Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2011

CHỨC NĂNG BA MẶT CỦA CHÚA JESUS


“Thật Đức Giê-hô-va là Quan Án chúng ta, Đức Giê-hô-va là Đấng Lập luật cho chúng ta, Đức Giê-hô-va là Vua chúng ta, chính Ngài sẽ cứu chúng ta” (Ê-sai 33: 22).

“Chỉ có một Đấng lập pháp, một Đấng xét đoán, tức là Đấng có thể cứu, cũng có thể diệt” (Gia cơ 4: 12).
“Đấng xét đoán tôi, ấy là Chúa. Vậy, chớ nên xét đoán gì sớm quá, hãy đợi Chúa đến” (I Cô 4: 4b – 5).
Do các câu kinh thánh trên chúng ta nhận thấy Đức Giê-hô-va ngày nay, là Chúa Jesus, Ngài có ba quyền là: tư pháp, lập pháp và hành pháp. Quyền tư pháp của Quan Án trái đất sẽ hiển lộ vào ngày Quan Án ấy tái lâm. Ngày nay, chúng ta sống dưới hai quyền lập pháp và hành pháp của Ngài.

Gia-cơ, em phần xác của Chúa Jesus còn lẫn lộn luật cũ của Đức Giê-hô-va lập với luật mới của Chúa. Ông nói: “hễ ai giữ cả luật pháp (cựu ước)” (Gia 2: 10), và nói: “những kẻ nhìn vào (xem rõ) luật pháp trọn vẹn, là luật của sự tự do và đang tồn tại, chẳng phải nghe rồi quên đi, nhưng tuân theo mà làm, kẻ ấy sẽ được phước trong việc làm của mình” (Gia 1: 25). Đây là luật sự sống ban cho chúng ta vào lúc tái sinh, suốt đời trồng luôn trong bản thể, lòng dạ chúng ta, chung với lời trồng bên trong (Gia 1: 17).

Rõ ràng Chúa Jesus là Đấng lập pháp khi Ngài sáu lần tuyên bố rằng: “các ngươi đã nghe phán …Song Ta nói cùng các ngươi” (Math 5:21, 27,31,33,38,43). Chúa không tiêu hủy luật cựu ước, nhưng tăng cường, bổ sung, nhân lên tuyệt đỉnh. Cả bài giảng trên núi (Math 5-7) là bộ luật mới của Vương quốc Ngài, mà Ngài đã ban hành để mở đầu cho triều đại Vương quốc các từng trời của mình. Ai muốn vào vương quốc ngàn năm của Ngài, người ấy phải thi hành trọn vẹn các điều khoản bộ luật ấy.

Trong thời đại cựu ước, luật pháp Đức Giê-hô-va ghi khắc trên bảng đá và trên sách vở bên ngoài. Đối với các công dân nước trời thì: “Chúa lại phán: nầy là giao ước ta sẽ lập với nhà Y-sơ-ra-ên: sau những ngày đó, Ta sẽ để các luật Ta trong tâm trí (sự hiểu biết) họ, ghi tạc nó vào lòng họ … Họ sẽ chẳng cần mỗi người dạy kẻ lân cận mình và anh em mình rằng “hãy nhận biết Chúa”, vì họ hết thảy, từ kẻ nhỏ cho đến kẻ lớn đều sẽ biết Ta” (Hê 8: 10 – 11).

Giê-rê-mi 31: 33 là xuất xứ của khúc kinh thánh nầy, tiên tri ghi: “Ta sẽ đặt luật Ta (số ít) trong các phần bên trong của họ, và Ta sẽ viết nó vào trong lòng họ”. Giê-rê-mi nói một “luật” ghi vào các phần bên trong, Phao-lô nói đặt “các luật” vào tâm trí (sự hiểu biết), rồi vào tấm lòng. Vì tâm trí là phần lãnh đạo ba phần của hồn và các phần của tấm lòng.

Trước hết do truyền đạt sự sống thần thượng, Đức Chúa Trời đặt luật sự sống cao nhất vào trong linh chúng ta, rồi nó lan tràn thành nhiều luật trong tâm trí, tình cảm và ý muốn, trong tấm lòng… Mọi sự sống đều có luật chi phối riêng, sự sống đời đời có luật cao nhất. Cả Đức Chúa Trời và Sa-tan sau khi vào cư trú trong chúng ta, không hành động bằng các hoạt động nhưng bằng luật lệ. Sau khi các luật ấy có hiệu lực lâu dài, đời sống chúng ta sẽ phát sinh các tập quán, thói quen, hành vi cố định. Các “ hành vi thân thể” tiêu cực (La 8: 13, Côl. 3: 9) là thành quả sự trộn lẫn của luật sự chết vào các chi thể chúng ta (La 7: 23). Còn Luật của Linh sự sống ở trong chúng ta sẽ giải phóng chúng ta khỏi quyền lực tội lỗi. Điều đáng tiếc là Luật của Linh sự sống không có hiệu lực trong nhiều phần bên trong của tín đồ, trừ phần linh mà thôi. Người bề ngoài của tín đồ không hiệp tác Đức Chúa Trời trong linh, để làm nên sự cứu rỗi đầy đủ cho đời mình (Phi 2: 12b – 13), tạo ra các thói quen, hành vi thuộc linh.

Bộ luật mới của Vương quốc đã ban hành đầy đủ trên núi là tiêu chuẩn công nghĩa siêu trác. Linh của Chúa đã ngự vào các phần bên trong chúng ta, mang theo luật thực nghiệm có ý hướng thi hành cả bộ luật trên núi đó vào cuộc đời chúng ta. Nhưng con người chúng ta bằng bụi đất, thuộc hồn và xác thịt dễ quên luật văn tự ấy và không đủ sức thi hành nổi. Chúa ban cho ta lương tâm (thuộc linh) giữ vai trò nhắc nhở chúng ta rằng mình vẫn chưa đạt tiêu chuẩn bộ luật ấy. Lương tâm là tiếng nói về mặt tiêu cực, còn tiếng Chúa thì về mặt tích cực, chỉ dẫn và ban thêm sự sống mới cho ta. “Sự nghe do lời (rhema) của Christ” (La mã 10: 17). Tiếng Chúa, lời Ngài, rhema Ngài là Linh, là sự sống tăng cường, củng cố chúng ta vâng phục trọn bộ luật ấy.
Về quyền hành pháp, sứ đồ Giăng viết: “còn các con đã có sự xức dầu từ Đấng Thánh và các con biết mọi sự … sự xức dầu mà các con đã tiếp nhận từ Ngài đang ở trong các con, các con không cần ai dạy mình, nhưng theo như sự xức dầu của Ngài dạy các con mọi sự, và là chân thật, không phải sự nói dối, thậm chí nó dạy các con ra sao, hãy ở trong Ngài như vậy” (I Giăng 2: 20, 27 bản khôi phục).

Sự xức dầu là chuyển động và hoạt động của Linh tổng hợp nội trú. Dầu xức làm hình bóng Linh ban sự sống tổng bao hàm (xem Xuất 30 23 – 25), từ Đấng Thánh (Christ) ban cho chúng ta vào lúc tái sanh. Đấng Thánh đang cai trị chúng ta cách sinh động bằng sự xức dầu, bằng sự chuyển động liên tục của Linh Ngài.

Trong thời Cựu ước, Linh Đức Giê-hô-va không thường trú trong thánh đồ. Dầu vậy, họ cũng biết những lúc “tay Chúa đè nặng trên họ” (Thi 32: 4), biết “có kỳ nín lặng, có kỳ nói ra” (Truyền 5: 7). Thế mà ngày nay các thánh đồ Tân ước có Linh nội trú mà lại không cảm nhận quyền hành pháp hiện thực của Chúa Jesus trong đời mình. Đó là lý do nhiều anh em chúng ta không thấy Jesus, Nguyên Thủ của các vua trên đất, Đầu Hội thánh đang nhập vai Thầy Thượng Tế đi lại giữa bảy chơn đèn vàng. Mắt Vua như ngọn lửa, chơn Vua như đồng sáng để giày đạp. Bàn tay Vua nắm giữ bảy ngôi sao, miệng Vua thò ra thanh gươm bén hai lưỡi để giết chết thuộc linh. Chúa đang cai trị.

Nếu anh em chúng ta đang tuân hành luật pháp Vương quốc Ngài, vâng phục sự xức dầu của Ngài, dù thấy thấp thoáng “Quan án đang đứng trước các cửa” (Gia 5: 9), chúng ta cũng không đến nỗi quá sợ hãi phiên tòa xét xử mình. Cụ Giăng trấn tỉnh chúng ta: “Hỡi các con bé mọn ta, hãy cứ ở trong Ngài, hầu cho nếu Ngài hiển hiện thì chúng ta được dạn dĩ, không đến đỗi hỗ thẹn ở trước mặt Ngài lúc Ngài hiện đến (parousia)” (Giăng 2: 28)./.
Minh Khải