THUNG LŨNG HẠNH PHƯỚC

“Qua ngày thứ tư họ nhóm họp tại thung lũng Bê-ra-ca, vì nơi đó họ ngợi khen Đức Giê-hô-va, bởi cớ ấy người ta đặt trên chỗ ấy là trũng Bê-ra-ca (Hạnh phước) cho đến ngày nay” ( II Sử 20: 26).

Sau khi đã hai lượt trẩy quân đi giúp đỡ, “hiệp nhất” với kẻ hung ác, “thương mến các kẻ ghen ghét Đức Giê-hô-va” (II Sử 19: 2), là nước Ép-ra-im tự lập, Giô-sa-phát trở về Giê-ru-sa-lem bình an. Vua lập quan xét trong khắp nước, để cai trị cả sản nghiệp Chúa cách công nghĩa, bình an. Những việc thuộc về Đức Giê-hô-va và những việc thuộc về vua được phân định rõ, cùng quản lý tốt. Các quyền lợi của Chúa được bảo tồn và phô bày. Khi công cuộc phục hồi vương quốc, củng cố chứng cớ Chúa đến chỗ thịnh đạt, sự trắc nghiệm liền đến. Anh em nhớ, không có tác phẩm nào của Chúa, công trình thần thượng nào được miễn trừ thử thách, trắc nghiệm.
“Sau các việc này, xảy có dân Mô-áp, dân Am-môn và những người Mao-ít ở cùng họ, kéo đến đặng đánh giặc với Giô-sa-phát” (II Sử 20: 1). Câu kinh thánh đó mô tả liên quân tiến công Giô-sa-phát và thành Giê-ru-sa-lem. Đội quân đó chủ yếu là quân đội của Mô-áp và Am-môn.
Mô-áp và Am-môn là con cháu ông Lót. Dù Phi-e-rơ nhìn nhận Lót là người công nghĩa, có cảm thức thuộc linh giới hạn, nhưng chúng ta không thể chối cãi rằng Lót là con người sống bằng nhãn quan chăm cái thấy được mà thôi. Ông đã lìa bỏ lối đi đức tin, nhìn về Sô-đôm sắp tàn, cho đó là địa đàng. Ông đã tự chọn cho mình, nên cuối cùng chấm dứt trong sỉ hỗ và và buồn rầu. Ông bỏ cuộc làm người đắc thắng, trôi giạt vào thành Sô-đôm và được bầu làm trưởng lão của thành ấy. Đây là một mẫu cơ đốc nhân mất hạnh phước thuộc linh và quyền năng chiến thắng. Tên “Lót” của ông có nghĩa là “giấu kín” hay “nhuộm đen”. Ông không bao giờ bày tỏ màu sắc, bản sắc chân thật của mình như Áp-ra-ham, người đức tin. Lót là một người cha “không cảm biết” đối với Mô-áp, Am-môn.
Tại sao có cấm lịnh về con cháu Lót như sau: “Dân Am-môn và dân Mô-áp sẽ không được vào hội chúng Đức Giê-hô-va, dầu đến đời thứ mười cũng chẳng hề bao giờ vào được” (Phục 23: 3). Dù Chúa Jesus hứa “ai đến cùng Ta, thì Ta hẳn chẳng bỏ ra ngoài đâu”, nhưng như các thánh đồ Cựu ước không chịu cắt bì sẽ bị cắt khỏi hội chúng, kẻ ô uế bị đuổi ra ngoài trại quân, thì các tín đồ Thi-a-ti-rơ, Sạt-đe, Lao-đi-xê cũng bị Chúa nhả ra khỏi “đền thờ Đức Chúa Trời”, bị phân biệt đối xử đối với các rường cột đền ấy. Há Ma-la-chi không nói rằng sẽ có sự phân biệt giữa kẻ hầu việc Đức Chúa Trời và kẻ không hầu việc Ngài sao? Các cơ đốc nhân Am-môn, Mô-áp không bao giờ được đặt chân đến “thành Đức Chúa Trời hằng sống, là Giê-ru-sa-lem thiên thượng” trên đất này.
Đoàn tín đồ xác thịt, hậu tự Lót tấn công Giê-ru-sa-lem với mục đích gì? Vua Giô-sa-phát biết mục đích họ nên thưa cùng Chúa, “Kìa chúng nó đến … toan đuổi chúng tôi khỏi sản nghiệp Chúa đã ban cho chúng tôi nhận lấy” (câu 11). Trải các thế hệ, các tín đồ xác thịt luôn thù hiềm thánh đồ đắc thắng, dưới sự điều động của Sa-tan họ luôn luôn ngăn trở chúng ta hưởng các phước hạnh thuộc linh và thiên thượng. Các ông Ích-ma-ên ý riêng cười cợt các Y-sác, con lời hứa; các ông Ê-đôm cay đắng mưu sát các Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời. Dân Mô-áp, Am-môn cản bước chân chinh phục của Y-sơ-ra-ên, dùng mỹ nhân kế làm bại hoại dân Chúa. Rồi chúng ta thấy bao lần biển người Ép-ra-im muốn đè bẹp chứng cớ thánh khiết của miền Nam, rồi chiến lược trộn men vào ba đấu bột của Constantine và cuối cùng đoàn đông dân chủ Lao-đi-xê muốn “hiệp nhất” để làm toàn bộ Hội thánh trở nên hâm hẩm, để Hội thánh trở nên ngôi nhà đóng cửa, không có quyền bính.
Sản nghiệp chúng ta là cuộc gia tể Tân ước, là Đức Chúa Trời Tam Nhất trong Christ, là Linh ban sự sống tổng bao hàm. Đừng vì quá cực đoan đề cao giáo lý lập trường địa phương mà anh em mất cảnh giác trước đoàn dân Lót quá đông đảo này. A-sáp đã miêu tả kinh nghiệm của ông để cảnh cáo chúng ta khi dân Lót vào nhà Đức Chúa Trời. “Các cừu địch Chúa đã gầm thét giữa hội chúng của Chúa, chúng nó dựng cờ chúng nó để làm dấu hiệu … Chúng nó dùng rìu và búa đập bể hết thảy vật chạm trổ”
“Anh hùng Mô-áp đứng hiên ngang bờ cõi mình,
Dùng mưu dâm đãng ngăn dân vô xứ diệu vinh”.
Tại sao Chúa Jesus dùng “ngày của Lót” là ngày “người ta ăn uống, mua bán, gieo trồng, xây cất” để miêu tả các ngày nguy ngập trước ngày Chúa hiện ra? Vì rằng dân Lót chẳng những muốn tràn ngập nơi chí thánh của đền thờ, mà gió Sô-đôm, linh và tinh thần của Lót chung với các thú vui xác thịt của nó đang quét qua thế giới hôm nay. Chưa bao giờ người ta phạm đồng tính luyến ái nhiều như hiện nay, đó là tập quán của Sô-đôm. Đáng kinh khủng hơn khi gió Sô-đôm, linh của Lót cũng thổi vào Hội thánh Đức Chúa Trời, gây băng hoại, chia cắt trong nhà Chúa. Nhiều anh em gia công làm ăn, xây cất hơn trước. Các bộ phận nhà Chúa bị ảnh hưởng đã trở nên hư hoại. Đáng kinh sợ gió Sô-đôm lắm. Các nạn nhân do tác hại của gió Sô-đôm mất cơ nghiệp thiên thượng của họ trong Christ, là cơ nghiệp phải được quyền năng của Đức Chúa Trời gìn giữ (I Phi 1: 4, 5).
Vào giờ phút nguy kịch đó, để được quyền năng của Đức Chúa Trời gìn giữ, Giô-sa-phát và dân Sa-lem đã vâng theo năm nguyên tắc sau đây nên đánh bại cuộc xâm lăng, bảo toàn các sở hữu thuộc linh của các thánh trong nhà Chúa. Linh của Đức Giê-hô-va đã phán các lời này qua Gia-ha-xi-ên, kêu gọi vua và toàn dân Giu-đa lắng nghe lời Chúa: “chớ sợ, chớ kinh hãi bởi cớ đám quân đông đảo này, vì trận giặc này chẳng phải của các ngươi đâu, bèn là của Đức Chúa Trời … hãy dàn ra, đứng yên lặng mà xem thấy sự giải cứu của Đức Giê-hô-va ở cùng các ngươi”.
Thứ nhất,Giô-sa-phát tìm kiếm Chúa bằng sự cầu nguyện và kiêng ăn, chung với dân Giu-đa.
Thứ hai, ông nhắc nhở Chúa về hòm giao ước Ngài với Áp-ra-ham và Sa-lô-môn, đứng vững trên các lời hứa của Đức Chúa Trời.
Thứ ba, ông lắng nghe và tin sứ điệp của đấng tiên tri. Các tiên tri đã phát ngôn lời Đức Chúa Trời bởi Đức Thánh Linh, nhưng các thánh đồ không chịu tin nên đời tư và hội thánh họ đã bị gió Sô-đôm đùa đi. Trong tình thế bị gió hâm hẩm của Sô-đôm tấn công, chúng ta phải đứng vững tiếp nhận lời trong suốt, lời hiện hành của tiên tri Đức Chúa Trời. Nếu chúng ta chống đối tiên tri, không tin người mà qua đó lời tươi mới Đức Chúa Trời đến, chúng ta sẽ chết trong đám loạn quân Mô-áp ấy.
Thứ tư, Giô-sa-phát bèn cúi sấp mặt xuống đất trước mặt Đức Giê-hô-va mà thờ lạy Ngài, dân cư thành Giê-ru-sa-lem cũng vậy. Thánh đồ thờ lạy Chúa là thánh đồ ngồi trên ngai với Chúa.
Thứ năm, Giô-sa-phát thức dậy sớm, bước ra mặt trận tuyên bố đức tin và lập đoàn ca công ngợi khen Chúa ở tuyến đầu đánh địch. Đặc điểm của người đắc thắng là thức dậy sớm và biết cách ngợi khen Chúa.
Sau khi Chúa đánh bại biển người Lót, thổi bạt gió Sô-đôm, dân Chúa cướp tài vật, đồ quí báu của chúng nó rất nhiều, đến nỗi không khuân đi được. Họ nhóm họp ngợi khen Chúa trong trũng Bê-ra-ca. Bê-ra-ca nghĩa là “hạnh phước”. Các nước thiên hạ kinh hãi Đức Chúa Trời khi thấy Ngài đánh bại biển người tục tràn vào đền thánh.
Trải qua lắm cuộc thăng trầm, chứng cớ Jesus của dân sót nhà Chúa vẫn tồn tại. nguyện Chúa cho Hội thánh Ngài nhóm họp tại trũng Bê-ra-ca, thung lũng hạnh phước để ngợi khen Ngài vì Ngài đã giải cứu chúng ta khỏi biển người Lao-đi-xê, khỏi gió dữ thổi ào từ Sô-đôm đến. Amen./.