Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2011

BẢN VĂN KINH THÁNH

BẢN VĂN KINH THÁNH

Trong số các kết quả của các công trình nghiên cứu văn bản Cựu và Tân Ước của các học giả thuộc ba thế hệ vừa qua, kết quả quan trọng nhất là niềm tin quyết căn cứ trên một chứng cứ hiển nhiên không chối cãi được là ngày nay chúng ta đang có trong tay một quyển Kinh Thánh mà bản chất không khác với nguyên bản. Dĩ nhiên việc sao chép bằng tay qua nhiều thế kỷ khiến cho các bản sách có khác đi là điều không tránh được, nhưng không có trường hợp nào giáo lý đã bị sự thay đổi đó ảnh hưởng. Trong trường hợp Cựu Ước, cách sao chép thận trọng của các thầy thông giáo người Do Thái đã giữ được tính cách chính xác của bản văn; trong khi với Tân Ước, chúng ta được giáo sư F.J.A. Hort cho biết, ngoại trừ một số sai biệt vô nghĩa về văn phạm hay chính tả thì không có đến một phần ngàn của toàn bộ Kinh Thánh bị ảnh hưởng do sự sao chép khác nhau.
+ Cựu ước:
Trong khi rất có thể sách Sáng Thế Ký chứa đựng các yếu tố xưa cũ của thời nguyên thủy, được viết trên các bảng đất nung bằng tiết hình tự (chữ hình nêm) của người Ba-by-lôn, ngôn ngữ của Cựu Ước là văn tự Hi Bá Lai cổ, là văn nói mà dân Do Thái đã sử dụng từ giữa thế kỉ thứ mười bốn TC hoặc sớm hơn, cho đến thời kỳ họ bị lưu đày sang Ba-by-lôn vào đầu thế kỷ thứ mười sáu TC. Nhưng ngoại lệ duy nhất là một câu trong sách Giê-rê-mi và vài phần đoạn của sách Đa-ni-ênE-xơ-ra, được viết bằng chữ A-ram, một ngôn ngữ Semitic cùng họ với chữ Hi Bá Lai. Sở dĩ được gọi tên như vậy là do tên xứ A-ram hay Sy-ri, nằm ở ranh giới phía Đông Bắc xứ Palestine, mà người Do Thái từng tiếp xúc trong nhiều thời kỳ khác nhau. Có lẽ các vị tộc trưởng đã dùng một trong số các thổ ngữ đó (Sáng thế 31:47; Phục Truyền 26:5). Từ thời kỳ lưu đày trở về sau, nó thay thế ngôn ngữ Hi Bá Lai trong địa vị tiếng nói của xứ Palestine, rồi trở thành ngôn ngữ phổ thông (lingua franca) của vùng Trung Đông. Về sau đó lần lần được Hi văn thay thế. Tiếng A-ram là ngôn ngữ mà Chúa chúng ta và các môn đệ Ngài thường nói.
+ Các Thủ Bản (Manuscript: Bản Chép Tay) Cựu Ước Bằng Tiếng
Hi Bá Lai.
Đã không có một thủ bản nào tồn tại đến ngay nay được định niên đại cổ hơn thế kỷ thứ chín SC. Có một thủ bản thế kỷ thứ chín của Ngũ Kinh Môi-se (Pentateuch) tại Viện Bảo tàng Anh Quốc, một trong các sách tiên tri tại Leningrad được ghi niên đại là năm 916, và một số nhiều hơn nữa ở Nga. Tại Cambridge, có một thủ bản Hi Bá Lai ghi năm 856, nhưng các học giả cho rằng niên đại đó không đúng. Tất cả các thủ bản Cựu Ước bằng tiếng Hi Bá Lai còn tồn tại được gọi là bản Massoretic. Các Massoretes là những Ra-bi và học giả người Do Thái chuyên duyệt  lại Cựu Ước bằng tiếng Hi Bá Lai từ thế kỷ thứ bảy trở đi. Họ làm cho các văn bản hoàn toàn giống nhau, bảo đảm sự thống nhất đó bằng nhiều qui luật tỉ mỉ nhằm hướng dẫn những người sao chép sách. Sau khi một quyển sách được sao chép xong, phải đếm số chữ trong bản sao, và nếu có sai biệt thì bản sao bị loại bỏ. Các Massoretes thêm các ký hiệu chỉ nguyên âm vào bản văn gồm toàn các phụ âm trở thành dễ hiểu hơn, nhưng vì thế đôi khi lại đưa vào những nghĩa sai. Thái độ cực kỳ thận trọng của các Massoretes đối với bản văn là lý do khiến chúng ta chỉ còn các thủ bản có niên đại không cổ lắm, vì khi đã được sao chép kỹ lưỡng như vậy, người ta không cần phải bảo tồn các bản sao xưa hơn, khi đã được bảo đảm rằng chúng với các bản sao hoàn toàn giống nhau. Việc ấn hành và phát hành các bản Massoretes được căn cứ trên kinh Tamud, là sách giải nghĩa và chú thích Cựu Ước, được định niên đại vào khoảng 270-500SC. Như thế bảng Massoretic vốn là bản kinh thánh Cựu Ước chính thức của người Do Thái, đã được lưu truyền từ bản tiếng Hi Bá Lai của thế kỷ thứ hai SC, đó là bản Kinh Thánh được viết và sử dụng vào thời của Chúa chúng ta. Phía sau kinh Talmud có bản Targums là bản dịch theo cách diễn ý cổ bản Hi Bá Lai sang chữ A-ram và thuộc về thế kỷ thứ ba, thứ tư SC. Bản văn dùng để diễn ý này là bản Kinh Thánh thông dụng tại Palestine vào thế kỷ thứ nhất TC. Nó có hơi khác với bản Massoretic là bản chúng ta căn cứ vào đó để dịch các bản Kinh Thánh hiện đại.
+ Các Bản Dịch Cựu Ước.
Một trong những bản Cựu Ước dịch từ nguyên bản quan trọng nhất là sách Ngũ Kinh Sa-ma-ri có lẽ dịch từ thế kỷ thứ tám TC trong các điều kiện được mô tả trong II Vua 17:24-28. Các bản sao còn lại được định niên đại từ các thế kỷ thứ mười đến mười ba SC, hoặc sớm hơn nữa. Có một số ít cũng được sao chép lại từ thủ bản hiện còn tại Nablus, Palestine mà có người cho là vốn có từ các thế kỷ đầu tiên của kỷ nguyên Cơ Đốc giáo. Bản này khác với bản Massoretic khoảng sáu ngàn chỗ, phần lớn những điểm dị biệt là về văn phạm, chẳng có gì quan trọng. Trong số những điểm còn lại, có một số là do sự cố ý tạo ra (chẳng hạn như Ghê-ri-xim thay vì Ê-banh trong Phục Truyền 27:4), một số là những câu giải thích hay nhắc lại, trong khi một số khác cho thấy thật sự có khác nhau về cách đọc. Ở một số chỗ bản Sa-ma-ri phù hợp với bản Bảy Mươi (xem dưới đây), và có độ ba mươi lăm chỗ như thế được xem là đúng hơn những chỗ trong bản Massoretes.
Bản dịch Cựu Ước ra Hi văn (Greek) được biết dưới tên Bộ Bảy Mươi (Septuagint) vô cùng quan trọng. Việc phiên dịch bộ sách ấy được bắt đầu từ Alexandria vào thế kỷ thứ ba TC, và trở thành quyển Kinh Thánh được công nhận của những người Do Thái nói tiếng Hi Lạp. Tầm quan trọng của nó trong việc dùng để rà soát lại bản Massoretic thật dễ hiểu. Nó được Hội Thánh Đấng Christ trọng dụng như một bản dịch Cựu Ước được công nhận. Vì thế bản dịch này bị người Do Thái chối bỏ, và một bản dịch mới từ một bản Hi Bá Lai thông dụng ra Hi văn đã ra đời, có đặc điểm là dịch sát nguyên văn, do Ra-bi Onkelos thực hiện khoảng năm 150 SC. Trong thế kỷ thứ hai, còn có một bản dịch khác nữa được thực hiện bởi Theodotion, mà người ta cho là một Cơ Đốc nhân người Do Thái, cũng từ bản Hi Bá Lai phổ thông, nhưng dịch phóng khoáng hơn. Khoảng năm 200, một bản dịch thứ tư ra Hi văn được Symmachus thực hiện. Cả bốn bản dịch trên đây đều được sắp xếp thành bốn cột trụ cùng với bản Hi Bá Lai và bản chuyển âm Hi văn của Origen trong thế kỷ thứ ba, công trình này được gọi là bản Hexapla. Bản sao bản Septuagint nguyên thủy đã được chính Origen xuất bản. Bản dịch tại Alexandria tất nhiên tiêu biểu cho bản Hi Bá Lai cổ hơn bản Massoretic và có nhiều chỗ khác với bản ấy. Khác ít nhất là phần Ngũ Kinh, và nhiều là trong các sách Sa-mu-ên và Các Vua. Thứ tự các đoạn Giê-rê-mi có khác hơn và khoảng một phần sáu của sách Gióp bị bỏ sót. Ý kiến của đa số các học giả là ở những chỗ bản Bảy Mươi khác với Bản Hi Bá Lai thì những chỗ khác đó của bản Bảy Mươi đôi khi đúng, bởi vì đây đó được bản Sa-ma-ri hậu thuẫn, nhưng nhìn chung thì bản Massoretic (bản Hi Bá Lai) đáng tin cậy hơn.
Hầu Như toàn bộ Cựu Ước Hi Văn đều có cả trong thủ bản Vatican (Codex Vaticanus) trong thư viện Vatican ở Rô-ma và thủ bản Alexandria (Codex Alexandrinus) tại Viện Bảo tàng Anh Quốc và một phần lớn thì có trong thủ bản Si-na-i (Codex Sinaiticus), được Tischendort phát giác năm 1844, hiện cũng được giữ tại Viện Bảo tàng Anh Quốc. Các thủ bản quan trọng này được định niên đại từ thế kỷ thứ tư hoặc thứ năm. Thủ bản Ephraemi tại Paris còn gồm có cả một mảnh bản sao rất cổ. Thêm vào các bản chép tay quan trọng kế trên còn có khoảng mười tám cổ bản chép bằng chữ in hoa ( uncial manuscripts) vào khoảng thế kỉ thứ năm đến thứ chín, và trên ba trăm cổ bản chép theo kiểu chữ viết tay (cursives). Thiết tưởng cần giải thích rằng “ codex” là thuật ngữ chỉ một quyển sách có hình thù như quyển sách chúng ta dùng ngày nay, khác với loại sách cuộn là hình thức quyển sách đời xưa.
Nhiều bản dịch Cựu Ước khác cũng đã được thực hiện trong các thế kỉ đầu tiên của kỉ nguyên Cơ Đốc giáo. Bản Syriac được biết dưới tên Peshitta, được thực hiện vào thế kỉ thứ hai hoặc thứ ba. Nó được lấy từ bản Hi Bá Lai nhưng được nhuận chánh theo bản Bảy Mươi, do đó không đáng tin cậy trong các vấn đề có sai biệt. Hai bản dịch ra tiếng Ai Cập Cổ (Coptic) là Bohairic và Sahidic xuất hiện vào thế kỷ thứ ba và có lẽ được trích  từ bản Bảy Mươi. Cũng có bản trích dịch ra các thứ tiếng Ê- thi-ô- bi, Gô- tích, At- mê- ni, A-rập, Georgian và Slavonic nhưng không có bản nào có giá trị cao có thể sử dụng nhằm mục đích phê bình bản văn. Bản dịch được biết là bản La- tinh cổ có lẽ được thực hiện tại Bắc Phi vào thế kỉ thứ hai SC. Bộ ấy được trích từ bản Bảy Mươi và đã tồn tại không đầy đủ giá trị của nó về mặt phê bình nguyên văn, phần Cựu Ước vốn kém hơn phần Tân Ước. Cuối cùng là bản dịch La- tinh được biết là bản Valgate, quyển Kinh Thánh của thời trung cổ và là bản dịch chính thức của giáo hội Công Giáo La Mã ngày nay. Phần lớn bộ ấy là công trình của Jerome và một phần dịch trực tiếp từ bản Hi Bá Lai, một phần là bản nhuận chánh bộ Kinh Thánh chữ La-tinh có tham khảo bản Hi văn và phần lớn sách Ngoại  kinh (Apocrypha) là từ bản La- tinh cổ chưa nhuận chánh.
+ Tân Ước
Đến nay chúng ta còn có trên bốn ngàn cổ bản Tân Ước hoặc những phần của Tân Ước. Diễn trình lưu truyền Tân Ước tự chia làm ba giai đoạn, giai đoạn giấy vỏ cây ( từ thế kỷ đầu đến thế kỷ thứ tư), giai đoạn chữ in hoa ( từ thế kỷ thứ tư đến thế kỷ thứ chín) và giai đoạn của lối chữ viết tháu (từ thế kỷ thứ chín đến thế kỷ thứ mười lăm). Cần biết rằng bằng chứng về bản Tân Ước dồi dào hơn bất cứ một văn phẩm nào của thế giới cổ đại lưu truyền lại cho chúng ta.
Vào  đầu kỷ nguyên Cơ Đốc Giáo, vật liệu để viết thông dụng là vỏ cây sậy papyrus được chế biến cho thích hợp để viết chữ lên trên. Giống sậy này mọc rất nhiều trên bờ sông Nile. Nhiều tài liệu viết trên giấy vỏ cây còn lại đến ngày nay, đã được tìm thấy trong năm mươi năm qua ( kể từ ngày sách này xuất bản năm 1947) tại Ai Cập, trong đó có nhiều cổ bản Tân Ước. Một trong những khám phá quan trọng nhất là ba sách vỏ cây, đóng như quyển sách ngày nay, có từ thế kỷ thứ ba và chứa đựng phần lớn Tân Ước. Chúng được phát giác vào năm 1930 và được ông A. Chester Beatty mua lại.  Toàn bộ Tân Ước hầu như chưa bao giờ được góp chung trong một quyển sách hay cuộn sách vào giai đoạn này. Tuy Hội Thánh Đấng Christ ngày càng phát triển và có ảnh hưởng lớn, nhưng Hội Thánh vẫn là một phong trào thầm lặng bên trong đế quốc La Mã cho đến thế kỷ thứ tư. Giữ một bộ Kinh Thánh hay một phần Kinh Thánh vốn vô cùng nguy hiểm trong giai đoạn bách hại.. Cơ Đốc nhân nói chung lại thuộc giai cấp nghèo khổ. Điều này có nghĩa Kinh Thánh thường được sao chép rất vội vàng do những người không biết phân biệt các chú thích ghi bên lề với phần thật sự là kinh văn. Ta có thể dễ dàng tưởng tượng ra những nhầm lẫn do các hoàn cảnh như thế tạo nên. Điều đáng ghi nhận là thực sự có rất ít những nhầm lẫn như vậy.
+ Giai đoạn chữ in hoa
Toàn thể viển ảnh của vấn đề lưu truyền bản văn đã thay đổi khi Cơ Đốc giáo được chính thức đỡ đầu vào thế kỷ thứ tư. Có hoàng đế đã tự đảm nhiệm lấy trọng trách tìm kiếm và duy trì bản văn tốt nhất cho nên các bộ sách lớn bằng giấy da mỏng đóng thành quyển như hình thức quyển sách ngày nay đã ra đời. Lối chữ viết trong giai đoạn này nói chung được gọi là chữ in hoa (uncial), trong đó phần lớn được viết theo lối chữ in hoa. Cách viết chữ như vậy thật rõ ràng, và có thể nói là đẹp nữa. Vào cuối giai đoạn này, vì nhiều lí do khác nhau, cách viết chữ đó trở nên lỗi thời và được tiếp nối bằng nhiều loại chữ theo lối viết tháo.
+ Giai đoạn chữ viết tháo
Một bản chữ viết tháo là viết theo lối thông thường như viết thư. Một số bản viết như vậy rất khó đọc. Theo các nhà phê bình bản văn, giá trị của các cổ bản theo lối viết tháo là ở chỗ số bản viết tháo này có khá nhiều, cho phép người ta đối chiếu nhiều bản văn với nhau. Các cổ bản viết tháo đã không cung ứng một bản văn nào chưa được biết trong các giai đoạn trước đó, nhưng thỉnh thoảng người ta vẫn duy trì một vài bản có những khác biệt quan trọng.
+ Các loại  bản văn
Khi nghĩ đến các loại bản văn khác nhau dựa trên sự phân loại theo tài liệu của các học giả, chúng ta phải luôn luôn nhớ đa số những khác biệt đều tương đối không quan trọng. Năm 1881 Westcott và Hort đã chia bản văn Kinh Thánh ra làm bốn nhóm khác nhau. Nhóm thứ nhất được gọi là Syrian vì người ta tin rằng bản văn ấy có nguồn gốc tại An-ti-ốt, tuy vào thời gian gần đây người ta thích tên Byzantine hơn. Bản này chính yếu là nguyên văn của bộ Codex Alexandrinus (đầu thế kỷ thứ năm). Đây là bản văn của ấn bản đầu tiên Tân Ước Hi văn mà Erasmus đã thực hiện tại Basle năm 1516. Đó là ấn bản thứ ba của một thợ in người thành phố Paris là Stephanus cho xuất bản năm 1550, căn cứ theo Erasmus, bản Elzevir, xuất bản năm 1624, không khác mấy so với các bản vừa kể trên. Nó được biết với cái tên là “ bản văn tiếp nhận được” ( the “ received text”), và những lần ấn hành bộ Tân Ước Hi văn tiếp theo đó đều dựa trên bản này cho đến khi ấn hành các bản phê bình hiện đại.  Bản này dựa theo bản của Erasmus, căn cứ vào một số ít cổ bản, lúc đó những thủ bản Kinh Thánh quan trọng nhất chưa được khám phá. Một loại bản sao nữa được gọi là Trung Dung hay Alexandrian, gồm hai cổ bản quan trọng là Codex Vaticanus và Codex Sinaiticus. Westcott và Hort nhấn mạnh đến tính cách đáng tin cậy của bản Alexandrian và nó được coi là bản gần với nguyên bản tốt nhất còn tồn tại đến ngày nay. Cũng cần chú ý đến những bản được gọi là Tây Phương ( Western) vì đó là bản dịch tiếng La- tinh cổ và xuất hiện trong các thủ bản  La-tinh, hoặc những quyển có cả hai bản Hi văn và La-tinh. Ngày nay, người ta không còn nghỉ chúng vốn có nguồn gốc Tây phương nữa. Tiêu biểu của nhóm thủ bản này là bộ Codex Bezae, tại Cambridge gồm các sách Phúc Âm và Công Vụ Các Sứ Đồ. Từ thời của Westcott và Hort, các học giả có khuynh hướng chia nhỏ thêm ra thành năm loại, thay vì bốn. Đó là :1. Bản Alexandrian, 2. Bản Tây Phương, 3. Bản Caesarean ( tiêu biểu là sách Tin Lành Koridethi và bản giấy vỏ cây của Chester Beatty) 4. Bản Antiochian ( tiêu biểu là bản dịch  tiếng Sy-ri cổ), 5. Bản Byzantine, nhưng cần coi các loại đó ít có tính chất độc lập với nhau hơn trước kia. Có một số nhóm cổ bản được coi là quan trọng hơn các nhóm khác, và có những học giả cho là điều chắc chắn hợp lý, ấy là nguyên bản, nếu tìm được phải phù hợp với ít ra là hai hoặc hơn nữa trong số năm nhóm trên.
+ Các bản dịch Tân Ước
Bản dịch sớm nhất là bản Diatessaron của Tatian.Đây là sách dung hòa bốn sách Phúc Âm được thực hiện vào thế kỷ thứ hai cho các Hội Thánh tại  Sy- ri sử dụng, nhưng nguyên bản là Hi văn hay chữ Sy-ri thì không được rõ. Ngày nay sách này tồn tại trong một bản dịch ra tiếng A- rập, và một thành phần trong Hi văn vừa mới được khám phá. Sách được căn cứ vào bản văn Tây Phương, có lẽ đã được thực hiện tại Rô-ma. Bản dịch cổ các sách Phúc Âm tiếng Sy-ri có thể có vào khoảng năm 200. Cổ bản làm nền tảng có lẽ thuộc nhóm Trung Dung, tuy bộ sách cho thấy có vài chỗ theo lối Tây Phương, có lẽ do bản Diatessaron mà ra. Có người cho rằng nó đại diện cho một văn bản loại dộc lập. Bản dịch chính thức của các Hội Thánh Sy-ri từ thế kỷ thứ năm trở về trước, được biết là bản Peshitta. Bản dịch bộ này giống với nhóm được biết là Syrian hơn bất kì nhóm nào khác. Có ít nhất năm bản dịch ra chữ Ai-cập tiêu biểu cho các thổ ngữ khác nhau của cổ ngử Ai Cập (Coptic). Hai bản chính là bản  Bohairic, là thổ ngữ vùng hạ lưu Ai Cập, và bản Sahidic, cho thấy một số điểm giống với nhóm Tây Phương. Ba bản dịch còn lại dường như được căn cứ theo bản Sahidic. Các bản dịch cổ khác là bản chữ Armenian, thế kỷ thứ năm. Bản này được pha lẫn bản  Georgian, là bản được gọi là  Caesarean: bản Gô- tích, thế kỷ thứ tư, căn cứ trên một bản văn thuộc loại Syrian, và bản chữ Ê-thi-ô-bi, thế kỷ thứ sáu hoặc thứ bảy. Ở Tây Phương, chúng ta có các bản dịch La-tinh cổ, các bản sớm nhất được thực hiện để dùng cho các Hội Thánh Bắc Phi. Có nhiều chỗ khác nhau giữa các bản này với các bản được sử dụng tại Ý và các nơi khác. Các bản chữ La-tinh cổ có từ thế kỷ thứ tư và cần phân biệt với bản dịch quan trọng của Jerome, là bản dịch chính thức hiện hành của Giáo hội Công Giáo La Mã, và được biết với tên bản Vulgate. Về mặt lưu truyền các ban Kinh Thánh thì bản Vulgate không có gì quan trọng lắm. Bản Vulgate của Jerome được coi là có từ thế kỷ thứ tư hoặc thứ năm và dường như đã được sưu tập từ các cổ bản Hy văn thuộc loại Trung Dung, tuy có nhiều bản giống với bản Tây Phương do ảnh hưởng của văn La-tinh cổ.
+ Các bản dịch  Anh Ngữ
Một số các bản dịch Thi Thiên và sách Phúc Âm đã có thời Anglo-Saxon. Cuộc chinh phục của dân Norman kết thúc việc dịch Kinh Thánh ra các tiếng bản xứ trong suốt ba trăm năm do ảnh hưởng của các giáo sĩ từ lục địa và việc Pháp văn trở thành ngôn ngữ của các giai cấp thượng lưu và chuyên nghiệp. Đến thế kỷ thứ mười bốn, việc phiên dịch được tái tục và có nhiều bản dịch ra Anh văn của thời Trung cổ: Thi Thiên, Khải Thị, Các Thư Tín của Phao-lô, Công Vụ Các Sứ Đồ và Các Thư Tín Tổng Quát, trước khi có các bản dịch của Wycliffe. Có hai bản dịch thuộc loại này, nhưng không bản nào là do công trình của cá nhân Wycliffe đích thân thực hiện cả. Trong hai bản, thì bản sau dần dần thay thế bản trước, và chắc hẳn đã được sử dụng rộng rãi trong xứ cho đến khi có cuộc cải chánh. Đến thế kỷ thứ mười bảy, có các bản dịch của  Tyndale và Coverdale, và nhiều bản dịch khác dựa vào các bản dịch này, trong số đó, bản thông dụng nhất là bản Geneva, được xuất bản năm 1560. Tuyệt đỉnh của các bản dịch này là bản Authorized version vĩ đại năm 1611, một tuyệt phẩm về văn phong và văn tài tự thể hiện trong đời sống và trong văn chương của dân tộc Anh. Bản Revised Version năm 1881-1884, tuy dựa trên nhiều cổ bản có giá trị, đã không thành công trong việc thay thế bản Authorized Version ( tức bản King James), vốn được công chúng yêu thích hơn. Nhiều bản dịch mới khác nhau cũng tiếp tục ra đời nhằm phục vụ cho nhu cầu chung./.
(Sưu Tầm)