Thứ Tư, 18 tháng 10, 2017

2 CÔ-RIN-TÔ BÀI 48



VỊ SỨ ĐỒ TƯƠNG GIAO VỀ VIỆC CUNG CẤP CHO CÁC THÁNH ĐỒ CÓ NHU CẦU (3)
Đọc Kinh Thánh: 2Cô. 8:15; 9:1-15
Trong Sách 2 Cô-rin-tô chương 9, Phao-lô nói thêm về việc cung cấp cho những thánh đồ có nhu cầu. Dường như đối với chúng ta, chương này không cần thiết, vì chúng ta có thể nghĩ rằng những điều Phao-lô nói trong chương 8 là đầy đủ. Theo sự hiểu biết của anh em, tại sao Phao-lô nói thêm vào trong chương 9? Nếu đọc lại hai chương này, anh em có thể suy xét về sự cung cấp cho các thánh đồ có nhu cầu thì chỉ phần đầu của chương 8 là đủ và phần cuối chương 8 và cả chương 9 thì không thật sự cần thiết. Chúng ta cần hỏi tại sao Phao-lô dành quá nhiều chỗ cho vấn đề này. Như chúng ta sẽ thấy, lí do ông làm như vậy có liên quan đến những tư tưởng sâu sắc nào đó.
THÂU VÀ GIEO
Tư tưởng của Phao-lô trong chương 8 và 9 rất sâu sắc. Chìa khoá để hiểu tư tưởng sâu sắc của Phao-lô được tìm thấy trong hai vấn đề. Thứ nhất, trong 8:15 Phao-lô kết luận: “Cũng như có chép rằng: ‘Kẻ đã thâu nhiều cũng chẳng dư, kẻ thâu ít cũng chẳng thiếu’”. Đây là lời trích từ Xuất Ai Cập Kí 16:18 về việc thâu lượm ma-na vì sự cung ứng hằng ngày. Tại sao sứ đồ Phao-lô liên hệ việc cung ứng những điều vật chất cho các thánh đồ với việc lượm ma-na? Nếu xem xét vấn đề này kỹ lưỡng, chúng ta sẽ nhận ra rằng việc cung cấp vật chất cho những thánh đồ có nhu cầu chắc chắn là vì sự cung ứng hằng ngày của họ. Ma-na được con cái Israel lượm vì sự cung ứng hằng ngày của và những điều vật chất được cung ứng cho những thánh đồ có nhu cầu cũng vì sự cung ứng hằng ngày của họ. Lời trích của Phao-lô trong Xuất Ai Cập Kí 16:18 là yếu tố quan trọng trong việc nắm bắt tư tưởng sâu sắc của ông.

Vấn đề thứ hai liên quan đến tư tưởng sâu sắc của Phao-lô trong chương 8 và 9 liên quan đến lời của ông trong 9:6 về việc gieo: “Khá nhớ rằng ai gieo bỏn xẻn thì gặt bỏn xẻn, ai gieo rời rộng thì gặt rời rộng”. Ở đây, Phao-lô ví sự cung ứng những điều vật chất cho các thánh đồ có nhu cầu với việc gieo giống. Giống như việc lượm ma-na, việc gieo giống là vì sự cung ứng hằng ngày. Do đó, cả việc lượm lẫn việc gieo đều cùng một mục đích, cả hai đều vì đời sống của chúng ta.
HAI CÁCH ĐỂ DÂN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI SỐNG
Trong Kinh Thánh, có hai cách để dân của Đức Chúa Trời sống. Cách thứ nhất là theo luật thiên nhiên được Đức Chúa Trời chỉ định. Đây là gieo giống và thu hoạch. Trong Sáng Thế Kí chương 3, Đức Chúa Trời chỉ định rằng con người phải cày xới đất để sống. Gieo giống là vì đời sống con người. Đây là cách theo luật tự nhiên được Đức Chúa Trời chỉ định. Không có chủng tộc nào hay quốc gia nào có thể tồn tại mà không gieo, không cày cấy. Làm nông là gieo giống và thu hoạch.
Cách thứ hai để dân của Đức Chúa Trời sống là phép lạ từ bàn tay của Đức Chúa Trời. Khi con cái Israel ở Ai Cập, họ sống theo cách tự nhiên. Nhưng khi họ ra khỏi Ai Cập và lang thang trong đồng vắng thì họ sống theo cách khác, theo cách phép lạ của Đức Chúa Trời. Dân Israel lúc đó không gieo giống, nhưng họ lượm ma-na. Chúng ta có thể nói rằng họ thu hoạch mà không gieo, vì việc họ lượm là thu hoạch. Trong đồng vắng, con cái Israel cứ lượm mà không gieo. Mưa ma-na từ trời rơi xuống là một sự thay thế cho việc gieo. Con người có thể gieo giống, nhưng chỉ Đức Chúa Trời mới có thể làm cho ma-na rơi xuống. Trong đồng vắng, con cái Israel lượm ma-na được Đức Chúa Trời gởi đến.
Theo Xuất Ai Cập Kí chương 16, con cái Israel lượm ma-na mỗi sáng, trừ ngày Sa-bát. Vào ngày thứ sáu, họ lượm gấp đôi để cung ứng đủ cho ngày Sa-bát. Xuất Ai Cập Kí 16:17 và 18 chép: “Dân Israel bèn làm như vậy, kẻ thì lượm nhiều, người thì lượm ít, Cứ lường từ ô-me; ai lường nhiều chẳng được trội, ai lượm ít cũng chẳng thiếu; mỗi người lượm vừa đủ sức mình ăn”.
ĐỨC CHÚA TRỜI CÂN ĐỐI SỰ CUNG CẤP GIỮA VÒNG DÂN NGÀI
Trong đồng vắng, con cái Israel không làm việc đồng áng, không gieo cũng không thu hoạch. Thay vì thế, họ lượm ma-na. Có lẽ một số người tham lam và cố lượm thật nhiều ma-na, tức nhiều hơn nhu cầu của họ. Tuy nhiên, đến cuối ngày, ma-na còn lại không còn dùng được nữa. Xuất Ai Cập Kí 16:19 và 20 chép: “Môi-se nói cùng dân sự rằng: đừng ai để dư lại cho đến sáng mai. Nhưng dân sự chẳng nghe theo lời của Môi-se, một vài người để dư lại đến sáng mai; thì sâu hoá ở trong, vật sanh mùi hôi hám. Môi-se bèn nổi giận cùng họ”. Trong trường hợp những người lượm thừa ma-na, có lẽ muốn để dành cho nhiều ngày và nhiều tuần sau, nhưng Đức Chúa Trời đã làm cho số thừa đó bị hư.
Những người yếu hơn không thể lượm được nhiều ma-na thì cũng chẳng thiếu gì cả. Đường lối thần thượng là đường lối mà những người lượm ít không thiếu còn những người lượm nhiều cũng không dư. Đây là đường lối thiên thượng của Đức Chúa Trời về việc cân đối sự cung ứng giữa vòng dân Ngài. Đức Chúa Trời đã vận dụng khả năng phép lạ của Ngài để cân đối sự cung cấp ma-na giữa vòng dân Ngài, Đức Chúa Trời cân đối sự cung cấp hằng ngày giữa con cái Ngài bằng bàn tay tể trị và phép lạ của Ngài.
Trong việc Phao-lô viết Sách 2 Cô-rin-tô, ông liên kết việc lượm ma-na với việc tín đồ cung cấp vật chất cho những thánh đồ có nhu cầu. Trong Xuất Ai Cập Kí chương 16, đó là chuyện lượm nhưng trong 2 Cô-rin-tô chương 8 đó là chuyện ban cho. Về việc lượm ma-na, dù con cái Israel lượm nhiều hay ít, kết quả đều như nhau. Điều này cho thấy rằng trong việc lượm, họ không nên tham lam. Lượm ma-na là trách nhiệm của họ. Họ phải thực hiện trách nhiệm mà không được tham lam.
Giả sử, một số con cái Israel nói: “Đức Chúa Trời đầy thương xót, tối cao và lạ lùng. Ngài kiểm soát mọi sự. Vì tôi sẽ không dư nếu tôi lượm nhiều và cũng sẽ không thiếu nếu lượm ít, thế thì tôi chẳng cần đi ra lượm gì cả”. Nếu một người dân của Đức Chúa Trời thực hành như vậy thì người đó sẽ không có gì để ăn. Đức Chúa Trời không làm giùm phần trách nhiệm của người đó. Đức Chúa Trời không làm việc cho người đó cũng không cho người đó ăn. Con cái Israel phải hoàn thành trách nhiệm của họ. Miễn là hoàn thành trách nhiệm theo sự chỉ định của Đức Chúa Trời thì họ có sự cung ứng đầy đủ, dù họ lượm ma-na nhiều hay ít.
Trong 2 Cô-rin-tô chương 8, Phao-lô ví việc chúng ta cung cấp cho những người có nhu cầu với việc lượm ma-na. Đối với nhận thức của mình, chúng ta đang ban cho, chứ không phải lượm. Nhưng điều Phao-lô nói cho thấy rằng ban cho là lượm. Lời của Phao-lô ít nhất cũng hàm ý rằng là con cái của Đức Chúa Trời, chúng ta không nên tham lam. Chúng ta không nên nghĩ rằng nếu kiếm được một số tiền lớn, chúng ta có thể giữ cho chính mình. Chúng ta cần thấy rằng chúng ta có ban cho hay không thì cuối cùng kết quả cũng như nhau.
Giả sử, một anh em kiếm được 40.000 đô-la một năm, nhưng điều mà anh thật sự cần cho đời sống mình thì ít hơn số tiền đó rất. Cũng hơi tham lam, anh muốn để dành một số tiền lớn cho mình. Anh dâng mười phần trăm, tức 4.000 đô-la, với ý định giữ lại 36.000 đô-la kia. Dâng mười phần trăm này là một sự thực hành tốt. Tuy nhiên, anh em này có thể bước theo một phương cách thậm chí còn tốt hơn. Theo phương cách tốt hơn này, anh em đó nên giữ những gì cần cho đời sống của anh, có lẽ 20.000 đô-la, và dâng phần còn lại. Chắc chắn, nói theo cách con người, hầu hết mọi người đều theo cách thứ nhất, tức cách dâng phần mười, thay vì theo cách thứ hai là cách dâng tất cả những gì có thể. Nếu anh em đó quyết định dâng phần mười và giữ lại thêm 16.000 đô-la cho mình, thì cuối cùng anh em đó sẽ học tập rằng trong sự tể trị của Ngài, Đức Chúa Trời có nhiều cách để khiến cho số tiền thừa này biến mất. Có thể đó là bệnh tật, tai nạn, hay tai hoạ. Nếu tiền không biến mất trong thế hệ này thì nó sẽ biến mất trong thế hệ sau hoặc chắc chắn sẽ biến mất trong thế hệ thứ ba. Bàn tay tể trị, quyền năng của Đức Chúa Trời sẽ hành động để thực hành một sự cân đối thiên thượng về tài sản trong dân Ngài.
Trong khoảng 70 năm, tôi vẫn quan sát tình hình này giữa vòng Cơ Đốc nhân. Tôi có thể làm chứng rằng tôi không thấy một gia đình Cơ Đốc nào mà có thể giữ tài sản liên tiếp ba thế hệ. Thế hệ thứ nhất trong một gia đình Cơ Đốc có thể rất giàu có và để dành tài sản khổng lồ đó lại cho thế hệ thứ hai. Nhưng hoặc trong thế hệ thứ hai hoặc trong thế hệ thứ ba, số tiền đó bị biến mất cách âm thầm. Dường như nó không cánh mà bay. Tôi biết nhiều trường hợp mà thế hệ thứ ba đã để cho toàn bộ tài sản của họ bị người khác lấy mất. Dù những người trong thế hệ này thừa kế một tài sản khổng lồ, nhưng tài sản vẫn bị người khác lấy đi mất. Vì thế, cuối cùng điều đó chứng minh rằng người lượm nhiều cũng không dư. Tôi thật sự đã chứng kiến bàn tay lạ lùng và tể trị của Đức Chúa Trời để cân đối tài sản giữa vòng dân của Ngài.
Có thể anh em tự cho mình là rất khôn ngoan trong vấn đề tiền bạc. Anh em biết cách làm ra tiền, biết cách tiết kiệm tiền và biết cách giữ tiền cho con cháu. Nhưng dù khôn ngoan thế nào đi nữa trong việc quản lí tiền bạc thì Đức Chúa Trời vẫn khôn ngoan hơn. Là phi công thiên thượng, Ngài biết cách làm cho tiền bạc bay đi. Ngài đã làm điều này với ma-na trong Cựu Ước thì cũng làm điều đó với tiền bạc ngày nay. Vấn đề mà anh em đối diện là thế này: anh em có muốn cân đối sự cung cấp vật chất một cách sẵn lòng, hay anh em buộc Đức Chúa Trời cân đối sự cung cấp vật chất đó theo cách tể trị và lạ lùng của Ngài? Tôi có thể bảo đảm với anh em rằng sớm muộn gì anh em cũng sẽ được cân đối tài chánh. Về điều này, chúng ta cần hiểu lòng của Đức Chúa Trời. Sâu xa trong lòng Ngài, Đức Chúa Trời khao khát dân Ngài được quân bình trong sự cung cấp hằng ngày. Do đó, chúng ta nên thưa với Ngài: “Chuá ôi, cảm tạ Ngài vì làm cho con có thể lượm ma-na. Nhưng Chúa ơi, thay vì để dành cho chính con, con muốn chia sẻ cho người khác”. Anh em nên nhớ rằng anh em có sẵn lòng chia sẻ cho người khác hay không thì cuối cùng kết quả cũng như nhau. Kết quả sẽ là người lượm ít không thiếu và người lượm nhiều cũng không dư. Thế thì thật ngu dại nếu không chia sẻ những gì mình có cho người khác.
GIEO VỚI PHƯỚC HẠNH
Còn về việc gieo giống thì sao? Theo chương 9, sự ban cho của chúng ta bằng nhau không chỉ trong việc lượm như trong chương 8 mà còn bằng nhau trong việc gieo. Sự ban cho của chúng ta vừa lượm vừa gieo. Lượm ma-na thì lạ lùng. Chúng tôi đã nhấn mạnh rằng ma-na được con cái Israel lượm thì cân đối theo cách phép lạ để không ai thiếu và cũng không ai dư. Bây giờ từ chương 9, chúng ta phải thấy rằng sự ban cho của chúng ta cũng được ví như việc gieo.
Theo 9:6, ai gieo bỏn xẻn cũng sẽ gặt bỏn xẻn, và ai gieo rời rộng (với phước hạnh) thì gặt phước hạnh. Trong câu 6, chúng ta có tư tưởng về việc gieo vì lợi ích của người khác. Nhưng khi một nông gia gieo giống trên cánh đồng, ông có nghĩ là gieo cho người khác không? Chắc chắn, đa số nông dân đều nghĩ là gieo cho chính mình. Tuy nhiên, việc gieo này không phải gieo với phước hạnh. Gieo với phước hạnh là cho người khác. Đây là gieo với phước hạnh cho người khác. Khi chúng ta cho tiền, chúng ta đang gieo, và việc gieo này không phải cho chính mình nhưng gieo cho người khác. Nếu gieo với phước hạnh cho người khác, chúng ta sẽ gặt với phước hạnh từ Đức Chúa Trời.
HỌC TẬP BAN CHO
Là con cái Đức Chúa Trời, tất cả chúng ta phải học tập ban cho. Ban cho là lượm. Chúng ta có thể lượm được bao nhiêu ma-na tuỳ thuộc vào chúng ta ban cho bao nhiêu. Trong Lu-ca 6:38, Chuá Jesus phán: “Hãy cho, thì các ngươi sẽ được cho lại; Họ sẽ lấy lường lớn, giậm, lắc, đầy tràn, mà đổ vào lòng các ngươi. Vì các ngươi dùng lường nào mà lường ra thể nào, thì cũng sẽ được lường lại thể ấy”. Câu này cho thấy rằng nếu muốn nhận, tức lượm thì trước hết chúng ta cần ban cho. Ban cho là lượm, là nhận. Chúng ta cần lượm ma-na mỗi ngày. Vì lượm là ban cho, tất cả chúng ta cần ban cho để lượm. Chúng ta lượm ít vì ban cho ít. Nguyện tất cả chúng ta đều được ấn tượng rằng ban cho là lượm.
Trong vấn đề ban cho và lượm có liên quan đến những phép lạ thần thượng. Chúng ta không nên tin cách mê tín rằng càng ban cho chúng ta sẽ càng nhận. Nếu hiểu vấn đề như thế thì động cơ ban cho của chúng ta là làm giàu cho chính mình. Vấn đề ở đây có liên quan đến bàn tay cân đối của Đức Chúa Trời. Ngài sẽ phân bổ sự cung cấp để chúng ta có thể hoặc giàu hoặc nghèo. Chắc chắn, Ngài thực hành một sự cân đối thần thượng và thiên thượng. Ngài biết cách cân đối tài sản giữa vòng dân Ngài.
Trong hơn năm mươi năm, tôi đã sống bởi đức tin trong Chuá. Thường thì tôi rất nghèo. Tuy nhiên, tôi có thể làm chứng rằng dù ở trong cảnh nghèo khó cùng cực, tôi vẫn không hề thiếu thốn gì. Tôi lượm ít, nhưng không thiếu. Những lần khác, tôi có sự cung ứng dư dật, thậm chí có một số tiền lớn. Tuy nhiên, tôi phải làm chứng rằng tôi không dư gì cả. Do đó, tôi có thể làm chứng từ kinh nghiệm rằng hễ khi nào tôi lượm nhiều, thì tôi không có dư và hễ khi nào lượm ít thì cũng chẳng thiếu. Ai cân đối sự cung cấp như vậy? Chính Đức Chúa Trời làm sự cân đối thiên thượng này.
Nếu cố lượm nhiều hơn những gì cần thiết, cuối cùng chúng ta sẽ thấy số tiền dư bị bay đi mất. Nếu giữ quá nhiều tiền dư, thì tiền đó dường như chắp cánh bay xa khỏi anh em. Lí do điều này là vì Đức Chúa Trời trên trời cân đối tài sản xã hội của con cái Ngài.
Chúng ta đã thấy rằng ban cho là vừa lượm vừa gieo. Gieo thì gặt. Quy luật tự nhiên là gieo trước rồi mới có vụ mùa. Khi gieo, chúng ta nên gieo rời rộng chứ đừng gieo bỏn xẻn. Nếu gieo bỏn xẻn, chúng ta sẽ gặt bỏn xẻn. Nhưng nếu gieo rời rộng thì cũng sẽ gặt rời rộng. Trong việc gieo, chúng ta là những người rời rộng và hào phóng. Nhưng khi gặt, chúng ta thấy Đức Chúa Trời là Đấng rời rộng.
Tại sao Phao-lô thêm chương 9 vào? Ông thêm chương này để cung cấp cho chúng ta thêm một minh hoạ về việc ban cho. Chúng tôi đã chỉ ra rằng trong 2 Cô-rin-tô chương 9, Phao-lô dùng việc gieo để minh hoạ trong việc ban cho. Do đó, từ chương 8 và 9, chúng ta thấy rằng ban cho là lượm và cũng là gieo. Hai khái niệm này sâu sắc trong Phao-lô chi phối ông trong việc viết hai chương này.
CHO VÀ LƯỢM
Phao-lô không phải là tác giả nông cạn. Trái lại, ông rất sâu sắc, và những tư tưởng của ông rất thâm thuý. Trong việc đọc Cựu Ước, ông nhận thức rằng Xuất Ai Cập Kí chương 16 nói về dân của Đức Chúa Trời lượm những gì họ cần cho sự cung ứng hằng ngày. Theo quan điểm của Phao-lô, ngày nay chúng ta đang ở trong đồng vắng. Hằng ngày chúng ta làm việc, nhưng thực ra là đang lượm ma-na. Nhưng việc chúng ta lượm phải trở thành việc ban cho. Nếu không ban cho thì chúng ta sẽ không lượm được nữa. Chúng ta làm việc để kiếm tiền, nhưng việc kiếm tiền phải trở thành việc ban cho. Khi đó bất cứ điều gì chúng ta ban cho sẽ trở thành việc lượm như được mô tả bởi việc con cái Israel lượm ma-na trong đồng vắng. Bây giờ chúng ta có thể thấy vì sao Phao-lô ví việc ban cho với việc lượm ma-na. Tư tưởng này thật sâu sắc, thật sâu nhiệm.
BAN CHO VÀ GIEO
Trong chương 9, Phao-lô tiếp tục ví việc ban cho với việc gieo giống. Vì tư tưởng sâu sắc của ông không được diễn đạt cách đầy đủ trong chương 8, nên Phao-lô viết tiếp chương nữa về việc ban cho. Chương này khải thị phương diện khác về việc ban cho. Tư tưởng của Phao-lô ở đây là phải gieo rồi mới gặt. Hơn nữa, khi gieo, chúng ta nên gieo không chỉ cho chính mình mà còn gieo với phước hạnh cho người khác.
Nhiều bản dịch Kinh Thánh không dịch câu 6 theo nghĩa đen. Thay vì nói “với phước hạnh”, một số bản dịch nói về sự rộng rãi hay là gieo rời rộng. Theo những bản dịch này, nếu chúng ta gieo rời rộng, hoặc giao với sự rộng rãi thì sẽ gặt rộng rãi hoặc với sự rời rộng. Tuy nhiên, đây là sự hiểu biết thiên nhiên về từ này. Điều Phao-lô nói ở đây là gieo với phước hạnh theo nghĩa đen. Chúng ta ban cho người khác phải ban cho với phước hạnh.
Những bản Kinh Thánh khác giúp chúng ta hiểu từ phước hạnh trong 9:6. Trong Cựu Ước, chúng ta có thể thấy ban cho là phước hạnh. Khi Gia-cốp gặp anh của ông là Ê-sau, Gia-cốp đã cho Ê-sau điều gì đó. Món quà đó là phước hạnh. Về điều này, Sáng Thế Kí 33:11 chép: “Xin anh hãy nhận lấy lễ vật em đã dâng hiến vì Đức Chúa Trời cho em đầy dẫy ân huệ và em có đủ hết”. Những câu khác như 2 Các Vua 5:15; Quan Xét 1:15; và Ê-xê-chi-ên 34:26 cũng cho thấy ban cho là phước hạnh. Chúng ta ban cho người khác là phước hạnh đối với họ.
Khi gieo với phước hạnh cho người khác, chúng ta sẽ gặt với phước hạnh từ Đức Chúa Trời. Hơn nữa, mùa gặt sẽ luôn gấp bội lượng hạt giống gieo. Có thể gấp ba mươi lần hoặc một trăm lần. Điều này không xảy ra theo cách phép lạ nhưng xảy ra theo luật tự nhiên. Đức Chúa Trời kiểm soát sự cung ứng sự sống giữa vòng con cái Đức Chúa Trời bằng phép lạ. Bởi vì điều này nên không có gia đình Cơ Đốc nào giữ tài sản cho nhiều thế hệ. Nhưng gieo là theo luật tự nhiên, chứ không phải theo phép lạ. Về điều này, Đức Chúa Trời không cần làm bất cứ phép lạ nào. Tất cả chúng ta cần gieo, tức ban cho. Càng ban cho, chúng ta càng gặt. Tuy nhiên, không nên làm điều này theo cách mê tín vì mục đích làm giàu cho chính mình.
Hai minh hoạ về việc lượm và gieo liên quan đến những tư tưởng sâu sắc của Phao-lô trong những chương này. Trong chương 9, tư tưởng sâu sắc đó là là Cơ Đốc nhân, chúng ta ban cho theo ý nghĩa gieo. Nếu không ban cho, chúng ta không đang canh tác, không gieo trồng. Hơn nữa, chúng ta không nên gieo bỏn xẻn. Nếu gieo bỏn xẻn thì theo luật tự nhiên, chúng ta sẽ gặt bỏn xẻn. Chúng ta cần gieo với phước hạnh cho người khác. Nếu gieo với phước hạnh cho người khác, thì cũng theo luật tự nhiên, chúng ta sẽ gặt phước hạnh từ Đức Chúa Trời cho chúng ta. Phước hạnh này sẽ gấp nhiều lần hơn những gì chúng ta đã gieo. Tôi có thể làm chứng rằng trong đời sống Cơ Đốc, tôi chưa hề thấy một tín đồ nào dâng cho Đức Chúa Trời mà không được Ngài chúc phước lớn. Chuá sẽ luôn luôn tôn trọng luật tự nhiên mà Ngài đã chỉ định.
TRỞ THÀNH NHỮNG YẾU TỐ CẢM TẠ ĐỨC CHÚA TRỜI
Chúng ta cần nhận thức rằng bàn tay lạ lùng của Chuá và cũng chú ý đến luật tự nhiên của Ngài. Theo cả hai phương diện, chúng ta cần ban cho. Có lẽ hiện tại chúng ta không thấy bàn tay cân đối của Đức Chúa Trời, nhưng về lâu về dài, có lẽ mất nhiều năm, anh em sẽ thấy điều đó. Khi đó, anh em sẽ có thể làm chứng thể nào Đức Chúa Trời cân đối sự cung cấp hằng ngày giữa vòng con cái Ngài. Chúng ta cũng phải nhận thức rằng ban cho là gieo. Do đó, nếu muốn gặt, chúng ta phải gieo với phước hạnh cho người khác. Khi đó, chúng ta sẽ gặt với phước hạnh từ Đức Chúa Trời.
Chúng ta nên gieo nhiều hơn thì đến lượt sẽ gặt nhiều hơn. Mục tiêu không phải làm cho chúng ta giàu. Kết quả là đầy sự cảm tạ Đức Chúa Trời. Tôi hi vọng rằng sắp tới, nhiều thánh đồ sẽ trở thành nhân tố cảm tạ Đức Chúa Trời. Điều này có nghĩa là việc anh em ban cho sẽ đầy dẫy sự cảm tạ Đức Chúa Trời. Tôi tin chắc rằng nếu các thánh đồ trong sự khôi phục của Chuá sẵn lòng ban cho thì sự khôi phục sẽ không bao giờ thiếu hụt sự cung ứng vật chất. Thay vì thiếu hụt, sẽ dư dật trong sự cảm tạ Chuá qua nhiều thánh đồ. Do đó, chúng ta hãy thực hành ban cho, một sự ban cho được thực hiện bởi việc lượm và gieo.
NHỮNG VẤN ĐỀ KHÁC NHAU LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC BAN CHO
Trong 9:5 Phao-lô nói: “Vậy, tôi nghĩ cần phải khuyên các anh em kia đi đến cùng anh em trước, và dự bị của làm phước mà anh em đã hứa trước kia, hầu cho của ấy sẵn sàng như việc làm phước (một phước hạnh), chớ chẳng phải như việc chắt bóp”. Phước hạnh này là một sự rộng rãi, một món quà sẵn lòng của sự hào phóng như một phước hạnh cho người khác. Ban cho sẵn lòng và rời rộng làm cho món quà trở thành phước hạnh cho người nhận. Ban cho miễn cưỡng và không sẵn lòng từ một tấm lòng chắt bóp và dè xẻn làm cho món quà thành vấn đề chắt bóp đối với người cho.
Trong câu 7 Phao-lô nói: “Mỗi người hãy làm theo lòng mình đã dự định, chớ phàn nàn hay vì ép buộc, vì Đức Chúa Trời thương yêu kẻ vui lòng quyên trợ”. Câu này đến từ Châm Ngôn 22:9, bản Septuagint dịch là: “Đức Chúa Trời yêu thương kẻ vui lòng và hào phóng”. Tiếng Hy Lạp dịch chữ vui lòng cũng có nghĩa là vui vẻ, hân hoan.
Trong câu 8 và 9, Phao-lô nói tiếp: “Đức Chúa Trời có thể khiến cho mọi ân huệ được dư dật trên anh em, hầu cho anh em đầy đủ trong mọi sự luôn luôn, có thể làm mọi việc lành cách dư dật, như có chép rằng: ‘Người đã rải ra, đã giúp kẻ nghèo; Sự nhơn nghĩa của người còn lại đời đời’”. Từ ngữ “mọi ân huệ” trong câu 8 nói đến mọi loại ân điển. Rải ra trong câu 9 là sự rải ra trong việc gieo. Từ nghèo trong câu này có nghĩa là người bị bắt buộc phải làm công việc hầu hạ để kiếm sống. Đó không phải là từ nghèo bình thường.
Trong câu 9, Phao-lô nói về sự công chính còn lại đời đời. Một mặt, ban cho rời rộng là một phước hạnh cho người nhận, và mặt khác là sự công chính trong cách nhìn của cả Đức Chúa Trời lẫn con người.
Trong câu 13, Phao-lô nói về sự thừa nhận chức vụ cung cấp vật chất cho những thánh đồ có nhu cầu. Điều này nói đến những thánh đồ có nhu cầu ở Giu-đa chấp thuận sự cung ứng của tín đồ phi Do Thái cho họ. Tiếng Hy Lạp dokime có nghĩa là thử nghiệm, thử thách, kinh nghiệm; do đó nghĩa là sự chấp thuận, là bằng chứng. Điều đó cho thấy rằng việc cung cấp cho các thánh đồ sẽ được thử nghiệm, được thử, và được các thánh đồ chấp thuận để trở thành một bằng chứng về đặc tính rộng rãi của sự cung ứng.
Từ Hy Lạp cho sự tương giao trong câu 13 cũng có nghĩa là sự thông công (xem “sự thông công” trong La-mã 12:13, và “chia sẻ” trong Phi-líp 4:15). Điều này nói đến chức vụ cung ứng, tức là sự tương giao giữa tín đồ phi Do Thái và tín đồ ở Giu-đa.
Trong câu 14 và 15 Phao-lô kết luận: “Lại chính họ cũng nhơn ân điển quá đỗi lớn lao của Đức Chúa Trời trong anh em mà thiết tha mong mỏi anh em, và cầu nguyện cho anh em. Tạ ơn Đức Chúa Trời vì ban tứ của Ngài không thể nói xiết”. Ban tứ không thể tả xiết là ân điển của Đức Chúa Trời được ban cho tín đồ.-