Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2011

DÂN MIỀN NÚI

Theo tiêu biểu học trong kinh thánh, núi non ám chỉ địa vị cao, ám chỉ các nhân vật trưởng thành thuộc linh trong Chúa. Khi ghi ghép: “Ngài (Chúa) đứng, làm rung chuyển quả đất, Ngài nhìn, làm cho các dân tộc run rẩy; các núi vạn cổ đều tan nát, các đồi nghìn thu đều sụp xuống (quì xuống)… các núi thấy đều sợ hãi”, tiên tri Ha-ba-cúc đã ví sánh đồi núi là các nhân vật, là các đế quốc, các quyền lực (Hab 3: 6b, 10). Xứ Y-sơ-ra-ên là xứ sở có nhiều đồi núi và toàn xứ có vị trí cao hơn mọi nước lân cận về mặt vật thể.


Về việc dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai-cập Môi-se nói, “Đức Giê-hô-va ôi, Ngài đem dân ấy vào và cho họ cư ngụ trên núi cơ nghiệp Ngài, tức là chỗ Ngài đã sắm sẵn để làm nơi ngự của Ngài” (Xuất 15: 17). Rồi sau khi dân Y-sơ-ra-ên hồi hương từ chốn lưu đày Ba-by-lôn, Chúa phán về chỗ ở của họ, “Chúa Giê-hô-va phán: vì trên núi thánh ta, trên núi cao của Y-sơ-ra-ên, tại đó toàn thể nhà Y-sơ-ra-ên sẽ phục vụ ta trong đất này” (Ê-xê-chi-ên 20: 40). Trong tư tưởng đời đời của Đức Chúa Trời, dân Chúa phải là dân sống ở miền núi cao, cả về thuộc linh và thuộc thể. Anh em có ý thức địa vị thuộc linh của mình như vậy chăng?

Thi thiên 125 bày tỏ Chúa như là núi non vây phủ và bảo vệ con dân Ngài đến đời đời, và những ai tin cậy Chúa thì được ví sánh như núi non bền vững, k
hông hề bị rúng động. “Các núi vây quanh Giê-ru-sa-lem thể nào, Đức Giê-hô-va vây phủ con dân Ngài thể ấy, từ bây giờ cho đến đời đời” – “Những người tin cậy Đức Giê-hô-va khác nào núi Si-ôn, không rúng động nhưng tồn tại đời đời”.

Vào năm 1974, lần đầu tiên khi tôi – một người dân đồng bằng Nam Bộ - đến thành phố Đà Lạt, tôi được ấn tượng sâu đậm về cảnh quan, về địa hình lạ kỳ trong thành phố và toàn bộ khu vực đó. Có nhà xây trên đồi cao và có nhà cất ở trũng sâu. Nước mưa chảy từ nhà trên đồi cao xuống nền nhà dưới trũng rất dễ dàng. Trong nếp sống Hội thánh, trong buổi nhóm của hội thánh anh em, nếu không có các anh em trưởng thành, không có núi non cao lớn, làm sao có dòng chảy, làm sao có sự ban phát sự sống. Chúng ta chỉ có thể thu hoạch kỳ hoa, dị thảo, thức ăn hiếm có trên núi cao mà thôi.

Theo lịch sử hình thành bộ kinh Tân ước, thì thơ Gia-cơ được viết ra trước nhất, nhưng sách Ma-thi-ơ lại được sắp xếp tiếp ngay sau kinh Cựu ước – vì sách Ma-thi-ơ minh khải Chúa Jesus là Vua chính thống của dòng vua Đa-vít, là hi vọng từ bao đời của dân tộc Y-sơ-ra-ên. Ngài là Tân vương được Đức Thánh Linh xức dầu và phong chức, được Giăng-Báp-tít giới thiệu cùng quần chúng. Là vua, Ngài có địa vị cao hơn mọi người. Ngài cũng phải có địa điểm cao, địa vị tột đỉnh để Ngài “ngự ngai” nơi đó, hầu Ngài tuyên bố, phát ngôn và phán quyết nhiều điều, thực hiện nhiều công tác xứng hợp với vuơng quyền của Ngài. Vua phải sống nơi cao, đó là lý do mà sứ đồ Ma-thi-ơ chép Chúa Jesus ở trên núi 7 lần. Sa-tan cũng đưa Ngài lên ngọn núi giả sơn trong tâm trí một lần ở chương 4.
Ma-thi-ơ chép “Khi thấy đoàn dân đông, Đức Chúa Jesus đi lên núi, lúc Ngài ngồi xuống, các môn đồ đến gần, Ngài mở miệng truyền dạy…” (5: 1-2). Chúa tuyên bố hiến pháp của vương quốc Ngài suốt trong 3 chương 5, 6, 7. Các chỗ khác chép Chúa sống trên núi là 14: 23, Ngài cầu thay cho Hội thánh từ địa vị thăng thiên của Ngài. Ma-thi-ơ 15: 29 trình bày Chúa chữa bệnh và nuôi duỡng dân Ngài từ bình diện thuộc linh cao cả. Ma-thi-ơ 17: 1 minh khải Chúa có địa vị thuộc linh tột đỉnh trong vương quốc hiển lộ của Ngài suốt 1.000 năm. Trong 24: 3, Chúa là Đấng Tiên Tri ngồi trên núi cao nhìn xa, thấy rộng. Ngài nói trước về tương lai của dân Y-sơ-ra-ên, hội thánh và các dân tộc. Trong 26: 30 Chúa Jesus vật lộn trong sự cầu nguyện trong vườn Ghết-sê-ma-nê trên núi Ô-liu. Rồi 28: 16 khải thị, từ địa vị thăng thiên cao cả, có quyền bính của trời và đất, Chúa ủy nhiệm sứ mạng môn đồ hóa muôn dân cho chúng ta. Chúa Jesus là Đấng sống trên miền núi thuộc linh cao cả, trên bình diện huyền nhiệm và thần thượng. Ngài muốn chúng ta lên núi cao và sống với Ngài, sau đó chúng ta mới có thể sống cho Ngài và hầu việc Ngài. Mác 3: 13 chép, “Đức Chúa Jesus đi lên núi, gọi những người Ngài muốn, và họ đến với Ngài” – Chúa đang gọi anh em lên núi cao sinh hoạt với Ngài, anh em nghe tiếng gọi Ngài chưa?

Miền đất Ca-na-an tượng trưng Chúa Jesus. Cư ngụ trong miền đất là cư ngụ trong Ngài. Lìa bỏ miền đất là ra khỏi Ngài, miền đất cao và đi xuống chỗ thấp, tiêu biểu thế giới. Đời sống chúng ta phải giấu kín chung với Chúa trong Đức Chúa Trời. Chúng ta phải bước đi trong Linh hòa lẫn với Chúa, là Đấng đang nồi bên hữu Đức Chúa Trời, địa vị cao nhất vũ trụ. Sáng thế ký 12: 10 chép Áp-ram từ miến núi cao “đi xuống Ai-cập” khi có nạn đói nghiêm trọng. Sau một thời gian sống ở vùng đất thấp thỏi, Áp-ra-ham phạm tội. Sáng 13: 1 chép “từ Ai-cập, Áp-ram đưa vợ và các tài sản mình có cùng với Lót trở lên vùng Nê-ghép” của miền đất cao, Ca-na-an. Mấy chục năm về sau, khi Y-sác gặp nạn đói kém, ông dự định từ bỏ miền núi cao để đi xuống Ai-cập. Chúa đã can thiệp ngăn trở Y-sác như Sáng 26: 1-3 đã chép: “Ngoài trận đói xảy ra trước đây trong thời Áp-ra-ham, bây giờ trong xứ lại xảy ra một trận đói nữa… Đức Giê-hô-va hiện đến với ông và phán: Đừng xuống Ai-cập, hãy ở trong xứ… Ta sẽ ở cùng con, và ban phước cho con” – Anh em ơi! Đừng bỏ miền núi cao mà đi xuống tạm cư ở Ai-cập, hãy ở trong xứ (Christ) mà nuôi mình bằng đức thành tín của Ngài. Theo sự ghi chép ở Xuất 32, Phục 10: 10, Xuất 34, Môi-se đã sống trên núi Si-nai với Đức Chúa Trời 3 lần, mỗi lần 40 ngày 40 đêm, không ăn bánh, cũng chẳng uống nước. Sau khi việc Môi-se hội kiến Chúa lần thứ ba kết thúc, kinh thánh chép “Khi mang trên tay hai bảng chứng ước từ núi Si-nai đi xuống, Môi-se không biết rằng da mặt mình rực sáng vì ông đã được hầu chuyện với Đức Giê-hô-va. A-rôn cùng tất cả con dân Y-sơ-ra-ên nhìn thấy Môi-se, thấy da mặt ông sáng rực thì sợ và không dám đến gần” (Xuất 34: 29-30).

Anh em ơi! Đây là kiểu mẫu của một người Đức Chúa Trời, người cung ứng lời Chúa cho dân Ngài. Nếu anh em kinh nghiệm thực tại của việc sống trên núi cao thuộc linh với Chúa, linh anh em đủ sức mạnh càn quét sự tối tăm và sự chết trong buổi nhóm hội thánh, và anh em có khả năng cung cấp lời đầy sự sống cho buổi nhóm. Đáng tiếc là vào tối thứ bảy nhiều công nhân Đức Chúa Trời cố sức leo lên núi cao mà cả tuần qua họ không cư trú. Nên sáng Chúa nhật họ bất lực, không đủ khả năng ban cấp sự sống cho hội thánh, vì họ đã sống cả tuần vừa rồi ở vùng thấp Ai-cập. Khi rao giảng lời, họ đập bàn, dùng các lời thịnh nộ. Nhưng than ôi, nước không thể chảy từ trũng lên đồi! Kẻ sống trên núi cao mới có thể dễ dàng làm tuôn tràn nước sự sống xuống cho hội thánh. Chức vụ lời của người từ núi cao sẽ làm cho hội thánh sấp mặt xuống đất trước mặt Chúa. Xin Chúa thương xót chúng ta./.

Minh Khải