Thứ Hai, 16 tháng 10, 2017

2 CÔ-RIN-TÔ BÀI 25



THỂ YẾU CỦA CHỨC VỤ GIAO ƯỚC MỚI (1
Kinh Thánh: 2 Cô-rin-tô 3:3, 6-9, 18; 4:1a
Tựa đề của bài này là “Thể Yếu Của Chức Vụ Giao Ước Mới”. Từ thể yếu liên quan đến những gì Phao-lô nói về vinh hiển và sự tốt hơn của chức vụ giao ước mới trong 3:7-11. Những câu này cho thấy sự kém hơn của vinh hiển chức vụ Môi-se, chức vụ của Kinh Luật, chức vụ của sự đoán phạt và sự chết, và sự tốt hơn của chức vụ sứ đồ, chức vụ của ân điển, chức vụ của sự công chính và Linh. Chức vụ Môi-se qua vinh hiển tạm thời; chức vụ sứ đồ cứ ở trong vinh hiển mãi mãi. Trong 2:12-17, vị sứ đồ nói về sự chiến thắng và hiệu quả của chức vụ sứ đồ; trong 3:1-6, nói về chức năng và sự thông thạo của chức vụ sứ đồ; và trong 3:7-11, nói về vinh hiển và sự tốt hơn của chức vụ.
Trong những bài trước, chúng ta đã đề cập đến một số điểm cơ bản liên quan đến chức vụ giao ước mới; thể yếu, hiệu quả, chức năng, sự thông thạo, vinh hiển, và sự tốt hơn. Bây giờ, trong bài này chúng ta cần xem thể yếu của chức vụ giao ước mới.
ĐƯỢC GHI KHẮC BẰNG LINH LÀ THỂ YẾU
Một số người có thể chỉ ra rằng từ thể yếu không được tìm thấy trong 2 Cô-rin-tô chương 3. Dù từ này không được dùng ở đây nhưng khái niệm về thể yếu dù sao cũng được hàm ý trong câu 3: “Cũng được tỏ ra anh em là thơ của Christ, do chúng tôi phục sự mà viết ra, chẳng phải là bằng mực, bèn là bằng Linh của Đức Chúa Trời hằng sống, chẳng phải trên bảng đá, bèn là trên bảng lòng bằng thịt”. Trong câu này từ “phục sự” thật ra có nghĩa là được phục vụ.

Từ Hy Lạp có nghĩa là phục vụ điều gì đó cho ai đó, ví dụ, một bồi bàn phục vụ trong khách sạn hoặc một tiếp viên hàng không phục vụ trên máy bay. Vì thế, Phao-lô nói rằng tín đồ Cô-rin-tô là bức thư của Christ được phục vụ bởi các sứ đồ. Tuy nhiên, nhận ra rằng từ phục vụ không đủ, Phao-lô tiếp tục dùng từ “được ghi khắc”. Từ này giải thích ý nghĩa của từ được cung ứng, được phục vụ. Phao-lô cung ứng bằng cách ghi khắc.
Trong 3:3 Phao-lô nói “được ghi khắc không phải bằng mực”; ông không nói “được ghi khắc không phải bởi mực”. Từ “bằng” nói đến mực thuộc linh, Linh của Đức Chuá Trời hằng sống, là thể yếu, là yếu tố, được người ghi khắc hoặc người viết sử dụng. Điều quan trọng là chúng ta chú ý cẩn thận đến cách dùng giới từ “bằng” của Phao-lô. Giới từ này cho thấy rằng Linh không phải là người viết cũng không phải là công cụ được dùng để viết; đúng ra, Linh là thể yếu, là yếu tố, là thực chất được dùng để viết. Linh của Đức Chuá Trời hằng sống, là chính Đức Chuá Trời hằng sống chứ không phải là công cụ như bút, nhưng là một yếu tố, mực thiên thượng được dùng để viết, với yếu tố đó các sứ đồ cung ứng Christ là nội dung để viết những bức thư sống truyền đạt Christ.
Chúng ta hãy dùng một vấn đề đơn giản như viết thư bằng bút bi làm minh hoạ. Anh em có thể là người viết, nhưng bút là công cụ. Tuy nhiên, mực không phải là người viết cũng không phải là công cụ—đó là yếu tố, thể yếu. Nhưng nếu bút của anh em hết mực, anh em có cố gắng viết thế nào đi nữa cũng đều vô ích. Anh em có thể viết nhiều từ trên giấy nhưng giấy vẫn trống không. Trong trường hợp đó, có người viết và có công cụ nhưng không có mực là thể yếu cần thiết để viết.
Trong 2 Cô-rin-tô 3:3, Thánh Linh không phải là người viết, không phải là công cụ hoặc thậm chí là quyền năng. Nhiều Cơ Đốc nhân ngày nay khi nói về Linh thì họ đều liên tưởng đến quyền năng. Nhưng nếu đọc câu này cẩn thận, xem xét theo ngữ cảnh, chúng ta sẽ thấy rằng Linh ở đây là vấn đề thể yếu chứ không phải vấn đề quyền năng.
Vì nhiều Cơ Đốc nhân bỏ qua Linh là thể yếu nên tôi cố ý nhấn mạnh đến từ thể yếu trong bài này. Ngày nay có Cơ Đốc nhân nào xem Linh là thể yếu? Đa số Cơ Đốc nhân nghĩ Linh là công cụ hoặc là quyền năng. Một số Cơ Đốc nhân khác khá hơn nói Linh là Thân Vị thần thượng. Nhưng tôi không biết có người rao giảng nào nói về Linh theo cách mà Phao-lô nói trong 2 Cô-rin-tô chương 3. Quan điểm của Phao-lô về Linh trong chương này là quan điểm về thể yếu được dùng để ghi khắc những bức thư của Christ. Ở đây, ông không xem Linh là Thân Vị, là công cụ, hay quyền năng. Đúng ra, Linh là thể yếu được dùng để ghi khắc những bức thư sống của Đấng Christ.
Chức vụ của giao ước mới không chỉ là dạy dỗ. Không có giáo sư nào ghi khắc một thể yếu vào trong bản thể anh em. Có thể họ đặt những khái niệm vào trong anh em nhưng họ không kí thác thể yếu của bất cứ điều gì vào trong anh em. Tuy nhiên, chức vụ giao ước mới làm nhiều hơn là chỉ dạy dỗ chúng ta; chức vụ giao ước mới ghi khắc chúng ta. Hơn nữa, chức vụ giao ước mới này ghi khắc chúng ta không phải bằng những khái niệm, kiến thức hay lí thuyết nhưng bằng một thể yếu, tức bằng điều gì đó thực tế và có thật.
Trong nếp sống Hội thánh trong sự khôi phục của Chuá, anh em không có cảm nhận rằng mình đang ở dưới một sự ghi khắc thuộc linh sao? Nhiều người trong chúng ta có thể làm chứng rằng qua chức vụ giao ước mới, Christ được ghi khắc vào trong chúng ta. Một thể yếu thần thượng đã được viết vào trong bản thể chúng ta, và thể yếu này là Linh.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần phải định nghĩa thể yếu là gì. Chúng ta nhận ra mình đã được ghi khắc bằng Linh, nhưng Linh là gì?
SỰ CHẾT ĐỐI KHÁNG VỚI LINH
Bây giờ chúng ta tiếp tục xem một số từ liệu liên quan đến chức vụ của giao ước mới. Trong 3:7, Phao-lô nói về chức vụ của sự chết, và trong câu 8, ông nói về chức vụ của Linh. Vì thế, trong những câu này, chúng ta có một sự so sánh giữa chức vụ của sự chết và chức vụ của Linh. Chức vụ của sự chết nói đến chức vụ giao ước cũ, tức chức vụ Môi-se. Phao-lô dạn dĩ nói đó là chức vụ của sự chết. Đương nhiên là người Do Thái bị xúc phạm vì ông. Sau đó, Phao-lô tiếp tục so sánh chức vụ của sự chết với chức vụ của Linh.
Đa số chúng ta không thấy sự tương phản giữa sự chết với Linh, vì sự chết luôn luôn đối kháng sự sống. Đối với chúng ta, kết quả là vấn đề sống hay chết, chết hay sống. Nhưng thay vì dùng từ sống trong 3:8, Phao-lô nói về Linh. Điều này cho thấy rằng Linh ở đây có liên quan đến sự sống, vì sự sống là điều gì đó tương phản với sự chết. Trong 3:6 Phao-lô đã nói rằng Linh ban sự sống. Do đó, Linh ở đây chỉ về Linh ban sự sống và cũng nói đến sự sống được ban cho bởi Linh. Chức vụ giao ước cũ là chức vụ của sự chết; chức vụ giao ước mới là chức vụ của sự sống được hiện thân trong Linh.
Thể yếu của Linh được ghi khắc trong chúng ta là sự sống. Sự sống ở đây không phải là công cụ, thân vị, quyền năng, sức mạnh, khả năng, tài năng hay ân tứ. Nếu nhận biết rằng Linh ở đây là sự sống thì chúng ta sẽ hiểu bản chất thể yếu là gì mà chúng ta được ghi khắc qua chức vụ giao ước mới.
Thường thì Cơ Đốc nhân nói đến Linh như là một công cụ, quyền năng, hay ân tứ. Dưới ảnh hưởng của truyền thống, chúng ta cũng không chú ý đủ đến Linh là thể yếu được ghi khắc trong chúng ta. Vì lí do này, tôi muốn nhấn mạnh rằng Linh trong 2 Cô-rin-tô chương 3 không nói đến quyền năng hay công cụ mà nói đến thể yếu.
TỪ VINH HIỂN ĐẾN VINH HIỂN
Sự hiểu biết này được xác quyết bởi câu 18: “Nhưng chúng ta thảy đều để mặt trần mà chiếu lại (ngắm xem và phản chiếu) vinh hiển của Chúa như một cái gương, thì đều đang được biến hoá (biến đổi) nên cùng một hình ảnh của Ngài, từ vinh hiển đến vinh hiển, như bởi Chúa là Linh vậy (thậm chí như từ Chúa Linh)”. Vinh hiển ở đây không phải là công cụ, quyền năng, khả năng, hay ân tứ. Vinh hiển còn là thể yếu. Khi để mặt trần ngắm xem vinh hiển của Chuá, chúng ta đang được biến đổi với vinh hiển là thể yếu. Trong một bài trước, chúng tôi đã chỉ ra rằng “từ vinh hiển đến vinh hiển” trong câu 18 có nghĩa là từ Chuá Linh đến Chuá Linh, vì trong câu này, vinh hiển và Linh là đồng nghĩa. Do đó, được biến đổi từ vinh hiển đến vinh hiển là được biến đổi từ Linh đến Linh.
Bản Tân Ước Amplified dịch từ vinh hiển đến vinh hiển là “từ một mức độ vinh hiển này đến một mức độ vinh hiển khác”. Nói rằng chúng ta đang được biến đổi từ một mức độ vinh hiển này đến một mức độ vinh hiển khác là đúng. Nhưng chúng ta vẫn phải tìm ra vinh hiển là gì. Vinh hiển trong 3:18 thật ra là Linh. Vinh hiển này cũng nói đến Đấng Christ phục sinh hoặc nói đến Đấng Christ trong sự phục sinh. Chuá Jesus được vinh hoá bởi sự phục sinh (Lu. 24:26). Vì thế, vinh hiển, Linh và sự phục sinh tất cả đều nói đến cùng một điều. Ngày nay, Linh trong chúng ta là vinh hiển và cũng là thực tại của sự phục sinh. Do đó, một lần nữa chúng ta thấy rằng Linh trong 2 Cô-rin-tô chương 3 là thể yếu chứ không phải là công cụ hay quyền năng.
CHỨC VỤ CỦA LINH VÀ CỦA SỰ CÔNG CHÍNH
Trong 3:9, Phao-lô nói tiếp: “Vậy, nếu chức dịch (chức vu) của sự định tội còn là vinh quang (vinh hiển), thì huống chi chức vụ của sự công nghĩa (công chính) lại được vinh quang càng dư dật hơn là dường nào”. Cụm từ “chức vụ của sự định tội” cũng nói đến chức vụ Môi-se của giao ước cũ. Chức vụ đó vừa là chức vụ của sự chết vừa là chức vụ của sự định tội. Phao-lô dạn dĩ tuyên bố rằng chức vụ của Môi-se là chức vụ của sự chết và sự định tội. Nhưng, như câu 9 chỉ ra, thậm chí chức vụ này đến trong vinh hiển.
Như chức vụ giao ước cũ thuộc về sự chết và sự định tội thì cũng vậy, chức vụ giao ước mới thuộc về Linh và sự công chính. Sự chết thì đối kháng sự sống là điều được hiện thân trong Linh, và sự định tội đối kháng sự công chính.
Có lẽ chúng ta đã mong rằng Phao-lô dùng từ sự xưng nghĩa thay cho sự công chính. Nhưng ở đây, Phao-lô nói về sự công chính, chứ không nói sự xưng nghĩa. Dựa trên nguyên tắc Linh trong chương này là thể yếu thì sự công chính ở đây cũng nên được xem là thể yếu. Do đó, chức vụ giao ước mới có một thể yếu với hai phương diện: phương diện thứ nhất thuộc về Linh, và phương diện thứ hai thuộc về sự công chính.
Chúng tôi đã chỉ ra rằng Linh trong 2 Cô-rin-tô chương 3 có liên quan đến sự sống. Linh trong chương này nói đến sự sống. Nhưng sự công chính nói đến điều gì? Nếu muốn trả lời câu hỏi này, chúng ta cần nhận biết rằng Phao-lô đặt sự công chính trong cùng một phạm trù như Linh. Cả sự công chính và Linh đều ở cùng một mức độ. Chức vụ giao ước mới là chức vụ của Linh và sự công chính, cả hai đều là những phương diện thể yếu của chức vụ này. Giống như cái bàn được cấu tạo bằng gỗ và bằng sơn thì cũng vậy, chức vụ giao ước mới được cấu tạo bằng Linh và sự công chính. Giả sử một cái bàn bằng gỗ nào đó được sơn. Gỗ là thể chất của cái bàn và sơn tạo cho cái bàn một dáng vẻ đặc biệt. Do đó, với cái bàn, vừa có thể chất vừa có dáng vẻ. Nguyên tắc cũng tương tự với chức vụ giao ước mới. Chức vụ này có thể chất và cũng có dáng vẻ, tức sự biểu lộ. Thể chất của chức vụ giao ước mới là Linh, và sự biểu lộ, tức dáng vẻ là sự công chính.
LINH VÀ SỰ CÔNG CHÍNH TRONG NẾP SỐNG HẰNG NGÀY
Chúng ta hãy xem những vấn đề về Linh và sự công chính trong ánh sáng của kinh nghiệm của chúng ta với Chuá. Là một người yêu Chuá và tìm kiếm Ngài, khi anh em sống Christ, anh em có cảm nhận rằng bên trong anh em có điều gì đó có thật, sống động, và năng động không? Thực chất sống động này không phải là bất kỳ một loại giáo lí nào, sự dạy dỗ nào hay thần học nào. Trái lại, thực chất năng động, sống động này là Linh.
Qua chức vụ ngày nay, tất cả chúng ta đều có Linh được ghi khắc bên trong bản thể mình. Nhiều lần, sau một buổi nhóm, chúng ta nhận ra rằng bên trong, chúng ta có điều gì đó sống động, có thật và năng động. Thực chất sống động này là Linh trong chúng ta, Linh là Đấng đã được ghi khắc trong chúng ta. Nói cách khác, thể yếu thần thượng đã được thêm vào bên trong chúng ta. Nếu ai chưa từng kinh nghiệm điều này, tôi không chắc là người đó thật sự được cứu và được tái sinh. Tôi tin tất cả chúng ta trong nếp sống Hội thánh đều có thể làm chứng rằng chúng ta đã kinh nghiệm Linh bề trong theo cách sống động, năng động, và có thật. Theo thực chất bên trong, chúng ta cũng có sự biểu lộ bên ngoài. Sự biểu lộ này là sự công chính.
Bất cứ ai đã được ghi khắc bằng Linh của Đức Chuá Trời hằng sống cũng đều có sự biểu lộ sự công chính trong nếp sống hằng ngày. Ví dụ, một anh em đã lập gia đình có thể kinh nghiệm Linh là thực chất sống động bên trong anh qua việc ghi khắc đến từ chức vụ giao ước mới. Tự nhiên, vợ anh sẽ nhận ra rằng điều gì đó đã xảy ra với chồng mình. Có thể cô ấy tự nhủ: “Có điều gì đó đã xảy ra với anh ấy, nhưng tôi không hiểu đó là gì. Anh ấy dường như đúng trong mọi cách và đúng với mọi sự. Trước đây, anh ấy sai khi anh ấy làm nhiều điều. Anh ấy sai ngay cả trong cách cất đồ đạc vì không bao giờ anh đem đồ đạc trở về vị trí đúng đắn. Nhưng bây giờ anh ấy quan tâm đến mọi thứ cách đúng đắn. Tôi cũng thấy sự khác lạ trong cách anh ấy nói với tôi. Tới giờ đi làm, anh ấy nói với tôi một cách rất dễ thương. Anh nói: ‘Em yêu, anh đi làm đây’. Chồng tôi còn đúng cả trong cách chăm sóc con chó. Tôi không biết điều gì đang xảy ra trong anh”. Vì anh em đó đang kinh nghiệm Linh bên trong là thực chất nên anh ấy biểu lộ sự công chính trong nếp sống của anh tại nhà.
Khi không sống Christ, chúng ta sai trật trong mọi cách. Chúng ta sai trong cách đóng cửa. Thay vì đóng cửa cách đúng đắn, có thể chúng ta đóng sầm cửa lại. Nhưng khi sống Christ và kinh nghiệm điều gì đó trong chúng ta là thực chất và năng động, chúng ta sẽ đúng đắn trong cách đóng cửa. Thực ra, bất cứ điều gì chúng ta làm sẽ được làm theo cách đúng đắn.
Một số người rất bất cẩn trong việc để giầy dép hay quần áo. Nếu xem phòng ngủ của họ, anh em sẽ thấy rằng mọi thứ đều lộn xộn. Nhưng nếu những người đó kinh nghiệm Linh là thực chất bên trong thì họ sẽ đúng đắn ngay cả đối với đôi giầy và quần áo của họ. Mọi thứ sẽ được đặt vào vị trí đúng đắn.
Nếu anh em kinh nghiệm Linh bên trong và biểu lộ sự công chính bên ngoài thì người khác sẽ nhận ra anh em có điều gì đó rất khác. Đây là kết quả của chức vụ giao ước mới. Chức vụ này ghi khắc thể yếu vào trong bản thể chúng ta, một thể yếu có phương diện bên trong và phương diện bên ngoài. Phương diện bên trong là Linh sống động đang chuyển động trong chúng ta; phương diện bên ngoài là sự công chính như là sự biểu lộ của chúng ta.
BIỂU LỘ HÌNH ẢNH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Linh và sự công chính cả hai đều có liên hệ đến việc chúng ta biểu lộ hình ảnh của Đức Chúa Trời. Lí do là Linh và sự công chính thực ra là chính Đức Chúa Trời. Là Linh, Đức Chúa Trời đang chuyển động trong anh em như là thực chất và sống trong anh em như là thể yếu, vì chính Ngài đã được thêm vào trong bản thể anh em bởi chức vụ giao ước mới. Vì thế, bên trong anh em có Linh. Sự công chính anh em biểu lộ bên ngoài cũng là chính Đức Chúa Trời. Do đó, anh em không chỉ đúng đắn trong nhiều cách và không chỉ công chính mà còn có Đức Chúa Trời là sự công chính của anh em. Là sự công chính, Đức Chúa Trời trở thành vẻ bề ngoài của anh em, sự biểu lộ của anh em. Trước hết, chính Đức Chúa Trời là Linh ban-sự-sống, tức Đấng sống, chuyển động và hành động trong anh em. Sau đó, chính Đức Chúa Trời trở thành sự biểu lộ bên ngoài, tức dáng vẻ của sự công chính. Đây là thể yếu của chức vụ giao ước mới.
Công tác của chức vụ giao ước mới hoàn toàn khác với công tác của những người rao giảng và những giáo sư ngày nay. Công tác của chức vụ giao ước mới không chỉ dạy chúng ta cải thiện hành vi. Đúng ra, chức vụ này ghi khắc chúng ta bằng Linh. Ghi khắc là thêm thể yếu của Đức Chúa Trời vào trong chúng ta nhiều hơn nữa. Bên trong thể yếu này là Linh; bên ngoài, là sự công chính. Nhưng như đã thấy, cả Linh bên trong lẫn sự công chính bên ngoài là chính Đức Chúa Trời. Do đó, chức vụ của giao ước mới, tức chức vụ của Linh và của sự công chính đơn giản là chức vụ của Đức Chúa Trời. Nói rằng chức vụ của giao ước mới là của Linh và của sự công chính thì tương đương với việc nói rằng chức vụ giao ước mới là của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, nói rằng chức vụ này là thuộc về Đức Chúa Trời là nói chung chung, trái lại nói rằng chức vụ của Linh và của sự công chính là nói cụ thể hơn. Ngợi khen Chuá vì Linh là Đức Chúa Trời trong chúng ta đang sống, đang chuyển động, và đang hành động và sự công chính là Đức Chúa Trời biểu lộ để trở thành dáng vẻ của chúng ta bên ngoài!
Khải tượng trung tâm của Kinh Thánh liên quan đến hình ảnh của Đức Chúa Trời được biểu lộ bởi sự sống của Đức Chúa Trời. Về điều này, hai chương đầu của Sáng Thế Kí rất quan trọng. Trong Sáng Thế Kí chương 1, chúng ta có hình ảnh của Đức Chúa Trời: “Đức Chúa Trời phán rằng: Chúng Ta hãy làm nên loài người như hình (hình ảnh) Ta và theo tượng (hình trạng) Ta…. Đức Chúa Trời dựng nên loài người như hình ảnh Ngài, Ngài sáng tạo (dựng nên) loài người giống như hình (hình ảnh) Đức Chúa Trời. Ngài dựng nên người nam cùng người nữ” (c.26-27). Ý định của Đức Chúa Trời là chúng ta biểu lộ Ngài bằng hình ảnh của Ngài. Tuy nhiên, nếu muốn biểu lộ Đức Chúa Trời theo cách này, chúng ta cần có sự sống của Ngài. Sự sống của Đức Chúa Trời được tượng trưng bởi cây sự sống trong Sáng Thế Kí 2:9. Sự sống bên trong là Linh và hình ảnh bên ngoài để biểu lộ là sự công chính. Ngợi khen Chuá vì chức vụ giao ước mới có hai phương diện là sự sống và sự biểu lộ! Bên trong, chúng ta có Linh là sự sống, và bên ngoài chúng ta có sự công chính là sự biểu lộ của chúng ta.
SỐNG CHRIST
Trong tất cả những người trên đất thì người công chính nhất là người sống Christ. Hễ khi sống Christ, anh em sẽ đúng đắn trong mọi cách. Anh em sẽ không cần ai dạy mình phải đúng đắn, vì Christ là Đấng sống trong anh em sẽ làm cho anh em đúng đắn trong mọi sự và đúng đắn với mọi người. Nếu chúng ta bất cẩn với những điều của mình hoặc bất cẩn trong cách đóng cửa, thì đây là dấu hiệu cho thấy rằng chúng ta không sống Christ. Nếu thật sự sống Christ, chúng ta sẽ đóng cửa cách đúng đắn. Chúng ta cũng sẽ đúng đắn khi gõ cửa hoặc bấm chuông nhà người khác. Một lần nữa tôi nói rằng không cần ai dạy chúng ta cách đóng cửa, gõ cửa hay bấm chuông. Kinh Thánh không có những sự dạy dỗ như thế. Nếu Kinh Thánh chứa đựng luật lệ cho mọi phương diện của đời sống hằng ngày thì cuốn Kinh Thánh sẽ quá lớn không ai có thể mang nổi. Chính Linh trong chúng ta là Đấng làm cho chúng ta công chính trong nếp sống của mình. Điều chúng ta cần là Linh được ghi khắc càng hơn. Chức vụ của giao ước mới là chức vụ của Linh.
Khi chúng ta được ghi khắc bằng Linh thì thể yếu thần thượng được truyền vào trong bản thể chúng ta. Thể yếu này làm cho tiến trình trao đổi chất thuộc linh diễn ra bên trong chúng ta. Kết quả của tiến trình này là chúng ta được biến đổi thành hình ảnh của Chuá.
SỰ BIẾN ĐỔI BỀ TRONG VÀ SỰ CÔNG CHÍNH BỀ NGOÀI
Chúng ta đã thấy rằng để được biến đổi thành hình ảnh của Chuá từ vinh hiển đến vinh hiển là được biến đổi từ Linh đến Linh. Nếu kinh nghiệm được sự biến đổi bên trong như thế, tự nhiên chúng ta sẽ có sự công chính là dáng vẻ bề ngoài của mình. Khi đó, chúng ta sẽ đúng đắn với Đức Chúa Trời, với người khác và với chính mình. Tuy nhiên, nhiều người không đúng đắn với Đức Chúa Trời, với người khác, hay với chính họ. Ngày nào họ cũng xúc phạm Đức Chúa Trời và những người xung quanh. Hơn nữa, vì họ thiếu hụt thể yếu thần thượng nên họ không đúng đắn với chính mình. Do đó, họ cần chức vụ ghi khắc thể yếu thần thượng vào trong họ. Bên trong, thể yếu này sẽ là Linh trong họ, và bên ngoài thể yếu này được biểu lộ như sự công chính.
Sự hiểu biết này trong 2 Cô-rin-tô chương 3, nhất là câu 18, không chỉ theo giáo lí; mà còn theo kinh nghiệm. Trong nhiều năm, tôi tìm cách hiểu 3:18. Bây giờ, bằng kinh nghiệm với Chuá, tôi nhận ra rằng Linh là thể yếu của Đức Chúa Trời đang sống động, chuyển động, và hành động trong tôi, và sự công chính là thể yếu của Đức Chúa Trời được biểu lộ bên ngoài như hình ảnh của Đức Chúa Trời để biểu lộ Ngài. Kết quả của việc có Linh bên trong và sự công chính là hình ảnh của Đức Chúa Trời bên ngoài là tôi trở nên đúng đắn với Đức Chúa Trời, với con người, với chính mình, và với rất nhiều phương diện của đời sống hằng ngày của tôi. Vì chúng ta đúng đắn trong mọi cách nên chúng ta có sự bình an, vui mừng, yên nghỉ và đức tin. Đây là thành quả, kết quả của chức vụ giao ước mới.
---