Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2018

NGUYÊN CHỈ VÀ Ý CHỈ CHO PHÉP CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI-



Mathio 19:3-8- Có người Pha-ri-si đến thử Ngài mà rằng: "Người ta có phép để vợ bất cứ vì cớ gì không?"  Ngài đáp rằng: "Các ngươi há chưa đọc rằng Đấng tạo hoá từ ban đầu dựng nên người có nam có nữ,  và phán rằng: 'Vì cớ đó người nam phải lìa cha mẹ mà keo sơn với vợ mình, và cả hai cùng nên một thịt hay sao?  Thế thì, họ không còn là hai nữa, bèn là một thịt mà thôi. Vậy, những kẻ mà Đức Chúa Trời đã phối hiệp, người ta chớ chia rẽ."  Họ lại hỏi Ngài rằng: "Vậy, cớ sao Môi-se đã truyền phải cho tờ ly dị đặng để vợ đi?"  Ngài phán rằng: "Ấy vì lòng cứng cỏi của các ngươi nên Môi-se cho phép các ngươi để vợ, nhưng từ ban đầu không có như vậy đâu
-

Ban đầu Chúa tạo dựng hai người nam nữ, xây gia đình cho họ và cấm li dị, vì cả hai đã nên một thịt. Đến thời Môi se, qua Môi se, vì lòng cứng cỏi của dân Israel, Chúa ngầm bảo Môi se cho phép họ li dị vợ hay chồng mình. Cho nên qua lời Chúa Jesus nói ở Mathio 19, chúng ta thấy nguyên chỉ và ý chỉ cho phép của Đức Chúa Trời. Đây là một nguyên tắc trọng yếu qua đó chúng ta nhìn thấy cách Chúa thành đạt mục đích đời đời của Ngài qua dân Ngài trải các đời.
Bạn ơi, hãy luôn luôn phân biệt giữa ý tưởng ban đầu của Đức Chúa Trời và ý chỉ cho phép của Ngài, mà Ngài sử dụng để thực hiện mục đích thần thượng của Ngài  cho cuộc sống của chúng ta.
Ý muốn hoàn hảo của Đức Chúa Trời thì bất biến. Với ý chỉ cho phép của Ngài, hay những điều dễ dãi khác nhau mà Ngài cho phép xảy ra trong  cuộc sống của chúng ta, là những điều chúng ta phải vật lộn trước mặt Ngài, để đạt được nguyên chỉ thần thượng. Qua phản ứng của chúng ta đối với những điều được cho phép theo ý chỉ cho phép của Ngài sẽ đưa chúng ta đến điểm nhìn thấy ý chí hoàn hảo của Ngài dành cho chúng ta. "Chúng tôi biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho những kẻ yêuthương Đức Chúa Trời ..." (Rô-ma 8:28) –
-
1. Nguyên chỉ Chúa là ban Y sác làm người thừa kế cho Áp-ra-ham, nhưng vợ chồng Áp-ra-ham vì lòng cứng cỏi đã sản sinh ra Ích ma ên, trước sự làm lơ và sự tạm cho phép của Đức Chúa Trời.
2. Ý chỉ ban đầu của Chúa là mọi công dân Israel đều là thầy tế lễ (Xuất 19:), nhưng vì ham mến thế giới hình tượng, và ưa thích vui chơi, họ sa ngã, nên Chúa tạm cho phép chỉ có một chi phái Lê vi hầu việc Chúa thay thế toàn bộ dân tộc. Đến thời Tân ước (Khải 1:6, 1 Phiero 2,) Chúa khôi phục thể chế tế lễ phổ thông cho mọi tín đồ rồi. Họ lại sa ngã, nên Chúa  lại cho phép hàng giáo phẩm xuất hiện. Rất tiếc trong hội thánh tạm gọi là “khôi phục”, trong 200 năm qua, Chúa cũng tạm cho phép có một loại hàng giáo phẩm mới hầu việc Ngài là các trưởng lão, người trách nhiệm, những kẻ trọn thì giờ (full timers) và dân na-xi-rê. Những người trong hàng giáo phẩm tân tiến nầy, phần đông không biết nguyên chỉ của Chúa là gì, mà lại lấy làm tự đắc với chức vị của mình như là người “Na xi rê” thánh biệt.
3.Nguyên chỉ Chúa là chọn David làm vua, nhưng Ngài cho phép dân Israel chọn vua Sau-lơ trước theo khẩu vị và sự đánh giá nông cạn của họ.
4. Nguyên chỉ Chúa là có nhiều trung tâm chi phối các hội thánh địa phương trên địa cầu như ghi chép trong sách Công Vụ, hầu tránh cho các hội thánh sa vào lối tổ chức, nhưng dân Chúa, vì lòng cứng cỏi, tự ý sửa đổi ra một trung tâm duy nhất để điều động công việc Chúa như hội thánh Rô ma thời trung cổ. Chúa cũng làm lơ và kể như tạm cho phép họ vận hành cổ máy, cho đến ngày Chúa sẽ phán xử “Ta không biết các người, hãy lìa khỏi Ta, những kẻ làm công bất pháp, tự chuyên kia” (Mathio 7:21-23).
5. Theo 1 Corinhto 14:26, nguyên chỉ của Chúa trong cách nhóm họp của hội thánh là hai ba người nói lời Chúa tươi mới mà họ vừa nhận đuợc bằng sự khải thị trước buổi nhóm, nhưng Chúa cũng phải bị cưỡng ép cho phép con người vận hành đoàn thánh đồ robot nói lời Chúa cách vô hồn, cách máy móc, không có linh. Chúa cũng phải làm thinh và chịu thua ý muốn tự quyết của con người, khi nguyên chỉ của Ngài không được họ thi hành.
Bạn ơi, bạn có thấy nguyên chỉ của Chúa và trung thành với ý chỉ đó không?  Ý chỉ cho phép, con đường để dãi, sự làm lơ của Chúa là sự trắc nghiệm mà Ngài dùng để vạch trần đời sống của con cái Ngài, và làm cơ sở để Ngài phán xét họ khi Ngài tái lâm. Chúng ta không nên nhu nhược và ngây thơ nói, “đó là ý muốn của Chúa định rồi, hãy an nghỉ làm theo”.
Tôi thấy nhiều người  tranh đấu với Chúa để đi con đường ý chỉ cho phép, chống lại nguyên chỉ, vì thấy nguyên chỉ quá xa vời, khó thành đạt. Ngược lại, bạn hãy tranh đấu với những gì cản trở bạn thực thi nguyên chỉ của Đức Chúa Trời. Đừng nhu nhược và lười biếng sống theo trào lưu dễ dãi, chạy theo cái tốt thứ hai của Chúa thay vì và bám theo điều tốt nhất của Ngài. Cái tốt hơn (better) là kẻ thù cái tốt nhất (best).