Thứ Bảy, 21 tháng 10, 2017

2 CÔ-RIN-TÔ BÀI 59


NHỮNG LỜI KHÍCH LỆ CUỐI CÙNG, LỜI CHÀO THĂM VÀ CHÚC PHƯỚC (2)
Kinh Thánh: 2 Cô-rin-tô 13:11-14
MỘT PHƯỚC HẠNH TAM DIỆN
Trong 13:14, chúng ta có một phước hạnh tam diện: “Ân điển của Chúa Jesus Christ, sự thương yêu của Đức Chúa Trời và sự tương giao của Thánh Linh ở với anh em hết thảy”. Phước hạnh tam diện này liên quan đến Đức Chúa Trời Tam Nhất, vì ở đây chúng ta có ân điển của Christ Con, tình yêu của Đức Chúa Trời Cha và sự tương giao của Thánh Linh.
Trong Cựu Ước, chúng ta cũng có một phước hạnh tam diện, phước hạnh này được công bố bởi chức tế lễ Lê-vi ở cuối Dân Số Kí chương 6. Trong phước hạnh tam diện này có hàm ý đến Đức Chúa Trời Tam Nhất. Dân Số Kí 6: 24-26 chép: “Cầu xin Đức Giê-hô-va ban phước cho ngươi và phù hộ (gìn giữ) ngươi! Cầu xin Đức Giê-hô-va chiếu sáng mặt Ngài trên ngươi và làm ơn (ban ân điển) cho ngươi! Cầu xin Đức Giê-hô-va đoái xem ngươi và ban bình an cho ngươi!”. Thứ nhất, chúng ta có phước hạnh liên quan đến Cha: “Chúa ban phước cho ngươi và gìn giữ ngươi”. Thứ hai, chúng ta có phước hạnh liên quan đến Con: “Chúa chiếu sáng mặt Ngài trên ngươi và ban ân điển cho ngươi”. Thứ ba, chúng ta có phước hạnh liên quan đến Linh: “Chúa đoái xem ngươi và ban bình an cho ngươi”. Thầy tế lễ Lê-vi chắc chắn rất quý báu phước hạnh này. Tuy nhiên, phước hạnh đó không thể so với phước hạnh trong 2 Cô-rin-tô 13:14. Điều chúng ta có trong Dân Số Kí 6: 24-26 chỉ là phước hạnh, tức là một phước hạnh mà không vui hưởng được. Nhưng trong 13:14, điều chúng ta có không chỉ là một phước hạnh mà chúng ta còn có Đức Chúa Trời trong Thần Cách Tam Nhất của Ngài, Cha, Con và Linh.

ĐỨC CHÚA TRỜI TAM NHẤT LÀ PHƯỚC HẠNH DUY NHẤT CỦA CHÚNG TA
Nói về tình yêu của Đức Chúa Trời, ân điển của Christ và sự tương giao của Thánh Linh thật ra là nói rằng tình yêu là Đức Chúa Trời, ân điển là Christ và sự tương giao là Thánh Linh. Vì thế, chúng ta có Đức Chúa Trời Cha là tình yêu, chúng ta có Đức Chúa Trời Con là ân điển và chúng ta có Đức Chúa Trời Linh là sự tương giao. Điều này có nghĩa chúng ta có Đức Chúa Trời Tam Nhất trực tiếp là sự vui hưởng của chúng ta. Điều chúng ta có không chỉ là một phước hạnh từ Ngài hoặc bởi Ngài.
Trong Tân Ước, phước hạnh thật là chính Đức Chúa Trời Tam Nhất. Như chúng tôi đã chỉ ra, phước hạnh này gồm có ba phương diện, phước hạnh của ân điển, tình yêu và sự tương giao. Với tình yêu là nguồn, ân điển là dòng chảy và sự tương giao là sự truyền dẫn thì Đức Chúa Trời Tam Nhất đạt đến chúng ta để trở thành sự sống của chúng ta, cung ứng sự sống cho chúng ta và để chúng ta vui hưởng. Bây giờ trong thực tiễn, chúng ta có thể vui hưởng Đức Chúa Trời Tam Nhất suốt ngày. Đây là phước hạnh Tân Ước duy nhất của chúng ta.
BA PHƯƠNG DIỆN CỦA MỘT VẤN ĐỀ
Ân điển của Chúa là chính Chúa như là sự sống để chúng ta vui hưởng (Gi. 1:17; 1Cô. 15:10); Tình yêu của Đức Chúa Trời là chính Đức Chúa Trời (1Gi. 4:8, 16) là nguồn của ân điển của Chúa và sự tương giao của Linh là chính Linh như là sự truyền dẫn ân điển của Chúa cùng với tình yêu của Đức Chúa Trời để chúng ta dự phần. Đây không phải là ba vấn đề riêng biệt mà là ba phương diện của một vấn đề, giống như Chúa, Đức Chúa Trời và Thánh Linh không phải là ba Đức Chúa Trời riêng biệt mà là ba “thực thể…của cùng một Đức Chúa Trời không thể phân chia và không nhìn thấy được” (Philip Schaff). Tình yêu của Đức Chúa Trời là nguồn vì Đức Chúa Trời là nguồn; ân điển của Chúa là dòng chảy tình yêu của Đức Chúa Trời vì Chúa là sự biểu lộ của Đức Chúa Trời; và sự tương giao của Linh là sự truyền dẫn ân điển của Chúa cùng với tình yêu của Đức Chúa Trời vì Linh là sự truyền dẫn của Chúa cùng với Đức Chúa Trời để chúng ta kinh nghiệm và vui hưởng Đức Chúa Trời Tam Nhất—Cha, Con và Thánh Linh, cùng với những mỹ đức thần thượng của Ngài. Ở đây, ân điển của Chúa được đề cập trước vì Sách này nói về ân điển của Christ (2Cô. 1:12; 4:15; 6:1; 8:1, 9; 9:8, 14; 12:9). Một thuộc tính thần thượng như thế gồm ba mỹ đức —tình yêu, ân điển, và sự tương giao— và một Đức Chúa Trời Tam Nhất như thế gồm ba thực thể thần thượng —Cha, Con và Linh— rất cần cho tín đồ Cô-rin-tô bị lầm lạc và rối rắm nhưng đã được khích lệ và phục hồi. Vì thế, vị sứ đồ đã dùng tất cả những điều quý báu và thần thượng này trong một câu để kết luận Thư Tín thân mật và đáng yêu của ông.
BA THỰC THỂ
Trong đoạn trước, chúng ta đã hai lần dùng từ thực thể. Từ này đòi hỏi phải giải thích thêm. Hình thức số ít của từ này hypostasis. Nó được Anh hoá từ tiếng Hi-Lạp. Từ này gồm hai từ Hi Lạp: hupo, là một giới từ có nghĩa là ở dưới và stasis là một từ có nghĩa chống đỡ hay giữ vững. Vì thế, từ này nói đến một sự chống đỡ ở dưới, một sự chống đỡ bên dưới, tức là có điều gì đó bên dưới đang chống đỡ. Từ Hi Lạp hypostasis được dùng trong 9:4 và 11:17. Từ này có nghĩa là cái nền mà trên cái nền đó người ta xây phần kiến trúc bên trên; do đó, nó là cái nền hay nền tảng; Do đó như trong 9:4 và 11:17, có sự tin cậy. Nếu chúng ta có một nền tảng đúng đắn hoặc được chống đỡ bên dưới thì chúng ta có thể tin cậy.
Một số tự điển đã liên kết từ hypostasis với ba Thân Vị của Đấng Tam Nhất. Ý nghĩa của từ này trong các tự điển là một sự giải thích. Từ hypostasis không có nghĩa là Thân Vị. Nhưng các thần học gia đã dùng nó để nói đến ba Thân Vị của Thần Cách, nói đến Cha, Con và Linh. Thực ra Cha, Con và Linh là ba hypostasis (thực thể) tức là những thực chất chống đỡ Thần Cách. Nói cách khác, Thần Cách gồm có những thực chất chống đỡ là Cha, Con và Linh. Điều này có nghĩa là nếu ba thực thể này bị lấy đi thì Thần Cách sẽ mất thực chất.
Những giáo sư Kinh Thánh ngày xưa đã dùng từ hypostasis để nói đến Cha, Con và Linh. Những thần học gia khác nói ba thực thể này biểu thị cho ba Thân Vị của Thần Cách. Cách dùng từ Thân Vị này đã dẫn một số người đến chỗ sai lầm của Tam Thần thuyết, một giáo lí nói rằng Cha, Con và Linh là ba Đức Chúa Trời. Như chúng tôi đã nhiều lần chỉ ra W. H. Griffith Thomas nói rằng chúng ta không nên nhấn mạnh từ Thân Vị quá nhiều kẻo chúng ta có giáo lí về Tam Thần thuyết. Vì thế hoàn toàn không an toàn khi dùng từ Thân Vị theo cách này. Tuy nhiên, tạm thời chúng ta có thể dùng từ này. Ví dụ, chúng ta dùng từ này trong bài Thánh Ca 608: “Huyền nhiệm thay Cha, Con và Linh trong ba Thân Vị nhưng tất cả đều là một thực chất”. Nhưng dù dùng từ liệu này cách tạm thời thì chúng ta vẫn muốn làm sáng tỏ rằng chúng ta chỉ có một Đức Chúa Trời, Đức Chúa Trời duy nhất. Tuy nhiên Đức Chúa Trời là tam nhất: Cha, Con và Linh. Từ liệu hypostasis (thực thể) là một nỗ lực để chuyển tải lẽ thật về Đức Chúa Trời ba một.
ĐỨC CHÚA TRỜI TAM NHẤT BAN PHÁT CHÍNH NGÀI VÀO TRONG CON NGƯỜI
2 Cô-rin-tô 13:14 là một bằng chứng mạnh mẽ cho thấy rằng tính tam nhất của Thần Cách không dành cho sự hiểu biết giáo lí về thần học hệ thống nhưng là để ban phát chính Đức Chúa Trời trong tính tam nhất của Ngài vào trong những người được chọn và được chuộc. Trong Kinh Thánh, Đấng Tam Nhất không bao giờ được khải thị chỉ như một giáo lí. Đấng Tam Nhất luôn luôn được khải thị hoặc được đề cập có liên quan đến mối quan hệ của Đức Chúa Trời với tạo vật, đặc biệt là với con người do Ngài sáng tạo và thậm chí với dân được chọn và được chuộc thì còn nhiều hơn. Danh xưng thần thượng đầu tiên được dùng trong sự khải thị thần thượng của Ngài về sự sáng tạo của Ngài, elohim, theo tiếng Hê-bơ-rơ ở hình thức số nhiều (Sáng. 1:1). Điều này hàm ý rằng là Đấng Sáng Tạo trời và đất cho con người, Ngài là tam nhất. Về sự sáng tạo con người theo hình ảnh, và theo hình trạng của Ngài thì Ngài đã dùng đại từ số nhiều “của chúng ta” để nói đến tính tam nhất của Ngài (Sáng. 1:26) và hàm ý rằng Ngài sẽ là một với con người và biểu lộ chính Ngài qua con người trong tính tam nhất của Ngài. Về sau, trong Sáng Thế Kí 3:22, 11:7 và Ê-sai 6:8, nhiều lần Ngài nói về chính Ngài là “Chúng Ta”, liên quan đến mối quan hệ của Ngài với con người và tuyển dân của Ngài.
LÀ MỘT TRONG ĐỨC CHÚA TRỜI TAM NHẤT
Để cứu chuộc con người sa ngã, để Ngài vẫn có vị trí là một với con người, Ngài đã nhục hoá (Gi. 1:14) trong Con và qua Linh (Lu. 1:31-35) để trở thành người và sống một đời sống con người trên đất, cũng trong Con (Lu. 2:49) và bởi Linh (Lu. 4:1; Ma. 12:23). Khởi đầu chức vụ của Ngài trên đất, Cha đã xức dầu cho Con bằng Linh (Ma. 3: 16-17; Lu. 4:18) để đạt đến con người và đem họ trở lại với Ngài. Chỉ trước khi Ngài chịu đóng đinh trong xác thịt và được phục sinh để trở nên Linh ban-sự-sống (1Cô. 15:45), Ngài mới tiết lộ tính tam nhất huyền nhiệm của Ngài cho các môn đồ bằng những lời đơn giản (Gi. 14:-17:), nói rằng Con ở trong Cha và Cha ở trong Con (14:9-11), rằng Linh là sự biến hình của Con (14:16-20), cả Ba đồng tồn tại và đồng ở trong nhau, đang cứ ở với tín đồ để họ vui hưởng (14:23; 16:7-10; 17:21-23), và rằng tất cả những gì Cha có là của Con và tất cả những gì Con sở hữu được Linh nhận lãnh để khải thị cho tín đồ (16:13-15). Một Đấng Tam Nhất như thế hoàn toàn có liên quan đến sự ban phát của Đức Chúa Trời đã-trải-qua-tiến-trình vào trong tín đồ Ngài (14:17, 20; 15:4-5), để họ có thể là một trong và với Đức Chúa Trời Tam Nhất (17:21-23).
MỐI LIÊN HIỆP HỮU CƠ VỚI ĐỨC CHÚA TRỜI ĐÃ-TRẢI-QUA-TIẾN-TRÌNH
Sau khi phục sinh, Đấng Christ truyền cho các môn đồ Ngài đi môn đồ hoá muôn dân, làm báp-têm cho họ vào trong danh Cha, Con và Thánh Linh (Ma. 28:19), tức là đem những người tin vào trong Đức Chúa Trời Tam Nhất, vào trong mối liên hiệp hữu cơ với Đức Chúa Trời đã-trải-qua-tiến-trình, Đấng đã trải qua sự nhục hoá, đời sống làm người, sự đóng đinh và đã bước vào trong sự phục sinh. Chính dựa trên mối liên hiệp hữu cơ như thế mà ở lời kết luận Thư thứ hai gởi cho người Cô-rin-tô, vị sứ đồ chúc phước cho tín đồ bằng Đấng Tam Nhất phước hạnh, trong dự phần ân điển của Con, với tình thương yêu của Cha, qua sự tương giao của Linh. Trong Đấng Tam Nhất này, Đức Chúa Trời Cha vận hành mọi sự trong mọi thành viên trong Hội thánh tức là Thân Thể của Đấng Christ, qua chức vụ của Chúa, Đức Chúa Trời Con bởi ân tứ của Đức Chúa Trời Linh (1Cô. 12:4-16).
ĐỨC CHÚA TRỜI TAM NHẤT SẢN SINH HỘI THÁNH
Toàn bộ sự khải thị thần thượng trong Sách Ê-phê-sô liên quan đến việc sản sinh, hiện hữu, lớn lên, xây dựng và chiến đấu của Hội thánh là Thân Thể Đấng Christ thì bao gồm gia tể thần thượng này, tức là việc ban phát Đức Chúa Trời Tam Nhất vào trong các Chi Thể của Thân Thể Đấng Christ. Chương 1, khải thị thể nào Đức Chúa Trời Cha lựa chọn và tiền định những Chi Thể này trong cõi đời đời (cc. 4-5), Đức Chúa Trời Con cứu chuộc họ (cc. 6-12), và Đức Chúa Trời Linh đóng ấn họ như là của đặt cọc (cc. 13-14), vì thế, truyền chính Ngài vào trong tín đồ để hình thành Hội thánh là Thân Thể Đấng Christ, tức sự đầy đủ của Đấng làm đầy dẫy mọi sự trong mọi sự (cc. 18-23). Chương 2, cho chúng ta thấy rằng trong Đấng Tam Nhất thần thượng, tất cả tín đồ, cả người Do Thái lẫn người phi Do Thái, đều có con đường để đến với Đức Chúa Trời Cha, qua Đức Chúa Trời Con, trong Đức Chúa Trời Linh (c. 18). Chương này cũng chỉ ra rằng cả Ba vẫn đồng hiện hữu và đồng ở trong nhau, thậm chí sau tất cả những tiến trình nhục hoá, đời sống làm người, đóng đinh và phục sinh. Trong chương 3, vị sứ đồ cầu nguyện để Đức Chúa Trời Cha ban cho tín đồ được mạnh mẽ qua Đức Chúa Trời Linh trong người bề trong của họ, để Đấng Christ, tức Đức Chúa Trời Con, có thể lập nhà Ngài trong lòng họ, nghĩa là có thể chiếm hữu toàn bản thể của họ để họ có thể được đầy dẫy cho đến mọi sự đầy đủ của Đức Chúa Trời (cc. 14-19). Đây là đỉnh điểm của Đức Chúa Trời Tam Nhất trong tính Tam Nhất của Ngài để tín đồ kinh nghiệm và dự phần trong Đấng Christ. Chương 4, mô tả thể nào Đức Chúa Trời đã-trải-qua-tiến-trình như là Linh, là Chúa và là Cha được hòa quyện với Thân Thể Đấng Christ (cc. 4-6) để mọi Chi Thể của Thân Thể có thể kinh nghiệm Đấng Tam Nhất thần thượng này. Chương 5, khuyên tín đồ ngợi khen Chúa, tức Đức Chúa Trời Con bằng những bài hát của Đức Chúa Trời Linh và cảm tạ trong danh của Chúa Jesus Christ chúng ta, tức Đức Chúa Trời Con, cho Đức Chúa Trời Cha (cc. 19-20). Đây là lời ngợi khen và cảm tạ Đức Chúa Trời đã-trải-qua-tiến-trình trong tính tam nhất thần thượng của Ngài để chúng ta vui hưởng Ngài là Đức Chúa Trời Tam Nhất. Chương 6, hướng dẫn chúng ta đánh trận thuộc linh bằng cách được làm cho mạnh mẽ trong Chúa, Đức Chúa Trời Con, mặc lấy cả khí giáp của Đức Chúa Trời Cha và dùng gươm của Đức Chúa Trời Linh (cc. 10, 11, 17). Đây là kinh nghiệm và sự vui hưởng của tín đồ đối với Đức Chúa Trời Tam Nhất thậm chí ngay trong chiến trận thuộc linh.
ĐỨC CHÚA TRỜI TAM NHẤT ĐỂ CHÚNG TA VUI HƯỞNG VÀ DỰ PHẦN
Trong các Thư của mình, sứ đồ Phi-e-rơ khẳng định tính tam nhất này của Đức Chúa Trời để tín đồ vui hưởng bằng cách nói với họ về sự tuyển chọn của Đức Chúa Trời Cha, sự thánh hoá của Đức Chúa Trời Linh và sự cứu chuộc của Jesus Christ, tức Đức Chúa Trời Con bởi huyết Ngài (1 Phi. 1:2). Và sứ đồ Giăng cũng làm mạnh mẽ khải thị về Đấng Tam Nhất thần thượng để tín đồ được dự phần trong Đức Chúa Trời Tam Nhất đã-trải-qua-tiến-trình. Trong sách Khải Thị, ông chúc phước cho các Hội thánh trong các địa phương khác nhau bằng ân điển và bình an từ Đức Chúa Trời Cha, Đấng hiện có, đã có và còn đến, và từ Đức Chúa Trời Linh, tức bảy Linh ở trước ngai của Ngài, và từ Đức Chúa Trời Con, là Jesus Christ, Chứng Nhân thành tín, Con Trưởng từ kẻ chết, và Đấng Cai Trị các Vua trên đất (1:4-5). Lời chúc phước này của Giăng cho các Hội thánh cũng cho thấy rằng Đức Chúa Trời Tam Nhất đã-trải-qua-tiến-trình trong tất cả những gì Ngài là như là Cha đời đời, trong tất cả những gì Ngài có thể làm như là Linh tăng cường gấp bảy, và trong tất cả những gì Ngài đã đạt được và đoạt được như là Con được xức dầu, để tín đồ vui hưởng hầu cho họ có thể trở thành chứng cớ tập thể của Ngài như những giá đèn vàng (1: 9, 11, 20).
Vì thế, điều hiển nhiên là sự khải thị thần thượng về tính tam nhất của Thần Cách trong Lời Thánh, từ Sáng Thế Kí đến Khải Thị, không phải để nghiên cứu thần học nhưng để hiểu được thể nào Đức Chúa Trời trong tính tam nhất huyền nhiệm và lạ lùng của Ngài đã ban phát chính Ngài vào trong những người được chọn hầu cho chúng ta là những người được chọn và được chuộc của Ngài có thể dự phần, kinh nghiệm, vui hưởng và sở hữu Đức Chúa Trời Tam Nhất đã-trải-qua-tiến-trình bây giờ và cho đến đời đời, như đã được chỉ ra trong lời chúc phước của vị sứ đồ cho tín đồ Cô-rin-tô.
--Hết tác phẩm