Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2011

CHỨC VỤ TU BỔ CỦA SỨ ĐỒ GIĂNG

Phao lô chịu tuẫn đạo vào năm 67 S.C, mà trước đó vài ba năm khi viết hai lá thư cho Timôthê, ông đã đề cập về tình hình suy đồi của các công nhân và hội thánh. Ông nói ở Êphêsô có mấy người dạy dỗ nhiều điều khác hẳn bản chất cuộc gia tể Tân ước, và phần lớn thánh đồ trong các hội thánh ở Asi đều lìa bỏ ông, tức họ lìa bỏ sự dạy dỗ của các sứ đồ. Suốt 30 năm tin theo Chúa và phụng sự Ngài, Phao lô đã có chức vụ làm đầy đủ lời Đức Chúa Trời ( Côlo. 1: 25). Ông đã rao giảng đầy đủ các lẽ thật ở đỉnh cao cho các hội thánh, nhưng nay các hội thánh càng lúc càng suy đồi ngay vào lúc ông sắp sửa ra đi.


Khi được Chúa Jésus kêu gọi, Phierơ đang thả lưới, do việc thả lưới đó Chúa hứa cùng ông, “ Ta sẽ khiến ngươi trở nên tay đánh lưới người”. Còn khi Chúa kêu gọi Giăng, kinh thánh miêu tả Giăng đang vá lưới. Động từ “ vá” ở đây theo tiếng Hi Lạp là katartizo. Từ ngữ này có nghĩa phục hồi, hàn gắn, vá sửa, tu bổ lại nguyên trạng, rồi tăng cường thêm cho lưới không rách nữa. Đó là chức vụ tu bổ, chức vụ phục hồi mà Chúa kêu gọi Giăng làm.

Khi Phao lô ra đi, các hội thánh  đã suy đồi, nhưng mãi năm 90 S.C. sứ đồ Giăng mới khởi sự viết các tác phẩm theo chức vụ sự sống của mình. Có lẽ vào lúc đó cụ Giăng cũng đã trên dưới 90 tuổi. Nên trải qua phần tư thế kỷ đó, Satan đã đưa vào các sự dạy dỗ sai lầm về Thân vị của Christ và hội thánh. Họ tuyên bố Christ không phải là Đức Chúa Trời, không phải Con Đức Chúa Trời, thậm chí Ngài đã không hiện đến trong xác thịt.

Sứ đồ Giăng đã tu bổ và sửa thế nào cho các lẽ thật đỉnh cao do Phao lô rao giảng mà đã bị hiểu sai cùng bóp méo? Ông đã hàn gắn ra sao khi các hội thánh bị tàn phá như mạng lưới rách? Tôi xin tóm lược các điểm chủ yếu sau đây:

1. Về sự sống đời đời, Phao lô đã nói “ Christ là sự sống chúng ta” ( Côl.3: 4). Bây giờ Giăng nói Đức Chúa Trời nhục hóa thành Christ, Ngài vốn là Lời sự sống. Trong Ngài có sự sống và sự sống là sự sáng của loài người. Ngài đến đây và mang theo ân điển và lẽ thật ( thực tại), Ngài đến hầu chúng ta được sự sống và càng được dư dật.

Phúc âm Giăng liệt kê 9 trường hợp nan giải của con người, như người luân lý, Nicôđem (3:), người vô luân (4:), người hấp hối (4:); người bại (5:), người đói (6:); người khát (7:) người dưới ách nô lệ (8); người mù ở tù trong tôn giáo (9: - 10), người chết (11: ). Tất cả được Chúa đáp ứng bằng sự sống của Ngài, vì Ngài là “ sự sống” (11:25). Chín loại người trên cũng là các loại thánh đồ sa bại trong các hội thánh bị tàn phá. Họ cần được hàn gắn, bổ sung, hoàn hảo, củng cố bằng sự sống thần thượng.
Về luật của Linh sự sống hoạt động cách tự động trong thánh đồ, Phao lô đã dành La mã 8 và Hêbơrơ 8 bàn luận đầy đủ. Giăng tăng cường bằng cách nói về sự tương giao của sự sống thần thượng (1 Găng 1:). Nếu chúng ta vui hưởng sự tương giao với Đức Chúa Trời và với anh em mình, cũng như cứ ở trong mạng sự tương giao của sự sống, luật sự sống ấy càng tác động mạnh mẽ trong ta và giải phóng ta liên hồi.

2. Về lẽ thật ( thực tại), Phao lô có đề cập cách khái quát, nhưng Giăng nhấn mạnh nhiều.  Vì đối với ông lẽ thật là bản thể Đức Chúa Trời  và những gì Ngài đã làm. Trong vũ trụ duy có hữu thể Đức Chúa Trời và những việc Ngài làm là có thật, là thực tế và thực tại, Giăng ghi lời Chúa, “ các ngươi sẽ biết lẽ thật, và lẽ thật sẽ buông tha các ngươi …Vậy, nếu Con buông tha các ngươi, thì các ngươi được tự do thật”. Lẽ thật là một thân vị, nên có chép về Linh của lẽ thật ( Giăng 16: 13), Linh là lẽ thật (I Giăng) 5: 7. Chúa là lẽ thật, là thực tại, đụng chạm Ngài ta được thoát khỏi lưới rập Satan, được giải phóng khỏi các hình thức biến tướng của Thân thể Christ lời dạy dỗ sai lạc xây dựng nên.
3. Sống cư ngụ trong Đức Chúa Trời. Phao lô nói về “ Christ sống trong tôi “ ( ông), “ ai liên hiệp với Chúa thì đồng một linh với Ngài”, và “ đối với tôi, sống là Christ”. Giăng nói cách sâu nhiệm hơn là nói về sự hòa nhập của thân vị chúng ta với Chúa. Giăng chép lời Chúa Jésus phán, “ ai cứ ở trong Ta thì Ta ở trong họ”, hoặc, “ ai giữ các điều răn Ngài thì cứ ở trong Ta thì Ta ở trong họ”, hoặc “ ai giữ các điều răn Ngài thì cứ ở trong Đức Chúa Trời và Đức Chúa Trời cũng cứ ở trong người ấy”. Sự hội nhập thân vị chúng ta và Chúa, sự cư trú bên trong lẫn nhau, là một lẽ thật tươi mới có tác dụng tăng cường kinh nghiệm sống Christ của thánh đồ. Chúa chỉ sống trong ta, trưởng thành trong ta để biểu lộ Ngài, khi ta thực sự cứ ở trong Ngài và để lời Ngài trong ta đầy dẫy.

4. Về Hội Thánh, Phao lô có nói đó là “ nhà của Đức Chúa Trời, tức là Hội Thánh của Đức Chúa Trời hằng sống, trụ và nền của lẽ thật” – Còn lẽ thật Hội Thánh là thân thể đấng Christ là Khải thị độc chiếm mà Phao lô nhận được rồi truyền lại cho các hội thánh. Chức vụ ban sự sống của Giăng sâu nhiệm hơn khi ông chép Hội Thánh là cây nho vĩ đại, là cơ cấu thần thượng của Đức Chúa Trời Tam Nhất và dân được cứu. Các hội thánh địa phương là các chơn đèn bằng vàng, và cuối cùng Hội Thánh phổ thông là thành phố bằng vàng, tường ngọc – thành thánh Giêrusalem mới. Loài người có thể hủy hoại nhà Chúa ( ICô3:17), có thể ưu đứng đầu trong hội chúng như Điôtrép, nhưng loài người sẽ bó tay khi hội thánh thật sự là chơn đèn đúc bằng vàng ròng, và là thành thánh ngày nay.

Phao lô gọi các trưởng lão là các người chăn bầy, kêu các giám mục là quản gia của Đức Chúa Trời. Còn cụ Giăng nhấn mạnh tác nhiệm chiếu sáng của các ngôi sao là các sứ giải trong các hội thánh. Giăng không chú ý chức tước mà nói về hiệu năng chiếu sáng của người hướng dẫn hội thánh.

5. Về Đấng Christ Phao lô nói: “ Ngài cũng là Đầu Thân Thể, tức là Hội thánh. Ngài là ban đầu, sanh đầu nhất từ trong kẻ chết, hầu cho trong mọi sự Ngài đứng đầu hàng”.  Nhưng qua chức vụ hàn gắn của Giăng thì Christ là con Đức Chúa Trời hiện ra trong xác thịt, Ngài trở thành Con Người. Sau khi phục sinh Ngài là Con Người vinh hóa, là Nguyên Thủ  các vua trên đất. Ngài ở trên ngai của Đức Chúa Trời, để hành quyền cai trị vũ trụ, có quyền mở sách, tháo 7 ấn huyền nhiệm của Đức Chúa Trời. Các thánh đồ phải thấy rằng muôn vật và mọi sự trong vũ trụ cùng trên mặt đất đều ở dưới quyền tể trị của Chúa Jésus. Mục đích đời đời của Ngài sẽ chắc chắn hoàn thành đầy đủ, không một trở lực nào cản phá được, vì Christ là Đầu của vũ trụ.

6. Về Linh Phao lô rao giảng về sự kiện Đức Chúa Trời Tam Nhất trải qua một diễn trình và được hoàn tất để trở thánh Linh ban sự sống ( ICo15: 45) và Linh của Jésus Christ ( Phil.1:19). Theo lời trong chức vụ tu bổ của Giăng thì Chúa là Đức Linh đó, đã được tăng cường thành  Bảy Linh. Đó là 7 ngọn đèn lửa cháy phừng trước ngai Đức Chúa Trời và là 7 mắt sắc bén của Chiên Con, có sức mạnh soi thấu và truyền đạt. Qua sự truyền dẫn của Bảy Linh các người đắc thắng được sản sinh trong các hội thánh suy đồi. Đoàn người  đắc thắng này là ngọn núi Siôn trong Giêrusalem mới hôm nay, đó chính là Cô Dâu mà Đấng Christ, Tân Lang, đang trông đợi. Các hội thánh đã bị suy đồi từ thế kỷ thứ nhất, các hội thánh khôi phục hôm nay có thể còn bị rách nát, nhưng Cô Dâu phổ thông chắc chắn sẽ xuất hiện từ đó do chức vụ tăng cường của Bảy Linh Đức Chúa Trời.

Tóm lại chúng tôi không định ý tôn cao chức vụ phục hồi của Giăng cách thái quá và hạ thấp chức vụ xây dựng của Phao lô. Thực ra sau nửa thế kỷ, các lẽ thật đỉnh cao do Phao lô rao giảng như mất tác dụng đối với các thánh đồ. Phierơ đã nhận định tình trạng rất chính xác khi nói rằng: “ Phao lô, anh yêu dấu của chúng ta, theo sự khôn ngoan đã ban cho mình mà viết cho anh em. Trong các thơ của anh cũng nói đếnnhững sự ấy, trong đó có mấy điều khó hiểu, mà các kẻ dốt nát, không vững bền cượng giải, cũng như họ cượng giải các kinh văn khác, chuốc lấy sự hư mất cho mình” (II Phi. 3:15 – 16).
Thật vậy, các thánh đồ thiếu hiểu biết không hiểu nổi các lẽ thật Phao lô rao giảng và còn bóp méo chúng khi giải kinh văn theo ý mình. Các con bịnh được kẻ thù là Satan cho tăng cường sức đề kháng thuốc, nên Đức Chúa Trời đưa ra liều lượng sau cùng qua chức vụ tăng cường lực của Giăng.
Ngày nay chúng ta đánh giá cao chức vụ khôi phục, hàn gắn, củng cố của Giăng, nhưng cũng không thể bỏ qua chức vụ làm đầy đủ của Phao lô, vì các hội thánh trên xứ sở này chưa vui hưởng hết chức vụ ấy, và cả hai  chức vụ này đều nằm trong chức vụ thiên thượng của Đấng Christ theo sự quản trị thần thượng của Ngài./.
Minh Khải