Thứ Hai, 16 tháng 10, 2017

2 CÔ-RIN-TÔ BÀI 8




CHẤP SỰ CỦA GIAO ƯỚC MỚI (1)
Đọc Kinh Thánh: 2 Cô. 3:12-18
Trong 2 Cô-rin-tô, trước hết Phao-lô nói về chức vụ và sau đó nói về các chấp sự. Trong 2:14, ông ví chức vụ với một cuộc diễu hành khải hoàn kỷ niệm chiến thắng của Đấng Christ. Sau đó ông nói tiếp đến chức năng và sự khả năng của chức vụ và cũng nói về vinh hiển và sự trỗi hơn. Trong 3:12–7:16, Phao-lô đến với các chấp sự của giao ước mới. Theo 3:12-18, các chấp sự này được cấu tạo bởi Chúa, và bằng Chuá như là Linh biến đổi, ban sự sống. Hai phương diện này của Linh được bao hàm trong những câu này. Nếu hiểu những phương diện này của Linh, chúng ta sẽ thấy sự cấu tạo của những chấp sự Tân Ước. Những chấp sự này không chỉ được huấn luyện và được dạy dỗ mà họ còn được cấu tạo.
I. ĐƯỢC CẤU TẠO BỞI CHUÁ VÀ BẰNG CHUÁ LÀ LINH BIẾN ĐỔI VÀ BAN SỰ SỐNG
A. Hi Vọng Và Sự Dạn Dĩ Của Họ
1. Nói Rất Dạn Dĩ
Câu 12 chép: “Vậy, vì chúng ta đã có hi vọng dường ấy, nên chúng ta nói rất dạn dĩ”. Đây là sự dạn dĩ trong sự phát ngôn công khai và tự do về chức vụ của họ, không giấu giếm điều gì như Môi-se đã làm khi ông che mặt bằng một tấm mạng che mặt (c. 13).

Vinh hiển lâu dài của chức vụ Tân Ước là nền tảng hi vọng của các sứ đồ. Trong chức vụ của họ, họ có hi vọng. Trong chức vụ của Môi-se, nếu so sánh thì không có hi vọng. Môi-se che tấm mạng trên mặt để giấu sự chiếu sáng. Khi đọc Xuất Ai Cập Kí chương 34, có thể chúng ta có một ấn tượng tốt về điều này. Tuy nhiên, trong 2 Cô-rin-tô chương 3, Phao-lô không giải thích tấm mạng theo nghĩa tích cực mà theo nghĩa tiêu cực. Theo sự giải thích của Phao-lô, Môi-se che tấm mạng trên mặt vì ông sợ con cái Israel thấy vinh hiển bị mờ dần. Mờ dần có nghĩa là kết thúc. Vì thế, theo sự hiểu biết của Phao-lô, Môi-se nhận thức rằng sự chiếu sáng trên mặt ông sẽ không kéo dài. Theo ý nghĩa này, Môi-se không có hi vọng gì cả. Trái lại, ông sợ hãi loa âu. Nhưng trong câu 12, Phao-lô nói rằng các chấp sự của giao ước mới thì có hi vọng vì vinh hiển chiếu sáng của chức vụ giao ước mới vẫn còn mãi.
Có một hi vọng như thế nên các sứ đồ đã nói rất dạn dĩ. Nếu đọc Sách Xuất Ai Cập Kí một cách cẩn thận anh em sẽ thấy rằng Môi-se không dạn dĩ trong việc ban kinh luật như các sứ đồ đã dạn dĩ trong việc cung ứng Christ. Càng cung ứng Christ, họ càng dạn dĩ. Càng cung ứng lâu hơn họ càng dạn dĩ hơn. Sự dạn dĩ của họ đến từ sự tin cậy vào vinh hiển vĩnh hằng.
Cùng một nguyên tắc cho chúng ta ngày nay. Tôi có thể làm chứng rằng càng cung ứng Christ tôi càng trở nên dạn dĩ. Dù có sự chống đối chức vụ này nhưng tôi vẫn có hi vọng. Cuối cùng, sự chống đối sẽ mờ dần. Chúng ta có sự tự chắc rằng chúng ta đang cung ứng lẽ thật để đem lại vinh hiển và vinh hiển trong lẽ thật này sẽ còn lại mãi. Người khác có thể không tin những điều chúng ta đang rao giảng. Nhưng trong thời đại sắp đến, hoặc trong Giê-ru-sa-lem Mới, họ sẽ tin.
2. Chẳng Như Môi-Se
Trong câu 13, Phao-lô nói tiếp: “Chẳng như Môi-se lấy màn che mặt mình, hầu cho con cái Y-sơ-ra-ên không nhìn thấy cuối cùng của sự vinh quang bị tan dần”. Trong khi Môi-se nói Lời Đức Chúa Trời cho con cái Israel, ông giữ cho khuôn mặt được vinh hoá của ông không bị che đậy. Sau khi nói, ông che mặt lại (Xuất. 34:29-33) kẻo họ nhìn thấy sự cuối cùng của chức vụ đang qua đi của ông. Ông không muốn họ ngắm nhìn sự cuối cùng của vinh hiển đang mờ dần của chức vụ của ông về kinh luật.
3. Trong Christ, Màn Ấy Được Cất Khỏi
Câu 14 chép: “Nhưng tâm tư họ đã bị cứng cỏi; vì đến ngày nay khi đọc Cựu-ước, mà cái màn ấy vẫn còn chưa cất khỏi, kỳ thực duy trong Christ mà màn ấy được cất khỏi”. Ở đây, từ tâm tư nói đến “những điều xuất phát từ tâm trí (2:11; Phil. 4:7). Do đó, về nguồn gốc là chính tâm trí” (Vincent).
Trong câu này, giới từ “trong” nói đến việc cái màn được cất khỏi trong Christ. Vì điều này không được khải thị cho con cái Israel nên tâm tư của họ cứng cỏi, và tâm trí họ bị mù. Cái màn đang được cất khỏi trong Christ qua gia tể Tân Ước, nhưng nó vẫn còn trong tâm trí của họ khi họ đọc Cựu Ước (c.15). Câu 15 chép: “Ấy vậy, đến ngày nay, mỗi lần đọc Sách Môi-se vẫn còn cái màn trên lòng họ”. Môi-se ở đây nói đến những văn phẩm của Môi-se, tức Ngũ Kinh (Giăng 5:47).
B. Tiến Trình Của Việc Họ Được Cấu Tạo
1. Lòng Họ Xoay Về Chuá Thì Bức Màn Được Cất Khỏi
Câu 16 chép: “Nhưng hễ khi nào lòng đó xoay về Chúa, thì bấy giờ màn ấy mới cất khỏi”. Theo câu 15, “lòng họ” nói đến lòng của con cái Israel. Điều này cho thấy rằng khi có cái màn trên lòng của họ thì lòng họ xa cách Chuá. Khi lòng họ xoay về Chuá thì màn ấy được cất khỏi. Thực ra, cái màn chính là lòng của họ quay đi chỗ khác. Lòng họ xoay lại với Chuá là cất bức màn đi.
Anh em có biết tại sao Cơ Đốc nhân không có ánh sáng, không có khải thị không? Đó là vì họ bị che phủ bởi một bức màn dày và nặng. Dĩ nhiên là có một ít người xoay lòng lại với Chuá. Khi lòng của họ xoay về Ngài thì bức màn được cất khỏi, và họ nhìn thấy ánh sáng. Nhiều Cơ Đốc nhân ngày nay bị che phủ bởi một bức màn dày như thế. Đây là lí do ở giữa họ không có ánh sáng thậm chí rất ít.
Nhiều người trong chúng ta có thể làm chứng rằng khi xoay lại với Chuá thì chúng ta được soi sáng. Chúng ta được sáng tỏ về chính mình, về tình trạng của mình, và tình trạng của bản thể bề trong của mình. Bởi xoay lại với Chuá và đến với Hội thánh mà chúng ta được sáng tỏ hơn trước.
Là những sứ đồ và tín đồ được cấu tạo, lòng của họ đã được xoay lại với Chuá. Sau-lơ người Tạt-sơ trở thành một loại tín đồ như thế. Trên đường Đa-mách, Chuá phán với ông: “Sau-lơ, Sau-lơ, sao ngươi bắt bớ Ta?” Ngay lập tức và một cách vô thức, lòng của Sau-lơ xoay lại với Chuá, và ông kêu lên rằng: “Thưa Chuá, Chúa là ai?” (Công. 9:5). Dù không biết Chuá là ai nhưng ông vẫn gọi Ngài là Chuá. Ông đã kêu cầu Ngài một cách rồ dại và thậm chí mù loà. Nhiều người trong chúng ta cũng đã làm như vậy. Tuy nhiên, sau đó, chúng ta nhận biết điều đã xảy ra, và bầu trời thuộc linh của chúng ta trở nên rất quang đãng.
Sau khi Chuá hiện ra với Sau-lơ và ông đã kêu cầu Ngài thì ông bị mù. Trước đó, ông là một nhà lãnh đạo tôn giáo và đã lãnh đạo người khác bắt bớ Hội thánh. Nhưng sau khi kêu cầu danh Chuá thì ông cần một người nào đó lãnh đạo ông. Chuá Jesus phán với ông rằng ông nên vào thành và sẽ được bảo phải làm gì (Công. 9:6). Cuối cùng, A-na-nia đến với ông, và những miếng vảy đã rớt khỏi mắt Sau-lơ. Điều này cho thấy rằng cái màn được cất khỏi và ông đã nhận được ánh sáng. Vì lòng của Sau-lơ người Tạt-sơ xoay lại với Chuá nên cái màn bị cất khỏi. Quả là ánh sáng mà người này đã nhận được! Tất cả các Thư Tín của ông đều được viết dưới sự chiếu sáng của ánh sáng này. Lí do Phao-lô nhận được rất nhiều ánh sáng là vì một nhân tố: việc xoay lòng lại với Chuá và cất khỏi bức màn.
2. Được Giải Phóng Khỏi Gông Xiềng Của Kinh Luật Và Vui Hưởng Chuá Là Linh
Câu 17 chép: “Vả, Chúa là Linh; Linh của Chúa ở đâu, thì sự tự do cũng ở đó”. Khi lòng xoay lại với Chuá thì cái màn được cất khỏi. Hơn nữa, Chuá là Linh, Đấng ban cho chúng ta sự tự do. Vì Chuá là Linh nên khi lòng xoay lại với Ngài thì cái màn được cất khỏi, và lòng được thoát khỏi cảnh nô lệ của văn tự kinh luật.
Theo ngữ cảnh của phân đoạn này từ 2:12 thì Chuá ở đây phải nói đến Christ là Chuá (2:12, 14, 15, 17, 3:3, 4, 14, 16; 4:5). Như vậy, đây là Lời mạnh mẽ trong Kinh Thánh bảo chúng ta cách dứt khoát rằng Christ là Linh. “Chuá Christ trong câu 16 là Linh, Đấng lan toả và làm sinh động giao ước mới mà chúng ta là các chấp sự của giao ước đó (c. 6), và chức vụ của giao ước ấy ở cùng vinh hiển (c. 8). So với La-mã 8:9-11; Giăng 14:16, 18” (Vincent). “Chuá trong câu 16 là Linh,…ban sự sống, câu 6, có nghĩa là ‘Chuá’ như được nói ở đây, ‘Christ’ là ‘Linh’, chính là với Thánh Linh…. Christ ở đây là Linh của Christ” (Alford). “Cả Linh nội cư và biến đổi là chính Đấng Christ. Chuá là Linh” (Williston Walker).
Một số người phủ nhận rằng Chuá trong câu 17 nói đến Christ là Chuá. Họ tuyên bố rằng câu này nói đến Đức Chúa Trời cách chung chung. Hơn nữa, dùng Giăng 4:24, họ tuyên bố rằng câu 17 chỉ nói Đức Chúa Trời là Linh. Tuy nhiên, nếu xem câu này theo ngữ cảnh, chúng ta sẽ nhận biết rằng Chuá trong câu 17 phải nói đến Christ. Do đó, câu này bảo chúng ta cách dứt khoát rằng Christ Chuá là Linh. Hơn nữa, cụm từ “Linh của Chuá” cho thấy rằng Linh và Chuá là một. Linh của Chuá thật sự làm một với Chuá. Linh của Chuá ở đâu có nghĩa là Linh, Chuá ở đâu.
Qua nhiều thế kỷ, có nhiều giáo sư đã tin rằng theo câu 17, Christ Chuá là Linh. Tuy nhiên, nhiều Cơ Đốc nhân vẫn còn ở dưới ảnh hưởng của những tín điều, nhất là Tín Điều Nicene. Tại Hội Đồng Nicea (325 S.C), Sách Khải Thị chưa chính thức được công nhận. Đây có thể là lí do mà trong Tín Điều Nicene không nói gì đến bảy Linh. Trong sách Khải Thị, Thân Vị thứ ba của Đấng Tam-Nhất là bảy Linh của Đức Chúa Trời. Hơn nữa, theo Khải Thị 5:6, bảy Linh này là bảy mắt của Chiên Con. Đối với những người tuyên bố rằng Linh là Thân Vị tách rời khỏi Con, chúng tôi muốn hỏi làm thế nào Thân Vị thứ ba là Linh, lại có thể là mắt của Thân Vị thứ hai là Con. Chúng ta không thể phủ nhận những gì Sách Khải Thị nói về bảy Linh, rằng Thân Vị thứ ba của Đấng Tam-Nhất là mắt của Thân Vị thứ hai. Vì lí do này, chúng ta không nên nói về Christ và Linh là hai Thân Vị riêng biệt.
Linh trong câu 17, Đấng là sự biểu lộ cuối cùng của Đức Chúa Trời Tam-Nhất, chưa có trong Giăng 7:39, vì lúc đó Jesus chưa được tôn vinh. Ngài chưa hoàn thành tiến trình mà Ngài phải trải qua như là hiện thân của Đức Chúa Trời. Sau sự phục sinh, tức là sau khi hoàn tất mọi tiến trình, như nhục hoá, đóng đinh, và phục sinh, điều mà Đức Chúa Trời Tam-Nhất phải trải qua trong con người vì gia tể cứu chuộc của Ngài, Ngài mới trở nên Linh ban-sự-sống (1Cô. 15:45). Linh ban-sự-sống này được gọi là “Linh” trong Tân Ước (La. 8:16, 23, 26-27; Ga. 3:2, 5, 14; 6:8; Khải. 2:7; 3:22; 14:13; 22:17), Linh, Đấng ban cho chúng ta sự sống thần thượng (2Cô. 3:6; Giăng 6:63) và làm cho chúng ta thoát khỏi gồng xiềng của kinh luật. Linh của Chuá là chính Chuá, với Ngài có sự tự do. Tự do ở đây là tự do khỏi văn tự của kinh luật dưới bức màn (Ga. 2:4; 5:1).
3. Để Mặt Trần Ngắm Xem Và Phản Chiếu Vinh Hiển Của Chuá Như Một Cái Gương
Trong câu 18, Phao-lô nói tiếp: “(Và) Chúng ta thảy đều để mặt trần mà ngắm xem và chiếu lại sự vinh quang của Chúa như một cái gương, thì đều biến hoá (biến đổi) nên cũng một hình tượng (hình ảnh) của Ngài, từ vinh quang đến vinh quang, như bởi Chúa là Linh (Chúa Linh) vậy”. “Và” ở đây chỉ ra thêm điều gì đó. Trước nhất, lòng xoay lại với Chuá để cái màn có thể được cất khỏi (c.16); Kế đến, là Linh, Chuá giải thoát chúng ta khỏi gông xiềng của kinh luật (c. 17); và cuối cùng, với mặt trần, chúng ta như một chiếc gương, ngắm xem và phản chiếu vinh hiển của Chuá và vì thế được biến đổi thành hình ảnh của Ngài từ vinh hiển đến vinh hiển.
Trong câu 18, “chúng ta” nói đến các sứ đồ, là những người cung ứng Christ, như những gương mẫu và đại diện tất cả tín đồ. Dù những câu này mô tả các sứ đồ nhưng chúng ta không nên nghĩ rằng những câu này lại không dành cho chúng ta. Các sứ đồ là những gương mẫu, là đại diện cho tín đồ. Điều này có nghĩa là các sứ đồ là gì thì chúng ta cũng vậy. Do đó, những câu này cũng liên quan đến chúng ta.
“Mặt trần” trái ngược với tâm trí bị che khuất, lòng bị che khuất (cc. 14-15). Điều đó có nghĩa là để lòng chúng ta xoay lại với Chuá hầu cho cái màn được cất khỏi, và Chuá là Linh giải phóng chúng ta khỏi gông xiềng, khỏi bức màn của kinh luật hầu cho giữa chúng ta với Chuá không có sự cách ly.
Theo câu 18, chúng ta ngắm xem và phản chiếu vinh hiển của Chuá như một cái gương. Ngắm xem là chính chúng ta nhìn xem Chuá; phản chiếu là để người khác nhìn thấy Ngài qua chúng ta. Chúng ta là một cái gương như vậy để ngắm xem và phản chiếu vinh hiển của Chuá. Như thế, mặt của chúng ta nên hoàn toàn được để trần để có thể nhìn thấy rõ ràng và phản chiếu một cách chính xác.
Vinh hiển trong câu 18 là vinh hiển của Chuá là Đấng phục sinh và thăng thiên, Đấng vừa là Đức Chúa Trời vừa là con người, trải qua sự nhục hoá, cuộc sống làm người trên đất, và sự đóng đinh, bước vào trong sự phục sinh, hoàn tất sự cứu chuộc trọn vẹn, và trở thành Linh ban-sự-sống. Linh này cư ngụ trong chúng ta hầu làm cho Ngài và hết thảy những gì Ngài đã hoàn tất, đã đoạt được, và đạt được trở nên thật đối với chúng ta để chúng ta có thể làm một với Ngài và được biến đổi thành hình ảnh của Ngài từ vinh hiển đến vinh hiển.
4. Được Biến Đổi Thành Hình Ảnh Của Chuá
Khi để mặt trần mà ngắm xem và phản chiếu vinh hiển của Chuá, Ngài truyền vào chúng ta những yếu tố của những gì Ngài là và những gì Ngài đã làm. Vì thế, chúng ta đang được biến đổi theo cách trao đổi chất để có hình dạng sự sống của Ngài bởi quyền năng sự sống của Ngài cùng với thể yếu sự sống của Ngài, được biến hình nên hình ảnh của Ngài, chủ yếu là bởi sự đổi mới tâm trí của chúng ta (La. 12:2). Việc đang được biến đổi cho thấy rằng chúng ta ở trong tiến trình của sự biến đổi
Cấu trúc của sự sống liên quan đến thể yếu sự sống, quyền năng sự sống, và hình dạng sự sống. Mỗi loại sự sống đều có ba điều này — thể yếu, quyền năng, và hình dạng. Ví dụ hoa cẩm chướng có thể yếu và quyền năng. Do đó, nó được tạo thành một hình dạng nào đó. Khi nó lớn lên với thể yếu sự sống và bởi quyền năng sự sống, nó được định hình thành một hình dạng đặc biệt. Điều đó cũng giống như sự sống thần thượng. Sự sống này có thể yếu, quyền năng và hình dạng của nó. Hình dạng của sự sống thần thượng là hình ảnh của Christ. Vì thế trong câu 18, chúng ta có tư tưởng về việc được biến đổi thành cùng một hình ảnh. Điều này có nghĩa là chúng ta sẽ được định hình thành hình ảnh của Christ. Dựa trên sự kiện này, và dựa trên cách Phao-lô dùng từ biến đổi, chúng ta nói về việc được cấu tạo theo cách trao đổi chất. Từ liệu này dựa trên quan điểm của sự biến đổi thành hình ảnh của Christ.
Theo 2 Cô-rin-tô chương 4, chúng ta là những chiếc bình. Là những chiếc bình, chúng ta cần có một mặt trần; tức là, chúng ta cần mở ra cho sự sống thần thượng với quyền năng, thể yếu, và hình dạng của sự sống thần thượng. Khi chúng ta mở ra cho Chuá, Ngài là Linh ban-sự-sống bước vào trong bản thể chúng ta để truyền thể yếu sự sống của Ngài vào trong chúng ta, để hành động trong chúng ta bằng quyền năng sự sống của Ngài, và định dạng chúng ta thành hình ảnh của Ngài. Đây là sự cấu tạo của sự sống để làm cho chúng ta thành những chấp sự của giao ước mới.
Hình ảnh trong câu 18 là hình ảnh của Đấng Christ phục sinh và được vinh hoá. “Cùng một hình ảnh” có nghĩa là chúng ta đang được đồng hoá theo Đấng Christ được phục sinh và được vinh hoá, được làm cho giống như Ngài (La. 8:29).
Được biến đổi thành cùng một hình ảnh từ vinh hiển đến vinh hiển có nghĩa là từ mức độ vinh hiển này đến mức độ vinh hiển khác. Điều này cho thấy một tiến trình liên tiếp trong sự sống trong sự phục sinh. Điều này là “từ Chuá Linh”. “Từ” cho thấy rằng sự biến đổi đang diễn tiến từ Linh đúng hơn là được làm bởi Ngài.
Chúa Linh có thể được xem như một danh xưng kép giống như Đức Chúa Trời Cha và Chuá Christ. Cách diễn đạt này một lần nữa chúng minh mạnh mẽ và xác quyết rằng Chuá Christ là Linh, và Linh là Chuá Christ. Trong chương này, Linh này được khải thị là Linh ghi khắc (c. 3), Linh ban-sự-sống (c. 6), Linh cung ứng (c. 8), Linh giải phóng (c. 17), và Linh biến đổi (c. 18). Linh bao-hàm-tất-cả như thế chủ yếu cho những chấp sự của Christ và cho chức vụ của họ vì gia tể Tân Ước của Đức Chúa Trời.
Sau khi nói về chức vụ của giao ước mới, vị sứ đồ nói tiếp về những chấp sự của giao ước mới. Từ câu 12 đến 18, đầu tiên ông mô tả những chấp sự của giao ước mới là những người có lòng xoay về Chuá, có mặt để trần, là những người đang vui hưởng Chuá như là Linh, giải phóng họ khỏi gông xiềng của kinh luật, và là những người đang được biến đổi thành hình ảnh của Chuá bởi ngắm xem và phản chiếu Ngài. Qua một tiến trình biến đổi như thế, họ được cấu tạo để làm những chấp sự của Christ bởi Linh với những yếu tố của Thân Vị và công tác của Christ. Do đó, thân vị của họ là thành phần cấu tạo của Christ và với Christ, và chức vụ của họ là cung ứng Christ cho người khác, truyền vào người khác Đấng Christ bao-hàm-tất-cả như là Linh ban-sự-sống, nội cư. Tất cả nên bắt chước họ để làm cùng một loại người và để hoàn thành cùng một loại chức vụ.
-