Thứ Tư, 10 tháng 10, 2018

SỰ DƯ DẬT CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI-



-Dân Chúng- Mục Đích Của Sự Dư Dật-
   Bài học kết thúc của chúng ta về sự dư dật của Đức Chúa Trời tập trung vào mục đích của sự phong phú. Phần cuối của 2 Cô-rinh-tô 9: 8 nói, “Đức Chúa Trời có quyền ban cho anh em ân điển sung mãn để đáp ứng mọi nhu cầu của anh em, lại còn có dư dật để làm mọi việc lành”. Mục đích mà Đức Chúa Trời cung cấp sự dư dật không chỉ là nuông chiều cho sự ích kỷ. Đừng nghĩ tôi sai lầm. Tôi tin rằng Đức Chúa Trời thích thấy chúng ta được vui hưởng sự chu cấp của Ngài. Nó làm cho Ngài hạnh phúc. Nhưng đó không phải là mục đích tối hậu. Thay vào đó, chúng ta sẽ có sự dư dật "cho mọi công việc tốt". Mục đích của sự dư dật là chúng ta sẽ có thể làm tất cả những gì Đức Chúa Trời yêu cầu chúng ta làm với sự đầy đủ hoàn toàn .

   Một trong những thuộc tính đáng chú ý của các Cơ Đốc nhân trong kinh Tân Ước là họ không bao giờ nói, “Nếu chúng ta có đủ tiền, chúng ta sẽ làm điều này”. Họ chỉ nói, “Chúng ta sẽ đi đến đây. . . chúng ta sẽ đến nơi ấy . . . chúng ta sẽ làm điều này”. Tiền bạc thực sự không phải là vấn đề. Mặc dù họ có nhiều điều để nói về tiền bạc và rất thực tế trong việc điều dụng nó, kế hoạch của họ không phụ thuộc vào tiền bạc. Điều đó rất khác với hội thánh hiện đại, nơi mà rất nhiều điều phụ thuộc vào tiền bạc khi được lên kế hoạch.

--Công Việc Tốt Lành Chính Yếu-
   Một công việc tốt lành đặc biệt mà Đức Chúa Trời cung cấp sự dư dật là "công việc tốt lành" chính yếu: rằng chúng ta có thể cung cấp cho Ngài một nơi ở. Mục đích của Đức Chúa Trời từ ngày sáng tạo trở đi là phải được sống với con người. Như chúng ta thường nói điều tối thượng cho chúng ta là lên thiên đàng. Tuy nhiên, khi đọc Kinh Thánh, tôi thấy rằng điều tối thượng là đem thiên đàng xuống trái đất. Trong các chương kết thúc của Kinh Thánh, chúng ta không tìm thấy trái đất đi lên thiên đàng; chúng ta thấy thiên đàng xuống trái đất. Lực đẩy cuối cùng của mục đích Đức Chúa Trời từ sự sáng tạo trở đi là sống với con người. Hãy xem xét hai ví dụ lịch sử trong Kinh Thánh, nơi Đức Chúa Trời đã yêu cầu dân Ngài, Y-sơ-ra-ên, cung cấp cho Ngài một nơi ở. Nơi ở đầu tiên là đền tạm của Môi-se. Thứ hai là đền thờ của Sa-lô-môn. Trong mỗi trường hợp, Đức Chúa Trời dự bị trước sự dư dật cho dân của Ngài, hầu từ sự dư dật của họ, họ có thể dâng trở lại cho Ngài tất cả những gì cần thiết để cung cấp cho Ngài một nơi ở phù hợp với vinh quang của Ngài.
   Đức Chúa Trời cũng đưa ra những chi tiết kỹ thuật rất chính xác về loại nơi ở mà Ngài muốn. Ngài không để lại một mức lượng hay một tài liệu nào để có cơ hội thực hiện. Tất cả mọi thứ đã được xác định chính xác, và tất cả mọi thứ có chất lượng cao nhất. Không có gì rẻ tiền hay kém chất lượng trong bất cứ điều gì Đức Chúa Trời cần cho nơi ở của Ngài. Tôi tin rằng điều đó thích ứng với chính bản chất của Đức Chúa Trời .
   Trước hết, hãy xem xét sự dự bị của Đức Chúa Trời cho đền tạm của Môi-se và cách thức xây cất. Sau đó, chúng ta hãy nhìn vào sự cung cấp của Đức Chúa Trời cho đền thờ của Sa-lô-môn và cách xây dựng. Sau cùng, chúng ta sẽ kết thúc bằng cách đưa ra một ứng dụng cập nhật các ví dụ này cho bạn và tôi.

 - Đền Tạm Của Môi-Se
   Trong Sáng Thế Ký 15, Đức Chúa Trời đã lập giao ước với Áp-ra-ham. Ngài cũng cho ông thấy trước về sự giam cầm của Y-sơ-ra-ên ở Ai Cập.
   Đức Chúa Trời phán với Áp-ram, “Con phải biết chắc rằng dòng dõi con sẽ làm kiều dân nơi đất khách, phải phục dịch cho dân bản xứ, và bị chúng áp bức trong bốn trăm năm.  Nhưng Ta sẽ phán xét dân tộc đã bắt dòng dõi con phục dịch, và sau đó họ sẽ ra khỏi đất đó với rất nhiều của cải”( Câu 13–14) .
   Bản dịch The Living Bible chép, “họ sẽ ra khỏi đó với nhiều của cải”.
   Khi Đức Chúa Trời tiên đoán sự giam cầm của Y-sơ-ra-ên ở Ai Cập và sự giải thoát sau này của họ, Ngài nhấn mạnh rằng khi họ được cứu chuộc và giải cứu, họ sẽ trở nên giàu có. Đây không phải là một sự tình cờ. Đó là một phần của mục đích được Đức Chúa Trời ấn định trước.
   Chúng ta thấy dự đoán này đã được ứng nghiệm trong Xuất Ai-cập Ký 12. Đó là kết quả ngay lập tức của đêm lễ Vượt Qua, khi các gia đình người Y-sơ-ra-ên đã được dung tha và mọi con đầu lòng của người Ai Cập đã bị giết.
   Bây giờ các con trai của Y-sơ-ra-ên đã làm theo lời của Môi-se, vì họ đã yêu cầu vàng bạc và quần áo của người Ai-cập; và Đức Giê-hô-va đã ban cho dân chúng được ân huệ trước mắt của người Ai Cập, đến nổi họ cho dân Y-sơ-ra-ên thỏa mãn yêu cầu. Vì vậy, họ cướp bóc người Ai Cập (Xem câu 35–36).
   Bản dịch The Living Bible ghi, "họ lột trần người Ai Cập". Thực tế là người Y-sơ-ra-ên đã lấy tất cả mọi thứ mà người Ai Cập có - vàng, bạc, quần áo. Bất cứ điều gì họ để mắt của mình đến và yêu cầu, họ đã nhận được. Tại sao? Vì người Ai Cập đã kinh hãi nên tất cả những gì họ muốn là vứt bỏ những người này, bất kể có phải trả giá đến bao nhiêu.
   Có một lời mô tả tuyệt đẹp về việc giải cứu Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai Cập trong Thi thiên 105: 37:
   Ngài dẫn dân Y-sơ-ra-ên ra đi, tay đầy vàng bạc; Không một ai trong các bộ tộc của họ chùn bước”.
   Sự cứu chuộc đem lại sự tổng dự phòng cho các nhu cầu của dân được cứu chuộc. Đối với Y-sơ-ra-ên lúc còn ở Ai Cập, tất cả đều nhờ đức tin trong huyết của chiên con Vượt Qua. Đức tin đó đã giải phóng sự cung cấp mọi nhu cầu – thuộc linh, vật lí và vật chất. Khoảng ba triệu người đã bước ra khỏi Ai Cập. Không ai trong họ đi khập khiễng, không một ai trong họ đi cà nhắc, không một ai trong số họ sử dụng gậy hoặc nạng. Trong hội thánh ngày nay, chúng ta có một chặng đường dài để đạt được tiêu chuẩn đó, nhưng tôi tin rằng đó là tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời. Tôi tin rằng sự cứu chuộc đã hoàn tất và nó bao trùm mọi lĩnh vực trong cuộc sống của chúng ta.
   Khi Đức Chúa Trời cứu chuộc họ, Ngài chăm sóc mọi thứ trong một hành động, họ bước ra trong tình trạng mạnh khỏe và giàu có, với nhiều vàng bạc cùng mọi thứ quý giá.
   Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu rằng Đức Chúa Trời có một mục đích trong tất cả những điều này. Đức Chúa Trời ban cho Môi-se kế hoạch xây đền tạm là nơi Ngài sẽ ngự giữa dân mình. Sau đó Ngài nói với Môi-se rằng dân chúng phải cung cấp vật liệu và công lao động để xây dựng đền tạm.
   Và Môi-se đã nói với tất cả hội chúng của con cái Y-sơ-ra-ên rằng: “Đây là lời Đức Giê-hô-va đã truyền dạy: Hãy lấy từ của cải mình có mà dâng cho Đức Giê-hô-va. Ai có nhiệt tâm hãy đem lễ vật dâng lên Đức Giê-hô-va như vàng, bạc, và đồng; chỉ xanh, chỉ đỏ tía và đỏ thắm, vải gai mịn, lông dê;  da chiên đực nhuộm đỏ, da cá nược; gỗ si-tim;  dầu thắp, các hương liệu để pha chế dầu xức và hương thơm,  bích ngọc và các thứ ngọc khác để khảm vào ê-phót và bảng đeo ngực.”.. “Trong anh em ai là người khéo tay hãy đến làm tất cả những gì Đức Giê-hô-va đã truyền dạy ” (Xuất Ai cập Ký 35: 4–10).
   Dân chúng mang các lễ vật của họ từ trong sự dư dật mà Đức Chúa Trời đã dự bị cho họ qua sự cứu chuộc để tạo nên loại nhà mà Đức Chúa Trời yêu cầu. Ngài đã không cho họ có lựa chọn về nơi ở. Phải có vàng, bạc và đồng. Mọi thứ phải được làm theo cách Ngài yêu cầu. Tuy nhiên, các yêu cầu của Ngài không thể không hợp lý vì Ngài đã ban cho họ tất cả mọi thứ nên họ cần phải tuân theo các chỉ dẫn của Ngài.
   Kết quả cuối cùng được mô tả trong Xuất Ai-cập Ký 36:
   Vì vậy, Môi-se phải ra lệnh cho họ loan báo khắp trại quân: “Xin mọi người, nam cũng như nữ, đừng dâng thêm gì cho việc xây dựng Đền Thánh nữa!” Vậy là dân chúng bị ngăn cản đem thêm lễ vật;  vì vật liệu họ dâng không những đã đủ mà còn dư cho toàn bộ công việc”(câu 6–7).
   Chú ý cụm từ ngữ kết luận: “không những đã đủ mà còn dư”. Theo định nghĩa, đó là sự dư dật. Thật đáng tiếc, chúng ta thường không thấy một tình huống như vậy trong các hội thánh hiện đại.
   Sự cứu chuộc cung cấp sự dư dật, nhưng mục đích sự cứu chuộc là có một nơi ở để Đức Chúa Trời ngự trong dân của Ngài. Và từ những gì Đức Chúa Trời ban cho chúng ta qua sự cứu chuộc, Ngài yêu cầu chúng ta dâng lại cho Ngài những điều mà sẽ dự bị chỗ ở của Ngài.
- Đền Thờ Của Sa-Lô-Môn
   Lần đầu tiên Đa-vít được giới thiệu cho chúng ta trong Kinh thánh trong một khung cảnh rất khiêm nhường - con trai út trong một gia đình giàu có,- trên những ngọn núi đá của Giu-đa, chăm sóc bầy chiên của cha mình (xem 1 Sa-mu-ên 16: 6–13). Tuy nhiên, vào cuối cuộc đời của mình, Đa-vít đã dự bị vật liệu xây dựng tương đương hàng triệu đô la.
   Trước khi qua đời, ông để lại ngôi nhà của Đức Chúa Trời- là ngôi đền mà Sa-lô-môn phải xây dựng - tương đương với khoảng 100 triệu đô la Mỹ từ tài sản riêng của mình.
   Một sự nhận thức rất có ý nghĩa mà chúng ta cần phải có là trong thời trị vì của Đa-vít, có một sự gia tăng dị thường trong sự giàu có của Y-sơ-ra-ên. Tôi không biết cách nào để tính toán, nhưng tổng sản phẩm quốc gia của họ phải được nhân lên gấp hàng trăm lần. Một quốc gia nghèo khổ, khó khăn, đã sống nhờ nghề chăn nuôi - nông nghiệp, gia súc và cừu - đã trở nên giàu có cách phi thường vào cuối triều đại của Đa-vít.
    Đó không phải là sự ngẫu nhiên. Sự giàu có của Y-sơ-ra-ên, một phần là kết quả sự chúc phước của Đức Chúa Trời đối với Đa-vít. Chúng ta biết rằng bất cứ khi nào Đức Chúa Trời tìm thấy một người vừa lòng chính mình để lãnh đạo dân của Ngài, Ngài sẽ ban phước cho dân Ngài qua người đó. Nhưng ngoài điều đó, Đức Chúa Trời còn có một mục đích nữa. Vào cuối triều đại của Đa-vít, Đức Chúa Trời muốn Y-sơ-ra-ên sẵn sàng cho việc xây dựng đền thờ mà Sa-lô-môn phải xây dựng. Một lần nữa, mục tiêu của Đức Chúa Trời là có một nơi ở mà Ngài có thể ở giữa vòng dân của Ngài. Và một lần nữa, mọi chi tiết của nơi ở đó được xác định chính xác. Không có gì được dành cho trí tưởng tượng của con người quyết định xây dựng.
   Văn kiện những gì đã được đưa ra để xây dựng đền thờ của Sa-lô-môn có chứa một số ngôn ngữ vinh diệu nhất mà không được tìm thấy ở bất cứ nơi nào bằng văn bản. Có điều gì đó ngoạn mục về những lời Đa-vít sử dụng mô tả sự chuẩn bị mà ông đã làm cho đền thờ: “Ta đã hết sức chuẩn bị cho đền thờ của Đức Chúa Trời ta, nào vàng để làm đồ bằng vàng, nào bạc để làm đồ bằng bạc, nào đồng để làm đồ bằng đồng, nào sắt để làm đồ bằng sắt, nào gỗ để làm đồ bằng gỗ; lại sắm những ngọc bích, ngọc để khảm, ngọc chiếu sáng, ngọc đủ các màu, và các thứ đá quý, cùng đá cẩm thạch trắng rất nhiều”- (1 Sử ký 29: 2).
   Lưu ý từ ngữ kết luận mà Đa-vít miêu tả -- sự dư dật. Nó tóm tắt việc dự bị được thực hiện cho đền thờ giống như nó tóm tắt sự dự bị cho đền tạm. Trên thực tế, sự dư dật theo mức độ cung cấp mà Đức Chúa Trời luôn luôn làm cho dân của Ngài. Không có gì có giới hạn hoặc keo kiệt. Ngài là Đức Chúa Trời của sự dư dật.
   Từ trong số tài sản cá nhân của mình, Đa-vít cung cấp số vàng tương đương khoảng 75 triệu đô la Mỹ. Điều đó chưa bao gồm số bạc hoặc các vật liệu khác (xem câu 3–4).
   Hơn nữa, chúng ta đọc những gì các nhà lãnh đạo cũng dâng hiến từ trong tài sản riêng của họ:
   Theo tính toán của tôi, các con số trong đoạn văn này trị giá 125 triệu đô la vàng. Giữa họ, Đa-vít và những trưởng lão, đã dâng hiến tương đương 200 triệu đô la vàng từ tài sản riêng của họ. Đây là chưa kể bạc, đá quý, gỗ, đá cẩm thạch và tất cả các mặt hàng khác đóng góp. Điều đó thật đáng kinh ngạc! Chúng ta cần phải ghi nhớ trong tất cả điều này rằng Đa-vít bắt đầu như một cậu bé chăn cừu nhỏ trên những ngọn đồi đá của xứ Giu-đê.

- Chỗ Ở Cuối Cùng Của Đức Chúa Trời
   Sự bùng nổ trong nền kinh tế của Y-sơ-ra-ên đã làm cho có thể có việc xây cất đền thờ không mất nhiều thời gian - ít hơn bảy mươi năm. Tôi tin rằng Đức Chúa Trời đang làm công việc trong thời của chúng ta song song với những gì Ngài đã làm cho Y-sơ-ra-ên trong những ngày của Đa-vít, bởi vì Đức Chúa Trời có một mục đích. Mục đích đó là gì? Ngài muốn một nơi ở. Ngài muốn sống với con người. Và Ngài rất chính xác về các đặc điểm của nơi ở của Ngài. Ngài không keo kiệt. Ngài muốn mọi thứ có chất lượng cao nhất.
   Tuy nhiên, nơi ở được xây dựng cho Đức Chúa Trời trong thời đại  này khác biệt trong hạng loại so với cả đền tạm và đền thờ. Tính chất đặc biệt nơi ở của Đức Chúa Trời ngày nay được Phao-lô mô tả trong 1 Cô-rinh-tô 3: 16–17:
   Anh em không biết rằng anh em là đền thờ của Đức Chúa Trời,và Thánh Linh của Đức Chúa Trời ngự trong anh em sao?  Nếu người nào phá hủy đền thờ của Đức Chúa Trời thì Đức Chúa Trời sẽ hủy diệt người ấy; vì đền thờ của Đức Chúa Trời là thánh, và đền thờ ấy chính là anh em”.
   Theo cách tương tự, Phi-e-rơ nói: “anh em như những hòn đá sống mà xây nên ngôi nhà thiêng liêng, và nhờ Đức Chúa Jêsus Christ mà làm chức tế lễ thánh, . . .” (1 Phi-e-rơ 2: 5).
   Ở đây, chúng ta đang nói về nơi ở tối hậu của Đức Chúa Trời, không phải bằng vàng, bạc hay bất kỳ vật liệu quý giá kỳ diệu nào đã được dâng lên như với đền thờ của Sa-lô-môn xây cất. Có điều gì đó vô cùng quí báu hơn với Đức Chúa Trời, và đó là con người.
   Khi Đức Chúa Trời muốn chỗ ở quý giá nhất trên tất cả mọi sự, Ngài chọn một nơi do nhiều người tạo thành, không phải bằng vật chất. Và chúng ta là những con người! Chúng ta là nơi ở của Đức Chúa Trời! Nếu Đức Chúa Trời rất đặc biệt và hào phóng với đền tạm của Môi-se, và thậm chí còn nhiều hơn với đền thờ Sa-lô-môn - cả hai đều là những tòa nhà tạm thời - bạn có nghĩ Ngài sẽ ít đặc biệt hơn hoặc ít rộng rãi hào phóng hơn về nơi ở cuối cùng và đời đời của Ngài, đó là bạn và tôi chăng?
   Để hoàn thành nơi ở này sẽ đòi hỏi cả sự lao động và chi phí vượt quá tất cả những gì đã đem vào đền thờ của Sa-lô-môn. Những viên đá sống mà Đức Chúa Trời đã chọn phải được lấy từ mọi quốc gia trên mặt đất, vì Đức Chúa Trời sẽ không thỏa mãn cho đến khi “các nước, các bộ tộc, các dân tộc, các thứ tiếng” đều có đại diện (Khải huyền 7: 9). Do đó, Đức Chúa Trời đã ấn định rằng “Tin Lành về vương quốc Đức Chúa Trời sẽ được rao giảng khắp đất để làm chứng cho muôn dân”(Ma-thi-ơ 24:14).
   Tôi tin rằng có một lý do mà những ví dụ về đền tạm và đền thờ được đưa ra trong Cựu ước. Đức Chúa Trời muốn chúng ta hiểu rằng  sẽ phải tốn phí nhiều bao nhiêu để hoàn thành chỗ ở tối hậu của Ngài trong thời đại này. Tất nhiên, chúng ta biết rằng chúng ta không thể trả tiền cho sự cứu chuộc của mình, cũng như sự cứu rỗi của linh hồn không thể được đo lường bằng tài chính. Nhưng nếu chúng ta nghiêm túc chịu trách nhiệm trình bày phúc âm của Vương quốc cho hàng tỷ người trong thế giới ngày nay, thì đó chỉ là thực tế thừa nhận rằng điều đó sẽ tốn hàng tỷ đô la. Những đô la thực sự. Hoàn toàn không thực tế khi nói về việc hoàn thành công việc mà không có tài chính.

- Đẫy Dẫy Đền Thờ
 Sự cung ứng của Đức Chúa Trời cần thiết cho nơi ở tối hậu này được tiết lộ trong A-ghê 2: 6–9: “Vì Đức Giê-hô-va vạn quân phán thế nầy: ‘Còn ít lâu nữa thôi, Ta sẽ làm rúng động các tầng trời và mặt đất, biển cả và đất liền.  Ta cũng làm rúng động tất cả các nước, và báu vật của tất cả các nước sẽ đổ về đây; rồi Ta sẽ làm cho đền thờ nầy đầy dẫy vinh quang.’ Đức Giê-hô-va vạn quân phán vậy” (6–7).

-Ngôi Đền Nào Là Chỗ Ở Của Đức Chúa Trời?.
   Ở đây, Chúa không nói về ngôi đền được xây dựng trong thời kỳ A-ghê, vì ngôi đền đó đã bị phá hủy mười chín thế kỷ trước. Ngài đang nói về sự kết thúc thời đại này và nơi ở của Ngài vào lúc này. (Xem thêm Hê-bơ-rơ 12: 25–29.) Chúa phán: “Ta sẽ làm cho đền thờ nầy đầy dẫy vinh quang”. Nhưng trước hết Ngài nói rằng sự giàu có của các quốc gia sẽ đến cung cấp tất cả những gì cần thiết để xây dựng một ngôi nhà phù hợp với vinh quang của Ngài.
   Tuyên bố theo sau câu 8 cực kỳ quan trọng: “Bạc là của Ta, vàng là của Ta. Đức Giê-hô-va vạn quân phán vậy”. Khi Chúa Jesus chết và sống lại từ cõi chết, tất cả các kho báu của toàn bộ trái đất này đã thuộc về Ngài cách hợp pháp. Ngài là người thừa kế mọi sự, và chúng ta là những người đồng thừa kế với Ngài. Chúng ta chia sẻ cơ nghiệp. Vì vậy, trên thực tế, chúng ta có quyền hợp pháp đối với bạc và vàng qua Chúa Jesus Christ.
   Tiếp tục với những gì Đức Chúa Trời nói trong phân đoạn này từ A-ghê 2, trong câu 9, Đức Chúa Trời trở về chủ đề vinh quang:
   "Đức Giê-hô-va vạn quân phán:‘Vinh quang sau nầy của đền thờ [ngôi nhà cuối cùng của Đức Chúa Trời] sẽ lớn hơn vinh quang trước kia. Ta sẽ ban bình an cho nơi nầy.’ Đức Giê-hô-va vạn quân phán vậy”.
   Một lần nữa, rõ ràng lời nầy đề cập đến ngôi đền không phải là một ám chỉ đến ngôi đền được xây dựng trong những ngày của A-ghê. Ngôi đền đó đã bị tiêu hủy trong chiến tranh. Thay vào đó, đề cập đến nơi ở của Đức Chúa Trời vào cuối thời đại này. Nơi ở của Đức Chúa Trời cuối thời đại này là gì? Anh và tôi, dân của Ngài, Hội thánh trọn vẹn của Ngài, Thân Thể Ngài! Chúa hứa rằng với mục đích xây dựng nơi ở đó, sự giàu có của các quốc gia sẽ được đưa đến.
   Chúng ta hãy xem một bức tranh cuối cùng trong Ê-sai 60. Một lần nữa, những lời này được nói với dân của Đức Chúa Trời vào cuối thời đại này. “Hãy đứng lên và tỏa sáng ra! Vì ánh sáng ngươi đã đến, Và vinh quang Đức Giê-hô-va đã chiếu sáng trên ngươi. Nầy, bóng tối bao trùm mặt đất, Mây mù che phủ các dân; Nhưng Đức Giê-hô-va chiếu sáng trên ngươi, Vinh quang Ngài hiện ra trên ngươi.  Các nước sẽ tìm đến ánh sáng ngươi, Các vua sẽ hướng về ánh bình minh rực rỡ của ngươi. Hãy ngước mắt lên nhìn chung quanh; Tất cả họ họp nhau lại, kéo đến ngươi. Các con trai ngươi sẽ đến từ nơi xa, Các con gái ngươi sẽ được bồng ẵm bên hông. Bấy giờ, ngươi sẽ thấy và được rạng rỡ, Lòng ngươi vừa run sợ vừa rộng mở, Vì sự phong phú của biển cả sẽ đổ về ngươi, Sự giàu có của các nước sẽ đến với ngươi”.
   Một lần nữa, có một kết nối trực tiếp giữa sự mặc khải về vinh quang của Đức Chúa Trời và sự giàu có của các quốc gia. Mục đích của Đức Chúa Trời là có một nơi ở phù hợp với vinh quang của Ngài. Vì mục đích này, Ngài sẽ làm sẵn cho dân của Ngài sự giàu có của các quốc gia.
   Bạn có tin rằng điều đó áp dụng cho chúng ta ngày hôm nay không? Tôi tin! Tại sao chúng ta cần sự giàu có này? Nhờ vậy, chúng ta có thể hoàn thành nơi ở của Đức Chúa Trời mà được tạo thành từ những viên đá sống. Những con người. Hàng triệu và hàng triệu người, nhiều người trong số đó thậm chí vẫn chưa một lần được đến với phúc âm của Chúa Jesus Christ.
   Đền thờ đó sẽ tổn phí rất nhiều. Nó sẽ tổn phí nhiều cuộc đời. Nó sẽ tốn thời gian. Và nó sẽ tốn tiền. Nó sẽ tổn phí bằng tất cả mọi thứ chúng ta có. Nhưng Đức Chúa Trời sẽ làm cho mọi sự dồi dào có sẵn cho chúng ta vì công việc hoàn thành nơi ở của Ngài./.