cáo giác mình, khi thì binh vực mình”
(Rô-ma 2:15). “Bởi những sự trọn lành của Ngài mắt không thể thấy được, tức là
quyền phép đời đời và bổn tánh Ngài, thì từ buổi sáng thế vẫn sờ sờ như mắt xem
thấy, khi người ta xem xét công việc của Ngài. Cho nên họ không thể chữa mình
được” (Rô-ma 1:20).
Tiếng Phán của Đức Chúa
Trời trên toàn cõi vũ trụ này là cái mà người Hê-bơ-rơ cổ gọi là Sự Khôn Ngoan
(Sự Thông Sáng), và nó vang dội khắp nơi, tìm kiếm, và lắng nghe một lời đáp từ
phía con cái loài người. Đoạn 8 của Châm ngôn mở đầu như sau: “Sự khôn ngoan há
chẳng kêu lên sao? Sự thông sáng há không vang tiếng mình ra ư?” Tác giả khi đó
đã hình tượng hóa sự khôn ngoan như một phụ nữ đẹp, đang đứng “trên chót các nơi
cao, ngoài đường, tại các ngã tư.” Nàng lớn tiếng, vang khắp các hướng để ai
cũng nghe được tiếng nàng. “Hỡi loài người, ta kêu gọi các ngươi, và tiếng ta
hướng về con cái loài người” (câu 4). Rồi nàng nài nỉ để những “kẻ ngu muội”
lắng nghe lời mình. Chính lời hồi đáp thuộc linh là cái mà Sự Thông Sáng của
Đức Chúa Trời đang kêu nài, là một lời đáp mà nàng vẫn luôn luôn tìm kiếm dẫu
rằng hiếm khi tìm gặp. Quả là một bi kịch khi sự phước hạnh đời đời của chúng
ta lại lệ thuộc vào sự lắng nghe của chúng ta, và chúng ta đã huấn luyện tai
mình để không nghe.
Tiếng Phán trên toàn cõi vũ
trụ này vẫn luôn vang dội, và nó thường làm cho con người bối rối khi họ không
hiểu nguồn gốc nỗi lo sợ của mình là từ đâu. Có lẽ nào Tiếng Phán đó, nguồn sức
sống cho tâm linh, lại là một căn nguyên chưa được phát hiện của những tấm lòng
lo lắng và khao khát sự sống đời đời vốn đã được hàng triệu người xưng nhận kể
từ khi lịch sử được bắt đầu? Chúng ta không cần phải lo sợ khi đối diện với
điều này. Tiếng Phán là một chân lý. Con người đã phản ứng với nó như thế nào
là điều đáng quan tâm hơn hết.
Khi Đức Chúa Trời phán từ
thiên đàng xuống cho Chúa chúng ta, những con người tự cho mình là trung tâm
thì giải thích điều đó bởi những nguyên nhân tự nhiên, họ nói, “Trời sấm sét” (Giăng
12:28). Thói quen giải thích Tiếng Phán của Đức Chúa Trời bằng những định luật
tự nhiên là một nền tảng chủ yếu cho khoa học hiện đại. Trong một vũ trụ đang
sống, đang thở, có một Điều Gì Đó rất huyền bí, quá tuyệt vời, thật đáng kính
sợ để tâm trí con người có thể hiểu được. Những kẻ tin không tuyên bố rằng mình
hiểu. Họ quỳ gối xuống và thì thầm, “Kính lạy Đức Chúa Trời.” Con người của
trần tục này cũng quỳ gối xuống, nhưng không phải để thờ phượng. Họ quỳ gối
xuống để thí nghiệm, để tìm tòi, để khám phá ra nguyên nhân và cách làm các
thứ. Ngay bây giờ, chúng ta đang sống trong thời đại của thế giới trần tục.
Những thói quen tư tưởng của chúng ta chính là những thói quen tư tưởng của các
khoa học gia, không phải là những thói quen tư tưởng của một người thờ phượng.
Chúng ta thích giải thích hơn là tôn thờ. “Trời sấm sét,” chúng ta thốt lên, và
bước đi trên con đường trần tục của mình. Nhưng Tiếng Phán vẫn vang dội và tìm
kiếm. Trật tự và sự sống của thế giới này lệ thuộc vào Tiếng Phán đó, nhưng con
người hầu như quá bận rộn hay quá cứng đầu nên không để ý tới.
Mỗi người trong chúng ta đã
trải qua những kinh nghiệm mà chúng ta không thể giải thích được - một cảm giác
đột ngột của sự cô đơn, hay một cảm giác của sự kinh ngạc, kính sợ trước diện
mạo vĩ đại của toàn cõi vũ trụ này. Hay chúng ta đã một lần được thăm viếng bởi
Sự Sáng, giống như tia sáng đến từ một mặt trời nào khác, khiến cho chúng ta
lóe lên một ý nghĩ về sự bảo đảm rằng mình đang sống trên một thế giới khác,
rằng nguồn gốc của chúng ta là thiêng liêng. Điều chúng ta thấy, cảm nhận, hay
nghe được đó, có thể lắm trái ngược hoàn toàn với những điều chúng ta đã được
dạy trong trường học và khác xa với những niềm tin và quan điểm của chúng ta
trong quá khứ. Chúng ta bị buộc phải hoãn lại những nghi ngờ trong khi các đám
mây bị cuốn đi xa, và chúng ta thấy, cũng như nghe cho chính bản thân mình
(hình ảnh giống như khi một đám mây đen bị gió cuốn trôi đi, từ phía sau nó,
những tia sáng ấm áp của mặt trời lan tỏa, thế giới chung quanh chúng ta trở
nên sáng hơn, rực rỡ và xinh đẹp vô cùng. Đây là một hình ảnh tượng trưng cho
thứ ánh sáng thuộc linh mà có lẽ một số trong số chúng ta đã kinh nghiệm được).
Giải thích những việc đó theo ý riêng, tôi nghĩ chúng ta đã không thành thật
với sự kiện cho đến khi ít nhất là chúng ta thừa nhận khả năng có thể của những
kinh nghiệm như thế đến từ Sự Hiện Diện của Đức Chúa Trời trên thế giới, và sự
cố gắng liên tục, không ngừng nghỉ của Ngài để tương giao với con loài người.
Chúng ta đừng quá khiếm nhã loại trừ một giả thiết như vậy.
Đây chính là niềm tin của
riêng tôi (và về điểm này, tôi hoàn toàn chẳng buồn chi hết nếu có người không
đồng ý), rằng, bất cứ điều gì tốt và đẹp mà con người đã tạo ra được trên trần
gian này là hậu quả của sự hồi đáp sai lầm và bị tội lỗi che kín của con người
với Tiếng Phán sáng tạo đang vang dội khắp trên địa cầu và toàn cõi vũ trụ. Các
nhà luân lý mơ tưởng đến đức hạnh cao cả của họ, những nhà tư tưởng tôn giáo
suy đoán về Đức Chúa Trời và sự đồi bại, các nhà thơ, và những nhà nghệ thuật
cho ra các tác phẩm mà con người cho là kiệt tác và bất hủ: làm thế nào chúng
ta giải thích họ đây? Nếu chỉ nói đơn giản, “Đó là những thiên tài,” thì không
đủ.
Thế thì thiên tài là gì? Có
lẽ nào một thiên tài là một người thường được thăm viếng bởi Tiếng Phán, làm
việc và tranh đấu giống một người bị ám ảnh phải đạt được những mục đích mà anh
ta mới hiểu mang máng? Việc con người vĩ đại đó đã lãng quên Đức Chúa Trời
trong công việc, hay anh ta đã từng nói hay viết những điều chống lại Đức Chúa
Trời cũng không làm hỏng ý tưởng mà tôi đang đề cập đến. Sự khải thị giải cứu
của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh là cần thiết cho đức tin cứu rỗi và sự bình
an với Đức Chúa Trời. Đức tin trong một Đấng Cứu Rỗi đã sống lại là cần thiết
nếu những kích thích mập mờ hướng về sự trái luân lý đã đưa chúng ta đến mối
quan hệ yên ổn và thỏa lòng với Đức Chúa Trời. Đối với tôi, đây là một lời giải
thích hợp lý về tất cả những gì tốt nhất đến ngoài Đấng Christ. Nhưng bạn vẫn
có thể là một Cơ Đốc nhân tốt mà không chấp nhận quan điểm của tôi.
Tiếng Phán của Đức Chúa
Trời là một Tiếng Phán thân thiện. Không ai cần phải lo sợ khi lắng nghe cả trừ
phi người đó đã làm cho tâm trí mình chống lại nó. Huyết của Đức Chúa Jêsus đã
bao phủ không chỉ con loài người, mà còn tất cả những tạo vật khác nữa. “Và bởi
huyết Ngài trên thập tự giá, thì đã làm nên hòa bình, khiến muôn vật dưới đất
trên trời đều nhờ Ngài mà hòa thuận cùng chính mình Đức Chúa Trời” (Cô-lô-se
1:20). Chúng ta có thể yên tâm rao giảng về một thiên đàng thân thiện. Các từng
trời cũng như trái đất được dẫy đầy bởi ý muốn tốt lành của Đấng đã ngự trong
bụi cây cháy. Huyết toàn hảo của sự cứu chuộc bảo đảm cho điều này.
Bất cứ ai lắng nghe, sẽ
nghe được Tiếng Phán Thiên Thượng. Đây rõ ràng không phải là thời điểm con người
quan tâm đến lời kêu gọi lắng nghe, vì cớ lắng nghe không phải là một phần phổ
biến trong tôn giáo ngày hôm nay. Chúng ta đang ở một vị trí trái ngược với
điều đó. Tôn giáo đã chấp nhận một dị giáo kỳ quái, tức là (thừa nhận rằng:
nhờ) sự ồn ào, quy mô, phạm vi hoạt động và sự ầm ĩ làm cho một con người trở
nên thân tình với Đức Chúa Trời. Nhưng chúng ta có thể tin vững vàng hơn: Với
một dân sự có sự mâu thuẫn, náo loạn dữ dội, Chúa phán, “Hãy yên-lặng và biết
rằng ta là Đức Chúa Trời” (Thi thiên 46:10), và Ngài vẫn phán như vậy, dường
như Ngài muốn nói với chúng ta rằng sức mạnh và sự an ninh của chúng ta không
nằm trong sự ồn ào, mà là trong sự yên lặng.
Chúng ta yên lặng và chờ
đợi Đức Chúa Trời là một điều hết sức quan trọng. Tốt nhất là chúng ta đến một
mình, với quyển Kinh Thánh mở rộng trước mắt. Rồi thì nếu chúng ta muốn, chúng
ta sẽ đến gần Đức Chúa Trời và bắt đầu lắng nghe Ngài phán với lòng chúng ta.
Tôi nghĩ, với một người bình thường, tiến trình đó sẽ là một cái gì giống như
thế này: Trước tiên là một âm thanh giống như của Sự Hiện Diện đang đi bộ trong
vườn. Kế đến là một giọng nói, dễ hiểu, nhưng vẫn còn xa để nghe rõ. Rồi thì
giây phút phước hạnh đến khi Thánh Linh bắt đầu soi sáng Thánh Kinh, và từ chỗ
chỉ có một âm thanh, hay một giọng nói, bấy giờ đã trở thành Lời, ấm áp, và
thân mật, rõ ràng giống như lời nói của một người bạn thân. Kế đến, sẽ có sự
sống và ánh sáng, và trên hết, khả năng nhìn thấy và ngơi nghỉ trong vòng tay
của Đức Chúa Jêsus, Chúa Cứu Thế, là Chúa, là Chủ của tất cả mọi sự.
Kinh Thánh sẽ không bao giờ
là một quyển sách sống đối với chúng ta cho đến khi chúng ta tin rằng Đức Chúa
Trời đang phán trong toàn cõi vũ trụ của Ngài. Nhảy từ một thế giới phi nhân
cách và chết chóc sang giáo lý Thánh Kinh là quá nhiều cho hầu hết mọi người.
Họ có thể thừa nhận rằng Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời, và họ có thể cố
gắng để suy nghĩ nó như vậy, nhưng họ thấy hầu như không thể tin được rằng
những Lời trên các trang giấy đó là thật sự dành cho riêng họ. Một người có thể
nói, “Những lời này dành cho tôi,” nhưng trong lòng anh ta không cảm nhận và
biết nó là như vậy. Anh là nạn nhân của tâm lý chia cắt. Anh ta nghĩ về Đức
Chúa Trời rằng Ngài câm lặng ở mọi nơi trên thế giới này, và chỉ nói trong một
cuốn sách mà thôi.
Tôi tin rằng phần lớn sự
thiếu niềm tin tôn giáo của chúng ta là do một quan niệm và một cảm nhận sai
lầm về Kinh Thánh của Chân Lý. Một Đức Chúa Trời câm nín thình lình bắt đầu
phán trong một cuốn sách, và khi cuốn sách được đọc đến trang cuối cùng và gấp
lại, mọi thứ trở nên câm lặng mãi mãi. Bây giờ chúng ta đọc cuốn sách này giống
như là một bản ghi lại những điều Đức Chúa Trời nói khi Ngài đang nói trong một
thời gian ngắn. Với những quan niệm như thế trong lòng mình, làm sao chúng ta
có thể tin được? Sự thật là Đức Chúa Trời không câm nín, Ngài cũng chưa từng và
sẽ chẳng bao giờ câm nín cả. Bản chất của Đức Chúa Trời là Phán. Ngôi Hai của
Ba Ngôi được gọi là Ngôi Lời. Kinh Thánh hiển nhiên là một kết quả của Tiếng
Phán liên tục, không ngừng nghỉ của Đức Chúa Trời. Đó là một lời tuyên bố không
thể sai lầm mà Ngài ban cho chúng ta đặt để vào trong những lời thuộc ngôn ngữ
con người.
Tôi nghĩ rằng một thế giới
mới sẽ xuất hiện, vượt lên trên những đám sương mù tôn giáo khi chúng ta rờ
chạm đến Kinh Thánh với tư tưởng, niềm tin rằng nó không chỉ là một cuốn sách
của những Lời đã một lần phán ra, mà cũng là một quyển sách của những Lời hiện
đang phán nữa. Các tiên tri thường nói, “Đức Giê-hô-va phán vậy.” Họ có ý muốn
những người nghe họ hiểu rằng Đức Chúa Trời đang phán, đây là thì hiện tại.
Chúng ta có thể dùng thì quá khứ một cách hoàn hảo để xác định vào một thời
điểm nào đó, Lời nào đó của Đức Chúa Trời đã được phán ra, nhưng một Lời của
Đức Chúa Trời đã được phán ra, thì sẽ liên tục được phán ra, giống như một đứa
trẻ, sinh ra rồi thì sẽ tiếp tục sống, hay giống như thế giới này một lần đã
được tạo ra và vẫn tiếp tục tồn tại. Và những thứ đó cũng chỉ là những ví dụ
bất toàn, vì đứa trẻ sẽ chết đi khi già, và thế giới này sẽ bị hủy diệt, nhưng
Lời Đức Chúa Trời còn cho đến đời đời.
Nếu bạn muốn tiếp tục tiến
bước để được biết Đức Chúa Trời, ngay bây giờ, hãy lập tức đến với Kinh Thánh
và mong đợi Lời đó nói với chính mình. Đừng đến với Kinh Thánh mà trong tâm trí
vẫn còn quan niệm rằng nó chỉ là một thứ tầm thường, bạn có thể vứt đâu đấy khi
không cần đến. Nó là một cái gì còn hơn là một vật, đó là một giọng nói, một
Lời, chính là Lời của Đức Chúa Trời Hằng Sống.
Lạy Chúa, hãy dạy con biết
lắng nghe. Thời đại của con tràn ngập hàng ngàn, hàng vạn những âm thanh dơ bẩn,
liên tục tấn công con. Hãy ban cho con tinh thần của cậu bé Sa-mu-ên xưa, khi
cậu đáp rằng, “Xin hãy phán, kẻ tôi tớ Ngài đương nghe.” Hãy để con được nghe
Ngài phán trong lòng mình. Hãy khiến con quen thuộc với thanh âm của Tiếng Phán
của Ngài, để tiếng của Ngài luôn luôn dễ dàng cho con nhận ra trong mớ tạp âm
trần thế, hãy khiến tai con chỉ nghe một mình tiếng Ngài thôi, điều duy nhất
con nghe được, Chúa ôi, con mong ước đó là nhạc điệu trong Tiếng Phán của Ngài.
A-men.