Thứ Ba, 17 tháng 10, 2017

2 CÔ-RIN-TÔ BÀI 38



SỰ HOÀ QUYỆN GIỮA THẦN TÁNH VỚI NHÂN TÁNH
Đọc Kinh Thánh: 2 Cô-rin-tô 3:18; 4:7-15
NHỮNG BƯỚC CHÍNH TRONG SỰ CỨU RỖI TRỌN VẸN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Trong sự cứu rỗi trọn vẹn của Đức Chúa Trời, có nhiều bước chính. Những bước này gồm có sự cứu chuộc, sự tái sinh, sự biến đổi, và sự vinh hoá. Là tạo vật của Đức Chúa Trời, chúng ta được Ngài tạo dựng để hoàn thành mục đích của Ngài. Tuy nhiên, chúng ta đã sa ngã. Sa ngã là bị hư mất. Chúng ta bị hư mất vì chúng ta sa ngã thành tội. Nhưng Đức Chúa Trời đến làm người trong Thân Vị Con hầu Ngài có thể làm Đấng Cứu Chuộc của chúng ta. Là Đấng Cứu Chuộc của chúng ta, Christ đã chết trên thập tự giá vì các tội phạm của chúng ta. Dù chúng ta sa ngã và bị hư mất nhưng Đức Chúa Trời đã đến làm người để hoàn thành sự cứu chuộc và đem chúng ta trở lại với chính Ngài.
Tuy nhiên, sự cứu chuộc chỉ là giai đoạn khởi đầu của sự cứu rỗi trọn vẹn của Đức Chúa Trời. Khi tin Chuá Jesus, chúng ta được cứu chuộc cho Đức Chúa Trời. Nhưng đồng thời Linh của Đức Chúa Trời, với sự cứu chuộc của Đấng Christ làm cơ bản, đã bước vào trong bản thể chúng ta. Cụ thể, Linh vào trong linh chúng ta để tái sinh chúng ta, đem sự sống của Đức Chúa Trời vào trong linh đã chết của chúng ta và làm cho linh chúng ta được sống động. Như vậy, chúng ta được Đức Chúa Trời tái sinh. Được tái sinh không giống như được cha mẹ sinh ra để nhận sự sống vật lí mà là được Đức Chúa Trời sinh ra để nhận sự sống thuộc linh. Điều này có nghĩa là chính Đức Chúa Trời là sự sống vào trong linh chúng ta làm sự sống của chúng ta, bản chất của chúng ta và thân vị của chúng ta.

Trong kinh nghiệm của chúng ta, sự cứu chuộc và sự tái sinh xảy ra cùng một lúc. Chúng ta được cứu chuộc và được tha thứ các tội phạm. Kết quả là chúng ta được Đức Chúa Trời xưng công chính và được giải hoà với Ngài. Bây giờ, Đấng Christ đã chuộc chúng ta cho Đức Chúa Trời, giữa chúng ta với Đức Chúa Trời chẳng còn nan đề gì nữa. Đồng thời, chúng ta được tái sinh, được Đức Chúa Trời sinh lại. Qua sự tái sinh, chúng ta trở thành con cái Đức Chúa Trời.
SỰ BIẾN ĐỔI, SỰ CẤU TẠO, SỰ TÁI TỔ CHỨC
Giống như sự cứu chuộc, sự tái sinh chỉ là bắt đầu, giai đoạn khởi đầu của sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Giống như việc sinh là sự bắt đầu sự sống con người, thì cũng vậy, sự tái sinh là bắt đầu của sự sống thuộc linh. Sau sự tái sinh, chúng ta cần sự biến đổi.
Nếu hiểu ý nghĩa của sự biến đổi, chúng ta cần dùng thuật ngữ như là sự cấu tạo và sự tái tổ chức. Được dùng để nói về sự biến đổi, từ cấu tạo có nghĩa là một yếu tố nào đó được thêm vào trong bản thể chúng ta và được cấu tạo vào trong chúng ta. Dĩ nhiên, yếu tố được thêm vào trong chúng ta là yếu tố thần thượng. Trước khi được tái sinh, chúng ta không có yếu tố thần thượng. Dù tốt hay xấu, tất cả chúng ta đều chỉ sở hữu yếu tố con người. Những người sa ngã và những người được cúu chuộc thì giống nhau vì cả hai đều có yếu tố co
Chúng ta có thể ví mình như ly nước. Dù ly nước đó sạch hay dơ thì nó cũng chứa không gì khác hơn là nước. Không có nội dung nào khác cũng không có yếu tố nào khác. Do đó, điều ở trong ly không có hương vị hay màu sắc của bất cứ điều nào ngoại trừ nước. Tuy nhiên, nếu thêm trà vào ly nước này thì có một yếu tố khác được bỏ vào ly nước. Khi đó, hai thể chất, nước và trà, trà và nước hoà quyện với nhau. Sự hòa quyện này là điều mà chúng ta muốn nói đến sự cấu tạo. Nước được cấu tạo vào trong trà và trà được cấu tạo vào trong nước.
Tiếp tục dùng minh hoạ về nước và trà, tôi muốn chỉ ra rằng nước không thể trở thành trà nếu yếu tố trà không được thêm vào nước. Chỉ có một cách để nước trở thành trà và cách đó là thêm trà vào nước. Khi thêm yếu tố trà vào nước thì yếu tố này sẽ cấu tạo nước thành trà. Một khi nước đã thành trà thì nước có hai yếu tố: trà và nước. Ai uống trà này sẽ nhận được hai yếu tố đó. Người đó chỉ nhận một loại thức uống vào trong, nhưng nhận hai loại yếu tố. Người đó vui hưởng nước làm thoả cơn khát và trà cho họ một hương vị nào đó.
KHÔNG SINH RA THỰC THỂ THỨ BA
Tuy nhiên, chúng ta cần sáng tỏ rằng sự hòa quyện của trà và nước không sinh ra thực thể thứ ba, một thực thể không phải trà cũng không phải nước. Nói rằng yếu tố trà được hòa quyện với nước không có nghĩa là hai thực thể gốc này, trà và nước bị huỷ bỏ, không còn tồn tại nữa. Trái lại, nước vẫn là nước, và trà vẫn là trà. Sự khác nhau là một khi trà nước hòa quyện với nhau, chúng không còn tách biệt nữa. Chúng phân biệt nhưng không tách biệt, vì chúng được hòa quyện với nhau và được cấu tạo thành một thực thể, tức là một thức uống. Cùng một nguyên tắc, khi thần tánh được hòa quyện với nhân tánh, cả thần tánh lẫn nhân tánh vẫn tiếp tục tồn tại. Nói rằng sự hòa quyện này sinh ra một thực chất thứ ba là không đúng, tức là có điều gì đó không phải thần thượng cũng không phải con người.
BẮT ĐẦU SỰ HÒA QUYỆN
Khi được tái sinh, trà thần thượng được thêm vào trong chúng ta. Trước lúc đó, dù hành vi của chúng ta tốt hay xấu, chúng ta chỉ có yếu tố nhân tánh. Kẻ cướp ngân hàng với người đạo đức cao đều giống nhau vì không ai có yếu tố thần thượng nếu họ không được tái sinh. Chúng ta ngợi khen Chuá vì vào lúc chúng ta được tái sinh, Đức Chúa Trời bước vào trong bản thể chúng ta. Lúc đó, Thân Vị thần thượng cùng với sự sống thần thượng, bản chất thần thượng, và bản thể thần thượng được thêm vào trong chúng ta. Điều này làm nên một sự khác biệt lạ lùng! Bây giờ, là những người đã được cứu và được tái sinh, chúng ta có hai yếu tố—yếu tố con người và yếu tố thần thượng. Hơn nữa, chúng ta có sự sống thần thượng cũng như sự sống con người và bản chất thần thượng cũng như bản chất con người. Yếu tố thần tánh đã được thêm vào trong yếu tố nhân tánh của chúng ta.
Việc thêm yếu tố thần thượng vào trong bản thể chúng ta vào lúc tái sinh đánh dấu sự khởi đầu của sự hòa quyện giữa thần tánh và nhân tánh trong chúng ta. Do đó, sự tái sinh đơn giản là sự khởi đầu của sự hòa quyện. Khi trà được thêm vào nước thì cả trà lẫn nước đều hành động để sinh ra một thực thể, một thức uống. Chúng ta có thể nói rằng trà và nước hợp tác để sinh ra thức uống này. Cùng một nguyên tắc, một khi Đức Chúa Trời đã được thêm vào trong bản thể chúng ta, Ngài bắt đầu hành động trong chúng ta. Bây giờ chúng ta cần hợp tác với công tác của Đức Chúa Trời, với hoạt động của Ngài.
Từ lúc chúng ta được tái sinh, một tiến trình của sự cấu tạo và sự biến đổi đang diễn ra trong chúng ta. Tiến trình này cũng liên quan đến sự tái tổ chức. Qua việc sinh ra làm người, chúng ta được tổ chức theo một cách nào đó. Nhưng bây giờ, một yếu tố mới, yếu tố thần thượng đã vào trong bản thể chúng ta, nên cần phải tổ chức lại. Do đó, chúng ta cần sự cấu tạo, sự biến đổi, sự tái tổ chức.
Trong vài thế kỷ đầu của lịch sử Hội thánh, những giáo sư Kinh Thánh tiền bối nào đó đã nhìn thấy vấn đề hòa quyện, kinh nghiệm sự hòa quyện và dạy dỗ về sự hòa quyện. Tuy nhiên, một số giáo sư đã đi đến chỗ cực đoan và tuyên bố rằng trong sự hòa quyện của thần tánh và nhân tánh trong Christ, hai bản chất gốc đã sinh ra bản chất thứ ba. Đây là tà giáo và điều đó bị Hội Đồng Chalcedon lên án. Về sau, các giáo sư Cơ Đốc ngại nói về sự hòa quyện giữa thần tánh và nhân tánh. Tuy nhiên, chúng ta đã biết rằng, qua nhiều thế kỷ, một số người tiếp tục dạy dỗ cách đúng đắn về sự hoà quyện giữa thần tánh và nhân tánh. Gần đây, tôi đọc hai cuốn sách của tác giả Công Giáo nói về sự hoà quyện này theo đúng đắn.
HÌNH BÓNG VỀ SỰ HOÀ QUYỆN
Của lễ bột mịn gồm có bột mịn trộn với dầu là hình bóng về sự hòa quyện giữa thần tánh và nhân tánh. Trong một số trường hợp, dầu được đổ trên bột mịn; trong những trường hợp khác dầu được trộn, hoặc hòa quyện với bột. Trong trường hợp dầu được hòa quyện với bột để làm bánh dùng trong của lễ bột mịn, hai thực chất—bột và dầu—được hòa quyện với nhau. Dầu không chỉ được thêm vào bột mà dầu còn được hòa quyện với bột. Nhưng trong sự hòa quyện này, không có yếu tố nào trong những yếu tố này ngừng tồn tại. Không, dầu vẫn là dầu, và bột vẫn là bột. Nhưng qua tiến trình hòa quyện, bột và dầu trở thành một thực thể. Tuy nhiên, cả dầu lẫn bột đều không mất đi bản chất đặc trưng của nó do hòa quyện. Hơn nữa, sự hoà quyện của dầu với bột không sinh ra bản chất thứ ba, tức một thực chất không phải bột cũng chẳng phải dầu. Sản phẩm của sự hòa quyện là bánh có hai bản chất, hai yếu tố, hai thực chất.
Của lễ bột mịn là hình bóng về Christ. Nhân tánh của Christ được hình bóng bởi bột mịn, và thần tánh của Ngài được hình bóng bởi dầu. Sự hòa quyện của dầu với bột mịn cho thấy rằng trong Christ, thần tánh không chỉ được thêm vào nhân tánh mà còn được hòa quyện với nhân tánh. Giống như dầu được hoà quyện với bột, thì cũng vậy, trong Christ thần tánh được hoà quyện với nhân tánh. Do đó, Christ có hai bản chất, thần tánh và nhân tánh được hoà quyện với nhau trong một Thân Vị của Ngài. Trong suốt đời sống của Ngài trên đất, rõ ràng Ngài là một con người đích thực. Nhưng nhiều lần Ngài biểu lộ Ngài thật sự là Đức Chúa Trời. Với bánh được dùng trong của lễ chay, cả dầu lẫn bánh đều có thể nếm được. Cũng vậy, với Christ cả thần
ĐẦU VÀ THÂN THỂ
Ngày nay, Christ là Đầu của Thân Thể, và chúng ta, những người theo Ngài, là những Chi Thể của Ngài. Là Đầu, Ngài có hai bản chất, và là Chi Thể của Ngài chúng ta cũng có cùng hai bản chất đó. Là Đầu, Christ có thần tánh và nhân tánh và là Chi Thể của Ngài, chúng ta cũng có nhân tánh và thần tánh. Hãy xem thân thể vật lí của anh em: đầu và các chi thể của thân thể đều thuộc về cùng một thực chất. Không thể có chuyện đầu là một thực chất và các chi thể là một thực chất khác. Không, cả thân thể đều có cùng một thực chất, cùng một yếu tố. Xuyên suốt toàn bộ thân thể chúng ta, có cùng một dòng huyết, cùng một sự sống, và cùng một bản chất. Điều này cũng đúng đối với mối quan hệ giữa Christ và Hội thánh. Những gì Christ là và những gì Christ có, thì chúng ta, những chi thể của Ngài cũng là và cũng có. Christ có nhân tánh và thần tánh, chúng ta cũng có thần tánh và nhân tánh. Điều này có nghĩa là Christ và chúng ta, là những người tin Ngài và là những chi thể của Ngài, đều có hai bản chất. Tuy nhiên, một lần nữa chúng ta nhấn mạnh rằng sự hoà quyện của thần tánh với nhân tánh trong chúng ta không sản sinh ra bản chất thứ ba. Nhân tánh của chúng ta không ngừng tồn tại. Cả thần tánh lẫn nhân tánh đều không bị huỷ bỏ trong sự hoà quyện.
THẦN TÁNH VÀ NHÂN TÁNH ĐƯỢC DAN DỆT VỚI NHAU
Trong Nghiên Cứu Sự Sống Xuất Ai Cập Kí, chúng ta đã chỉ ra rằng ê-phót, chiếc áo được thầy tế lễ cả mặc, gồm có sợi vàng và sợi lanh đan dệt với nhau. Hai loại sợi này không chỉ được đặt bên nhau hay được chồng lên nhau; hai loại sợi này được đan dệt vào nhau thành một miếng vải. Trong loại vải này, người ta có thể nhìn thấy cả sợi vàng lẫn sợi lanh. Điều này cũng làm hình bóng cho sự hoà quyện của thần tánh và nhân tánh trong Christ. Sợi vàng tượng trưng cho thần tánh của Christ, và sợi lanh tượng trưng cho nhân tánh của Ngài. Sự hoà quyện giữa sợi vàng và sợi lanh trong ê-phót cho thấy rằng trong Christ, hai bản chất thần tánh và nhân tánh không chỉ được thêm vào nhau mà còn được đan dệt với nhau, hoà quyện nhau. Hơn nữa, giống như sự đan dệt của sợi vàng và sợi lanh không sinh ra một thực chất thứ ba, thì cũng vậy sự hoà quyện của thần tánh và nhân tánh trong Christ không huỷ bỏ thần tánh và nhân tánh để sinh ra một bản chất thứ ba.
TIẾN TRÌNH HOÀ QUYỆN
Điều quan trọng là chúng ta phải nhận ra rằng mỗi Cơ Đốc nhân đích thực, mỗi tín đồ chân thật trong Christ là một người đang trải qua sự hoà quyện của sự sống và bản chất thần thượng với sự sống và bản chất con người. Sự sống thần thượng không chỉ được hoà quyện với sự sống con người chúng ta mà còn đang hoà quyện với sự sống con người. Kết quả là, chúng ta là những bản thể thần thượng con người. Cũng có thể nói rằng chúng ta là những bản thể con người thần thượng. Đây là lí do tại sao chúng ta nói rằng Cơ Đốc nhân là Thần-nhân. Sự sống của chúng ta là sự sống của Thần-nhân, và nếp sống của chúng ta như được chỉ ra bởi ê-phót gồm có sợi vàng và sợi lanh, là một nếp sống thần tánh được hoà quyện với nhân tánh. Vải thuộc linh không chỉ là lanh mà còn là vàng. Chúng ta có vàng và lanh được đan dệt thành một miếng vải.
Đây là tư cách của chúng ta, hành vi của chúng ta, tính cách của chúng ta và là nếp sống của chúng ta. Ngợi khen Chuá vì tiến trình hoà quyện này vẫn đang diễn ra trong chúng ta. Tiến trình liên tục này là sự biến đổi. Chúng ta cũng có thể nói tiến trình này là sự cấu tạo và sự tái tổ chức.
Kinh Thánh khải thị rằng là tín đồ trong Christ, chúng ta đang được biến đổi, được cấu tạo, được tái tổ chức. Tuy nhiên, điều này không được dạy dỗ giữa vòng hầu hết Cơ Đốc nhân ngày nay. Thay vì thế, người ta dạy tín đồ phải cải thiện hành vi và tính cách của mình. Tuy nhiên, loại dạy dỗ này thì không theo Kinh Thánh. Bất cứ điều gì Kinh Thánh nói về hành vi hay tư cách của chúng ta đều có liên quan đến sự biến đổi. Thật quan trọng để chúng ta nhận ra sự biến đổi là đường lối đúng đắn. Trong tiến trình của sự biến đổi, yếu tố của Đức Chúa Trời, tức thần tánh đang hành động trong chúng ta để biến đổi nhân tánh của chúng ta từ nhân tánh thiên nhiên sang nhân tánh thuộc linh. Nhưng điều này không có nghĩa là nhân tánh của chúng ta bị mất đi. Cũng không có nghĩa là thần tánh sẽ bị thay đổi hoặc thay đổi theo cách nào đó. Không, nhân tánh của chúng ta và thần tánh của Đức Chúa Trời đều không thay đổi; tuy nhiên, chúng được hoà quyện với nhau thành một thực thể, một bản thể. Sự hoà quyện này sinh ra Thần-nhân đích thực. Sự hòa quyện cũng sinh ra nước trà thiên thượng để chúng ta uống và vui hưởng mỗi ngày.-
-