Thứ Tư, 18 tháng 10, 2017

2 CÔ-RIN-TÔ BÀI 50



PHAO-LÔ BÊNH VỰC UY QUYỀN SỨ ĐỒ CỦA ÔNG (1)
Đọc Kinh Thánh: 2 Cô. 10:1-6
Khi đọc sách 2 Cô-rin-tô, có thể chúng ta nghĩ rằng cuối chương 9, Phao-lô đã đề cập đến tất cả những điểm cần thiết và ông không cần phải viết thêm nữa. Tuy nhiên, ở cuối 4 chương của Thư Tín này, Phao-lô đề cập đến vấn đề quan trọng khác ở trong lòng ông. Đây là vấn đề về uy quyền sứ đồ của ông. Ông đã nói một ít về vấn đề này trong 1 Cô-rin-tô, nhưng vì thời điểm không thích hợp nên ông không nói hết. Khi viết 1 Cô-rin-tô, tình hình không thuận tiện để Phao-lô nói đến vấn đề uy quyền sứ đồ của ông. Nhưng vào thời điểm 2 Cô-rin-tô chương 10, bão tố đã dừng và mọi sự đã lắng dịu. Vì thế, ai nấy đều yên lặng và bình ổn nên có một bầu không khí thanh bình. Trong một bầu không khí và một điều kiện như thế, Phao-lô đề cập đến vấn đề uy quyền sứ đồ của ông. Trong chương 10, 11, 12 và một phần chương 13, Phao-lô đặt vấn đề này trước mặt người Cô-rin-tô và xử lí vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau.
Vì ông là một tác giả tuyệt vời nên Phao-lô luôn xử lí mọi vấn đề một cách thấu đáo, không để lại nền tảng cho bất kỳ một sự bàn cãi nào. Như chúng ta sẽ thấy, nguyên tắc này cũng đúng với việc Phao-lô bênh vực uy quyền sứ đồ của ông. Tín đồ Cô-rin-tô cần rõ ràng về điều này và chúng ta cũng vậy
.
MỘT SỰ TƯƠNG PHẢN
Trong 10:1, Phao-lô nói: “Vả, chính tôi là Phao-lô, khi ở trước mặt anh em thì là khiêm ti, nhưng khi vắng mặt thì lại dũng cảm lắm đối với anh em, nay nhờ sự nhu mì hiền hoà của Đấng Christ mà khuyên anh em”. Chú ý câu này bắt đầu bằng từ “nhưng”. “Nhưng” ở đây cho thấy một sự tương phản. Trong chương 8 và 9, vị sứ đồ nói một cách vui vẻ với những thánh đồ yêu dấu ở Cô-rin-tô, khích lệ họ tương giao trong sự cung ứng cho những thánh đồ có nhu cầu ở Giu-đa. Ngay sau đó, ông muốn làm cho chính ông được rõ ràng hơn đối với họ bằng cách bênh vực chức sứ đồ của ông, thậm chí uy quyền sứ đồ của ông bằng một lời khe khắt và không dễ chịu. Điều này là do tình hình mập mờ, không rõ ràng bởi những sứ đồ giả, theo Do Thái giáo gây ra (11:11-15), mà sự dạy dỗ và sự quyết đoán của họ về những gì họ là đã làm cho tín đồ Cô-rin-tô bị xao lãng khỏi những sự dạy dỗ căn bản của những sứ đồ thật, nhất là từ việc nhận thức đúng đắn chỗ đứng của Phao-lô như là một sứ đồ.
Chúng ta cần được ấn tượng rằng phần này của 2 Cô-rin-tô tương phản rõ rệt với phần trước. Lời của Phao-lô từ chương 6 đến chương 9 rất dễ chịu, nhưng nhiều lần lời của ông trong các chương 10 đến chương 13 thì gay gắt và thậm chí không dễ chịu. Khi đọc bốn chương cuối của Sách này, có thể chúng ta tự hỏi liệu Phao-lô có đánh mất sự quan tâm thân mật dịu dàng của ông không. Thậm chí có một số người phê bình ông về sự gay gắt này. Thực ra, đó là vì Phao-lô quá thuộc linh đến nỗi ông có thể viết những chương này theo cách như ông đã viết.
CÁCH NÀI KHUYÊN CỦA PHAO-LÔ
Trong 10:1, Phao-lô bảo rằng ông nài khuyên người Cô-rin-tô bằng sự nhu mì và hiền hoà của Christ. Nhưng ông không nói mục đích việc nài khuyên của ông. Ông cho biết cách ông nài khuyên nhưng không nói tại sao ông nài khuyên. Nếu đọc phần còn lại của chương này và cố tìm ra mục đích nài khuyên của Phao-lô, anh em sẽ không thể tìm thấy. Đơn giản là Phao-lô không trình bày mục đích nài khuyên của ông. Thế thì, ông có phạm lỗi trong việc viết lách hay không? Không, Phao-lô quan tâm đến cách ông nài khuyên thánh đồ hơn là mục đích ông nài khuyên họ. Điều này cho thấy rằng cách nài khuyên của Phao-lô quan trọng hơn mục đích nài khuyên. Vì lí do này, Phao-lô chỉ ra rằng ông nài khuyên tín đồ bằng sự nhu mì và hiền hoà của Đấng Christ.
Giả sử, một anh em nào đó đang giảng một bài mà chỉ quan tâm đến mục đích bài giảng đó mà không quan tâm đến cách trình bày bài giảng. Đó sẽ là một lỗi nghiêm trọng. Chúng ta nên học tập Phao-lô chú ý nhiều hơn đến cách mà chúng ta làm điều gì đó hơn là mục đích làm điều đó. Thực ra, Đức Chúa Trời quan tâm nhiều hơn đến cách chúng ta làm điều gì đó hơn là mục đích, mục tiêu chúng ta làm điều đó. Tuy nhiên, nhiều Cơ Đốc nhân ngày nay rất ít quan tâm đến cách làm; chủ yếu họ quan tâm đến mục đích, mục tiêu, kết quả. Có một câu nói rằng cứu cánh biện minh cho phương tiện. Những ai lưu ý đến câu nói này thì không quan tâm đến phương cách; họ chỉ quan tâm đến mục đích của họ. Quan điểm này thật đáng chê trách và cần bị lên án.
Nhiều Cơ Đốc nhân có thể nghĩ rằng miễn mục đích của họ là làm công tác cho Chúa thì không họ cần quan tâm đến phương tiện được dùng để hoàn thành điều đó. Ví dụ, trong việc rao giảng phúc âm, có thể họ dùng những phương pháp hay những sự giải trí thế tục. Do đó, tôi muốn nhấn mạnh rằng trong Kinh Thánh, Đức Chúa Trời bày tỏ Ngài quan tâm nhiều đến phương cách của chúng ta hơn là mục đích của chúng ta. Là một sứ giả thiên thượng, Phao-lô cũng quan tâm nhiều hơn đến cách làm hơn là mục đích. Đây là lí do ông mô tả cách mà ông nài khuyên người Cô-rin-tô mà không đề cập đến mục đích. Nguyện tất cả chúng ta học tập ông trong vấn đề này.
SỰ NHU MÌ VÀ HIỀN HOÀ CỦA ĐẤNG CHRIST
Trong 10:1, Phao-lô nói rằng ông nài khuyên bằng sự nhu mì và hiền hoà của Đấng Christ. Điều này cho thấy rằng vị sứ đồ, được gắn chặt với Christ (1:21) và làm một với Ngài, sống bởi Ngài, cư xử trong những mỹ đức của Ngài. Tất cả những mỹ đức của Christ đang trở thành những mỹ đức của Phao-lô. Nhu mì là một mỹ đức trong nhân tính của Christ bởi sự sống thần thượng. Sự nhu mì của Christ không phải là vấn đề đơn giản, vì sự nhu mì đó ở trong nhân tính của Ngài và bởi sự sống thần thượng. Khi sống trên đất, Ngài đã sống một đời sống con người bằng sự sống thần thượng. Qua sự hoà quyện thần thượng giữa thần tính và nhân tính, mỹ đức nhu mì đã được biểu lộ.
Cùng một nguyên tắc như thế với mỹ đức hiền hoà của Christ. Hiền hoà là một mỹ đức của Christ sống trong nhân tính của Ngài bởi sự sống thần thượng. Anh em có biết sự khác nhau giữa nhu mì và hiền hoà không? Có mỹ đức nhu mì có nghĩa là anh em không lấn lướt người khác hoặc không đánh nhau với họ. Thay vì thế, anh em sẵn sàng nhượng bộ. Người nhu mì nhượng bộ người khác. Nhưng những người mạnh mẽ cách thiên nhiên thì đánh nhau và không chịu nhượng bộ. Ít nhất, họ muốn đứng trên lập trường của họ. Tuy nhiên, nhu mì thì nhượng bộ, không đánh nhau, và không xâm phạm lãnh thổ của người khác. Có sự hiền hoà có nghĩa là anh em đang sẵn sàng để cho người khác lấn lướt anh em. Điều này có nghĩa hiền hoà là chịu khổ và chịu tổn thương. Nhu mì là không lấn lướt người khác, nhưng nhượng bộ họ; hiền hoà có nghĩa là anh em sẵn sàng bị người khác lấn lướt. Đây là hai trong số những mỹ đức mà Christ đã sống trong nhân tánh của Ngài bằng sự sống thần thượng.
Vì Phao-lô sống Christ nên những mỹ đức của Christ trở thành mỹ đức của ông. Cụm từ “nhờ sự nhu mì, hiền hoà của Christ” cho thấy rằng Phao-lô là một với Christ và nhận Christ làm sự sống của ông. Do đó, ông đã nài khuyên thánh đồ không phải bởi chính ông, nhưng nhờ mỹ đức của Christ, cụ thể là qua sự nhu mì và hiền hoà của Christ. Phao-lô đã nài khuyên người khác bởi Christ, trong Christ, và với Christ.
CON NGƯỜI CỦA PHAO-LÔ
Sau khi nói về cách nài khuyên, Phao-lô tiếp tục nói về loại người của ông. Trong câu 1, ông nói: “Chính tôi, là Phao-lô, khi ở trước mặt anh em thì là khiêm ti, nhưng khi vắng mặt thì lại dũng cảm lắm đối với anh em”. Sự mô tả này về con người của Phao-lô hợp với chủ đề của 2 Cô-rin-tô. Chủ đề của Thư Tín này là loại người Phao-lô là gì và loại sự sống mà ông đã sống. Phao-lô không quan tâm nhiều đến công tác ông làm; ông quan tâm nhiều hơn đến con người và nếp sống của ông. Như chúng tôi đã chỉ ra trong chương 10, Phao-lô thậm chí không đề cập đến mục đích nài khuyên. Ông quan tâm đến cách ông nài khuyên đến nỗi ông không đề cập tại sao ông nài khuyên.
Về con người của ông, Phao-lô nói rằng ông rất khiêm ti khi ở giữa người Cô-rin-tô, nhưng dũng cảm khi vắng khỏi họ. Vị sứ đồ rất dạn dĩ, được khích lệ để nói ra trong Thư Tín của mình tình huống thật ở giữa người Cô-rin-tô. Chúng ta có thể học từ Phao-lô để được nhu mì khi có mặt người khác, nhưng dạn dĩ khi vắng mặt họ. Khi ở với một người nào đó, anh em không nên quá dạn dĩ. Tuy nhiên, anh em có thể dạn dĩ trong việc viết thư cho người đó. Có thể một số người nói: “Tôi có thể dạn dĩ khi ở với một người; tuy nhiên, khi vắng mặt khỏi người đó, sự dạn dĩ của tôi dường như bị bốc hơi”. Điều này cho thấy rằng sự dạn dĩ của anh em trong sự hiện diện của người đó không đúng đắn. Nếu sự dạn dĩ của anh em không bị bốc hơi sau khi anh em rời khỏi sự hiện diện của một người thì đó có thể là loại dạn dĩ đúng đắn. Phao-lô rất dạn dĩ trong việc viết thư cho người Cô-rin-tô. Nhưng nếu chúng ta có thể ở trong sự hiện diện của Phao-lô, chúng ta sẽ thấy ông nhu mì và khiêm ti.
Có nhiều điều để chúng ta học từ cách cư xử của Phao-lô. Hễ khi nào muốn đối xử dạn dĩ với một người nào đó, chúng ta nên chờ đợi cho đến khi không còn ở trong sự hiện diện của người đó nữa và xem sự dạn dĩ của mình có còn không. Đây là cách Phao-lô đối xử với người Cô-rin-tô. Ông đối xử với họ bằng sự nhu mì và sự hiền hoà của Christ, và ông khiêm ti khi ở giữa họ, nhưng lại dạn dĩ khi viết thư cho họ. Trong những câu này, chúng ta thấy sự nhu mì, sự hiền hoà, sự khiêm ti và sự dạn dĩ đúng đắn của Phao-lô.
CHIẾN TRẬN THUỘC LINH
Trong câu 3, Phao-lô nói tiếp về chiến trận thuộc linh: “Vì chúng tôi dầu ăn ở trong xác thịt, nhưng chẳng tranh chiến theo xác thịt”. Là con người, các sứ đồ vẫn còn ở trong xác thịt. Vì thế, họ bước đi trong xác thịt. Nhưng họ không bước đi theo xác thịt nhất là trong chiến trận thuộc linh. Đúng ra, họ bước đi theo linh (La. 8:4).
Trong câu 3, dường như Phao-lô đang nói: “Vì chúng ta vẫn còn ở trong sáng tạo cũ nên chúng ta vẫn còn ở trong xác thịt. Nhưng chúng ta không bước đi theo xác thịt. Đặc biệt, chúng ta không tranh chiến theo xác thịt. Tôi không phủ nhận rằng tôi vẫn còn ở trong xác thịt, nhưng tôi không phải là người sống, nói năng, và hành động theo xác thịt. Trái lại, tôi bước đi theo linh. Do đó, trong vấn đề chiến trận thuộc linh, tôi đánh trận theo linh. Hỡi anh em Cô-rin-tô, anh em hoàn toàn sai lầm khi nghĩ rằng những sứ đồ chúng tôi đánh trận theo xác thịt. Không, chiến trận của chúng tôi là theo linh”.
Trong câu 4 và 5, Phao-lô nói tiếp: “Bởi chưng những khí giới tranh chiến của chúng tôi chẳng phải thuộc xác thịt đâu, bèn là có quyền năng ở trước mặt Đức Chúa Trời để triệt hạ các đồn luỹ kiên cố, đánh đổ các sự nghi luận, cùng mọi sự cao căng dấy nghịch với sự nhận biết Đức Chúa Trời, và bắt hết các tâm tư qui hàng Đấng Christ”. Vì chiến trận thuộc linh không chống lại xác thịt, nhưng chống lại những thế lực thuộc linh (Êph. 6:12), vũ khí không nên thuộc xác thịt nhưng nên thuộc linh. Đây là quyền năng để triệt hạ những đồn luỹ của kẻ thù.
Tranh luận và ý kiến thì ở trong tâm trí và thuộc về tâm trí. Đây là đồn luỹ của Sa-tan, kẻ thù của Đức Chúa Trời bên trong tâm trí của những người không vâng phục Đức Chúa Trời. Qua chiến trận thuộc linh, những tranh luận phải bị triệt hạ và mọi ý tưởng phải bị bắt để vâng phục Đấng Christ.
Những điều cao căng trong câu 5 nói đến những điều kiêu căng ngạo mạn bên trong tâm tính tội lỗi chống nghịch sự hiểu biết Đức Chúa Trời. Những điều này cũng phải bị triệt hạ bởi những vũ khí thuộc linh.
Mục tiêu của chiến trận thuộc linh là phá đổ những đồn luỹ của Sa-tan trong tâm trí con người bại hoại. Những đồn luỹ này là những tư tưởng kiêu ngạo, những tư tưởng và trí tưởng tượng cao căng trong tâm trí con người. Những sự tưởng tượng kiêu căng và những tư tưởng kiêu ngạo là những đồn luỹ được Sa-tan dựng lên trong tâm trí con người. Những điều này chống lại sự hiểu biết Đức Chúa Trời. Mục tiêu cuộc chiến của chúng ta là phá đổ những đồn luỹ này. Con người phản loạn chống lại Đức Chúa Trời vì những đồn luỹ này, vì những ý kiến cao ngạo này và vì những tư tưởng kiêu căng này. Do đó, chúng ta phải chiến đấu chống lại những điều này để mọi tư tưởng có thể bị bắt qui hàng Đấng Christ.
Trong câu 6, Phao-lô nói: “Chúng tôi cũng sẵn sàng trách phạt mọi sự không vâng phục, sau khi sự vâng phục của anh em đã trọn vẹn rồi”. Từ trách phạt ở đây là một từ gay gắt và táo bạo theo cách quở trách. Phao-lô nói đến sự vâng phục cho thấy rằng sự vâng phục của chúng ta làm nền tảng để Chúa xử lí sự bất phục của người khác.
Trong thời của Phao-lô, nhiều người Do Thái đã tin Đấng Christ và sau đó đảm trách vị trí của những giáo sư. Trong sự dạy dỗ của họ, họ dành một vị trí nổi bật đối với kinh luật. Kết quả là, trong sự dạy dỗ của họ, có sự pha trộn Phúc Âm Tân Ước với kinh luật Cựu Ước. Điều này gây rắc rối, nhất là khi Phúc Âm đến với thế giới phi Do Thái dưới chức sứ đồ của Phao-lô.
Người Giu-đa, là những người nhầm lẫn Tân Ước với Cựu Ước, đã không đồng ý với Phao-lô. Thực ra, có một sự khác biệt lớn giữa sự dạy dỗ của Phao-lô với sự dạy dỗ của họ. Một số người trong họ cố ý đi đến với người phi Do Thái để thăm viếng các Hội thánh nhằm lan truyền những sự dạy dỗ Do Thái giáo của họ. Kết quả là, họ đã khiến cho nhiều Hội thánh hư hoại. Theo Sách Ga-la-ti và 1, 2 Cô-rin-tô, chúng ta thấy rằng những người Do Thái giáo này đi đến Ga-la-ti và A-chai, xách động tín đồ và gây rắc rối. Trong 1 và 2 Cô-rin-tô, chúng ta thấy tín đồ tại Cô-rin-tô đã bị nhiễm sự dạy dỗ Do Thái giáo và bị họ xách động.
Lời của Phao-lô trong 10:5 về các sự nghị luận, cùng mọi sự cao căng dấy nghịch với sự nhận biết Đức Chúa Trời, nói đến những sự dạy dỗ của người Giu-đa. Đây là bối cảnh về những gì Phao-lô viết trong câu này. Chúng ta đã thấy Phao-lô nói rằng chiến trận của các sứ đồ là phá đổ những đồn luỹ, những nghị luận, và mọi sự cao ngạo dấy nghịch với sự nhận biết Đức Chúa Trời theo Tân Ước đích thực và đúng đắn. Hơn nữa, Phao-lô nói rằng mục tiêu chiến trận của ông là bắt mọi tâm tư qui hàng Đấng Christ. Cụ thể là trong tâm trí của Phao-lô có những tư tưởng đó là những tư tưởng bắt nguồn từ những sự dạy dỗ Do Thái giáo.
Một mặt, những giáo sư Do Thái giáo đã công bố thuộc về Christ. Mặt khác, họ dạy dỗ nhiều điều về kinh luật mà thực chất là chống lại Christ. Họ tin Đấng Christ nhưng lại dạy dỗ những điều ngược lại với Ngài. Họ không hoàn toàn từ bỏ Christ cũng không hẳn là vâng phục Ngài. Trong suy nghĩ của họ, có điều gì đó cần bị bắt phục. Vì thế, sự dạy dỗ của Phao-lô trong 2 Cô-rin-tô là một cuộc chiến chống lại những tư tưởng Do Thái giáo, những nghị luận và những sự tưởng tượng. Đó là cuộc chiến bắt những tư tưởng bị ảnh hưởng bởi những sự dạy dỗ của Do Thái giáo qui hàng Đấng Christ.
Câu 6 cho thấy trong số những thánh đồ ở Cô-rin-tô, có một số người phản loạn, chịu ảnh hưởng của những nghị luận và tư tưởng của Do Thái giáo. Vì lí do này, Phao-lô nói rằng ông sẵn sàng trách phạt mọi sự không vâng phục khi sự vâng phục của người Cô-rin-tô đã trọn vẹn rồi. Sự không vâng phục trong câu này nói đến sự không vâng phục của những sự dạy dỗ Do Thái giáo. Phao-lô sẵn sàng trách phạt sự không vâng phục này với một điều kiện, và điều kiện này là sự vâng phục của người Cô-rin-tô. Đó là nhu cầu đầu tiên để họ hoàn toàn vâng phục Phúc Âm của Đấng Christ. Họ không thể một nửa vì Phúc Âm Tân Ước và một nửa vì Kinh Luật Cựu Ước. Một nửa vì Kinh Luật là sự phản loạn và sự không vâng phục. Khi người Cô-rin-tô tuyệt đối vâng phục Phúc Âm Tân Ước thì tình hình sẽ thích hợp để Phao-lô trách phạt mọi sự không vâng phục. Tình trạng ở Cô-rin-tô tạo cho ông một điều kiện cơ bản để xử lí sự không vâng phục của người Giu-đa. Đây là sự giải thích đúng đắn phân đoạn Lời này.