Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2011

ĐỊA DƯ XỨ PALESTINE

ĐỊA DƯ XỨ PALESTINE

Xứ Palestine (từ Hi văn Syria Palaistine. Phi-li-tin Sy-ri) nguyên được gọi là xứ Ca-na-an (có thể do một từ ngữ Hurrian có nghĩa là xứ của màu tía) nằm tại phía cực Tây Nam của “Vùng đất phì nhiêu hình bán nguyệt” nối liền đồng bằng Ơ-phơ-rát, Ti rơ với đồng bằng Nile. Lịch sử chính trị xứ này liên hệ chặt chẽ với địa lý của nó, nhưng lịch sử thuộc linh là một nét đặc thù vượt trên điều kiện địa lý siêu tuyệt của nó. Vốn là giãi đất nối liền hai khối lục địa lớn của Đông Bán Cầu là lục địa Eurasia và Phi Châu, xứ Palestine nằm trên các giao lộ của nền văn minh cổ đại. Con đường lớn từ Ai Cập đi Sy-ri và xa hơn nữa, chạy ngang xứ Palestine, là một trong những con đường quan trọng nhất của thế giới cổ đại cả về mặt thương mại lẫn chiến lược, và tầm quan trọng của nó vẫn chưa bị mất đi. 
Trong thời bình, các nhà cầm quyền xứ Palestine được lợi lộc nhờ những chuyến đi lại giao thương qua lãnh thổ của họ. Chẳng hạn như Sa-lô-môn từng đứng trung gian buôn bán ngựa và xe ngựa giữa Ai Cập và Si-li-si (I vua 10:28 và tt) mà thâu được nhiều lợi tức. Trong thời chiến, xứ Palestine trở thành bãi chiến trường cho các đế quốc miền Bắc và miền Nam chạm trán nhau, và là phần thưởng chiến lược cho cường quốc nào chiếm và giữ được nó.
Con đường lớn đi từ Ai Cập lên phía Bắc qua vùng đất thấp phía Tây xứ Palestine, cho đến khi không còn đi lên được nữa vì bị dãy núi nằm tại trung tâm xứ ấy chạy từ núi Cạt-mên ra Địa Trung Hải cản lại. Hàng rào cản này khiến con đường quay sang hướng Đông, qua đèo Mê-ghi-đô (là bãi chiến trường cho những trận đánh có tính cách quyết định qua hơn ba thiên niên kỷ rưỡi và mãi đến tận ngày nay) để vào đồng bằng Git-rê-ên (hay Ếch-tra-lôn theo tên gọi của người Hy Lạp). Nó chạy qua sông Giô-đanh ở phía Bắc biển Ga-li-lê rồi tiếp tục đi về hướng Đông Bắc cho đến Đa-mách.
Nằm giữa Địa Trung Hải và sa mạc Sy-ri, vùng lãnh thổ Palestine của Kinh Thánh gồm bốn vòng đai nằm hơi song song nhau chạy từ Bắc xuống Nam. Phía Tây là đồng bằng Sa-rôn, dọc duyên hải; rồi tới một cao nguyên bằng phẳng những ngọn đồi thấp được Kinh Thánh gọi là Sê-pha-la. Đó là vùng đất bằng phẳng từ núi Cạt-mên chạy xuống biển. Về phía Đông, nó từ từ đi xuống đến khi gặp vòng đai thứ ba, là đồng bằng Giô-đanh, nằm tại Kẻ Nứt Lớn. Nó tiếp tục đi xuống phía Nam qua Biển Chết và sa mạc A-ra-ba (vùng đất thấp nằm giữa Biển Chết và vịnh A-ra-ba) xuống tận Biển Đỏ để vào Phi Châu. Đồng bằng sông Giô-đanh nằm thấp hơn mặt biển Ga-li-lê 255 mét (685 bộ) và thấp hơn mặt Biển Chết, (vùng mặt nước nằm thấp nhất trên hoàn cầu) 383 mét  (1275 bộ). Như vậy, hệ thảo mộc vùng đồng bằng Giô-đanh hầu như thuộc vùng nhiệt đới xanh tươi rạng rỡ; vùng rừng rậm dọc hai bên sông là vùng “rừng già Giô-đanh” nơi mà vào thời Cựu ước, đã có “tiếng gầm của sư tử”. Biển Chết mà sông Giô-đanh chảy vào, nhiều thế kỷ trước, vốn kéo dài xuống miền Nam. Nằm dưới phần ngập nước của nó là những đống đổ nát của Sô-đôm và các thành phố khác của đồng bằng Giô-đanh (Sáng thế 19:25), trước kia vốn thuộc về một vùng đất đẹp đẽ, phì nhiêu, cho đến khi bị những cơn địa chấn được ghi lại trong Sáng thế 19, làm sụp đổ tan tành. Giữa sông Giô-đanh và vùng sa mạc phía Đông là vùng cao nguyên bên kia sông Giô-đanh, trước khi bị dân Y-sơ-ra-ên chinh phục, vốn là vương quốc của người Ba-san, Hết-bôn, Am-môn, Mô-áp và Ê-dôm (hai dân tộc đầu bị người Y-sơ-ra-ên lật đổ khi họ tiến vào xứ Ca-na-an).
Vương quốc Y-sơ-ra-ên bị chia đôi sau khi Sa-lô-môn băng hà, vương quốc miền Bắc nằm choán ngang con đường lớn đi từ Bắc xuống Nam, còn vương quốc miền Nam là xứ Giu-đê với kinh đô Giê-ru-sa-lem, nằm xa con đường mòn trong vùng núi Giu-đê về phía Nam của vùng cao nguyên trung tâm xứ Palestine. Do đó, vương quốc miền Bắc phải đụng chạm nhiều với các thế lực ngoại bang hơn là vương quốc miền Nam (tuy vương quốc miền Nam vẫn không hoàn toàn thoát khỏi được), nên vẫn thường phải nhập cuộc trong nhiều lần tranh chấp, trước hết là với lân quốc Si-ri phía Bắc và sau đó với cường A-sy-ri ở phía bên kia Si-ri. Các lý do địa lý được xem là nguyên nhân chính của sự sụp đổ của vương quốc miền Bắc hơn một thế kỷ trước khi vương quốc Giu-đa bị tiêu diệt. Các nhà tiên tri đã nhấn mạnh rằng sự an toàn của vương quốc miền Nam vốn nhờ vào việc tránh khỏi những cuộc đụng chạm rắc rối với ngoại quốc – tuy không nói ra là do điều kiện địa lý như trên đã nói – nhưng cũng rất phù hợp với tình hình địa lí khác với vương quốc miền Bắc.
Bờ biển xứ Palestine không có hải cảng lớn. Phù sa của sông Nile tạo thành một giãi đât dài dọc duyên hải. Sê-sa-rê, hải cảng được Hê-rốt Đại Đế xây dựng, chủ yếu là một hải cảng nhân tạo nên không tồn tại được lâu. Cả đến Ty-rơ cũng mất đi tính cách quan trọng là một hải cảng lớn ở phía Nam, tuy tàu bè vẫn còn có thể đến ẩn náu ở phía bắc của nó. Hải cảng hiện đại là Haifa nằm trong vùng vịnh được núi Cạt-mên tạo thành, vì nó chạy thẳng ra biển. Như thế, xứ Palestine rất khó phát triển giao thông bằng đường biển. Hải cảng E-xi-ôn Ghê-be nằm tại đầu vịnh A-ra-ba chỉ có thể được người Y-sơ-ra-ên và Giu-đa sử dụng khi người Ê-đôm liên minh với họ hay bị họ cai trị như dưới các thời trị vì của Sa-lô-môn và Giô-sa-phát.
Con sông đáng kể duy nhất của xứ Palestine là Giô-đanh, nằm sâu thấp hơn mặt biển nên không thể sử dụng cho việc dẫn thủy nhập điện. Do đó, sự phì nhiêu của xứ này lệ thuộc vào lượng mưa đều đặn, nếu không được như thế, như vào đời Ê-li, hậu quả sẽ rất đáng buồn. Mùa mưa kéo dài từ tháng Mười Một đến tháng Ba hay tháng Tư dương lịch;  đặc biệt có mưa nhiều là vào đầu và giữa giai đoạn ấy (do đó mà có các danh từ “đầu” mùa và “cuối” mùa). Khắp nơi trong xứ, người ta xây nhiều hồ và đào nhiều ao để nhận và giữ nước mưa (Giê-rê-mi 2:13). Những cơn mưa đầu mùa khiến cho đất mềm, sẵn sàng để cày lên, còn mưa cuối mùa thì tưới hột giống.
Đặc tính địa lý của xứ ấy tạo nên tôn giáo của các dân tộc cư ngụ tại đó trước dân Y-sơ-ra-ên. Hai thần Ba-anh và Ách-ta-nốt mà người Ca-na-an thờ lạy, vốn là các thần của thảo mộc, thần sinh sản (cho hoa lợi, con người và súc vật thêm lên), cho nên suốt thời gian dài, dân Y-sơ-ra-ên cũng gặp nguy cơ sa vào đó. Tuy nhiên, thỉnh thoảng trong xứ cũng nhận được những luồng gió mát từ sa mạc thổi vào, nên tôn giáo của dân Ca-na-an đã kết hợp hai loại thần thánh, thần Ba-anh của nông dân, và các thần của những người sống trong sa mạc.
Các giống ngũ cốc chính yếu được trồng là lúa mạch và lúa mì, được thâu gặt giữa tháng tư và tháng sáu dương lịch. Nho và ô-liu cũng được trồng trên các triền đồi núi, và được thâu gặt vào cuối mùa hè. Việc trồng trọt trong xứ phần lớn vốn bị bỏ bê từ nhiều thế kỷ qua, đến thế kỷ này lại được thực hiện hăng say, và một lần nữa, nó bắt đầu phục hồi khung cảnh đã được mô tả trong Phục Truyền 11:9-12.
(Sưu Tầm)