Thứ Ba, 15 tháng 5, 2018

SÁCH CÔNG VỤ BÀI MƯỜI TÁM



SỰ LAN RỘNG Ở GIÊ-RU-SA-LEM,
GIU-ĐÊ VÀ SA-MA-RI
QUA CHỨC VỤ
CỦA ĐOÀN CÔNG TÁC PHI-E-RƠ
(13)
Kinh Thánh: Công 5:17-42
Trong Công Vụ 5:17-42, chúng ta có phần tiếp theo về sự bắt bớ của những người tôn giáo Do-thái. Phần này của Sách Công Vụ bao gồm bốn vấn đề: Công Hội bắt giữ các sứ đồ, và Chúa giải cứu họ (cc. 17-28), lời chứng của các sứ đồ (cc. 29-32), Công Hội cấm đoán rồi thả họ ra (cc. 33-40), các sứ đồ vui mừng và trung tín (cc. 41-42).
CÔNG HỘI BẮT GIỮ CÁC SỨ ĐỒ,
VÀ CHÚA GIẢI CỨU HỌ
Công Vụ 5:14 chép: “Càng ngày càng có người tin Chúa thêm cả nam lẫn nữ rất đông”. Vì điều này, “Thầy tế lễ thượng phẩm và hết thảy những kẻ theo người, là phe Sa-đu-sê, đều đứng dậy, đầy lòng ganh ghét, hạ tay bắt các sứ đồ bỏ vào nhà giam”. Cách dùng từ “nhà giam” chỉ về nhà tù phía ngoài, không phải nhà tù bên trong dùng cho các vụ nghiêm trọng. Đến đêm, một thiên sứ của Chúa mở cửa tù và dẫn các sứ đồ ra ngoài (c. 19). Những người gác cửa không biết điều gì đã xảy ra. Sáng hôm sau, Công Hội và hội đồng trưởng lao của con cái I-xra-ên sai những người thừa hành đến dẫn các sứ đồ ra. “Nhưng khi nha dịch đến, không thấy họ trong ngục, bền trở về trình, rằng: ‘Chúng tôi thấy ngục đóng chặt, lính canh đứng trước cửa, song khi chúng tôi mở ra thì chẳng thấy ai ở trong cả’ “ (cc. 22-23). “Quan giám điện và các thầy tế lễ cả nghe lời ấy đều ngần ngại”. Sau đó, “có người đến báo rằng: ‘Kìa, những người mà các quan đã bắt giam, nay đương đứng tại Đền Thờ dạy dỗ dân sự’” (cc. 24-25). Mặc dầu những người tôn giáo không thể hiểu điều gì đã xảy ra, nhưng các sứ đồ đã được giải cứu khỏi tù, và đang ở trong Đền Thờ giảng dạy.

LỜI CỦA SỰ SỐNG NÀY
Khi thiên sứ của Chúa giải cứu các sứ đồ khỏi ngục, thiên sứ nói với họ: “Hãy đi, đứng tại Đền Thờ mà giảng cho dân chúng cả lời của sự sống này” (c. 20). Chúng ta cần chú ý đến từ “này”, vì từ này chỉ về một sự sống cụ thể. Từ “lời” ở đây theo tiếng Hi- lạp là rhema, có nghĩa là lời đang được nói ra trong hiện tại, không phải lời thành văn cố định. Vì vậy, thiên sứ nói với các sứ đồ: “Hãy đi, đứng tại Đền Thờ mà giảng cho dân chúng cả lời của sự sống này” (c. 20).
“Sự sống này” chỉ về sự sống nào? Đó là sự sống thần thượng được Phi-e-rơ rao giảng, cung ứng, và sống, là sự sống đắc thắng bắt bớ, đe dọa, tù đày của các nhà lãnh đạo Do-thái. Lời này cho thấy đời sống và công tác của Phi-e-rơ làm cho sự sống thần thượng trở nên rất thật và có tính cách hiện tại trong tình thế của ông đến nỗi ngay cả thiên sứ thấy điều ấy và chỉ ra.
Các sứ đồ không được dặn bảo phải nói về sự sống thần thượng cách giáo lý. Ngày nay, một số Cơ-đốc nhân có thể nói về sự sống, nhưng lời họ nói hoàn toàn mang tính giáo lý. Cần tìm kiếm sự thương xót và ân điển từ Chúa để mỗi khi nói về sự sống thần thượng, chúng ta nói lời của chính sự sống mà mình đang sống. Điều này có nghĩa là sự sống thần thượng trở nên sự sống hằng ngày của chúng ta. Đó là sự sống mà chúng ta nên cung ứng cho người khác.
Công Vụ 5:26 chép: "Bấy giờ quan giám điện với các nha dịch cùng đi, dẫn các sứ đồ lại, nhưng không dùng các cường lực, vì sợ bị dân chúng ném đá”. Các nhà lãnh đạo tôn giáo không biết làm thế nào xử lý tình hình. Nói cách cụ thể, họ không biết phải làm sao với “sự sống này”. Sợ dân chúng, họ không làm gì bạo lực với các sứ đồ. Thay vào đó “khi dẫn họ đến rồi, thì để đứng trước Công Hội. Thầy tế lễ thượng phẩm hỏi họ rằng: 'Chúng ta đã nghiêm răn các ngươi chớ lấy danh đó mà dạy dỗ, nhưng kìa, các ngươi lại làm cho Giê-ru-sa-lem đầy dẫy sự dạy dỗ của các ngươi và toan khiến huyết người đó để lại trên chúng ta’” (cc. 27-28). Theo nguyên văn, các từ Hi-lạp được dịch là "chúng ta đã nghiêm răn các ngươi” có nghĩa là "chúng ta truyền cho các ngươi một mạng lịnh”. Những người trong Công Hội ra lệnh cho các sứ đồ không được nhân danh Jesus mà nói gì nữa cả.
LỜI CHỨNG CỦA CÁC SỨ ĐỒ
Trong các câu từ 29 đến 31, “Phi-e-rơ và các sứ đồ đáp rằng: ‘Cần phải vâng phục Đức Chúa Trời hơn là vâng phục người ta. Đức Chúa Trời của tổ phụ chúng ta đã khiến Jesus sống lại, là Đấng các ông đã treo lên cây gỗ mà giết đi. Đức Chúa Trời đã tôn cao Đấng ấy bên hữu Ngài, làm Nguyên thủ và Cứu Chúa, để ban sự ăn năn và tha tội cho I-xra-ên’”. Sự nhục hoá của Chúa Jesus làm cho Ngài trở thành một người, cuộc sống làm người trên đất của Ngài làm cho Ngài đủ điều kiện làm Đấng Cứu Rỗi của con người, sự đóng đinh của Ngài hoàn thành sự cứu chuộc trọn vẹn cho con người, sự phục sinh của Ngài chứng minh công tác cứu chuộc của Ngài, và sự tôn cao của Ngài tấn phong Ngài làm Nguyên Thủ cai trị để Ngài có thể làm Đấng Cứu Rỗi.
Về Nguyên Thủ Và Cứu Chúa
Từ Hi-lạp được dịch “Nguyên Thủ” là archegos, nghĩa là căn nguyên, nguồn gốc, Đấng khởi đầu, thủ lãnh, người cai trị. Trong 3:15, cùng từ Hi-lạp này được dịch là “Căn Nguyên”. Đức Chúa Trời đã tôn cao Con Người Jesus, là Đấng bị các nhà lãnh đạo Do-thái khước từ và giết đi, là Nguyên Thủ chí cao, Hoàng Tử, Đấng Cai Trị các vua để cai trị khắp thế giới (Khải. 1:5; 19:16) và Đấng Cứu Rỗi để cứu những người được chọn của Đức Chúa Trời. “Nguyên Thủ” liên quan đến uy quyền của Ngài và “Đấng Cứu Rỗi” liên quan đến sự cứu rỗi của Ngài. Ngài cai trị toàn quyền trên đất bằng uy quyền để hoàn cảnh có thể thích hợp cho những người được chọn của Đức Chúa Trời nhận lấy sự cứu rỗi (Công. 17:26-27; Gi. 17:2).
Ngày nay, ai cai trị trên đất? Chúng ta có thể nói các vua và các tổng thống cai trị trái đất, nhưng là Đấng Cai Trị tối cao, Chúa Jesus ở trên họ. Theo Khải Thị 1:5, Ngài là Đấng Cai Trị các vua trên đất. Danh xưng nào anh em cho là cao hơn-người cai trị hay vua? Có lẽ hầu hết đều nói tước hiệu vua cao hơn người cai trị. Nhưng Tân Ước nói về Đấng Christ là Đâng Cai Trị các vua, và Phi-e-rơ nói Ngài là Nguyên Thủ, Đấng Cai Trị tối cao.
Theo một ý nghĩa rất thật, Đấng Christ là Đấng Cai Trị các vua đã truất phế tất cả các vua. Chỉ có Ngài là Đấng Cai Trị. Hơn nữa, theo Khải Thị 19:16, Ngài là Vua của các vua và Chúa của các chúa. Đấng Christ vừa là Đấng Cai Trị vừa là Vua. Là Đấng Cai Trị, Ngài cai trị cả trái đất. Dường như các vua và các tổng thống đang cai trị trái đất, còn Chúa Jesus không ở trên ngai. Nhưng Đấng dường như không ở trên ngai là Đấng cai trị tất cả những người đang ngồi trên ngai. Ngày nay cả thế giới đang ở dưới sự cai trị của Chúa. Ngài thật sự là Nguyên Thủ, là Đấng Cai Trị tối cao.
Chúa Jesus đang cai trị trái đất nhằm mục đích gì? Là Nguyên Thủ, Đấng Cai Trị, Ngài đang cai trị trái đất nhằm mục đích cứu rỗi chúng ta. Ngài đang cai trị để chúng ta được cứu. Chúng ta hãy lấy trường hợp của những người Hoa di dân đến Mỹ. Chúng tôi nhận thấy rất nhiều người Hoa trong số ấy rất mở lòng với Chúa. Nhưng nếu vẫn ở lại Trung Quốc, có lẽ họ không mở lòng như vậy. Chúa Jesus thi hành uy quyền của Ngài để làm cho nhiều người nước ngoài đến xứ sở này. Khi đã đến rồi, họ mở lòng cho Ngài. Đó là hình ảnh minh họa cho sự cai trị của Chúa trên đất để cứu rỗi mọi người.
Chúng tôi tin rằng Đức Chúa Trời đã lựa chọn chúng ta và vào đúng thời điểm, Chúa Jesus, Đấng Cai Trị các vua trên đất, đã thi hành uy quyền của Ngài để tạo ra một hoàn cảnh nào đó hầu chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoại trừ tin Ngài. Theo một ý nghĩa, chúng ta đã bị Chúa bắt lấy. Nhiều thánh đồ đã làm chứng rằng họ được Ngài bắt lấy. Khi ở trong thời kỳ thơ thái, có lẽ chúng ta không cảm thấy như vậy. Tuy nhiên khi “bầu trời” trên chúng ta không được trong sáng và nói về mặt thuộc linh, bị lâm vào tình trạng “mây mù”, có lẽ chúng ta bắt đầu nghĩ đến việc Chúa đã bắt lấy mình, thậm chí gài bẫy chúng ta. Chúng ta cũng tin rằng mình bị bắt vào trong nếp sống Hội Thánh. Chúng ta không cách nào thoát khỏi “bẫy” của Chúa. Chúng ta đã bị bắt lấy bởi Đấng Christ và trong Đấng Christ; hơn nữa, chúng ta bị bắt vào trong Hội Thánh. Theo một ý nghĩa, đó là tình trạng của chúng ta. Chúng ta đã bị Chúa bắt lấy trong sự tể trị của Ngài.
Trước khi được cứu, chúng ta giống như những con chuột chạy rong. Nhưng Chúa Jesus đã thi hành uy quyền tể trị của Ngài để đặt bẫy bắt chúng ta. Càng chạy nhanh, chúng ta càng dễ bị Ngài bắt. Trong điều này, Ngài hoàn toàn có quyền tôi cao; Ngài là Đấng Cai Trị các vua, sắp đặt hoàn cảnh để thúc giục chúng ta tin Ngài. Không có hoàn cảnh ấy, hẳn chúng ta không tin Ngài. Thật ra, tin Chúa không tùy thuộc vào chúng ta mà hoàn toàn tùy thuộc vào Ngài. Ngài đã được tôn cao làm Nguyên Thủ của tất cả các vua nhằm sắp đặt hoàn cảnh để những người được chọn của Ngài tin Ngài.
Trong 5:31, Phi-e-rơ nói rằng Đức Chúa Trời đã tôn cao Đấng Christ lên bên hữu Ngài để làm Nguyên Thủ và Đấng Cứu Rỗi. Sau khi Chúa bắt lấy chúng ta, Ngài trở nên Đấng Cứu Rỗi của chúng ta. Tuy nhiên, Ngài không cứu chúng ta khỏi bị bắt, mà giữ chúng ta trong “bẫy” để cứu chúng ta khỏi sự định tội của Đức Chúa Trời, khỏi Hồ Lửa, và khỏi nhiều điều ác. Ngài làm Nguyên Thủ là vì uy quyền, và Ngài làm Đấng Cứu Rỗi là để cứu rỗi.
Tôi không biết một người nào đã tự mình quyết định tin Jesus. Chúng ta đều bị bắt buộc tin Ngài. Nhiều người đã làm chứng rằng: “Về việc tin Chúa Jesus, tôi không có một lựa chọn nào khác. Đơn giản là tôi phải tin Ngài”. Thật ra không ai trong chúng ta muốn tin Chúa. Tất cả chúng ta đều bị Ngài bắt lấy và ép buộc tin Ngài. Ngợi khen Chúa, chúng ta tin Ngài!
Chúng tôi đã chỉ ra rằng chúng ta không thể chạy khỏi bẫy của Chúa. Chúng ta có thể dùng chiếc tàu Nô-ê làm hình ảnh minh họa. Chiếc tàu này là hình bóng về Đấng Christ. Một khi đã vào trong Đấng Christ là chiếc tàu của mình, chúng ta không thể ra khỏi. Chúng ta cần chiếc tàu này, vì không có nó chúng ta sẽ hư vong.
Trong một bài giảng về Sách Sáng Thế Ký, tôi đã nói rằng Hội Thánh địa phương là chiếc tàu cho chúng ta ngày nay. Bây giờ tất cả chúng ta đều ở trong chiếc tàu này. Ai đã đặt anh em vào chiếc tàu Hội Thánh? Anh em có tự đặt mình vào đó không? Chúa là Đấng đã đặt chúng ta vào trong chiếc tàu Hội Thánh; Ngài đã được Đức Chúa Trời tôn cao để làm Nguyên Thủ, và với tư cách là Nguyên Thủ, Ngài đặt chúng ta vào trong chiếc tàu. Đôi khi chúng ta muốn ra khỏi chiếc tàu Hội Thánh, nhưng không thể thoát ra được. Vì Chúa Jesus là Nguyên Thủ nên chúng ta ở trong tàu và bây giờ chúng ta nên cùng nhau sống trong đó.
Về Ăn Năn Và Tha Thứ
Theo lời của Phi-e-rơ tropg 5:31, Chúa là Nguyên Thủ và Đấng Cứu Rỗi “để ban sự ăn năn và tha tội cho I-xra-ên”. Để ban sự ăn năn và tha tội cho tuyển dân của Đức Chúa Trời, Đấng Christ phải được tôn cao làm Nguyên Thủ cai trị và Đấng Cứu Rỗi. Sự tể trị của Ngài làm cho và dẫn dắt những người được chọn của Đức Chúa Trời đến chỗ ăn năn, còn sự cứu rỗi mà dựa trên sự cứu chuộc của Ngài ban cho họ sự tha tội.
Ăn năn là để được tha tội (Mác 1:4). về phía Đức Chúa Trời, tha tội dựa trên cứu chuộc (Êph. 1:7). Về phía con người, tha tội là qua ăn năn.
Ăn năn và tha tội là các món quà chính yếu và chỉ có Chúa Jesus với tư cách là Nguyên Thủ và Đấng Cứu Rỗi mới đủ điều kiện ban cho. Không ai khác đủ điều kiện ban sự ăn năn và tha tội cho người khác. Chúng ta cần nhận biết rằng trong vũ trụ này, Ngài là Đấng duy nhất đủ điều kiện ban sự ăn năn và tha tội.
Theo ý nghĩa tích cực, chúng ta được Chúa Jesus bắt lấy. Nếu không bị bắt lấy, ai trong chúng ta đã ăn năn? Không ai trong chúng ta ăn năn nếu không được Chúa bắt lấy. Thật ra, Chúa ép buộc chúng ta ăn năn. Nếu không, chúng ta đã không ăn năn. Ăn năn không thuộc về chúng ta; ăn năn là món quà do Đấng Nguyên Thủ và Đấng Cứu Rỗi được tôn cao ban cho. Sau khi ăn năn, chúng ta nhận được món quà là sự tha tội. Ngợi khen Chúa về các món quà ăn năn và tha tội! Ngợi khen Chúa vì Ngài đủ điều kiện ban sự ăn năn và tha tội cho những người được chọn của Đức Chúa Trời!
Trong 5:32, Phi-e-rơ nói tiếp: “Còn chúng tôi là chứng nhân về [những] việc đó, Thánh Linh mà Đức Chúa Trời đã ban cho kẻ vâng phục Ngài cũng vậy”. Từ Hi-lạp được dịch “những việc” ở đây là rhema. Cả các sứ đồ lẫn Thánh Linh đều là chứng nhân về những việc đó. Điều này cho thấy Thánh Linh là một với các sứ đồ. Trong câu này, Phi-e-rơ nói rằng Đức Chúa Trời ban Thánh Linh cho những kẻ vâng phục Ngài. Vâng phục là phương cách và điều kiện để nhận lãnh và vui hưởng Linh của Đức Chúa Trời.
CÔNG HỘI NGĂN CẤM RỒI THẢ HỌ
Công Vụ 5:33-40 mô tả Công Hội ngăn cấm rồi thả các sứ đồ. Câu 33 chép: “Chúng nghe vậy, tức như băm (đâm thấu tim), bèn định giết họ”. Theo nguyên văn, các từ Hi-lạp được dịch là “đâm thấu tim” có nghĩa là “bị cưa đứt lìa”. Đó là hình ảnh mạnh mẽ nói lên tình trạng rất bực tức.
Câu 34 chép tiếp: “Nhưng một người Pha-ri-si, tên là Ga-ma-li- ên, làm luật sư, được cả dân sự tôn trọng, đứng lên giữa Công Hội, truyền lịnh đem các sứ đồ ra ngoài một lát”. Người Pha-ri-si là phái tôn giáo nghiêm khắc nhất của người Do-thái (Công. 26:5). Phái này được hình thành khoảng năm 200 T.C. Họ hãnh diện về đời sống thánh thiện hơn người, tận hiến cho Đức Chúa Trời và tri thức Kinh Thánh.
Trong câu 35, Ga-ma-li-ên nói với Công Hội rằng: “Hỡi người I-xra-ên, hãy giữ chừng về điều các ông sắp xử những người này”. Kế đến, sau khi đề cập trường hợp của Thêu-đa và Giu-đa người Ga-li-lê, ông nói tiếp: “Nay tôi khuyên các ông hãy lánh xa những người này, để mặc họ; vì nếu mưu định và công việc này bởi người ta, thì chắc bị đổ; nhưng nếu bởi Đức Chúa Trời, thì các ông không thể đánh đổ họ được, e các ông trở lại tranh đấu với Đức Chúa Trời chăng” (cc. 38-39). Ở đây Ga-ma-li-ên nói một lời rất tốt.
Ga-ma-li-ên là một người sùng đạo, tin kính. Nhưng ông có ở trong gia tể của Đức Chúa Trời không? Ông có biết gì về gia tể của Đức Chúa Trời không? Ga-ma-li-ên không ở trong gia tể của Đức Chúa Trời và không biết gì về gia tể đó. Suốt các thế kỷ, có nhiều người tin kính như Ga-ma-li-ên. Mặc dầu sùng đạo và tin kính nhưng họ không biết gì về gia tể của Đức Chúa Trời. Họ không hiểu chuyển động của Đức Chúa Trời. Giống như Ga-ma- li-ên, họ không biết những gì Chúa đang làm qua Phi-e-rơ và Giăng, những người sùng đạo ấy không biết điều Chúa đang thực hiện vào thời của mình.
Trong 5:35-39, chúng ta thấy Ga-ma-li-ên thật khôn ngoan và cũng trung lập. Hãy lưu ý cách ông dùng từ “nếu” trong câu 38 và 89. Trong câu 38, ông nói: “Nếu mưu định và công việc này bởi người ta, thì chắc bị đổ”. Sau đó trong câu 39, ông nói tiếp: “Nếu bởi Đức Chúa Trời, thì các ông không thể đánh đổ họ được”. Thay vì đứng về một phía nào đó, Ga-ma-li-ên giao phó toàn bộ tình hình cho Đức Chúa Trời. Ông biết nếu công việc này của loài người, nó sẽ bị lật đổ. Nhưng nếu của Đức Chúa Trời và không phải của loài người, không ai có thể làm gì được. Như chúng tôi đã chỉ ra, mặc dầu Ga-ma-li-ên tin kính và sùng đạo, cũng khôn ngoan và trung lập, nhưng ông không biết gia tể của Đức Chúa Tròi và không ở trong gia tể ấy. Trải qua nhiều năm, nhiều người giống như Ga-ma-li-ên, họ rất tin kính và sùng đạo, nhưng dầu tin kính và sùng đạo đến đâu, họ cũng không biết những gì Đức Chúa Trời đang thực hiện trên đất.
Qua trường hợp của Ga-ma-li-ên, chúng ta thấy chỉ tin kính và thuộc linh thì không đủ. Chúng ta cũng cần biết ngày nay Đức Chúa Trời đang chuyển động ra sao. Đức Chúa Trời đang chuyển động ở đâu và Ngài đang chuyển động theo hướng nào? Vì Đức Chúa Trời luôn luôn chuyển động nên chúng ta phải tìm ra Ngài đang chuyển động theo hướng nào. Ngài đang chuyển động theo hướng của Công Giáo La-mã hay theo hướng của các giáo phái? Ngài đang chuyển động theo hướng giáo phái Ngũ Tuần, hay theo hướng sự sống bề trong? Bây giờ Ngài đáng chuyển động theo hướng nào? Chúng ta không thể tin Đức Chúa Trời đang ngủ. Vì Ngài đang chuyển động, nên chúng ta cần được bảo đảm ở bề trong, được thỏa mãn ở bề trong rằng chúng ta biết chuyển động của Ngài và đang ở trong chuyển động đó. Chúng ta cần biết chắc về chuyển động cập nhật của Đức Chúa Trời.
Chúng ta không nên giống như những người ở trong Công Hội và cũng không nên giống như Ga-ma-li-ên. Thay vào đó, chúng ta nên là những Phi-e-rơ và Giăng của ngày nay. Qua những gì được ghi lại trong khải thị thần thượng, chúng ta có thể thấy Phi-e-rơ và Giăng đang ở trong gia tể của Đức Chúa Trời. Họ đang chuyển động với Đức Chúa Trời, hay nói cách chính xác hơn, Đức Chúa Trời đang chuyển động với họ. Họ đã được thúc đẩy để chuyển động với Đức Chúa Trời.
Còn chúng ta ngày nay thì sao? Tôi có thể làm chứng rằng tôi biết chắc Chúa đang chuyển động trong và với sự khôi phục của Ngài. Về điều này, chúng ta có Thánh Linh là ấn chứng bề trong. Cùng với Phi-e-rơ, chúng ta cổ thể nói: “Chúng tôi là chứng nhân về việc đó, và Thánh Linh cũng vậy”. Chúng ta được bảo đảm và thỏa mãn ở bề trong rằng mình đang ở trong chuyển động cập nhật của Chúa. Chúng ta không phải là Ga-ma-li-ên, chúng ta là những Phi-e-rơ và Giăng ngày nay.
CÁC SỨ ĐỒ VUI MỪNG VÀ TRUNG TÍN
Những người ở trong Công Hội đã được Ga-ma-li-ên thuyết phục. Sau khi gọi các sứ đồ đến, họ: “đánh đòn rồi răn bảo chớ lấy danh Jesus mà giảng nữa, đoạn thả đi” (c. 40). Vì vậy, “các sứ đồ ra khỏi Công Hội đều lấy làm vui mừng vì mình được kể là xứng đáng chịu nhục vì danh Jesus” (c.41). Chịu nhục vì Danh ấy là chịu xấu hổ vì Danh ấy. Thật là vinh hạnh khi được chịu nhục vì Danh ấy, đó là danh Jesus mà loài người không tôn trọng nhưng Đức Chúa Trời tôn trọng. Vì vậy, những người chịu khổ ấy đã vui mừng vì được kể là xứng đáng chịu điều này.
Công Vụ 5:42 chép: “Mỗi ngày tại Đền Thờ hoặc ở nhà, họ không ngớt dạy và giảng Jesus là Đấng Christ”. Ở đây, chúng ta thây các sứ đồ rao giảng Phúc Âm trong Đền Thờ và trong các nhà tín đồ. Chúng ta có gánh nặng thực hành việc rao giảng và dạy dỗ từ nhà này sang nhà khác.