Thứ Hai, 16 tháng 10, 2017

2 CÔ-RIN-TÔ BÀI 14



CHỨC VỤ CỦA GIAO ƯỚC MỚI (7)
Kinh Thánh: 2 Cô-rin-tô 5:16-21
VI. ĐƯỢC GIAO PHÓ CHỨC VỤ GIẢI HOÀ VÌ SÁNG TẠO MỚI CỦA CHUÁ
Trong 5:16-21, chúng ta thấy các sứ đồ đã được giao phó chức vụ giải hoà vì sáng tạo mới của Chuá. Sau khi nói về phẩm chất của các chấp sự giao ước mới trong chương 3 và 4, Phao-lô bảo rằng ông mong mỏi được cất lên và lập chí cho đẹp lòng Chuá, không phải bởi làm việc vì Ngài nhưng chỉ bởi sống Ngài. Tự phát, những người như thế có chức vụ đem người khác hoàn toàn trở lại với Chuá. Đây là chức vụ giải hoà.
Theo ngữ cảnh, chức vụ giải hoà là sứ mạng được ban cho các sứ đồ. Là những người trưởng thành và sẵn sàng để được cất lên, các sứ đồ được Chuá giao phó đem người khác hoàn toàn trở lại với Đức Chúa Trời. Đây là sự giải hoà trọn vẹn và triệt để.
Trong 2 Cô-rin-tô chương 5, chúng ta thấy rằng sự giải hoà có hai bước. Con người sa ngã không thể hoàn toàn được đem trở lại với Đức Chúa Trời chỉ bởi bước thứ nhất nên cần phải có bước thứ hai. Khi Phao-lô nói về chức vụ của ông đem người khác trở lại với Đức Chúa Trời, tự nhiên ông giới thiệu một quang cảnh rõ ràng về hai bước giải hoà.

Hai bước này được hình bóng bởi hai bức màn trong đền tạm. Có một bức màn phân cách Nơi Thánh trong đền tạm với Nơi Chí Thánh. Có một bức màn khác, được gọi là bức màn thứ nhất trong Hê-bơ-rơ chương 9, ở ngay lối vào đền tạm. Trong việc dịch Xuất Ai Cập Kí, chúng ta nói bức màn thứ nhất này như là màn che. Chức năng của màn che là để giữ những điều tiêu cực (như là côn trùng) và cho phép những điều tích cực vào trong. Bức màn thứ hai, tức bức màn phân rẽ Nơi Thánh với Nơi Chí Thánh, được gọi là bức màn, không phải là màn che. Khu vực bên ngoài đền tạm là sân ngoài. Theo hình bóng học, sân ngoài làm hình bóng cho thế gian. Do đó, đền tạm trong sân ngoài tượng trưng cho nơi ở của Đức Chúa Trời trong thế gian. Trong thế gian, có một nơi để Đức Chúa Trời cư ngụ, và nơi đó là đền tạm.
Toàn bộ nhân loại đều ở trong thế gian, bên ngoài đền tạm. Nhưng hễ khi nào một người ăn năn và muốn quay lại với Đức Chúa Trời thì người đó đến với bàn thờ. Bàn thờ tượng trưng cho thập tự giá, nơi Đấng Christ đã chết để cứu chuộc chúng ta. Trong Cựu Ước, sinh tế được dâng cho Đức Chúa Trời để chuộc tội. Nhưng trong Tân Ước, Christ đã chết trên thập tự giá để cứu chuộc. Theo hình bóng của Cựu Ước, có sự đền tội, nhưng theo sự ứng nghiệm trong Tân Ước thì có sự cứu chuộc. Trong sân ngoài cũng có một thùng rửa, có nước dùng để rửa. Một khi một người ăn năn, đã được cứu chuộc, và đã kinh nghiệm sự rửa sạch thì người đó có thể vào Nơi Thánh. Điều này là được giải hoà với Đức Chúa Trời. Do đó, trải qua bức màn thứ nhất tượng trưng cho bước thứ nhất của một tội nhân, một kẻ phản loạn được đem lại với Đức Chúa Trời và được giải hoà với Ngài.
Tín đồ Cô-rin-tô đã có lần là tội nhân và kẻ phản loạn, nhưng họ đã được giải hoà với Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, họ vẫn còn ở trong Nơi Thánh, chứ chưa ở trong Nơi Chí Thánh. Mục đích của Phao-lô trong 1 và 2 Cô-rin-tô là đem những tín đồ này vào Nơi Chí Thánh.
Trong cuốn Gia Tể Của Đức Chúa Trời, tôi đã chỉ ra rằng sân ngoài tương ứng với Ai Cập, đồng vắng tương ứng với Nơi Thánh, và miền đất tốt lành, vùng đất Ca-na-an tương ứng với Nơi Chí Thánh. Vì con cái Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai Cập và vào trong đồng vắng là tương đương với việc rời khỏi sân ngoài mà vào trong Nơi Thánh. Đây chính là tình trạng của tín đồ Cô-rin-tô. Như con cái Israel lang thang trong đồng vắng, thì cũng vậy, những tín đồ này đang lang thang trong hồn, đặc biệt là trong tâm trí. Vì họ đang lang thang trong Nơi Thánh của hồn nên Phao-lô đã viết hai thư này với mục đích đem họ vào trong linh, nơi Christ đang ở. Linh cũng liên hệ đến miền đất tốt lành và Nơi Chí Thánh.
Tín đồ Cô-rin-tô đã kinh nghiệm bước thứ nhất của sự giải hoà nhưng họ chưa kinh nghiệm bước thứ hai. Họ chưa hoàn toàn được giải hoà với Đức Chúa Trời. Giống như có bức màn giữa Nơi Thánh và Nơi Chí Thánh, thì cũng vậy, vẫn còn một bức màn giữa người Cô-rin-tô và Đức Chúa Trời. Theo Hê-bơ-rơ 10:20, bức màn này là xác thịt. Xác thịt là bức màn ngăn người Cô-rin-tô khỏi sự hiện diện trực tiếp của Đức Chúa Trời trong Nơi Chí Thánh.
Phao-lô và những chấp sự khác của giao ước mới là những người đã được cấu tạo Đức Chúa Trời Tam-nhất đã-trải-qua-tiến-trình và là những người đã trưởng thành trong sự sống, chắc chắn đã ở trong Nơi Chí Thánh. Họ sống trong linh, và họ đã chín, sẵn sàng để được cất lên. Mục tiêu duy nhất của họ là làm đẹp lòng Chuá bằng cách sống Ngài. Là những con người như thế, tự phát họ có thể đem người khác hoàn toàn trở lại với Đức Chúa Trời. Vì lí do này, cuối chương 5, Phao-lô chỉ ra rằng những chấp sự của giao ước mới là những người tìm cách không chỉ để phục hoà tội nhân với Đức Chúa Trời mà còn phục hoà tín đồ với Đức Chúa Trời cách đầy đủ. Những chấp sự này của giao ước mới có đủ phẩm chất để đem bất cứ người nào được hoàn toàn giải hoà với Ngài để trở lại với Đức Chúa Trời.
Hễ khi nào chúng ta chưa được đem trở lại với Đức Chúa Trời cách đầy đủ thì chúng ta vẫn cần ai đó giống như các sứ đồ đem chúng ta trở lại với Ngài. Đó không phải là khoảng cách giữa chúng ta với Đức Chúa Trời lớn hay nhỏ. Chúng ta cần được hoàn toàn giải hoà với Đức Chúa Trời. Chức vụ của giao ước mới là đem người khác trở lại với Đức Chúa Trời một cách đầy đủ và thấu đáo, đó là để giải hoà chúng ta với Đức Chúa Trời một cách hoàn toàn và trọn vẹn.
A. SÁNG TẠO MỚI TRONG CHRIST
1. Không Nhận Biết Ai Theo Xác Thịt
2 Cô-rin-tô 5:16 chép: “Bởi đó cho nên từ nay chúng tôi không nhận biết ai theo xác thịt nữa; dầu chúng tôi từng nhận biết Christ theo xác thịt, song hiện nay chẳng còn nhận biết Ngài cách ấy nữa”. Vì các sứ đồ xét rằng sự chết của Christ làm cho tất cả chúng ta, qua sự phục sinh của Ngài, thành một Người Mới, là người không thuộc xác thịt, nên từ đó trở đi, họ không nhận biết ai theo xác thịt. Họ đã nhận biết Christ theo cách này nhưng bây giờ họ không nhận biết Ngài theo cách này nữa.
Biết người khác theo xác thịt là biết theo sáng tạo cũ. Nhưng biết người khác theo linh là biết theo sáng tạo mới. Trước đây, khi còn là Sau-lơ người Tạt-sơ, Phao-lô đã biết Christ theo xác thịt. Ông xem Ngài chỉ là một người Na-xa-rét. Tất cả dân Do Thái đều nhận biết Christ theo cách này, tức theo xác thịt. Nhưng sau khi ông kinh nghiệm trên đường đến Đa-mách, quan điểm của Phao-lô đã thay đổi từ việc biết Christ theo xác thịt đến việc biết Ngài theo linh. Ông cũng học tập để không nhận biết các thánh đồ theo xác thịt nhưng theo linh.
2. Người Ở Trong Christ Là Sáng Tạo Mới
Câu 17 chép: “Vậy, nếu ai ở trong Christ, thì nấy là người được dựng nên mới (một sáng tạo mới); những sự cũ đã qua đi, nầy, mọi sự đều trở nên mới”. Câu này xác quyết những gì đã đề cập trong câu 16. Các sứ đồ nhận biết con người không theo xác thịt, vì hễ ai ở trong Christ thì đều là sáng tạo mới. Những sự cũ của xác thịt đã qua đi nhờ sự chết của Đấng Christ, và mọi sự đã trở nên mới trong sự phục sinh của Christ. Ở trong Christ là làm một với Ngài trong sự sống và bản chất. Điều này thuộc về Đức Chúa Trời qua đức tin của chúng ta trong Christ (1Cô. 1:30; Ga. 3:26-28).
Sáng tạo cũ không có sự sống và bản chất thần thượng, nhưng sáng tạo mới, tức tín đồ được Đức Chúa Trời sanh lại thì có (Giăng 1:13; 3:15; 2Phi. 1:4). Do đó, họ là sáng tạo mới (Ga. 6:15), không theo bản chất cũ của xác thịt nhưng theo bản chất mới của sự sống thần thượng.
Từ ngữ “Này, mọi sự đều trở nên mới”, là một lời kêu gọi nhìn xem sự thay đổi lạ lùng của sáng tạo mới. Từ “mọi sự” nói đến những điều cũ.
Một mặt, Phao-lô xem người Cô-rin-tô là sáng tạo cũ vì họ vẫn còn sống trong xác thịt. Tuy nhiên, mặt khác, Phao-lô xem họ là sáng tạo mới vì ông biết rằng họ ở trong Christ. Vì họ ở trong Christ nên những điều cũ đã qua đi rồi và họ là sáng tạo mới.
B. Sứ Mạng Của Chức Vụ Giải Hoà
1. Mọi Sự Của Đức Chúa Trời
Câu 18 tiếp: “Mọi sự đều ra từ Đức Chúa Trời, Ngài đã nhờ Christ mà khiến chúng ta hoà lại với Ngài, và giao cho chúng ta chức vụ giải hoà”. Chữ “mọi sự” ở đây nói đến tất cả những điều tích cực được đề cập trong câu 14 đến 21, trong đó Đức Chúa Trời là Đấng Căn Nguyên và là Đấng Khởi Xướng. Chính do Đức Chúa Trời mà Christ đã chết để cứu chúng ta khỏi sự chết hầu chúng ta có thể sống Ngài. Chính do Đức Chúa Trời mà chúng ta trở nên sáng tạo mới trong Christ. Chính do Đức Chúa Trời mà Christ bị làm nên tội vì chúng ta hầu chúng ta có thể trở nên sự công chính của Đức Chúa Trời trong Ngài. Chính do Đức Chúa Trời mà thế gian được giải hoà với chính Ngài. Và chính do Đức Chúa Trời mà các sứ đồ được làm sứ giả của Đấng Christ, được uỷ thác để thay mặt Ngài giải hoà con người với Đức Chúa Trời hầu cho họ có thể trở thành sự công chính của Đức Chúa Trời và là sáng tạo mới để hoàn thành mục đích đời đời của Đức Chúa Trời.
Phao-lô tin chắc rằng các sứ đồ đã hoàn toàn được giải hoà với Đức Chúa Trời. Họ đã kinh nghiệm cả hai bước giải hoà và vì thế họ ở trong Nơi Chí Thánh. Đức Chúa Trời đã giải hoà họ cho chính Ngài qua Christ và ban cho họ chức vụ giải hoà. Vì họ đã được đem lại cho Đức Chúa Trời nên họ có chức vụ giải hoà người khác lại với Đức Chúa Trời. Trong Thư Tín này, Phao-lô không tìm cách để phục hoà tội nhân cho Đức Chúa Trời. Đúng ra, ông đang tìm cách để đem tín đồ vào trong kinh nghiệm đầy đủ về sự giải hoà. Ông đang tìm cách để đem họ không phải từ sân ngoài vào trong đền tạm mà là đem họ từ Nơi Thánh, nơi mà họ đang nấn ná, vào trong Nơi Chí Thánh.
Trong câu 19, Phao-lô nói: “Ấy là Đức Chúa Trời vốn ở trong Christ, khiến cho thế gian hoà lại với Ngài, chẳng kể cho họ sự quá phạm của họ, và đã uỷ thác lời giải hoà cho chúng tôi”. Từ giải hoà là từ dành cho chức vụ (c. 18).
2. Khâm Sai Của Christ
Trong câu 20, Phao-lô nói tiếp: “Vậy, chúng tôi là khâm sai của Christ, cũng như Đức Chúa Trời bởi chúng tôi mà nài khuyên; chúng tôi thay thế Christ mà xin anh em hãy hoà lại với Đức Chúa Trời”. Phao-lô dùng từ “khâm sai” cho thấy rằng các sứ đồ được uỷ thác bằng một chức vụ rõ ràng; họ đại diện cho Christ để hoàn thành mục đích của Đức Chúa Trời.
Trong câu 19, chính thế gian phục hoà với Đức Chúa Trời; trong câu 20, chính tín đồ, những người đã phục hoà với Đức Chúa Trời rồi, là những người cần được phục hoà với Đức Chúa Trời hơn nữa. Điều này cho thấy rõ ràng có hai bước để con người hoàn toàn được hoà lại với Đức Chúa Trời. Bước thứ nhất là tội nhân được giải hoà với Đức Chúa Trời khỏi tội. Vì mục đích này, Christ đã chết cho các tội phạm của chúng ta (1Cô. 15:3) hầu cho các tội phạm đó có thể được Đức Chúa Trời tha thứ. Đây là phương diện khách quan về sự chết của Đấng Christ. Trong phương diện này, Ngài đã đem các tội phạm của chúng ta lên thập tự giá hầu cho chúng có thể bị Đức Chúa Trời phán xét trên Ngài cho chúng ta. Bước thứ hai là tín đồ đang sống trong sự sống thiên nhiên được giải hoà với Đức Chúa Trời khỏi xác thịt. Vì mục đích này, Christ đã chết cho chúng ta—những con người—hầu cho chúng ta có thể sống Ngài trong sự sống phục sinh (2Cô. 5:14-15). Đây là phương diện chủ quan về sự chết của Đấng Christ. Trong phương diện này, Ngài đã bị làm nên tội vì chúng ta hầu cho chúng ta có thể bị Đức Chúa Trời phán xét và kết liễu để có thể trở nên sự công chính của Đức Chúa Trời trong Ngài. Bởi hai phương diện này của sự chết Ngài mà Ngài đã hoàn toàn giải hoà những người được chọn của Đức Chúa Trời lại với Đức Chúa Trời.
Chúng tôi đã chỉ ra rằng hai bước của sự giải hoà này được minh hoạ rõ ràng bởi hai bức màn của đền tạm. Bức màn thứ nhất được gọi là màn che (Xuất. 26:37, nguyên văn). Một tội nhân được đem đến với Đức Chúa Trời qua sự giải hoà của huyết chuộc tội để vào trong Nơi Thánh ngang qua bức màn này. Điều này làm hình bóng cho bước thứ nhất của sự giải hoà. Bức màn thứ hai (Xuất. 26:31-35; Hê. 9:3) vẫn còn phân rẽ người đó khỏi Đức Chúa Trời là Đấng ở trong Nơi Chí Thánh. Bức màn cần được xé ra để người đó có thể được đem đến Đức Chúa Trời trong Nơi Chí Thánh. Đây là bước thứ hai của sự giải hoà. Tín đồ Cô-rin-tô đã được phục hoà với Đức Chúa Trời, đã đi qua bức màn thứ nhất và bước vào trong Nơi Thánh. Tuy nhiên, họ vẫn còn sống trong xác thịt. Họ cần đi qua bức màn thứ hai, là bức màn đã được xé ra rồi (Mat. 27:51; Hê. 10:20) để vào trong Nơi Chí Thánh sống với Đức Chúa Trời trong linh (1Cô. 6:17). Mục đích của Thư Tín này là đem họ đến đây để họ có thể là những người ở trong linh (1Cô. 2:14), trong Nơi Chí Thánh. Đây là điều mà vị sứ đồ muốn nói “được giải hoà với Đức Chúa Trời”. Điều này là để trình bày cho họ về một sự lớn lên đầy đủ trong Christ (Côl. 1:28).
Tôi muốn nhấn mạnh đến cụm từ “được giải hoà với Đức Chúa Trời” trong 5:20 không phải nói cho những kẻ phản loạn và cho tội nhân ở sân ngoài, nhưng nói cho tín đồ ở trong Nơi Thánh. Dường như Phao-lô đang nói: “Hỡi người Cô-rin-tô, những tín đồ yêu dấu trong Christ, anh em cần được giải hoà với Đức Chúa Trời hơn nữa. Có thể anh em nói mình đã được giải hoà với Ngài rồi. Vâng, anh em đã được giải hoà nhưng anh em chỉ mới được giải hoà một nửa. Anh em có bước thứ nhất của sự giải hoà. Bây giờ, anh em phải đi tiếp bước thứ hai và phải hoàn toàn được giải hoà với Đức Chúa Trời. Anh em đã được giải hoà với Đức Chúa Trời từ sân ngoài đến Nơi Thánh. Nhưng Đức Chúa Trời không ở trong Nơi Thánh mà ở trong Nơi Chí Thánh. Anh em đã được giải hoà với Đức Chúa Trời qua một bức màn, nhưng vẫn còn một bức màn khác phân rẽ anh em khỏi Đức Chúa Trời. Bức màn này là chính anh em, xác thịt của anh em, sự sống thiên nhiên của anh em. Như tôi đã nói với anh em rồi, anh em Cô-rin-tô ơi, anh em vẫn còn rất xác thịt. Hễ khi nào anh em ở trong xác thịt thì không ở trong Nơi Chí Thánh. Vì bức màn xác thịt, bức màn sự sống thiên nhiên vẫn cứ ở với anh em nên anh em chưa ở trong Nơi Chí Thánh. Hỡi người Cô-rin-tô, gánh nặng của tôi là giúp anh em nhận ra rằng bức màn thứ hai này đã được xé rồi và anh em phải từ chối xác thịt mình và phải đóng đinh nó. Vì thế, đối với anh em là những người đã được hoà lại với Đức Chúa Trời phần nào đó, tôi đưa ra lời này: “Hãy được giải hoà với Đức Chúa Trời cách đầy đủ”.
C. Nền Tảng Của Sự Giải Hoà
1. Đấng Christ Không Biết Tội
Câu 21 chép: “Đức Chúa Trời đã khiến cho Đấng vốn chẳng biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta, hầu cho chúng ta ở trong Ngài được trở nên sự công nghĩa của Đức Chúa Trời”. Phao-lô dạn dĩ nói Đức Chúa Trời làm cho Đấng Christ trở nên tội vì chúng ta. Vì Christ biết mọi sự, vậy thì làm thế nào Phao-lô có thể nói rằng Ngài không biết tội? Christ không biết tội theo kinh nghiệm bởi tiếp xúc hoặc theo kinh nghiệm cá nhân (xem Giăng 8:46; 1 Phi. 2:22; Hê. 4:15; 7:26). Trong Kinh Thánh, từ “biết” thường có ý nghĩa sâu hơn là biết điều gì đó chỉ theo tâm trí. Theo Ma-thi-ơ 7:23, một ngày nào đó, Chuá Jesus sẽ nói với người làm việc cách bất pháp: “Ta không biết”. Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa là Chuá không biết họ. Cùng một nguyên tắc như vậy trong 2 Cô-rin-tô 5:21. Theo kinh nghiệm, trong sự tiếp xúc trực tiếp, Chuá Jesus không liên quan gì đến tội, và Ngài không biết tội.
2. Đức Chúa Trời Làm Cho Christ Trở Nên Tội Vì Chúng Ta
Tội đến từ Sa-tan là kẻ phản loạn chống lại Đức Chúa Trời (Ês. 14:12-15) đã vào trong con người (La. 5:12), và làm cho con người không chỉ là tội nhân mà trở nên chính tội dưới sự phán xét của Đức Chúa Trời. Vì thế, khi Christ trở nên một người trong xác thịt (Giăng 1:14), Ngài không có tội mà bị làm nên tội vì chúng ta để được Đức Chúa Trời phán xét (La. 8:3) hầu cho chúng ta có thể trở thành sự công chính của Đức Chúa Trời trong Ngài.
Để hiểu ý nghĩa việc nói rằng Đức Chúa Trời làm cho Christ trở nên tội vì chúng ta, chúng ta cần đọc Giăng 1:14 và La-mã 8:3. Giăng 1:14 nói rằng Lời, tức là chính Đức Chúa Trời, đã trở nên xác thịt. Xác thịt nói đến con người sa ngã. Khi Đấng Christ trở nên người thì con người đã sa ngã rồi. Con người sa ngã này là xác thịt. Vì thế, khi Christ trở nên con người, Ngài trở nên xác thịt. Khi đặt Giăng 1:14 với 2 Cô-rin-tô 5:21 lại với nhau, chúng ta thấy rằng khi Christ trở nên xác thịt, Ngài bị làm nên tội. Trong cách nhìn của Đức Chúa Trời, chúng ta là xác thịt sa ngã, chúng ta thật sự là tội. Chúng ta không chỉ có tội và không chỉ là tội nhân—chúng ta là chính tội. Vì Christ trở nên xác thịt, nên theo ý nghĩa này, Ngài đã bị làm nên tội vì chúng ta.
La-mã 8:3 chép: “Đức Chúa Trời đã vì tội mà sai chính Con Ngài lấy hình trạng của xác thịt của tội, và định tội cho tội ở trong xác thịt”. Vâng, Christ được làm nên tội. Nhưng câu này bảo rằng Ngài ở trong hình trạng của xác thịt tội lỗi. Điều này có nghĩa là Ngài được làm thành hình trạng của tội. Đây là điều được tượng trưng bởi hình bóng con rắn bằng đồng. Khi con cái Israel bị rắn cắn, họ nhận lấy bản chất nọc độc của rắn. Trong cách nhìn của Đức Chúa Trời, tất cả họ đã trở thành rắn. Do đó, Đức Chúa Trời bảo Môi-se treo con rắn bằng đồng trên cây sào. Con rắn bằng đồng này là hình bóng của Christ chết trên thập tự giá như là sự thay thế của chúng ta. Như Giăng 3:14 chỉ rõ con rắn trên cây sào này là hình bóng của Christ bị treo lên vì chúng ta. Như con rắn đó bị treo lên trên thập tự giá thì Christ cũng bị treo lên thập tự giá như vậy. Hơn nữa, con rắn bằng đồng có hình trạng mà không có bản chất nọc độc của rắn, thì cũng vậy, Đấng Christ có hình dạng, có hình trạng của xác thịt của tội nhưng thật ra Ngài không có bản chất tội. Ngài chỉ có hình dạng con rắn nhưng Ngài không có bản chất rắn.
Đối với chúng ta, để kinh nghiệm bước thứ nhất của sự giải hoà, thì Christ cần chết vì tội lỗi chúng ta. Trong 1 Cô-rin-tô 15:3, Phao-lô tuyên bố: “Christ chịu chết vì tội chúng ta”. Nhưng để chúng ta được giải hoà hơn nữa, thậm chí là đầy đủ với Đức Chúa Trời, thì Christ cũng cần chết cho chúng ta, chứ không chỉ cho tội lỗi chúng ta. Christ chết cho tội lỗi chúng ta là một điều, nhưng Ngài chết cho chúng ta là một điều khác. Christ chết cho các tội phạm chúng ta để các tội phạm chúng ta được Đức Chúa Trời tha thứ và cất đi. Christ cũng chết cho chúng ta để chúng ta có thể bị kết liễu. Việc Christ chết cho các tội phạm chúng ta hoàn thành bước thứ nhất của sự giải hoà, và việc Ngài chết cho chúng ta hoàn thành bước thứ hai.
Phao-lô có bước thứ hai này trong tâm trí khi ông nói: “Có một Người đã chết (vì) cho tất cả” (5:14). Theo câu này, Christ chết không phải vì các tội phạm mà Ngài chết vì con người. Phương diện khách quan về sự chết của Christ liên quan đến việc Ngài chết vì các tội phạm chúng ta. Nhưng phương diện chủ quan về sự chết của Christ liên quan đến việc Ngài chết vì chúng ta. Phương diện chủ quan này làm cho tín đồ có thể giải hoà với Đức Chúa Trời cách đầy đủ. Hơn nữa, trong phương diện khách quan về sự chết của Ngài, Christ đã mang lấy các tội phạm chúng ta. Tuy nhiên, trong phương diện chủ quan, Ngài đã trở nên tội. Ngày nay, có nhiều sự dạy dỗ giữa vòng Cơ Đốc nhân về việc Christ chết cho các tội phạm chúng ta và gánh vác các tội phạm chúng ta, nhưng không có nhiều sự dạy dỗ nói về Christ được làm nên tội thay cho chúng ta.
Vì là con người sa ngã, chúng ta là tội, nên Christ bị làm nên tội thật ra có nghĩa là Ngài trở thành chúng ta. Phương diện chủ quan về sự chết của Christ đem chúng ta đến sự chết. Theo La-mã 8:3, Đức Chúa Trời đoán phạt tội trong xác thịt. Điều này có nghĩa là Ngài đoán phạt chúng ta; Ngài đoán phạt con người thiên nhiên. Hơn nữa, bức màn, tức con người thiên nhiên, sự sống thiên nhiên, xác thịt bị xé đôi qua phương diện chủ quan về sự chết của Christ. Khi tội bị đoán phạt và khi bức màn bị xé đôi thì chúng ta bị kết liễu. Kết quả là, bức màn thứ hai được cất đi và chúng ta có thể được hoàn toàn giải hoà với Đức Chúa Trời. Do đó, chúng ta không nên cứ ở trong Nơi Thánh; chúng ta nên tiến vào Nơi Chí Thánh. Hơn nữa, chúng ta không còn nhận biết người khác theo xác thịt nữa, mà nhận biết người khác theo linh.
Quan điểm của Phao-lô trong chương này là chỉ cho chúng ta thấy rằng là chấp sự của giao ước mới, các sứ đồ là những người có thể tự phát đem người khác về với Đức Chúa Trời một cách đầy đủ và triệt để. Tôi muốn nhờ anh em so sánh tình trạng của những chấp sự Tân Ước với tình trạng của những Cơ Đốc nhân ngày nay. Một số người được đem lại với Đức Chúa Trời chỉ trên danh nghĩa. Họ đang ở trong sân ngoài. Tình trạng của người khác thì tốt hơn. Họ được đem lại với Đức Chúa Trời trong Nơi Thánh. Những Cơ Đốc nhân đích thực, được Linh tái sinh, được huyết tẩy sạch, và được cứu, tất cả đều được đem vào trong Nơi Thánh. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn sống trong xác thịt, trong sự sống thiên nhiên, và một số vẫn còn sống trong tội gớm ghiếc. Những người ở trong sân ngoài có thể đem người khác vào trong sân ngoài nhưng không xa hơn được. Cũng vậy, Cơ Đốc nhân đích thực là người ở trong Nơi Thánh đã được đem vào đó bởi những người đã ở trong Nơi Thánh rồi. Họ đã được giải hoà với Đức Chúa Trời ở mức độ này nhưng không đạt đến mức độ đầy đủ. Anh em có thể đem người khác bao xa? Anh em có thể đem người khác đến gần Đức Chúa Trời bao nhiêu? Điều đó phụ thuộc vào việc anh em được giải hoà với Ngài bấy nhiêu. Những người đã được anh em đem đến với Đức Chúa Trời không thể tiến xa hơn anh em. Nếu anh em vào trong Nơi Thánh, anh em chỉ có thể đem người khác vào đó. Nếu anh em ở lối vào của Nơi Thánh, anh em chỉ có thể đem người khác đến lối vào. Nhưng nếu anh em ở ngay trung tâm của Nơi Thánh, anh em có thể đem người khác đến đó. Vấn đề ở đây là chúng ta chỉ có thể đem người khác đến mức mà chính chúng ta đã đến.
Đây là tư tưởng của Phao-lô trong chương 5. Ở đây, dường như Phao-lô đang nói: “Tất cả các sứ đồ chúng tôi đều được đem vào trong Nơi Chí Thánh. Đức Chúa Trời đã giải hoà chúng tôi với chính Ngài cách đầy đủ và triệt để. Do đó, tự phát Ngài giao cho chúng tôi một sứ mạng giải hoà người khác với Đức Chúa Trời cách đầy đủ và triệt để. Vì chúng tôi đã được giải hoà với Ngài đến mức độ này nên chúng tôi có thể giúp người khác được giải hoà đến mức độ đó”.
Các chấp sự của giao ước mới đã được giải hoà với Đức Chúa Trời đến mức tối đa. Tất cả các bức màn đều được cất đi, và không có gì ngăn cách giữa họ với Đức Chúa Trời. Họ được giải hoà với Đức Chúa Trời hoàn toàn và cũng được cấu tạo Đức Chúa Trời Tam-Nhất cách triệt để. Họ ăn ở theo sự cấu tạo của họ. Họ sống một đời sống chịu đóng đinh để biểu lộ lẽ thật và chiếu sáng Phúc Âm, và họ đã trưởng thành, đã chín muồi và sẵn sàng để được cất lên. Mục tiêu duy nhất , tham vọng duy nhất của họ là cho đẹp lòng Chuá bằng cách sống Ngài. Đây là những người có thể đem người khác trở lại với Đức Chúa Trời cách hoàn toàn. Vì họ ở trong Nơi Chí Thánh nên họ cũng có thể đem người khác đến đó.
3. Trở Thành Sự Công Chính Của Đức Chúa Trời Trong Christ
Cuối cùng, những người đã được đem lại với Đức Chúa Trời trong Nơi Chí Thánh sẽ vui hưởng Christ đến cực điểm và thậm chí trở thành sự công chính của Đức Chúa Trời trong Ngài. Phao-lô nói về điều này trong 5:21: “hầu cho chúng ta ở trong Ngài được trở nên sự công chính của Đức Chúa Trời”. Sự công chính lưu xuất từ Đức Chúa Trời vì sự quản trị của Ngài (Thi. 89:14; 97:2; Ês. 32:1) tức Christ là sự công chính của chúng ta (Phil. 3:9; 1Cô. 1:30), làm cho chúng ta thành sự công chính của Đức Chúa Trời trong Ngài, không chỉ công chính trước mặt Đức Chúa Trời. Qua sự cứu chuộc của Ngài, con người là tội nhân thậm chí là tội, được làm thành sự công chính của Đức Chúa Trời, được giải hoà với Đức Chúa Trời công chính, và là một sáng tạo mới, sống Ngài vì mục đích đời đời của Đức Chúa Trời. Các sứ đồ được uỷ thác để cung ứng một Đấng Christ như thế, với tất cả những kết quả vinh hiển về thành tựu lạ lùng của Ngài cho tín đồ Ngài, tức là những chi thể của Ngài để hình thành nên Thân Thể Ngài. Sự ngợi khen và vinh hiển dành cho Ngài đời đời!
Cụm từ “trong Ngài” có nghĩa là trong sự liên hiệp với Christ, không chỉ về mặt địa vị mà còn về mặt hữu cơ trong sự phục sinh. Chúng ta là kẻ thù của Đức Chúa Trời (Côl. 1:21) bởi đã trở nên tội, tức tội đến từ kẻ phản loạn chống lại Đức Chúa Trời. Christ được làm nên tội vì chúng ta bằng cách trở nên một với chúng ta qua sự nhục hoá. Vì chúng ta mà Đức Chúa Trời đoán phạt Ngài trong xác thịt như là tội, qua sự chết của Ngài hầu cho chúng ta có thể làm một với Ngài trong sự phục sinh của Ngài để trở thành sự công chính của Đức Chúa Trời. Bởi sự công chính này mà chúng ta, tức kẻ thù của Đức Chúa Trời có thể được và đã được phục hoà với Đức Chúa Trời (2Cô. 5:18-20; La. 5;10).
Trong sự liên hiệp hữu cơ với Christ, những người mà đã được hoàn toàn đem lại với Đức Chúa Trời thì được trở nên sự công chính của Đức Chúa Trời. Họ không chỉ công chính mà họ là sự công chính của Đức Chúa Trời. Điều này có nghĩa là họ không chỉ trở nên những người công chính mà còn trở nên chính sự công chính.
Đức Chúa Trời muốn có một dân trên đất tức những người không chỉ là những người công chính; Ngài muốn một dân mà trong cách nhìn của Đức Chúa Trời, của ma quỉ, của thiên sứ, và của các quỉ, dân ấy là chính sự công chính của Đức Chúa Trời. Được làm nên công chính trước mặt Đức Chúa Trời là một điều; trở thành sự công chính của Đức Chúa Trời là một điều khác. Trở thành sự công chính của Đức Chúa Trời là sự vui hưởng cao nhất Đức Chúa Trời Tam-Nhất trong Christ.
Trong A-đam, chúng ta sa ngã thấp hèn đến nỗi chúng ta đã trở nên tội. Không chỉ chúng ta tội lỗi trước mặt Đức Chúa Trời mà chúng ta còn trở nên chính tội. Nhưng bây giờ trong Christ đã được hoàn toàn đem lại với Đức Chúa Trời, chúng ta có thể vui hưởng Christ đến mức mà trong Ngài, chúng ta trở nên sự công chính của Đức Chúa Trời. Thật là một sự cứu rỗi! Thật là một sự giải hoà! Có sự vui hưởng này là ở trên đỉnh của sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, ở trên đỉnh của Si-ôn thánh của chúng ta.-
-