Thứ Bảy, 21 tháng 10, 2017

2 CÔ-RIN-TÔ BÀI 56

PHAO-LÔ BÊNH VỰC UY QUYỀN SỨ ĐỒ CỦA ÔNG (7)
Kinh Thánh: 2 Cô-rin-tô 12: 11-18
VÀI LỜI CHO TẤT CẢ TÍN ĐỒ
Điều Phao-lô đề cập trong 12: 11-18 ngày nay bị nhiều công nhân Cơ Đốc phớt lờ. Tất cả thánh đồ trong sự khôi phục của Chúa cần phải hiểu những câu này khải thị điều gì vì những câu này áp dụng cho tất cả chúng ta chứ không chỉ cho trưởng lão hay đồng công. Đừng nghĩ rằng điều Phao-lô nói ở đây không liên quan gì đến chúng ta. Những gì Phao-lô là, những gì ông đã làm, và ông đã ăn ở như thể nào đều là gương mẫu cho tất cả tín đồ chứ không chỉ là gương mẫu cho những người dẫn dắt. Tân Ước khải thị rằng giống như Phao-lô, tất cả tín đồ trong Christ nên sống một đời sống vì sự xây dựng Thân Thể Đấng Christ. Điều này được khải thị một cách dứt khoát, mạnh mẽ và rõ ràng trong Sách Ê-phê-sô. Theo Ê-phê-sô, từng bộ phận của Thân Thể phải sống một đời sống để xây dựng Thân Thể.
Dù vô thức hay có ý thức chúng ta vẫn còn ở dưới ảnh hưởng của bối cảnh tôn giáo rất nhiều. Chúng ta ở dưới sự kiểm soát, hướng dẫn và lôi kéo của những quan điểm truyền thống. Cụ thể là vì ảnh hưởng này mà chúng ta có thể nghĩ rằng những gì Phao-lô nói trong chương 12 chỉ dành cho những người dẫn dắt, cho trưởng lão, đồng công, chấp sự và nữ chấp sự. Có thể chúng ta nghĩ rằng là những Chi Thể bình thường của Thân Thể, chương này không liên quan đến chúng ta. Thật ra, lời của Phao-lô dành cho tất cả chúng ta. Vì lí do này nên tôi rất khó nói rằng tôi có bao nhiêu đồng công. Sự hiểu biết bên trong của tôi đó là tất cả những ai nhóm chung với chúng ta trong sự khôi phục của Chúa đều là đồng công. Tuy nhiên vì ảnh hưởng của bối cảnh tôn giáo mà chúng ta có thể nghĩ rằng nếu chúng ta không phải là sứ đồ, trưởng lão hay chấp sự thì lời của Phao-lô trong 12:11-18 không áp dụng cho chúng ta. Chúng ta cần đọc những câu này với nhận thức rằng những câu này muốn nói đến tất cả chúng ta. Ngay cả những người trẻ giữa vòng chúng ta cũng nên nhận biết rằng những câu này dành cho họ. Chúng ta không thể nói trước rằng bao lâu nữa Chúa sẽ nhận lấy những người trẻ này và Ngài sẽ sử dụng họ nhiều bao nhiêu trong tương lai. Tôi nói điều này như một lời giới thiệu để chúng ta suy xét những gì được khải thị trong những câu này.

NÓI THAY CHO NGƯỜI KHÁC
Trong câu 11 Phao-lô nói: “Tôi đã trở nên ngu dại, bởi anh em ép uổng tôi; lẽ thì anh em khen lao tôi mới phải, vì dầu tôi không ra gì, cũng chẳng thua kém các sứ đồ hạng nhứt (siêu sứ đồ) kia chút nào”. Ở đây, Phao-lô nói rằng người Cô-rin-tô ép Phao-lô trở nên ngu dại. Họ phải chịu trách nhiệm về điều này. Lẽ ra họ nên khen Phao-lô mới phải, nhưng họ đã xao lãng và kìm nén lời khen ngợi của họ. Sự yên lặng của họ là sai. Lẽ ra họ nên làm điều gì đó để khen ngợi Phao-lô. Vì ông không đáng bị buộc phải nói về chính mình. Chắc chắn đây là cảm xúc trong linh của Phao-lô khi ông viết câu 11.
Chúng ta nên học tập từ câu này rằng có những trường hợp chúng ta cần phải nói điều gì đó thay cho các trưởng lão hay những người đang thi hành chức vụ. Nếu một anh em nào đó là mục tiêu của sự tấn công hay chống đối thì anh em đó không thể nói bất cứ điều gì để biện hộ cho mình. Trong trường hợp này, chúng ta cần nói lên và cần khen ngợi anh em đó. Chẳng hạn như cách đây nhiều năm khi anh Nee là mục tiêu của sự tấn công, tôi đã làm điều gì đó để bênh vực anh. Những người trẻ đặc biệt cần học tập khen ngợi người nào đó trong một tình huống như vậy. Họ nên dạn dĩ nói ra chứ không nên yên lặng và không nên kìm nén.
Trong câu 11, Phao-lô bị ép phải chỉ cho người Cô-rin-tô thấy rằng ông chẳng có điều gì thua kém các siêu sứ đồ cả. Chắc chắn Phao-lô không hài lòng khi nói điều này cho chính mình. Ông không cần thiết phải thốt ra một lời như thế vì ông đang là mục tiêu của sự chống đối. Lẽ ra nhiều người ở Cô-rin-tô nên nói điều này thay cho Phao-lô. Lẽ ra họ nên tuyên bố: “Người Giu-đa ơi, anh em phải nhận biết rằng Phao-lô chẳng thua kém anh em trong bất cứ điều gì”. Như chúng tôi đã chỉ ra, Phao-lô đã nhận được những khải tượng và khải thị siêu việt. Chắc chắn ông không thua kém những người Giu-đa kiêu căng, khoe khoang và tự khen mình đó. Nhưng vì người Cô-rin-tô yên lặng nên Phao-lô bị buộc phải nói điều gì đó cho chính mình. Ông đã nói một cách thẳng thắn rằng chẳng có điều gì mà ông thua kém những người Giu-đa khoe khoang kia.
Trong câu 11, Phao-lô nói rằng ông không thua kém những siêu sứ đồ đó dù ông không là gì cả. Dĩ nhiên, nói Phao-lô không là gì là không đúng. Thật ra ông có điều gì đó. Tuy nhiên, ông không thể nói điều này về chính mình. Vì thế, ông bị buộc phải chỉ ra rằng dù ông không là gì nhưng ông vẫn không thua kém những người Giu-đa đó.
NHỮNG DẤU HIỆU CỦA VỊ SỨ ĐỒ
Trong câu 12, Phao-lô nói tiếp: “Thật, các dấu hiệu của một sứ đồ đã được tỏ ra giữa anh em bằng sự nhẫn nại mọi đàng, bằng các dấu kỳ phép lạ, và các việc quyền năng”. Dấu hiệu là những phép lạ chứng thực, trang bị khả năng cho chức sứ đồ; dấu kỳ là những phép lạ đáng chú ý và nhận biết rõ; còn công việc quyền năng là những phép lạ chứng minh quyền năng của Đức Chúa Trời.
Tôi tin rằng cách diễn đạt “các dấu hiệu của một sứ đồ” được người Cô-rin-tô sử dụng trước chứ không phải Phao-lô. Có lẽ tín đồ tại Cô-rin-tô đang thảo luận vấn đề các dấu hiệu của một sứ đồ. Có thể họ đã tự hỏi rằng các dấu hiệu nào cho thấy Phao-lô là một sứ đồ. Nếu họ không đưa ra một câu hỏi như vậy thì hẳn Phao-lô đã không đề cập đến điều đó ở đây.
Cách diễn đạt “các dấu hiệu của một sứ đồ” có thể lạ tai đối với chúng ta nhưng dường như không lạ đối với người Cô-rin-tô. Trái lại, cách diễn đạt này quen thuộc đối với họ vì có lẽ họ là những người đã phát minh ra cách diễn đạt đó. Một số người trong họ có thể đã nghĩ rằng người Giu-đa có nhiều dấu hiệu hơn Phao-lô. Đây là lí do trong câu 12 Phao-lô nói đến các dấu hiệu về chức sứ đồ của ông.
Về các dấu hiệu của một sứ đồ, điều đầu tiên được Phao-lô đề cập là “nhẫn nại mọi đàng”. Điều này cho thấy rằng nhẫn nại là dấu hiệu đầu tiên của một sứ đồ. Đối với người Cô-rin-tô, Phao-lô nhẫn nại chịu đựng sự nói xấu. Một số người trong họ đi xa tới mức nói rằng Phao-lô quỉ quyệt và dùng mưu chước mà lợi dụng họ. Phao-lô dùng từ “mưu chước” trong câu 16. Trong một chú thích về câu này trong Bản Dịch Mới, Darby đã chỉ ra “vị sứ đồ không nói rằng ông đã làm điều này, nhưng ông đang đáp lại một lời buộc tội cho rằng ông đã giữ thể diện bằng cách không nhận gì cho chính mình, nhưng biết cách để bảo đảm cho chính mình bởi sử dụng Tít mà nhận lãnh từ nơi họ. Lời buộc tội đó là sai như ông đã tiếp tục chỉ ra”. Người Cô-rin-tô đang nói rằng Phao-lô không đến Cô-rin-tô để quyên tiền cho chính ông. Do đó, ông đã sai Tít làm điều này cho ông, và bởi đó sử dụng Tít làm lá chắn. Thật khó mà tin rằng có người Cô-rin-tô nào đó đã nói xấu Phao-lô đến mức độ như thế. Bây giờ chúng ta có thể hiểu vì sao Phao-lô nhấn mạnh đến vấn đề nhẫn nại.
Trong 12:12, dường như Phao-lô đang nói với người Cô-rin-tô rằng: “Anh em yêu cầu tôi nói cho anh em những dấu hiệu về chức sứ đồ của tôi. Dấu hiệu đầu tiên là sự nhẫn nại của tôi. Anh em đã chỉ trích tôi và nói xấu tôi, nhưng tôi đã có thể nhẫn nại về điều đó. Sau đó, Phao-lô tiếp tục đề cập đến những dấu hiệu, dấu kỳ và công việc quyền năng. Đây là những vấn đề mang tính phép lạ. Theo văn cảnh, dù Phao-lô nói đến những điều này nhưng ông vẫn không nhấn mạnh đến điều này. Đúng ra dường như Phao-lô nói: “Anh em nói về những phép lạ và những dấu hiệu của chức sứ đồ. Khi tôi ở với anh em đã có nhiều dấu hiệu, dấu kỳ và công việc quyền năng. Nhưng thay vì nhấn mạnh đến những điều như thế, trước hết tôi muốn nói về sự nhẫn nại của tôi”.
KHÔNG BỊ ĐỐI ĐÃI THUA KÉM
Trong câu 13, Phao-lô nói tiếp: “Nếu trừ ra sự chính tôi không làm luỵ cho anh em, há có việc gì mà anh em phải thua kém các Hội thánh khác ư? Xin tha thứ cho tôi sự bất công ấy!” Hội thánh tại Cô-rin-tô không bị đối đãi thua kém các Hội thánh khác hay yếu hơn những Hội thánh khác. Sau khi đã chỉ điều này ra, Phao-lô nói một cách mỉa mai “xin tha thứ cho tôi sự bất công ấy” có ý nói rằng ông không là gánh nặng cho tín đồ.
Trong câu 13, dường như Phao-lô muốn nói: “Trong vấn đề nhận lãnh ân tứ, ân điển và phước hạnh của Đức Chúa Trời, anh em Cô-rin-tô không thua kém những Hội thánh khác. Tôi đã sinh anh em ra trong Christ và tôi đã làm hết sức để dấy anh em lên như một Hội thánh không thiếu một điều gì. Tôi không đối đãi với anh em theo cách thua kém các Hội thánh khác. Tôi đã làm hết sức để sinh anh em ra trong Christ, để dấy anh em lên như một Hội thánh, và để xây dựng anh em. Về sự cứu rỗi và phước hạnh của Đức Chúa Trời, ân điển thần thượng và những ân tứ thuộc linh thì anh em không hề thua kém bất cứ Hội thánh nào khác. Thế thì, anh em bị đối đãi thua kém về điều gì? Chỉ có điều là tôi không phải là gánh nặng cho anh em. Tôi không làm cho anh em bị mang gánh nặng. Xin tha thứ cho tôi sự bất công ấy!” Thật là xấu hổ cho người Cô-rin-tô khi Phao-lô đã phải nói như vậy. Điều duy nhất mà ông không làm cho họ đó là làm cho chính ông trở thành gánh nặng của họ. Ở chỗ nào đó, Phao-lô thậm chí đã nói rằng ông đã nhận tiền từ những Hội thánh khác để công tác giữa người Cô-rin-tô. Dù Phao-lô làm việc cho người Cô-rin-tô nhưng họ không cho ông bất cứ điều gì. Vì thế, bất công duy nhất của ông đối với họ là không đặt gánh nặng nào trên họ. Câu 13 không phải là một lời dễ chịu, tuy nhiên Phao-lô vẫn dạn dĩ nói như vậy.
KHÔNG CẦU CỦA CẢI CỦA HỌ
Câu 14 chép: “Nầy là lần thứ ba tôi sẵn sàng đến cùng anh em, và tôi sẽ chẳng làm luỵ cho anh em đâu, vì không phải tôi cầu của cải anh em, bèn là cầu chính anh em vậy; bởi chưng chẳng phải con cái nên dành chứa cho cha mẹ đâu, bèn là cha mẹ nên dành chứa cho con cái thôi”. Trong câu này chúng ta có một lời rất quan trọng: “Tôi không cầu của cải anh em bèn là cầu chính anh em”. Tất cả chúng ta cần được ấn tượng sâu sắc lời này và cần phải ghi nhớ. Hễ khi làm việc cho Chúa, chúng ta không nên tìm kiếm những gì thuộc về người khác mà hãy tìm kiếm chính họ. Điều này có nghĩa là chúng ta không nên tìm kiếm tiền bạc của người khác hay mong muốn tiền của họ. Phao-lô có thể dạn dĩ nói với người Cô-rin-tô rằng: “Tôi theo đuổi anh em và muốn anh em chứ tôi không tìm kiếm bất cứ điều gì của anh em—sự giàu có, tài sản, những điều vật chất của anh em. Tôi tìm kiếm chính anh em.
Có ít nhất vài lần anh Nee đã chỉ cho chúng ta thấy rằng nếu một người làm việc cho Chúa không trung tín trong vấn đề tiền bạc thì người đó không thể trung tín hay mạnh mẽ trong công việc của Chúa. Nhiều công nhân Cơ Đốc khi đối diện với vấn đề tiền bạc thì lập tức họ trở nên yếu đuối. Vì sợ bị cắt nguồn cung cấp tài chánh nên họ không dám rao giảng những điều nào đó, dạy dỗ những lẽ thật nào đó hay quở trách những tội nào đó. Hơn nữa, họ sẽ không xử lí những vấn đề nào đó cũng vì sợ rằng nếu làm như vậy nguồn cung cấp tài chánh sẽ bị cắt đi. Những người có nan đề này đều bị tiền bạc khuất phục.
Đừng nghĩ rằng chúng ta là những người duy nhất biết lẽ thật về Hội thánh được khải thị trong lời vì ít nhất cũng có một số người biết lẽ thật này, tuy nhiên họ không dám thực hành lẽ thật đó. Họ biết rằng trong mỗi địa phương chỉ nên có một Hội thánh mà thôi. Nhưng vì sợ bị cắt nguồn tài chánh nên họ không sẵn sàng dạy hay thực hành lẽ thật này.
Tôi e rằng khi bước vào trong chức vụ đích thực của Chúa và đối diện vấn đề tiền bạc, có thể anh em không dạn dĩ cho lẽ thật. Bị ảnh hưởng bởi tiền bạc thật là một thất bại. Điều này thật là sỉ hổ và là thất bại trước mặt kẻ thù. Tất cả chúng ta phải nhận ân điển để quên đi mối quan tâm về tiền bạc và dạn dĩ nói với tín đồ rằng: “Tôi không tìm kiếm của cải anh em—tôi tìm kiếm chính anh em”.
Trong những câu này chúng ta không có giáo lí nhưng có nhiều vấn đề rất thực tiễn. Trong câu 14, Phao-lô nói rằng con cái không dành chứa cho cha mẹ bèn là cha mẹ dành chứa cho con cái. Ở đây, một lần nữa Phao-lô rất thẳng thắn và chân thật. Ông không từ bỏ thế đứng của ông đối với người Cô-rin-tô. Trong câu này dường như Phao-lô muốn nói với họ rằng: “Người Cô-rin-tô ơi, anh em không thể phủ nhận rằng tôi là cha thuộc linh của anh em. Tôi đã sinh anh em trong Christ qua Phúc Âm và tôi đã nuôi nấng anh em như con cái tôi vậy. Là cha của anh em, tôi không tìm kiếm của cải của anh em. Thật xấu hổ cho cha mẹ nào tìm kiếm tiền bạc của con cái. Con cái không dành chứa cho cha mẹ mà là cha mẹ dành chứa cho con cái. Người Cô-rin-tô ơi, tôi không muốn nhận bất cứ điều gì từ anh em—tôi chỉ muốn ban cho anh em mà thôi”.
PHÍ CỦA HAO SỨC
Trong câu 15 Phao-lô nói tiếp: “Tôi cũng vui vì hồn anh em mà phí của hao sức (tiêu phí và bị tiêu phí hoàn toàn). Nếu tôi thương yêu anh em càng dồi dào như vậy, mà anh em lại thương yêu tôi kém hơn sao?” Trong câu này, từ “tiêu phí” có nghĩa là tiêu tốn những gì ông có, ý nói đến của cải của ông. Tiêu phí hoàn toàn nghĩa là tiêu phí những gì ông là, ý nói đến bản thể ông. Phao-lô sẵn sàng hy sinh chính ông—hồn của ông, sự sống của ông, và toàn bản thể của ông cho tín đồ. Ông cũng sẵn sàng ban cho tất cả tiền bạc và của cải vật chất của ông. Chúa Jesus đã phó hồn Ngài cho chúng ta; Ngài đã hoàn toàn bị tiêu phí vì chúng ta. Cũng vậy, ước muốn của Phao-lô là bị tiêu phí hoàn toàn cho người Cô-rin-tô. Tất cả những thánh đồ trong sự khôi phục của Chúa cần học tập bài học trọng yếu này. Nhận lãnh ân điển để tiêu phí những gì chúng ta có và bị tiêu phí hoàn toàn vì thánh đồ và vì các Hội thánh.
Trong câu 15 Phao-lô nói rằng ông sẵn sàng bị tiêu phí dù là ông yêu tín đồ nhiều hơn còn họ yêu ông ít hơn. Phao-lô vẫn sẵn sàng bị tiêu phí vì người Cô-rin-tô dù ông đã yêu họ nhiều hơn còn họ thì yêu ông ít hơn. Phao-lô không quan tâm đến tình trạng của họ. Tình trạng của họ không thể thay đổi thái độ của ông đối với họ. Ở đây, dường như Phao-lô muốn nói với họ: “Dù thái độ của anh em đối với tôi thế nào đi nữa thì tôi vẫn yêu anh em và tôi vui mừng hao phí những gì tôi có và những gì tôi là cho anh em”.
PHAO-LÔ BỊ CÁO BUỘC LÀ XẢO QUYỆT
Câu 16 chép: “Đành rằng tôi đã không làm luỵ anh em, song tôi là kẻ xảo quyệt dùng chước mà lung lạc anh em”. Như chúng tôi đã chỉ ra, đây là điều mà một số người Cô-rin-tô cáo buộc vị sứ đồ. Họ nói ông xảo quyệt kiếm lợi để tự bảo đảm cho mình bằng cách sai Tít đến nhận tiền quyên góp cho thánh đồ nghèo. Chữ “đành rằng” nghĩa là bỏ qua chuyện đã nói trước đó tức là quên quá khứ đi, bỏ qua chuyện cũ.
Dù Phao-lô không làm luỵ đến người Cô-rin-tô nhưng một số người Cô-rin-tô đã nói rằng ông xảo quyệt và dùng chước mà lợi dụng họ. Họ nói rằng Phao-lô không tự đến nhưng dùng Tít làm lá chắn để tự bảo đảm cho mình trong khi đó ông đứng sau hậu trường. Họ đang cáo buộc Phao-lô về người thật sự quyên tiền qua Tít. Trong lời phán xét của họ, họ cho rằng Phao-lô xảo quyệt. Sau khi đã được cảnh báo bên trong về vấn đề này, Phao-lô đã sai hơn một người cùng đi với Tít để quyên tiền. Ông đã làm như vậy để làm câm miệng những kẻ nói xấu. Tuy nhiên dù Phao-lô đã hành động hết sức thận trọng và có suy tính trước, nhưng một số người Cô-rin-tô vẫn nói xấu ông.
Chúng ta học tập từ kinh nghiệm của Phao-lô rằng dù các thánh đồ có thể rất chân thật nhưng Sa-tan đang rình mò ở giữa họ. Sa-tan dùng tiền để làm hư hoại mối quan hệ giữa những người cung ứng và các thánh đồ. Trong số những người Cô-rin-tô lầm lạc, có người đang chỉ trích Phao-lô là xảo quyệt trong vấn đề tiền bạc.
BƯỚC ĐI TRONG CÙNG MỘT LINH
Trong câu 17 và 18 Phao-lô hỏi: “Vậy, chớ tôi há có nhờ một ai trong những kẻ tôi sai đến cùng anh em để thủ lợi anh em chăng? Tôi đã khuyên Tít, và sai anh em kia đi với người: Tít há có thủ lợi anh em chăng? Chúng tôi há chẳng bước theo đồng một linh, đồng một dấu chân sao?” Linh trong câu 18 nói đến linh được tái sinh của chúng ta được Thánh Linh nội cư. Linh này nên chi phối, cai trị, hướng dẫn, điều chỉnh và dẫn dắt chúng ta trong bước đi Cơ Đốc (La. 8:4). Các sứ đồ bước đi trong một linh như thế.
Lời của Phao-lô trong các câu 16, 17 và 18 giúp chúng ta hiểu những gì mà một số người Cô-rin-tô đã nói về Phao-lô và Tít. Họ đang cáo buộc Phao-lô lừa dối, lừa bịp và lợi dụng họ bằng cách sai Tít đến quyên tiền. Chắc chắn Phao-lô không vui khi viết những điều như thế. Đối với chúng ta dường như những lời như thế không nên có trong các văn phẩm của một sứ đồ thật là người đã nhận từ nơi Chúa sứ mạng của một chức vụ cao trọng.
Trong phân đoạn 2 Cô-rin-tô này, Phao-lô đang thực hiện một ca phẫu thuật cho Hội thánh tại Cô-rin-tô. Ông mổ họ ra và lấy đi những bộ phận bị hư hoại. Hội thánh tại Cô-rin-tô bị bệnh rất nghiêm trọng mà không có thuốc men nào có thể chữa lành. Họ chỉ có thể giúp đỡ bằng cách phẫu thuật. Do đó, là một phẫu thuật gia thuộc linh, Phao-lô đã thực hiện một ca phẫu thuật để chữa lành Hội thánh đó và phục hồi, khôi phục Hội thánh đó. Hễ khi nào mối quan hệ giữa tín đồ và sứ đồ chưa được điều chỉnh thì Hội thánh đó vẫn còn bị bệnh. Do đó, phẫu thuật là cần thiết.
Trong chương này chúng ta thấy Phao-lô là một tôi tớ của Đức Chúa Trời đã chân thật thể nào. Theo tựa của bài này, ở đây chúng ta có lời bênh vực của Phao-lô cho uy quyền sứ đồ của mình. Thực ra tôi không thích dùng từ bênh vực. Có lẽ Phao-lô đã không cảm nhận rằng ông đang bênh vực cho chính ông. Trái lại ông đang tìm cách để chữa lành người Cô-rin-tô bằng phẫu thuật, cắt bỏ bất cứ điều gì làm hư hoại ra khỏi Thân Thể.
Tôi tin rằng bài có thể giúp ích cho tất cả những ai, đặc biệt là những người trẻ, tức những người có lòng với sự khôi phục của Chúa. Cuối cùng, những người trẻ sẽ ở trong bàn tay của Chúa. Chắc chắn cần phải đúng đắn về tiền bạc. Tất cả chúng ta đều phải học tập đừng tham lam, nhưng thay vì thế, hãy tiêu phí những gì chúng ta có cho người khác thậm chí tiêu phí chính mình, chính bản thể mình. Chúng ta nên sẵn sàng đổ cả bản thể của mình—linh, hồn, thân thể—vì Thân Thể của Đấng Christ. Khi đó những gì chúng ta làm và những gì chúng ta là sẽ ích lợi cho Thân Thể. Bất cứ khi nào chạm đến công tác của Chúa vì Thân Thể của Ngài, chúng ta phải có một động cơ thuần khiết và một thái độ đúng đắn. Thay vì tìm kiếm của cải của người khác, chúng ta nên tìm kiếm chính họ và ước ao đạt được họ cho Thân Thể của Chúa và hoàn toàn tiêu phí tất cả những gì chúng ta là và tất cả những gì chúng ta có cho Thân Thể. Khi đó Thân Thể sẽ được chữa lành còn chúng ta sẽ được giữ vẹn.--

-