MANG SỰ CHẾT CỦA
JESUS VÀ SỰ ĐỔI MỚI NGƯỜI BỀ TRONG (2)
Đọc Kinh Thánh: 2
Cô-rin-tô 4:10-18
Trong 4:10, Phao-lô
nói: “thân thể hằng mang sự chết của Jesus, hầu cho sự sống của Jesus cũng được
tỏ ra trong thân thể chúng tôi”. Trong câu này, Phao-lô nói “mang sự chết của
Jesus”. Tại sao ông dùng cách diễn đạt này ở đây? Để trả lời cho câu hỏi này,
chúng ta cần xem lại một lần nữa Jesus là ai.
Căn nguyên, nguồn gốc
của con người Jesus là Đức Chúa Trời. Jesus là Đức Chúa Trời nhục hoá, Đức Chúa
Trời được hoài thai trong tử cung của một trinh nữ. Bên ngoài, Jesus là một con
người nhưng bên trong Ngài là Đức Chúa Trời. Vì thế, Jesus không đơn giản. Người
Na-xa-rét này là một con người kỳ diệu. Khi còn sống trên đất, bề ngoài Ngài thấp
hèn trong mọi phương diện. Ngài sinh ra trong máng cỏ, và Ngài lớn lên trong
nhà của một người thợ mộc nghèo ở một thị trấn bị khinh miệt là Na-xa-rét. Tuy
nhiên, bên trong Jesus thật vinh hiển vì Đức Chúa Trời chí cao ở trong Ngài. Bề
ngoài, Jesus là một người thấp hèn; bên trong Ngài là Đức Chúa Trời chí cao. Quả
thật, Jesus thật kỳ diệu.
SỰ CHẾT CỦA JESUS
Bây giờ, chúng ta
tiếp tục xem điều gì đó về sự chết của Jesus. Khi nhiều Cơ Đốc nhân đề cập đến
sự chết của Christ, sự hiểu biết của họ chỉ hạn chế trong sự cứu chuộc. Theo
quan niệm của họ, sự chết của Jesus chỉ vì sự cứu chuộc. Thường thì họ trích
câu Kinh Thánh nói rằng: “Kìa, Chiên Con của Đức Chúa Trời là Đấng cất tội lỗi
thế gian đi!” (Giăng 1:29). Hoàn toàn đúng vì sự chết của Đấng Christ là vì sự
cứu chuộc. Chúng ta tin điều này giống như nhiều Cơ Đốc nhân khác đã tin, nếu
không muốn nói là còn hơn nữa. Tuy nhiên, sự cứu chuộc chỉ là một phương diện của
sự chết của Đấng Christ. Sự chết của Ngài cũng có nhiều phương diện khác nữa.
Trong 2 Cô-rin-tô
chương 4, chúng ta thấy phương diện không phải là sự cứu chuộc cũng không phải
truyền đạt sự sống mà là phá huỷ, tiêu hao. Theo chương này, sự chết của Jesus
là để làm tiêu hao, làm hao mòn người bề ngoài của chúng ta. Vì lí do này,
Phao-lô nói trong 4:16 rằng: “người bề ngoài của chúng tôi đang hư nát”.
Dù con người Jesus
là Đức Chúa Trời nhục hoá, Đức Chúa Trời trở thành người, nhưng ngay cả người bề
ngoài của Ngài cũng cần phải bị tiêu hao. Theo tình trạng bên ngoài, Chuá Jesus
thấp hèn. Nhưng theo ý nghĩa thuộc linh, Chuá Jesus không phải là một người tầm
thường. Trái lại, Jesus tương đương với toàn bộ sáng tạo cũ. Khi Ngài chịu đóng
đinh, Ngài không chỉ là một người từ Na-xa-rét là người đã chết trên thập tự
giá. Khi Jesus chịu đóng đinh, toàn bộ sáng tạo cũ, bao gồm tất cả chúng ta,
cũng bị đóng đinh. Chuá Jesus chết để hoàn thành mục đích đời đời của Đức Chúa
Trời chứ không chỉ để hoàn thành sự cứu chuộc.
Mục tiêu đầu tiên
trong mục đích đời đời của Đức Chúa Trời là kết liễu sáng tạo cũ. Chuá Jesus,
là Đức Chúa Trời trở thành người, là một phần của sáng tạo cũ. Không phải qua sự
nhục hoá mà Ngài trở thành người trong sáng tạo mới. Đúng ra, qua sự nhục hoá,
Ngài trở thành người trong sáng tạo cũ, một người cần bị tiêu hao.
Ở tuổi ba mươi,
Chuá Jesus đi ra thi hành chức vụ. Trong suốt ba năm rưỡi chức vụ của Ngài,
Ngài liên tục bị đặt vào sự chết. Là một người trưởng thành ở tuổi ba mươi,
Ngài liên tục ở dưới tiến trình bị giết chết. Đừng nghĩ rằng Jesus chịu đóng
đinh chỉ trong sáu giờ đồng hồ trên thập tự giá vật chất. Không, ít nhất là ba
năm rưỡi Ngài chịu đóng đinh mỗi ngày. Mỗi ngày, Ngài đã sống một đời sống chịu
đóng đinh.
Hằng ngày, Chuá
Jesus bị đóng đinh trên thập tự giá. Có khi mẹ Ngài đóng đinh Ngài. Có khi
Phi-e-rơ hay môn đồ nào đó đóng đinh Ngài. Jesus bị đóng đinh trên thập tự giá
thậm chí bởi tình yêu của các môn đồ. Ví dụ, càng yêu Chuá Jesus, Phi-e-rơ càng
đóng đinh Ngài. Vì thế, trước khi Ngài bị người La-mã đóng đinh theo nghĩa đen,
Jesus đã bị đóng đinh nhiều lần bởi mẹ Ngài, anh em Ngài và các môn đồ Ngài.
Trong Giăng chương 7, chúng ta có ví dụ về Chuá bị anh em Ngài đóng đinh.
Thật ra, trong suốt
ba năm rưỡi chức vụ của Ngài, Chuá Jesus không chủ yếu đang sống—Ngài đang chết.
Ngài đang sống một đời sống chịu đóng đinh. Đây là điều mà Phao-lô muốn nói bằng
cụm từ mang sự chết của Jesus. Đó là sự đóng đinh chậm chậm, từ từ và liên tục.
Bây giờ, chúng ta
có thể hiểu rằng Chuá Jesus chịu đóng đinh không chỉ trong suốt sáu giờ Ngài ở
trên thập tự giá theo nghĩa đen. Trong ít nhất là ba năm rưỡi, Ngài chịu đóng
đinh cách liên tục, dần dần, và từ từ. Trong những lời của Phao-lô, sự đóng
đinh dần dần này là mang sự chết của Jesus.
CHẾT HẰNG NGÀY
Các sứ đồ được Chuá
chỉ định theo Ngài. Họ được Ngài chỉ định không để thực hiện một công tác vĩ đại,
nhưng để sống một loại sự sống nào đó. Do đó, họ không hoàn thành công tác bằng
cách đi theo một Đấng Christ là Đấng vĩ đại bên ngoài. Họ đi theo con người
Jesus để sống một sự sống của một con người nhỏ bé. Đây không phải là sự sống
được hoan nghênh; đó là sự sống bị khước từ, một đời sống luôn luôn chịu đóng
đinh, luôn luôn mang sự chết. Jesus đã sống loại sự sống này, và những người
theo Ngài, các sứ đồ cũng vậy. Đây là lí do Phao-lô nói rằng thân thể họ hằng
mang sự chết của Jesus.
Đi theo Jesus người
Na-xa-rét là bị giết chết; chứ không phải để hoàn thành một công tác vĩ đại.
Hơn nữa, tử đạo trong phút chốc thì khá dễ dàng. Nhưng bị giết chết dần dần, từ
từ, và liên tục thì cực kỳ khó. Chết dần liên quan nhiều đến sự chịu khổ hơn là
chịu tử đạo tức thì. Trong ít nhất là ba năm rưỡi, Chuá Jesus dần dần mang lấy
sự chết. Đây cũng là kinh nghiệm của Phao-lô trong một khoảng thời gian kéo
dài. Đi đâu, ông cũng kinh nghiệm thân thể hằng mang sự chết của Jesus. Nói đến
vấn đề này trong 1 Cô-rin-tô 15:31, ông nói: “Tôi chết mỗi ngày”. Ở đây, dường
như Phao-lô muốn nói “thay vì sống, tôi thật sự đang chết mỗi ngày. Tôi đang trải
qua sự giết chết từ từ, dần dần và liên tục”. Sự giết chết liên tục này là những
gì mà Phao-lô muốn nói bằng cụm từ mang sự chết của Jesus.
TIÊU HAO NGƯỜI BỀ
NGOÀI
Mang sự chết của
Jesus là tiêu hao sáng tạo cũ trong chúng ta. Khi Jesus, Con Đức Chúa Trời trở
thành người, Ngài vừa có phần bên ngoài biểu thị cho sáng tạo cũ vừa có phần
bên trong biểu thị cho Đức Chúa Trời đời đời. Phần bên ngoài bị tiêu hao, bị đem
đến sự chết nhưng phần bên trong vươn lên, phục sinh. Điều này đúng với Chuá
Jesus, đúng với các sứ đồ và cũng đúng với tất cả tín đồ.
Qua sự sinh ra tự
nhiên, chúng ta trở thành người của sáng tạo cũ, và qua sự tái sinh, chúng ta
trở thành người của sáng tạo mới. Là những người được tái sinh, chúng ta vẫn
còn phần bề ngoài biểu thị cho sáng tạo cũ. Phần này cần phải bị tiêu hao, cần
phải bị hao mòn, cần phải bị tiêu trừ. Nhưng đồng thời, chúng ta có phần bên
trong biểu thị cho Đức Chúa Trời đời đời. Phần này nên được phát triển, được phục
sinh và được đổi mới.
Mang sự chết của
Jesus có liên quan đến người bề ngoài, là phần cần phải được tiêu hao. Là tín đồ
đích thực, tất cả chúng ta đều có một phần của bản thể chúng ta mà Phao-lô mô tả
là người bề ngoài. Người bề ngoài này đang hư hoại; nó đang bị tiêu hao, đang bị
tàn phá, đang bị hao sờn. Việc hao sờn này xuất phát từ người bề ngoài là việc
mang sự chết của Jesus. Do đó, mang sự chết của Jesus thật ra là đồng nghĩa với
việc tiêu hao người bề ngoài. Trong sự khôi phục của Chuá, chúng ta đang kinh
nghiệm việc mang sự chết của Jesus để tiêu hao người bề ngoài. Chúng ta đang trải
qua một tiến trình của sự giết chết, một tiến trình đặt người bề ngoài vào chỗ
chết.
Giả sử một anh em
trẻ nào đó rất thông minh. Trong nhiều nhóm Cơ Đốc, người trẻ thông minh như thế
có thể được ngưỡng mộ và được tôn cao. Tuy nhiên, trong nếp sống Hội thánh
trong sự khôi phục của Chuá, thay vì được tôn lên, người đó sẽ kinh nghiệm việc
mang sự chết của Jesus. Trong sự khôi phục, dường như càng thông minh càng bị
đóng đinh trên thập tự giá.
Công tác đóng đinh
này thường được Chuá hoàn thành qua những người chung quanh chúng ta, nhất là
những người trong đời sống gia đình của chúng ta. Ví dụ, trước khi một chị em
trẻ bước vào trong nếp sống Hội thánh, có thể rất hiếm khi người chồng gây khó
cho chị. Bây giờ chị ở trong sự khôi phục, dường như chồng chị rất khó. Chị em
này không nên trách móc chồng. Chuá toàn năng trên ngai đang dùng chồng của chị
em này để làm tiêu hao sáng tạo cũ của chị, tức người bề ngoài của chị. Dường
như Chuá đã cho người chồng có bổn phận thực hiện công tác đóng đinh vợ trên thập
tự giá. Chị em này có thể khóc và kêu la với Chuá, nói với Ngài rằng chị không
thể chịu đựng điều này. Tuy nhiên, công tác đóng đinh này còn đến nhiều hơn nữa
và chị em này cần phải sẵn sàng đón nhận. Có thể Chuá dùng chồng của chị đóng một
cây đinh, nhưng Ngài có thể dùng nhiều anh chị em, thậm chí trưởng lão trong Hội
thánh để đóng nhiều đinh hơn nữa. Khi đó có thể chị em này nói: “Con không thể
chịu nổi tình trạng với chồng hay với Hội thánh. Tại sao các trưởng lão lại gây
khó cho con như thế?” Lí do là Chuá đang dùng nhiều người khác nhau để đóng
đinh chị em này trên thập tự giá, tức là làm tiêu hao người bề ngoài của chị.
Khi một số thánh đồ
không vui với Hội thánh tại địa phương của mình, có thể họ muốn chuyển đi nơi
khác. Vì các thánh đồ đang đóng đinh họ trên thập tự giá, đặt họ vào chỗ chết
nên họ muốn đi đến một Hội thánh nơi mà họ cho rằng tình hình sẽ khác đi. Thật
ra, nếu họ chuyển đi vì mục đích tránh việc mang lấy sự chết của Jesus thì có
thể họ kinh nghiệm điều này ở một địa phương khác thậm chí còn nhiều hơn.
Nếu anh em không thể
thông suốt với Hội thánh ở một địa phương, điều này cho thấy anh em không thể
thông suốt với bất kỳ Hội thánh địa phương nào. Thay vì chuyển từ nơi này đến
nơi khác, hãy cứ ở lại nơi anh em đang ở và để cho thánh đồ đặt anh em vào chỗ
chết.
Hơn nữa, khóc cho
tình trạng của mình là một dấu hiệu cho thấy anh em chưa bị đóng đinh. Một người
chết không còn rơi nước mắt. Nếu vẫn còn khóc về kinh nghiệm của việc đang bị
tiêu hao thì điều này cho thấy rằng anh em cần mang lấy sự chết của Jesus nhiều
hơn nữa. Hãy cứ ở nơi anh em đang ở cho đến khi anh em được đóng đinh hoàn
toàn.
ĐIỂM ĐẾN CỦA CHÚNG
TA—SỰ PHỤC SINH
Khi có người nghe
những lời này về việc mang sự chết của Jesus, có thể họ nói: “Ô! Chúng ta có phần
định kinh khủng quá trong sự khôi phục! Chúng ta đang bị đóng đinh, đang bị
tiêu hao, bị đặt vào chỗ chết”. Việc mang lấy sự chết của Jesus có thể là phần
định của chúng ta, nhưng đó không phải là điểm đến của chúng ta. Điểm đến của
chúng ta là sự phục sinh. Người nào không sẵn sàng chịu đóng đinh có thể chịu
khổ. Nhưng những người sẵn sàng chịu đóng đinh sẽ kinh nghiệm sự vui mừng. Họ sẽ
vui mừng trong sự phục sinh.
Trong 4:14, Phao-lô
làm rõ điểm đến của chúng ta là sự phục sinh: “Vì biết rằng Đấng đã khiến Chuá
Jesus sống lại, cũng sẽ khiến chúng tôi đồng sống lại với Jesus, và trình diện
chúng tôi với anh em cho Ngài”. Ở đây, Phao-lô không nói bị chôn với Jesus hay
bị đóng đinh với Jesus, nhưng nói được sống lại, được phục sinh với Jesus. Đây
là tuyên ngôn chiến thắng. Tuyên ngôn này cho thấy rằng điểm đến của chúng ta
là sự phục sinh. Nếp sống Hội thánh trong sự khôi phục của Chuá dường như có thể
là bàn thờ, là nơi giết con sinh. Thật ra, nếp sống Hội thánh là sự vui hưởng
trong sự phục sinh. Từ giây phút sẵn sàng chịu đóng đinh, anh em có thể có sự
vui mừng này trong sự phục sinh. Khi đó, có thể anh em sẽ hối tiếc vì không chịu
đóng đinh trong quá khứ. Anh em có thể tự nhủ: “Nếu tôi sẵn sàng chịu đóng đinh
nhiều hơn thì ngày nay tôi sẽ có sự vui mừng nhiều hơn!”. Vì điểm đến của chúng
ta là sự phục sinh nên chúng ta sẽ không khóc do bị đặt vào chỗ chết. Thay vì
thế, với một linh mạnh mẽ chúng ta nên vui mừng trong sự phục sinh.
LINH CỦA ĐỨC TIN
2 Cô-rin-tô 4:13
chép: “Vì chúng tôi có đồng một lòng tin (linh của đức tin), y như có chép:
‘Tôi đã tin cho nên tôi nói’, chúng tôi cũng tin, cho nên chúng tôi cũng nói’”.
Linh ở đây là linh hoà quyện, Linh thần thượng được hoà quyện với nhân linh được
tái sinh.
Trong lời bình luận
về câu này, cả Alfort và Vincent đều nói về linh hoà quyện, nhưng điều họ nói
khá mơ hồ. Alfort nói: “Không hẳn là Thánh Linh—nhưng cũng không hẳn là tính
khí con người: Thánh Linh nội cư dầm thấm và là đặc điểm của cả con người được
đổi mới”. Một mặt, Alfort nói về Thánh Linh. Mặt khác, ông cho thấy rằng điều
gì đó thuộc con người cũng có liên quan, được biểu thị bởi từ tính khí. Thật
ra, điều mà Alfort nói đến là nhân linh. Vincent nói: “Linh của đức tin: không
hẳn là Thánh Linh, mặt khác cũng không hẳn là khả năng hay tính khí của con người,
nhưng cả hai hoà quyện”. Lời bình của Vincent là sự cải tiến dựa trên lời bình
của Alfort. Từ khả năng chắc chắn là một sự cải tiến hơn từ tính khí. Hơn nữa,
Vincent nói về sự hoà quyện của Linh với một khả năng của con người cụ thể. Sự
hoà quyện này thật ra là sự hoà quyện của Thánh Linh với nhân linh chúng ta.
Ngày nay, chúng ta
có một sự phát ngôn xác quyết và rõ ràng hơn. Chúng ta không cần dùng từ tính
khí hay từ khả năng để mô tả linh của đức tin trong 4:13, vì chúng ta biết rằng
linh này là linh của chúng ta hoà quyện với Thánh Linh. Chúng ta phải vận dụng
linh như thế để tin và nói, như tác giả Thi Thiên đã làm (Thi Thiên 116:10), những
điều chúng ta kinh nghiệm Chuá, nhất là sự chết và sự phục sinh của Ngài. Đức
tin ở trong Linh chúng ta là đức tin được hoà quyện với Thánh Linh chứ không phải
trong tâm trí chúng ta. Sự nghi ngờ thì ở trong tâm trí. Linh ở đây cho thấy rằng
chính bởi linh hoà quyện mà các sứ đồ đã sống một đời sống chịu đóng đinh trong
sự phục sinh để thực hiện chức vụ của họ.
---