Thứ Tư, 27 tháng 7, 2011

THÁNH CA CỦA HỘI THÁNH ĐẦU TIÊN

Trong Kinh Thánh chúng ta thường tìm thấy một phân đoạn được viết theo cách thức khác với văn bản chung quanh. Trong tiếng Hi-lạp, thể văn của những phân đoạn ấy khác với bản văn chung quanh, và nó gần với thể thơ ca hơn là thể văn xuôi. Những phân đoạn ấy thường không dài mà chỉ một hai câu. Vì thiếu chữ thích hợp hơn, chúng tôi tạm gọi những phân đoạn ấy là “những đoạn thơ ca”. Chỉ những người thấu hiểu Hi-lạp văn mới có thể khám phá ra những phân đoạn ấy. Ví dụ, những những phân đoạn ấy là: I Ti 1: 15; 3: 15-16, Tít 3: 4-8, Rô 10: 8-10, II Ti 2: 11-13, Ê-ph 4: 8-9; 5: 16, I Tê 4: 14-17.

Cấu trúc và thể văn của những phân đoạn trên mang tính chất của những bài ca. Thật ra, toàn bộ Rô-ma 9: – 11: đều được viết theo thể văn này. Khi nghiên cứu, chúng ta nhận thức rằng mỗi phân đoạn đều đụng đến một vấn đề hay một giáo lý. Những phân đoạn ấy bàn về mọi sự, từ sự cứu rỗi đến sự cất lên. Vì Đức Thánh Linh viết 8 phân đoạn ấy theo thể thức bài ca nên những phân đoạn ấy phải có ý nghĩa quý báu.

Theo văn kiện lịch sử chưa được thừa nhận, 6 dòng thơ ở I Ti 3: 15-16 tạo thành một bài ca mà các thánh đồ trong hội thánh đầu tiên yêu thích ca hát:

“Đấng đã được bày tỏ trong xác thịt,
Được Thánh Linh tuyên xưng công chính,
Được các thiên sứ ngắm nhìn,
Được rao giảng giữa muôn dân,
Được tin đến trong thế giới,
Được cất lên trong vinh quang.”

Điểm đầu tiên của 6 dòng thơ văn trên là diễn tả về Đấng Christ: Ngài đã được bày tỏ trong xác thịt, ám chỉ sự nhục hóa. Được Thánh Linh tuyên xưng công chính là bàn về nếp sống làm người của Đấng Christ nhục hóa. Cuộc sống của Ngài được Đức Thánh Linh chuẩn nhận, biện minh và biện chính là công nghĩa, công chính. “Được các thiên sứ ngắm nhìn” - các thiên sứ đã quan sát, nhìn xem và chứng kiến sự nhục hóa cả cuộc đời Ngài, sự thăng thiên của Ngài (xem Lu 2: 9-14, Ma-thi-ơ 4: 11). Nên I Phi 1: 12b nói “các thiên sứ cũng ao ước được nhìn thấy những điều đó”. “Được rao giảng giữa muôn dân” – nói về việc các sứ đồ rao giảng về Đấng Christ phục sinh giữa các dân, các nước. “Được tin đến trong thế giới” – ám chỉ thế giới đã tin Ngài. Câu cuối cùng “Được cất lên trong vinh quang”, điều này ám chỉ sự thăng thiên của Đấng Christ trong vinh quang (Mác 16: 19, Sứ 1: 9-11; 2: 33, Phi 2: 9). Theo sự tiếp nối của các biến cố lịch sử, sự thăng thiên của Đấng Christ xảy ra trước khi Ngài được rao giảng cho muôn dân. Nhưng tại sao bài thánh ca này lại ghi sự thăng thiên là bước cuối cùng? Cả 6 bước này là diễn trình Đấng Christ là sự bày tỏ của Đức Chúa Trời trong xác thịt con người Jesus.

Điểm thứ hai, khúc kinh thánh này từ câu 14-16 được Phao-lô bàn luận về Hội thánh và Đấng Christ cách hoán chuyển – Câu 15 Phao-lô nói về Hội thánh, câu 16 nói về Đấng Christ. Đấng Christ là Đầu, là sự bày tỏ của Đức Chúa Trời trong xác thịt (câu 16), và Hội thánh của Đức Chúa Trời hằng sống, là nhà Đức Chúa Trời, là Thân thể cũng phải là sự biểu lộ của Đức Chúa Trời trong xác thịt một lần nữa hôm nay, tại đây – Vì cớ dòng thơ “Được cất lên trong vinh quang” áp dụng cho Hội thánh theo văn mạch ở đây. Đấng Christ đã được cất lên trước khi được rao giảng, nên dòng thứ sáu là nói về hi vọng của Hội thánh sẽ “được cất lên trong vinh quang”.

Ê-va là hình thức khác, là sự mở rộng của A-dam, thì Hội thánh cũng là hình thức khác, là sự mở rộng, sự tái bản, sự tái sản xuất của Đấng Christ phục sinh. Đấng Christ là Đức Chúa Trời được biểu lộ trong xác thịt, Hội thánh cũng là Đức Chúa Trời được bày tỏ trong xác thịt. Chúng ta hãy thổi kèn phúc âm rao báo phúc âm chất lượng cao này cho toàn trái đất.

Chữ kỉnh kiền “Godliness” (tin kính) trong câu 16 không chỉ ám chỉ lòng mộ đạo nhưng cũng ám chỉ sinh hoạt của Đức Chúa Trời trong Hội thánh, tức là Đức Chúa Trời sống biểu lộ trong Hội thánh. Cả Christ là Hội thánh, là huyền nhiệm của sự kỉnh kiền, bày tỏ Đức Chúa Trời trong xác thịt, trong thân xác. Nếp sống Hội thánh là sự bày tỏ của Đức Chúa Trời, vì vậy huyền nhiệm của sự kỉnh kiền là nếp sống của Hội thánh đúng đắn.

Để bày tỏ Đức Chúa Trời chúng ta phải có sự sống và bản chất của Ngài. Để sáng tác một bài thơ, thi sĩ phải có cảm hứng mạnh. Rồi nhạc sĩ cũng phải có cảm xúc mạnh mẽ mới sáng tác, phổ nhạc cho bài thơ đó. Tôi chưa thấy Thánh ca Việt văn nào phô diễn nội dung 6 dòng thơ trên đây. Chúng ta cầu nguyện để Chúa ban cho các thi sĩ, nhạc sĩ người Việt sẽ sáng tác các bài ca, các linh khúc hay thánh ca chứa đựng nội dung thuộc linh thâm thúy của kinh thánh Tân ước.

Con cháu Cô-rê tự làm chứng: “lòng tôi tuôn tràn lời hay, ý đẹp; tôi ngâm những vần thơ này cho Vua; lưỡi tôi như ngòi bút của văn sĩ thiên tài” (Thi 45: 1). Lời sứ đồ Phao-lô tuôn tràn lời sâu nhiệm về Chúa trong 6 dòng thơ ca trên đây. Nguyện Chúa cho chúng ta am hiểu nội dung bài thánh ca này và sớm có cơ hội hát những lời này cách thỏa mãn. Amen./.
Minh Khải