“Phước cho những kẻ nhu mì,
vì sẽ hưởng được đất”
(Ma-thi-ơ 5:5)
Ta có thể trình bày chính
xác khái niệm “chủng tộc loài người” với một người hoàn toàn không biết tí gì về
nó bằng cách xoay mặt trái của Các Phước Lành lại, và nói rằng: “Đây là chủng tộc
loài người.” Vì những điều trái ngược với các tiêu chuẩn đạo đức trong Các Phước
Lành chính xác là những đức tính phân biệt đời sống và hành vi của con người.
Trong thế giới loài người,
chúng ta không thấy có điều gì gần với những đức tính Đức Chúa Jêsus đã nói
trong Bài Giảng Trên Núi, vốn rất nổi tiếng. Thay vì sự nghèo khó thuộc linh,
chúng ta tìm thấy sự kiêu ngạo; thay vì những người than khóc, chúng ta tìm thấy
những kẻ tìm kiếm trụy lạc; thay vì sự nhu mì, chúng ta tìm thấy sự ngạo mạn;
thay vì sự đói khát công bình, chúng ta nghe con loài người nói, “Ta giàu, ta
nên giàu có rồi, không cần chi nữa”; thay vì lòng nhân từ, chúng ta thấy sự tàn
bạo; thay vì sự tinh sạch của lòng, chúng ta tìm thấy những mơ tưởng đồi bại;
thay vì những người làm cho người khác hòa thuận, chúng ta tìm thấy những con
người hay cự cãi, và đầy căm phẫn; thay vì vui mừng trong nghịch cảnh, chúng ta
thấy họ chống trả lại bằng mọi thứ vũ khí họ có.
Xã hội văn minh được hình
thành trên sự suy đồi đạo đức này. Bầu không khí cũng đóng góp vào đó; chúng ta
hít nó vào, uống nó với dòng sữa mẹ. Văn hóa và giáo dục gạn lọc những điều này
cách hết sức sơ sài, song về căn bản, vẫn chẳng đụng chạm gì đến chúng. Toàn bộ
thế giới văn chương đã được tạo nên để bào chữa cho loại đời sống này, cho rằng
nó rất bình thường. Và còn đáng ngạc nhiên hơn khi thấy rằng chúng là những điều
ác biến cuộc đời chúng ta thành một cuộc chiến cay đắng. Tất cả những nỗi đau
và rất nhiều những căn bệnh thể xác của chúng ta trực tiếp bắt nguồn từ tội lỗi
mình. Sự kiêu căng, ngạo mạn, căm phẫn, mơ tưởng tội ác, hiểm độc, tham lam...
là cội nguồn của những nỗi đau con người, nhiều hơn tất cả những căn bệnh gây
nên trên thể xác.
Những Lời của Đức Chúa
Jêsus cho trần gian này thật rất tuyệt và lạ lùng, một sự thăm viếng từ trên
cao. Đức Chúa Jêsus phán thật sâu sắc, không ai có thể thực hiện nó trọn vẹn cũng
chẳng sao, và thật tốt khi chúng ta lắng nghe. Lời Ngài là cốt lõi của lẽ thật.
Ngài không trình bày một quan điểm; Đức Chúa Jêsus chẳng bao giờ thốt ra các
quan điểm. Ngài chẳng bao giờ suy đoán; Ngài đã biết, và Ngài hiện đang, cũng
như sẽ biết. Lời Ngài chẳng phải những lời Sa-lô-môn đã nói, những lời về sự
khôn ngoan hay kết quả của sự tìm kiếm trung kiên. Ngài phán về sự trọn lành của
Đức Chúa Trời, và Lời Ngài tự nó đã là Chân Lý. Ngài là Đấng duy nhất có thể
nói “phước” với trọn vẹn thẩm quyền, vì Ngài là Đấng đã được Chúc Phước, đến từ
thế giới trên cao để ban phước cho con loài người. Và Lời Ngài luôn kèm theo những
việc làm đầy năng quyền hơn bất cứ điều gì con người thực hiện được trên đất
này. Chúng ta lắng nghe, điều đó là rất khôn ngoan.
Đức Chúa Jêsus rất thường
dùng từ “nhu mì” trong những câu ngắn gọn, và đã không ít lần Ngài giải thích
nó. Trong sách Ma-thi-ơ, Ngài phán với chúng ta về nó nhiều hơn và áp dụng nó
vào đời sống chúng ta. “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta
sẽ cho các ngươi được yên nghỉ. Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy gánh lấy
ách của ta, và học theo ta; thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ. Vì ách ta
dễ chịu, gánh ta nhẹ nhàng” (Ma-thi-ơ 11:28-30). Ở đây, chúng ta có hai thứ đối
lập nhau, một gánh nặng và một sự yên nghỉ. Gánh nặng không có tính cục bộ, đặc
biệt đối với những người nghe lần đầu tiên, bèn là cái mà cả chủng tộc loài người
đã mang vác. Nó không bao hàm sự áp bức chính trị, nghèo khó hay công việc nặng
nhọc. Nó sâu nhiệm hơn những điều đó nhiều. Người giàu, cũng như người nghèo đều
cảm thấy nó, vì gánh nặng là một điều gì đó mà của cải vật chất cũng như sự
nhàn rỗi không bao giờ có thể giúp giải thoát cho chúng ta.
Gánh nặng mà con người mang
vác là một thứ rất nặng nề và đau đớn. Từ mà Đức Chúa Jêsus dùng có nghĩa là “một
gánh nặng được mang hay vác rất cực nhọc đến mức kiệt sức.” Yên nghỉ đơn giản
là thoát khỏi gánh nặng đó. Nó chẳng phải là một việc để chúng ta làm; nó là một
cái gì đó đến khi chúng ta ngừng làm. Sự nhu mì của Chúa chính là sự yên nghỉ.
Chúng ta hãy xem xét gánh nặng
của mình. Tất cả chúng là một cái gì đó ở bên trong. Nó tấn công tấm lòng và
tâm trí, đụng chạm đến thân thể từ bên trong. Trước tiên, có một gánh nặng của
sự kiêu ngạo. Nô lệ cho sự ích kỷ thì thật là nặng nề. Nghĩ về chính bạn xem,
có bao giờ nỗi buồn của bạn lại không dâng lên khi một ai đó nói năng cách
khinh rẻ với bạn không? Bao lâu bạn đặt chính mình lên, giống như một thần tượng
nhỏ mà bạn phải trung thành, sẽ có những người sẵn lòng lăng mạ thần tượng của
bạn. Thế thì khi đó, làm thế nào bạn có được sự bình an trong lòng? Những cố gắng
mãnh liệt của con tim để tự bảo vệ mình khỏi sự coi khinh, để bảo bọc chút danh
giá dễ vỡ của nó khỏi những quan điểm xấu của bạn bè và kẻ thù sẽ chẳng bao giờ
làm cho tâm trí được yên nghỉ cả. Tiếp tục cuộc chiến này qua nhiều năm trường,
rồi thì gánh nặng sẽ trở nên bất kham, không thể chịu đựng nổi. Thế nhưng con
cái của thế gian này đang không ngừng mang vác gánh nặng đó, thách thức mọi lời
nói chống lại họ, nép mình xuống dưới lời phê bình, đau khổ trước sự khinh miệt
võ đoán, trở mình trằn trọc và mất ngủ vì cớ người khác được yêu thích hơn họ.
Một gánh nặng như thế thật
chẳng đáng mang chút nào cả. Đức Chúa Jêsus kêu gọi chúng ta đến với sự yên nghỉ
của Ngài, và sự nhu mì chính là phương cách của Ngài. Một người nhu mì không
quan tâm đến những người to tát, vĩ đại hơn mình, vì từ lâu anh ta đã quyết định
rằng sự tôn trọng của thế giới này chẳng đáng để anh ta nỗ lực đạt được. Anh ta
hướng mình vào chiều kích hài hước, tốt bụng, và học cách nói rằng, “Ồ, thế là
anh đã bị bỏ qua phải không? Người ta đã đặt ai đó lên trước anh à? Họ cũng đồn
rằng anh chỉ là một tên nhãi nhỏ nhoi ư? Và bây giờ anh cảm thấy đau đớn vì thế
giới này đang ầm ĩ về mọi điều anh đã nói về chính anh chăng? Chỉ mới hôm qua
anh thưa với Chúa rằng anh chẳng ra chi cả, chỉ là một con mọt bé tẻo teo. Tính
cứng rắn của anh đâu rồi? Thôi nào, hãy hạ mình xuống, và đừng thèm bận tâm đến
những điều người ta nghĩ nữa.”
Một người nhu mì không phải
là con chuột bị chi phối bởi cảm giác về địa vị thấp hèn của mình. Nhưng trong
đời sống tinh thần của anh ta, anh ta dũng cảm như một con sư tử, và mạnh mẽ
như Sam-sôn; song, anh đã không còn bị lừa về chính mình nữa. Anh tiếp nhận sự
đánh giá của Đức Chúa Trời về chính đời sống anh. Anh biết rằng anh yếu đuối và
vô dụng như những gì Đức Chúa Trời đã tuyên bố về anh, nhưng nghịch lý thay,
anh ta biết rằng cùng lúc đó, trong cái nhìn của Đức Chúa Trời, anh quan trọng
hơn cả các thiên thần. Trong chính mình anh, chẳng là gì cả; song trong Đức
Chúa Trời, là tất cả. Đó chính là phương châm của anh. Anh biết rõ là thế giới
sẽ không bao giờ nhìn anh như Đức Chúa Trời nhìn anh, và anh ta chẳng thèm bận
tâm đến. Anh yên nghỉ cách thư thái, hoàn toàn thỏa lòng để cho Đức Chúa Trời đặt
để nơi anh những giá trị của chính Ngài. Anh ta sẽ kiên nhẫn đợi chờ cái ngày
mà mọi sự đều sẽ được định giá, và giá trị thật của nó sẽ là chính nó. Rồi thì
người công bình sẽ sáng chói vinh quang trong Vương Quốc của Cha họ. Anh ta sẵn
sàng chờ đợi ngày đó.
Trong khi ấy, anh đã có được
một nơi chốn để linh hồn được yên nghỉ. Khi bước đi trong sự nhu mì, anh ta sẽ
vui vẻ để cho Đức Chúa Trời che chở anh. Cuộc tranh chiến quá khứ để tự bảo vệ
mình không còn nữa. Anh đã tìm và gặp được sự bình an mà lòng nhu mì mang đến.
Kế đó, anh ta cũng sẽ được
giải thoát khỏi gánh nặng của sự gian trá. Tôi không có ý nói sự đạo đức giả ở
đây, mà là một dục vọng thông thường của con người để đặt những điều tốt đẹp nhất
ra trước, và che giấu thế giới sự nghèo nàn thật sự bên trong. Tội lỗi đã thực
hiện nhiều cú lừa trên chúng ta, và một trong số đó là cảm giác xấu hổ sai lầm
đang ngấm ngầm ăn sâu vào mỗi chúng ta. Thật hiếm có một người nam hay người nữ
nào dám sống thật với bản chất và những thứ mình có (hay không có) mà không bị
pha trộn bởi cảm giác đó (cảm giác xấu hổ). Nỗi lo sợ bị phát hiện giày vò giống
như loài gặm nhấm đang ở trong lòng họ. Một con người có văn hóa bị ám ảnh bởi
nỗi lo sợ rằng một ngày nào đó, anh ta sẽ phải đụng độ với một người có văn hóa
cao hơn mình. Một con người tri thức lo sợ phải gặp người có nhiều tri thức hơn
mình. Một con người giàu có toát mồ hôi khi lo sợ rằng trang phục, xe cộ, nhà cửa
của anh ta một lúc nào đó sẽ trở nên rẻ mạt khi đem so với một người khác giàu
hơn mình. Cái gọi là “xã hội” bị điều khiển không bởi một động cơ nào khác hơn
động cơ này, và tầng lớp những người nghèo hơn chỉ tốt hơn một tí.
Chúng ta đừng cười. Những
gánh nặng này là thật, và dần dần, chúng giết chết những nạn nhân của phương
cách sống tội lỗi, khác thường đó. Và cái tâm lý loại này, vốn được khởi tạo
trong nhiều năm, đã biến sự nhu mì thật thành một điều vô thực, giống như một
giấc mơ, xa vời như một ngôi sao bé nhỏ. Với tất cả những nạn nhân của căn bệnh
đang gặm nhấm này, Đức Chúa Jêsus phán, “Các ngươi phải nên như đứa trẻ.” Vì cớ
trẻ nhỏ không hề so sánh; chúng nhận được niềm vui trực tiếp từ những gì chúng
có mà không so đo với một thứ nào khác, hay một ai khác. Chỉ khi chúng lớn hơn,
và tội lỗi bắt đầu khuấy động trong lòng chúng khiến cho sự ghen tị và đố kỵ xuất
hiện. Rồi thì chúng không thể vui mừng với những gì chúng có nếu một ai đó có
những cái lớn hơn hay tốt hơn. Ngay từ khi còn nhỏ tuổi, gánh nặng khó chịu đó
đã đổ ập xuống linh hồn thơ bé của chúng, và nó sẽ chẳng bao giờ lìa khỏi đó
cho đến khi Đức Chúa Jêsus giải cứu chúng.
Một cội nguồn khác của gánh
nặng là tính chất giả tạo. Tôi chắc rằng hầu hết mọi người sống trong nỗi sợ
hãi thầm kín rằng một ngày nào đó, họ bất cẩn và nhân cơ hội đó, một kẻ thù hay
một người bạn thân sẽ hé nhìn vào tâm hồn khốn khổ, trống rỗng của họ. Thế là họ
chẳng bao giờ ngơi nghỉ. Những người thông minh thì rất căng thẳng và luôn cảnh
giác với nỗi lo sợ rằng họ sẽ bị mắc bẫy khi nói một điều gì đó tầm thường hay
ngớ ngẩn. Những con người đi lại nhiều thì lo sợ rằng họ có thể sẽ phải đụng độ
với một Marco Polo, người có thể mô tả một nơi xa xôi nào đó mà họ chưa từng đặt
chân đến.
Tình trạng không bình thường
này là một phần di sản tệ hại của tội lỗi, nhưng trong thời đại này, nó đã trở
nên trầm trọng hơn do lối sống của cuộc đời chúng ta. Quảng cáo phần lớn dựa
trên thói quen giả tạo này. Các “cách cư xử” được đề nghị trong lĩnh vực này
hay lĩnh vực kia của việc học hành của con người lôi cuốn mạnh mẽ dục vọng con
người muốn được “sáng chói” tại một “buổi tiệc” (chốn đông người). Sách vở được
bán ra, quần áo và mỹ phẩm được tiêu thụ rất nhiều để liên tục đóng kịch trên dục
vọng này, tức là xuất hiện không phải với vẻ ngoài cố hữu của chúng ta. Sự giả
tạo là một tai họa sẽ cướp đi giây phút chúng ta quỳ nơi chân Chúa Jêsus và phủ
phục dưới sự nhu mì của Ngài. Rồi thì chúng ta sẽ không bận tâm đến những điều
người khác nghĩ về mình miễn là Đức Chúa Trời hài lòng. Kế đó, những gì chúng
ta là sẽ là mọi sự; chúng ta xuất hiện với dáng vẻ gì sẽ ở chỗ của nó, rất xa
bên dưới mức độ của sự yêu thích dành cho chúng ta. Ngoài tội lỗi, chúng ta chẳng
có gì đáng phải xấu hổ cả. Chỉ vì một dục vọng muốn được rạng rỡ mà chúng ta lại
sẵn sàng xuất hiện với hình hài và bản chất không thực tồn tại nơi chúng ta
sao?
Trái tim của thế giới đang
tan vỡ vì cớ gánh nặng của sự kiêu ngạo và gian trá này. Không có con đường giải
thoát nào cho gánh nặng của chúng ta ngoại trừ sự nhu mì của Đấng Christ. Sự lý
giải tốt và sắc xảo có thể giúp không đáng kể, nhưng thói xấu này mạnh đến độ nếu
chúng ta đẩy nó xuống một nơi nào đó, nó sẽ trồi lên ở một nơi khác. Đức Chúa
Jêsus phán với mọi con người ở khắp mọi nơi rằng, “Hãy đến cùng ta, ta sẽ cho
các ngươi được yên nghỉ.” Sự yên nghỉ mà Ngài mời gọi là sự yên nghỉ của lòng
nhu mì, một sự giải thoát chứa chan phước hạnh sẽ đến khi chúng ta chấp nhận
chính mình ở điều mà mình là như vậy, và chấm dứt trò giả tạo. Đầu tiên phải có
một chút can đảm, nhưng sự thương xót cần thiết sẽ đến khi chúng ta học biết rằng
chúng ta đang chia sẻ gánh nặng mới và dễ dàng này với chính Con Một của Đức
Chúa Trời, vốn rất mạnh mẽ, và oai nghi. Ngài gọi nó là “gánh của ta”, và Ngài
bước đi ở đầu bên kia, còn chúng ta thì ở đầu bên này.
Lạy Chúa, hãy khiến con nên
như đứa trẻ. Hãy giải cứu con khỏi tham muốn tranh cạnh với người khác về uy thế,
hay địa vị. Con sẽ trở nên đơn giản và chất phát như một đứa trẻ. Hãy giải cứu
con khỏi thái độ màu mè và giả tạo. Hãy tha thứ cho con vì con đã chỉ nghĩ đến
mình. Hãy giúp con quên chính mình đi và tìm thấy sự bình an thật khi con chăm
xem Ngài. Nguyện xin Cha hãy đáp lại lời cầu xin của con. Con hạ mình xuống trước
Ngài đây. Hãy đặt lên con gánh của Ngài về sự tự quên mình để qua đó mà con tìm
thấy sự yên nghỉ thánh, sự bình an thật nơi Cha, Cha ôi! A-men.
Không Có Gì Thay Thế Cho Thần Học
Tri thức quan trọng nhất và
hữu ích nhất mà bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể có được đó là tri thức về
thần học.
Môn thần học có lẽ nhận được
sự lưu ý ít hơn bất cứ những môn học nào khác, tại vì nó chỉ cho chúng ta thấy
rằng con người còn đang giấu mình trong những bụi cây trong vườn Ê-đen sau khi
đã phạm tội và lìa khỏi sự hiện diện của Ðức Chúa Trời. Nó tạo sự cảm biết sâu
sắc bực bội, khó chịu khi con người phải đương đầu trước vấn đề "mối tương
giao mật thiết với Ngài". Học thần học chỉ ra một khoảng cách sâu thẳm giữa
Ðức Chúa Trời và loài người, vì thế cho nên loài người chỉ có thể sống bình an
với chính họ bằng cách "quên rằng mình vẫn chưa hòa thuận lại với Ðức Chúa
Trời".
Nếu không có Ðức Chúa Trời,
thì mọi sự sẽ hoàn toàn khác hẳn đối với chúng ta. Chúng ta sẽ không mang một
gánh nặng trong tâm trí nếu không có ai để chúng ta cuối cùng phải giải thích
hành động của mình. Chúng ta chỉ cần phải sống trong luật lệ, không phải làm những
nhiệm vụ quá khó khăn đối với tổ quốc, và sẽ không có gì phải sợ cả.
Nhưng
Ðức Chúa Trời đã dựng nên
trái đất và đặt để con người quản lý nó cùng với ý thức đạo đức, thì bổn phận nặng
nề của chúng ta là phải học biết ý muốn Ðức Chúa Trời và làm theo ý muốn của
Ngài.
Ðối với tôi, thuyết hiện
sinh phủ nhận sự tồn tại của Ðức Chúa Trời và rồi tiếp tục dùng ngôn ngữ của
thuyết hữu thần để thuyết phục con người sống đúng đắn là một điều hết sức mâu
thuẫn. Một tác giả người Pháp, ông Jean-Paul Sartre, chẳng hạn, đã khẳng định
cách thẳng thắn rằng ông đại diện cho thuyết hiện sinh vô thần. Ông nói:
"Nếu Chúa không tồn tại thì chúng ta không tìm thấy những giá trị hay mạng
lệnh để hướng tới, cái có thể hợp pháp hóa hành vi chúng ta. Vì thế trong thực
tại sáng chói của những giá trị, chúng ta không có lời bào chữa sau lưng mình,
cũng không có sự biện hộ ở phía trước chúng ta. Chúng ta hoàn toàn cô đơn, và
không hề có lời bào chữa nào." Nhưng trong đoạn tiếp theo ông lại khẳng định,
"Con người chịu trách nhiệm về hành động của chính mình, và một kẻ hèn
nhát cũng phải có trách nhiệm về sự hèn nhát của mình."
Ðối với tôi, dường như những
lý lẽ đó đã thừa nhận lẽ thật về những điều mà nó cố gắng tìm cách để phủ nhận.
Nếu không có Ðức Chúa Trời, thì không thể có những từ như "trách nhiệm".
Không một phạm nhân nào mà cần phải sợ một quan án vốn không tồn tại; người đó
cũng không cần lo lắng về việc phạm luật vốn chưa được thông qua. Chính sự nhận
biết rằng luật lệ và quan án là thực sự tồn tại đã dóng lên trong lòng những kẻ
phạm luật một hồi chuông lo sợ, vì biết rằng có một ai đó mà chính mình phải chịu
trách nhiệm; nếu ngược lại, thì quan niệm về tinh thần trách nhiệm sẽ không thể
có một ý nghĩa nào.
Ðiều này chính xác là vì Ðức
Chúa Trời thực hữu, vì con người được dựng nên theo hình ảnh Ngài và chịu trách
nhiệm trước mặt Ngài, và đó là thần học tối quan trọng. Chỉ có sự khải thị của
Ðức Chúa Trời mới có câu trả lời cho những vấn nạn không thể trả lời được về Ðức
Chúa Trời và số phận con người. Nếu chúng ta để cho những câu trả lời đầy năng
quyền này bị lãng quên, và đi tìm kiếm những lời giải đáp ngoài sự mặc khải của
Ðức Chúa Trời cho loài người qua Kinh thánh, thì đối với tôi, đó là điều dường
như chẳng khác gì hơn là sự điên rồ.
Không có một tài xế nào bào
chữa được cho hành động điên rồ khi bị lạc đường vì không tham khảo bản đồ,
nhưng lại tìm đường bằng cách quan sát đường bay của những con ong rừng, xem
xét sự chuyển động của những tinh tú, hoặc là dùng xí ngầu để tìm hướng đi. Nếu
không có bản đồ, một người có thể định hướng bằng các ngôi sao; nhưng đối với một
du khách muốn tìm đường về nhà, thì các ngôi sao quả là vật thay thế điên rồ nhất
cho bản đồ.
Không có bản đồ nhưng người
Hy Lạp đã làm những vật định hướng rất đáng khâm phục; người Hê-bơ-rơ thì có bản
đồ và vì thế họ không cần đến triết lý con người. Những đoạn có tính chất hùng
biện của Ê-sai, và những bài thánh vịnh đầy cảm hứng của Ða-vít đã chứa đựng sự
giúp đỡ thực tế cho loài người hơn là tất cả những sản phẩm trí tuệ ưu tú nhất
của Hy Lạp trong suốt những thế kỷ đã qua.
Sự thờ ơ hiện tại của con
người văn minh đối với Lời Kinh Thánh được hà hơi là một điều đáng xấu hổ, và
là một sự xúc phạm; vì chính những phân đoạn Kinh Thánh đó cho họ biết tất cả
những gì họ muốn biết hay nên biết về Ðức Chúa Trời, linh hồn mình và số phận
con người. Thật mỉa mai một điều là con người đã và sẽ tiêu phí thời gian lẫn
tiền bạc trong nỗ lực khám phá những bí mật quá khứ của mình khi mà tương lai họ
mới thực sự là vấn đề cần quan tâm.
Không một người nào cần chịu
trách nhiệm về tổ tiên của mình; và cái quá khứ duy nhất họ phải chịu trách nhiệm
là cái quá khứ ngắn ngủi mà họ đã sống ở trên trần gian này. Học biết làm thế
nào tôi có thể thoát khỏi tội lỗi tôi đã phạm trong những ngày qua, làm thế nào
tôi có thể sống tự do khỏi tội lỗi và cuối cùng bước vào sự hiện diện phước hạnh
của Ðức Chúa Trời trong một ngày mai vui vẻ - Những điều đó đối với tôi quan trọng
hơn bất cứ gì đã khám phá được từ những nhà nhân chủng học. Thật là một sở
thích sai lầm kỳ dị khi tôi thấy loài người cứ chúi mũi vào bụi đất mà tìm kiếm
quá khứ của họ trong khi họ được trang bị để nhìn lên sự vinh hiển tột cùng của
Ðức Chúa Trời.
Bất cứ điều gì kéo tôi ra
khỏi Kinh Thánh thì nó là kẻ thù của tôi, mặc dù nó có vẻ vô hại ra sao.
Bất cứ điều gì lôi kéo sự
chú ý của tôi khi tôi suy gẫm về Ðức Chúa Trời và những điều thuộc cõi vĩnh hằng
đều làm thương tổn linh hồn tôi. Nếu để sự lo âu về cuộc sống thế chỗ cho Lời
Chúa trong tâm trí tôi, thì tôi sẽ phải mất mát những điều mà lẽ ra tôi đã sở hữu.
Nếu tôi chấp nhận bất cứ thứ gì khác thay vì Kinh Thánh thì tôi đã bị lừa, và đã
bị cướp đoạt hết những điều tốt đẹp mà chỉ còn lại sự nhầm lẫn đời đời của tôi
mà thôi.
Bí mật của sự sống có tính
chất thần học và chìa khóa vào thiên đàng cũng vậy. Chúng ta học thì khó khăn,
quên lãng lại rất dễ dàng và phải chịu nhiều điều rối trí. Vì thế chúng ta nên
đặt để lòng mình vào việc nghiên cứu thần học. Chúng ta nên giảng về nó trên
tòa giảng, hát về nó trong các bài thánh ca, dạy dỗ nó cho con cháu chúng ta và
biến nó thành đề tài chính của những cuộc nói chuyện khi chúng ta gặp các bạn Cơ
Ðốc của mình.