Thứ Hai, 16 tháng 10, 2017

2 CÔ-RIN-TÔ BÀI 19



THÔNG THẠO CHRIST LÀ BẢNG MẪU TỰ ĐỂ VIẾT NHỮNG BỨC THƯ SỐNG BẰNG LINH BAN-SỰ-SỐNG CỦA ĐỨC CHUÁ TRỜI HẰNG SỐNG (1)
Kinh Thánh: 2 Cô-rin-tô 3:3-6
Trong Sách 2 Cô-rin-tô, một Sách rất sâu nhiệm, Phao-lô giới thiệu chính ông như một gương mẫu về việc sống Christ vì Hội thánh. Trong Thư Tín này, Phao-lô trình bày cho chúng ta về nếp sống của ông, cách ông sống. Đời sống của Phao-lô là gương mẫu cho mọi Cơ Đốc nhân.
Khi còn là một Cơ Đốc nhân trẻ, tôi đã nhiều lần nghe rằng Đấng Christ là gương mẫu của chúng ta và chúng ta nên bắt chước Ngài. Tôi cũng được dạy rằng sứ đồ Phao-lô là gương mẫu cho chúng ta. Trong 1 Ti-mô-thê 1:15 và 16, Phao-lô nói rằng ông là tội khôi, là tội nhân hàng đầu, nhưng ông đã nhận sự thương xót để trở thành gương mẫu, khuôn mẫu cho tín đồ. Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ nghe rằng trong 2 Cô-rin-tô, Phao-lô tự giới thiệu mình là gương mẫu của việc sống Christ vì Hội thánh.
Phao-lô là gương mẫu không chỉ của việc sống Christ mà còn là gương mẫu của việc sống Christ vì Hội thánh. Là sáng tạo mới của Đức Chúa Trời, chúng ta được tiền định để sống Christ. Hơn nữa, chúng ta được tiền định để sống Christ không chỉ vì sự cứu rỗi, vì sự thuộc linh, vì quyền năng, hay vì công tác rao giảng phúc âm, nhưng vì Hội thánh. Sống Christ vì Hội thánh là phần định mà Đức Chúa Trời đã chỉ định cho sáng tạo mới của Ngài.

SỰ XƯNG NGHĨA DẪN ĐẾN SỰ SỐNG
Vấn đề sống Christ vì Hội thánh là điều gì đó đã bị đánh mất và cần được khôi phục. Vào thời Cải Chánh, Martin Luther đã khôi phục sự xưng nghĩa bởi đức tin. Bởi ân điển của Đức Chúa Trời, Luther sẵn sàng liều mình vì sự khôi phục về sự xưng nghĩa bởi đức tin. Sự xưng nghĩa bởi đức tin theo cách khách quan có thể được ví như da gà chứ không phải thịt. Theo Sách La-mã và Ga-la-ti; sự xưng nghĩa bởi đức tin phải có kết quả. Những Sách này khải thị rằng sự xưng nghĩa bởi đức tin thì dẫn đến sự sống. Điều này có nghĩa là sự xưng nghĩa cùng một quan điểm với sự sống chứ không nên đứng riêng một mình; đúng ra, sự xưng nghĩa phải có kết quả trong sự sống.
Caspa Schwenckfeld thấy rằng sự xưng nghĩa phải có kết quả trong sự sống. Ông có thể được xem như là người không chỉ đã chạm đến “da” của sự khải thị trong Kinh Thánh mà còn bắt đầu nhìn thấy “thịt” bên dưới lớp da. Một ngày kia, tôi rất ngạc nhiên nhận biết rằng Schwenckfeld đã dùng một số cách diễn đạt mà chúng ta dùng ngày nay để nói về sự sống. Thậm chí ông cũng đã nói đến Linh ban-sự-sống. Nói đến Luther và Schwenckfeld, ý tôi muốn nói rằng Chuá muốn khôi phục không chỉ “da”, tức là những giáo lí căn bản nào đó mà Ngài cũng muốn khôi phục “thịt” dưới lớp “da” của Lời.
CHRIST LÀ PHẦN HƯỞNG NUÔI DƯỠNG CỦA CHÚNG TA
Trong bài Nghiên Cứu Sự Sống thứ 17 này, tôi đã chỉ ra rằng lẽ thật của Kinh Thánh có thể được so với lông, da và thịt gà. Chẳng hạn như, đọc 1 Cô-rin-tô chương 1, chúng ta có thể chú ý đến “lông” mà bỏ qua “da”. Trong 1 Cô-rin-tô 1:12 Phao-lô nói: “Tôi có ý nói rằng trong anh em mỗi người nói ‘ta thuộc về Phao-lô, ta thuộc về A-bô-lô, ta thuộc về Sê-pha, và ta thuộc về Christ’”. Trong câu này, chúng ta có “lông” chứ không có “thịt”. Những người đọc 1 Cô-rin-tô chương 1 thường chú ý đến “lông” trong câu này; tuy nhiên, họ lại bỏ qua “thịt” trong câu 9. Ở đó Phao-lô nói: “Đức Chúa Trời là thành tín, do Ngài anh em đã được gọi đến trong sự tương giao với Con Ngài, là Jesus Christ, Chuá chúng ta”. Nhiều người đọc 1 Cô-rin-tô chương 1 mà không chú ý đủ đến câu này và đến “thịt” chứa trong đó. Những người khác có thể nghiên cứu câu này nhưng không hiểu biết đủ về từ liệu tương giao. Họ có thể nghĩ rằng để có sự tương giao với Con chỉ là tiếp xúc với Con Đức Chúa Trời theo cách cầu nguyện. Không có nhiều tín đồ nhận thức rằng sự tương giao của Con nói đến sự vui hưởng Con Đức Chúa Trời. Con Đức Chúa Trời ở đây là “thịt” phong phú để làm phần hưởng của chúng ta.
Tư tưởng vui hưởng Chuá là “thịt” nuôi dưỡng phong phú được tìm thấy trong Lu-ca chương 15. Trong ẩn dụ về con trai hoang đàng, người con trai hoang đàng ăn năn và trở về nhà. Cha nhận nó và mặc áo dài cho nó. Một số giáo sư Kinh Thánh dùng ẩn dụ này để dạy rằng sự cứu rỗi là bởi ân điển, chứ không bởi công việc. Người con định nói với cha rằng hãy xem nó như đầy tớ thuê mướn. Tuy nhiên, người cha ngắt lời nó và bảo đầy tớ mặc áo dài cho nó. Áo dài này tượng trưng cho Christ là sự công chính của chúng ta. Chúng ta nhận lấy áo dài này không bởi công việc, nhưng bởi ân điển, tức món quà miễn phí của Đức Chúa Trời Cha.
Chính tôi đã từng rao giảng những bài Phúc Âm theo Lu-ca chương 15 nhấn mạnh đến điểm này. Nhưng trong ẩn dụ này còn có điều gì đó hơn là áo dài. Đó là bò tơ mập. Áo dài có thể được ví như da, và bò tơ mập có thể được ví như thịt. Trong nhiều năm, tôi đã rao giảng “Phúc Âm áo dài”, tức là bài mà sự cứu rỗi là bởi ân điển. Nhưng cuối cùng, tôi đến chỗ thấy rằng Lu-ca chương 15 cũng nói về bò tơ mập. Áo dài thì ở bên ngoài, tức là điều gì đó che phủ chúng ta. Bò tơ mập liên quan đến điều gì đó bên trong, đó là thực phẩm để nuôi dưỡng. Sau khi thấy điều này, tôi bắt đầu rao giảng phúc âm theo cách khác, nhấn mạnh đến bò tơ mập cũng như áo dài. Tuy nhiên, những người nào đó là người chỉ thấy áo dài chứ không thấy bò tơ mập, chỉ thấy “da” chứ không thấy “thịt” thì không vui với loại rao giảng phúc âm này. Họ không đồng ý với sự dạy dỗ về việc ăn thịt bò con mập.
Đôi khi trong sự rao giảng của tôi từ Lu-ca chương 15, tôi nói rằng con trai hoang đàng đã ăn năn và quay lại không phải vì quần áo bẩn thỉu nhưng vì đói. Đứa con trai trở về nhà vì đói, đói đến nỗi nó bằng lòng ăn vỏ đậu của heo. Lu-ca 15:17 nói về đứa con hoang đàng: “Khi nó tỉnh ngộ, bèn nói rằng: biết bao người làm thuê cho cha ta được bánh dư dật, mà ta đây phải chết đói!” Do đó, nó quyết định: “Ta sẽ đứng dậy trở về cùng cha” (c.18). Nó không tự nói rằng trong nhà cha ta có nhiều áo dài. Không, nó nhớ rằng có “bánh dư dật”. Thay vì cứ ở lại nơi của nó và chết đói thì nó quyết định trở về nhà.
Giả sử người cha nói: “Con tội nghiệp ơi, trông con giống như một gã ăn mày. Cha sẽ nói đầy tớ lấy áo dài mà cha đã chuẩn bị cho con và mặc cho con để con có một dáng vẻ đúng đắn”. Nếu người cha chỉ cho áo dài để che phủ nó thì có lẽ người con nói: “Thưa cha, con đói. Cha hài lòng với áo dài nhưng con cần ăn cái gì đó. Xin cho con một ít thức ăn”. Tuy nhiên, người cha không chỉ quan tâm đến áo dài. Sau khi bảo đầy tớ mang áo dài tốt nhất, người cha nói: “Hãy bắt bò con mập làm thịt đi. Chúng ta hãy ăn mừng” (c.23).
Hơn nữa, người con trai cả ganh tị không phải vì chiếc áo, nhưng vì bữa tiệc. Nó phàn nàn với cha mình: “Này, con hầu việc Cha đã bấy nhiêu năm, chưa từng trái mạng cha, mà cha chẳng hề cho con một con dê con để ăn mừng với bạn hữu con” (c.29). Người con cả không nói rằng đứa con hoang đàng có áo dài tốt nhất. Nó ganh tị vì bò con mập đã được sửa soạn cho em nó.
Trong những điểm nào đó, sự dạy dỗ trong sự khôi phục của Chuá thì khác với sự dạy dỗ thông thường giữa vòng Cơ Đốc nhân ngày nay. Một số người mà chỉ quan tâm đến áo dài chứ không quan tâm đến bò con mập đã đi quá mức để nói rằng sự dạy dỗ của chúng ta là tà giáo. Trong sự khôi phục, chúng ta vừa có áo dài vừa có bò con mập. Luther khôi phục áo dài, nhưng bây giờ chúng ta cũng đang vui hưởng sự khôi phục về bò con mập. Bởi sự thương xót của Chuá, chúng ta đang ở trong sự khôi phục của Ngài, vui hưởng Christ, tức bò con mập như là phần hưỡng nuôi dưỡng, giàu có của chúng ta.
CHI THỂ CỦA ĐẤNG CHRIST
Khi đọc Sách 1 Cô-rin-tô chương 6, điều gì lôi cuốn sự chú ý của anh em, “lông” hay “thịt”? Lời của Phao-lô lên án tội gian dâm là “lẽ thật lông”. Bất cứ ai có luân thường đạo lí cũng đều đánh giá cao lời của Phao-lô về vấn đề này. Đọc chương này, một số Cơ Đốc nhân chú ý đến câu 19, ở đó Phao-lô nói rằng thân thể chúng ta là đền thờ của Đức Chúa Trời và chúng ta tôn vinh Đức Chúa Trời trong thân thể mình vì chúng ta được mua bằng giá cao. Đọc chương này, những người khác chú ý đến lời của Phao-lô về việc kiện cáo giữa các anh em. Không nhiều người nhận ra rằng câu câu 15 là chìa khoá trong chương này.
Một số người tự hỏi vì sao tôi nói câu 15 là câu chìa khoá khi tôi nhấn mạnh đến câu 17. Trong câu 17 Phao-lô nói: “Ai liên hiệp với Chuá thì đồng một một linh”. Trong câu 15 ông nói: “Thân thể của anh em là chi thể của Đấng Christ”. Câu 17 giải thích thể nào thân thể chúng ta lại có thể là chi thể của Đấng Christ. Vì thân thể chúng ta là chi thể của Đấng Christ, nên chúng ta không được dùng sai mục đích. Thân thể chúng ta được liên hiệp hữu cơ với Đấng Christ nên bây giờ nó là một phần của Đấng Christ. Làm thế nào chúng ta có thể dùng thân thể thánh biệt để phạm tội? Nhưng làm thế nào thân thể của chúng ta lại có thể là chi thể của Đấng Christ? Điều này hoàn toàn có thể được vì chúng ta là một linh với Chuá. Vì linh của chúng ta đã được liên hiệp với Chuá thành một linh, nên linh chúng ta là phần trỗi nhất trong bản thể chúng ta. Khi đó, thân thể chúng ta nên ở dưới sự kiểm soát của linh và được dầm thấm bởi linh. Trước hết, linh trở thành linh của tâm trí chúng ta và cuối cùng, là linh của thân thể. Như vậy, thân thể chúng ta trở thành chi thể của Đấng Christ. Đây là “thịt” trong 1 Cô-rin-tô chương 6.
NHỮNG BỨC THƯ SỐNG
Trong Sách 2 Cô-rin-tô chương 2, 3 và 4, thật khó tìm thấy “lông” hay “da”. Chắc chắn không có “lông”, nhưng trong chương 3, có thể có một lớp “da” mỏng. Trong 3:1 Phao-lô hỏi: “Chúng tôi há lại bắt đầu tự tiến dẫn mình, hay là há như kẻ khác cần thơ tiến dẫn hoặc cho anh em, hoặc của anh em sao?” Lấy câu này làm nền tảng, một vài nhóm Cơ Đốc đã đặt một hệ thống viết thư tiến dẫn chuyển từ nơi này đến nơi khác. Những người theo sự thực hành này tuyên bố rằng thư tiến dẫn được viết cho các thánh đồ trong suốt thời đại của Phao-lô. Tuy nhiên, đây chỉ là một lớp “da” mỏng. Chắc chắn nó không phải là “thịt” trong 2 Cô-rin-tô chương 3. Ý định của Phao-lô trong chương này không phải là chuyện viết thư tiến dẫn như thế. Đúng ra, ý định của ông là nói về việc viết những bức thư sống bởi Linh ban-sự-sống của Đức Chuá Trời hằng sống.
Là một người làm gương mẫu để sống Christ vì Hội thánh, Phao-lô rất thành thạo viết những bức thư sống này. Ông có đủ phẩm chất, và ông rất thành thạo về kỹ năng cần thiết cho điều này. Phao-lô thông thạo Christ để viết những bức thư sống này với chính Christ là mẫu tự thuộc linh. Sách Khải Thị nói rõ rằng Christ là Alpha, tức mẫu tự đầu tiên trong bảng chữ cái Hy Lạp, và cũng là Ô-mê-ga, tức mẫu tự cuối cùng. Tất nhiên Christ cũng là những mẫu tự ở giữa Al-pha và Ô-mê-ga.
Dù một sự soạn thảo nào đó có thể dài bao nhiêu, nhưng được viết bằng những từ bao gồm tất cả những mẫu tự của bảng chữ cái. Nếu dùng máy đánh chữ để viết chữ Đức Chúa Trời, chúng ta chỉ cần nhấn phím Đ-ứ-c-C-h-ú-a-T-r-ờ-i. Chúng ta có thể viết tiếp những từ khác và sau đó là câu, đoạn văn, và chương. Cũng vậy, với Christ là bảng chữ cái thiên thượng, Phao-lô có thể viết những bức thư sống.
Dựa trên câu trong sách Khải Thị nói rằng Christ là Al-pha và Ô-mê-ga, chúng ta cũng có thể nói rằng Ngài là tất cả những mẫu tự của bảng chữ cái thiên thượng. Anh em có tin rằng Christ chỉ là hai mẫu tự mà không phải là những mẫu tự còn lại không? Không, Ngài cũng là tất cả những mẫu tự kia. Người nào sống Christ vì Hội thánh cũng đều biết Christ là al-pha, bê-ta, ga-ma, del-ta và mọi mẫu tự khác của bảng chữ cái thiên thượng.
GHI KHẮC ĐẤNG CHRIST VÀO TRONG CÁC THÁNH ĐỒ
Phao-lô cũng biết cách dùng máy đánh chữ thần thượng để viết Christ lên người khác. Hễ khi nào ở với các thánh đồ, ông luôn viết Christ lên họ. Phao-lô biết Christ cách tường tận. Ông cũng biết cách viết những bức thư sống của Christ. Nếu Phao-lô nói với anh em thời gian thì có lẽ một lượng Christ nào đó, có thể là một đoạn văn, sẽ được viết trong lòng anh em.
Trong 2 Cô-rin-tô chương 3, Phao-lô dùng từ “ghi khắc” để mô tả cách ông ông viết những bức thư sống của Christ. Việc viết này không chỉ viết Christ trên các thánh đồ mà là ghi khắc Christ vào trong họ. Trong chức vụ của tôi, tôi cũng cố gắng theo Phao-lô để ghi khắc Christ vào trong thánh đồ. Khát vọng của tôi không phải là chỉ để truyền đạy giáo lí. Thậm chí tôi không thích nói về việc là một linh với Chuá theo cách giáo lí. Đúng ra, tôi quan tâm đến việc viết Christ trong sự sống. Khi đó các thánh đồ sẽ không chỉ nhận được tri thức về giáo lí mà còn thật sự được ghi khắc Đấng Christ trong lòng họ.
Giả sử một anh em học giáo lí rằng anh là một linh với Chuá. Nhưng giáo lí này không giúp ích cho anh trong mối quan hệ của anh với vợ mình. Tuy nhiên, nếu một anh em nào đó để cho Christ ghi khắc vào bên trong thì anh em đó sẽ kinh nghiệm việc là một linh với Chuá trong đời sống hôn nhân. Đây là bằng chứng cho thấy rằng anh đã được giúp đỡ bởi chức vụ ghi khắc Christ vào trong bản thể anh.
Phao-lô, một gương mẫu của việc sống Christ vì Hội thánh, đã được làm cho thành thạo, có khả năng, có đủ tiêu chuẩn để viết những bức thư sống. Phẩm chất của ông thuộc về Christ và cũng thuộc về tất cả những gì Christ là. Trong việc viết thư thuộc linh của Phao-lô, Christ chính là mẫu tự, từ ngữ, câu cú, đoạn văn và chương.
Việc ghi khắc Christ vào trong người khác là phương diện sâu hơn của việc sống Christ vì Hội thánh.
Mối quan tâm của tôi không chỉ là sống Christ mà còn ghi khắc Christ vào trong thánh đồ. Việc ghi khắc Christ này vào trong người khác không chỉ là công tác của tôi. Đó là vì Hội thánh để sự quản trị của Đức Chúa Trời có thể được thực hiện và mục đích đời đời của Ngài có thể được hoàn thành.
Sự khôi phục của Chuá có một tương lai đầy hứa hẹn. Tương lai sáng ngời vì Christ là mọi mẫu tự của bảng chữ cái thiên thượng. Tôi tin rằng trong những năm sắp đến, Chuá sẽ dùng nhiều thánh đồ để ghi khắc Christ vào trong người khác. Các thánh đồ này sẽ không rao giảng phúc âm chỉ theo cách giáo lí; họ sẽ viết Christ vào trong bản thể bề trong của người khác. Những người nghe rao giảng phúc âm như thế không thể nhớ tất cả những điểm giáo lí, nhưng họ sẽ không thể xoá Christ, tức Đấng đã được viết vào trong họ.
Chúng ta cũng có thể quên nhiều bài đã nghe. Tuy nhiên, Christ đã được ghi khắc vào trong chúng ta, và Ngài vẫn cứ ở trong bản thể chúng ta. Dù anh em phản loạn chống lại Chuá, anh em cũng không thể lấy đi những gì đã được ghi khắc về Christ vào trong anh em. Một số người viết thư cho tôi nói rằng họ không thể quên Christ mà tôi đã cung ứng cho họ. Cho dù họ không đồng ý với tôi trong những vấn đề nào đó nhưng họ vẫn đánh giá cao việc tôi cung ứng Christ cho họ. Điều này chứng minh rằng chúng ta không thể xoá Christ, tức Đấng đã được ghi khắc vào trong bản thể chúng ta.
Tôn giáo là vấn đề giáo lí suông chứ không phải vấn đề kinh nghiệm Christ. Nhiều người vẫn còn bàn cãi về giáo lí. Nhưng trong sự khôi phục của Chuá, chúng ta quan tâm đến Christ một cách sâu sắc chứ không hời hợt. Chúng ta muốn đi sâu hơn lớp “lông” và “da” để chạm đến “thịt” của Christ, để kinh nghiệm Christ như những điều sâu nhiệm của Đức Chúa Trời làm phần hưởng của chúng ta.
Tôi đến đất nước này với một gánh nặng tích cực là viết Christ vào trong người khác. Không phải chỉ có tội nhân mới cần Christ được viết trên họ mà ngay cả mục sư, thần học gia, và giáo sư càng cần Christ được viết vào trong bản thể họ nhiều hơn. Một số người đã dành nhiều thời gian để đạt được kiến thức hàn lâm, nhưng họ không có nhiều Christ được viết vào trong họ. Một số người có kiến thức thấu đáo về tiếng Hy Lạp; tuy nhiên, họ không kinh nghiệm Christ là tất cả những mẫu tự của bảng chữ cái thiên thượng.
NHỮNG BỨC THƯ CỦA CHRIST ĐƯỢC NGƯỜI KHÁC ĐỌC
Một mặt, chúng ta nên tìm cách để viết Christ lên người khác; mặt khác, chúng ta là những mẫu tự sống của Christ, những bức thư sống, và người khác có thể đọc Christ, là Đấng đã được ghi khắc vào trong chúng ta. Hỡi người trẻ, khi anh em đến thăm cha mẹ mình thì đừng quên rằng cha mẹ đang đọc Christ, Đấng đã được viết vào trong anh em. Họ có thể đọc anh em theo cách bí mật, không để anh em biết rằng đang đọc anh em. Một số người có thể chống đối anh em và phê bình nếp sống Hội thánh trong sự khôi phục của Chuá. Tôi khích lệ anh em không nên bị phiền lòng bởi loại chống đối hay phê bình này. Thay vì bị xúc phạm hay nhụt chí, anh em cần nhận thức rằng cha mẹ anh em đang đọc Christ, là Đấng đã được ghi khắc vào trong anh em. Đôi khi chống đối là một dấu hiệu cho thấy rằng người khác đang đọc chúng ta.
Tôi biết nhiều trường hợp về cha mẹ là những người cuối cùng rồi cũng quay lại với sự khôi phục của Chuá vì những gì họ đọc được về Christ trong con cái mình. Một người cha có thể ăn năn, khóc lóc trước mặt con trai và nói: “Con ơi, cha xin lỗi vì cách cha đã xúc phạm con. Nhiều năm qua, cha đã chống đối con và thậm chí quở trách con. Nhưng lúc nào cha cũng đọc con. Cha phải thừa nhận rằng cha thấy điều gì đó trong con. Điều mà cha đã nhìn thấy trong con bây giờ làm cho cha khóc trước mặt con và trước mặt Chuá. Cha muốn đi với con đến một buổi nhóm Hội thánh”. Những bậc phụ huynh đã từng chống đối con cái mình, có thể về sau sẽ bước vào trong nếp sống Hội thánh. Cần nhiều thời gian để một người trẻ triển lãm Christ, là Đấng được viết vào trong họ trước mặt cha mẹ mình. Nhưng sau một thời gian, cha mẹ sẽ được thuyết phục về tính đích thực của kinh nghiệm này về Đấng Christ.
Hỡi người trẻ, khi về thăm cha mẹ mình, anh em nên triễn lãm Christ cho họ, nhưng không nên trình diễn. Anh em cũng không nên cố gắng bảo vệ sự khôi phục của Chuá bằng cách tranh cãi với cha mẹ hoặc bằng cách nói rằng mình biết nhiều điều. Anh em như thế nào thì hãy như vậy. Trong 1 Cô-rin-tô 15:10, Phao-lô nói: “Nhưng tôi nay là người thể nào, ấy là nhờ ân điển của Đức Chúa Trời”. Khi anh em về thăm cha mẹ mình thì anh em như thế nào, hãy như thế ấy bởi ân điển của Đức Chúa Trời. Christ đã được ghi khắc vào trong anh em. Người khác sẽ được thuyết phục không phải bởi sự trình diễn của anh em, nhưng bởi những gì anh em là. Những gì một người trẻ là trong bản thể mình sẽ thuyết phục cha mẹ họ cách đặc biệt, vì cha mẹ nào cũng muốn nhìn thấy những điều tốt đẹp trong con cái mình. Cuối cùng, nếu anh em tiếp tục để Christ được viết trên anh em và biểu lộ Christ này cho cha mẹ mình thì họ sẽ được thuyết phục và thậm chí có thể quyết định theo anh em vào trong nếp sống Hội thánh.
Vấn đề quan trọng là Christ được ghi khắc vào trong chúng ta. Christ càng được viết vào trong bản thể chúng ta, người khác càng có thể đọc Ngài trong chúng ta.
--