NHỮNG CHẤP SỰ CỦA
GIAO ƯỚC MỚI (10)
Đọc Kinh Thánh:
2Cô. 6:3-13
Trong 6:4-7a,
Phao-lô liệt kê mười tám phẩm chất của những chấp sự giao ước mới: nhẫn nại, hoạn
nạn, thiếu thốn, khốn khổ, đòn vọt, lao tù, hỗn loạn, cần lao, không ngủ, không
ăn, trong sạch, tri thức, kiên nhẫn, nhân từ, một linh thánh, tình yêu không giả
dối, lời chân thật, và quyền năng của Đức Chúa Trời. Từ giữa câu 7 đến câu 10,
Phao-lô nói đến ba nhóm sự việc và bảy loại người. Bây giờ chúng ta hãy xem các
nhóm và những loại người này.
BA NHÓM
Bởi Khí Giới Công
Chính Ở Bên Hữu Bên Tả
Trong câu 7 Phao-lô
nói: “bởi khí giới công chính ở bên hữu bên tả”. Điều này cho thấy rằng đời sống
của các sứ đồ vì chức vụ của họ là một đời sống chiến trận, đánh trận cho Vương
Quốc Đức Chúa Trời. Những khí giới của sự công chính được dùng để đánh trận để
được đúng đắn với Đức Chúa Trời và con người theo sự công chính của Đức Chúa Trời
(Mat. 6:33; 5:6, 10, 20). Khí giới ở bên hữu, như gươm để tấn công, và những
khí giới bên tả như khiên để bảo vệ.
Bởi Vinh Hay Nhục
Trong phần đầu câu
8, Phao-lô nói: “nào bởi vinh hay nhục; nào bởi tiếng xấu hay tiếng tốt”. Vinh
đến từ Đức Chúa Trời và những người yêu Ngài. Nhục đến từ ma quỉ và những kẻ
theo hắn. Nếu muốn làm chấp sự đúng đắn của giao ước mới, thì trong kinh nghiệm,
chúng ta sẽ luôn luôn nhận hai loại đánh giá phẩm chất. Một số người sẽ cho
chúng ta là vinh và nói chúng ta tuyệt vời, còn những người khác buộc tội chúng
ta là nghèo nàn đáng thương và chất nhục trên chúng ta.
Bởi Tiếng Xấu Hay
Tiếng Tốt
Tiếng xấu đến từ những
kẻ chống đối và những kẻ buộc tội (Mat. 5:11). Tiếng tốt đến từ tín đồ và những
người nhận lẽ thật được các sứ đồ rao giảng và dạy dỗ. Trải nhiều năm, đây là
tình trạng của chúng ta. Chúng ta đã nhận cả tiếng xấu lẫn tiếng tốt. Nếu lúc
nào anh em cũng chỉ nhận tiếng tốt thì có lẽ anh em không chân thật và trung
tín với Chuá. Nếu anh em trung tín với Chuá và chân thật với Hội thánh và các
thánh đồ thì anh em sẽ nhận tiếng xấu cũng như tiếng tốt.
BẢY LOẠI NGƯỜI
Nào Như Kẻ Lừa Dối
Mà Lại Thành Thật
Càng về cuối câu 8,
Phao-lô nói “nào như kẻ lừa dối mà lại thành thật”. Như thể các sứ đồ là những
kẻ lừa dối trong mắt của người Giu-đa, người của những tôn giáo khác và những
triết gia, nhưng họ thành thật trong mắt của những người yêu lẽ thật của Đức
Chúa Trời.
Trong Ma-thi-ơ
10:16, Chuá Jesus phán: “Vậy, hãy khôn ngoan như rắn và hiền lành như chim bồ
câu”. Người khác có thể cáo buộc chúng ta là rắn, là những kẻ lừa dối; nhưng
chúng ta phải hiền lành, chân thật như bồ câu. Tất cả chúng ta cần học để khôn
ngoan như rắn. Nếu không, chúng ta sẽ không “như những kẻ lừa dối”. Đây là có
hình dạng của rắn nhưng không có bản chất độc của rắn. Chúng ta nên học để khôn
ngoan như rắn, tức là như rắn trong hình dạng chứ không trong thực tại. Hãy để
người khác nói chúng ta là những kẻ lừa dối, nói chúng ta là rắn. Tuy nhiên,
chúng ta thật sự chân thật, vì không có nọc độc của rắn bên trong chúng ta.
Nào Như Kẻ Xa Lạ Mà
Lại Là Kẻ Quen Biết Lắm
Trong câu 9,
Phao-lô nói: “nào như xa lạ mà lại quen biết lắm”. Các sứ đồ như xa lạ trong đó
họ không trình bày chính họ. Nhưng họ như quen biết theo cách mang lấy chứng cớ
cho lẽ thật của Đức Chúa Trời. Chúng ta cũng nên xa lạ theo ý nghĩa không quảng
cáo chính mình hay phô diễn chính mình. Kết quả là người khác không biết chúng
ta. Tuy nhiên, đồng thời chúng ta có thể như quen biết lắm vì chúng ta làm chứng
lẽ thật của Đức Chúa Trời. Trước hết chúng ta nên như xa lạ rồi sau đó nên như
quen biết. Đừng háo danh bằng cách quảng cáo chính mình nhưng phải trung tín
luôn luôn làm chứng về lẽ thật của Đức Chúa Trời cho người khác.
Nào Như Gần Chết,
Mà Nay Vẫn Sống
Các sứ đồ như gần
chết khi chịu những bắt bớ (1:8-10; 4:11; 1Cô. 15:31). Nhưng họ vẫn sống trong
sự phục sinh của Chuá (2Cô. 4:10-11). Chúng ta cũng nên là những người bị đặt đến
chỗ chết, là những người như gần chết, và cũng là những người đang sống trong sự
phục sinh.
Nào Như Bị Trừng Phạt
Mà Lại Không Đến Bị Giết
Trong câu 9,
Phao-lô cũng nói: “Như bị trừng phạt mà lại không đến bị giết”. Trong sự nhận
thức nông cạn của những kẻ chống đối, như thể các sứ đồ bị trừng phạt. Nhưng
trong sự chăm sóc mang tính tể trị của Chuá, họ không đến nỗi bị giết. Khi
chúng ta đang chịu khổ, những người có quan niệm nông cạn về những sự việc có
thể nói: “Những người này bị Đức Chúa Trời trừng phạt. Nếu họ không bị Đức Chúa
Trời trừng phạt thì tại sao họ phải chịu khổ nhiều đến thế?” Tuy nhiên, vào
chính thời điểm mà chúng ta chịu khổ, chúng ta vẫn ở dưới sự chăm sóc mang tính
tể trị của Chuá và không đến nỗi chết. Vì thế, chúng ta đang chịu khổ nhưng vẫn
sống.
Nào Như Buồn Rầu Mà
Lại Vui Mừng Luôn Luôn
Các sứ đồ bị làm
cho buồn rầu bởi những tình trạng tiêu cực của các Hội thánh (11:28). Nhưng họ
luôn luôn vui mừng trong ân điển toàn túc và sự sống phục sinh của Đấng Christ
(12:9-10).
Nào Như Nghèo Nhặt
Mà Lại Làm Cho Nhiều Người Được Giàu Có
Trong câu 10,
Phao-lô cũng nói về các sứ đồ: “Nào như nghèo nhặt mà lại làm cho nhiều người
được giàu có”. Họ nghèo vật chất nhưng lại làm cho nhiều người giàu có thuộc
linh (Êph. 3:8).
Nào Như Không Có Gì
Cả Mà Lại Có Đủ Mọi Sự
Cuối cùng, trong
câu 10, Phao-lô nói: “Nào như không có gì cả mà lại có đủ mọi sự”. Họ như không
có gì cả theo cách của con người, nhưng có đủ mọi sự trong gia tể thần thượng.
Chúng ta cần tự hỏi
mình có bảy loại người như được mô tả trong những câu này không. Chúng ta cũng
nên kiểm tra chính mình về mười tám phẩm chất đầu tiên và về ba nhóm sự việc.
Điều chúng ta có trong những câu này là mười tám cái “trong”, ba cái “bởi”, và
bảy cái “nào như”. Về bảy loại người, chúng ta nên là những người như kẻ lừa dối
nhưng thành thật, kẻ xa lạ nhưng quen biết, kẻ gần chết nhưng vẫn còn sống, kẻ
bị trừng phạt nhưng không đến nỗi chết, kẻ buồn rầu nhưng luôn luôn vui mừng, kẻ
nghèo nhặt nhưng làm cho người khác giàu có, và kẻ như không có gì cả nhưng có
đủ mọi sự. Về một phương diện, dường như chúng ta là những người lừa dối, xa lạ,
gần chết, bị trừng phạt, bị làm cho buồn rầu, nghèo nhặt, và không có gì cả. Về
phương diện khác, chúng ta nên thành thật, quen biết, sống, không đến nỗi chết,
luôn luôn vui mừng, làm cho người khác giàu có, và có đủ mọi sự. Không chỉ
chúng ta nên giàu có thuộc linh mà cũng nên làm cho người khác giàu có. Hơn nữa,
chúng ta nên được quen biết lắm ít nhất là đối với các thiên sứ.
Miệng Hả Ra, Lòng Mở
Rộng Đối Với Tín Đồ
Trong câu 11
Phao-lô nói tiếp: “Hỡi người Cô-rin-tô, đối với anh em, miệng chúng tôi hả ra,
lòng chúng tôi mở rộng”. Các sứ đồ hoàn toàn trưởng thành và thích-ứng-tất-cả
như được miêu tả trong câu 3 đến câu 10 là miệng hả và lòng mở rộng đối với tín
đồ. Với lòng mở rộng, họ có thể ôm lấy tất cả tín đồ bất kể tình trạng của họ,
và với miệng mở rộng, họ tự do nói với tất cả tín đồ một cách thẳng thắn về
tình trạng thật mà tín đồ đang bị lầm lạc. Loại mở rộng này là cần thiết để giải
hoà, để đem những tín đồ lầm lạc hay bị sai lệch về với Đức Chúa Trời.
Trong câu 12
Phao-lô nói tiếp: “Anh em hẹp hòi chẳng phải tại chúng tôi, bèn là tại chính
anh em hẹp dạ”. Là trẻ con (c.13), tín đồ Cô-rin-tô hẹp dạ đối với các sứ đồ.
Con trẻ rất hẹp hòi trong tình cảm bề trong và dễ dàng bị tổn thương bởi những
người điều chỉnh chúng. Theo nghĩa đen của tiếng Hy Lạp, “các phần bên trong” ở
đây là lòng da. Cùng một từ với từ tình cảm trong 7:15. Cùng một từ được dùng
trong Phi-líp 1:8: “Vì Đức Chúa Trời làm chứng cho tôi thể nào tôi mong mỏi anh
em hết thảy trong các phần bên trong của Christ Jesus”. Từ Hy Lạp này nói đến
tình cảm bên trong, sự thương xót dịu dàng và sự cảm thông.
Trong 2 Cô-rin-tô
6:13, Phao-lô đưa ra yêu cầu cho người Cô-rin-tô: “Nay cũng hãy theo độ lượng ấy
mà đền đáp lại—tôi nói với anh em như nói với con trẻ—anh em cũng hãy mở rộng
lòng ra”. Vị sứ đồ muốn tín đồ Cô-rin-tô đáp lại ông bằng một tấm lòng mở rộng
để họ có thể tiếp nhận ông bằng tình cảm bên trong của họ.
Phao-lô dùng từ con
trẻ trong câu 13 cho thấy rằng tín đồ Cô-rin-tô quá trẻ con trong việc đền đáp
vị sứ đồ. Hơn nữa, nó cho thấy rằng trong việc xử lí họ, vị sứ đồ như một người
cha nói với con cái mình.
Trong câu này,
Phao-lô khuyên người Cô-rin-tô hãy rộng rãi. Rộng rãi đòi hỏi sự lớn lên và trưởng
thành trong sự sống. Đây là điều mà tín đồ Cô-rin-tô thiếu hụt (1Cô. 3:1, 6;
14:20). Vị sứ đồ đang lao khổ trên họ để bù đắp cho sự thiếu hụt đó. Rộng rãi bởi
lớn lên và trưởng thành trong sự sống thì tương đương với việc hoàn toàn được
giải hoà với Đức Chúa Trời, theo ngữ cảnh tiếp theo từ cuối chương 5. Viết theo
cách này, vị sứ đồ đang thực hiện chức vụ của ông để giải hoà tín đồ, là những
người đã được giải hoà với Đức Chúa Trời nhưng mới được một nửa.
2 Cô-rin-tô 6:3-13
cho chúng ta thấy được cứu rỗi trọn vẹn có nghĩa là gì. Trong những câu này,
chúng ta có gương mẫu của một người đã kinh nghiệm sự cứu rỗi trọn vẹn. Chúng
ta đã chứng minh rằng mình đã được cứu rỗi trọn vẹn bằng cách có một đời sống
thích-ứng-tất-cả. Vì thế, gương mẫu của sự cứu rỗi trọn vẹn là gương mẫu của một
đời sống thích-ứng-tất-cả.
Chúng ta không nên
nghĩ rằng sự sống thích-ứng-tất-cả được mô tả trong 6:3-13 chỉ dành cho những
người như Phao-lô. Không, mọi tín đồ đều có khả năng trở thành chấp sự Tân Ước.
Hễ ai đã được cứu rỗi trọn vẹn thì chắc chắn là chấp sự của giao ước mới với một
đời sống thích-ứng-tất-cả. Điều này có nghĩa là, là một tín đồ Tân Ước, nếu anh
em không phải là một chấp sự thoả đáng của giao ước mới thì anh em chưa được cứu
rỗi trọn vẹn. Nếu chúng ta đã được cứu rỗi trọn vẹn và có một đời sống thích-ứng-tất-cả
thì dù tình huống hay hoàn cảnh nào cũng tốt để cho chúng ta cung ứng sự sống
cho người khác. Chính bởi được cứu rỗi trọn vẹn mà chúng ta có đủ phẩm chất để
làm chi.
Đừng bao giờ nghĩ rằng
tất cả những phẩm chất trong những câu này chỉ dành cho Phao-lô hay những chấp
sự giao ước mới khác chứ không phải dành cho chúng ta. Phao-lô là gương mẫu của
những gì tất cả các tín đồ nên là. Điều Phao-lô có cũng là điều chúng ta cần
ngày nay. Tất cả chúng ta nên là những người có một đời sống thích-ứng-tất-cả.
Nếu muốn có một đời
sống thích-ứng-tất-cả, chúng ta cần một tấm lòng rộng mở, một tấm lòng ôm lấy tất
cả dân của Đức Chúa Trời. Không chỉ các sứ đồ và trưởng lão nên có một tấm lòng
như thế nhưng mỗi tín đồ trong Christ đều nên có một tấm lòng rộng mở. Nếu
chúng ta không thể mở rộng cách đúng đắn trong thời đại này thì Chuá sẽ mở rộng
chúng ta trong thời đại kế đến. Chắc chắn, lúc bước vào Giê-ru-sa-lem Mới,
chúng ta sẽ có một tấm lòng rộng mở. Ít nhất lúc đó chúng ta có thể nói: “Anh
Phao-lô, bây giờ tôi giống như anh. Anh có một tấm lòng rộng mở và tôi cũng có
một tấm lòng rộng mở”. Tuy nhiên, tôi hi vọng rằng chúng ta sẽ không chờ cho đến
thời đại kế tiếp để được rộng mở. Hãy mở rộng lòng ngày nay thì tốt hơn nhiều.
Mục tiêu của những
bài này là làm cho chúng ta rộng mở. Mục tiêu không phải là để chúng ta trở nên
những người vĩ đại. Tôi đã thấy nhiều người nổi tiếng nhưng tấm lòng của họ rất
hẹp hòi. Họ được xem là người vĩ đại, nhưng lòng của họ ti tiện. Tôi thích người
thấp hèn nhưng có tấm lòng rộng lớn, với một tấm lòng rộng mở để ôm lấy mọi tín
đồ trong Christ.
Hễ khi nào có mười
tám phẩm chất với chữ “trong”, ba chữ “bởi”, và bảy chữ “nào như ” thì chúng ta
đã thật sự được làm cho rộng mở. Mười tám chữ “trong” có thể được sắp xếp thành
chín cặp: trong nhiều sự nhẫn nại và trong hoạn nạn, trong thiếu thốn và trong
khốn khổ, trong đòn vọt và trong lao tù, trong hỗn loạn và trong lao khổ, trong
việc không ngủ và không ăn, trong sự trong sạch và trong tri thức, trong kiên
nhẫn và nhân từ, trong một linh thánh và trong tình yêu thương không giả dối,
trong lời chân thật và trong quyền năng của Đức Chúa Trời. Chúng tôi đã chỉ ra
rằng kiên nhẫn và nhân từ đi đôi với nhau. Khi chịu khổ, chúng ta cần nhân từ với
người khác. Cũng vậy, hỗn loạn và lao khổ đi đôi với nhau. Có vẻ như đây không
phải là một cặp; thực ra chúng tạo nên một cặp. Từ kinh nghiệm, chúng ta biết rằng
việc chúng ta lao khổ vì Chuá sẽ dấy lên sự chống đối, và sự chống đối này dẫn
đến hỗn loạn. Một linh thánh biệt và tình yêu không giả dối cũng là một cặp. Cuối
cùng, lời chân thật với quyền năng của Đức Chúa Trời đi đôi với nhau.
Điều ý nghĩa là
trong sự liệt kê của Phao-lô, nhẫn nại và hoạn nạn xếp đầu tiên, và lời chân thật
cùng với quyền năng của Đức Chúa Trời xếp sau cùng. Có lẽ chúng ta liệt kê cặp
này trước, lên đầu nhưng Phao-lô lại để ở sau cùng, ở đuôi. Ở đây, Phao-lô đang
nhấn mạnh đến một đời sống thích-ứng-tất-cả, một đời sống thích hợp với mọi
tình huống và không làm cho người khác vấp phạm. Ở đây, ông không nói nhiều về
lời chân thật và quyền năng của Đức Chúa Trời.
Là chấp sự của giao
ước mới, Phao-lô có một đời sống giúp đỡ người khác thay vì gây cho họ vấp phạm.
Đó là sự sống thích hợp trong mọi tình huống. Để làm loại người này, chúng ta cần
phải được làm cho rộng mở đến mức có mười tám phẩm chất theo chín cặp và những
phẩm chất với chữ “qua” và “nào như” thêm vào.
Những phẩm chất với
chữ “bởi” và chữ “nào như” cũng được sắp xếp theo từng cặp. Có ba cặp với chữ “bởi”:
bởi vinh và nhục, bởi tiếng xấu và tiếng tốt, bởi khí giới của sự công chính
bên hữu và bên tả. Có bảy cặp với chữ “nào như”: nào như kẻ lừa dối nhưng thành
thật, nào như kẻ xa lạ nhưng lại quen biết lắm, nào như chết nhưng vẫn sống,
nào như bị trừng phạt nhưng không đến nỗi chết, nào như bị buồn rầu nhưng luôn
luôn vui mừng, nào như nghèo khổ nhưng làm cho nhiều người được giàu có, và nào
như không có gì nhưng lại có mọi sự. Những người có tất cả những phẩm chất này
với những chữ “trong”, chữ “bởi”, và chữ “nào như” đã được làm cho rộng mở và
có một đời sống thích-ứng-tất-cả để trở thành những chấp sự đúng đắn của giao ước
mới.