Thứ Bảy, 6 tháng 10, 2018

NGƯỜI CANH GIỮ MỘT QUỐC GIA-




   Trong Ê-xê-chi-ên 3: 16–21, vị tiên tri nói về cách Đức Chúa Trời biến ông thành một người canh giữ dân của Ngài, Y-sơ-ra-ên. Ông giải thích rằng nếu một quốc gia lao vào tiến trình chống lại mục đích được tiết lộ của Đức Chúa Trời, trách nhiệm của người canh giữ là cảnh báo quốc gia của mình. Nếu quốc gia chú ý và ăn năn, quốc gia sẽ được cứu thoát. Nếu quốc gia không chú ý, nó sẽ chịu sự phán xét của Đức Chúa Trời, nhưng chính người canh giữ sẽ chỉ cứu được tâm hồn của mình mà thôi.

   Là những đầy tớ của Đức Chúa Trời ngày nay, chúng ta có trách nhiệm truyền đạt sứ điệp của Ngài cho các quốc gia như được ban cho trong Giê-rê-mi 31:10:
  Hỡi các nước, hãy nghe lời Đức Giê-hô-va; Hãy truyền rao lời Ngài đến các hải đảo xa xăm! Hãy nói: ‘Đấng làm tan lạc Y-sơ-ra-ên sẽ tập trung chúng lại, Canh giữ chúng như người chăn canh giữ bầy chiên”
   Chúa đang cảnh báo các quốc gia đừng phản đối mục đích của Ngài trong việc tập họp lại Y-sơ-ra-ên, nhưng phải hợp tác với họ.
   Trong Xa cha ri 2: 8, Đức Chúa Trời cảnh báo các quốc gia: “ai đụng đến anh em [Y-sơ-ra-ên] tức là đụng đến con ngươi của mắt Ngài [Đức Chúa Trời]”. Con ngươi của con mắt là phần nhạy cảm nhất của toàn thân. Đó là phần chúng ta bảo vệ cách nhanh chóng nhất. Đó là cách Chúa phản ứng với bất kỳ mối đe dọa nào đối với Y-sơ-ra-ên .
   Trong những tháng gần đây, hầu như tất cả các quốc gia châu Âu đã đứng lên chống lại Y-sơ-ra-ên. Trong toàn bộ lịch sử sóng gió của châu Âu, tôi không thể nhớ lại có một dịp nào mà tất cả các quốc gia đó đều đồng ý về bất cứ điều gì. Thỏa thuận như vậy trong trường hợp này là siêu nhiên. Đó là công việc của linh antichrist, chuẩn bị cho các quốc gia chống lại việc thành lập vương quốc của Đấng Christ. Tự nhiên có câu hỏi: Đức Chúa Trời có “những người canh giữ” của Ngài ở những quốc gia đó không? Họ có cảnh báo cho chúng không?
   Trong chính nước Y-sơ-ra-ên, nhiệm vụ của người canh giữ là nhắc nhở dân chúng về trách nhiệm duy nhất của họ đối với Đức Chúa Trời như được tiết lộ trong A-mốt 3: 2: “Ta chỉ biết một mình các ngươi trong mọi gia tộc trên đất; Vì thế, Ta sẽ trừng phạt các ngươi Về mọi gian ác của các ngươi”. Nếu Y-sơ-ra-ên không sống theo trách nhiệm của Đức Chúa Trời, Ngài cảnh cáo họ rằng Ngài sẽ phán xét họ một cách nghiêm túc. Hàng ngàn năm lịch sử làm chứng cho sự thật này.
   Tuy nhiên, đây không phải là kết thúc của câu chuyện. Đức Chúa Trời đã dứt khoát tuyên bố rằng trong thời gian được chỉ định của mình, Ngài sẽ quy tụ lại và phục hồi Y-sơ-ra-ên như một dân tộc. Hơn nữa, Ngài đòi hỏi các quốc gia khác đóng vai trò của họ trong việc phục hồi Y-sơ-ra-ên này. Đây là chủ đề quan trọng trong sứ điệp của Phao-lô cho những tín đồ ngoại đạo trong Rôma 11: 13–15 và 25–27:
   Tôi nói với anh em là các dân ngoại: Bao lâu tôi còn làm sứ đồ cho dân ngoại, tôi sẽ còn làm rạng rỡ chức vụ mình, để khơi dậy lòng ganh đua của đồng bào tôi, và cứu được một số người trong họ.  Vì nếu việc họ bị loại bỏ đã đem lại sự hòa giải cho cả thế gian, thì việc họ được tiếp nhận chẳng phải là sự sống đến từ cõi chết sao?- Thưa anh em, tôi muốn anh em hiểu sự mầu nhiệm nầy để anh em không tự cho mình là khôn ngoan, đó là: Một phần dân Y-sơ-ra-ên cứ cứng lòng [đui mù] cho đến khi số dân ngoại gia nhập đầy đủ.  Như vậy cả dân Y-sơ-ra-ên sẽ được cứu, như có lời chép: “Đấng Giải cứu sẽ đến từ Si-ôn, Cất bỏ sự vô đạo khỏi nhà Gia-cốp”; "Và đây là giao ước Ta lập với họ, Khi Ta xóa bỏ tội lỗi họ”.
   Thật không may, tôi gặp rất nhiều Cơ đốc nhân ngày nay, những người “khôn ngoan trong ý kiến ​​của chính họ”. Họ nghĩ rằng họ biết rõ hơn Đức Chúa Trời về cách Ngài nên đối phó với người Do thái.
   Ở đây Phao-lô đang tuyên bố lại trong Rô-ma những gì Đức Chúa Trời đã nói rõ ràng trong Giê-rê-mi 32: 37–41:
   Nầy, Ta sẽ tập hợp chúng [Y-sơ-ra-ên] từ mọi nước mà Ta đã đuổi chúng đến trong cơn bực tức, giận dữ và thịnh nộ. Ta sẽ đem chúng trở về nơi nầy [vùng đất của Y-sơ-ra-ên], và cho chúng an cư lạc nghiệp. Chúng sẽ làm dân Ta, và Ta sẽ làm Đức Chúa Trời của chúng.  Ta sẽ ban cho chúng cùng một tấm lòng, cùng một đường lối để chúng kính sợ Ta trọn đời, nhờ đó chính chúng và dòng dõi con cháu chúng đều được phước. Ta sẽ lập với chúng một giao ước đời đời: Ta sẽ không lìa bỏ chúng và không ngừng ban phước cho chúng. Ta sẽ đặt sự kính sợ Ta vào lòng chúng để chúng không lìa bỏ Ta nữa. Ta sẽ lấy làm vui mà ban phước cho chúng, hết lòng hết sức mà trồng chúng bền vững trong đất nầy [Y-sơ-ra-ên]”.
      Những từ ngữ “đời đời” và “trọn đời” nói rõ rằng Đức Chúa Trời không nói về sự phục hồi tạm thời cho Y-sơ-ra-ên nhưng về việc thiết lập họ trong đất riêng của họ như một sự kiện vĩnh viễn và không thể thu hồi. Hơn nữa, Đức Chúa Trời nói Ngài sẽ làm điều này với “hết lòng hết tâm hồn” của mình. Có thể là sự táo bạo cho bất cứ quốc gia nào chống lại bất cứ điều gì mà Đức Chúa Trời làm với hết lòng hết tâm hồn của Ngài. Tôi tin rằng quốc gia của tôi, nước Anh, đã phát hiện ra điều này đã làm tổn hại chính mình khi quốc gia tôi đã từng quản lý nhiệm vụ ủy trị của Liên Hiệp Quốc đối với vùng đất Palestine, khoảng năm 1948. Điều đó xảy ra khi tôi còn sống ở Giê-ru-sa-lem vào thời điểm đó, và tôi là nhân chứng của nhiều cách khác nhau mà quân đội chiếm đóng của Anh quốc chống lại sự chuyển đổi quyền lực cho quốc gia Do Thái.
   Tuy nhiên, mục đích của Đức Chúa Trời vượt ra ngoài việc phục hồi và tái lập Y-sơ-ra-ên như một quốc gia trên đất của họ. Cuối cùng, Đức Chúa Trời sẽ biến họ trở thành công cụ phán xét của Ngài trên các quốc gia khác. Trong Giê-rê-mi 51: 20–23, Đức Chúa Trời đang phán với Y-sơ-ra-ên rằng:
   «Ngươi là cái búa, là vũ khí cho Ta; Ta sẽ dùng ngươi đập tan các dân tộc Và tiêu diệt các vương quốc….Ta sẽ dùng ngươi phá tan các tổng đốc và các quan cai trị”.
   Hơn nữa, trong Ê-sai 60:12, Đức Chúa Trời bảo đảm cho Y-sơ-ra-ên có địa vị ưu tiên giữa các nước:
   “Vì dân tộc nào và vương quốc nào Không thần phục ngươi [Y-sơ-ra-ên] sẽ bị diệt vong; Những dân tộc ấy sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn   Các quốc gia phản đối mục đích của Đức Chúa Trời đối với Y-sơ-ra-ên chịu trách nhiệm về sự phán xét mà họ sẽ tự mang lại cho chính mình. Những quốc gia có thể có vẻ hùng mạnh hoặc thịnh vượng cũng không quan trọng gì, họ sẽ không có địa vị thường trực trong lịch sử nữa. Họ đang trên đường bị mai một.
   Những lời hứa này được ban cho Y-sơ-ra-ên không phải dựa trên những giá trị riêng của họ, mà là để tôn vinh công việc cứu chuộc của Đấng Mê-si-a, và vì cớ Ngài đã làm cho dân Y-sơ-ra-ên của Ngài. "Các con đã trở thành lời nguyền rủa trong các nước thể nào, thì Ta sẽ giải cứu các con và làm cho các con thành lời chúc phước thể ấy”.  (Xa cha ri 8:13). “Phần sản nghiệp của Gia-cốp thì không như thế [các dân ngoại bang], Vì Ngài là Đấng đã tạo nên vạn vật, Và Y-sơ-ra-ên là bộ tộc của cơ nghiệp Ngài”(Giê-rê-mi 10:16).
   Thánh Kinh mong đợi một ngày khi: “Sẽ xảy ra trong những ngày đó, có mười người từ mọi thứ tiếng trong các nước ra, nắm chặt vạt áo của một người Giu-đa, mà nói rằng: Chúng ta sẽ đi cùng các ngươi, vì chúng ta có nghe rằng Đức Giê-hô-va ở cùng các ngươi” (Xa cha ri 8:23).

-Bạn Cảm Thấy Có Trách Nhiệm Không?
   Hãy để tôi hỏi bạn: Bạn cảm thấy có trách nhiệm với quốc gia của mình không?
   Về phần mình, tôi giữ quốc tịch Hoa Kỳ, nhưng quốc gia mà tôi đã được xác định trong suốt cuộc đời của tôi là nước Anh. Bạn sẽ không bao giờ gặp bất kỳ ai có nhiều tính cách "Anh quốc" hơn tôi. Mỗi người họ hàng nam mà tôi từng biết cách cá nhân phần nhiều là sĩ quan trong Quân đội Anh. Cha tôi khi đã nghỉ hưu là một đại tá, chú tôi làm chuẩn tướng và ông tôi làm thiếu tướng. Tôi được đào tạo tại hai thành trì theo "truyền thống Anh quốc" —Eton và Cambridge. Trong gần mười năm, tôi đã được học bổng tại trường King’s College, Cambridge. Trong Thế chiến II, tôi đã phục vụ năm năm trong Quân đội Anh.
   Tôi không xấu hổ khi nói rằng tôi quan tâm đến nước Anh. Tôi rất biết ơn tất cả các phước lành mà tôi đã nhận được thông qua nước Hoa Kỳ, nhưng tôi không sẵn sàng từ bỏ nước Anh. Tôi tin rằng khao khát của Đức Chúa Trời là ban phước cho cả hai quốc gia nói tiếng Anh nầy, những người lãnh đạo hai nước đó đã mở đường mang Tin Mừng đến vô số các quốc gia khác. Nhưng tôi tin, theo Kinh Thánh, rằng họ sẽ quyết định vận mệnh của mình bằng cách họ liên hệ với mục đích của Đức Chúa Trời đối với Y-sơ-ra-ên.
  Khi tôi đang chuẩn bị viết bài học này, một nhạc sĩ Cơ Đốc đã trao cho tôi những lời của bài thánh ca này, được John Wesley viết  ra hồi trước theo lời Chúa trong: Ê-sai 66: 19–20-
   Ta sẽ đặt một dấu hiệu giữa họ, và sai những người sống sót của họ đến các nước Ta-rê-si, Phun, Lút, là dân có tài bắn cung, đến Tu-banh và Gia-van, đến các hải đảo xa xôi, là nơi chưa nghe nói về Ta và chưa từng thấy vinh quang Ta. Họ sẽ loan báo vinh quang của Ta giữa các nước.”  Đức Giê-hô-va phán: “Các dân ngoại sẽ đem tất cả anh em các ngươi về từ mọi nước. Chúng chở họ trên ngựa, xe, kiệu, la, lạc đà một gu mà đến núi thánh Ta là Giê-ru-sa-lem, để dâng họ như một lễ vật lên Đức Giê-hô-va;cũng như con dân Y-sơ-ra-ên đem lễ vật trong vật dụng thanh sạch vào đền thờ Đức Giê-hô-va vậy.”  
  
Chúa Trời quyền năng đầy từ ái,
Dựng dấu hiệu thu hút muôn dân,
Kêu gọi nhiều người từ các nước,
Qua các sứ giả của tuyển dân.
Từ dòng dõi Áp-ram Chúa chọn,
Các sứ đồ mới sai phái đi,
Đến hải đảo, lục địa khắp chốn,
Rao tin mừng hồi sinh diệu kì.

Họ được sống sót khỏi ngọn lửa,
Sai đến mọi nước cả địa cầu,
Công bố Đấng Mê-si-a thật,
Cứu Chúa cả vũ trụ nhiệm mầu.
Hầu người chưa từng biết Thiên Chúa,
Qua Do thái học cách thờ tôn,
Thấy vinh quang Con Ngài, ôi Chúa,
Suốt cả cõi đời đời trường tồn.

Cả đoàn người ngoại được chọn lựa,
Đưa anh em Do thái ra đi,
Tụ họp từ đất nước xa lạ,
Trình diện Vua Si-ôn quyền uy.
Họ từ các chủng tộc cổ đại,
Không dân nào bị sót bao giờ,
Mọi người do ân điển thúc đẩy,
Tìm đến Ca-na-an tôn thờ.

Điều đó chắc chắn sẽ thành tựu,
Vì Chúa Trời tuyên hứa lâu rồi,
Toàn Israel nhận Cứu Chúa,
Phục hồi tình trạng ban đầu thôi.
Tái lập theo lệnh của Chúa thánh,
Giê-ru-sa-lem sẽ dấy lên
Đền thờ trên Mô- ri- a đứng,
Tiếng ca khen Chúa mãi vang rền.

Xin Chúa sai tôi tớ thánh nữa,
Kêu dân Hê-bơ-rơ hồi gia,
Từ đông tây tận cùng nam bắc,
Đem lưu dân tản lạc về nhà.
Bất luận ở xứ nào hẻo lánh,
Tuyển dân trốn tránh còn lưu vong,
Xin Chúa cho họ về đất tổ,
Tụ họp núi thánh vui vô cùng.

Dâng của lễ lên Chúa Trời thánh,
Mọi người dự nhóm nhìn thấy qua,
Được rưới nước và huyết quý giá,
Thân hồn được tinh sạch sâu xa.
Vạn người Israel đóng ấn,
Dân các nước nhóm họp thỏa lòng,
Chứng minh huyền nhiệm Chúa ứng nghiệm,
Cả gia đình Chúa đã họp chung.

  Khi tôi đọc bài thơ nầy, tôi ngạc nhiên khi thấy Ông Charles Wesley đã hiểu chính xác biết bao và bày tỏ lẽ thật Kinh Thánh về sự tụ họp cuối cùng của Y-sơ-ra-ên. Tôi muốn thách thức bạn, các anh chị em hội Giám Lý của tôi - bạn đã làm gì với sự thật này mà đã được tiết lộ cho người sáng lập hội thánh của bạn? Nó không bao giờ khẩn trương cần thiết hơn ngày hôm nay.
   Nhưng sự mặc khải này không chỉ liên quan đến các anh em Giám lí mà thôi. Tất cả các Cơ-Đốc Nhân tận tụy đều có trách nhiệm phải làm chứng cho mỗi người trong quốc gia của mình – cặp theo lời khuyên dạy đầy đủ của Đức Chúa Trời liên quan đến Y-sơ-ra-ên và các dân tộc