Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2016

SÁCH MÁC BÀI 65


Kinh Thánh: Mác 1:14-18; 4:26; 9:1-8; 10:13-25; La.14:17
Trong bài trước, chúng ta đã suy xét bối cảnh chức vụ  của Chúa trong Phúc Âm Mác. Chúng ta đã thấy rằng trong báp-têm của Ngài, Ngài kết liễu những điều thuộc về tôn giáo và văn hóa. Sau đó trong chức vụ, Ngài gieo chính Ngài là hạt giống vương quốc  vào trong những người được Đức Chúa Trời chọn. Hạt giống này phát triển thành vương quốc của Đức Chúa Trời. Một mặt, vương quốc Đức Chúa Trời là để hoàn thành mục đích đời đời của Đức Chúa Trời; mặt khác, vương  quốc của Đức Chúa Trời là để chúng ta vui hưởng. Bây giờ, chúng ta hãy tiếp tục suy xét những người được Đức Chúa Trời chọn là “đất trồng” để Đấng Christ là hạt giống vương quốc được gieo vào hầu phát triển thành vương quốc của Đức Chúa Trời là như thế nào.

ĐẤT ĐỂ TRỒNG ĐẤNG CHRIST
THÀNH VƯƠNG QUỐC CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Những người được Đức Chúa Trời chọn là đất để trồng Đấng Christ thành vương quốc của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, dân của Đức Chúa Trời đã bị sa ngã. Theo bức tranh được các trường hợp ghi lại trong sách Mác mô tả thì họ là những người bệnh, ô uế, bại liệt, teo tay, hư hoại, điếc, câm, mù và thậm chí chết về mặt thuộc linh.
Dân của Đức Chúa Trời đã được Ngài định để làm đất trồng mà Đấng Christ là hạt giống sẽ được gieo vào và Ngài sẽ lớn lên trong đất ấy hầu phát triển vương quốc của Đức Chúa Trời. Nhưng “đất trồng” này trở nên bệnh hoạn, ô uế, bại liệt và teo tay. Đất trồng này đã bị hư hoại, mù lòa, điếc, câm và thậm chí bị quỉ ám. Trước khi được cứu, tất cả chúng ta đều là loại đất trồng này.
Trong Phúc Âm Mác chương 1, Chúa Jesus bắt đầu thâu thập đất trồng. Trong 1:14 và 15, chúng ta được biết Jesus đến Ga-li-lê, rao giảng vương quốc của Đức Chúa Trời rằng: “Kỳ đã trọn, nước Đức Chúa Trời đã đến gần, các ngươi hãy ăn năn và tin phúc âm”. Ngay sau đó, chúng ta có ký thuật về  việc Chúa kêu gọi bốn môn đồ là Si-môn, Anh-rê, Gia-cơ và Giăng (1:16-20). Trong bài trước, chúng tôi đã chỉ ra rằng  Chúa rao giảng phúc âm bằng cách gieo chính Ngài là hạt giống vào  trong con người. Trong 1:16-20, chúng ta thấy có bốn người được Chúa thu thập để trở nên đất trồng mà Ngài gieo chính Ngài là hạt giống vương quốc vào trong đó.
THEO CHÚA
Khi thâu thập các môn đồ trong 1:16-20, Chúa muốn họ làm gì? Câu 16 nói rằng Si-môn và Anh-rê đang “thả lưới dưới biển, vì họ vốn là tay đánh cá” (c.17). Jesus phán cùng họ: “Hãy theo Ta, Ta sẽ khiến các ngươi trở nên tay đánh lưới người” (c.17) Ngay lập tức họ bỏ lưới và theo Ngài (c.18). Đi tới một ít nữa, Chúa Jesus thấy Gia-cơ và Giăng ở trong thuyền vá lưới. Ngài gọi họ, và họ “lìa cha là Xê-bê-đê với những người làm thuê ở lại trong thuyền, mà theo Ngài” (c.20). Ở đây chúng ta thấy bốn môn đồ đã bỏ lưới, bỏ thuyền, bỏ cha và thậm chí bỏ biển cả. Họ bỏ mọi sự để theo Jesus.
Lúc còn trẻ, khi đọc các sách Phúc Âm, tôi tự hỏi theo Jesus có nghĩa gì. Tôi được ấn tượng bởi lời Chúa: “Hãy theo Ta”. Về sau, người ta dạy tôi rằng theo Jesus có nghĩa là làm bất cứ điều gì Jesus làm. Chẳng hạn như Jesus yêu thương nhân loại thì chúng ta cũng phải yêu thương người khác Jesus lịch thiệp và tử tế thì chúng ta cũng phải lịch thiệp và tử tế.  Ban đầu tôi đồng ý với cách hiểu như vậy về ý nghĩa của việc theo Chúa Jesus. Nhưng cuối cùng tôi khám phá ra rằng theo Chúa Jesus như vậy có thể được ví như dạy con khỉ hành động giống con người. Một con khỉ có thể được huấn luyện để ngồi, đứng và đi như con người. Tuy nhiên, điều này chẳng khác gì bắt chước. Dù vậy nhiều Cơ Đốc nhân đã cố gắng học theo Christ bằng cách bắt chước Ngài. Cách hiểu như vậy về việc đi theo Jesus là sai và chúng ta nên phản bác điều ấy. Nhưng chúng ta vẫn còn thắc mắc là theo Chúa Jesus có nghĩa gì.
Chúng tôi đã nhấn mạnh sự kiện là khi kêu gọi các môn đồ, Chúa Jesus thâu thập họ để trở thành đất trồng mà Ngài sẽ gieo chính Ngài là hạt giống vào trong đó. Vì vậy, chúng ta có thể nói rằng theo Jesus là được đặt vào trong “túi” của Ngài vì mục đích để Ngài gieo chính Ngài vào trong chúng ta.
CHỮA LÀNH ĐẤT TRỒNG
Được Đức Chúa Trời Lựa Chọn
Chúng ta đã thấy trong Mác, Chúa Jesus thâu thập đất trồng và bỏ vào túi để Ngài gieo chính Ngài vào trong đất ấy. Nhưng theo những trường hợp được ghi lại trong Phúc Âm Mác, đất trồng này ở tình trạng đáng thương. Làm  thể nào Chúa có thể sử dụng loại đất bệnh hoạn, ô uế và hư hoại này? Có người cho rằng Ngài nên quăng đất vô dụng ấy đi. Nhưng Chúa không thể ném bỏ những người đã được  lựa chọn và tiền định trước khi lập nên trái đất. Thật ra, Chúa Jesus không còn lựa chọn nào khác. Các môn đồ đã được đánh dấu, tiền định. Làm sao Ngài có thể khước từ họ được? Cha đã lựa chọn họ trước khi lập nền trái đất, và Chúa đã đến để làm theo ý chỉ của Đức Chúa Trời Cha. Vì vậy, Ngài không thể đuổi các môn đồ dù họ là đất trồng đang ở trong tình trạng đáng thương như vậy. Thế thì Chúa có thể làm gì cho đất này. Như Phúc Âm Mác cho thấy, Chúa cần phải chữa lành đất này và biến đất ấy trở thành đất tốt.
Qua Sự Chết Và Phục Sinh
Chúng ta đã thấy theo Phúc Âm Mác, đất trồng ấy đang ở trong tình trạng đáng thương. Đất trồng ấy có thể được chữa làm bằng cách nào? Cách đúng đắn để chữa lành là để cho đất ấy trải qua tiến trình chết và phục sinh. Về nguyên tắc, đây là cách chữa lành đang diễn ra trong thân thể vật lý của chúng ta. Chúng ta cảm tạ Chúa vì trong sự tạo dựng thân thể con người, Ngài đã chỉ định một nguyên tắc như thế. Nếu không, một khi bị đau ốm thì con người không thể được hồi phục. Tuy nhiên, trong thân thể chúng ta có nguyên tắc chết và phục sinh, là nguyên tắc chết những gì cũ kỹ và sống lại điều mới mẻ. Những bệnh tật được chữa lành trong thân thể con người qua nguyên tắc sự sống căn bản là: những điều cũ kỹ phải chết đi và những điều mới phải được sản sinh.
Nếu hiểu nguyên tắc này, chúng ta sẽ thấy cách Chúa Jesus chữa lành đất mà Ngài gieo chính Ngài là hạt giống vương quốc  vào. Đất, tức con người được Đức Chúa Trời chọn, đã trở nên ô uế và vô dụng. Nhưng vì Đức Chúa Trời Cha đã chọn đất này nên Chúa Jesus không thể vứt bỏ đi. Đất này đã được Cha tiền định, đánh dấu. Chúa phải có cách nào đó để chữa lành đất ấy.
Như chúng ta đã thấy, theo Chúa Jesus là bị bỏ vào “túi” của Ngài. Nhưng Chúa đã chữa lành đất trong túi của Ngài như thế nào? Ngài chữa lành đất ấy bằng cách đem đến thập tự và làm cho nó chết đi rồi sau đó đem đất ấy vào trong sự phục sinh. Trong sự chết của Chúa, chúng ta chết, tức là, trong sự chết của Ngài chúng ta được làm cho chết. Rồi trong sự phục sinh của Ngài, chúng ta được phục sinh. Vì vậy, chúng ta đã  chết trong sự chết của Chúa và sống lại trong sự phục sinh của Ngài. Bằng cách này, đất được chữa lành.
Trong Mác chương 1, Chúa Jesus kêu gọi Phi-e-rơ, Anh-rê, Gia-cơ, Giăng và họ bắt đầu đi theo Ngài. Thật ra, họ theo Chúa cách mù quáng, không biết mình đi đâu và làm gì. Sự kiện  Phi-e-rơ phạm lỗi lầm ngớ ngẩn cho thấy rằng ông không biết điều gì đang xảy ra. Tuy nhiên, Chúa Jesus biết những gì Ngài định thực hiện cho các môn đồ.
Sau khi thu thập các môn đồ là đất trồng, Chúa trình bày cho họ chính Ngài là một kiểu mẫu. Hơn ba năm, Phi-e-rơ và các môn đồ khác quan sát những gì Chúa nói và làm. Cuối cùng, Chúa Jesus đem các môn đồ và tất cả những người được Đức Chúa Trời chọn đến thập tự giá. Sau khi Ngài đem họ qua sự chết và phục sinh thì họ được chữa lành. Đó là lý do chúng ta nói rằng trong sự chết và phục sinh của Đấng Christ thì các môn đồ Ngài, là đất được Đức Chúa Trời chọn, được chữa lành. Tất cả những trường hợp chữa lành trong Phúc Âm Mác là dấu hiệu chỉ về sự chữa lành thật sự này là sự chữa lành diễn ra qua sự chết và phục sinh của Đấng Christ.
Các Môn Đồ Trở Nên Đất Tốt
Khi đến sách Công Vụ chương 1, chúng ta thấy Phi-e-rơ, Anh-rê, Giăng, Gia-cơ cùng với những người còn lại trong số 120 môn đồ, không còn đau yếu nữa. Họ không còn bị sốt nữa,  không còn bị ô uế, bại liệt, teo tay, mù lòa, điếc và câm nữa. Tất cả đều được chữa lành qua sự chết và phục sinh của Chúa.
Trong bài trước và bài này, chúng ta đề cập đến bốn vấn đề: bối cảnh chức vụ của Chúa, Chúa là người gieo giống, gieo chính Ngài là hạt giống, các môn đồ là đất trồng được Đức Chúa Trời chọn, và sự chữa lành đất. Kết quả của việc được chữa lành qua sự chết và phục sinh của Đấng Christ thì những người được Đức Chúa Trời chọn đã được hồi phục và trở nên đất tốt. Họ trở nên “đất tốt”được nói đến trong Mác4:8 và 20.
HOÀN TẤT VIỆC GIEO GIỐNG CỦA CHÚA
Qua sự chết và phục sinh, Chúa Jesus không những chữa lành đất trồng mà còn giải phóng sự sống của Đức Chúa Trời và truyền sự sống vào trong đất ấy. Qua sự chết của Ngài, sự sống thận thượng trong Ngài được giải phóng, và qua sự phục sinh của Ngài, sự sống này được truyền vào trong đất trồng. Vì vậy, sự chết và phục sinh của Chúa là sự hoàn tất việc gieo chính Ngài là hạt giống vào trong các môn đồ.
Việc gieo giống này bắt đầu từ chương một của sách Mác và tiếp tục suốt Phúc Âm này cho đến khi được hoàn tất trong chương 16. Hết chương này đến chương khác, Chúa Jesus gieo chính Ngài vào các môn đồ. Điều này được khải thị rõ trong chương 4, ở đỏ chúng ta thấy Ngài là người gieo giống đến gieo hạt giống vương quốc. Khi Chúa Jesus phục sinh, việc gieo giống ấy đã hoàn tất. Khi ấy các môn đồ trở nên một loại đất khác, đất tốt và họ bắt đầu trồng Christ. Trong các chương đầu của sách Công Vụ, chúng ta thấy các môn đồ là đất tốt để sản sinh Đấng Christ.
CỎ LÙNG TÁI XUẤT HIỆN
Tuy nhiên, sự kiện các môn đồ trở nên đất tốt và bắt đầu trồng Đấng Christ không có nghĩa là “cỏ lùng” không thể mọc lên trong họ nữa. Trong Ga-la-ti chương 2, chúng ta thấy một số cỏ  lùng đã bắt đầu mọc trở lại trong Phi-e-rơ. Lý do cỏ lùng trở lại là vì Phi-e-rơ vẫn còn chịu ảnh hưởng của tôn giáo cũ.
Thật ra, cỏ lùng đang cố mọc trong Phi-e-rơ ở Công Vụ chương 10. Theo chương này, Phi-e-rơ thấy một khải tượng thiên thượng, khải tượng liên hệ đến việc gieo giống vào trong các dân người ngoại. Đức Chúa Trời có ý định dung Phi-e-rơ để gieo hạt giống vương quốc vào trong loại đất khác, loại đất người ngoại. Thoạt đầu, Phi-e-rơ không chịu vâng theo khải tượng. Sự khước từ này cho thấy rằng có điều gì đó mọc trong Phi-e-rơ thay vì lúa mì. Những điều thuộc về tôn giáo cũ, tức cỏ lùng đang mọc lên trong ông.
Trong sách Công Vụ chương 21, chúng ta thấy Phi-e-rơ chịu ảnh hưởng của Gia-cơ. Khi suy xét Công Vụ chương 21 cùng với Ga-la-ti chương 2, chúng ta thấy nhiều cỏ mọc lên trong Phi-e-rơ
Chúng ta cần tự hỏi là có bao nhiêu cỏ lùng đang mọc lên trong chúng ta. Chúng tôi muốn nói cỏ lùng là gì? Cỏ lùng là điều gì đó không phải là Đấng Christ đang lớn lên trong chúng ta để thay thế Đấng Christ. Trong  kinh nghiệm, những loại cỏ lùng này bao gồm văn hóa, tôn giáo, luân lý, đạo đức, triết lý, cải thiện tính cách, và nỗ lực trở nên thuộc linh, phù hợp Kinh Thánh, thánh khiết và đắc thắng.
Nhiều thánh đồ đã ở dưới chức vụ nầy nhiều năm mà vẫn còn chịu ảnh hưởng bởi xuất thân tôn giáo và văn hóa của họ. Vì ảnh hưởng này nên quan điểm về cuộc gia tể Tân Ước của Đức Chúa Trời vẫn chưa sáng tỏ đối với họ. Ảnh hưởng này và việc thiếu sáng tỏ đã trì hoãn sự đến lần thứ hai của Chúa vì điều ấy ngăn trở sự phát triển vương quốc trong chúng ta
CHÚNG TA CẦN CÓ MỘT CÁI NHÌN SÁNG TỎ
VỀ VƯƠNG QUỐC CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Ở điểm này, một lần nữa chúng ta nên đặt câu hỏi như vầy: vương quốc của Đức Chúa Trời là gì? Trái với cách hiểu truyền thống, vương quốc không chỉ là một lãnh vực, là nơi Đức Chúa Trời cai trị con người, mà cũng là một lĩnh vực mà chúng ta bước vào để vui hưởng sự sống đời đời. Nhiều Cơ Đốc nhân thậm chí không hiểu đúng sự sống đời đời là gì. Họ cho rằng sự sống đời đời là một loại phước hạnh vĩnh viễn nào đó. Chúng ta cần có một cái nhìn sáng tỏ từ Tân Ước về vương quốc Đức Chúa Trời.

Trong Tân Ước, vương quốc của Đức Chúa Trời không phải là lãnh vực vật chất mà trong đó Đức Chúa Trời thi hành uy quyền của Ngài hầu thực hiện sự quản trị mang tính chính quyền của Ngài để chúng ta có thể bước vào lãnh vực này mà vui hưởng phước hạnh đời đời. Đây không phải là quan niệm về vương quốc trong Tân Ước, và chúng ta cần bỏ quan niệm nầy. Những gì được khải thị trong Tân Ước về vương quốc của Đức Chúa Trời cho thấy vương quốc là một thân vị chứ không phải là một lãnh vực vật chất. Thân vị này, tức Chúa Jesus Chrisrt, là con Đức Chúa Trời, là hiện thân của Đức Chúa Trời Tam Nhất. Đấng này là hiện thân của Đức Chúa Trời Tam Nhất đến để trở nên vương quốc. Trong Mác chương 4, Ngài nói rằng  vương quốc giống như một người gieo giống gieo hạt giống. Cả người gieo giống và hạt giống đều là chính Chúa. Chúa Jesus đã đến để gieo chính Ngài là hạt giống vương quốc vào trong những người được Đức Chúa Trời chọn. Trong chức vụ, Ngài đã không gieo bất cứ điều gì khác hơn là chính Ngài như hạt giống vương quốc.