Thứ Bảy, 6 tháng 10, 2018

BƯỚC ĐI QUA MIỀN ĐẤT HỨA CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI- 2




-Tiếp Nhận Sự Tha Thứ Của Đức Chúa Trời-
   Trong phần giới thiệu trước đây của tôi về chủ đề loạt bài này, tôi đã vạch ra mục đích chung cho “Bước Đi Qua Miền Đất Hứa Của Đức Chúa Trời”. Mục đích đó là gì?- để xác định và áp dụng những lời hứa tuyệt vời của Kinh Thánh cho cuộc sống của chúng ta. Trong mỗi bài của loạt bài giảng dạy này, tôi có ý định chỉ cho bạn cách thiết thực phương cách giải quyết các nan đề khác nhau nảy sinh trong cuộc sống hàng ngày. Điều đó xảy ra như thế nào? Bằng cách chiếm hữu những lời hứa cụ thể trong Lời Đức Chúa Trời, và áp dụng chúng vào từng trở ngại cụ thể mà chúng ta gặp phải trong cuộc sống.

   Trong bài giảng này, nan đề chúng ta giải quyết là vấn đề tội lỗi. Không cần đi vào luận án thần học dài dòng về chủ đề tội lỗi, hãy để tôi chỉ nói những gì mỗi chúng ta đã biết rất rõ. Tội lỗi là một tình trạng tiến thoái lưỡng nan cơ bản của con người ảnh hưởng đến đời sống tâm linh của chúng ta. Mỗi ngày, bạn và tôi phải đối mặt với thực tế là chúng ta đã phạm tội. Hơn nữa, mỗi người trong chúng ta đấu tranh với câu hỏi rắc rối: “Làm thế nào tôi có thể chắc chắn rằng Chúa sẽ tha thứ cho tôi?”  Mọi người đều đã phạm tội -- không có ai không có. Tuyên bố này áp dụng cho mọi người thuộc mọi chủng tộc, mọi tín ngưỡng và mọi bối cảnh. Đó là một trong những  tính chất của con người mà tất cả chúng ta đều có điểm chung - một thực tế được sáng tỏ cách hoàn toàn bởi những gì Lời kinh thánh nói về tội lỗi.


   Trong 1 Các vua, chương 8, câu 46 chép lời Sa-lô-môn nói, “chẳng có người nào không phạm tội”. Tương tự như vậy, trong Ê-sai 53: 6, vị tiên tri nói: “Tất cả chúng ta đều như chiên đi lạc, Ai theo đường nấy”.
   Xin lưu ý cách nhấn mạnh những từ ngữ “tất cả chúng ta” và “chẳng có người nào”.

   Chúng ta đều đã lạc lối; chúng ta đã từng rẽ sang con đường riêng của mình. Cũng như hãy chú ý những gì cấu thành bản chất ưa đi lạc lối. Không nhất thiết  chúng ta đã phạm một tội lỗi ghê tởm như giết người hay ngoại tình. Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều có một thiếu hụt chung: tất cả chúng ta đều bướng bỉnh, ngoan cố và không vâng lời đối với Đức Chúa Trời. Vào một thời điểm nào đó trong cuộc sống, mỗi người trong chúng ta đã quyết định rời khỏi con đường của Đức Chúa Trời để đi theo con đường riêng của mình.
   Trong Tân ước, Phao-lô tuyên bố trong Rô-ma 3:23: “vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất vinh quang của Đức Chúa Trời”.

--Thực Tế Của Tội Lỗi
   Chúng ta phải bắt đầu cuộc thảo luận này bằng cách đối mặt cách thẳng thắn với thực tế tội lỗi. Kinh Thánh nói rõ ràng rằng  vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất vinh quang của Đức Chúa Trời”
   Một lần nữa, chúng ta thấy rằng thể yếu của tội lỗi không nhất thiết phải phạm một số tội ác khủng khiếp. Thay vào đó, là thiếu hụt vinh quang của Đức Chúa Trời. Thật rất quan trọng cho chúng ta hiểu được bản chất cốt lõi của tội lỗi là gì! Đây là cách tôi định nghĩa nó: Tội lỗi là một thất bại mà chúng ta phải chịu trách nhiệm.
   Tội lỗi là từ chối sống theo các yêu cầu của Đức Chúa Trời -- thất bại hoàn thành mục đích mà Đức Chúa Trời đã tạo dựng cho chúng ta. Mục đích đó là gì? Sống vì vinh quang của Ngài - một đặc ân không thể nói ra! Mục đích cuối cùng của chúng ta là mang lại vinh quang cho Đấng Tạo Hóa của chúng ta. Khi chúng ta phạm tội, chúng ta cướp lấy vinh quang của Ngài. Thế nào? Bằng cách không hoàn thành mục đích mà chúng ta đã được tạo ra.
   Đó có phải là một định nghĩa dễ hiểu đối với bạn không? Tội lỗi đơn giản là sự thất bại trong việc thực hiện chức năng mà chúng ta đã được Đức Chúa Trời tạo ra. Vì thất bại đó, chúng ta chịu trách nhiệm cách chính yếu. Chúng ta không thể bào chữa cho mình bằng cách nói rằng chúng ta không thể giúp được. Chúng ta chịu trách nhiệm về tội lỗi của mình.

- Kết Quả Của Tội Lỗi
   Bây giờ chúng ta đã thiết lập thực tế của tội lỗi và trách nhiệm của chúng ta về nó, chúng ta hãy nhìn thêm vào chủ đề  một chút nữa bằng cách xác định sự  chẩn đoán tội lỗi.
   Tất nhiên, sự chẩn đoán là một thuật ngữ y khoa. Khi một người mắc bệnh, trước tiên bác sĩ phải chẩn đoán nó - xác định sự hiện diện của nó trong hệ thống của người đó. Sau khi được xác định, bác sĩ có thể dự đoán được tiến trình mà bệnh tật có khả năng tiến tới, cũng như kết quả của nó. Đó là sự tiên lượng.
   Trong Kinh Thánh, tiên lượng của tội lỗi - tác động cuối cùng sự hiện diện của nó trong cuộc sống của chúng ta - là cực kỳ rõ ràng. Trong Rôma 6:23, Phao-lô không nghi ngờ gì về kết quả cuối cùng của bệnh tật này:“Vì tiền công của tội lỗi là sự chết”.
   Từ ngữ "tiền công" đề cập đến những gì chúng ta kiếm được dựa trên hành động của chúng ta. Mọi người kiếm được gì khi phạm các tội lỗi? Sự chết. Điều này rõ ràng, được nhấn mạnh, đơn giản và không thể phủ nhận. Đó là một quy luật tuyệt đối.
   Chúng ta đọc cái nhìn sâu sắc bổ sung sau đây trong Gia-cơ, chương 1, câu 13–15:
   Đang lúc bị cám dỗ đừng ai nói: “Tôi bị Đức Chúa Trời cám dỗ”; vì Đức Chúa Trời không thể nào bị điều ác cám dỗ, và chính Ngài cũng không cám dỗ ai.  Nhưng mỗi người bị cám dỗ bởi chính dục vọng mình lôi cuốn và quyến dụ. Rồi khi dục vọng đã cưu mang thì sinh ra tội lỗi; tội lỗi đã trưởng thành thì sinh ra sự chết”.
   Trong phân đoạn này, Gia-cơ rất cẩn thận đóng cửa đối với bất kỳ khuynh hướng nào mà chúng ta có thể đổ lỗi cho Đức Chúa Trời vì hành vi sai trái của mình. Ông nói, “vì Đức Chúa Trời không thể nào bị điều ác cám dỗ, và chính Ngài cũng không cám dỗ ai”.Thay vào đó, khi chúng ta bị cám dỗ, đó là sự ham muốn của chính mình — những ham muốn hư hoại của chính chúng ta — điều đó làm chúng ta đi sai và lôi kéo chúng ta sa vào tội lỗi. Giống như các trích dẫn trước đây của chúng tôi, chúng ta một lần nữa thấy sự dự đoán cho tội lỗi. Trong câu 15 của chương đó, Gia-cơ giải thích rõ ràng quá trình tội lỗi, cũng như kết quả không thể tránh khỏi của nó.
   “Rồi khi dục vọng đã cưu mang thì sinh ra tội lỗi; tội lỗi đã trưởng thành thì sinh ra sự chết”.
   Ở đây chúng ta thấy rằng quá trình tội lỗi theo sau sự tiến triển. Khi chúng ta chiều theo sự thèm khát của mình -  quy hàng ham muốn hư hoại của chúng ta -  nó tạo ra tội lỗi. Khi chúng ta tiếp tục thực hành tội lỗi đó, nó tạo ra sự chết. Điều quan trọng tôi phải cảnh báo bạn cách trung thực rằng sự chết không chỉ là sự chấm dứt suông đối với cuộc sống vật chất. Cái chết mà câu này nói cũng có thể được hiểu như là một trạng thái cuối cùng trong sự tách biệt vĩnh cửu khỏi Đức Chúa Trời. Sự chết thuộc linh - một điểm có thể đạt được mà từ đó có thể không quay lại.
   Vì vậy, đây là quá trình và tiến triển của những gì tội lỗi có thể làm ra trong một cuộc đời. Nó bắt đầu bằng việc đem cho sự ham muốn (nghĩa là, ham muốn hư hoại). Buông xuôi theo sự thèm khát này tạo ra tội lỗi. Sau đó, tội lỗi, nếu được phép theo tiến trình phát triển của mình, đem đến sự chết. Đó là tiên lượng của tội lỗi.

- Gánh Nặng Của Tội Lỗi
   Trước khi chúng ta chuyển sang biện pháp giải cứu được hứa ngay từ đầu của bài giảng dạy này, chúng ta hãy xem xét thêm về một tác động đáng kể của tội lỗi lên cuộc sống của chúng ta - gánh nặng tội lỗi.
   Khía cạnh này của tội lỗi được mô tả một cách sinh động trong thánh vịnh của Đa-vít. Mặc dù ông là một người công chính trong tấm lòng, Đa-vít biết những gì có nghĩa là sa ngã và phạm tội một cách khủng khiếp. (Rất may mắn, ông cũng biết những gì có nghĩa là ăn năn, trở về với Đức Chúa Trời và tìm thấy đức thương xót của Ngài). Đây là những gì Đa-vít quan sát trong Thi Thiên 32, câu 3-5:
   Khi con nín lặng, các xương cốt con hao mòn Và con rên xiết trọn ngày. Vì ngày và đêm tay Chúa đè nặng trên con; Sức con tiêu hao như bởi cơn hạn mùa hè.  Con đã thú tội cùng Chúa, Không giấu gian ác con; Con nói: “Con sẽ xưng các sự vi phạm con với Đức Giê-hô-va, Và Chúa tha tội cho con”.
   Há tất cả chúng ta đều không có thể cảm ơn Đức Chúa Trời vì câu tuyên bố cuối cùng đó sao? “Chúa tha tội cho con”. Nhưng chú ý đến những gì Đa-vít đã trải qua trước khi ông thú nhận tội lỗi của mình. Ông nói, “các xương cốt con hao mòn … Sức con tiêu hao.”. Tội lỗi có một hiệu ứng rõ ràng trên toàn bộ bản thể ông.
   Khi trực tiếp thưa với Chúa, Đa-vít đã đưa ra tuyên bố này trong Thi Thiên 38, câu 3–4:
  “Bởi cơn giận của Chúa, Da thịt con chẳng nơi nào lành; Vì tội lỗi con, Xương cốt con không còn nguyên vẹn. Vì sự gian ác của con chất chồng vượt quá đầu con; Chúng đè trên con khác nào một gánh nặng”.
   Bạn có cảm thấy như vậy ngay bây giờ không? Đó là tội lỗi của bạn - lỗi lầm của bạn - là một gánh nặng quá sức chịu đựng? Vâng, tôi có tin mừng cho bạn. Có một phương cách nhờ đó bạn có thể được thoát khỏi gánh nặng tội lỗi đó và được tự do mãi mãi.
--Tìm Được Đức Thương Xót
   Chúng ta đã kiểm tra thực tế tội lỗi, sự tiên lượng của tội lỗi, và gánh nặng của tội lỗi. Bây giờ chúng ta sẽ chuyển sang tin mừng - lời hứa về sự tha thứ của Đức Chúa Trời. Khi làm như vậy, chúng ta sẽ chỉ xem xét hai lời hứa cụ thể: - một lời hứa từ Cựu Ước và một lời hứa từ Tân Ước.
   Trước tiên chúng ta hãy nhìn vào Châm-ngôn 28:13:
   Người nào giấu tội lỗi mình sẽ không được may mắn, Nhưng ai xưng nó ra và lìa bỏ nó thì sẽ được thương xót”.
   Cụm từ đầu tiên trên đây hoàn toàn trái ngược với lời hứa mà Đức Chúa Trời đã ban cho Giô-suê – câu được nêu bật trong bài đầu tiên của loạt bài giảng dạy này. Đức Chúa Trời nói với Giô-suê , "Nếu con muốn làm những gì Ta nói với con, con sẽ làm cho con đường mình thịnh vượng. Con sẽ có sự thành công”. Tuy nhiên, như câu Châm ngôn này cho chúng ta thấy, có thể có một rào cản không thể vượt qua đối với sự thịnh vượng thực sự- Tội lỗi.
   Đặc biệt tội lỗi có thể ngăn chặn đường thành công nếu chúng ta cứ nắm giữ nó - từ chối thú nhận và từ  bỏ tội lỗi. "Người nào giấu tội lỗi mình sẽ không được may mắn (thịnh vượng)”. Xin vui lòng ghi nhớ điều đó. Đó là một cảnh báo rất quan trọng. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên ghi nhớ kết quả tích cực được hứa hẹn: " Nhưng ai xưng nó ra và lìa bỏ nó thì sẽ được thương xót”.

--Hai Bước Quan Trọng
   Rõ ràng, chúng ta thấy từ câu này trong Châm ngôn rằng Đức Chúa Trời hứa hẹn thương xót chúng ta nếu chúng ta có hai bước quan trọng. Hai bước đó là ? Trước hết, thú nhận. Thứ hai, từ bỏ. Đức Chúa Trời đòi hỏi chúng ta thành thật thừa nhận với Ngài những tội lỗi mình đã vi phạm.
   Tôi đã gặp một số người bằng cách nào đó họ có ấn tượng rằng nếu không thú nhận với Đức Chúa Trời về các tội lỗi của họ, Ngài sẽ không bao giờ biết đến! Tất nhiên, điều đó là vô lý. Đức Chúa Trời không yêu cầu chúng ta xưng tội mình vì lợi ích của Ngài, nhưng vì lợi ích của chúng ta.
   Khi chúng ta thú nhận tội lỗi của mình - khi chúng ta nói công khai về nó, cách chân thành và khiêm nhường trước mặt Đức Chúa Trời - chúng ta mở đường cho Đức Chúa Trời đối phó với tội lỗi của chúng ta và giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi. Nhưng chừng nào chúng ta còn cầm giữ nó và cố che dấu nó, chúng ta chống lại tiến trình giải cứu của Đức Chúa Trời - chủ yếu là cắt đứt bản thân minh khỏi sự thương xót của Ngài.
   Thứ hai, chúng ta phải từ bỏ tội lỗi của mình. Chúng ta phải cho nó ra đi. Chúng ta phải xoay bỏ nó. Chúng ta phải quyết định không tiếp tục sống theo cách đó và phạm các tội lỗi theo loại đó nữa. Đây là quyết định của ý muốn. Ý muốn của chúng ta chắc chắn tham gia vào sự giao tiếp này với Đức Chúa Trời. Nếu chúng ta không đưa ra sự lựa chọn có chủ ý để đi theo con đường được quy định của Đức Chúa Trời, thì chúng ta không thể kinh nghiệm lòng thương xót của Đức Chúa Trời.

--Đứng Trong Lời Hứa Của Ngài-
   Bây giờ về lời hứa Tân Ước mà chúng tôi đã đề cập trước đó. Chúng ta tìm thấy lời hứa này trong thơ đầu tiên của sứ đồ Giăng, trong 1 Giăng chương 1, câu 9:
  Còn nếu chúng ta xưng tội mình thì Ngài là thành tín, công chính sẽ tha tội cho chúng ta và tẩy sạch chúng ta khỏi mọi điều bất chính”.
   Xin lưu ý một lần nữa, Đức Chúa Trời yêu cầu chúng ta xưng tội. Khi chúng ta đối mặt điều kiện đó, Kinh Thánh trích dẫn hai lẽ thật, chúng ta sẽ khám phá về Đức Chúa Trời. Thứ nhất, Đức Chúa Trời là thành tín. Thứ hai, Ngài công nghĩa. Điều quan trọng là chúng ta phải hiểu cả hai sự thật này.
   Đức Chúa Trời thành tín tha thứ cho chúng ta vì cớ Ngài đã hứa sẽ làm như vậy. Ngài sẽ không bao giờ rút lại lời hứa của mình - nếu chúng ta đáp ứng các điều kiện của Ngài. Đức Chúa Trời tha thứ cho chúng ta ngay, bởi vì Ngài đã hình phạt cho tất cả tội lỗi của chúng ta trên Chúa Jêsus. Khi Chúa Jêsus bị treo trên thập tự giá và chết ở đó, Ngài đã đền trả hình phạt cuối cùng và trọn vẹn cho tội lỗi của cả nhân loại. Do đó, nếu chúng ta đáp ứng các điều kiện của Đức Chúa Trời-  nếu chúng ta thú nhận, ăn năn và quay về với Đức Chúa Trời, chúng ta mở đường cho Đức Chúa Trời tha thứ cho chúng ta một cách trọn vẹn và chung tất mà không ảnh hưởng đến công lý thần thượng của Ngài.

--Chúng Ta Phải Làm Gì?
   Đáp lại tất cả những gì chúng ta đã khám phá về các tính chất của tội lỗi và lời hứa sự tha thứ, chúng ta phải làm gì? Hãy để tôi tóm tắt cách rất đơn giản và rõ ràng cho bạn. Chúng ta phải thực hiện ba bước. Đầu tiên, chúng ta phải thú nhận tội lỗi của mình. Thứ hai, chúng ta phải từ bỏ tội lỗi của mình. Rồi thứ ba, bởi đức tin, chúng ta phải tiếp nhận sự tha thứ của Đức Chúa Trời, tin Đức Chúa Trời sẽ làm những gì Ngài đã hứa. Thú nhận, từ bỏ và tiếp nhận.
   Bạn có muốn trả lời những sự thật này bằng cách thực hiện các bước đó ngay bây giờ không? Lãnh vực tội lỗi nào đó mà ngay cả bây giờ còn đè nặng bạn xuống, làm khô cạn sức mạnh thuộc linh của bạn, nó có thể trở thành một điều của quá khứ ngay tức thì khi bạn cầu nguyện lời cầu nguyện sau đây:  
    Chúa Jêsus ơi, con thú nhận tội lỗi cụ thể này với Ngài- thừa nhận rằng đó thực sự là một tội lỗi trong tầm nhìn của Ngài. Con từ bỏ nó cách hoàn toàn - cam kết ở đây và bây giờ raa82ng con sẽ đặt nó xuống và ngừng phạm tôi nữa. Bây giờ, bởi đức tin trong Ngài, ôi Chúa Jêsus, con tiếp nhận sự tha thứ tẩy sạch của Ngài cho tội lỗi này. Amen.
   Bằng cách cầu nguyện theo cách này, bạn vừa xử lý một trong những rào cản hùng vĩ nhất để bước đi trong vùng đất những lời hứa của Đức Chúa Trời.