Chủ Nhật, 12 tháng 6, 2016

SÁCH MÁC BÀI 56


Kinh thánh: Mác 1:1, 4, 9-10
Trong bài trước, chúng ta đã suy xét ý nghĩa của cụm từ “khời đầu phúc âm của Jesus Christ” trong 1:1. Bây giờ chúng ta hãy tiếp tục suy xét từ liệu “báp-têm” trong câu 4.
KẾT LIỄU ĐỂ CÓ MỘT KHỞI ĐẦU MỚI
Câu 4 chép: “Giăng đến làm báp-têm trong đồng vắng, rao giảng báp-têm về sự ăn năn để được tha tội”. Ở đây, chúng ta thấy Giăng đến rao giảng báp-têm về ăn năn. Báp-têm một người nào đó là chôn người ấy trong nước. Hành động chôn như vậy là kết liễu. Cách tốt nhất để kết liễu một điều gì đó là chôn nó đi. Khi những người đến với Giăng chịu bap-têm, họ bị chôn, tức bị kết liễu.
Giăng Báp-tít rao giảng báp-têm ăn năn để tha tội. Bất cứ ai đến với Giăng mà thật sự ăn năn sẽ được ông làm báp-têm. Những người ăn năn được Giăng chôn trong báp-têm.
Trong 1:1, chúng ta có sự khởi đầu và trong 1:4 có sự kết liễu. Nếu không kết liễu thì không thể có một khởi đầu mới. Tại sao chúng ta chịu báp-têm sau khi tin Chúa Jesus? Chúng ta chịu báp-têm để chôn sự sống cũ của mình, kể cả chính mình. Hễ khi một người ăn năn và tin Chúa thì chúng ta nên kết liễu sự sống cũ và bản ngã cũ của người ấy. Sự kết liễu như vậy là để có một khởi đầu mới.
BÁP-TÊM CỦA CHÚA JESUS
Mác 1:9 nói về báp-têm của Chúa Jesus: “Trong những ngày đó, Jesus từ Na-xa-rét thuộc Ga-li-lê đến, chịu Giăng làm báp-têm dưới sông Gô-đanh”. Chúa Jesus bằng lòng chịu báp-têm; Ngài bằng lòng bị chôn.
Tại sao Chúa Jesus chịu báp-têm? Mặc dù teo một ý nghĩa Ngài không có điều gì cần phải bị chôn, cụ thể là Ngài không có điều gì cũ kỹ, nhưng Chúa là một con người, và là con người thì Ngài là một phần của sáng tạo cũ. Nếu Chúa Jesus không liên hệ gì với sáng tạo cũ thì làm thế nào Ngài có thể là Cứu Chúa của sáng tạo cũ?
Theo Giăng 1:1 và 14, Lời của Đức Chúa Trời đã trở nên xác thịt. Từ liệu “xác thịt” là một từ liệu tiêu cực trong Kinh Thánh. Đức Chúa Trời không tạo nên xác thịt; Đức Chúa Trời tạo nên con người. Thế thì tại sao Phúc Âm Giăng không nói rằng Lời đã trở nên con người? Giăng 1:14 rõ ràng không nói rằng Lời trở nên con người mà nói rằng Lời đã trở nên xác thịt. Khi Jesus từ Na-xa-rét đến với Giăng, Ngài có một thân thể xác thịt.
Về vấn đề này, Phao-lô rất thận trọng. Trong La Mã 8:3, ông nói rằng Đấng Christ đến trong hình dạng của xác thịt của tội. Con người sa ngã đã trở nên xác thịt của tội. Nhưng Chúa Jesus chỉ có hình dạng xác thịt của tội; Ngài không có tội. Cũng như con rắn bằng đồng được treo lên trong đồng vắng để cứu chuộc người Israel sa ngã, chỉ có hình dạng, hình thể của con rắn chứ không có bản chất con rắn, thì cũng vậy, Chúa Jesus có hình dạng của xác thịt của tội chứ không có bản chất xác thịt của tội.
Vào thời điểm Chúa Jesus trở nên con người thì nhân loại đã sa ngã rồi. Tuy nhiên, trong Chúa Jesus không có tội. Mặc dầu trong Ngài không có tội nhưng nhân tính Ngài vẫn ở trong hình dạng của xác thịt của tội.
Một mặt, Chúa Jesus là Con của Đức Chúa Trời. Đây là vấn đề thần tính của Ngài. Mặt khác, Ngài là Con Người. Đây là vấn đề nhân tính của Ngài. Về thần tính của Ngài, Chúa Jesus không cần phải chịu báp-têm. Nhưng về nhân tính của Ngài, về việc Ngài là một người giữa vòng loài người thì Ngài cần phải chịu báp-têm. Là con người, Chúa Jesus cần phải bị kết liễu, cần phải bị chôn.
Dĩ nhiên, Kinh Thánh không nói rằng vào lúc chịu báp-têm, Chúa Jesus ăn năn. Vì Ngài không có điều gì để ăn năn Ngài không cần ăn năn. Chúa không có tội và Ngài chưa bao giờ phạm tội. Vì Ngài không có tội cũng không có các tội phạm nên Ngài không cần phải ăn năn. Tuy nhiên, Ngài có một nhân tính liên quan đến sáng tạo cũ và vì lý do này, Ngài cần phải chịu báp-têm, Chúa sẵn sàng gạt chính Ngài qua một bên.
LINH Ở TRÊN CHÚA JESUS
Mác 1:10 cho chúng ta biết điều gì xảy ra khi Chúa Jesus lên khởi nước: “Vừa lên khởi nước, Ngài thấy các từng trời xé ra, và Linh như bồ cầu ngự xuống trên Ngài”. Trước thời điểm đó, Chúa Jesus đã có Đức Chúa Trời Cha ở trong Ngài như là thể yếu của bản thể Ngài rồi. Sau khi chịu báp-têm, Đức Chúa Trời Linh ngự xuống trên Ngài. Vì vậy trong Ngài, Chúa Jesus có thể yếu thần thượng và trên Ngài, có Linh của Đức Chúa Trời. Là Đấng có Cha ở bên trong làm thể yếu và Linh ở bên trên làm quyền năng để chuyển động và công tác, Ngài bắt đầu thi hành chức vụ. Trong sự chuyển động và ông tác của Ngài, Chúa Jesus không phải là một  con người chỉ thuộc về luân lý hay đạo đức, và Ngài không phải là một người thuộc về tôn giáo. Trái lại, Chúa Jesus là một con người tuyệt đối thuộc về Đức Chúa Trời.
Sau khi chịu báp-têm, với Linh ở trên, Chúa Jesus là một người tuyệt đối thuộc về Đức Chúa Trời cả bên trong lẫn bên ngoài. Bên trong, Ngài có Đức Chúa Trời Cha là thể yếu và bên ngoài, Ngài có Linh của Đức Chúa Trời là quyền năng để chuyển động, hành động, cung ứng và rao giảng. Bằng cách này, Ngài không trở nên một người thuộc văn hóa, tôn giáo, hoặc chỉ luân lý đạo đức mà là một người của Đức Chúa Trời.
HOÀN TOÀN Ở TRONG
VƯƠNG QUỐC ĐỨC CHÚA TRỜI
Trong chuyển động của Ngài trên đất, Chúa Jesus đã làm gì? Ngài có dạy luân lý hay đạo đức không? Ngài có nhấn mạnh đến tôn giáo, văn hóa hay giáo dục không? Ngài có bảo người ta giữ Mười Điều Răn Đức Chúa Trời đã ban không? Đây không phải là những điều Chúa Jesus đã làm trong chuyển động của Ngài. Ngài hoàn toàn ở trong một vương quốc khác, vương quốc của Đức Chúa Trời. Ngài không ở trong vương quốc kinh luật, đạo đức, luân lý, tôn giáo hay văn hóa. Ngài hoàn toàn ở trong vương quốc Đức Chúa Trời.
Vương quốc Đức Chúa Trời là gì? Chúng ta có thể dạn dĩ nói rằng vương quốc Đức Chúa Trời thật ra là chính Đức Chúa Trời. Chúng ta hãy dùng vương quốc động vật làm minh họa. Dĩ nhiên vương quốc động vật gồm có loài vật. Nếu không có loài vật thì sẽ không có vương quốc động vật. Vương quốc loài người cũng theo nguyên tắc đó. Vương quốc loài người là loài người. Tương tự như vậy, vương quốc Đức Chúa Trời là chính Đức Chúa Trời.
Chúa Jesus là người thuộc về Đức Chúa Trời. Bất cứ điều gì Ngài làm, bất cứ điều gì Ngài rao giảng và dạy dỗ, cách Ngài cư xử và cung ứng-mọi sự đều ở trong vương quốc Đức Chúa Trời.
Khổng Tử dạy luân lý và ông ở trong vương quốc luân lý. Luân lý thì tốt nhưng không phải là vương quốc Đức Chúa Trời.
Môi-se nhấn mạnh việc giữ kinh luật, và ông ở trong vương quốc kinh luật. Vương quốc này cũng tốt nhưng không phải là vương quốc Đức Chúa Trời.
Thầy tế lễ thượng phẩm A-rôn dạy người ta phương cách đúng đắn để thờ phượng Đức Chúa Trời. Vì vậy, A-rôn ở trong vương quốc thầy tế lễ. Điều này cũng tốt nhưng không phải là vương quốc Đức Chúa Trời.
Khi Chúa Jesus đi ra thi hành chức vụ, Ngài không dạy luân lý, giữ kin luật hay phụng sự Đức Chúa Trời theo cách tế lễ. Ngài đã sống, chuyển động và hành động rong vương quốc Đức Chúa Trời. Như chúng ta đã thấy, vương quốc của Đức Chúa Trời là chính Đức Chúa Trời.
NỘI DUNG SỰ PHỤC VỤ PHÚC ÂM CỦA CHÚA
Trong 1:14-45, chúng ta thấy nội dung sự phục vụ phúc âm của Chúa: rao giảng phúc âm (cc. 14-20), giảng dạy lẽ thật (cc. 21-22), đuổi quỉ (cc. 23-28), chữa lành người bệnh (cc. 29-39) và tẩy sạch người người phung (cc. 40-45). Những điều này không phải là vấn đề đạo đức, luân lý, tôn giáo, văn hóa, triết học hay tôn giáo. Đây là cách Chúa Jesus phụng sự Đức Chúa Trời. Ngài phụng sự Đức Chúa Trời bằng cách rao giảng phúc âm, giảng dạy lẽ thật, đuổi quỉ, chữa lành người bệnh và tẩy sạch người phung.
Kinh Thánh không nói rằng công tác của Chúa Jesus là rao giàng phúc âm, dạy lẽ thật, đuổi quỉ, chữa lành người bệnh và tẩy sạch người phung. Thay vì thế, Tân Ước cho thấy rằng đây là chuyển động của Ngài. Sau khi báp-têm và sau khi Thánh Linh giáng trên Ngài, Ngài chuyển động theo cách rao giảng, dạy dỗ và đuổi quỉ, chữa lành người bệnh và tẩy sạch người phung. Khi vào Ga-li-lê, Ngài rao giảng. Khi đến Ca-bê-na-um, Ngài dạy dỗ. Ngài cũng đuổi uế linh và sau đó chữa lành bà gia của Phi-e-rơ. Hơn nữa, trong chuyển động của chức vụ, Ngài gặp một người phung và tẩy sạch người ấy.
KHÔNG CÓ KHÁC BIỆT
GIỮA SỰ SỐNG VÀ CÔNG TÁC
Tất cả những điều này có phải là công tác, chuyển động và sự sống của Ngài không? Thật ra, điều này rất khó nói vì đời sống của Ngài là công tác của Ngài và công tác của Ngài là chuyển động của Ngài. Chúa Jesus liên tục sống, làm việc và chuyển động. Ngày và đêm Ngài sống, ngày và đêm Ngài làm việc và chuyển động. Công tác của Ngài là nếp sống của Ngài và chuyển động của Ngài là sự hiện hữu của Ngài. Vì lý do này, chúng ta không thể nói Chúa Jesus đã làm việc nhiều bao nhiêu. Ngài làm việc mọi lúc mọi nơi vì công tác của Ngài là đời sống của Ngài, đời sống của ngài là chuyển động của Ngài và chuyển động của Ngài là công tác của Ngài. Với Ngài, không có khác biệt giữa đời sống, công tác và chuyển động.
Với Chúa Jesus, mọi phương diện của đời sống Ngài là như nhau. Tuy nhiên, chúng ta thì có thể chia đời sống của mình ra trong công tác, học hành, gia đình và Hội Thánh. Chúng ta dễ dàng chỉ ra chúng ta làm việc bao nhiêu giờ mỗi ngày. Nhưng anh em có thể nói Chúa Jesus làm việc mỗi ngày bao nhiêu giờ không? Ngài ăn vào giờ nào? Vấn đề ở đây là Chúa Jesus luôn luôn sống, làm việc và chuyển động. Sự rao giảng và dạy dỗ của Ngài là một phần của nếp sống Ngài. Đuổi quỉ, chữa lành người bệnh và tẩy sạch người phung cũng là một phần trong nếp sống của Chúa Jesus. Với Ngài, không có sự phân biệt giữa đời sống và công tác.
Có thể chúng ta cho rằng Chúa Jesus có khả năng sống một đời sống như thế còn chúng ta thì không. Ngày nay, tất cả chúng ta nên sống một đời sống rao giảng, dạy dỗ, đuổi quỉ, chữa bệnh và tẩy sạch người phung. Thực hành thông thường của những người giảng thuê chuyên nghiệp thì không đúng theo Kinh Thánh. Mỗi tín đồ nên sống một đời sống rao giảng, dạy dỗ, đuổi quỉ, chữa bệnh. Nếu sống như vậy thì dù đi đâu, đời sống của chúng ta cũng là sự rao giảng vì chúng ta sống một đời sống rao giảng. Cũng vậy, chúng ta cũng sống một đời sống đuổi quỉ. Nhiều người đắm mình trong các điều gian ác thế tục vì họ đang bị quỉ ám.
 Điểm tôi muốn nhấn mạnh khi nói điều này là Chúa Jesus đã sống sự sống của Đức Chúa Trời, và đây là đời sống rao giảng, dạy dỗ, đuổi quỉ, chữa bệnh và tẩy sạch người phung. Đây không phải là một đời sống thuộc về văn hóa, tôn giáo, triết lý hay luân lý đạo đức suông. Sự sống của Đức Chúa Trời thì tự động rao giảng, dạy dỗ, đuổi quỉ, chữa lành và tẩy sạch. Nếu tất cả chúng ta sống loại sự sống thì tình trạng trong địa phương của chúng ta sẽ khác hẳn sau một thời gian. Tuy nhiên, vấn đề chúng ta đang nhân mạnh là chính sự sống của Đức Chúa Trời là hoàn toàn theo và vì cuộc gia tểTân Ước của Ngài.
KẾT QUẢ CỦA VIỆC
SỐNG THEO CUỘC GIA TỂ CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Chúng ta đã thấy nội dung phục vụ phúc âm của Chúa bao gồm rao giảng phúc âm, giảng dạy lẽ thật, đuổi quỉ, chữa lành người bệnh và tẩy sạch người phung. Trong 2:1-3:6, chúng ta thấy các phương thức thực hiện sự phục vụ phúc âm: tha tội (2:1-12), ăn với tội nhân (2:13-17), làm cho các môn đồ vui mừng mà không kiêng ăn (2:18-22), quan tâm đến cơn đói của các môn đồ hơn là qui định tôn giáo (2:23-28) và quan tâm đến việc làm giảm nỗi khổ của con người hơn là nghi lễ tôn giáo (3:1-6). Tất cả những điều nầy nên được tìm thấy trong nếp sống Cơ Đốc của chúng ta ngày nay. Nếu anh em sống sự sống của Đức Chúa Trời thì sau một thời gian, một số đồng nghiệp của anh em có thể kinh nghiệm sự tha tội. Rồi những người này sẽ vui hưởng Chúa là một bữa tiệc, có Chúa Jesus là sự công chính để che phủ họ và là sự sống để đổ đầy và làm thỏa mãn họ. Rồi những người ấy sẽ được giải phóng. Trước khi anh em tiếp xúc họ, họ ở dưới sự định tội, không được vui mừng, thỏa mãn và tự do thật. Nhưng do kết quả từ sự rao giảng phúc âm của anh em, không chỉ bởi lời nói mà còn bởi sự sống, thì lẽ thật đã soi chiếu vào trong họ được tha tội. Đây là kết quả của việc sống một đời sống hoàn toàn theo cuộc gia tể Tân Ước của Đức Chúa Trời.
Một đời sống hoàn toàn theo và vì cuộc gia tể Tân Ước của Đức Chúa Trời thì rất khác với tôn giáo là điều chủ yếu nhấn mạnh đến nỗ lực con người. Cuộc gia tểcủa Đức Chúa Trời hoàn toàn là vấn đề sự sống.
CÁC PHƯƠNG DIỆN
CỦA MỘT ĐỜI SỐNG THEO ĐỨC CHÚA TRỜI
Trong 3:7-35, chúng ta thấy năm hành động phụ trợ cho sự phục vụ phúc âm: tránh đám đông lấn ép (cc. 7-12), lập các sứ đồ rao giảng (cc. 13-19), không ăn vì nhu cầu cấp thiết (cc. 20-21), bởi Thánh Linh cột trói Sa tan và cướp nhà của hắn (cc. 20-30), và không cứ ở trong mối quan hệ của sự sống thiên nhiên nhưng trong mối quan hệ của sự sống thuộc linh (cc. 31-35). Nếu sống một cuộc đời theo cuộc gia tể Tân Ước của Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ tránh xa đám đông mà cầu nguyện để biết ý chỉ của Đức Chúa Trời về việc người khác sống theo cách mà chúng ta đang sống. Hơn nữa, chúng ta sẽ quan tâm nhu cầu của Đức Chúa Trời mà không quan tâm đến việc ăn uống của mình. Chúng ta cũng sẽ trói lẻ thù và cướp nhà của hắn. Đồng thời chúng ta sẽ từ chối quan hệ thiên nhiên và cứ ở trong mối quan hệ của sự sống thuộc linh. Tất cả những điều này là những phương diện không thuộc về sự sống luân lý, đạo đức, tôn giáo hay văn hóa, mà thuộc về sự sống của Đức Chúa Trời và theo Đức Chúa Trời. Một đời sống như vậy thì ở ngoài tôn giáo, văn hóa và luân lý. Đây là một đời sống biểu lộ ra Đức Chúa Trời là mọi sự.

Chúng ta cần được ấn tượng về sự kiện Phúc Âm Mác không chỉ là sác về những cầu chuyện hay tiểu sử. Phúc Âm Mác là sách trình bày một đời sống của Đức Chúa Trời, một đời sống sống Đức Chúa Trời và biểu lộ Ngài. Đây là một đời sống hoàn toàn theo và vì cuộc gia tể Tân Ước của Đức Chúa Trời.