Thứ Năm, 21 tháng 7, 2011

BÍCH NGỌC VÀ HỒNG BỬU THẠCH



Kinh Thánh Việt ngữ ấn hành lần đầu vào năm 1926, giữa tình thế thúc bách, thiếu sự điều nghiên cùng tính chất nhất quán trong cách dụng ngữ, nên còn rất nhiều sai sót, nhất là phần kinh Cựu ước. Thí dụ, các danh từ để dịch tên các thứ ngọc, hay đá quí.
Câu gốc của chúng tôi là Khải thị 4: 3 “Đấng ngồi đó rực rỡ như bích ngọc và mã não”, bản Tân ước nhuận chánh năm 1952 chữa lại “bích ngọc và hồng bửu thạch” là chính xác.
Theo tiếng Hê-bơ-rơ, bích ngọc là “yashepheh” và tiếng Hi-lạp đồng nghĩa là iaspis. Người Anh chỉ gọi cách thống nhất là jasper. Ông Lê Hoàng Phu dịch là vân thạch, còn ông Phan Khôi dịch thống nhất từ Cựu ước đến Tân ước là bích ngọc. Bích ngọc đôi khi có màu thiên thanh, màu hoa hồng, trắng đục lóng lánh ngũ sắc, hoặc màu xanh lá cây đậm, trong suốt, long lanh chói sáng. Witness Lee tin rằng bích ngọc trong Kinh thánh phải có màu xanh lá cây đậm, ngụ ý sự sống phong phú. Khải 21: 11 chép: “sự sáng của thành giống như bửu thạch rất quí, dường như bích ngọc, trong như thủy tinh”, bích ngọc có nghĩa vinh quang của Đức Chúa Trời trong sự sống phong phú của Ngài, có thể truyền đạt cho chúng ta.

Bích ngọc xuất hiện 3 lần ở  3 bản danh sách ngọc của cựu ước là Xuất 28, 39 và Ê-xê-chi-ên 28, cùng 3 lần nữa ở sách khải thị. Dáng mạo Đức Chúa Trời và dáng mạo thành thánh y như bích ngọc trong suốt. Bích ngọc bày tỏ Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời của vinh quang.

Theo nguyên văn Hi-lạp Sardios và từ tương đương Hi bá lai odem, thì 5 lần xuất hiện của từ này đều nên dịch là hồng bửu thạch, hay hồng ngọc (ruby). Hồng bửu thạch cũng là một loại ngọc quí giá màu đỏ đậm hay đỏ nâu. Hồng ngọc này ngụ ý Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời cứu chuộc.
Hai loại đá quí này biểu thị Đức Chúa Trời và Christ. Đức Chúa Trời là bích ngọc, còn Christ hay Chiên Con cứu chuộc là hồng bửu thạch. Bích ngọc biểu lộ dáng mạo Đức Chúa Trời quang vinh, hồng ngọc nói lên công tác cứu chuộc của Christ.

Hồng bửu thạch luôn đứng đầu 3 bảng danh sách đá quí ở Xuất 28, 39 và Ê-xê-chi-ên 28 theo nguyên văn. “Christ có trước muôn vật và muôn vật đều keo kết nhau trong Ngài… Ngài là ban đầu, sanh đầu nhứt từ trong kẻ chết, hầu cho trong mọi sự Ngài đứng đầu hàng đầu”. Ngài đứng đầu mọi thiên sứ, Ngài đứng ưu hạng so với cả bầy chiên, Ngài là Chúa muôn loài.

Trong bảng đeo ngực của thầy tế lễ thượng phẩm Cựu ước có 12 viên ngọc, viên thứ nhứt là hồng bửu thạch và viên cuối cùng, thứ 12, là bích ngọc. Điều đó ngụ ý gì? Bảng đeo ngực ghi tên 12 chi tộc theo thứ tự di hành của các đạo quân do Chúa chỉ đạo (Dân 2: và 10:). Dân cứu chuộc của Đức Chúa Trời phải khởi hành từ Đức Chúa Trời cứu chuộc để đến cùng Đức Chúa Trời vinh quang. Không vui hưởng đầy đủ sự cứu chuộc anh em không thể bước vào vinh quang hoàn bị. Vinh quang này là vinh quang thiên hi niên, cũng là vinh quang trời mới đất mới. Con số thứ tự 12 của bích ngọc trong bảng đeo ngực nói lên sự hoàn hảo đó. Lạ lùng thay, khi vào thành thánh, trong bảng danh sách 12 loại ngọc, bích ngọc dẫn đầu, nền thứ nhứt của tường thành thánh là bích ngọc – tiếp nối bước đi chúng ta vào cõi đời đời.

Con đường từ sự cứu chuộc đến vinh quang trải qua các biểu hiện thuộc linh của 10 viên ngọc trên bảng đeo ngực, ở giữa – mà số 10 là con số của sự phát triển đầy đủ. Trong dân thánh di hành đồng vắng, dưới cờ hiệu của mình, cá nhân nào phát triển thuộc linh đầy đủ sớm, “nên bậc thành nhơn, được tầm thước gióc vạc theo sự đầy đủ của Đấng Christ” và “có thể trưởng tiến trở thành Ngài trong mọi phương diện, mà là Đầu, Christ” (Ê-phê-sô 4: 15 sát nghĩa), thì được vào vương quốc và vinh quang của Đấng Christ, trước 1000 năm. Dù để động viên bước chân lữ khách của anh em, chúng tôi cũng không thể bàn chi tiết cả 10 viên bửu thạch này, chỉ giải nghĩa sơ lược viên thứ 5 là lam bửu thạch và viên thứ 10, thủy thương ngọc mà thôi, vì sự hạn chế của bài này.

Viên ngọc thứ 5 trên bảng đeo ngực là đá lam bửu mà ngai của Đức Chúa Trời trong sự di động để hoàn thành công tác khôi phục vũ trụ cũng bằng đá lam bửu (sapphire) này. (Ông Phan Khôi dịch không thống nhất Xuất 28: 16 và Ê-xê-chi-ên 1: 26). Trong buổi bình minh dựng nước thầy tế lễ cho dân tuyển, Đức Chúa Trời cứu chuộc, được biểu lộ đang ngồi trên ngai có “một vật lát bằng ngọc lam bửu trong ngần, khác nào sắc trời thanh quang” (Xuất 24: 10), mà theo Ê-xê-chi-ên 1, trên ngai bằng lam bửu thạch có một Người ngồi. Đó là Đấng Christ đã từ kẻ chết sống lại, ngồi trên ngai bên hữu Đức Chúa Trời, và cảm ơn Chúa, Đức Chúa Trời đã “khiến chúng ta cùng sống lại với Ngài (Christ) và đồng ngồi với Ngài trên trời trong Christ Jesus”.

Muốn bước vào vinh quang của bích ngọc anh em phải cậy phương tiện của ngai bằng ngọc lam bửu của Đấng Christ thăng thiên, vì màu xanh da trời của loại ngọc này ngụ ý sự trị vì thiên thượng của Christ. Christ Jesus thăng thiên chính là ngai vàng của anh em trị vì trên hoàn cảnh hôm nay. Theo sách Ê-xê-chi-ên và Khải thị dân tuyển của Đức Chúa Trời đang suy đồi, chờ ngày chịu phán xét, đoán phạt trong đại nạn (Ê-xêch 9: 6; Khải 13: 10, 14: 13). Vì Chúa phán: “nào già cả, trai trẻ, gái đồng trinh, con nít, đàn bà, hãy giết hết… khá bắt đầu từ nơi thánh ta”. Giữa bầu không khí thuộc linh hâm hẩm Lao-đi-xê, là hội thánh suy đồi, dành sẵn cho ngày làm thịt đó, anh em được ngồi trên ngai của nam tử ở Khải 12 chăng?

Theo tiếng Hê-bơ-rơ thì viên ngọc thứ 10 và những bánh xe dễ sợ ở Ê-xê-chi-ên 1, đều là ngọc thủy thương (beryl). Thủy thương ngọc là ngọc màu hơi xanh lá cây, trong suốt; thủy là nước, thương là màu xanh, thủy thương là màu xanh của nước biển. Còn chiếc xe này có các bánh xe từ trời đụng tới đất, ngụ ý môi giới vận chuyển của ngai Con Người. Theo sách Nhã ca, thôn nữ trinh khiết Su-la-mít không ngờ được dẫn dắt ngồi trên các xe của dân chúng chí nguyện của nàng, để đồng chuyển động chung với Chúa trên địa cầu, hướng về tiệc cưới, ngày nhảy múa hội Ma-ha-na-im vinh mỹ. Anh em đang ngồi trên trên chiếc xe có bánh bằng ngọc thủy thương – màu xanh của nước, vì các lối Chúa ở trong nước sâu – hay đang ngất ngưỡng trên các xe ngựa xây kho tàng của Pha-ra-ôn đại đế?

Khung cảnh của Ê-xê-chi-ên 28: 13-14 là thời kỳ thái cổ, trước khi Lu-ci-fer sa ngã. Christ tiền nhục hóa vẫn đứng đầu mọi thiên sứ như các hòn ngọc sáng như lửa. Trong 9 viên ngọc ở đây, hồng bửu thạch thứ nhất, còn bích ngọc đứng thứ sáu. Đó là cõi vĩnh cửu quá khứ.
Rồi đọc đến danh sách 12 loại ngọc ở Khải thị 21 – khung cảnh của cõi vĩnh cửu tương lai – bích ngọc đứng vị thế thứ nhất, còn hồng bửu thạch đổi lại, đứng thứ sáu. Tại sao?

Chúng tôi dùng lời Chúa Jesus ở Giăng 17 giải đáp thực sự vinh diệu này. Chúa nói: “Cha ở trong Con và Con ở trong Cha” (câu 21). Chữ “Cha” và “Con” trong câu này là “Ngài” và “tôi”, (xem chú thích trang 192 Bản nhuận chánh).

Trong thời Cựu ước, và nhất là từ khi giáng sanh, Đức Chúa Trời ở trong người Jesus, cho nên ai “thấy Ta, tức là thấy Cha”, Chúa phán như vậy. Sau khi sống lại, nhân tánh Jesus được đem vào Đức Chúa Trời, trộn lẫn với thần tánh, nên là “Con ở trong Cha”. Trong thành thánh ai thấy Đức Chúa Trời là thấy Christ Jesus. Bích ngọc ở khắp nơi trong thành thánh, vì đó là thời kỳ biểu lộ vinh quang Đức Chúa Trời. Ai thấy Đức Chúa Trời vinh quang trong thành thánh là thấy Chúa Jesus.

Chúa Jesus phán, “ngoài Cha không ai biết Con, ngoài Con và người nào mà Con muốn khải thị cho, thì cũng không ai biết Cha”. Biết đây là sự tri thức đầy đủ, nên về Con, chỉ có Cha có được tri thức như vậy, và chỉ có Con có kiến thức đầy đủ về Cha. Nhờ sự khải thị của Cha, như với trường hợp Phi-e-rơ nhận biết Jesus là Đấng Christ Con Đức Chúa Trời hằng sống (Math 16: 17), chúng ta mới biết được Con ở trong lòng Cha. Sứ mạng thứ nhất của Chúa Jesus trên đất là khải thị Cha cho mọi người, vì Cha ở trong Ngài.

Chúa Jesus nói thêm, “Hãy tin Đức Chúa Trời, cũng hãy tin Ta nữa” (Giăng 14: 1). Tin và vui hưởng Đức Chúa Trời trong Christ là nền tảng đức tin, là cơ sở vào vương quốc Christ – hồng bửu thạch đứng đầu, ngọc bích thứ sáu; còn tin và vui hưởng Chúa Jesus vinh hóa, là nhân tánh của Christ, Linh Jesus Christ trong Đức Chúa Trời – bích ngọc đứng đầu, hồng bửu thạch thứ sáu – là thượng tầng kiến trúc của đức tin. Cả hôm nay và các thời đại tương lai chúng ta cứ luôn kinh nghiệm, vui hưởng và biểu hiện Christ. Ngài rọi bóng mình trên các thời đại của các thời đại. Đáng chúc tụng Người Jesus Christ, là Hồng Bửu Thạch, Đức Chúa Trời cứu chuộc của chúng ta, nhờ Ngài chúng ta “được ở trước ngai Đức Chúa Trời”, “được thấy mặt Ngài”, ngày đêm chiêm ngưỡng dáng mạo như bích ngọc, xanh biếc, trong ngần của Đức Chúa Trời quang vinh và cực đại./.
Minh Khai