Thứ Năm, 12 tháng 7, 2012

RUTH – TĂNG TRƯỞNG ĐẾN MỨC TRƯỞNG THÀNH-3


 TRỞ VỀ VỚI SỰ PHONG PHÚ
TRONG NHÀ ĐỨC CHÚA TRỜI

          Trước khi trở nên các Cơ Đốc nhân trưởng thành, chúng ta phải kinh nghiệm ba điều: trước hết chúng ta phải nếm được sự phong phú của Christ (Bethlehem), sau đó chúng ta phải đối đầu với sự khô hạn cách cá nhân hoặc tập thể (nạn đói), và cuối cùng chúng ta phải kinh nghiệm sự trở về với Đấng cung ứng sự phong phú.


          Lý do chúng ta yêu Chúa là vì Ngài quá đáng yêu (1 John 4: 19). Nếu chúng ta chưa từng được Chúa lôi kéo, tình yêu chúng ta dành cho Ngài sẽ giả dối. Chúng ta phải kinh nghiệm sự phong phú của Chúa trong nhiều phương diện – càng nhiều càng tốt. Khi vui hưởng Ngài theo cách này, chúng ta được Ngài bắt lấy. Những người đã biết Chúa và sự phong phú của Ngài không bao giờ có thể quên Ngài, nhưng nếu chỉ cứ ở trong sự phong phú, có thể chúng ta sẽ không bao giờ đi đến chỗ nhận biết Đấng cung ứng sự vui hưởng phong phú, vì sự phong phú mà chúng ta vui hưởng có thể thay thế chính Chúa.

          Vì vậy, Chúa để cho mỗi người trong chúng ta kinh nghiệm sự khô hạn trong nếp sống hội thánh hoặc trong nếp sống Cơ Đốc riêng tư của mình. Cuối cùng, Chúa sẽ đem chúng ta vào trong kinh nghiệm nạn đói. Mọi người trong nếp sống hội thánh có thể cảm thấy có một điều gì đó thiếu hụt và sự hiện diện của Chúa không còn làm họ vững mạnh như trước nữa, hoặc có thể chỉ một số cá nhân giữa vòng họ cảm thấy như vậy.

          Khi kinh nghiệm sự cung ứng phong phú của Chúa hàng ngày, chúng ta có xu hướng quên Ngài. Chúng ta không hoàn toàn đánh giá cao điều chúng ta đang vui hưởng. Nạn đói phơi bày chúng ta là ai và chúng ta đang ở đâu. Khi có nhiều thức ăn, chúng ta có thể khoe khoang: “Đức Chúa Trời là Vua tôi” (Elimelech), nhưng chúng ta phản ứng thế nào khi nguồn cung ứng thức ăn cạn kiệt? Chúng ta có bám sát Chúa hơn nữa hay không, hay chúng ta tìm cách đáp ứng các nhu cầu của mình ở nơi khác?

          Elimelech là một tên gọi rất có ý nghĩa, nhưng khi nạn đói đến, nó biến thành một khẩu hiệu suông. Đức Chúa Trời không còn là Vua ông nữa. Đây là lý do tại sao Elimelech phải chết ở Moab. Khi điều chúng ta có chỉ là khẩu hiệu suông thì nó không thể tương xứng với Đức Chúa Trời. Điều đó phải bị vạch trần và bị để cho chết. Bởi sự chết như vậy, Chúa có con đường để sinh sản một điều gì đó cho chính Ngài. Hi vọng diễn trình này sẽ không kéo dài quá lâu.

TRỞ VỀ BETHLEHEM VÌ CHÍNH CHÚA
          Đôi khi chúng ta nghe rằng một số người lìa khỏi nếp sống hội thánh đã trở về sau nhiều năm. Về một mặt, chúng ta vui mừng khi nghe điều này, vì họ đã trở về Ngôi Nhà Bánh. Mặt khác, chúng ta cảm thấy buồn vì thời gian bị lãng phí. Chúng ta phải học tập từ điều này là không bỏ đi khi đương đầu với sự yếu đuối, chán nản hoặc gian khổ. Chúng ta phải học tập xoay qua Chúa, Ngài luôn luôn có sẵn.

          Sau khi dự tiệc và vui hưởng, thì nạn đói, sự vạch trần và sự chết đến. Sau điều này, sách Ruth cho chúng ta biết rằng Naomi đã chỗi dậy cùng với hai con dâu bà để trở về từ đất nước Moab, vì bà nghe rằng Chúa đã thăm viếng dân Ngài bằng cách ban cho họ bánh (Ruth 1: 6). Có thể chúng ta nghĩ Naomi trở về chính yếu vì thức ăn, nhưng theo lời ở đây, đó là vì bà nghe “Chúa đã thăm viếng dân Ngài”. Mối quan tâm của bà không còn chỉ là sự phong phú của Chúa nữa; bây giờ đó là chính Chúa.

          Trong những năm đầu của chúng ta trong nếp sống hội thánh, chúng ta phải lòng với các sự khải thị, các buổi nhóm, sự dịu ngọt giữa vòng các thánh đồ và bầu không khí phước hạnh. Bất chấp các kinh nghiệm đầy vui hưởng này, cuối cùng, không thể hoàn toàn đặt sự tin cậy của mình nơi Đấng cung cấp những điều đó. Vì vậy, khi các kinh nghiệm quí báu này cạn kiệt, chúng ta lập tức khởi hành đi kiều ngụ. Chúng ta rời khỏi Chúa và dân Ngài. Và trong diễn trình này, chúng ta khám phá ra mình thật sự là ai. Chúng ta không phải là những tín đồ vĩ đại như chúng ta nghĩ. Sau khi được Chúa chạm đến về việc nương cậy nơi những điều khác, cuối cùng chúng ta có thể đến với Ngài như đáng phải đến. Bây giờ, tâm điểm không còn là thức ăn nữa, mà là chính Chúa. Không cần nói, Chúa ở đâu, thức ăn sẽ ở đó.

          Đây là cuộc hành trình của mỗi tín đồ tìm kiếm Chúa. Khi chúng ta đến giai đoạn này, lòng chúng ta trở về Bethlehem, vì đó là nơi Chúa ở. Trong lòng chúng ta ao ước Chúa và tập trung vào Ngài, không phải các phước hạnh Ngài cung cấp. Vì vậy, chúng ta chỗi dậy để đi đến nơi chúng ta  nghe Ngài đang ở, và chúng ta tái dâng mình cho Ngài.

TRỞ VỀ VỚI MỘT NHÂN TÍNH KHÔNG VỊ KỶ
TƯƠNG XỨNG VỚI CHÚA
          Hãy xem xét Naomi và cách bà phát ngôn sau cái chết của chồng bà và hai con trai. Qua lời của bà, chúng ta thấy bà là một người thuộc linh theo cách rất con người. Naomi chỉ còn hai con dâu ở với bà. Nếu họ ra đi, bà sẽ hoàn toàn đơn độc, nhưng bà tin cậy Chúa về chính mình. Bà xem xét nhu cầu của các con dâu và khích lệ họ trở về nhà mẹ họ. Cũng vậy, chúng ta phải thuộc linh đến mức chúng ta có một nhân tính cao trọng, nhân tính của Jesus.

          Lời của Naomi khải thị sự nương cậy của bà nơi Chúa. Bà nói với hai người nữ này: “Nguyện Chúa đối đãi nhân từ với các con…” (Ruth 1: 8). Bà đã kinh nghiệm sự kỷ luật của Chúa đến mức bà mất mọi sự. Nhưng là một người đã mất mọi sự, bà thật sự bắt đầu nhận biết Chúa. Bà nhận thức rằng các con dâu của bà không cách gì đi theo Đức Chúa Trời tại quê hương của họ. Bà không thể nói: “Nguyện các con tăng trưởng tới mức trưởng thành tại đất Moab này”. Nhưng bà vẫn nói: “Nguyện Chúa đối đãi nhân từ với các con, giống như các con đã đối đãi với những người đã chết và với ta”. Câu này khải thị một điều gì thành thật và không vị kỷ. Bà khuyên họ tái giá, vì bà không có cách nào cho họ người chồng khác. Cho dù lòng bà đau đớn vì nhớ về các con trai, nhưng bà bảo họ tìm chồng khác. Sau đó, họ ôm hôn và khóc với nhau. Thật là một cảnh cảm động – Ba góa phụ khóc với nhau, mỗi người chuẩn bị đi con đường riêng.

          Khi hai góa phụ trẻ nói rằng họ sẽ đi với bà, Naomi nói: “Hãy trở về, các con gái ơi; tại sao các con đi với ta? Trong tử cung ta còn có các con trai để có thể trở nên chồng của các con sao? Hãy trở về, các con gái ơi, hãy đi – vì ta quá già không thể có chồng. Nếu ta nói ta có hy vọng, nếu ta có chồng ngay tối nay và cũng sinh các con trai, các con có chờ cho đến khi chúng lớn không?” (Ruth 1: 11-13). Theo Cựu Ước, anh em của người chồng đã chết phải tiếp nhận vợ của người ấy như vợ của chính mình và nuôi nấng con cái theo tên của người ấy (Phục 25: 5). Naomi đã quá tuổi sinh nở, và cho dù có thể kết hôn và có con, Orpah và Ruth có thể chờ cho đến khi các con bà đủ lớn để kết hôn không? Tất nhiên là không. Đây là điều Naomi muốn nói. Hơn nữa, họ là khách lạ đối với Israel và sẽ bị đối xử như vậy ở Israel. Tương lai của Orpah và Ruth sẽ như thế nào nếu họ trở về Israel với Naomi? Vì vậy, Naomi khuyên họ trở về gia đình mình, cho dù điều đó có nghĩa là Naomi sẽ bị để lại một mình.

          Một lần nữa, Naomi đề cập đến Chúa: “Ta rất đau buồn cho các con vì tay của Chúa đã vươn ra nghịch lại ta” (Ruth 1: 13). Naomi nhận ra rằng bàn tay xử lý của Chúa đã nghịch lại bà. Gia đình bà đã lìa khỏi Bethlehem, và bà đã chịu nổi khổ mất chồng và các con trai. Bà đã kinh nghiệm bàn tay kỉ luật của Chúa, nhưng bà không thể hiện bất cứ sự cay đắng nào đối với Chúa. Bà không nói: “Trong sự tể trị khắc nghiệt của Ngài, Chúa đã đẩy ta vượt quá giới hạn chịu đựng và đã đánh hạ ta”. Những người nói như vậy không biết Chúa. Sau nhiều năm Chúa xử lý, nhân tính của Naomi biểu lộ một điều gì đó rất thuộc linh. Bà đặt nhu cầu của các con dâu lên trên nhu cầu của chính mình.

BIỂU HIỆN TÍNH THUỘC LINH
QUA MỘT NHÂN TÍNH CAO TRỌNG
          Tôi hi vọng các anh em trẻ tuổi sẽ chú ý đến điều này. Trước hết, Naomi thừa nhận bàn tay của Chúa trong mọi điều xảy đến với bà. Sau đó, bà vận dụng mối quan tâm chân thật đối với người khác và triển lãm một nhân tính cao trọng. Chúng ta phải có một tấm lòng như vậy, luôn luôn tìm kiếm điều tốt lành cho người khác. Nếu một anh em yếu đuối, chúng ta phải xem xét làm thế nào chúng ta có thể làm vững mạnh người ấy. Nếu một chị em lạnh lẽo đối với Chúa, chúng ta phải tranh đấu để tìm cách giúp chị yêu Chúa. Nếu chúng ta chỉ xét đoán người khác và đặt các đòi hỏi trên họ thì điều này chỉ tỏ sự thiếu hụt trong nhân tính chúng ta. Chúng ta phải học tập từ Naomi, vì thậm chí trong cảnh khốn cùng của mình, bà vẫn chăm lo cho nhu cầu  người khác nhiều hơn nhu cầu của chính mình. Bà đủ trưởng thành để có thể quan tâm tới người khác theo cách như vậy, giao phó chính mình và họ cho Chúa.

          Nếu không biết cách sống một nếp sống không vị kỷ như vậy, chúng ta không bao giờ có thể thuộc linh. Những người thật sự thuộc linh thì sở hữu một nhân tính cao trọng. Sự thuộc linh của chúng ta được biểu hiện qua nhân tính chúng ta. Đôi khi thay vì thương xót, chúng ta lại xét đoán người khác. Hãy xem xét câu chuyện trong tác phẩm Những người khốn khổ (của Victor Hugo) chẳng hạn. Sau khi Valjean ăn cắp đồ của vị linh mục đã đem anh ta về nhà và nuôi ăn, một số người có thể cảm thấy rằng vị linh mục này phải bảo viên sĩ quan đến bắt giữ: “Hãy ném tên vô ơn này vào tù!” Thay vì vậy, ông nói: “Không, đây là quà tôi tặng cho anh ấy. Đây, anh còn quên một giá đỡ nến bạc nữa này. Hãy lấy đi”. Hành động loài người đó đã dẫn đến sự ăn năn của Valjean. Gương mẫu đó rất đáng khen. Sự thuộc linh càng cao trọng được biểu hiện qua nhân tính càng cao trọng. Ngoài một nhân tính đúng đắn, chúng ta thậm chí không nên nói về việc trở nên thuộc linh.

SỰ ĐỒNG HÀNH VÀ CHĂN DẮT
          Orpah hôn mẹ chồng mình, nghĩa là nàng đã nhận lấy lời khuyên của Naomi và ra đi, trong khi Ruth vẫn bám chặt lấy Naomi. Vì Orpah nghĩa là “tươi mới”, và vì tên Ruth chỉ về sự đồng hành và chăn dắt, nên dường như đối với Đức Chúa Trời sự tươi mới không có nghĩa nhiều bằng sự chăn dắt. Nói cách khác, việc vận dụng sự chăn dắt thần thượng của chúng ta có giá trị với Đức Chúa Trời hơn là tình trạng tươi mới của chúng ta.

          Naomi lại khuyên Ruth trở về với chị em bạn dâu của mình, nhưng Ruth rất kiên quyết. Tại sao Naomi để cho Ruth trở về với bà, dù biết Ruth sẽ đối mặt với nhiều nỗi khổ như một người ngoại tộc bị rủa sả? Bất kể nguyên nhân là gì, chắc chắn đó là một sự an ủi đối với Naomi khi có Ruth đồng hành với bà. Ruth nói: “Xin đừng để con lìa xa mẹ, hoặc quay lui khỏi việc đi theo mẹ; vì bất cứ nơi nào mẹ đi, con sẽ đi; và bất cứ nơi nào mẹ cư trú, con sẽ cư trú; dân tộc của mẹ sẽ là dân tộc của con, và Đức Chúa Trời của mẹ sẽ là Đức Chúa Trời của con. Nơi nào mẹ chết, con sẽ chết và được chôn ở đó. Xin Chúa hãy làm như vậy đối với con, và còn hơn nữa, nếu bất cứ điều gì khác ngoài sự chết phân ly mẹ với con” (Ruth 1: 16-17).

BƯỚC THEO NHỮNG NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH HƠN
          Tôi hi vọng những người trẻ giữa vòng chúng ta có thể có tấm lòng để nói một điều như vậy với một người lớn tuổi hơn. Tôi e rằng điều ngược lại thường xảy ra. Hầu hết những người trẻ đều giữ khoảng cách với những người lớn tuổi hơn, càng xa càng tốt. Thay vì nói: “Xin đừng để tôi lìa xa anh”, họ sẽ nói: “Xin hãy lìa xa và đừng quấy rầy tôi nữa”. Nhưng nếu muốn theo Chúa và tăng trưởng cách đúng đắn, chúng ta cần tự gắn bó với một người như Naomi. Những người trẻ tuổi hơn phải công nhận rằng một số người giữa vòng họ trưởng thành hơn trong Chúa, và Đức Chúa Trời của những người lớn tuổi hơn cần trở nên Đức Chúa Trời của họ. Nếu đây là sự nhận thức của họ, thì có lý do chính đáng để hi vọng nơi thế hệ trẻ hơn.

          Khi mới được cứu, tôi có một người lớn tuổi hơn như vậy. Tôi đã quan sát và bước theo anh ấy. Tôi đã học tập nhiều từ anh em đó. Anh ấy là người dạy tôi cách than thở trước mặt Chúa. Sau đó, khi tôi đến một quận khác ở Đài Bắc, tôi đã tiếp xúc với một anh em dẫn dắt ở đó và nói với anh ấy: “Anh ơi, tôi mới chuyển đến đây, và tôi cần ở dưới một người nào đó và học tập từ một người nào đó. Tôi muốn đặt mình ở dưới anh”. Anh ấy chắc hẳn rất vui sướng khi nhìn thấy một người trẻ rơi từ trên trời xuống như vậy. Tôi đã học tập nhiều từ anh ấy. Anh ấy có một đường lối công tác hiệu quả với thiếu nhi, và tôi đã được ích lợi. Tôi đã sử dụng đường lối công tác của anh ấy với thiếu nhi khi đến những nơi khác. Đối với người khác, anh em này có thể không đáng chú ý, nhưng tôi đã nhận được nhiều sự giúp đỡ từ anh ấy. Hãy học tập bước theo và tiếp nhận sự giúp đỡ từ những người lớn tuổi hơn là những người mà Chúa đặt để anh em ở với. Chúng ta cũng phải nhận thức rằng thật không thực tiễn khi bước theo một ai đó sống cách xa chúng ta. Tất cả chúng ta cần một người nào đó mà chúng ta có thể bước theo. Sự quan sát của tôi cho thấy những người từ chối làm như vậy sẽ tranh đấu về mặt thuộc linh và thậm chí có thể trở nên nguồn của sự khó khăn.

          Ở trong nếp sống hội thánh mà không có ai đó để bước theo thì sẽ trở nên một người lang thang. Dẫu hội thánh của anh em có vẻ nghèo nàn đến đâu cũng không thành vấn đề; tôi có thể cam đoan với anh em rằng ít nhất có một người vượt trước anh em về mặt thuộc linh. Đặc biệt là người trẻ phải học tập gắn bó với anh chị em như vậy.

          Đây là cách Ruth bắt đầu theo Chúa – bằng cách theo một chị em lớn tuổi hơn. Tại sao nàng chọn Naomi? Đó là vì đức tin vững chắc của Naomi nơi Jehovah, và vì nhân tính cao trọng mà bà triển lãm. Sự tuyên bố của Ruth quyết đoán biết bao! Nàng tin cậy Đức Chúa Trời của Naomi – Jehovah – sẽ hoàn thành niềm ao ước của nàng và thực hiện lời hứa nguyện của nàng. Ngoài Naomi, Ruth không bao giờ có thể có một sự hiến dâng như vậy. Chính kinh nghiệm của Naomi trong Chúa đã làm cho Ruth có thể theo Ngài cùng một cách. Đức Chúa Trời của Naomi đã hấp dẫn Ruth qua cả nhân tính của Naomi lẫn bằng chứng về bàn tay thành tín của Ngài trên bà.

CHA MẸ THUỘC LINH TRONG NẾP SỐNG HỘI THÁNH
          Tôi hi vọng có nhiều người trưởng thành giống như Naomi giữa vòng chúng ta. Chúng ta cần các cha mẹ nhiều hơn các giáo sư (1 Cor 4: 15). Các giáo sư là những người ban cho anh em sứ điệp, và khi đã làm xong việc họ có thể đi ngủ. Tuy nhiên, cha mẹ sẽ không dễ ngủ vì họ muốn chăm sóc con cái vượt quá khả năng hoặc phương tiện của họ. Chúng ta phải xin Chúa ban cho chúng ta những bậc cha mẹ như vậy trong nếp sống hội thánh. Cha mẹ luôn luôn lo lắng để xem con cái có tăng trưởng tốt không. Sự can thiệp của cha mẹ như vậy dẫn đến sự đau đầu cho cả cha mẹ lẫn con cái. Điểm chính yếu là: trong nếp sống hội thánh, chúng ta không nên ở một mình. Chúng ta phải có ai đó chăm sóc chúng ta, và chúng ta cũng phải chăm sóc ai đó.

KINH NGHIỆM ĐẤNG TOÀN TÚC QUA SỰ GIAN KHỔ
Sau khi Ruth đưa ra quyết định, Naomi ngừng cố gắng khuyên can nàng, và họ trở về Bethlehem cùng với nhau. Thật là một cuộc hồi hương dịu ngọt! Cuối cùng họ đã trở về kho thực phẩm. Cả thành phố bị khuấy động bởi sự trở về của Naomi (Ruth 1: 19). Một số người nữ nói: “Naomi đây sao?” Có lẽ họ không thể tin người quen biết cách đây nhiều năm này lại có thể thay đổi nhiều như vậy bởi tuổi tác và gian khổ. Bà đáp lại: “Đừng gọi tôi là Naomi (vui vẻ). Hãy gọi tôi là Mara (cay đắng), vì Đấng Toàn Năng đã xử lý tôi cách rất cay đắng. Tôi đã ra đi đầy dẫy và Chúa đã đem tôi về lại nhà trống không. Tại sao các chị lại gọi tôi là Naomi, vì Chúa đã làm chứng nghịch lại tôi, và Đấng Toàn Năng đã làm tôi khổ sở?” (Ruth 1: 20 – 21). Đây là dấu hiệu thêm nữa về sự trưởng thành của bà. Bà nhận thức rằng bà không còn sở hữu bất cứ điều gì, mọi điều trước đây bà có, đã mất rồi. Vì điều này, bà không còn tin cậy nơi chính mình nữa. Bà không chỉ biểu lộ nhân tính cao trọng và công bố Jehovah, mà còn có sự nhận thức sâu xa rằng bà không có gì để khoe khoang.

Lời chứng của bà là Đức Chúa Trời là Đấng Toàn Túc (shaddai trong Ruth 1: 20-21, mặc dù được dịch là “Đấng Toàn Năng”, nhưng từ Hebrew lại nhấn mạnh rằng Ngài là Đức Chúa Trời cung ứng cách phong phú). Mọi điều khác bà nương dựa và hi vọng đều bị tước mất, nhưng Đức Chúa Trời đã thành tín để cung ứng cho bà. Bà không có gia tài hay phần chia gì trong miền đất tốt lành. Mọi điều bà có là một người nữ thuộc dân tộc bị rủa sả đồng hành với bà. Lời chứng của bà là tình trạng của bà không còn vui vẻ nữa mà là cay đắng. Nhưng nếu anh em hỏi thêm, bà sẽ tiếp tục nói “Chúa vẫn luôn thành tín”. Tình trạng của bà dường như vô vọng, nhưng bà nhận thức rằng Đức Chúa Trời là Đấng Toàn Túc.

Đôi khi, chúng ta không hiểu Đức Chúa Trời cung ứng cho chúng ta như thế nào, nhưng chúng ta nhận thức rằng mình đã được cung ứng. Bên ngoài, dường như chúng ta đã mất mát thay vì có được. Nhưng bên trong, chúng ta nhận thức rằng chúng ta đã có được một điều gì đó giữa mọi sự mất mát. Đó không phải là con đường suôn sẻ hay dễ chịu, và chúng ta nhận biết cách sắc bén về những điều đã bị lấy khỏi chúng ta. Tuy nhiên, trong tình trạng này, chúng ta có thể làm chứng rằng Chúa thật sự là Đấng Toàn Túc. Ngài không chỉ là Đấng Toàn Năng có thể làm những điều vĩ đại cho chúng ta, mà Ngài còn là toàn túc trong những gì Ngài trở nên cho chúng ta. Chúng ta đã đi ra đầy dẫy và bây giờ trở về trống không, nhưng trong mọi điều này, Chúa đã chứng tỏ chính Ngài cho chúng ta, và chính Ngài đã trở nên tài sản của chúng ta .

Tôi tin rằng những người đã đạt được một điều gì đó trong thế giới có thể đầy dẫy những thành tựu và những điều khác, nhưng họ không thể biết Đức Chúa Trời như Đấng Toàn Túc của họ. Khi có được một số thành công, họ có thể kinh nghiệm một loại thỏa mãn nào đó, thậm chí là về việc được đầy dẫy. Nhưng sau nhiều năm, tôi tin rằng mọi điều đó bị vạch trần là trống rỗng. Sau bốn mươi năm làm việc cho một công ty, những công nhân về hưu với một bữa tiệc và một chiếc đồng hồ vàng. Họ đã bước vào công ty với đầy tham vọng và hi vọng, và họ ra đi trắng tay, đặc biệt nếu họ không có Chúa. Nhưng Naomi nói: “Tôi đã ra đi đầy dẫy, và Chúa đã đem tôi về lại nhà trống không. Tại sao các chị lại gọi tôi là Naomi, vì Chúa đã làm chứng nghịch lại tôi, và Đấng Toàn Năng (hoặc Đấng Toàn Túc) đã làm tôi khổ sở?” (Ruth 1: 21). Vì Đức Chúa Trời là Đấng Toàn Túc, nên Ngài cung cấp cho anh em khi Ngài kỉ luật và tước bỏ anh em. Sự xử lý của Ngài có thể dường như khắc nghiệt trong những điều Ngài ban cho và lấy đi, nhưng chính Ngài sẽ trở nên nguồn cung ứng của anh em trong diễn trình đó./.