Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2011

DWIGHT L. MOODY (1837 – 1899)

Nếu thế giới này có thể trở nên tốt hơn, tôi tin chắc rằng nó phải được thực hiện bởi những người nam và người nữ tài năng trung bình” chính là lời tuyên bố hùng hồn của Dwight L. Moody. Với khả năng vật lý bẩm sinh, sự thông minh, tự tin và lạc quan, Dwight L. Moody có thể trở nên một chủ tịch tập đoàn công nghiệp khổng lồ như John D. Rockefeller hay Jay Gould. Thay vào đó, ông đã trở thành một nhà truyền giáo vĩ đại của thế kỷ XIX.
Dwight L. Moody sinh ngày 5 tháng 3 năm 1837 tại Northfield, Massachusetts trong một gia đình thợ nề đông con. Cha của Moody qua đời khi ông vừa lên 4, để lại 9 người con cho mẹ của ông, Betsey. Bà phải gửi các con mình làm việc ở nhiều nơi khác nhau. Năm 17 tuổi, ông đến Boston làm việc trong cửa hàng giày của người Chú và được yêu cầu đi nhóm với Hội thánh Congregational, nơi tiến sĩ Edward Norris Kirl là mục sư. Năm 18 tuổi ông tham dự học tập với YMCA và sau đó tin Chúa. Sau đó ông đến Chicago buôn bán giày dép và tích lũy được 100.000 Mỹ kim. Tuy nhiên sau đó ông nhận thấy rằng cuộc sống Cơ đốc của mình không chỉ có tích lũy nhưng cũng là ban cho, là giúp đỡ người nghèo ...

Năm 1858 ông thành lập một lớp Trường Chúa Nhật ở North Market Hall trong một khu ổ chuột ở Chicago. Nơi nhóm đã nhanh chóng phát triển thành một nhà thờ và sau 6 năm Giáo hội độc lập tại Illinois Street ra đời. Đây là tiền thân của Moody Memorial Church nổi tiếng sau này. Năm 1861, ông bỏ qua công việc kinh doanh để chuyên tâm truyền giáo và làm công tác xã hội. Moody thu hút rất nhiều người đến nhóm qua các buổi cầu nguyện tối và lớp học tiếng Anh.

Năm 1861 – 1865, Hoa kỳ rơi vào nội chiến, tại Chicago ông tham gia với ủy ban YMCA. Ngày 28 tháng 8 năm 1862, ông kết hôn với cô Emma C. Revell và ông đã có một con gái Emma Reynolds Moddy và có hai con trai, William Revell và Paul Dwight Moody. Làm chủ tịch YMCA trong bốn năm, ông đẩy mạnh công tác truyền giáo và tổ chức các buổi cầu nguyện. Ông từ chối chiến đấu nhưng làm việc thông qua YMCA và United States Christian Commission. Moody luôn nhận được sự hỗ trợ tài chính cho các dự án của mình từ các doanh nhân Cơ đốc giàu có như Cyrus MCCormick và John Wanamaker. Đặc biệt ông luôn kết hợp truyền giáo với công tác xã hội.
Tháng 8 năm 1871, nhà thờ truyền giáo Moody’s bị cháy và bị phá hủy, ông đến New York để gây quĩ xây dựng lại nhà thờ. Đang khi đi dạo trên phố Wall, đột nhiên ông kinh nghiệm được hiện diện thiên thượng và nhận được khải tượng và năng quyền để chuyên tâm rao giảng Phúc âm cho cả thế giới. Ba tháng sau nhà thờ của ông được xây dựng lại trên một đại lộ tại Chicago.

Lúc ấy ông gặp ca sĩ Ira Sankey và thuyết phục Sankey cùng tham gia truyền giáo với mình. Moody và Sankey đã tổ chức nhiều chiến dịch truyền bá Phúc âm cho hơn 100 triệu người. Tại cuộc triễn lãm thế giới năm 1893, ông đã rao giảng cho 130.000 người cho dù có nhiều sự chống đối, tẩy chay. Với sự ủng hộ của một số người giàu, Moody đã xây dựng trung tâm truyền giáo tại Northfield, quê hương ông, nơi có nhiều nhà truyền giáo khắp nơi trên thế giới tham dự các khóa huấn luyện mùa hè. Cũng tại Northfield, Moody thành lập ba trường trung học mà sau này sáp nhập làm một là Northfield Mount Hermon.

Trong một chuyến đi đến Anh quốc năm 1872, ông rất nổi tiếng khi giảng hàng trăm lần cho cử tọa hàng chục nghìn người. Một số người tuyên bố ông là nhà truyền giáo vĩ đại nhất của thế kỷ XIX. Trong chuyến thăm Scotland, ông đã giúp đỡ và khuyến khích các mục sư ở đây. Charles Spurgeon mời ông giảng và rất ủng hộ ông. Khi trở về Hoa kỳ, ông tổ chức các cuộc truyền giáo từ Boston đến New York, khắp vùng New England, đến các vùng xa như San Francisco, dọc theo bờ biển phía Tây từ Vancouver đến San Diego. Moody còn hỗ trợ công tác truyền giáo bằng cách thúc đẩy “Book Wordless”, một dụng cụ giảng dạy được phát minh bởi Spurgeon năm 1866, Năm 1875 ông thêm màu thứ tư (màu vàng – tiêu biểu cho “trời”) vào ba màu ban đầu. Sách vẫn được bán chạy tại Mỹ cho đến hôm nay.

Moody cũng dành thời gian với George Muller, người sáng lập Cô nhi viện nổi tiếng ở Briston, anh hùng đức tin, sống và hầu việc Chúa hoàn toàn dựa vào lời cầu nguyện. Vào thời gian đó ông đã gặp Henry Varley, một nhà truyền giáo đã gây ấn tượng sâu sắc bởi lời tuyên bố: "Tôi cho cả thế giới thấy những gì Chúa có thể làm với một người hoàn toàn tận hiến cho Chúa Jesus." Một nhà thơ đã viết về Moody như sau:

"Thiên đường ở trên màu xanh lơ,
Trái đất xung quanh màu xanh lá cây;
Màu sắc thật đẹp và sống động
Nơi Cơ đốc nhân chưa bao giờ thấy
Chim với tiếng suối, hát vui mừng,
Hoa với vẻ đẹp tỏa ngát hương
Vì tôi biết, và bây giờ tôi biết
Tôi thuộc Ngài, và Ngài thuộc tôi”. [1]


Moody vẫn tiếp tục các chiến dịch truyền bá Phúc âm của mình cho đến khi cái chết đến với ông vào năm 1899. Các buổi nhóm của ông về sau được tổ chức trong những nhà thờ khổng lồ ở Kansas City. Ông giảng bài cuối cùng ngày 26 – 11 – 1899. Khi ấy ông bị đau tim. Ngày 22 – 11 – 1899, ông đã ra đi với Chúa, những lời cuối cùng của ông : “Đây là chiến thắng của tôi, đây là ngày đăng quang tôi đã mong chờ trong nhiều năm!”. Theo yêu cầu của ông, đám tang được tổ chức đơn sơ.

Dwight L. Moody là một nhà truyền giáo, nhà xuất bản, nhà sáng lập Giáo hội
Moody, Trường Northfield Mount Hermon, Viện Kinh thánh Moody và Nhà xuất bản
Moody. Bài giảng của Moody được xuất bản rộng rãi bằng các thứ tiếng: Anh, Đức, Đan Mạch, Thụy Điển ... Theo ước tính không dưới một trăm triệu người đã lắng nghe từ đôi môi của ông và Trường học do ông lập nên đã đào tạo rất nhiều thế hệ giáo sĩ rao giảng Phúc âm trên toàn thế giới.

R. A Torrey nhận xét về Moody như sau: Thứ nhất, ông là người đầu phục Chúa hoàn toàn. Thứ hai ông là người cầu nguyện, thứ ba ông là người chuyên tâm nghiên cứu Lời Chúa, thứ tư ông là người rất khiêm tốn, thứ năm ông dành toàn bộ tiền bạc cho công việc Chúa mà không giữ lại gì. Thứ sáu Moody dành thời gian ưu tiên cho Phúc âm, cho những người hư mất, ông không bao giờ để cho 24 giờ trôi qua mà không làm chứng cho ít nhất một người, và thứ bảy, ông luôn nhờ cậy quyền năng của Đức Thánh Linh. Chuyện kể rằng một ngày kia Moody chưa làm chứng cho ai cả, đêm đến ông vội đi ra phố và nhìn thấy một người đàn ông đứng bên cột đèn, ông cất tiếng hỏi: “Ông có phải là Cơ đốc nhân không?” Người ấy trả lời: “Tôi có là một Cơ đốc nhân hay không đó không phải là việc của ông”. Moody trở về nhà, hai hôm sau vào buổi tối có một người đập cửa nhà ông rất to và gấp gáp, ông ra mở cửa và nhận thấy người đàn ông bên cột đèn. Ông ta nói: “Câu nói của ông khiến tôi không ngủ được, tôi phải làm gì để được cứu?”. Moody đem người ấy vào và giúp ông ấy tin nhận Chúa./.