Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2011

NGỌC CHÂU ĐỎ VÀ LAM BỬU THẠCH



NGỌC CHÂU ĐỎ VÀ LAM BỬU THẠCH


         
          Giê-rê-mi miêu tả dân thánh thời cực thịnh rằng: “các con trai Si-ôn quý báu khác nào vàng ròng… các người sang trọng của nó tinh hơn tuyết, trắng hơn sữa; Nước da đỏ hồng hơn san hô, mình mẫy sáng ngời hơn bích ngọc” (Ca 4: 2, 7).
          Theo bản Anatical concordance to the Bible của Young, theo nguyên văn : “san hô” ở đây là rubies (ngọc châu đỏ) và bích ngọc là “lam bửu thạch”.
Tiếng Hê-bơ-rơ mà dịch là “ngọc châu đỏ” ở đây là peninim. Một số học giả cho đó là san hô; số khác cho nó là ngọc châu màu đỏ hồng trong suốt.. Tiếng Hi-lạp tương đương là pinna. Ngọc châu pinna thường có ở Biển Đỏ, Anh ngữ là Pink pearl. Đây là hòn ngọc châu trong suốt, màu đỏ hồng, giá cao vì vẻ đẹp và sự hiếm có của nó. Từ ngữ peninim chỉ xuất hiện ở Gióp 28: 18, Châm 3: 15; 8: 11; 20: 15; 31: 10 và Ca 4: 7).
Tại sao Lam bửu thạch, một trong 12 ngọc của bảng đeo ngực lại đứng chung với ngọc châu đỏ ở đây? Theo bản ASV câu Kinh thánh trên là: “Những người Na-xi-rê của họ tinh khiết hơn tuyết, họ trắng hơn sữa; Họ hồng hào trong thân thể hơn ngọc châu đỏ, sáng ngời như lam bửu thạch”.
Dân Si-ôn là dân Chúa nói chung, còn người Na-xi-rê (người biệt riêng) là nhóm đắc thắng riêng biệt. Người đắc thắng có hai đặc điểm sau đây:
Thứ nhất, thân thể hồng hào hơn ngọc châu đỏ. Trinh nữ Su-la-mít nói về Chúa: “Lương nhơn tôi trắng và đỏ (hồng hào)”. Có lời mô tả Đa-vít lúc còn tuổi thanh xuân: “mặt người hồng hào”, “người Phi-li-tin (Gô-li-át) xem thấy Đa-vít còn trẻ, nước da hồng hào”. Thân thể ai dồi dào sinh lực thì nước da hồng hào.
Để có ngọc châu đỏ trong suốt, con trai phải qua quá trình đau đớn cực độ và chết. Điều này nói lên sự chết cứu chuộc của Christ và kinh nghiệm chết hàng ngày của các thánh. Tấm bong thứ ba (kể từ dưới lên trên) đậy trên đền tạm bằng da chiên đực nhuộm đỏ.
La-mã 5: 15 và 17 nói đến sự ban tứ trong ân điển và sự ban tứ của sự công nghĩa. Đức Chúa Trời ban tứ ân điển cho mọi người tiếp nhận Jesus Christ, nhưng đức công nghĩa của Ngài chỉ ban thêm ân điển cho một số ít người làm vua mà thôi. Christ làm thỏa mãn đức công nghĩa của Đức Chúa Trời, được làm Vua. Các người đắc thắng nhờ Christ làm thỏa mãn đức công nghĩa của Đức Chúa Trời cũng sẽ “làm vua trong sự sống” như vậy. Đức Chúa Trời công nghĩa không vị nễ ai. Hễ ai dầm thấm sâu xa, lâu dài trong dòng sự chết, nước da càng hồng hào, càng đầy sinh lực thuộc linh. Phao-lô nói: “Thân thể hằng mang sự chết của Jesus, hầu cho sự sống của Jesus cũng được tỏ ra trong xác thịt hay chết của chúng tôi”.
Điều đáng buồn là dân Chúa ngày nay thường có “mặt đen hơn than” như Giê-rê-mi nói. Theo Khải 6, con ngựa ô báo hiệu sự đói kém. Kẻ thiếu dinh dưỡng, kẻ đói sẽ có nước da đen hốc hác. Đó là thực trạng của các người tạm gọi là “đoàn người Na-xi-rê” biệt riêng trong các hội thánh hôm nay. Họ nổ lực mọi cách để cải thiện tình trạng sức khỏe thuộc linh dân chúng của họ, nhưng sự ban tứ của sự công nghĩa vẫn treo án phạt ở trên. Nhiều anh em được thạnh vượng về phần xác, nhưng không được thạnh vượng về phần hồn. Kinh nghiệm ngọc châu đỏ là điều cơ bản.
Thứ hai, “sáng ngời như lam bửu thạch”. Lam bửu thạch màu thiên thanh, ám chỉ thượng giới và những gì thuộc về trời. Người Na-xi-rê đắc thắng của Chúa dồi dào sinh lực bên trong, có lối cư xử cùng biểu lộ như dân thiên thượng, sáng ngời như ngọc xanh lam.
Trong Ga-la-ti 4 Phao-lô nói chúng ta là con cái của thành Giê-ru-sa-lem ở trên. Dân thượng giới phải lấy cách cư xử mà “tỏ ra công việc mình trong sự nhu mì của sự khôn ngoan”. Dân thượng giới không thể cay đắng, ganh ghét nhau, hay ưa cãi cọ. Gia-cơ nói: “sự khôn ngoan từ trên mà xuống thì trước hết là thanh khiết, sau lại hòa bình, ôn lương, nhu nhượng đầy dẫy sự thương xót và bông trái lành, không thiên kiến, không giả hình”.
Trong nhà Chúa hôm nay chúng ta ít gặp người có lối cư xử sáng ngời như dân thượng giới. Chúng ta thường thấy sự ganh ghét, cãi cọ, sự lộn xộn và mọi việc ác từ trí tuệ huyết khí, thuộc đất mà ra.
Tân phụ mặc áo trắng bằng vải gai mịn sáng láng, tinh sạch. Áo mặc là lối cư xử của một người. Nhiều anh em có lối cư xử giả hình, lá mặt lá trái, nói xấu sau lưng anh em mình. Đó là lối cư xử tối tăm, bất khiết, không phải lối sống của dân thiên thượng.
Người dân như lam bửu thạch “ăn ở (bước đi) như con cái của sự sáng, vì bông trái của sự sáng ở tại mọi điều lương thiện, công nghĩa và thành thật” – Nguyện Chúa cho chúng ta có sinh lực thuộc linh hồng hào như ngọc châu đỏ, và lối cư xử sáng ngời như lam ngọc. Amen./.