Chủ Nhật, 7 tháng 10, 2018

LINH, HỒN, THÂN THỂ-



  Cầu xin chính Đức Chúa Trời bình an thánh hóa anh em một cách toàn diện. Cầu xin tâm linh, tâm hồn, và thân thể anh em được giữ vẹn toàn, không chỗ trách được khi Chúa chúng ta, là Đức Chúa Jêsus Christ quang lâm!” (1 Tê-sa-lô-ni-ca. 5:23)
  Phao-lô đang cầu nguyện cho những Cơ đốc nhân này được hoàn toàn thánh hóa và ông chỉ rõ ba khu vực tạo nên toàn bộ nhân cách: tâm linh, tâm hồn và thân thể.
  Sự khác biệt giữa ba yếu tố nầy của nhân cách chúng ta hầu hết các Cơ Đốc nhân đều ít được hiểu biết. Tuy nhiên, Kinh Thánh cung cấp cho chúng ta một loại “gương soi” duy nhất cho thấy bản chất và mối quan hệ tương tác của chúng, và cho chúng ta thấy cách thức mỗi một phần đó hoạt động như thế nào. Không sử dụng tấm gương này cách đúng đắn sẽ cho chúng ta thấy nhiều hư hỏng và bất hòa bên trong.

  Trong sự sáng tạo con người hồi ban đầu, Đức Chúa Trời đã phán: “Chúng Ta hãy tạo nên loài người theo hình ảnh Chúng Ta” và “theo sự giống nhau của chúng ta”. Hình ảnh chỉ diện mạo bên ngoài của con người. Không đúng với bất kỳ sinh vật nào khác, con người phản ánh diện mạo bên ngoài của Đức Chúa Trời. Vì vậy, thật là thích hợp, khi Con của Đức Chúa Trời đã đến để ở trên trái đất, hình ảnh đó ở dưới dạng một con người -- không phải là một con bò hay một cái chày— và thậm chí không theo dạng một số sinh vật nào trên trời, chẳng hạn như sê-ra-phim.
  Sự giống nhau” đề cập đến bản chất bên trong của con người. Kinh thánh đề cập đến Đức Chúa Trời như là một hữu thể tam nhất: Cha, Con và Linh. Tương tự như vậy, Kinh thánh cho thấy con người như là một hữu thể tam nhất, bao gồm tâm linh, tâm hồn và thân thể.
  Văn kiện sự sáng tạo con người cho thấy bản chất ba một của anh ta được hiện hữu như thế nào: “Bấy giờ, Giê-hô-va Đức Chúa Trời lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sinh khí vào lỗ mũi, thì người trở nên một sinh linh"—nói cách đúng hơn nữa, một tâm hồn sống.
  Tâm linh của con người đến từ hơi thở của Đức Chúa Trời truyền vào. Thân thể của anh ta được hình thành từ đất sét, biến thành thịt của người phàm sống động. Ngay lập tức anh ta trở thành một tâm hồn sống.
  Do đó tâm hồn được hình thành là bản ngã, nhân cách cá nhân. Nó thường được định nghĩa là bao gồm ba yếu tố: ý muốn, trí năng và tình cảm. Tâm hồn có trách nhiệm đưa ra các quyết định cá nhân và thể hiện chính mình trong ba cụm từ: “tôi muốn,” “tôi nghĩ,” “tôi cảm thấy.” Trừ khi được ân sủng siêu nhiên của Đức Chúa Trời cảm động, tất cả hành vi của con người đều bị ba động cơ này kiểm chế.
  Con người được tạo ra cho sự thông công cá nhân với Đức Chúa Trời, nhưng sự không vâng lời ô tội của anh ta đã gây ra những hiệu quả thảm hại trong cả ba yếu tố của nhân cách mình.
-         Những Hiệu Quả Của Tội Lỗi-
  Bị cắt đứt khỏi sự tiếp xúc với Đức Chúa Trời, tâm linh của con người đã chết. Điều này đã ứng nghiệm lời cảnh báo của Đức Chúa Trời: “nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến; vì một mai ngươi ăn, chắc sẽ chết (Sáng. 2:17). Tuy nhiên, sự chết vật lí của thân thể A-đam đã xảy ra sau đó 900 năm nữa
  Thông qua việc vận dụng ý muốn của mình trong sự bất tuân trực tiếp với Đức Chúa Trời, con người đã trở thành một kẻ nổi loạn trong tâm hồn của mình. Kể từ thời điểm đó, mọi người xuất thân từ A-đam đều đã thừa hưởng bản chất của một người nổi loạn.
   Trong Ê-phê-sô 2: 1–3, Phao-lô mô tả các kết quả của cuộc nổi loạn đã ảnh hưởng đến mỗi người chúng ta: “Anh em đã chết vì những vi phạm và tội lỗi của mình, là những gì mà anh em đã từng theo đuổi khi sống theo cách của thế gian nầy, thuận theo kẻ cầm quyền chốn không trung, là thần hiện đang hành động trong những con cái không vâng phục (nổi loạn). Tất cả chúng ta đều ở trong số nầy, đã có lần sống theo những dục vọng của xác thịt, theo đuổi các đam mê của xác thịt và tâm trí. Như vậy, theo bản chất tự nhiên, chúng ta là con của sự thịnh nộ như mọi người khác”.
  Là kết quả của tội lỗi, tất cả chúng ta đều đã chết trong tâm linh của mình. Trong tâm hồn của mình, tất cả chúng ta đều đã nổi loạn chống lại Đức Chúa Trời. Thân thể chúng ta cũng đã khuất phục sự đồi bại-- tức là bệnh tật, hư nát và tử vong.
  Tuy nhiên, tình yêu vô biên của Đức Chúa Trời là như vậy nên Ngài liên tục mong mỏi phục hồi mối tương giao của Ngài với con người. “Hay anh em cho là vô nghĩa khi Kinh Thánh nói: “Thánh Linh mà Đức Chúa Trời khiến ở trong lòng chúng ta thương mến chúng ta đến nỗi ghen tuông”( Gia cơ 4:5). Hơn nữa, qua sinh tế của Chúa Giêsu trên thập tự giá, Đức Chúa Trời đã mở đường phục hồi sự thông công đã mất.
-          Những Hiệu Quả Của Sự Cứu Rỗi-
   Trong Ê-phê-sô 2: 4–5 Phao-lô tiếp tục mô tả sự vận hành của sự cứu rỗi trong tâm linh chúng ta: “Nhưng Đức Chúa Trời, là Đấng giàu lòng thương xót, vì yêu chúng ta bằng tình yêu cao cả, nên ngay khi chúng ta đã chết vì những vi phạm thì Ngài khiến chúng ta cùng sống với Đấng Christ”. Tâm linh của chúng ta được tái hiệp nhất với Đức Chúa Trời, được sống động một lần nữa. Đồng thời, tâm hồn của chúng ta -- qua sự ăn năn và đức tin-- được giải thoát khỏi sự nổi loạn và hòa giải với Đức Chúa Trời.
  Vì nếu khi chúng ta là kẻ thù nghịch mà nhờ sự chết của Con Ngài, chúng ta còn được hòa giải với Đức Chúa Trời thì huống chi nay đã được hòa giải rồi, chúng ta lại càng được cứu nhờ sự sống của Con Ngài là dường nào. Không những thế, chúng ta lại còn vui mừng trong Đức Chúa Trời bởi Chúa chúng ta là Đức Chúa Jêsus Christ, nhờ Ngài mà bây giờ chúng ta nhận được sự hòa giải” (Rô ma 5:10-11).
  Khi chúng ta nhận ra rằng tất cả chúng ta đều đã nổi loạn chống lại Đức Chúa Trời, chúng ta hiểu tại sao không có thể có sự cứu rỗi chân chính mà không có sự ăn năn. Sự ăn năn có nghĩa là hạ cuộc nổi dậy của chúng ta xuống và chính mình thuận phục dưới quyền tể trị công bình của Đức Chúa Trời.
   Sự cứu rỗi cũng tạo ra sự dự bị cho thân thể. Sau khi được giải phóng khỏi ách nô lệ của tội lỗi, thân thể của chúng ta trở nên đền thờ của Đức Thánh Linh cư ngụ và các chi thể của chúng ta trở thành dụng cụ của sự công nghĩa (Rô ma 6:13). Cuối cùng khi Đấng Christ tái lâm, thân thể chúng ta sẽ được biến đổi thành thân thể bất tử giống như thân thể của chính Đấng Christ!
-         Những Đòi Hỏi Cho Một Môn Đồ-
Chúa Jêsus đã ủy nhiệm cho các sứ đồ của Ngài phải môn đồ hóa tất cả các dân tộc. Ngài đã không bảo họ tạo dựng các thành viên hội thánh. Tư cách môn đồ đòi hỏi một sự đáp ứng căn bản trong từng lĩnh vực của nhân cách — thân thể, tâm hồn và tâm linh .
  Yêu cầu đối với thân thể của chúng ta được trình bày trong Rô-ma 12: 1: “Tôi nài xin anh em dâng thân thể mình làm sinh tế sống, thánh khiết và đẹp lòng Đức Chúa Trời. . .”. Chúng ta được yêu cầu trình dâng thân thể của mình trên bàn thờ, làm sinh tế cho Đức Chúa Trời cũng hoàn toàn giống như người Y-sơ-ra-ên dưới giao ước cũ dâng hiến các loài động vật làm sinh tế trên bàn thờ của họ. Tuy nhiên, có một khác biệt quan trọng. Người Y-sơ-ra-ên đã giết những con vật mà họ dâng cho Đức Chúa Trời. Ngày nay thân thể chúng ta dâng cho Đức Chúa Trời là một sinh tế sống.
  Tuy nhiên, từ thời điểm đó trở đi, thân thể của chúng ta không còn thuộc về mình nữa. Chúng là tài sản của Đức Chúa Trời, là đền thờ của Đức Chúa Trời. Chúng ta chỉ là những người quản lý phải khai trình cho Đức Chúa Trời về cách mà chúng ta đã chăm sóc  ngôi đền thờ của Ngài. Thật không may, quá nhiều Cơ Đốc nhân ngày nay tiếp tục đối xử với thân thể của họ như thể họ vẫn còn quyền sở hữu chúng và tự do dùng thân thể mình làm bất cứ điều gì họ vui thích.
  Liên quan đến tâm hồn của chúng ta, Chúa Jêsus đã tuyên bố đòi hỏi của Ngài trong Ma-thi-ơ 16: 24–25: “Nếu ai muốn theo Ta thì phải từ bỏ chính mình (nghĩa đen là tâm hồn minh), vác thập tự giá mình mà theo Ta. Vì bất cứ ai muốn cứu mạng sống (tâm hồn) mình thì sẽ mất, còn ai vì Ta mà mất mạng sống (tâm hồn) thì sẽ tìm lại được”.
  Thập tự giá của chúng ta là nơi chúng ta chọn để mình chịu chết. Đức Chúa Trời không áp đặt điều này cho chúng ta. Chúng ta chỉ tiếp lấy nó bằng ý muốn tự do của riêng mình. Chính ở đây chúng ta phải phủ nhận tâm hồn của mình. Điều này có nghĩa là chúng ta nói “không” với ba yêu cầu của tâm hồn: “tôi muốn,” “tôi nghĩ,” “tôi cảm thấy.” Từ nay, chúng ta không còn bị ba động cơ này kiểm soát nữa. Chúng được sống theo lời của Đức Chúa Trời và ý muốn của Đức Chúa Trời. Khi chúng ta tuân theo lời và ý muốn của Đức Chúa Trời, chúng ta tìm thấy sự sống mới mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta. Chỉ qua cái chết mà tâm hồn chúng ta mới có thể tìm thấy sự sống tươi mới này.
   Khi chúng ta đáp ứng những yêu cầu của Chúa, vì thân thể, tâm hồn, và tâm linh của chúng ta được tự do tham gia vào mối tương giao với Đức Chúa Trời thậm chí còn tuyệt vời hơn những gì đã mất trong sự sa ngã. Trong 1 Cô-rinh-tô 6: 15–17, Phao-lô cảnh báo các Cơ Đốc nhân chống lại sự kết hiệp tình dục vô luân với gái điếm, bởi vì điều này có nghĩa là trở thành một thân thể với gái điếm. Sau đó, trong sự tương phản trực tiếp, ông tiếp tục, "còn ai kết hợp với Chúa thì sẽ trở nên một tâm linh với Ngài" (1 Cor. 6:17).
  Hàm ý nầy là rõ ràng. Tâm linh được cứu chuộc bây giờ có thể tận hưởng một sự kết hợp với Đức Chúa Trời, gần gũi và thân mật như sự kết hợp tình dục với một gái điếm của thân thể con người vậy. Tuy nhiên, đó chỉ là kết hợp của tâm linh, không phải kết hợp với tâm hồn hay thân thể - mà có thể trải nghiệm sự liên kết mật thiết trực tiếp này với Đức Chúa Trời.
  Điều đó chủ yếu thông qua hành động thờ phượng mà tâm linh của chúng ta bước vào sự liên hiệp này với Đức Chúa Trời. Trong Giăng 4: 23–24 Chúa Giê Su nói: “những người thờ phượng chân thật sẽ thờ phượng Cha bằng tâm linh và chân lý; ấy là những người thờ phượng mà Cha tìm kiếm. Đức Chúa Trời là thần linh, nên những người thờ phượng Ngài phải thờ phượng bằng tâm linh và chân lý”. Ngài nói rõ rằng sự thờ phượng thật sự phải là một hoạt động của tâm linh chúng ta.
  Trong hội thánh hiện đại, có rất ít sự hiểu biết về bản chất sự thờ phượng, chủ yếu bởi vì chúng ta không phân biệt được sự khác biệt giữa tâm linh và tâm hồn. Thờ phượng không phải là sự giải trí. Điều đó thuộc về nhà hát, không phải hội thánh. Cũng không chỉ tôn thờ bằng  lời khen ngợi. Chúng ta ca ngợi Đức Chúa Trời bằng tâm hồn của mình, và có quyền làm như vậy. Qua lời khen ngợi của mình, chúng ta có quyền tiếp cận sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Nhưng một khi chúng ta bước vào trong sự hiện diện của Ngài, là qua sự thờ phượng mà chúng ta được vui hưởng sự thông công thuộc linh đích thực với Ngài.
  Có thể thờ phượng Đức Chúa Trời theo cách này là mục tiêu của sự cứu rỗi— trước tiên trên trái đất nầy, và sau đó trên thiên đàng. Đây là hoạt động cao nhất và thánh khiết nhất mà con người có khả năng. Tuy nhiên, điều đó chỉ có thể xảy ra khi tâm hồn và thân thể thuận phục tâm linh và hòa hợp với nó. Sự thờ phượng như vậy thường quá sâu sắc nếu phải dùng lời nói diễn tả. Điều đó trở thành một sự liên hiệp mãnh liệt và im lặng với Đức Chúa Trời.