Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2012

Tầm Quan Trọng Của Sự Xét Đoán


10480eac3572e59

Hầu như không có gì khác phơi bày thật rõ ràng nỗi sợ hãi và tình trạng mơ hồ của con người như là quãng đường mà họ sẽ đi để che giấu cái tôi của mình khỏi người khác và ngay cả khỏi con mắt của chính mình.

Hầu hết tất cả mọi người, từ thời thơ ấu cho đến lúc qua đời, sống đằng sau một tấm màn mờ đục, chỉ bước ra khỏi đó một chút khi bị ép buộc bởi một cú sốc tình cảm nào đó và rồi lại rút lui vào chỗ ẩn nấp với tốc độ nhanh nhất. Kết quả của sự che đậy cả đời này nằm ở chỗ con người hiếm khi biết những hàng xóm của họ thực sự là ai, và còn tệ hơn nữa, sự ngụy trang đó hoàn hảo đến độ họ cũng không còn nhận biết chính mình.



Tự Nhận biết mình là điều tối quan trọng đối với chúng ta trong sự tìm cầu Ðức Chúa Trời và sự công bình của Ngài,

tức là chúng ta nằm dưới một bổn phận nặng nề là phải thực hiện ngay bất cứ gì cần thiết để cất bỏ sự trá hình của mình và cho phép cái tôi thực sự của chúng ta được phơi bày. Ðó là một trong số những bi kịch lớn nhất trong tôn giáo đến độ quá nhiều người trong chúng ta nghĩ quá cao về chính mình; và sự tự hâm mộ chính bản thân đã đóng kín tấm lòng một cách hiệu quả và đẩy ra ngoài bất cứ nỗ lực khám phá nào của những phương thuốc cho tình trạng suy đồi tâm linh.Nhưng chỉ những người nào biết mình đau bệnh mới tìm đến bác sĩ.

Bây giờ, tình trạng đạo đức và thuộc linh thật của chúng ta chỉ có thể được vạch trần bởi Thánh Linh và bởi Lời Chúa. Lời phán xét cuối cùng dành cho tấm lòng thuộc về Ðức Chúa Trời. Lời Chúa dạy chúng ta không dám phán xét người khác (Ma-thi-ơ 7:1-5), và cũng bởi đó mà chúng ta không nên cố phán xét chính mình (I Cô-rinh-tô 4:3). Sự phán xét cuối cùng thuộc về Ðấng có đôi mắt như lửa và là Ðấng thấy mọi việc làm, mọi tư tưởng của con người. Tôi thật vui mừng để Lời cuối cùng cho Ngài.

Tuy nhiên, có một chỗ cho sự tự xét đoán mình và là một nhu cầu thực sự mà chúng ta cần tập luyện (I Cô-rinh-tô 11:31-32). Khi chúng ta không được trọn vẹn cho lắm và tự xét đoán thì hầu như là không toàn hảo, thì lý do tốt nhất là để Thánh Linh làm việc với chúng ta trong sự xét đoán chính mình, và trong sự nhơn từ của Ngài sẽ đưa chúng ta vào trật tự trên phương diện thuộc linh tức là chúng ta có thể thực hiện những sửa đổi như hoàn cảnh đòi hỏi. Việc Ðức Chúa Trời biết rõ chúng ta là một điều chắc chắn (Thi thiên 139:1-6). Cái còn lại cho chúng ta là chúng ta phải biết chính mình chính xác đến mức độ có thể được. Vì lý do này, tôi đưa ra vài quy luật cho sự tự khám phá; và nếu kết quả không nhận được theo những gì chúng ta mong ước, thì chúng ít nhất cũng tốt hơn là không có gì cả. Chúng ta có thể được nhận biết bởi những điều dưới đây:

1. Những điều chúng ta mong muốn nhất. Chúng ta phải yên lặng, nhớ lại những tư tưởng của mình, chờ đợi sự náo động trong lòng chúng ta lắng xuống, và khi đó lắng nghe thật kỹ tiếng nói yếu ớt của sự khao khát. Hãy hỏi lòng mình, "Ngươi muốn điều gì nhất trên thế giới này?" Hãy bỏ qua những câu trả lời thông thường. Hãy nhấn mạnh vào câu trả lời thật, và khi bạn đã nghe được nó, bạn sẽ biết bạn thuộc loại người gì.

2. Những điều chúng ta nghĩ đến nhiều nhất. Những nhu cầu của cuộc sống buộc chúng ta phải suy nghĩ về nhiều điều, nhưng vấn đề ở đây là những gì chúng ta nghĩ đến một cách tự nguyện. Những tư tưởng của chúng ta sẽ xoay quanh kho báu bí mật của lòng mình, và bất luận điều đó là gì thì cũng sẽ tiết lộ bản chất của chúng ta. "Của cải ngươi ở đâu, thì lòng ngươi cũng ở đó."

3. Chúng ta sử dụng tiền của mình như thế nào. Một lần nữa chúng ta phải bỏ qua những vấn đề mà chúng ta không hoàn toàn tự do khỏi nó. Chúng ta phải đóng thuế và đáp ứng nhu cầu cuộc sống chính mình và gia đình. Ðiều đó rất thông thường và chỉ cho chúng ta biết chút đỉnh về chính mình. Nhưng bất cứ cái gì mà đồng tiền đã được bỏ ra để thực hiện theo như điều chúng ta muốn - điều đó thực sự sẽ nói với chúng ta rất nhiều.

4. Chúng ta làm gì trong lúc rảnh rỗi. Một khoảng lớn thời gian của chúng ta đã được nói đến là dùng để giải quyết những nhu cầu cấp bách của cuộc sống văn minh, nhưng chúng ta vẫn còn một số thời gian rảnh. Việc chúng ta làm gì với nó là điều rất quan trọng. Hầu hết mọi người lãng phí nó bằng cách dán mắt vào ti vi, nghe đài, đọc những tờ báo rẻ tiền hay ngồi đàm tếu sáo rỗng. Việc tôi làm gì với cái tôi của mình tiết lộ tôi thuộc loại người nào.

5. Người bạn mà chúng ta yêu thích. Có một định luật của sự thu hút mang tính chất đạo đức vốn lôi kéo mỗi người vào cái xã hội giống với bản thân anh ta nhất. "Khi chúng đã thả ra, hai người đến cùng anh em mình" (Công vụ 4:23). Chúng ta đi đâu khi chúng ta được tự do đi tới nơi mà chúng ta muốn là một bảng liệt kê tính cách gần như không thể sai lầm được.

6. Chúng ta thán phục ai và thán phục cái gì. Tôi đã nghi ngờ từ lâu rằng một số lớn những Cơ Ðốc nhân Tin Lành, xem ra thì ổn định dưới áp lực quan điểm của hệ phái họ, lại có sự thán phục vô hạn, nếu cần phải bí mật, đối với cái thế giới này. Chúng ta có thể biết được tình trạng thật của tâm trí mình bằng cách kiểm tra những điều làm chúng ta thán phục mà chưa được bộc lộ ra. Nước Y-sơ-ra-ên thường thán phục, ngay cả ghen tị với những quốc gia ngoại giáo quanh họ, và vì thế họ quên đi sự nhận làm con nuôi, sự vinh hiển, giao ước, luật pháp, lời hứa và các tổ tiên. Thay vì trách móc dân Y-sơ-ra-ên, chúng ta hãy nhìn lại mình.

7. Chúng ta cười cái gì. Không một ai có lòng quan tâm thỏa đáng đến sự khôn ngoan của Ðức Chúa Trời lại tranh luận rằng cười là sai, vì tính hài hước là một thành phần cố hữu trong bản chất phức tạp của chúng ta. Thiếu đi sự hài hước chúng ta rơi vào tình trạng thiếu nhân tính khỏe mạnh. Nhưng bài kiểm chúng ta đang thực hiện đây không phải ở chỗ chúng ta có cười hay không, nhưng là chúng ta cười cái gì. Có một số điều nằm ngoài lĩnh vực hài hước thuần túy. Không một Cơ Ðốc nhân kính sợ Chúa nào lại thấy sự chết, sự ra đời hay tình yêu là khôi hài, buồn cười. Không một người nào đầy dẫy Thánh Linh lại có thể đưa mình vào chỗ cười cợt Kinh Thánh, hay Hội Thánh mà Ðấng Christ đã mua bằng chính huyết của mình, hoặc lời cầu nguyện, sự công chính, nỗi đau buồn, khổ sở của con người. Và chắc chắn không một người nào đã từng ở trong sự hiện diện của Ðức Chúa Trời lại có thể cười cợt trước một câu chuyện liên quan đến Ðức Chúa Trời.

Ðây là một số ít những bài kiểm tra. Một Cơ Ðốc nhân khôn ngoan sẽ tìm thấy nhiều bài kiểm khác nữa.

 Thẩm quyền Đấng Christ Bị Hạ Thấp Trong các Hội Thánh



Đây là một gánh nặng của lòng tôi; và khi nói rằng nó là của tôi, tôi cũng cảm thấy rằng đây là gánh nặng của Thánh Linh. Nếu tôi biết rõ lòng mình, thì chính bởi tình yêu thương đã thúc đẩy tôi viết nên điều này. Điều tôi viết ở đây không phải là hơi men chua chát của một tâm trí bị kích động bởi những sự cãi lẫy với các anh em Cơ Đốc của mình. Hoàn toàn không có một sự cãi lẫy nào cả. Tôi cũng không hề bị lạm dụng, đối xử tệ bạc, hay tấn công bởi bất cứ ai. Hay những khám phá này cũng không phải xuất phát từ những kinh nghiệm không mấy dễ chịu mà tôi đã trải qua trong giao tiếp với những người khác. Các mối quan hệ của tôi với Hội Thánh mình, cũng như với các Cơ Đốc nhân của các hệ phái khác đều rất tốt, nhã nhặn và thú vị. Nỗi khổ của tôi chỉ đơn giản là hậu quả của một tình trạng mà tôi tin là hầu như hoàn toàn phổ biến giữa các Hội Thánh.

Tôi cũng nghĩ rằng tôi nên nhìn nhận chính mình liên quan rất nhiều đến tình trạng mà tôi lấy làm tiếc ở đây. Như E-xơ-ra trong lời cầu thay đầy quyền năng của mình cũng đã gộp cả chính mình với những người làm sai, tôi cũng thế. “Ôi, Đức Chúa Trời tôi! Tôi hổ ngươi thẹn mặt, chẳng dám ngước mặt lên Ngài, là Đức Chúa Trời tôi; vì gian ác chúng tôi đã thêm nhiều quá đầu chúng tôi, và tội chúng tôi cao lớn tận trời” (9:6). Bất cứ lời lẽ mạnh mẽ nào nói ra ở đây chống lại những người khác thì cũng phải chân thật mà đổ lại trên đầu tôi. Tôi cũng đã phạm lỗi. Điều này được viết lên với hy vọng rằng tất cả chúng ta có thể quay trở lại với Đức Chúa Trời và không còn phạm tội chống lại Ngài nữa.

Hãy để tôi nói rõ nguyên nhân của gánh nặng lòng mình. Chính là thế này: Ngày nay, Đức Chúa Jêsus Christ không còn quyền hành gì giữa những nhóm tự gọi chính họ bằng danh Ngài. Nói điều này, tôi không có ý ám chỉ Công Giáo La Mã hay những người theo chủ nghĩa tự do, hay những giáo phái tưởng như là Cơ Đốc, nhưng tôi muốn nói đến các Hội Thánh Tin Lành nói chung. Một giáo lý nền tảng của Tân Ước là sau khi Đức Chúa Jêsus sống lại, Con Người Jêsus đã được Đức Chúa Trời tuyên bố vừa là Chúa, vừa là Christ, và Ngài đã được Đức Chúa Cha ban cho quyền tể trị tuyệt đối trên hết thảy Hội Thánh, vốn là Thân Thể Ngài. Tất cả bính quyền thuộc về Ngài cả trên trời và dưới đất. Trong thời điểm thích hợp của riêng Ngài, Ngài sẽ sử dụng nó hết mực, nhưng trong suốt thời kỳ này của lịch sử, Ngài cho phép thẩm quyền của Ngài bị phủ nhận hay làm ngơ. Và ngay bây giờ nó đang bị thách thức bởi thế giới này, đồng thời cũng bị Hội Thánh làm ngơ.

Vị trí hiện tại của Đấng Christ trong các Hội Thánh Tin Lành có thể ví như vị trí của một nhà vua trong một chế độ quân chủ lập hiến có giới hạn. Vị vua (đôi lúc bị biểu tượng hóa bởi khái niệm “Vương Miện”) ở trong một nước như thế chẳng khác nào một điểm tập hợp truyền thống, một biểu tượng thú vị của sự thống nhất và lòng trung thành, thật giống như lá cờ hay bài quốc ca. Ông vua ấy được người ta tán dương, ca ngợi và chu cấp mọi điều, nhưng thẩm quyền thực sự thì rất nhỏ bé. Trên danh nghĩa, ông đứng đầu tất cả, nhưng trong mỗi cơn khủng hoảng, một ai khác quyết định thay. Trong những dịp quan trọng, ông xuất hiện với bộ áo hoàng gia để đọc bài diễn văn vô vị, tẻ nhạt được đặt vào trong miệng ông bởi những người cầm quyền thực sự của đất nước. Tất cả điều này chính là sự giả vờ tốt bụng, nhưng nó đã bắt đầu từ đời xưa - nó thật có nhiều trò vui và không ai muốn bỏ sang bên.

Giữa vòng các Hội Thánh Tin Lành, Đấng Christ trên thực tế ngày nay còn nhỏ bé hơn cả một biểu tượng được yêu mến. “Ngợi danh Jêsus rất oai quyền” là bài quốc ca của Hội Thánh và thập tự giá là lá cờ chính thức của Hội Thánh, nhưng trong những buổi thờ phượng hàng tuần, và hành vi hàng ngày của các thành viên Hội Thánh, một ai khác, chứ không phải Đấng Christ, đưa ra các quyết định. Trong những hoàn cảnh thích hợp, Đấng Christ đã được phép lên tiếng, “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta” hay: “Lòng các ngươi chớ hề bối rối”, nhưng khi bài giảng chấm dứt, một người khác đến kiểm soát. Những người có thẩm quyền thực sự quyết định các tiêu chuẩn đạo đức của Hội Thánh, cũng như tất cả các mục tiêu và tất cả các phương pháp được sử dụng để đạt đến chúng. Vì cớ sự tổ chức lâu dài và quá tỉ mỉ, nên bây giờ việc một mục sư trẻ nhất vừa tốt nghiệp trường thần học thực chất có thẩm quyền trên Hội Thánh nhiều hơn Đức Chúa Jêsus có là điều hoàn toàn có thể.

Không chỉ Đấng Christ có ít hay không có thẩm quyền; mà ảnh hưởng của Ngài trên Hội Thánh cũng ngày càng giảm đi. Tôi không nói rằng Ngài không có chút ảnh hưởng nào, nhưng chỉ là có ít và đang giảm dần đi. Một so sánh khá thú vị đó là cũng giống như ảnh hưởng của Apraham Lincoln lên người Mỹ. Burrows Abe vẫn là thần tượng của đất nước. Những cái giống ông: gương mặt vất vả, giản dị đến độ được coi là đẹp, xuất hiện khắp nơi. Thật rất dễ mà trở nên ủy mị vì ông. Trẻ em được lớn lên trong những câu chuyện về tình yêu, sự thành thật và khiêm nhường của ông. Nhưng sau khi chúng ta đã nắm quyền điều khiển trên những cảm xúc tế nhị của mình, chúng ta đã rời bỏ cái gì? Chẳng có gì khác hơn là một gương tốt, như nó lùi xa về quá khứ, vốn đang ngày càng trở nên phi thực tế và ảnh hưởng ngày càng suy yếu đi. Mỗi tên côn đồ luôn sẵn sàng chộp lấy cái áo khoác đen và dài bên ngoài ông Lincoln. Trong ánh sáng lạnh lẽo của những sự kiện chính trị tại Mỹ, các chính trị gia thường đề cập đến Lincoln như một trò đùa cay độc.

Uy quyền của Đức Chúa Jêsus không hoàn toàn bị lãng quên giữa vòng các Cơ Đốc nhân, nhưng nó đã bị hạ xuống ngang bằng với bài thánh ca, nơi mà tất cả những trách nhiệm hướng về nó có thể bị hủy bỏ cách thoải mái trong luồng ánh sáng rực rỡ của cảm xúc tôn giáo dễ chịu. Hay nếu nó được dạy như là một lý thuyết trong phòng học, nó hiếm khi được áp dụng một cách thực tế trong cuộc sống. Ý tưởng Con Người Jêsus Christ có uy quyền tối hậu và tuyệt đối trên toàn Hội Thánh và trên tất cả những thành viên của Hội Thánh trong từng chi tiết của cuộc sống họ ngày nay đơn giản là không được chấp nhận là đúng bởi hàng ngũ các Cơ Đốc nhân Tin Lành.

Đây là điều mà chúng ta phải làm: Chúng ta chấp nhận Cơ Đốc giáo của hệ phái chúng ta như là cái giống hệt với Cơ Đốc giáo của Đấng Christ và các sứ đồ Ngài. Những niềm tin, những thông lệ, những lối xử thế đạo đức, các hoạt động của nhóm chúng ta được coi là ngang bằng với Cơ Đốc giáo của Tân Ước. Bất luận hệ phái suy nghĩ hay nói gì, hay liệu nó có phù hợp với Thánh Kinh hay không, không một ai nghi vấn cả. Ta cho rằng tất cả những mong muốn của Chúa nơi chúng ta là chúng ta bận rộn với các hoạt động của hệ phái mình. Làm như thế là chúng ta vâng giữ những mạng lệnh của Đấng Christ.

Để tránh đòi hỏi tất yếu của việc hoặc là vâng lời hoặc là chống lại những sự dạy dỗ rõ ràng của Chúa chúng ta trong Thánh Kinh Tân Ước, chúng ta tránh né bằng cách lý giải tùy tiện những điều đó. Lý lẽ ngụy biện không phải là cái chỉ thuộc về những nhà thần học Công Giáo La Mã mà thôi. Những người Tin Lành chúng ta cũng biết làm thế nào để tránh né mũi nhọn của sự vâng lời bằng các phương tiện của những lời giải thích tinh vi và phức tạp. Những điều này là hoàn toàn thích hợp với xác thịt. Chúng ngụy biện cho sự không vâng lời, thỏa mãn cái nhục dục và khiến cho Lời của Đấng Christ trở nên vô hiệu. Và cốt lõi của vấn đề là ở chỗ Đấng Christ đã không được hiểu theo đúng ý nghĩa của những gì Ngài đã phán. Những sự dạy dỗ của Ngài được chấp nhận ngay cả về mặt lý thuyết chỉ sau khi chúng bị làm cho suy yếu đi bởi sự giải thích theo ý riêng. Nhưng Đấng Christ được nghĩ đến bởi con số ngày càng nhiều những người “có vấn đề” và Ngài được tìm kiếm bởi những con người muốn có sự bình an trong tâm trí. Ngài được giới thiệu rộng rãi như một chuyên gia tâm lý thuộc linh với những quyền năng đáng kể để loại bỏ khó khăn ra khỏi con người. Ngài có thể giải phóng họ khỏi những phức tạp của tội lỗi và giúp họ tránh được nhiều tổn thương tâm lý bằng cách tạo nên một sự điều chỉnh êm ái và dễ dàng cho xã hội và cho những xung đột bản năng của họ. Dĩ nhiên, Christ lạ lùng này lại chẳng liên quan gì đến Đấng Christ của Thánh Kinh Tân Ước. Đấng Christ thật cũng chính là Đức Chúa Trời, còn Christ hay làm ơn kia thì thấp kém hơn cả một đầy tớ của dân sự.
Nhưng tôi nghĩ tôi cần phải đưa ra một bằng chứng mạnh mẽ nào đó để bảo vệ ý kiến của mình về vấn đề Đấng Christ có ít hoặc không có chút thẩm quyền nào giữa vòng các Hội Thánh ngày nay. À, tôi sẽ đặt một vài câu hỏi, và câu trả lời sẽ là bằng chứng.

Ban trị sự Hội Thánh có tra cứu đến Lời của Chúa chúng ta trong khi thảo luận để quyết định các vấn đề không? Những ai đã từng là thành viên của ban trị sự Hội Thánh khi đọc đến đây hãy cố nhớ lại xem đã bao nhiêu lần, hay đã từng có lần nào một thành viên nào đó trong ban trị sự đọc Lời Kinh Thánh lên rồi quyết định, hay có khi nào một người chủ tọa đề nghị những anh em của mình nên xem xét những Lời dạy dỗ của Chúa dành riêng cho họ trên một vấn đề đặc biệt nào đó. Các cuộc họp ban trị sự thường có một thói quen là mở đầu một cuộc họp bằng lời cầu nguyện hay cả một “mùa cầu nguyện”; sau đó thì chủ tọa Hội Thánh ngồi im lặng với vẻ tôn trọng trong khi những người cầm đầu thực sự khác lên tiếng. Những ai phủ nhận điều này sẽ đưa ra bằng chứng bác bỏ nó. Tôi sẽ rất vui được nghe!

Ban Trường Chúa Nhật có chạy đến với Lời Chúa để tìm kiếm sự dẫn dắt không? Có phải những thành viên lúc nào cũng giả định rằng họ đã biết hết tất cả những gì họ phải làm và rằng vấn đề duy nhất của họ là tìm kiếm một phương tiện hiệu quả để thực hiện nó không? Kế hoạch, phép tắc, “sự vận hành” và những kỹ thuật mang tính phương pháp chiếm hết thời gian và sự chú ý của họ. Lời cầu nguyện trước buổi họp là để xin sự giúp đỡ thánh để tiến hành những kế hoạch của họ. Rõ ràng là ý tưởng “Đức Chúa Trời sẽ bày tỏ cho họ” chẳng bao giờ tiến sâu vào đầu họ được.

Có ai nhớ lại một cuộc họp nào mà người chủ tọa cầm Kinh Thánh mình đặt lên bàn với mục đích là sẽ dùng nó không? Các biên bản, các quy tắc, quy luật của trật tự thì “phải”. Còn những mạng lệnh thánh của Đức Chúa Trời thì “không”! Một sự phân cách tuyệt đối tồn tại giữa thời gian cầu nguyện và cuộc họp bàn công việc. Cái đầu tiên chẳng có liên quan gì đến cái thứ hai.
Ban Chứng Đạo đã thực sự tìm kiếm điều gì để làm theo sự dẫn dắt của Chúa từ nơi Lời Ngài và từ Thánh Linh? Tất cả họ nghĩ là họ làm như thế, nhưng điều mà họ thực sự làm là khoác cái vẻ ngoài thuộc về Kinh Thánh cho những mục đích của mình và rồi kêu gọi sự giúp đỡ tìm kiếm những phương cách để đạt được chúng. Họ có thể cầu nguyện suốt cả đêm với Chúa để Ngài mang thành công đến cho công việc của họ, nhưng Đấng Christ được trông mong như là một người giúp đỡ chứ không phải là Chúa của họ. Các phương tiện thuộc con người được nghĩ ra để đạt những mục đích được cho là thiêng liêng. Những điều này rắn lại thành các chính sách, kế hoạch, và sau đó chẳng còn có lấy một chỗ nào cho ý muốn của Đức Chúa Trời.

Trong hành vi của sự thờ phượng chung của chúng ta, thẩm quyền của Đấng Christ được tìm thấy ở đâu? Sự thật là ngày nay Đức Chúa Trời hiếm khi điều khiển một buổi thờ phượng, và ảnh hưởng của Ngài rất là nhỏ bé. Chúng ta hát về Ngài, và giảng về Ngài, nhưng Ngài không được can dự vào; chúng ta thờ phượng theo cách của chúng ta, và nó ắt hẳn phải đúng vì lúc nào chúng ta cũng làm như thế, như là những Hội Thánh khác trong hệ phái chúng ta cũng làm! Cơ Đốc nhân nào khi đối diện với một vấn đề đạo đức liền chạy ngay đến Bài Giảng Trên Núi hay các phần Kinh Thánh Tân Ước khác để tìm lời đáp có thẩm quyền vững chắc? Ai căn cứ vào Lời của Đấng Christ để quyết định việc dâng hiến, kế hoạch hóa gia đình, việc nuôi sống một gia đình, các thói quen cá nhân, dâng phần mười, giải trí, mua sắm, bán buôn và những vấn đề quan trọng đại loại?

Trường thần học nào, từ Viện Kinh Thánh nhỏ bé trở lên, có thể tiếp tục duy trì nếu nó phải đặt để Chúa Jêsus lên trên mọi chính sách của mình? Có thể có một vài, và tôi hy vọng là có, nhưng tôi tin là tôi đúng khi nói rằng những trường như vậy mà còn hoạt động bị buộc phải chấp nhận những thủ tục vốn không có chỗ nào trong Kinh Thánh chứng minh là đúng. Vì thế chúng ta có sự dị thường kỳ cục này: Thẩm quyền của Đấng Christ bị lờ đi với mục đích là để duy trì được một trường học, nơi đó dạy về thẩm quyền của Đấng Christ bên cạnh những điều khác.

Những nguyên nhân đằng sau sự giảm sút thẩm quyền của Chúa chúng ta thì có rất nhiều. Tôi chỉ nêu ra hai điều mà thôi.

Một là sức mạnh của tập quán, tiền lệ và truyền thống trong vòng những nhóm tôn giáo già cỗi hơn. Những cái này giống như lực hút ảnh hưởng lên từng mảnh nhỏ của thói quen tôn giáo trong nhóm, sử dụng một áp lực ổn định và liên tục theo một hướng. Dĩ nhiên đó là hướng đi dẫn về những điều giống hệt tình trạng trước đó. Không phải Đấng Christ nhưng là tập quán là chủ trong hoàn cảnh này. Và điều đó đã chuyển sang (có thể với mức độ thấp hơn một ít) những nhóm khác giống như Hội Thánh Phúc Âm Toàn Vẹn, Hội Thánh Thánh Khiết, Hội Thánh Ngũ Tuần, những Hội Thánh chính thống cùng với nhiều Hội Thánh độc lập và phi hệ phái khác được tìm thấy khắp nơi ở lục địa Bắc Mỹ.

Nguyên nhân thứ hai là sự trở lại của thuyết duy lý trong vòng những người Tin Lành. Điều này, nếu tôi cảm nhận đúng tình trạng đó, không phải là một khao khát học hỏi nhưng là một mong ước được nổi tiếng bởi đã học cao. Vì cớ nó, những người tốt, vốn phải biết nhiều hơn, bị đặt vào vị trí phải cộng tác với kẻ địch.

Tôi sẽ giải thích.
Ngày nay, niềm tin Phúc Âm của chúng ta (cái mà tôi tin là đức tin thật nơi Đấng Christ và các sứ đồ Ngài) đang bị tấn công từ nhiều hướng khác nhau. Trong thế giới phương Tây, kẻ thù đã từ bỏ bạo lực. Hắn không chống lại chúng ta bằng gươm và giáo nữa; bây giờ hắn đến bằng nụ cười, mang theo các món quà. Hắn ngước mắt lên trời và thề rằng hắn cũng tin nơi những điều ông cha ta đã tin, nhưng mục đích thực của hắn là thủ tiêu niềm tin đó, hay ít nhất là sửa đổi nó trong một chừng mực nào đó để nó không còn là một điều siêu nhiên như nó đã từng nữa. Hắn đến trong danh nghĩa của triết học, tâm lý học, hay nhân loại học và với sự hợp lý ngọt ngào, hắn thúc đẩy chúng ta suy nghĩ lại vị trí có tính chất lịch sử của chúng ta, trở nên ít cứng rắn hơn, chịu đựng nhiều hơn, hiểu biết rộng hơn.

Hắn nói bằng một biệt ngữ linh thiêng của các trường học, và nhiều trong số những Cơ Đốc nhân được giáo dục nửa chừng của chúng ta sẽ chạy đến và bợ đỡ hắn. Hắn tung các địa vị xã hội không thực tế ra cho những đứa con của các nhà tiên tri, vốn đang tranh giành với nhau như Rockfeller đã thường ném những đồng một hào cho mấy đứa trẻ con nhà tá điền. Những người Tin Lành, với một bằng chứng nào đó, đã bị buộc tội là thiếu sự uyên bác, bây giờ lại nắm bắt những biểu tượng địa vị này với con mắt sáng rỡ, và khi họ có được chúng, họ hiếm khi có thể tin nơi mắt của mình. Họ bước đi loanh quanh, đắm chìm trong sự vô tín, thật giống như người đơn ca của ban hợp ca trong Hội Thánh láng giềng khi cô ta được mời đi hát tại La Scala (3).
Đối với Cơ Đốc nhân thật, bài kiểm tra quan trọng nhất cho chân giá trị đúng đắn và cơ bản của mọi điều mang tính chất tôn giáo phải được đặt vào nơi mà Chúa chúng ta ngự trị. Ngài là Chúa hay là một biểu tượng? Ngài đảm nhận dự án, hay Ngài chỉ là một ban nhóm? Ngài quyết định mọi sự hay chỉ giúp tiến hành các kế hoạch của người khác? Tất cả những hoạt động tôn giáo, từ hành động đơn giản nhất của một Cơ Đốc nhân đơn lẻ cho đến những hoạt động rộng lớn và tốn kém của cả một hệ phái có thể được chứng minh bằng cách trả lời câu hỏi này, “Đức Chúa Jêsus Christ có phải là Chủ trong hoạt động này không?” Liệu công việc của chúng ta sẽ là gỗ, cỏ khô hay rơm rạ mục nát hoặc vàng, bạc hay đá quý trong ngày vĩ đại đó sẽ tùy thuộc vào câu trả lời đúng cho câu hỏi này.

Thế thì, chúng ta phải làm gì? Mỗi người trong chúng ta phải quyết định, và có ít nhất ba lựa chọn. Một là đứng dậy trong cơn thịnh nộ, lòng đầy căm phẫn và buộc tội tôi về sự bố cáo vô trách nhiệm. Hai là gật đầu đồng ý chung chung với những điều đã được viết ra đây nhưng tự an ủi trong ý tưởng, cho rằng có những ngoại lệ và chúng ta đang ở trong những ngoại lệ đó. Ba là hạ mình xuống, khiêm cung mà xưng nhận rằng chúng ta đã làm buồn lòng Thánh Linh và làm ô danh Chúa vì chúng ta vì đã thất bại trong việc trao cho Đức Chúa Jêsus địa vị mà Cha Ngài đã ban cho, là Đầu và Chủ của Hội Thánh.
 A.W.Tozer