Thứ Hai, 16 tháng 10, 2017

2 CÔ-RIN-TÔ BÀI 10




CHẤP SỰ CỦA GIAO ƯỚC MỚI (3)
Đọc Kinh Thánh: 2 Cô-rin-tô 4:7-15
Chương 3 và 4 của Sách 2 Cô-rin-tô là hai chương quan trọng nhất của Sách 1, 2 Cô-rin-tô. Không có chương nào khác trong hai Thư Tín này là có liên hệ đến sự cấu tạo Christ để kinh nghiệm sự sống sâu xa hơn. Trước hết, hai chương này khải thị các sứ đồ là những chấp sự của giao ước mới đã được cấu tạo như thế nào. Họ được tái tổ chức, tái sắp xếp để được làm thành những chấp sự của giao ước mới.
Phao-lô tự cho mình là tội khôi. Làm thế nào một kẻ phản loạn chống nghịch Đức Chúa Trời như thế lại có thể trở thành một chấp sự của giao ước mới, tức chấp sự của Christ để thực hiện gia tể của Đức Chúa Trời? Hoán cải một kẻ phản loạn chống nghịch Đức Chúa Trời thành một chấp sự của Christ hầu hoàn thành sự quản trị của Đức Chúa Trời trong thời đại Tân Ước chắc chắn là một vấn đề lớn.
Để Phao-lô trở thành chấp sự của Christ, trước hết ông phải được tái sinh và sau đó phải được tái cấu tạo. Sự tái sinh không đủ để làm cho một người trở thành chấp sự của giao ước mới nên cũng rất cần được tái tổ chức, tái sắp xếp, tái cấu tạo. Tuy nhiên, một sự cấu tạo mới đòi hỏi một yếu tố mới. Không có yếu tố làm thể yếu cấu tạo thì chúng ta không thể được cấu tạo điều gì cả. Sự cứu chuộc của Đấng Christ đem chúng ta về với Đức Chúa Trời, nhưng điều đó không thực hiện công tác cấu tạo. Công tác này đòi hỏi một số yếu tố nào đó ngoài huyết cứu chuộc của Đấng Christ. Yếu tố này không chỉ là sự sống, hay Linh mà là chính Đức Chúa Trời đã trải-qua-tiến-trình.

Tôi muốn anh em chú ý đến những bước của tiến trình mà Đức Chúa Trời đã-trải qua: sự nhục hoá, đời sống làm người, sự đóng đinh, và sự phục sinh. Bốn bước chính trong tiến trình của Đức Chúa Trời cũng là những thành phần của Đức Chúa Trời đã-trải-qua-tiến-trình như là những yếu tố mà chúng ta được cấu tạo. Những thành phần này được hình bóng bởi bốn hương liệu được tổng hợp với dầu ô-liu làm dầu xức trong Xuất Ai Cập Kí chương 30. Dầu ô-liu là yếu tố căn bản, và bốn hương liệu là những thành phần được tổng hợp với yếu tố này. Sự tổng hợp được sản sinh như là kết quả của tiến trình này đó là dầu xức cùng với các nguyên liệu của nó.
Đức Chúa Trời là Linh, tức dầu ô-liu, là yếu tố căn bản. Bốn hương liệu có liên hệ đến sự nhục hoá, đời sống làm người, sự đóng đinh và sự phục sinh. Sự nhục hoá đem thần tánh vào trong nhân tánh tạo thành một thực thể. Nhưng về mặt bản chất, thần tánh không thay đổi và nhân tánh cũng không thay đổi. Không, thần tánh vẫn là thần tánh, và nhân tánh vẫn là nhân tánh. Điều này được minh hoạ bởi sự hoà quyện của dầu với bột mịn trong của lễ bột mịn. Dầu và bột được hoà quyện với nhau để tạo nên một thực thể có hai bản chất. Tuy nhiên, mỗi bản chất vẫn còn riêng biệt và trọn vẹn. Dầu không mất bản chất của dầu, và bột cũng không thay đổi bản chất của bột. Tuy nhiên, dầu và bột được hòa quyện với nhau để sản sinh ra một thực thể. Nhưng thực thể này không phải là bản chất thứ ba, tức là điều gì đó không phải dầu cũng không phải bột. Đúng ra, đó là một thực thể hoàn chỉnh có hai bản chất, bản chất dầu và bản chất bột. Đây là minh hoạ về sự nhục hoá đem thần tánh vào trong nhân tánh, làm cho cả hai thành một và làm cho cả hai sống như một.
Chuá Jesus, một Thân Vị kỳ diệu có hai bản chất: thần tánh và nhân tánh đã sống trong gia đình một người thợ mộc ở Na-xa-rét trong ba mươi năm. Sau khi hoàn thành chức vụ, Ngài chịu đóng đinh. Đời sống làm người của Ngài hàm ý rằng Ngài đã trải qua mọi sự trong nhân tánh liên hệ đến sự sáng tạo lần thứ nhất. Khi Ngài chịu đóng đinh, Ngài đã đem toàn bộ sáng tạo cũ lên thập tự giá và kết liễu nó. Vì sáng tạo cũ đã bị kết liễu nên chúng ta không nên bị các nan đề của mình quấy rầy. Trong cách nhìn của Đức Chúa Trời, tất cả những nan đề này đã bị kết liễu. Đức Chúa Trời đang ngồi trên ngai có thể nói với Sa-tan: “Sa-tan bé nhỏ kia, ngươi đang cố làm gì vậy? Ngươi vẫn còn gây rối hả? Ta sẽ cho ngươi thêm chút thời gian nữa để chơi. Tuy nhiên, ngươi phải nhận biết rằng Ta đã kết liễu ngươi rồi. Ngươi cùng với sáng tạo cũ đã bị kết liễu rồi”. Sa-tan và sáng tạo cũ đã bị kết liễu, và chúng ta cũng bị đã kết liễu bởi sự chết của Christ trên thập tự giá. Sự kết liễu này là ý nghĩa thật của sự đóng đinh.
Qua sự phục sinh, Christ đem những người được chọn và được chuộc của Đức Chúa Trời vào trong Đức Chúa Trời. Sự nhục hoá đem Đức Chúa Trời vào trong con người; sự phục sinh đem con người vào trong Đức Chúa Trời. Ngày nay, là những người được chuộc của Đức Chúa Trời, chúng ta không chỉ có Đức Chúa Trời bên trong; chúng ta cũng ở trong Đức Chúa Trời. Thật kỳ diệu khi có Đức Chúa Trời bên trong chúng ta, nhưng còn kỳ diệu hơn khi chúng ta ở trong Đức Chúa Trời.
Có lẽ anh em không ý thức lắm về việc anh em ở trong Đức Chúa Trời. Bởi sự thương xót của Chuá, tôi có thể làm chứng một cách quả quyết rằng tôi có cảm nhận, ý thức rằng tôi là một người ở trong Đức Chúa Trời. Bề ngoài, tôi là một người đang sống trên đất; nhưng thật ra, tôi là một người ở trong Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời ở trong tôi, và tôi ở trong Ngài.
Đức Chúa Trời đã được đem vào trong chúng ta qua sự nhục hoá, và chúng ta đã được đem vào trong Đức Chúa Trời qua sự phục sinh của Đấng Christ. Đây là Đức Chúa Trời Tam-Nhất, Đức Chúa Trời đã-trải-qua-tiến-trình. Đức Chúa Trời Tam-Nhất đã-trải-qua-tiến-trình chính là yếu tố mà chúng ta đã được cấu tạo.
Có thể một vài người nói rằng: “Tôi không cảm thấy tôi là đã được cấu tạo bằng Đức Chúa Trời Tam-Nhất đã-trải-qua-tiến-trình”. Anh em có thể không cảm thấy điều này, nhưng anh em cần phải tin. Là Cơ Đốc nhân, chúng ta cần sống bởi đức tin và bước đi bởi đức tin chứ không bởi mắt thấy (5:7). Chúng ta là người tin chứ không phải là người bước đi bởi mắt thấy. Anh em là người tin hay là người bước đi bởi mắt thấy? Người tin là người không tin vào những điều có thể thấy được, nhưng nhận lấy những điều không thấy, thừa nhận, và nhận biết bởi đức tin. Để làm người bước đi theo cảm nhận thì tệ hơn là người bước đi theo mắt thấy. Có thể anh em không cảm nhận rằng mình đang sống ở một nơi nào đó. Thật ra, anh em đang sống ở đó. Cảm nhận thì không đáng tin. Anh em có thể cảm nhận rằng anh em kỳ diệu nhưng tình trạng của anh em thì thật đáng thương. Đừng tin vào cảm xúc của anh em nhưng hãy tin vào sự kiện. Sự kiện là chúng ta đã được đem vào trong Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời Tam-Nhất đã-trải-qua-tiến-trình chính là yếu tố mà chúng ta đã được cấu tạo. Có thể anh em không cảm nhận được cấu tạo, hay là có điều gì đó thay đổi bên trong anh em. Tôi xin lập lại, hãy làm người tin, tức là người bước đi bởi đức tin chứ đừng làm người bước đi theo cảm xúc. Khi Đức Chúa Trời phán một điều gì đó, anh em cũng nên nói điều đó chỉ vì Kinh Thánh bảo anh em như vậy. Kinh Thánh khải thị rằng Đức Chúa Trời đã trải qua sự nhục hoá, đời sống làm người, sự đóng đinh, và sự phục sinh. Bây giờ trong sự phục sinh, Ngài là Linh ban-sự-sống cư ngụ trong linh chúng ta như là yếu tố cấu tạo. Kinh Thánh bảo như vậy và chúng ta phải tin điều đó.
Anh Nee thường nói rằng trước hết chúng ta có sự kiện, rồi mới có đức tin và sau đó là kinh nghiệm. Trình tự này không phải là kinh nghiệm, rồi tới đức tin, rồi mới tới sự kiện. Sự kiện luôn luôn đi trước nhất. Nhưng làm thế nào chúng ta biết về sự kiện? Sự kiện được ghi lại trong Tân Ước. Giao ước này là một chúc thư, là điều gì đó mạnh hơn và tốt hơn giao ước. Giao ước là một thoả thuận tương tự như bản hợp đồng. Nhưng chúc thư, hay di chúc nói đến điều gì đó đã hoàn thành rồi. Giả sử một chúc thư nói rằng một người được cho một triệu đô-la. Chứng cớ, bằng chứng của điều này là chúc thư.
Tân Ước là một chúc thư. Chúc thư này nói rằng Đức Chúa Trời đã-trải-qua-tiến-trình bây giờ đang ở trong chúng ta, rằng Ngài là phần hưởng của chúng ta, và Ngài là yếu tố mà với yếu tố đó, chúng ta được cấu tạo. Vâng, chúng ta đã được cấu tạo. Chúng ta cần tin sự kiện này giống như tin rằng chúng ta là con cái Đức Chúa Trời. Đôi khi ma quỉ nói: “Hãy nhìn lại mình xem, ngươi mà là con cái Đức Chúa Trời sao? Làm thế nào ngươi có thể nói rằng ngươi là con cái Đức Chúa Trời trong khi ngươi nổi nóng sáng nay?”. Thậm chí khi chúng ta nổi nóng, chúng ta cũng phải cứ tin rằng chúng ta là con cái của Đức Chúa Trời. Vì thế, chúng ta nên nói: “Sa-tan, cho dù ta có nổi nóng nhiều lần nhưng ta vẫn là con của Đức Chúa Trời. Việc ta nổi nóng không thay đổi sự kiện ta là con của Đức Chúa Trời. Sa-tan kia, bằng lời tuyên bố của ta về sự kiện này, ta xua đuổi ngươi”.
III. SỐNG MỘT ĐỜI SỐNG CHỊU ĐÓNG ĐINH ĐỂ BIỂU LỘ SỰ SỐNG PHỤC SINH BỞI QUYỀN NĂNG SIÊU VIỆT CỦA BÁU VẬT TRONG NHỮNG CHIẾC BÌNH BẰNG ĐẤT
A. Báu Vật Trong Chiếc Bình Bằng Đất
2 Cô-rin-tô 4:7 mở đầu bằng những từ: “Nhưng chúng tôi đựng của báu này trong những chiếc bình bằng đất”. Từ “nhưng” cho thấy sự tương phản với những gì nói trước đó. Trong câu 6, Phao-lô nói rằng “Vì Đức Chúa Trời là Đấng có phán: ‘Sự sáng phải từ sự tối tăm soi ra’ cũng đã soi vào lòng chúng tôi, để khiến sự tri thức về vinh hiển của Đức Chúa Trời ở nơi mặt Jesus Christ từ chúng ta mà sáng chói ra”. Cụm từ “của báunày” chỉ về câu 6. Vì sự chiếu sáng trong lòng chúng ta, chúng ta có của báu này, tức của báu kỳ diệu, quý giá và lạ lùng. Tuy nhiên, chúng ta có của báu này trong những chiếc bình bằng đất, trong điều gì đó không một chút phi thường. Vì của báu ở trong những chiếc bình bằng đất nên Phao-lô mở đầu câu 7 bằng từ “nhưng”.
Cả câu 7 như thế này: “Nhưng chúng ta có của báu này trong những chiếc bình bằng đất, để sự vượt trỗi của quyền năng thuộc về Đức Chúa Trời chứ không thuộc về chúng ta”. Tiếng Hy Lạp dịch chữ vượt trỗi cũng có nghĩa là siêu việt, vô song, vĩ đại vượt bậc. Chúng ta là những chiếc bình bằng đất chứng minh rằng sự vượt trỗi của quyền năng là thuộc về Đức Chúa Trời chứ không thuộc về chúng ta. Ở đây dường như Phao-lô đang nói: “Tôi không hơn gì một chiếc bình bằng đất, thấp thỏi và không xứng đáng. Trong chính tôi, tôi là một tội nhân sa ngã và thấp hèn. Làm thế nào một người như thế có thể biểu lộ lẽ thật và chiếu sáng vinh hiển của Phúc Âm? Tôi không có quyền năng để làm điều này. Sự vượt trỗi của quyền năng không thuộc về tôi mà thuộc về Đức Chúa Trời. Dù tôi là một chiếc bình bằng đất không xứng đáng, nhưng Đức Chúa Trời đã chiếu sáng của báu quý giá này vào trong tôi. Bây giờ của báu này trở thành nguồn của quyền năng làm mạnh mẽ tôi và làm cho tôi có thể chiếu sáng vinh hiển của Đức Chúa Trời và để biểu minh lẽ thật”.
Không có động cơ thần thượng bên trong anh em sao? Của báu kỳ diệu bây giờ là động cơ thần thượng làm cho chúng ta có quyền năng từ bên trong. Động cơ này có thể không quấy rầy chúng ta khi chúng ta đang ngủ, nhưng suốt ngày động cơ này sẽ quấy rầy chúng ta. Những người rao giảng thường bảo người khác rằng Đấng Christ sẽ ban sự bình an. Theo kinh nghiệm của tôi, Ngài thường không cho tôi sự bình an. Ngài ban cho tôi sự vui mừng, nhưng thay vì cho tôi sự bình an thì Ngài quấy rầy tôi. Nếu tôi không đi theo sự quấy rầy bên trong của Ngài, tôi không thể có bình an. Đôi khi tôi hợp tác với sự quấy rầy của Ngài thì có sự vui mừng, nhưng vẫn không có bình an.
Theo kinh nghiệm của anh em, anh em có thể ngồi yên tại nhà mà vui hưởng sự bình an không? Có đúng là Chuá thường quấy rầy anh em ở bên trong không? Christ là Đấng quấy rầy. Của báu này là cuả báu sống và năng động hoạt động bên trong chúng ta. Của báu này thậm chí còn thúc giục chúng ta phải làm điều gì đó. Theo 2 Cô-rin-tô chương 5, tình yêu của Christ thúc ép chúng ta. Christ không chỉ quấy rầy chúng ta mà Ngài còn thúc ép, thúc bách chúng ta. Đây là quyền năng, nguồn sức mạnh để các sứ đồ ăn ở như thế hầu chiếu sáng Phúc Âm và biểu minh lẽ thật.
B. Một Đời Sống Chịu Đóng Đinh Để Biểu Lộ Sự Sống Phục Sinh
Bắt đầu với câu 8, chúng ta thấy rằng các sứ đồ không sống một đời sống huy hoàng, nhưng một đời sống chịu đóng đinh. Sống một đời sống chịu đóng đinh là sống một đời sống dưới sự đè nén. Giống như hạt lúa mì ở dưới cối xay. Khi Chuá Jesus còn trên đất, Ngài đã sống một đời sống dưới sự đè nén. Mẹ Ngài, các em Ngài, tất cả các môn đồ, những kẻ chống đối, và những người bắt bớ đã thực hiện chức năng như những chiếc cối xay. Hằng ngày, Chuá Jesus ở dưới chiếc cối xay đó.
Người ta sử dụng hai tảng đá để xay lúa: một tảng đá cố định thì ở dưới và một tảng đá chuyển động thì ở trên. Chúng ta có thể nói rằng người Pha-ri-si và người Sa-đu-sê là tảng đá ở dưới đối với Chuá Jesus, và tảng đá nghiền ở trên, tức tảng đá có thể chuyển động là mẹ, anh em và các môn đồ Ngài. Để xay nghiền, đá ở dưới cần đá ở trên tương xứng và phối hợp với nó. Điều này có nghĩa là mẹ, anh em và các môn đồ của Chuá đã giúp người Pha-ri-si và người Sa-đu-sê nghiền Chuá Jesus.
Kinh nghiệm của chúng ta ngày nay cũng cùng một nguyên tắc như vậy. Những người chống đối sự khôi phục của Chuá là đá ở dưới, đá nghiền đứng yên một chỗ. Nhưng vợ, chồng, trưởng lão trong Hội thánh, đồng công, và các thánh đồ là đá ở trên. Do đó, các thành viên của gia đình và các thánh đồ trong Hội thánh cộng tác với những người bắt bớ và những kẻ chống đối đặt chúng ta dưới sự nghiền nát. Thưa anh em, có phải trong kinh nghiệm của anh em, vợ của anh em nghiền anh em nhiều hơn những kẻ chống đối không? Sự phê bình của người vợ là một sự nghiền nát. Nếu không có những người thân yêu chung quanh chúng ta, thì những kẻ chống đối sẽ không thể xay nghiền chúng ta. Sự xay nghiền thật sự đến từ những người thân của chúng ta. Những kẻ chống đối chỉ đặt nền tảng để cho sự xay nghiền diễn ra. Một khi nền tảng này đặt xong, thì chồng hoặc vợ hoặc một thánh đồ nào đó sẽ làm công việc nghiền nát thật sự.
Nếu đọc lại bốn Sách Phúc Âm, anh em sẽ thấy rằng chính những người gần gũi Chuá Jesus là người làm cho Ngài có kinh nghiệm xay nghiền. Khi Chuá bị bắt bớ, Ngài rất vui. Nhưng một ngày kia, đang khi rao giảng cho quần chúng, những người bạn của Ngài nghĩ rằng Ngài cuồng (Mác 3:21). Có lần, Chuá Jesus thậm chí đã hỏi: “Ai là mẹ Ta và ai là anh em Ta?” (Mat. 12:48). Rồi Ngài phán: “Vì hễ ai làm theo ý chỉ của Cha Ta ở trên trời, thì người đó là anh em, chị em và là mẹ của Ta” (Mat. 12:50). Ngày nay, chúng ta cũng kinh nghiệm việc xay nghiền từ những người thân, là những người yêu thương, chăm sóc chúng ta theo cách thiên nhiên.
1. Bị Đè Nén Đủ Cách Nhưng Không Đến Khốn Cùng
Trong câu 8, Phao-lô nói: “Chúng tôi bị đè nén đủ cách nhưng không đến khốn cùng; bị túng thế nhưng không thất vọng”. Trong tiếng Hy Lạp, chữ “bị đè nén” cũng có thể dịch là “bị ép mọi bề”. Chữ khốn cùng cũng có nghĩa là “chật hẹp, tù túng”. Việc mô tả về đời sống của các sứ đồ từ câu này cho thấy rằng họ đã sống một đời sống chịu đóng đinh trong sự phục sinh, hoặc là đời sống phục sinh dưới sự giết chết của thập tự giá để thực hiện chức vụ của họ.
2. Bị Túng Thế Nhưng Không Thất Vọng
Theo nghĩa đen, bị túng thế ở đây có nghĩa là không tìm được lối ra. Chữ được dịch là thất vọng theo nghĩa đen là hoàn toàn không thể tìm được lối ra; tức là, con đường hoàn toàn đã bị đóng chặt. Ở đây, vị sứ đồ đang nói họ bị túng thế không thể tìm được lối ra, nhưng không thất vọng, tức là không phải là không thể tìm được lối ra.
3. Bị Rượt Đuổi Nhưng Không Bị Bỏ Rơi
Câu 9a chép: “Bị rượt đuổi (ngược đãi) nhưng không bị bỏ rơi”. Chữ ngược đãi tiếng Hy Lạp cũng có nghĩa là bị kẻ thù rượt đuổi. Bị bỏ rơi là bị ruồng bỏ, bị rời bỏ; theo nghĩa đen là bị bỏ lại đằng sau trong hoàn cảnh khắc nghiệt nào đó.
4. Bị Đánh Ngã Nhưng Không Đến Diệt Mất
Câu 9b chép: “Bị đánh ngã nhưng không đến diệt mất”. Đánh ngã cũng có nghĩa là hạ xuống, và diệt mất cũng có nghĩa là hết sức chịu đựng như trong câu 3, tức là bị giết chết.
5. Thân Thể Hằng Mang Sự Chết Của Jesus
Câu 10 tiếp: “Thân thể hằng mang sự chết của Jesus hầu cho sự sống của Jesus cũng được tỏ ra trong thân thể chúng tôi”. Sự chết ở đây có nghĩa là giết chết, làm cho chết, tức là công việc của sự chết, công tác của thập tự giá mà Chuá Jesus đã chịu khổ và bền chịu. Khi còn trên đất, hằng ngày Chuá ở dưới sự giết chết. Hằng ngày, Ngài kinh nghiệm sự giết chết. Các sứ đồ cũng kinh nghiệm điều này. Hằng ngày, Ngài ở dưới sự giết chết; hằng ngày, Ngài đang bị đặt vào chỗ chết.
Các sứ đồ đã kinh nghiệm công tác giết chết này “hầu cho sự sống của Jesus cũng có thể được tỏ ra trong thân thể chúng tôi”. Từ được dịch là “hầu cho” cũng có nghĩa là để, kết quả là. Sự giết chết của thập tự giá dẫn đến sự biểu lộ của sự sống phục sinh. Sự giết chết hằng ngày này là để giải phóng sự sống thần thượng trong sự phục sinh. Sự sống trong câu 10 là sự sống phục sinh, là sự sống mà Chuá Jesus đã sống và đã biểu lộ qua công tác của thập tự giá.
Sự nghiền nát liên tục hằng ngày hành động vì một mục đích đặc biệt: để sự sống của Jesus có thể được biểu lộ trong thân thể của chúng ta. Sự sống này là sự sống phục sinh. Chuá Jesus đã sống sự sống phục sinh thậm chí trước khi Ngài chịu đóng đinh. Sự sống mà Ngài đã sống trên đất là sự sống phục sinh. Sự sống phục sinh này là sự sống có thể chịu được sự giết chết.
Trong câu 11, Phao-lô nói tiếp: “Bởi chúng tôi là kẻ sống, vì cớ Jesus mà hằng bị nộp cho sự chết, hầu cho sự sống của Jesus, cũng được tỏ ra trong xác thịt hay chết của chúng tôi”. Danh xưng Jesus trong câu 10 và 11 hàm ý rằng các sứ đồ đã sống một đời sống như Chuá Jesus đã sống trên đất, một đời sống dưới sự giết chết của thập tự giá để biểu lộ sự sống phục sinh. Cách dùng hoán đổi của từ “xác thịt” và từ “thân thể” trong những câu này cho thấy rằng xác thịt hay chết thì ở trong thân thể sa ngã của chúng ta.
6. Sự Chết Hành Động Trong Họ Còn Sự Sống Trong Tín Đồ
Câu 12 chép: “Như thế sự chết hành động trong chúng tôi còn sự sống trong anh em”. Khi chúng ta ở dưới sự giết chết của sự chết của Chuá thì sự sống phục sinh của Ngài được truyền vào trong tín đồ qua chúng ta. Sự truyền dẫn sự sống vào trong người khác luôn luôn là kết quả của việc chúng ta chịu sự giết chết của thập tự giá. Trong câu 12, dường như Phao-lô muốn nói: “Chúng tôi đang chết nhưng anh em người Cô-rin-tô đang được làm cho sống. Việc chúng tôi chết truyền dẫn sự sống vào trong anh em và làm cho anh em sống. Đối với chúng tôi đó là vấn đề bị nộp cho sự chết; còn đối với anh em đó là vấn đề truyền sự sống”.
7. Có Linh Của Đức Tin
Trong câu 13, Phao-lô nói: “Vì chúng tôi có đồng một lòng tin (linh của đức tin), y như có chép: ‘Tôi đã tin, cho nên tôi nói’ chúng tôi cũng tin, cho nên chúng tôi cũng nói”. “Đồng một linh” nói đến cùng một linh như được trích từ Thi Thiên 116:10.
Về Linh trong câu 13, Alfort nói: “Không rõ ràng là Thánh Linh, – nhưng cũng không chỉ là tính khí con người: Thánh Linh nội cư dầm thấm và là đặc điểm cho toàn bộ con người được đổi mới”. Vincent nói: “Linh của đức tin không hẳn là Thánh Linh, mặt khác cũng không phải là khả năng hay tính khí con người, nhưng là sự hoà quyện của cả hai”. Điều này có nghĩa rằng đó là sự hoà quyện giữa Thánh Linh với nhân linh của chúng ta. Chúng ta phải vận dụng linh như thế để tin và nói như tác giả Thi Thiên đã nói, những điều mà chúng ta đã kinh nghiệm Chuá, nhất là sự chết và sự phục sinh của Ngài. Đức tin ở trong linh chúng ta là linh được hoà quyện với Thánh Linh chứ không phải ở trong tâm trí. Sự nghi ngờ thì ở trong tâm trí. Chữ “linh” ở đây cho thấy rằng chính bởi linh hoà quyện mà các sứ đồ đã sống một đời sống chịu đóng đinh trong sự phục sinh để thực hiện chức vụ của họ.
Câu 14 chép: “Vì biết rằng Đấng đã khiến Chúa Jesus sống lại, cũng sẽ khiến chúng tôi đồng sống lại với Jesus, và trình diện chúng tôi với anh em cho Ngài”. Điều này cho thấy rằng các sứ đồ xem chính mình như người đã chết (1:9), vì họ luôn luôn bị giao nộp cho sự chết vì mục đích của Chuá. Hi vọng duy nhất của họ là ở trong Đức Chúa Trời, Đấng đã khiến Chuá Jesus sống lại và là Đấng cũng làm cho họ sống lại nữa. Họ sống bằng loại đức tin này.
Trong câu 15, Phao-lô tuyên bố: “Bởi chưng mọi sự đều vì cớ anh em, hầu cho ân điển nhơn nhiều người càng thêm nhiều, để khiến sự cảm tạ cũng càng thêm dư dật mà làm vinh hiển cho Đức Chúa Trời”. Theo văn mạch, ân điển là chính Christ, Đấng sống trong các sứ đồ như là sự sống và sự cung ứng sự sống của họ để họ sống một đời sống chịu đóng đinh để biểu lộ sự sống phục sinh hầu cho họ có thể thực hiện chức vụ của họ vì giao ước mới của Đức Chúa Trời. Khi các sứ đồ ở dưới sự giết chết thì sự sống được truyền vào người khác và ân điển dư dật qua nhiều người. Kết quả là sự cảm tạ cũng sẽ dư dật. Phao-lô không quan tâm đến sự chịu khổ vì ông nhận biết rằng việc ông bị giết chết sẽ truyền sự sống vào nhiều người và sự sống này trở thành ân điển đối với họ. Kết quả là mọi người sẽ cảm tạ Đức Chúa Trời. Đây là sự sống mà các sứ đồ đã sống, một sự sống chịu đóng đinh để biểu lộ sự sống phục sinh bởi quyền năng vượt trỗi của của báu trong chiếc bình bằng đất.
Sớm muộn gì tất cả chúng ta cũng kinh nghiệm sự nghiền nát này. Chúng ta sẽ bị nghiền giữa tảng đá trên và tảng đá dưới. Trong vấn đề này, chúng ta không có sự lựa chọn vì tất cả chúng ta cần sự nghiền nát. Chính sự nghiền nát này làm cho sự sống phục sinh được biểu lộ.
Vâng, trong cách nhìn của Đức Chúa Trời, chúng ta đã được cấu tạo rồi nhưng vẫn còn cần sự thử nghiệm để xác định chúng ta đã được cấu tạo bao nhiêu, và cũng cần sự nghiền nát để tiến hành sự cấu tạo này theo cách thực tiễn và kinh nghiệm. Dù chúng ta đã được cấu tạo nhưng vẫn còn cần sự cấu tạo này được thực hiện. Điều này được thực hiện chủ yếu qua sự chống đối và sự nghiền nát của những người yêu dấu gần gũi với chúng ta.
Mỗi Hội thánh là một nhà máy xay. Có lẽ anh em không thích Hội thánh địa phương của mình và muốn chuyển đến một nơi khác. Nếu anh em chuyển đi để thoát khỏi sự nghiền nát thì anh em sẽ thấy rằng ở nơi anh em chuyển đến, anh em thậm chí còn bị nghiền nát nhiều hơn. Do đó, nếu anh em chuyển đi để thoát khỏi sự nghiền nát thì anh em nên chuẩn bị để bị nghiền nát nhiều hơn. Chúng ta không thể tránh khỏi điều đó. Điều này đã được chỉ định cho chúng ta; đó là phần định của chúng ta. Ngợi khen Chuá vì sự nghiền nát đã làm cho sự sống phục sinh được biểu lộ!