Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2016

SÁCH MÁC BÀI 64


Kinh Thánh: Mác 1:14-18; 4:26; 9:1-8; 10:23-25; La.14:17
BỐI CẢNH VÀ VỊ TRÍ CHỨC VỤ CỦA CHÚA
Hiểu được hoàn cảnh khi Chúa Jesus ở trên đất thì rất ích lợi trong việc đọc Phúc Âm Mác. Văn hóa con người đã hiện hữu hơn bốn ngàn năm. Một phương diện của nền văn hóa này là tôn giáo của người Do Thái, một tôn giáo mạnh mẽ, tiêu biểu, được hình thành theo Lời thánh của Đức Chúa Trời. Khi Chúa Jesus ở trên đất, người Do Thái mộ đạo rất gắn bó với tôn giáo này.
Với bối cảnh như vậy, Chúa Jesus đã bước vào chức vụ để gieo chính Ngài là hạt giống vào trong những người được Đức Chúa Trời chọn. Thật ra, Chúa Jesus đã sống và thi hành chức vụ tại trung tâm của dân cư thế giới. Cả về phương diện địa lý lẫn văn hóa, quốc gia Do Thái là trung tâm của cư dân trên đất. Chúa Jesus đã đến gieo chính Ngài vào trong trung tâm ấy.
Anh em có bao giờ nhận biết rằng Chúa Jesus đến trung tâm của cư dân trên đất để gieo chính Ngài là hạt giống vào trong những người được Đức Chúa Trời chọn không? Tôi không biết có văn phẩm Cơ Đốc nào nói về việc Chúa gieo chính Ngài vào trong con người. Nếu anh em hỏi Cơ Đốc nhân rằng Chúa Jesus đến để làm gì, có lẽ một sốt người trả lời Ngài đến để cứu tội nhân hoặc Ngài đến để chết hầu cứu chúng ta. Dĩ nhiên, Tân ước nói rằng Jesus Christ đã đến để cứu tội nhân (1 Ti.1:15). Tuy nhiên trong Phúc Âm Mác, chúng ta thấy Chúa Jesus đã đến để rao giảng Phúc Âm của Đức Chúa Trời (1:14)

PHÚC ÂM VỀ VƯƠNG QUỐC CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Cụm từ “phúc âm của Đức Chúa Trời” không chỉ có nghĩa là phúc âm của Đức Chúa Trời theo ý nghĩa thuộc về Đức Chúa Trời. Ý tưởng chính của cụm từ này là phúc âm là điều gì đó về  chính Đức Chúa Trời. Trong Tân Ước, những người thành ngữ như sự sống của Đức Chúa Trời, tình thương yêu của Đức Chúa Trời và sự công chính của Đức Chúa Trời có nghĩa là sự sống, tình  thương yêu và sự công chính thật ra là chính Đức Chúa Trời. Cùng một nguyên tắc như vậy, cách diễn đạt “Phúc âm của Đức Chúa Trời” cho thấy Phúc âm là chính Đức Chúa Trời. Vì vậy, rao giảng phúc âm của Đức Chúa Trời thật ra có ý nghĩa là rao giảng Đức Chúa Trời.
Phúc Âm được Chúa Jesus rao giảng là phúc âm vương quốc của Đức Chúa Trời. Vương quốc của Đức Chúa Trời là gì? Vương quốc của Đức Chúa Trời là chính Đức Chúa Trời. Thế thì phúc âm vương quốc của Đức Chúa Trời là gì? Chúng ta có thể trả lời câu hỏi này bằng cách nói rằng phúc âm là vươngq uốc, và vương quốc là Đức Chúa Trời, Phúc âm, vương quốc và Đức Chúa Trời không tách rời nhau, trái lại cả ba là một.
Điều tối quan trọng là chúng ta phải thấy rằng phúc âm, vương quốc và Đức Chúa Trời là một. Phúc âm là Đức Chúa Trời, và Đức Chúa Trời là vương quốc. Cũng vậy, phúc âm là vương quốc và vương quốc là Đức Chúa Trời. Vì vậy theo Tân Ước, phúc âm về vương quốc của Đức Chúa Trời thật ra là nói đến chính Đức Chúa Trời. Ở đây, chúng ta có Đức Chúa Trời là vương quốc là phúc âm. Ngày nay chúng ta đang rao giảng điều gì? Chúng ta nên rao giảng Đức Chúa Trời là vương quốc và vương quốc của Đức Chúa Trời là phúc âm
Chúng ta không nên nghĩ rằng ngoài vương quốc của Đức Chúa Trời thì còn có một điều gì đó được gọi là phúc âm. Không, phúc âm là vương quốc của Đức Chúa Trời. Chúng ta cũng không nên nghĩ rằng Đức Chúa Trời còn có điều gì đó được gọi là vương quốc. Không, vương quốc thật ra là chính Đức Chúa Trời. Vì vậy, Chúa Jesus đến rao giảng phúc âm của Đức Chúa Trời là phúc âm vương quốc của Đức Chúa Trời. Bây giờ chúng ta phải tiếp tục suy xét Chúa Jesus đã rao giảng Phúc âm vương quốc của Đức Chúa Trời như thế nào
CẦN PHẢI HIỂU BIẾT THUỘC LINH
Ở điểm này, tôi chỉ muốn nói như một lời nhắc nhở rằng khi đọc Kinh Thánh, chúng ta không nên hiểu Kinh Thánh theo cách thiên nhiên. Chúng ta không nên hiểu bất cứ lời nào trong Kinh Thánh theo cách thiên nhiên. Nan đề giữa vòng cơ đốc nhân là phần lớn họ đọc Kinh Thánh theo hiểu biết thiên nhiên. Chúng ta phải hiểu biết thuộc linh. Đó là lý do Phao-lô nói trong Cô-lô-se 1:9 rằng ông sẽ vì các thánh đồ cầu xin để họ “được đầy dẫy sự thông biết ý chỉ của Đức Chúa Trời trong mọi sự khôn ngoan và thông sáng thuộc linh”. Đó cũng là lý do Phao-lô cầu nguyện rằng “Xin Đức Chúa Trời của Chúa chúng ta là Jesus Christ, là Cha vinh hiển ban cho anh em linh của sự khôn ngoan và sự khải thị để thông biết Ngài” (Êph.1:17). Phao-lô biết rằng trong Thư tín này, những huyền nhiệm thuộc linh sẽ được khải thị, và ông biết ông phải sử dụng ngôn ngữ loài người. Ông lo rằng những người nhận thư có thể hiểu thư của ông chỉ theo cách thiên nhiên bằng văn tư. Vì vậy, Phao-lô cầu nguyện để Cha ban cho chúng ta linh khôn ngoan và khải thị. Lời cầu nguyện này cho thấy rõ rằng chúng ta không nên hiểu Kinh Thánh chỉ theo văn tự bằng tâm trí thiên nhiên.
Chắc chắn vì Kinh Thánh là văn bản nên chúng ta cần phải hiểu đúng lời thành văn này. Tuy nhiên, việc giải thích lời thành văn ấy không nên theo hiểu biết thiên nhiên của chúng ta. Thay vì thế, việc giải thích theo sự khôn ngoan và khải thị thuộc linh. Đặc biệt chúng ta cần có sự hiểu biết thuộc linh về cách Chúa Jesus rao giảng phúc âm
CÁCH CHÚA RAO GIẢNG PHÚC ÂM
Mác 1:14 cho biết rằng Jesus đến Ga-li-lê rao giảng phúc âm của Đức Chúa Trời. Theo câu 15, Ngài phán: “Kỳ đã trọn, nước Đức Chúa Trời đã đến gần, các ngươi hãy ăn năn và tin phúc  âm”. Lời của Chúa ở đây thật ngắn gọn. Chương này không ghi lại một bài giảng dài của Ngài. Khi đến Ga-li-lê để rao giảng phúc âm, Ngài không nói: “Tất cả các ngươi phải ý thức rằng minh là tội nhân. Các ngươi đã bị sa ngã  trong A-đam. Bây giờ các ngươi cần ăn năn và tin Ta là Đấng đến để chết vì tội các ngươi. Nếu không ăn năn và tin, các ngươi sẽ đi địa ngục”. Trong sách Mác, Chúa không giảng một bài như thế.
Chỉ có một chương trong Phúc Âm Mác ghi lại bài giảng của Chúa; đó là chương 4. Trong sách Mác chỉ có chương 4 ghi lại một bài giảng duy nhất của Chúa Jesus. Trong các chương từ 1 đến 3, Ngài không giảng bài nào; Ngài cũng không giảng bài nào từ chương 5 đến chương 16. Bài giảng duy nhất của Ngài được ghi lại trong sách Mác không phải là giảng cho tội nhân. Lấy chiếc thuyền làm Nơi chí thánh, Ngài rao giảng phúc âm cho các môn đồ.
GIEO CHÍNH NGÀI LÀ HẠT GIỐNG
Ý tưởng trọng tâm mà Chúa giảng trong Mác chương 4 là gì? Ý tưởng trọng tâm ấy là: Chúa là người gieo giống, gieo chính Ngài là hạt giống vào trong chúng ta. Ngài mở đầu bài giảng trong chương 4 bằng những từ: “Kìa, có người gieo đi ra gieo” Sau đó, trong 4:26, Ngài phán: “Nước Đức Chúa Trời cũng giống như người vãi giống xuống đất”. Ở đây, chúng ta thấy Chúa là người gieo giống, gieo chính Ngài là hạt giống vào trong những người được Đức Chúa Trời chọn.
Một số người có thể hỏi tại sao chúng ta nói rằng Chúa đến để gieo chính Ngài vào trong con người. Họ có thể thắc mắc tại sao chúng ta không nói Jesus đến rao giảng phúc âm. Lý do chúng ta nhấn mạnh đến việc Chúa gieo giống là vì cách hiểu đúng về việc rao giảng phúc âm đã sai lệch. Vâng, Tân Ước nói rằng Chúa Jesus đến để rao giảng phúc âm. Tuy nhiên, Ngài không rao giảng phúc âm theo cách hiểu của chúng ta về việc rao giảng phúc âm. Trái lại trong Mác chương 4, chúng ta thấy Chúa rao giảng phúc âm bằng cách gieo chính Ngài là hạt giống vào trong con người.
Trong Mác chương 1, chúng ta được biết rằng Chúa Jesus đến Ga-li-lê rao giảng phúc âm của Đức Chúa Trời. Nhưng Ngài đã rao giảng phúc âm như thế nào và Chúa đã rao giảng phúc âm là gì? Chúng ta không nên hiểu về phúc âm hay về sự rao giảng phúc âm theo cách thiên nhiên. Về điều này, nhiều Cô Đốc nhân đã bị bức màn dày truyền thống che phủ. Họ cứ cho rằng họ đã hiểu rao giảng phúc âm là gieo hạt giống. Như chúng tôi đã chỉ ra trong các bài trước, hạt giống được gieo trong Mác chương 4 là hạt giống vương quốc.
Nếu muốn hiểu đúng về phúc âm và sự rao giảng phúc âm, chúng ta cần suy xét những gì được khải thị trong Phúc Âm Mác. Trước hết trong 1:14, chúng ta thấy Chúa rao giảng phúc âm của Đức Chúa Trời và phúc âm. Trong Mác, trước chương 4 không đề cập sâu về vương quốc. Chúng ta thấy 4:26 chép rằng “Vương quốc của Đức Chúa Trời cũng như người vãi giống xuống đất”. Vì vậy, trong Mác chương 4, chúng ta thấy vương quốc của Đức Chúa Trời là gì và chúng ta cũng rao giảng phúc âm nghĩa là gì. Theo chương này, rao giảng là gieo giống.
VƯƠNG QUỐC ĐỨC CHÚA TRỜI ĐANG ĐẾN GẮN
Mác 1:14 và 15 cho thấy vương quốc của Đức Chúa Trời là phúc âm. Trong câu 14, Chúa Jesus rao giảng phúc âm của Đức Chúa Trời. Trong câu 15, Ngài phán: ‘Kỳ đã trọn, nước Đức Chúa Trời đã đến gần; các ngươi hãy ăn năn và tin phúc âm” Vì vậy,  phúc âm mà Chúa rao giảng là vương quốc của Đức Chúa Trời đã đến gần, và vương quốc của Đức Chúa Trời đã đến gần là phúc âm. Hơn nữa, ăn năn và tin phúc âm thật ra là ăn năn và tin vương quốc Đức Chúa Trời. Vì vậy, thật đúng khi nói rằng vương quốc của Đức Chúa Trời là phúc âm.
Chúng tôi cũng đã mạnh mẽ chỉ ra rằng theo Mác, rao giảng phúc âm là gieo giống. Mác 1:15 nói rằng vương quốc của Đức Chúa Trời đã đến gần. Nhưng vương quốc của Đức Chúa Trời đến gần như thế nào? Vương quốc của Đức Chúa Trời đến gần qua việc gieo giống. Không gieo giống thì vương quốc  Đức Chúa Trời không đến gần. Vương quốc của Đức Chúa Trời đến gần bởi Jesus đã gieo giống, và việc Ngài gieo là sự rao giảng của Ngài
RAO GIẢNG BẰNG CÁCH GIEO
Tôi e rằng nhiều người rao giảng phúc âm không biết rằng việc họ rao giảng phúc âm là gieo giống. Rao giảng phúc âm là gieo Jesus Christ là hạt giống vào lòng người.
Trong Mác chương 1, chúng ta có việc rao giảng, và trong Mác chương 4, chúng ta có việc gieo. Gieo trong chương 4 tương đương với rao giảng trong chương 1. Gieo là rao giảng, và rao giảng là gieo. Hơn nữa, vương quốc của Đức Chúa Trời trong chương 4 tương đương với phúc âm của Đức Chúa Trời trong chương 1. Điều này có nghĩa là rao giảng phúc âm của Đức Chúa Trời là gieo hạt giống vương quốc của Đức Chúa Trời.
SỰ PHÁT TRIỂN CỦA HẠT GIỐNG VƯƠNG QUỐC
Chúa Jesus không chỉ rao giảng bằng cách gieo mà Ngài còn là hạt giống được gieo. Điều này có nghĩa là chính Ngài là hạt giống vương quốc. Sau khi được gieo vào trong chúng ta, hạt giống này phát triển thành vương quốc. Nếu cẩn thận đọc toàn bộ chương 4, chúng ta sẽ thấy hạt giống vương quốc là Jesus và sự phát triển hạt giống ấy trong toàn thể tín đồ là vương quốc. Thư tín của Phao-lô, toàn thể tín đồ này là Hội Thánh.
Lời của Phao-lô trong La-mã 14:17 cho thấy vương quốc của Đức Chúa Trời là Hội Thánh: “Vì nước Đức Chúa Trời chẳng tại sự ăn uống, nhưng tại sự công nghĩa, bình an và vui vẻ trong Thánh Linh”. Nếu đọc cẩn thận sách La Mã các chương từ 12 đến 14, chúng ta sẽ thấy vương quốc của Đức Chúa Trời trong các chương này thật là nếp sống Hội Thánh. Trong chương 14, Phao-lô nói về việc tiếp nhận các thánh đồ, một vấn đề có lien quan đến nếp sống Hội Thánh. Điều này cho thấy rằng nếp sống Hội Thánh ngày nay là sự phát triển của Chúa Jesus là hạt giống vương quốc trong tín đồ.
LÚA MÌ VÀ CỎ LÙNG
Do ảnh hưởng văn hóa và tôn giáo của Do Thái giáo vào thời ấy nên nhiều người đã quan tâm đến tôn giáo, luân lý, đạo đức và cải thiện tính cách. Thình lình tại đó xuất hiện một Người ra đi gieo chính Ngài vào trong những người được Đức Chúa Trời chọn. Khi sắp bắt đầu chức vụ gieo giống, điều đầu tiên Chúa Jesus làm là chịu báp-têm. Khi Ngài chịu báp-têm, những điều thuộc văn hóa và tôn giáo bị chôn với Ngài. Điều này có nghĩa là Chúa Jesus kết liễu văn hóa và tôn giáo. Sau khi ra khỏi nước báp-têm, Ngài bắt đầu gieo chính Ngài vào trong dân của Đức Chúa Trời.
Chúa Jesus đã gieo chính Ngài là hạt giống vào trong “đất trồng” là những người được Đức Chúa Trời chọn. Ý định của Chúa là Ngài như lúa mì thật sẽ mọc lên trong đất trồng này. Chúng ta có thể nói những điều thuộc về văn hóa và tôn giáo là “cỏ lùng” mọc lên trong đất trồng ấy. Anh em có bao giờ nghĩ rằng tôn giáo là cỏ lùng, là điều gì đó mọc lên cạnh tranh với Đấng Christ là lúa mì không? Văn hóa, tôn giáo, luân lý, đạo đức, triết lý, cải thiện tính cách, tất cả những điều này là cỏ lùng cạnh tranh với lúa mì.
Mặc dầu có thể đã là Cơ Đốc nhân nhiều năm nhưng có thể chúng ta vẫn không sáng tỏ về tình trạng của mình. Chúng ta cần thấy nhiều điều không phải là lúa mì, tức Đấng Christ, vẫn đang mọc lên trong chúng ta. Tất cả những điều này là cỏ lùng, là sự thay thế Đấng Christ, và cần phải nhổ đi. Trong số cỏ lùng này, có mười vấn đề đã được đề cập trong các bài  trước: văn hóa, tôn giáo, luân lý, đạo đức, triết lý con người, cải thiện tính cách và nỗ lực trở nên thuộc linh, phù hợp Kinh Thánh, thánh khiết và đắc thắng. Những điều này không được phép thay thế Đấng Christ; thay vì thế, chúng ta phải được Đấng Christ thay thế. Nhưng chúng tôi đã chỉ ra, Đấng Christ là sự thay thế toàn bộ, toàn diện. Tuy nhiên, trong đời sống thực tế của chúng ta, mười vấn đề này có thể trở nên sự thay thế Đấng Christ trong chúng ta.
MỤC ĐÍCH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
VÀ SỰ VUI HƯỞNG CỦA CHÚNG TA

Trong bài này, chúng ta thấy rằng những điều thuộc về văn hóa và tôn giáo đã bị kết liễu lúc Chúa Jesus chịu báp-têm chúng ta cũng thấy rằng trong chức vụ của Ngài, Chúa đã gieo chính Ngài vào dân của Đức Chúa Trời để phát triển vương quốc của Đức Chúa Trời. Vương quốc này thực hiện mục đích  đời đời của Đức Chúa Trời là xây dựng Hội Thánh để biểu lộ Đức Chúa Trời Tam Nhất đến đời đời. Vương quốc của Đức Chúa Trời cũng để chúng ta vui hưởng. Vì vậy, vương quốc của Đức Chúa Trời thực hiện mục đích của Đức Chúa Trời và cũng làm chúng ta thỏa mãn bằng sự vui hưởng thần thượng. Theo Phúc Âm Mác, Chúa Jesus đã đến trung tâm của dân cư trên đất để gieo chính Ngài vào những người được Đức Chúa Trời chọn hầu phát triển thành một vương quốc vì mục đích của Đức Chúa Trời và vì sự vui hưởng của chúng ta.