GIỚI THIỆU (1)
Đọc Kinh Thánh: 2
Cô-rin-tô 1:1-11
Chỉ có Sách 2
Cô-rin-tô là có lời giới thiệu rất dài. Thư Tín này có mười ba chương mà một
chương rưỡi đầu là lời giới thiệu. Không có Sách nào khác trong Kinh Thánh có lời
giới thiệu dài như thế.
Lời giới thiệu của
Sách 2 Cô-rin-tô dài vì bối cảnh của Sách này rất phức tạp. Trong 1 Cô-rin-tô,
Phao-lô xử lí tín đồ Cô-rin-tô về nhiều điều. Ông tranh luận với họ và quở
trách họ. Vì bối cảnh này nên 2 Cô-rin-tô cần có một lời giới thiệu dài.
Lời giới thiệu này
thật ra là một lời an ủi. Phao-lô nhận thức rằng, vì ông đã kỷ luật người
Cô-rin-tô trong Thư trước nên ông cần rịt lành vết thương của họ trong Thư này.
Một chương rưỡi đầu, Sách 2 Cô-rin-tô có liên hệ đến việc rịt lành vết thương
này. Điều Phao-lô đang làm ở đây giống như cha mẹ an ủi con cái sau khi chúng bị
kỷ luật. Giả sử một đứa con cư xử không đúng và bị cha mẹ kỷ luật nghiêm khắc.
Sau khi người con ăn năn, cha mẹ sẽ dành thời gian để an ủi con. Trong một
chương rưỡi đầu của Sách 2 Cô-rin-tô, Phao-lô đã đổ dầu vào những vết thương của
người Cô-rin-tô, những vết thương do sự kỷ luật của ông gây ra.
Một lí do khác cho
sựgiới thiệu dài này là Phao-lô là người rất tình cảm. Ông là người mạnh mẽ
trong tình cảm cách đúng đắn. Dù ông bị Linh giới hạn khi đang quở trách tín đồ
Cô-rin-tô nhưng ông vẫn mạnh mẽ. Chẳng hạn như, trong 1 Cô-rin-tô 4:21 ông hỏi:
“Anh em muốn gì? Muốn tôi cầm roi mà đến cùng anh em, hay là muốn tôi lấy tình
thương yêu và lòng (linh) nhu mì mà đến ư?” Những lời này cho thấy rằng ông rất
mạnh mẽ trong tình cảm. Khi Phao-lô đổ dầu vào những vết thương và rịt lành
chúng, ông đã vận dụng tình cảm và giải phóng tình cảm theo cách rất tích cực.
Vì thế, ông cần thời gian nhiều hơn để biểu lộ tình cảm của mình.
Câu 3 khải thị tình
cảm của Phao-lô: “Chúc tụng Đức Chúa Trời, Cha của Chúa chúng ta là Jesus
Christ, là Cha hay thương xót, là Đức Chúa Trời ban mọi sự an ủi”. Lời khuyên của
Phao-lô cho nỗi buồn phiền, sự chịu khổ, và lời an ủi trong câu 4 và 5 cũng cho
thấy rằng ông rất tình cảm. Theo tôi, dường như Phao-lô đã cô đọng ba câu này
thành một câu và nói: “Hỡi anh em Cô-rin-tô yêu dấu, vì tôi được Đức Chúa Trời
khích lệ nên bây giờ tôi khích lệ anh em”. Nhưng vì Phao-lô quá tình cảm nên
ông đã viết theo cách dường như lặp đi lặp lại. Trong câu 6, 7 và 8 ông nói tiếp
về sự chịu khổ, nỗi buồn phiền, và sự an ủi. Vì Phao-lô tình cảm nên ông cần có
cơ hội để giải phóng tình cảm của ông cách tích cực.
Một lí do khác để lời
giới thiệu này dài là người Cô-rin-tô rất phức tạp. Một mặt họ thích Phao-lô; mặt
khác, họ có điều gì đó không vui với ông. Ông đã dùng lời giới thiệu dài này để
giải quyết sự phức tạp của họ và làm cho họ bình tịnh hầu có thể nhận được lời
của ông.
I. NGƯỜI VIẾT VÀ
NGƯỜI NHẬN
Trong lời giới thiệu
dài này, chúng ta có thể thấy con người của Phao-lô. Tôi rất thích Phao-lô. Có
thể ông tình cảm, đồng cảm, và mềm mại. Cũng có thể ông mạnh mẽ và cứng rắn.
Ông chân thật, đơn giản, và thành thật. Có khi ông lịch thiệp nhưng ông không
bao giờ chính trị. Tôi đã học ở Phao-lô rất nhiều. Cả đời tôi, tôi đã học nhiều
nhất từ hai người: thứ nhất là Phao-lô; thứ hai là Watchman Nee.
Câu 1 chép:
“Phao-lô, do ý chỉ Đức Chúa Trời, làm sứ đồ của Christ Jesus, cùng anh em là
Ti-mô-thê, đạt cho Hội thánh của Đức Chúa Trời tại Cô-rin-tô, và cho hết thảy
thánh đồ ở A-chai”. A-chai nằm ở phía nam Ma-xê-đoan. Một tỉnh của Đế quốc
La-mã, nó đã hình thành nên phần lớn Hy Lạp ngày nay. Thành phố Cô-rin-tô ở
trong tỉnh này. Tác giả 2 Cô-rin-tô là Phao-lô và Ti-mô-thê; người nhận là Hội
thánh của Đức Chúa Trời tại Cô-rin-tô cùng với tất cả thánh đồ trong cả xứ
A-chai.
II. CHÀO THĂM
Lời chào thăm của
Phao-lô được tìm thấy trong câu 2: “Nguyện anh em được ân điển, bình an từ Đức
Chúa Trời, Cha chúng ta, và từ Chúa Jesus Christ”. Lời chào thăm này thường được
Phao-lô dùng trong các Thư Tín của ông.
III. SỰ AN ỦI CỦA ĐỨC
CHÚA TRỜI
A. Được An Ủi Để An
Ủi
Trong câu 3 và 4
Phao-lô nói: “Chúc tụng Đức Chúa Trời, Cha của Chúa chúng ta là Jesus Christ,
là Cha hay thương xót, là Đức Chúa Trời ban mọi sự an ủi; Ngài an ủi chúng tôi
trong mọi sự hoạn nạn, hầu cho nhơn sự an ủi mà Ngài đã an ủi chúng tôi, thì
chúng tôi cũng có thể an ủi kẻ khác trong sự hoạn nạn nào họ gặp”. Từ Hy Lạp dịch
chữ thương xót cũng có nghĩa là lòng trắc ẩn, đáng thương, đồng cảm. An ủi thì
hơi khác với vỗ về, và có nghĩa là được làm cho phấn chấn. Danh xưng Cha hay
thương xót và Đức Chúa Trời ban mọi sự an ủi như thế được gán cho Đức Chúa Trời
ở đây vì Thư này là một Thư an ủi, khích lệ được vị sứ đồ viết sau khi ông được
an ủi và được khích lệ bởi việc tín đồ Cô-rin-tô ăn năn.
Trong câu 4,
Phao-lô nói rằng chúng tôi an ủi người khác trong hoạn nạn qua sự an ủi mà
chính chúng tôi được Đức Chúa Trời an ủi. Trước hết, chúng ta phải kinh nghiệm
sự an ủi của Đức Chúa Trời. Khi đó, chúng ta mới có thể an ủi người khác với sự
an ủi mà chúng ta đã kinh nghiệm về Đức Chúa Trời. Vì thế, chúng ta được an ủi
để có thể an ủi người khác. Điều này đòi hỏi kinh nghiệm. Khi được kinh nghiệm,
chúng ta nhất thiết phải an ủi người khác về mặt thuộc linh.
Nếu anh em chưa bao
giờ chịu khổ và chưa bao giờ được Đức Chúa Trời an ủi thì anh em sẽ không thể
an ủi người khác. Lời an ủi của anh em sẽ rỗng tuếch. Anh em giống như người viết
một ngân phiếu với một số tiền lớn mà không có ngân quỹ trong ngân hàng để chứng
minh cho tờ ngân phiếu đó. Anh em không có thực tại, không có kinh nghiệm, và
không có vốn thuộc linh. Trước hết chính chúng ta phải chịu khổ vì những mối
quan tâm của Chúa rồi sau đó được Đức Chúa Trời an ủi và khích lệ. Khi đó, kinh
nghiệm này sẽ trở thành vốn thuộc linh để an ủi người khác. Như vậy, chúng ta
được an ủi và rồi chúng ta an ủi người khác.
Thư Tín thứ nhất gởi
cho người Cô-rin-tô là sự tranh luận của vị sứ đồ, một sự tranh luận đã đánh bại
và khuất phục người Cô-rin-tô, là người đã bị xao lãng và bối rối. Bây giờ, Thư
Tín thứ hai đem họ trở lại kinh nghiệm Christ, Đấng là chủ đề của sự tranh luận
trong Thư thứ nhất. Vì thế, Thư thứ hai kinh nghiệm hơn, chủ quan hơn, và sâu sắc
hơn Thư thứ nhất. Trong Thư thứ nhất, Christ, Linh với linh chúng ta, Hội
thánh, và ân tứ được đề cập như là những chủ đề chính. Trong Thư thứ hai,
Christ, Linh với linh chúng ta, và Hội thánh được phát triển thêm, nhưng ân tứ
thì không được đề cập. Trong Sách này ân tứ được thay thế bằng chức vụ, là điều
được cấu tạo, được sản sinh và được hình thành bởi những kinh nghiệm về những sự
phong phú của Christ qua sự chịu khổ, qua những áp lực chi phối, và công tác giết
chết của thập tự giá. Thư thứ hai cho chúng ta một gương mẫu, một kiểu mẫu làm
thế nào sự giết chết của thập tự giá có hiệu quả, làm thế nào Christ được đem
vào trong bản thể chúng ta, và làm thế nào chúng ta trở thành sự biểu lộ của Đấng
Christ. Những điều này cấu tạo các chấp sự của Christ và sản sinh chức vụ giao
ước mới của Đức Chúa Trời. Thư thứ nhất xử lí các ân tứ cách tiêu cực; Thư thứ
hai nói tích cực về chức vụ. Hội thánh cần chức vụ nhiều hơn ân tứ. Chức vụ là
để cung ứng Christ mà chúng ta kinh nghiệm; ân tứ chỉ để dạy giáo lí về Đấng
Christ. Bằng chứng mà các sứ đồ là chấp sự của Christ, bằng chứng đó không cốt
tại ân tứ, nhưng cốt tại chức vụ được sản sinh và được hình thành bởi kinh nghiệm
những nỗi khổ của Christ, các hoạn nạn của Ngài.
B. TRONG HOẠN NẠN,
BỊ ĐÈ NÉN ĐẾN HẾT HI VỌNG SỐNG
Trong câu 5 Phao-lô
nói: “Vì theo như những sự khổ sở của Đấng Christ chan chứa trong chúng tôi thể
nào, thì bởi Đấng Christ sự an ủi của chúng tôi cũng chứa chan thể ấy”. Những sự
khổ sở ở đây không phải là những sự khổ sở vì Christ, mà là những sự khổ sở của
Christ khi được các môn đồ Ngài chia sẻ (Mat. 20:22; Phil. 3:10; Côl. 1:24; 1
Phi. 4:13). “Đấng Christ” là tước hiệu về tình trạng của Christ chứ không phải
là một danh (Darby). Ở đây nói đến Đấng Christ chịu khổ, Đấng chịu đựng những
hoạn nạn vì Thân Thể Ngài theo ý chỉ của Đức Chúa Trời. Các sứ đồ đồng dự phần
những sự khổ sở của một Đấng Christ như thế, và qua Christ như thế, họ nhận được
sự an ủi. Theo câu 6 và 7, hoạn nạn và an ủi của họ tất cả đều để an ủi tín đồ.
Câu 8 chép: “Anh em
ơi, chúng tôi không muốn anh em chẳng biết về sự hoạn nạn đã xảy đến cho chúng
tôi trong A- si, thể nào chúng tôi đã bị đè nén quá chừng quá sức, đến nỗi cũng
hết mong sống được”. Từ liệu bị đè nén ở đây cùng một từ Hy Lạp như trong 5:4,
có nghĩa là đè nặng, đè ép. Phao-lô ở A-si khi ông viết 1 Cô-rin-tô. Lúc đó ông
và các đồng công của ông đang gặp hoạn nạn. Sự buộc tội và sự tấn công họ là rất
nặng. Họ bị đè nén, đè ép vượt quá sức mình. Họ bị đè nén đến mức mà năng lực
thiên nhiên của họ không thể chịu nổi. Thậm chí họ không còn hi vọng sống. Theo
đánh giá của họ về tình huống này thì họ không có hi vọng sống. Họ chắc rằng họ
sẽ chết, và họ sẽ bị những người buộc tội giết chết.
Trong câu 9,
Phao-lô nói tiếp: “Thật chúng tôi đã tự đoán định rằng chắc phải chết, hầu cho
chúng tôi không cậy mình, nhưng cậy Đức Chúa Trời là Đấng khiến kẻ chết sống lại”.
Theo nghĩa đen, từ đoán định có nghĩa là trả lời hoặc đáp lại. Khi các sứ đồ ở
dưới áp lực của hoạn nạn, thậm chí không còn hi vọng sống, có lẽ họ đã tự hỏi rằng
kết quả việc họ chịu khổ là gì. Câu trả lời hoặc lời đáp là chết.
Trong khi họ đang bị
bắt bớ, các sứ đồ tự hỏi hậu quả sẽ là gì. Theo đánh giá của họ, họ đang hấp hối.
Đây là sự tự thấu hiểu dẫn đến một quyết định sống còn cụ thể. Điều đó làm cho
họ không tự tin vào chính mình. Đến chừng mà họ quan tâm thì đã không còn thoát
được. Sự tin cậy của họ ở trong Đức Chúa Trời, Đấng làm cho kẻ chết sống lại.
Kinh nghiệm sự chết
đẩy chúng ta vào trong kinh nghiệm sự phục sinh. Sự phục sinh là chính Đức Chúa
Trời, Đấng phục sinh kẻ chết. Công tác thập tự giá kết liễu bản ngã để chúng ta
có thể kinh nghiệm Đức Chúa Trời trong sự phục sinh. Kinh nghiệm thập tự giá
luôn luôn dẫn vào trong sự vui hưởng Đức Chúa Trời của sự phục sinh. Kinh nghiệm
như thế sản sinh và hình thành chức vụ. Điều này được mô tả thêm trong 4:7-12.
Càng về cuối 1
Cô-rin-tô, Phao-lô nói về sự phục sinh. Bây giờ, ở đầu 2 Cô-rin-tô, Phao-lô đem
tín đồ trở lại vấn đề phục sinh này. Như chúng ta sẽ thấy, điều này có liên hệ
đến chức vụ. Chức vụ không phải là vấn đề việc làm của chúng ta mà đó là vấn đề
nếp sống của chúng ta. Cả chức vụ lẫn nếp sống được khải thị trong Thư Tín này
đều thuộc về sự sống phục sinh.
Trong 1 Cô-rin-tô,
Phao-lô tuyên bố sự kiện phục sinh. Sự phục sinh nên là nếp sống hằng ngày của
chúng ta; đối với chúng ta, sự phục sinh nên là quyền năng để đắc thắng tội và
sự chết và để sống trong ngày đầu tuần. Bây giờ trong 2 Cô-rin-tô, Phao-lô cho chúng
ta một chứng cớ thể nào các sứ đồ đã sống trong ngày thứ nhất của tuần lễ. Họ
không cách nào sống trong ngày thứ bảy, không cách nào sống trong sáng tạo cũ.
Điều này có nghĩa là họ không thể sống trong chính mình. Không tự tin vào chính
mình có nghĩa là không còn cách nào để chúng ta sống trong sáng tạo cũ nữa. Vì
các sứ đồ sống trong ngày thứ nhất của tuần lễ nên sự tin cậy của họ chỉ ở
trong Đức Chúa Trời của sự phục sinh, Đức Chúa Trời Đấng làm cho kẻ chết sống lại.
Họ xem mình như đã chết rồi. Điều này cho thấy rằng Phao-lô không chỉ viết về sự
phục sinh mà ông còn sống sự phục sinh.
Trong câu 10
Phao-lô nói tiếp: “Ngài đã giải cứu chúng tôi khỏi sự chết lớn dường ấy, vẫn
đương giải cứu chúng tôi, và chúng tôi còn hi vọng Ngài (cũng) sẽ giải cứu chúng
tôi nữa”. Từ “sẽ giải cứu” nói đến tương lai gần, trái lại “cũng sẽ giải cứu
chúng tôi nữa” nói đến tương lai theo cách chung chung hơn. Ở đây Phao-lô không
nói rằng Đức Chúa Trời sẽ giải cứu họ khỏi hoạn nạn lớn, nhưng khỏi “sự chết lớn
dường ấy”. Đức Chúa Trời đã giải cứu họ khỏi một tình huống chết.
Câu 11 chép: “Anh
em cũng lấy sự cầu nguyện mà giúp đỡ chúng tôi với, để nhơn vì ân tứ đã do nhiều
người mà ban cho chúng tôi đó, lại được nhiều người vì chúng tôi mà cảm tạ nữa”.
Từ “giúp đỡ với” tiếng Hy Lạp cũng có nghĩa là làm việc với nhau. Ân tứ trong
câu này nói đến ân điển được ban cho (c. 12), ân điển mà các sứ đồ vui hưởng
trong kinh nghiệm của sự phục sinh từ sự chết. Theo nghĩa đen, từ liệu nhiều
người có nghĩa là nhiều khuôn mặt, ngụ ý rằng những lời cảm tạ được dâng lên bởi
những người có những khuôn mặt vui mừng.
Ân tứ trong câu 11
rất khác với ân tứ trong 1 Cô-rin-tô. Ân tứ là ân điển của Đức Chúa Trời, và ân
điển này là sự sống phục sinh, Đấng Christ phục sinh. Christ phục sinh được ban
cho các sứ đồ như là ân điển. Điều này làm cho các sứ đồ có thể vui hưởng, kinh
nghiệm sự phục sinh từ sự chết.
Phao-lô cho chúng
ta một lời chứng về việc sống trong sự sống phục sinh. Các sứ đồ đang sống
trong sự phục sinh. Đức Chúa Trời đã đặt họ vào trong một tình huống đặc biệt,
một tình huống thật sự chết. Không có cách nào để một người thoát ra khỏi tình
huống chết như thế hoặc có năng lực để đắc thắng tình huống đó cả. Chỉ có Đức
Chúa Trời của sự phục sinh, Đức Chúa Trời mà chính Ngài là sự phục sinh mới có
thể giải cứu họ. Ngài bước vào để giải cứu các sứ đồ ra khỏi tình huống chết
đó. Sự giải cứu đó là kinh nghiệm sự phục sinh. Đức Chúa Trời đã phục sinh họ
khỏi sự chết, và kinh nghiệm của họ là kinh nghiệm về Đức Chúa Trời như là sự
phục sinh. Hơn nữa, đó là kinh nghiệm về Đấng Christ phục sinh như là ân điển,
ân tứ được Đức Chúa Trời ban cho họ.
Trong những câu
này, Phao-lô bảo người Cô-rin-tô thể nào các sứ đồ được an ủi và vì thế có đủ
điều kiện để an ủi người khác. Sau đó ông nói tiếp kinh nghiệm của ông về Đấng
Christ phục sinh và về Đức Chúa Trời của sự phục sinh. Vì Phao-lô và các đồng
công kinh nghiệm một ân điển như thế nên họ có khả năng thuộc linh cần thiết để
an ủi người khác. Loại kinh nghiệm này cấu tạo họ thành những chấp sự của Giao
Ước Mới, những chấp sự của ân điển. Do đó, điều mà chúng ta có trong 2 Cô-rin-tô
không phải là ân tứ mà là chức vụ. Hơn nữa, chức vụ thực ra là vấn đề được cấu
tạo bởi ân điển qua những kinh nghiệm chịu khổ.
-