Thứ Ba, 17 tháng 10, 2017

2 CÔ-RIN-TÔ BÀI 39



CHẤP SỰ GIAO ƯỚC MỚI (8)
Đọc Kinh Thánh: 2 Cô-rin-tô 6:1-13
NHỮNG GÌ CHÚNG TA LÀ VÀ NHỮNG ĐIỀU CHÚNG TA LÀM
Trong 2:12-3:11, Phao-lô đề cập đến chức vụ giao ước mới, và trong 3:12-7:16, nói về chấp sự giao ước mới. Trong Thư Tín này, phần nói về chấp sự của giao ước mới dài hơn phần nói về chức vụ của giao ước mới. Lí do là Đức Chúa Trời quan tâm đến chấp sự nhiều hơn là quan tâm đến chức vụ. Nói cách khác, Đức Chúa Trời quan tâm đến những gì chúng ta là hơn là quan tâm đến những gì chúng ta làm. Điều này có nghĩa là những gì chúng ta là đối với Ngài quan trọng hơn những điều chúng ta làm.
Ngày nay, cả trong thế giới Cơ Đốc lẫn trong thế giới trần tục, người ta chú ý đến những điều họ làm hơn là những gì họ là. Cơ Đốc nhân chủ yếu chú đến công tác hoặc chức vụ nhưng quên đi bản thể của người làm công tác. Họ chú ý đến công tác và chức vụ nhiều hơn là người làm công tác và chấp sự. Nhưng theo Kinh Thánh, Đức Chúa Trời quan tâm nhiều đến những gì chúng ta hơn là những điều chúng ta làm hay những điều chúng ta có thể làm. Ngài quan tâm đến loại người chúng ta và loại sự sống chúng ta sống. Do đó, trong 2 Cô-rin-tô, trước hết Phao-lô trình bày chức vụ Tân Ước. Sau đó, ông tiếp tục chỉ ra rằng chức vụ lạ lùng, kỳ diệu này cần những chấp sự ưu tú với một sự sống siêu việt.
Chúng ta cần được ấn tượng sâu sắc bởi việc Đức Chúa Trời quan tâm nhiều đến những gì chúng ta là hơn những điều chúng ta làm. Những điều chúng ta làm phải được đo lường bằng những gì chúng ta là. Hơn nữa, bản thể chúng ta phải xứng hợp với công tác của chúng ta; tức những gì chúng ta là phải xứng hợp với những điều chúng ta làm. Bản thể chúng ta phải xứng hợp với việc làm của chúng ta. Vì thế, bản thể chúng ta và việc làm của chúng ta phải đi đôi với nhau. Nếu chỉ quan tâm đến những điều chúng ta làm mà không quan tâm đến việc làm loại người đúng đắn thì những điều chúng ta làm sẽ không có trọng lượng. Việc làm của chúng ta sẽ có trọng lượng chỉ khi nó xứng hợp với những gì chúng ta là trong bản thể mình.
LÀM VIỆC BỞI SỰ SỐNG THÍCH-HỢP-TẤT-CẢ
Trong 6:1 Phao-lô nói: “Ấy vậy (Và), vì chúng tôi đồng công với Chuá, nên nài khuyên anh em chớ nhận lãnh ân điển Đức Chúa Trời luống nhưng”. Chữ “và” ở đây cho thấy một sự tiếp nối. Trong phần cuối chương 5 (c. 16-21), vị sứ đồ bảo rằng là chấp sự của giao ước mới, họ được uỷ thác chức vụ giải hoà cho sáng tạo mới của Chuá. Từ câu này đến cuối chương 7, ông nói tiếp về cách họ làm việc. Họ cùng làm việc với Đức Chúa Trời bằng sự sống (không phải bằng ân tứ), sự sống đó thích hợp với tất cả và hoàn toàn trưởng thành, có thể phù hợp với mọi tình huống, có thể bền chịu mọi đối xử, chấp nhận bất cứ loại môi trường nào, làm việc dưới bất cứ loại điều kiện nào, và nắm lấy mọi cơ hội để thực hiện chức vụ của mình.
Một số người đọc điều này có thể nói “Đây là một lời tốt dành cho đồng công và chấp sự, nhưng lời đó không dành cho tôi. Tôi là dân thường, không phải là chấp sự”. Nhưng trong sự khôi phục của Chuá không có dân thường. Mọi người đều là chấp sự, đồng công, và thậm chí có tiềm năng và khả năng để trở thành sứ đồ. Ở đâu đó, chúng ta đã chỉ ra rằng các sứ đồ là gương mẫu và kiểu mẫu về những gì tất cả tín đồ nên là. Trong Ê-phê-sô chương 3, Phao-lô nói ông nhỏ hơn người nhỏ nhất của hết thảy các thánh đồ. Hơn nữa, tên Phao-lô có nghĩa là “nhỏ bé”. Nếu Phao-lô nghĩ rằng mình nhỏ hơn người nhỏ nhất trong tất cả các thánh đồ, còn có thể là một chấp sự và sứ đồ, còn anh em thì sao? Tất cả chúng ta đều có khả năng làm chấp sự của giao ước mới. Về điều này, điểm nhấn mạnh của chúng ta không trên những điều chúng ta làm nhưng trên những gì chúng ta là. Khả năng của chúng ta không chủ yếu là khả năng để làm việc nhưng là khả năng để là.
Tôi muốn nói rằng trong 6:1-7:16, chúng ta có thể thấy các sứ đồ cùng làm việc với Đức Chúa Trời bằng một sự sống thích-hợp-tất-cả. Phân đoạn 2 Cô-rin-tô này không cho thấy rằng họ cùng làm việc với nhau với Đức Chúa Trời bằng một quyền năng toàn túc hoặc bằng một ân tứ kỳ diệu. Tuy nhiên, Cơ Đốc nhân ngày nay chỉ chú ý đến quyền năng và ân tứ. Có thể một số người hỏi: “Anh có quyền năng không? Anh có biết rằng tiến sĩ này tiến sĩ kia là nhà rao giảng đầy quyền năng không? Anh có ân tứ gì? Ô, tiến sĩ này, tiến sĩ kia rất có ân tứ”. Nhưng giữa vòng Cơ Đốc nhân ngày nay, rất ít nói về sự sống hoặc về nếp sống. Những người không có quyền năng đích thực có thể giả vờ là có quyền năng. Ví dụ, theo cách quá tự tin, có thể họ cầu nguyện: “Trong danh quyền năng của Jesus, tôi cột trói mọi uế linh!”. Nhưng điều thú vị nhất là trong 2 Cô-rin-tô, Phao-lô không nói như thế. Thật ra, ông nói rất ít về ân tứ hay quyền năng. Như được dùng trong 2 Cô-rin-tô, ân tứ không nói đến ân tứ phép lạ và quyền năng không có ý nghĩa thông thường mà Cơ Đốc nhân ngày nay nghĩ. Nếu đọc kỹ toàn bộ bộ Sách 2 Cô-rin-tô, anh em sẽ thấy rằng Phao-lô tập trung vào sự sống. Do đó, trong 6:1-7:16, chúng ta thấy ông đã cùng làm việc với Đức Chúa Trời bằng một sự sống thích-hợp-tất-cả.
Là một chấp sự của Tân Ước thì không phụ thuộc vào ân tứ hay quyền năng; trái lại, phụ thuộc vào việc có sự sống mà có thể thích hợp với mọi loại tình huống. Chắc chắn là từ thích-hợp-tất-cả không được dùng trong 6:13. Nhưng nếu xem những câu này chứa đựng điều gì, anh em sẽ thấy rằng chúng mô tả sự sống mà sự sống đó chắc chắn thích-hợp-tất-cả. Như chúng ta sẽ thấy trong chương sau, ở đây Phao-lô đề cập đến 18 phẩm chất, ba nhóm, và bảy loại người. Do đó, Phao-lô có đủ phẩm chất để làm chấp sự của giao ước mới trong mọi cách này.
Trong 6:1-13, Phao-lô không liệt kê trong số những phẩm chất như thế có triết học hay tâm lí học. Nếu là những chấp sự đúng đắn của giao ước mới, chúng ta phải có 18 phẩm chất được Phao-lô đề cập và ba nhóm, và chúng ta cần bảy loại người. Chỉ theo cách này, chúng ta mới có đủ phẩm chất để làm đồng công với Đức Chúa Trời vì chức vụ Tân Ước của Ngài.
Trong 6:1, Phao-lô không nói rằng các sứ đồ cùng làm việc với nhau. Không, ông nói họ đang cùng làm việc với Đức Chúa Trời. Các sứ đồ không chỉ được Đức Chúa Trời uỷ thác chức vụ của họ, nhưng họ cùng làm việc với Ngài. Họ là đồng công của Đức Chúa Trời (1Cô. 3:9). Phao-lô và đồng công của ông đang cùng làm việc với Đức Chúa Trời.
ĐƯỢC GIẢI HOÀ VÀO TRONG ĐỨC CHÚA TRỜI
Nếu muốn hiểu đúng đắn ý nghĩa của cụm từ cùng làm việc với Đức Chúa Trời, chúng ta cần nhắc lại những điều Phao-lô nói ở cuối chương 5. Phao-lô đã nói rằng ông được Đức Chúa Trời uỷ thác cho chức vụ giải hoà, tức là với công tác giải hoà người khác với Đức Chúa Trời. ,/
Cách đây nhiều năm, tôi hiểu biết rất hạn hẹp về sự giải hoà. Tôi hiểu là trước khi được cứu, chúng ta là kẻ thù của Đức Chúa Trời, và giữa chúng ta với Đức Chúa Trời không có hoà bình. Thay vì hoà bình, chúng ta thù địch với Đức Chúa Trời. Nhưng khi ăn năn và tin Chuá Jesus, huyết Ngài tẩy sạch các tội phạm của chúng ta, và chúng ta nhận được sự tha thứ của Đức Chúa Trời. Kết quả là, chúng ta được xưng công chính và được phục hoà với Ngài. Được phục hoà với Đức Chúa Trời theo cách này thì giữa chúng ta và Đức Chúa Trời không còn thù nghich nữa. Thay vì thế, chúng ta có hoà bình với Ngài. Sự hiểu biết này về sự giải hoà quá thấp so với ý nghĩa đầy đủ của sự giải hoà trong Tân Ước. Đó không phải là ý nghĩa đầy đủ của sự giải hoà như được sứ đồ Phao-lô cung ứng.
Sự giải hoà mà Phao-lô cung ứng là gì? Tôi đã đọc nhiều sách nói về chủ đề này, nhưng không có sách nào chỉ ra rằng chức vụ giải hoà không chỉ đem tội nhân về với Đức Chúa Trời mà thậm chí còn nhiều hơn thế, đó là đem tín đồ hoàn toàn vào trong Đức Chúa Trời. Do đó, chỉ để được đem lại với Đức Chúa Trời thì chưa đủ; chúng ta cũng phải ở trong Ngài.
Câu cuối chương 5, câu 21 chép: “Đức Chúa Trời đã khiến cho Đấng chẳng biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta, hầu cho chúng ta ở trong Ngài được trở nên sự công chính của Đức Chúa Trời”. Theo câu này, chúng ta trở thành sự công chính của Đức Chúa Trời không chỉ qua Christ, với Christ, hay bởi Christ; chúng ta trở thành sự công chính của Đức Chúa Trời trong Christ. Từ câu này, chúng ta cũng thấy rằng chúng ta không chỉ công chính trước mặt Đức Chúa Trời; chúng ta chính là sự công chính của Đức Chúa Trời. Công chính là một việc, nhưng trở nên sự công chính là việc khác. Ví dụ, một vật gì đó có thể bằng vàng nhưng nó không phải là vàng ròng. Thật kỳ diệu làm sao trong Christ chúng ta có thể trở thành chính sự công chính của Đức Chúa Trời!
Anh em có tự tin để tuyên bố rằng anh em ở trong Christ không? Là những tín đồ đích thực, chúng ta có thể làm chứng rằng chúng ta ở trong Ngài. Nhưng chúng ta có ở trong Christ theo cách cụ thể trong đời sống hằng ngày không? Ví dụ, anh em có ở trong Christ khi anh em đang bông đùa không? Khi bông đùa, anh em có chắc là ở trong Ngài không? Anh em phải thừa nhận rằng anh em ở ngoài Christ vào những lúc như thế. Không có lập trường trung lập; chúng ta hoặc ở trong Christ hoặc ở ngoài Ngài. Vì chúng ta không luôn ở trong Christ một cách thực tiễn nên chúng ta cần được giải hoà hơn nữa. Chúng ta cần được giải hoà trở lại trong Christ.
Giả sử anh em đang ở trong tình huống phải xếp hàng chờ đợi trong một thời gian dài. Đang khi chờ, có thể anh em cảm thấy không vui lắm. Thực ra, có thể anh em hết sức bực mình. Anh em có ở trong Christ lúc đó không? Không, anh em ở ngoài Christ. Thế thì anh em ở đâu? Anh em ở trong chính mình. Có những lúc tình trạng của anh em dường như còn tệ hơn, vì anh em ở trong xác thịt, có lẽ trong sự tức giận. Do đó, anh em cần chức vụ giải hoà để đem anh em trở lại vào trong Đức Chúa Trời một lần nữa.
Tôi không tin rằng nhiều người đọc 2 Cô-rin-tô chương 5 có thể hiểu rằng sự giải hoà là để được đem trở lại vào trong Đức Chúa Trời. Đây có phải là sự hiểu biết của anh em về sự giải hoà trong chương này không? Tuy nhiên, đây thật sự là điều mà Phao-lô muốn nói về sự giải hoà.
Trong nhiều năm, tôi đọc chương 5 và 6 Sách 2 Cô-rin-tô mà không nhận thức được thể nào chương 6 là sự tiếp nối của chương 5. Trong 2 Cô-rin-tô chương 5, Phao-lô bảo chúng ta rằng ông được uỷ thác chức vụ giải hoà người khác cho Đức Chúa Trời. Trong chương 6, Phao-lô đang thực hiện chức vụ này liên quan đến người Cô-rin-tô.
LÀ MỘT VỚI ĐỨC CHÚA TRỜI BẰNG CÁCH ĐƯỢC HOÀ QUYỆN VỚI NGÀI
Sự hiểu biết theo Kinh Thánh về sự giải hoà bao gồm nhiều hơn là chỉ được đem lai với Đức Chúa Trời. Đó là được đem vào trong Ngài. Do đó, theo Kinh Thánh, đem người khác đến với Đức Chúa Trời có nghĩa là đem họ vào trong Đức Chúa Trời và làm cho họ hoàn toàn là một với Ngài. Tuy nhiên, trong nhiều sự dạy dỗ Cơ Đốc, vấn đề hiệp một với Đức Chúa Trời được hiểu sai. Theo quan điểm được nhiều Cơ Đốc nhân nắm giữ, làm một với Đức Chúa Trời có thể được so với vợ làm một với chồng. Đối với trường hợp vợ chồng, có một loại hiệp một hợp nhất. Nhưng trong Kinh Thánh, làm một với Đức Chúa Trời có nghĩa là được hoà quyện với Ngài. Đó là ở trong Đức Chúa Trời và để Đức Chúa Trời vào trong chúng ta. Sự hiệp một với Đức Chúa Trời theo Kinh Thánh là sự hiệp một mà trong đó chúng ta vào trong Đức Chúa Trời và Đức Chúa Trời vào trong chúng ta. Do đó, Chuá Jesus phán rằng: “Hãy cứ ở trong Ta và Ta trong các ngươi” (Giăng 15:4). Ngài không phán “Hãy cứ ở với Ta và Ta với các ngươi”. Thật xấu hổ vì một số Cơ Đốc nhân chống đối lại quan điểm Kinh Thánh tuyệt vời về việc làm một với Đức Chúa Trời bởi được hoà quyện với Ngài!
ĐƯỢC ĐEM LẠI VÀO TRONG ĐỨC CHÚA TRỜI
Cho đến khi chúng ta hoàn toàn làm một với Chuá, ở trong Ngài và để Ngài hoàn toàn ở trong chúng ta, chúng ta vẫn tiếp tục cần chức vụ giải hoà, tức chức vụ đã uỷ thác cho Phao-lô. Phao-lô đã được uỷ thác công tác đem tín đồ vào trong Đức Chúa Trời theo cách triệt để và thực tiễn. Một khi nhìn thấy điều này, chúng ta đủ tiêu chuẩn để hiểu phần cuối chương 5 và phần đầu chương 6. Như chúng tôi đã chỉ ra, liên từ “và” ở đầu 6:1 cho thấy rằng chương 6 là sự tiếp nối của phần cuối chương 5.
Tôi khuyên anh em đừng nắm giữ quan điểm giới hạn và cũ kỹ của anh em về sự giải hoà. Có thể anh em đã nghiên cứu sách tôn giáo hay sách thuộc linh và cảm thấy rằng anh em có một sự giải thích đúng đắn về sự giải hoà. Nhưng tôi khích lệ anh em nhận lấy sự hiểu biết đầy đủ hơn và mới mẻ này về sự giải hoà để thấy rằng được giải hoà là được đem vào trong Đức Chúa Trời và chức vụ giải hoà là chức vụ đem người khác vào trong Đức Chúa Trời.
Có nhiều nan đề giữa vòng tín đồ Cô-rin-tô. Tất cả những nan đề đó là dấu hiệu cho thấy rằng những tín đồ đó không hoàn toàn ở trong Đức Chúa Trời. Trong nhiều vấn đề cụ thể, họ không ở trong Đức Chúa Trời. Dù họ được Đức Chúa Trời cứu và sinh ra, nhưng họ vẫn không đang sống trong Ngài. Vì lí do này, về nhiều điều trong nếp sống hằng ngày của họ, họ ở ngoài Đức Chúa Trời. Do đó, Phao-lô có gánh nặng đem họ vào trong Đức Chúa Trời. Đây là giải hoà họ với Đức Chúa Trời.
LÀM VIỆC VỚI ĐỨC CHÚA TRỜI
Không chỉ các sứ đồ được uỷ thác công tác, chức vụ của sự giải hoà, nhưng trong việc đem người khác vào trong Đức Chúa Trời, họ cùng làm việc với Đức Chúa Trời. Họ biết rằng bởi chính mình, họ sẽ không đem ai vào trong Đức Chúa Trời cả. Họ không có khả năng này. Họ cần làm công tác này cùng với Đức Chúa Trời.
Trong quá khứ, nhiều người trong chúng ta đã nói rằng chúng ta đang công tác cho Chuá. Nhưng khi đang công tác cho Ngài, anh em có cảm nhận rằng anh em đang làm việc với Ngài không? Có một sự khác nhau quan trọng giữa công tác cho Đức Chúa Trời và làm việc với Ngài. Ngay cả trong đời sống con người của chúng ta, công tác với người khác thì khác với chỉ làm việc cho người đó. Chúng ta hãy lấy ví dụ người vợ nấu ăn cho chồng. Người vợ có thể vui thích việc nấu ăn cho chồng; tuy nhiên, có thể nàng không thích nấu ăn với chồng. Thay vì thế, nếu người chồng vào bếp và cùng chuẩn bị bữa ăn với nàng thì nàng nói: “Hãy để em nấu cho anh, đùng vào bếp làm phiền em. Hãy ngồi nghỉ cho đến khi thức ăn sẵn sàng”. Điều này cho thấy rằng người vợ thích nấu cho chồng, chứ không thích nấu với chồng. Cũng đúng như vậy khi làm việc cho Chuá. Thường chúng ta thích làm việc cho Chuá chứ không muốn cùng làm việc với Ngài. Thái độ của chúng ta thậm chí có thể là Chuá thì ở trên trời trong khi chúng ta ở dưới đất làm việc cho Ngài. Nếu làm việc như vậy, chúng ta sẽ không thể giải hoà người khác vào trong Chuá. Vì chính chúng ta không ở trong Chuá theo cách thực tiễn trong công tác nên chúng ta không thể giải hoà bất cứ ai vào trong Chuá. Chỉ bởi cùng làm việc với Chuá chúng ta mới có thể giải hoà người khác vào trong Ngài.
Cùng làm việc với Đức Chúa Trời có nghĩa là chúng ta ở trong Ngài. Khi ở trong Ngài, chúng ta có thể đem người khác vào trong Ngài. Chỉ người nào ở trong Đức Chúa Trời mới có thể đem người khác vào trong Đức Chúa Trời. Nếu không ở trong Ngài, chắc chắn anh em không thể đem người khác vào trong Ngài. Việc chúng ta gần gũi Đức Chúa Trời là thước đo kết quả của công tác chúng ta. Nếu xa cách Đức Chúa Trời, chúng ta không thể đem người khác đến gần Ngài. Mức độ mà chúng ta có thể đem người khác đến với Đức Chúa Trời và vào trong Đức Chúa Trời luôn luôn được đo lường bằng nơi mà chúng ta ở với Đức Chúa Trời. Nếu là những người làm một với Đức Chúa Trời thì chúng ta có thể đem người khác đến chính nơi chúng ta đang ở. Do đó, nếu muốn đem người khác vào trong Chuá, trước hết chính chúng ta phải ở trong Ngài. Càng ở trong Ngài, chúng ta càng giải hoà người khác vào trong Ngài. Nguyện điều này gây ấn tượng sâu sắc trên chúng ta!
KHÔNG NHẬN ÂN ĐIỂN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI CÁCH VÔ ÍCH
Trong phần cuối của 6:1, Phao-lô nói với người Cô-rin-tô rằng: “chúng tôi cũng nài khuyên anh em đừng nhận ân điển của Đức Chúa Trời cách vô ích”. Lời khuyên này là công tác giải hoà như đã được đề cập trong 5:20.
Phao-lô nài khuyên tín đồ tại Cô-rin-tô đừng nhận ân điển của Đức Chúa Trời cách vô ích. Ân điển là Đấng Christ phục sinh trở thành Linh ban-sự-sống đem Đức Chúa Trời đã-trải-qua-tiến-trình trong sự phục sinh vào trong chúng ta làm sự sống và sự cung ứng sự sống của chúng ta để chúng ta có thể sống trong sự phục sinh. Điều này có nghĩa là ân điển là Đức Chúa Trời Tam-Nhất trở thành sự sống và mọi sự cho chúng ta. Bởi ân điển này mà Sau-lơ người Tạt-sơ, một tội khôi (1Tim. 1:15-16), đã trở thành vị sứ đồ lỗi lạc, lao khổ nhiều hơn hết thảy các sứ đồ (1Cô. 15:10). Ân điển của Đức Chúa Trời luôn luôn đem chúng ta trở lại với Ngài. Theo ngữ cảnh của 6:1, đừng nhận ân điển của Đức Chúa Trời cách vô ích có nghĩa là đừng cứ ở trong sự lầm lạc khỏi Đức Chúa Trời, nhưng phải được đem lại với Ngài.
SỰ CỨU RỖI TRỌN VẸN
Trong 6:2, Phao-lô nói tiếp: “Vì Ngài phán rằng ‘Trong thì giờ vui nhận Ta đã dủ nghe ngươi. Trong ngày cứu rỗi, Ta đã vùa giúp ngươi’ Này hiện nay là thì giờ vui nhận; này, hiện nay là ngày cứu rỗi”. Cụm từ thì giờ vui nhận nói đến thời điểm chúng ta được giải hoà với Đức Chúa Trời mà khi đó Ngài vui nhận chúng ta. Theo ngữ cảnh, sự cứu rỗi trong câu này nói đến sự giải hoà. Sự giải hoà thật ra là sự cứu rỗi trọn vẹn.

Trong chương 5, Phao-lô nói về sự giải hoà, và trong chương 6, ông nói đến sự cứu rỗi. Do đó, sự cứu rỗi được đề cập trong 6:2 thật ra nói đến sự giải hoà. Chỉ khi chúng ta là những tín đồ, là những người được cứu trong Christ, được hoàn toàn giải hoà với Đức Chúa Trời thì chúng ta mới được cứu rỗi trọn vẹn. Trước thời điểm đó chúng ta mới chỉ được cứu một phần; chúng ta chưa được cứu trọn vẹn.
Trong 6:1-13, chúng ta thấy bức tranh của một người đã được cứu trọn vẹn. Chúng ta chứng thực sự cứu rỗi trọn vẹn bằng cách có một đời sống phù-hợp-tất-cả. Trong những câu này, Phao-lô là Thần-nhân của một tín đồ là người đã được cứu trọn vẹn, là Thần-nhân của một người sống một đời sống phù-hợp-tất-cả. Trong bài tiếp theo chúng ta sẽ suy xét những chi tiết của sự sống này.